Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 570/QĐ-TCTK | Hà Nội, ngày 25 tháng 7 năm 2018 |
VỀ VIỆC BAN HÀNH CÁC PHƯƠNG ÁN ĐIỀU TRA NÔNG NGHIỆP VÀ THỦY SẢN
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THỐNG KÊ
Căn cứ Luật Thống kê ngày 23 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Quyết định số 54/2010/QĐ-TTg ngày 24 tháng 8 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thống kê trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Quyết định số 65/2013/QĐ-TTg ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điểm a Khoản 1 Điều 3 Quyết định số 54/2010/QĐ-TTg ngày 24 tháng 8 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thống kê trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
Căn cứ Quyết định số 43/2016/QĐ-TTg ngày 17 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Chương trình điều tra thống kê quốc gia;
Căn cứ Quyết định số 1793/QĐ-BKHĐT ngày 12 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về ủy quyền cho Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê ký quyết định tiến hành điều tra thống kê được phân công trong Chương trình điều tra thống kê quốc gia;
Căn cứ Quyết định số 372/QĐ-TCTK ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê về việc ban hành Kế hoạch điều tra thống kê năm 2019 của Tổng cục Thống kê;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Thống kê Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành các phương án điều tra:
(1) Phương án điều tra diện tích gieo trồng cây nông nghiệp;
(2) Phương án điều tra năng suất, sản lượng lúa;
(3) Phương án điều tra năng suất, sản lượng các loại cây hàng năm khác;
(4) Phương án điều tra diện tích, sản lượng cây lâu năm;
(5) Phương án điều tra chăn nuôi;
(6) Phương án điều tra thủy sản.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế các quyết định ban hành phương án, văn bản hướng dẫn đối với các cuộc điều tra nêu trên đã ban hành trước đây.
Điều 3. Vụ trưởng Vụ Thống kê Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản, Vụ trưởng Vụ Phương pháp chế độ Thống kê và Công nghệ thông tin, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Chánh văn phòng Tổng cục Thống kê, Cục trưởng cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TỔNG CỤC TRƯỞNG |
(Ban hành theo Quyết định số 570/QĐ-TCTK ngày 25 tháng 7 năm 2018 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê)
1. Mục đích, yêu cầu điều tra
1.1 Mục đích điều tra
Cuộc điều tra thu thập thông tin cơ bản phản ánh kết quả hoạt động sản xuất chăn nuôi trên phạm vi cả nước nhằm phục vụ việc tính toán các chỉ tiêu thống kê quốc gia, chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh của ngành chăn nuôi; đáp ứng yêu cầu quản lý, lập kế hoạch, quy hoạch, hoạch định các chính sách phát triển sản xuất chăn nuôi của các cấp, các ngành và nhu cầu thông tin của các đối tượng dùng tin.
1.2. Yêu cầu điều tra
Công tác tổ chức, thu thập thông tin, xử lý thông tin, tổng hợp, công bố và lưu trữ dữ liệu cuộc điều tra phải thực hiện nghiêm túc, theo đúng quy định của phương án.
Kết quả điều tra phải phản ánh đầy đủ, khách quan, kịp thời, chính xác tình hình, kết quả sản xuất chăn nuôi trên phạm vi cả nước.
2. Phạm vi, đối tượng, đơn vị điều tra
2.1. Phạm vi điều tra
Cuộc điều tra thực hiện ở tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh) thuộc các loại hình kinh tế.
2.2. Đối tượng điều tra
Đối tượng điều tra là trâu, bò, lợn, gà, vịt, ngan và một số vật nuôi khác (ngựa, dê, cừu,...) là gia súc, gia cầm chăn nuôi của các loại hình kinh tế.
2.3. Đơn vị điều tra
- Doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức chăn nuôi khác;
- Hộ chăn nuôi quy mô nhỏ và quy mô trang trại;
- Thôn, ấp, bản, tổ dân phố (sau đây gọi chung là thôn) có hoạt động chăn nuôi trâu, bò và vật nuôi khác (không bao gồm lợn, gà, vịt, ngan).
3. Loại điều tra
Điều tra chăn nuôi gồm điều tra toàn bộ và điều tra mẫu
3.1. Điều tra toàn bộ
Gồm các đơn vị sau:
- Doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức chăn nuôi khác;
- Thôn có chăn nuôi trâu, bò và vật nuôi khác;
- Hộ chăn nuôi quy mô lớn, bao gồm: hộ nuôi lợn quy mô từ 300 con trở lên; hộ nuôi trâu quy mô từ 3 0 con trở lên; hộ nuôi bò sữa quy mô từ 20 con trở lên; hộ nuôi bò khác quy mô từ 30 con trở lên; hộ nuôi gà quy mô từ 4000 con trở lên; hộ nuôi vịt quy mô từ 2000 con trở lên; hộ nuôi ngan quy mô từ 500 con trở lên.
3.2. Điều tra chọn mẫu
Điều tra chọn mẫu áp dụng đối với các hộ chăn nuôi có quy mô nhỏ hơn quy mô nuôi đề cập ở mục 3.1 và hộ nuôi vật nuôi đặc thù, bao gồm: các hộ nuôi trâu, bò, lợn, gà, vịt; các hộ nuôi vật nuôi đặc thù (ngoài trâu, bò, lợn, gà, vịt, ngan).
(Quy mô mẫu và phương pháp chọn mẫu trình bày chi tiết trong Phụ lục I)
4. Thời điểm, thời gian và phương pháp điều tra
4.1. Thời điểm điều tra
Thời điểm điều tra là 0h của ngày đầu tiên các quý, gồm: ngày 01 tháng Một; ngày 01 tháng Tư; ngày 01 tháng Bảy; ngày 01 tháng Mười.
4.2. Thời kỳ thu thập thông tin
(1) Đối với thông tin về lợn, gà, vịt, ngan
- Số liệu thời điểm: Tại thời điểm 0h của ngày đầu tiên các quý, gồm: ngày 01 tháng Một; ngày 01 tháng Tư; ngày 01 tháng Bảy; ngày 01 tháng Mười của năm điều tra.
- Số liệu thời kỳ: Số phát sinh thực tế trong 03 tháng trước thời điểm điều tra.
(2) Đối với thông tin về trâu, bò và vật nuôi khác
- Số liệu thời điểm: Tại thời điểm 0h của ngày 01 tháng Một năm điều tra.
- Số liệu thời kỳ: Số phát sinh thực tế trong 12 tháng trước thời điểm điều tra, từ ngày 01/01 đến 31/12 năm trước năm điều tra.
4.3. Thời gian điều tra
Thời gian tiến hành điều tra: 15 ngày, bắt đầu từ thời điểm điều tra.
4.4. Phương pháp điều tra
Áp dụng hai phương pháp dưới đây để thu thập thông tin:
a) Thu thập số liệu trực tiếp
Điều tra viên đến từng hộ được chọn (hộ điều tra mẫu và hộ điều tra toàn bộ), thực hiện phỏng vấn trực tiếp người nắm được thông tin về chăn nuôi của hộ để ghi vào phiếu điều tra.
b) Thu thập số liệu gián tiếp
- Đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức chăn nuôi khác: Cán bộ Chi cục Thống kê địa phương hướng dẫn đơn vị điều tra ghi và hoàn thiện phiếu điều tra; lãnh đạo đơn vị duyệt, ký, đóng dấu và gửi phiếu điều tra về Chi cục Thống kê.
- Đối với địa bàn mẫu lập bảng kê hộ chăn nuôi lợn, gà, vịt, ngan: Trưởng thôn hoặc người được phân công ghi thông tin vào bảng kê căn cứ tình hình thực tế chăn nuôi của các hộ trên địa bàn điều tra. Trường hợp không nắm rõ thông tin của hộ, trưởng thôn hoặc người được phân công phải phải đến hộ xác minh và ghi thông tin vào bảng kê.
- Đối với thôn điều tra chăn nuôi trâu, bò và vật nuôi khác: Trưởng thôn hoặc người được phân công ghi phiếu điều tra căn cứ vào tài liệu, sổ sách hiện có và tình hình chăn nuôi thực tế của các hộ trên địa bàn thôn.
5. Nội dung, phiếu điều tra
5.1. Nội dung điều tra
Cuộc điều tra thu thập các thông tin: Số lượng vật nuôi tại thời điểm điều tra; Sản lượng sản phẩm chăn nuôi sản xuất trong kỳ điều tra; Doanh thu bán sản phẩm chăn nuôi trong kỳ điều tra.
5.2 Phiếu điều tra
Có 07 loại phiếu điều tra được sử dụng trong cuộc điều tra này, bao gồm:
- Phiếu số 01-Q/ĐTCN-DN, HTX: Phiếu thu thập thông tin về hoạt động chăn nuôi lợn, gà, vịt, ngan của doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức chăn nuôi khác (áp dụng cho kỳ điều tra ngày 01 tháng 1; ngày 01 tháng 4; ngày 01 tháng 7; ngày 01 tháng 10);
- Phiếu số 02-Q/ĐTCN-HO: Phiếu thu thập thông tin về hoạt động chăn nuôi lợn của hộ (áp dụng cho kỳ điều tra ngày 01 tháng 1; ngày 01 tháng 4; ngày 01 tháng 7; ngày 01 tháng 10);
- Phiếu số 03-Q/ĐTCN-HO: Phiếu thu thập thông tin về hoạt động chăn nuôi gia cầm (gà, vịt, ngan) của hộ (áp dụng cho kỳ điều tra ngày 01 tháng 1; ngày 01 tháng 4; ngày 01 tháng 7; ngày 01 tháng 10);
- Phiếu số 04-N/ĐTCN-THON: Phiếu thu thập thông tin về hoạt động chăn nuôi trâu, bò và vật nuôi khác của hộ trên địa bàn thôn (áp dụng cho kỳ điều tra ngày 01 tháng 1);
- Phiếu số 05-N/ĐTCN-DN,HTX: Phiếu thu thập thông tin về hoạt động chăn nuôi trâu, bò và vật nuôi khác của doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác (áp dụng cho kỳ điều tra ngày 01 tháng 1);
- Phiếu số 06-N/ĐTCN-HO: Phiếu thu thập thông tin về sản lượng sản phẩm chăn nuôi trâu, bò của hộ (áp dụng cho kỳ điều tra ngày 01 tháng 1);
- Phiếu số 07-N/ĐTCN-HM: Phiếu thu thập thông tin về sản lượng sản phẩm chăn nuôi vật nuôi đặc thù của hộ mẫu (áp dụng cho kỳ điều tra ngày 01 tháng 1).
6. Phân loại thống kê sử dụng trong điều tra
Cuộc điều tra sử dụng các bảng phân loại sau:
(1) Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam ban hành theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06 tháng 7 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ;
(2) Danh mục các đơn vị hành chính Việt Nam ban hành theo Quyết định số 124/2004/QĐ-TTg ngày 08/07/2004 của Thủ tướng Chính phủ và được cập nhật đến thời điểm điều tra;
(3) Hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam ban hành theo Quyết định số 43/2018/QĐ-TTg ngày 01/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ (VCPA 2018) và được cập nhật theo Hệ thống phân ngành sản phẩm Việt Nam được ban hành mới nhất đến thời điểm điều tra.
7. Quy trình xử lý và biểu đầu ra của cuộc điều tra
7.1. Quy trình xử lý thông tin
Sau khi kết thúc giai đoạn thu thập thông tin, các loại phiếu điều tra được gửi về Chi cục Thống kê để kiểm tra, làm sạch, đánh mã. Cục Thống kê trực tiếp nghiệm thu số lượng, chất lượng theo từng loại phiếu điều tra.
Phiếu điều tra được nhập tin tại cơ quan Thống kê địa phương theo chương trình phần mềm thống nhất do Tổng cục Thống kê xây dựng.
Cục Thống kê gửi toàn bộ cơ sở dữ liệu điều tra, báo cáo phân tích, biểu tổng hợp về Tổng cục Thống kê.
7.2. Tổng hợp, suy rộng kết quả điều tra
- Tổng hợp và suy rộng đến cấp huyện đối với chỉ tiêu về số lượng đầu con có tại thời điểm điều tra;
- Tổng hợp và suy rộng đến cấp tỉnh đối với chỉ tiêu về sản lượng sản phẩm chăn nuôi thu trong kỳ điều tra.
7.2.1. Tổng hợp kết quả điều tra toàn bộ
- Tổng hợp số lượng và sản phẩm chăn nuôi trâu, bò, vật nuôi khác từ phiếu số 04-N/ĐTCN-THON; phiếu số 05-N/ĐTCN-DN, HTX và phiếu số 06- N/ĐTCN-HO đối với các hộ chăn nuôi quy mô lớn được điều tra toàn bộ quy định ở mục 3.1;
- Tổng hợp số lượng và sản phẩm chăn nuôi lợn, gà, vịt, ngan từ phiếu số 01-Q/ĐTCN-DN, HTX và phiếu số 02-Q/ĐTCN-HO, phiếu số 03-Q/ĐTCN-HO đối với các hộ chăn nuôi quy mô lớn được điều tra toàn bộ quy định ở mục 3.1.
7.2.2. Suy rộng kết quả điều tra mẫu
a) Suy rộng số đầu con từng loại vật nuôi
Số lượng vật nuôi được suy rộng đến cấp huyện theo từng loại vật nuôi: lợn, gà, vịt theo từng loại hộ điều tra mẫu (hộ nuôi lợn từ 1 đến 9, từ 10 đến 29; hộ nuôi gà dưới 50 con,....) tại thời điểm điều tra
Công thức tổng quát:
Số vật nuôi tại thời điểm điều tra | = | Số vật nuôi bình quân 1 hộ mẫu tại thời điểm điều tra | x | Tổng số hộ có chăn nuôi vật nuôi trong kỳ điều tra của toàn huyện | (1) |
Trong công thức (1):
- Số vật nuôi bình quân 1 hộ mẫu tại thời điểm điều tra được xác định theo công thức:
Số vật nuôi bình quân 1 hộ mẫu tại thời điểm điều tra | = | Số vật nuôi của các hộ mẫu tại thời điểm điều tra | : | Tổng số hộ mẫu | (2) |
- Tổng số hộ có chăn nuôi vật nuôi trong kỳ điều tra của toàn huyện được tổng hợp từ số hộ chăn nuôi trong kỳ của khu vực thành thị và nông thôn theo công thức dưới đây:
Tổng số hộ có chăn nuôi vật nuôi trong kỳ điều tra khu vực thành thị | = | Tổng số hộ có chăn nuôi trong kỳ điều tra của các địa bàn có chăn nuôi khu vực thành thị | x | Tỷ lệ hộ có chăn nuôi vật nuôi trong kỳ điều tra của các địa bàn mẫu (%) | (3) |
Trong công thức (3):
Tổng số hộ có chăn nuôi trong kỳ điều tra của các địa bàn có chăn nuôi khu vực thành thị được tính trên cơ sở báo cáo ước tính số hộ của các phường, thị trấn hoặc từ các nguồn điều tra khác của ngành Thống kê;
Tỷ lệ hộ có chăn nuôi vật nuôi trong kỳ điều tra của các địa bàn mẫu được tính trên cơ sở tổng số hộ có chăn nuôi vật nuôi trong kỳ điều tra tính đến thời điểm điều tra chia cho tổng số hộ có chăn nuôi của các địa bàn mẫu được chọn để lập bảng kê của huyện.
Tổng số hộ có chăn nuôi vật nuôi trong kỳ điều tra khu vực nông thôn | = | Tổng số hộ nông thôn trên địa bàn | x | Tỷ lệ hộ có chăn nuôi vật nuôi trong kỳ điều tra của các địa bàn mẫu (%) | (4) |
Trong công thức (4):
Tổng số hộ nông thôn trên địa bàn được tính trên cơ sở báo cáo ước tính số hộ của các xã hoặc từ các nguồn điều tra của ngành Thống kê;
Tỷ lệ hộ có chăn nuôi vật nuôi trong kỳ điều tra của các địa bàn mẫu được tính trên cơ sở tổng số hộ có chăn nuôi vật nuôi trong kỳ điều tra tính đến thời điểm điều tra chia cho tổng số hộ của các địa bàn mẫu được chọn để lập bảng kê của huyện.
Tỷ lệ hộ có chăn nuôi vật nuôi trong kỳ điều tra | = | Tổng số hộ có chăn nuôi loại vật nuôi của các địa bàn mẫu | : | Tổng số hộ của các địa bàn mẫu | (5) |
Do việc lập bảng kê các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ (Bảng kê số 01/BK-HO-CN) tại các địa bàn mẫu chỉ thực hiện vào kỳ điều tra ngày 01 tháng 1 nên quy ước: Số hộ có chăn nuôi vật nuôi trong kỳ tại thời điểm ngày 01 tháng 1 bằng (=) số hộ có chăn nuôi vật nuôi trong kỳ tại thời điểm ngày 01 tháng 4 bằng (=) số hộ có chăn nuôi vật nuôi trong kỳ tại thời điểm ngày 01 tháng 7 bằng (=) số hộ có chăn nuôi vật nuôi trong kỳ tại thời điểm ngày 01 tháng 10.
b) Suy rộng sản lượng sản phẩm chăn nuôi
(1) Suy rộng sản lượng thịt lợn, gà, vịt hơi xuất chuồng
Sản lượng thịt hơi được tính toán đối với các hộ theo từng nhóm quy mô nuôi vật nuôi tương ứng, ví dụ: hộ nuôi lợn từ 1 đến 9 con, 10 đến 29 con,.....
Công thức tổng quát:
Tổng trọng lượng thịt hơi thu được trong kỳ điều tra | = | Trọng lượng thịt hơi xuất chuồng bình quân 1 con vật nuôi của mẫu điều tra | x | Số vật nuôi xuất chuồng trong kỳ điều tra | (6) |
Trong công thức (6):
Trọng lượng thịt hơi xuất chuồng bình quân 1 con vật nuôi của mẫu điều tra | = | Tổng trọng lượng thịt hơi vật nuôi xuất chuồng của các hộ mẫu trong kỳ điều tra | : | Tổng số vật nuôi xuất chuồng của các hộ mẫu trong kỳ điều tra | (7) |
Số vật nuôi xuất chuồng trong kỳ điều tra | = | Số vật nuôi xuất chuồng bình quân một hộ mẫu trong kỳ điều tra | x | Tổng số hộ có chăn nuôi vật nuôi trong kỳ điều tra | (8) |
Tổng số hộ chăn nuôi vật nuôi trong kỳ điều tra được xác định là số hộ nuôi loại vật nuôi theo từng nhóm tương ứng, như: số hộ nuôi lợn quy mô từ 1 đến 9 con; số hộ nuôi gà quy mô dưới 50 con,.....
(2) Suy rộng sản lượng thịt trâu, bò hơi và vật nuôi đặc thù (ngoài lợn, gà, vịt, ngan) xuất chuồng
Tổng trọng lượng thịt hơi thu được trong kỳ điều tra | = | Trọng lượng thịt hơi xuất chuồng bình quân một vật nuôi | x | Tổng số vật nuôi xuất chuồng trong kỳ điều tra | (9) |
Trong đó:
Trọng lượng thịt hơi xuất chuồng bình quân một vật nuôi | = | Tổng trọng lượng thịt hơi vật nuôi xuất chuồng trong kỳ điều tra của các hộ mẫu | : | Tổng số vật nuôi xuất chuồng trong kỳ điều tra của các hộ mẫu | (10) |
Tổng số vật nuôi xuất chuồng trong kỳ điều tra | = | Tỷ lệ vật nuôi xuất chuồng của các hộ mẫu (%) | x | Tổng số vật nuôi hiện có | (11) |
Tỷ lệ vật nuôi xuất chuồng của các hộ mẫu (%) | = | ( | Tổng số vật nuôi xuất chuồng của các hộ mẫu | : | Tổng số vật nuôi hiện có của các hộ mẫu | ) | x 100 | (12) |
(3) Suy rộng sản lượng trứng, sữa
Tổng sản lượng sản phẩm thu được trong kỳ điều tra | = | Tổng sản lượng sản phẩm thu được bình quân 01 vật nuôi trong kỳ điều tra | x | Tổng số vật nuôi cho thu sản phẩm trong kỳ điều tra | (13) |
Trong công thức (13)
- Tổng sản lượng sản phẩm thu được bình quân 01 vật nuôi trong kỳ điều tra là số lượng trứng thu được bình quân một loại gia cầm đẻ trứng (gà đẻ trứng, vịt đẻ trứng,...), sản lượng sữa thu được bình quân một vật nuôi cho sữa (bò cái sữa,..)
- Tổng số vật nuôi cho thu sản phẩm trong kỳ điều tra là tổng số gà đẻ trứng, tổng số vịt đẻ trứng, tổng số bò cái sữa,...
d) Tổng hợp kết quả điều tra
(1) Tổng hợp số liệu về số đầu con vật nuôi
Tổng đàn, từng loại vật nuôi của toàn huyện/tỉnh | = | Tổng đàn từng loại vật nuôi từ điều tra toàn bộ |
| Tổng đàn từng loại vật nuôi suy rộng từ điều tra chọn mẫu | (14) |
(2) Tổng hợp số liệu về sản lượng sản phẩm từng loại vật nuôi
Sản lượng sản phẩm từng loại của toàn tỉnh | = | Sản lượng sản phẩm từng loại từ điều tra toàn bộ |
| Sản lượng sản phẩm từng loại thu được từ điều tra chọn mẫu | (15) |
7.3 Biểu đầu ra kết quả điều tra
Kết quả điều tra được tổng hợp thành các biểu số liệu, trình bày kết quả điều tra chăn nuôi theo từng kỳ điều tra và các biểu tổng hợp phục vụ báo cáo kết quả hoạt động chăn nuôi trên địa bàn toàn quốc và địa phương, bao gồm:
- Biểu số lượng vật nuôi tại thời điểm điều tra;
- Biểu sản lượng sản phẩm chăn nuôi trong kỳ điều tra;
- Giá bán sản phẩm bình quân của người sản xuất.
8. Kế hoạch tiến hành điều tra
Bước 1. Chuẩn bị điều tra
Thời gian thực hiện 30 ngày trước thời điểm điều tra, bao gồm các công việc:
- Bổ sung, sửa đổi phương án điều tra (nếu có);
- Hội nghị triển khai ở cấp tỉnh/huyện;
- Rà soát các đơn vị điều tra;
- In phiếu điều tra;
- Cập nhật hệ thống biểu đầu ra, chương trình phần mềm nhập tin, tổng hợp (nếu có).
Bước 2. Triển khai điều tra
Thời gian 20 ngày trước và sau thời điểm điều tra, bao gồm các công việc
- Lựa chọn điều tra viên, giám sát viên các cấp;
- Tập huấn điều tra viên, giám sát viên các cấp (nếu có);
- Thu thập thông tin tại địa bàn.
Bước 3. Nhập tin, xử lý tổng hợp số liệu
- Thời gian thực hiện: 20 ngày sau khi kết thúc thu thập số liệu;
- Nội dung thực hiện: Kiểm tra, làm sạch, đánh mã các phiếu điều tra; nghiệm thu số lượng và chất lượng phiếu điều tra; nhập tin số liệu điều tra; xử lý, kiểm tra số liệu nhập tin, tổng hợp số liệu, báo cáo giải trình và truyền kết quả nhập tin về Tổng cục Thống kê.
Bước 4. Tổng hợp, phân tích và công bố kết quả điều tra
Tổng cục Thống kê tổng hợp, phân tích và công bố kết quả của cuộc điều tra sau 15 ngày kể từ ngày nhận số liệu nhập tin từ các Cục Thống kê, cụ thể như sau: ngày 20 tháng 2 đối với kỳ điều tra ngày 01 tháng 1, ngày 20 tháng 5 đối với kỳ điều tra ngày 01 tháng 4, ngày 20 tháng 8 đối với kỳ điều tra ngày 01 tháng 7, ngày 20 tháng 11 đối với kỳ điều tra ngày 01 tháng 10.
9. Tổ chức điều tra
9.1. Cấp Trung ương
a) Vụ Thống kê Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển khai, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và nghiệm thu khối lượng, chất lượng phiếu điều tra, biểu tổng hợp của các Cục Thống kê thực hiện cuộc điều tra theo quy định của Phương án này.
b) Vụ Kế hoạch tài chính chủ trì và phối hợp với Vụ Thống kê Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản bảo đảm kinh phí điều tra; cấp phát, hướng dẫn định mức chi tiêu, quản lý, sử dụng nguồn kinh phí được cấp.
c) Vụ Pháp chế và Thanh tra thống kê hướng dẫn các Cục Thống kê và phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện kiểm tra, giám sát, thanh tra cuộc điều tra này.
d) Vụ Phương pháp chế độ Thống kê và Công nghệ thông tin chủ trì, phối hợp với Vụ Thống kê Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản lựa chọn đơn vị xây dựng phần mềm xử lý kết quả cuộc điều tra.
9.2. Cấp địa phương
Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê về việc triển khai thực hiện cuộc điều tra theo phương án, đảm bảo chất lượng thông tin thu thập, quản lý và sử dụng kinh phí điều tra đúng chế độ, hiệu quả.
Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường kiểm tra, giám sát nâng cao chất lượng thông tin; tiến hành phúc tra đối với những địa bàn và đơn vị có tăng, giảm đột biến về số lượng đầu con, sản lượng sản phẩm chăn nuôi hoặc có biểu hiện vi phạm phương pháp điều tra.
10. Kinh phí và các điều kiện vật chất cho điều tra
Kinh phí điều tra từ nguồn ngân sách Nhà nước do Tổng cục Thống kê phân bổ trong kinh phí điều tra thường xuyên để thực hiện những nội dung theo phương án điều tra. Việc quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí được thực hiện theo Thông tư số 109/2016/TT-BTC ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ Tài chính về quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống kê, Tổng điều tra thống kê quốc gia và các văn bản hướng dẫn của Tổng cục Thống kê.
Vụ trưởng Vụ Thống kê Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Chánh Văn phòng Tổng cục, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm quản lý và sử dụng nguồn kinh phí được phân bổ theo chế độ tài chính hiện hành, đảm bảo điều kiện để thực hiện tốt cuộc điều tra./.
- 1Quyết định 43/2018/QĐ-TTg về Hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Thông tư 11/2020/TT-BNNPTNT về Quy định kỹ thuật và định mức kinh tế - kỹ thuật cho hoạt động quy hoạch thủy lợi và điều tra cơ bản thủy lợi do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 3Quyết định 1354/QĐ-TCTK về điều tra giá sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản năm gốc 2020 do Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê ban hành
- 1Quyết định 124/2004/QĐ-TTg ban hành bảng danh mục và mã số các đơn vị hành chính Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 54/2010/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thống kê trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 65/2013/QĐ-TTg sửa đổi Quyết định 54/2010/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thống kê trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Luật thống kê 2015
- 5Thông tư 109/2016/TT-BTC quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện cuộc điều tra thống kê, Tổng điều tra thống kê quốc gia do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 6Quyết định 43/2016/QĐ-TTg về Chương trình điều tra thống kê quốc gia do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Quyết định 27/2018/QĐ-TTg về Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8Quyết định 43/2018/QĐ-TTg về Hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 9Thông tư 11/2020/TT-BNNPTNT về Quy định kỹ thuật và định mức kinh tế - kỹ thuật cho hoạt động quy hoạch thủy lợi và điều tra cơ bản thủy lợi do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 10Quyết định 1354/QĐ-TCTK về điều tra giá sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản năm gốc 2020 do Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê ban hành
Quyết định 570/QĐ-TCTK năm 2018 về các phương án điều tra nông nghiệp và thủy sản do Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê
- Số hiệu: 570/QĐ-TCTK
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 25/07/2018
- Nơi ban hành: Tổng cục Thống kê
- Người ký: Nguyễn Bích Lâm
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 25/07/2018
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra