Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ VĂN HOÁ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 570-VH/QĐ | Hà Nội, ngày 24 tháng 10 năm 1961 |
VỀ VIỆC THÀNH LẬP NHÀ IN VÀ ĐĂNG KÝ CÁC PHƯƠNG TIỆN IN
BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA
Căn cứ Điều lệ số 489/TTg ngày 30-03-1955 của Phủ Thủ tướng về việc đăng ký các loại kinh doanh công thương nghiệp.
Căn cứ Thông tư số 577/TTg ngày 11-07-1956 của Phủ Thủ tướng về phân công đăng ký các loại kinh doanh công thương nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 609/TTg ngày 04-11-1955 của Phủ Thủ tướng về việc cho phép kinh doanh và đăng ký công thương nghiệp;
Căn cứ Thông tư số 114/TTg ngày 24-05-1960 của Phủ Thủ tướng về việc phân công trách nhiệm cho các Bộ ở Trung ương quản lý các ngành công thương nghiệp tư doanh sau khi đã cải tạo theo hình thức công tư hợp doanh;
Căn cứ Nghị định số 884/VH-NĐ ngày 18-07-1957 của Bộ Văn hóa về việc đăng ký nhà in;
Sau khi thỏa thuận với Bộ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công an và được sự đồng ý của Phủ Thủ tướng.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. – Tất cả các nhà in thuộc các cơ quan chính quyền, đoàn thể, quân đội, tôn giáo, quốc doanh, công tư hợp doanh, hợp tác xã hay tư nhân in bằng máy, in đá, in bản kẽm, nhà đúc chữ, cơ sở làm ảnh kẽm, in bản gỗ, in ronéo thuê, thành lập trước ngày ban hành quyết định này đều phải đăng ký lại.
Ở Hà nội, Hải Phòng tại Sở Văn hóa thành phố.
Ở khu Hồng quảng, khu tự trị Thái Mèo, khu tự trị Việt Bắc, tại Sở Văn hóa khu.
Ở các địa phương tại các Ty văn hóa tỉnh.
Ở Hà Nội việc đăng ký các nhà in, in bằng máy, in đá, in bản kẽm, in gỗ, cơ sở làm bản kẽm, nhà đúc chữ, in ronéo thuê do Sở Văn hóa Hà Nội phụ trách, còn việc cho phép thành lập nhà in Bộ ủy nhiệm Cục xuất bản trực tiếp cho phép và cấp giấy, việc đăng ký các nhà in thuộc các bộ, các ngành ở trung ương do Cục xuất bản phụ trách.
Điều 2. – Cục Xuất bản thuộc Bộ văn hóa được ủy nhiệm quản lý việc đăng ký nhà in trong phạm vi toàn quốc.
Điều 3. – Khi đăng ký, các cơ quan trực tiếp quản lý nhà in phải nộp những giấy tờ sau đây:
- Tờ khai lý lịch về nhà in, cơ quan quản lý nhà in, hệ thống tổ chức, thiết bị, tình hình địa điểm nhà in, đặc điểm về sản xuất của nhà in.
- Tờ khai toàn bộ máy móc, dụng cụ, tài sản của nhà in, kể cả vốn, tình hình và nguồn công việc tình hình sản xuất, những yêu cầu cần giải quyết để tận dụng khả năng máy móc, năng suất lao động hoặc để phát triển nhà in nếu cần, số lượng cán bộ và công nhân viên hiện có, các bản mẫu chữ.
- Mỗi tờ khai nộp 3 bản, riêng tờ khai về toàn bộ máy móc, chữ và quyển các mẫu chữ nộp 4 bản.
Điều 4. – Các Sở, Ty văn hóa làm bản kê khai tổng hợp đăng ký kể cả các nhà in trực thuộc Sở, Ty văn hóa gửi lên Cục xuất bản kèm theo các tờ khai của các nhà in những loại nói trên mỗi tờ khai 2 bản, riêng tờ khai toàn bộ máy móc, chữ và quyển mẫu chữ thì 3 bản.
Điều 5. – Sau khi được đăng ký nếu nhà in có sự thay đổi như sát nhập, thuyên chuyển, thiết bị thêm máy móc, dụng cụ và chữ có ảnh hưởng đến sự phát triển và thu hẹp sản xuất đều phải báo cáo lên cơ quan cấp giấy đăng ký biết. Hàng năm vào cuối quý 4, nhà in báo cáo lên cơ quan cấp giấy đăng ký biết tình hình về việc tăng, giảm thiết bị, cán bộ, công nhân và tình hình sản xuất. Mỗi khi bổ sung thêm kiểu chữ mới phải gửi 4 bản mẫu chữ về Sở, Ty văn hóa và Cục Xuất bản để lưu chiểu.
Điều 6. – Từ sau khi ban hành quyết định này, tất cả các cơ quan chính quyền, đoàn thể, quân đội, tôn giáo và các ngành thuộc trung ương muốn thành lập nhà in đều phải xin phép Cục xuất bản. Ở các địa phương và Hà Nội, đơn xin phép phải gửi qua Sở, Ty văn hóa.
Điều 7. – Cá nhân không được quyền xin phép thành lập nhà in.
Điều 8. – Điều kiện để có thể xin phép thành lập nhà in là:
a) Cơ quan đoàn thể cần in những tài liệu riêng không thể đưa ra ngoài cho các nhà in thuộc Bộ Văn hóa hay các Sở, Ty văn hóa và các nhà in quốc doanh khác in được vì phải giữ bí mật tài liệu hoặc không có khả năng in vì thiết bị không thích hợp.
b) Cơ quan đoàn thể cần in những tài liệu cấp thiết hàng ngày đưa ra nhà in ngoài không thể bảo đảm thời gian tính.
Trong cả 2 trường hợp trên, nguồn công việc cần in đều phải phù hợp với thiết bị và công nhân định tổ chức.
Điều 9. – Đơn xin thành lập nhà in phải do cơ quan quản lý trực tiếp đứng tên, được sự chấp thuận của cơ quan chủ quản cấp trên, đơn xin phải nói rõ lý do và yêu cầu thành lập nhà in kèm theo các giấy tờ sau đây:
a) Nguồn công việc, số lượng công việc, kế hoạch sản xuất hàng năm (tính theo đơn vị trang khổ 13 x 19) số lượng các loại giấy cần thiết, thời gian cần bắt đầu hoạt động.
b) Số lượng và quy cách máy móc thiết bị, kế hoạch sắm thiết bị, dụng cụ, nguồn gốc và số vốn cố định, vốn luân chuyển của nhà in.
c) Kế hoạch đào tạo hoặc xin công nhân.
Điều 10. – Sau khi được phép thành lập, cơ quan đứng xin mới được thực hiện các điểm b, c ở điều 9 quyết định này.
Điều 11. – Sau khi thành lập, nhà in phải hoạt động theo đúng như điểm a ở điều 9 quyết định này. Nếu vì lý do bất thường không sử dụng hết công suất máy móc, năng suất, công nhân nhà in, cần báo cáo cho Cục Xuất bản biết để điều chỉnh công việc in. Nhà in không được tự động đi đến các cơ quan khác để nhận việc in .
Điều 12. – Tất cả ấn loát phẩm các nhà in đều phải đề tên nhà in, số lượng, khuôn khổ, số xuất bản (nếu là sách) ngày hoàn thành in.
Điều 13. – Sau khi được thành lập, nhà in phải thi hành điều 5 trong quyết định này như các nhà in khác.
Mẫu thống nhất bản khai đăng ký, giấy phép kinh doanh và tờ khai lưu chiểu ấn phẩm do cơ quan đăng ký phổ biến.
Điều 15. – Những nhà in, in bằng máy, in đá, in bản kẽm, in gỗ, nhà đúc chữ bằng máy bay thủ công, làm ảnh kẽm và in ronéo thuê đang hoạt động đều phải làm thủ tục đăng ký trong hạn 30 ngày kể từ khi ban hành quyết định này.
Điều 16. – Các cơ quan hay tư nhân có máy in chữ in và các phương tiện dụng cụ in khác không sử dụng cũng đều phải thực hiện các điều 1, 2, 3, 4, 15 của quyết định này.
Điều 17. – Những nhà in, đúc chữ, làm ảnh kẽm và in ronéo thuê nào làm trái với những điều trong quyết định này sẽ tùy trường hợp nhẹ hay nặng phê bình, cảnh cáo, đóng cửa tạm thời hay đóng của vĩnh viễn hoặc truy tố trước pháp luật.
Điều 18. – Quyết định này thay thế cho nghị định số 884-VH/NĐ ngày 18-07-1957 của Bộ Văn hóa.
Điều 19. – Ủy ban hành chính các khu, tỉnh, thành phố, ông Cục trưởng Cục xuất bản, các ông giám đốc và trưởng ty các Sở, Ty văn hóa chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
| K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA |
Quyết định 570-VH/QĐ năm 1961 thành lập nhà in và đăng ký các phương tiện in do Bộ trưởng Bộ Văn Hoá ban hành.
- Số hiệu: 570-VH/QĐ
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 24/10/1961
- Nơi ban hành: Bộ Văn hoá
- Người ký: Nguyễn Đức Quỳ
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 45
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra