- 1Luật giao thông đường bộ 2008
- 2Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 3Thông tư 12/2020/TT-BGTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 4Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô
- 5Nghị định 32/2019/NĐ-CP quy định về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên
- 6Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019
- 7Thông tư 54/2019/TT-BGTVT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 8Thông tư 02/2021/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư 12/2020/TT-BGTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ do Bộ Giao thông vận tải ban hành
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 57/2022/QĐ-UBND | Long An, ngày 16 tháng 9 năm 2022 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TỔ CHỨC QUẢN LÝ VÀ KHAI THÁC HOẠT ĐỘNG VẬN TẢI HÀNH KHÁCH CÔNG CỘNG BẰNG XE BUÝT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LONG AN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LONG AN
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13/11/2008;
Căn cứ nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ Quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên;
Căn cứ Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô;
Căn cứ Thông tư số 54/2019/TT-BGTVT ngày 31/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về báo hiệu đường bộ;
Căn cứ Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT ngày 29/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ;
Căn cứ Thông tư số 02/2021/TT-BGTVT ngày 04/02/2021 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT ngày 29/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ;
Theo đề nghị của Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 3267/TTr-SGTVT ngày 14/7/2022.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Quy định về tổ chức quản lý và khai thác hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Long An.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 30/9/2022.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các sở, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan thi hành quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
TỔ CHỨC QUẢN LÝ VÀ KHAI THÁC HOẠT ĐỘNG VẬN TẢI HÀNH KHÁCH CÔNG CỘNG BẰNG XE BUÝT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LONG AN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 57/2022/QĐ-UBND ngày 16/9/2022)
Chương I
CÁC QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định việc tổ chức quản lý, khai thác hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Long An.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc liên quan đến kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Long An.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt là các doanh nghiệp, hợp tác xã có Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trong đó có loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt theo tuyến cố định thì được phép tham gia đấu thầu hoặc đặt hàng khai thác tuyến xe buýt trong danh mục mạng lưới tuyến đã công bố.
2. Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt được quy định tại khoản 5, Điều 3 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 của Chính phủ Quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (sau đây viết tắt là Nghị định số 10/2020/NĐ-CP).
3. Tuyến xe buýt là tuyến vận tải hành khách bằng xe ô tô buýt theo tuyến cố định, có điểm đầu, điểm cuối và các điểm dừng đón trả khách theo quy định và phải được Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Sở Giao thông vận tải phê duyệt công bố mở tuyến.
4. Hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ vận tải hành khách bằng xe buýt được quy định tại khoản 1, Điều 31 Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT ngày 29/5/2020 của Bộ Giao thông vận tải Quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ (sau đây viết tắt là Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT).
5. Lựa chọn đơn vị khai thác tuyến là việc Sở Giao thông vận tải lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ vận tải hành khách bằng xe buýt thông qua hình thức đấu thầu hoặc đặt hàng.
6. Điểm trung chuyển khách đi xe buýt là nơi để đón, trả khách chung của các tuyến xe buýt hoặc là điểm tiếp chuyển hành khách giữa xe buýt và các loại phương thức vận tải khác.
7. Phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải được quy định tại khoản 19, Điều 3 Nghị định 10/2020/NĐ-CP.
8. Trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe được quy định tại khoản 20, Điều 3 Nghị định 10/2020/NĐ-CP.
9. Lệnh vận chuyển dùng để ghi chép, xác nhận thông tin về lịch trình chạy xe theo từng chuyến do đơn vị kinh doanh vận tải tự in, phát hành.
Chương II
QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC QUẢN LÝ VÀ KHAI THÁC HOẠT ĐỘNG VẬN TẢI HÀNH KHÁCH CÔNG CỘNG BẰNG XE BUÝT
Điều 4. Quy định về kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt
1. Thực hiện theo quy định tại khoản 1, Điều 5 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP.
2. Đơn vị được phép khai thác tuyến khi được Sở Giao thông vận tải lựa chọn theo quy định.
Điều 5. Quy định về mở tuyến, đóng tuyến xe buýt
1. Về công bố mở tuyến vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt
a) Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm xây dựng, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt danh mục các tuyến xe buýt mở mới của năm sau trước ngày 30/6 hàng năm.
b) Trường hợp thực hiện theo phương thức đặt hàng hoặc đấu thầu, Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm phê duyệt phương án thiết kế kỹ thuật của tuyến buýt mở mới để làm cơ sở xây dựng tiêu chí lựa chọn đơn vị khai thác tuyến.
c) Công bố mở tuyến vận tải hành khách bằng xe buýt thực hiện theo Điều 32 Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT.
2. Quy định về ngừng khai thác trên tuyến, đóng tuyến xe buýt; bổ sung thay thế xe buýt khai thác trên tuyến thực hiện theo Điều 34 Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT.
3. Lệnh vận chuyển: được thực hiện theo quy định tại khoản 6, Điều 30 Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT, cụ thể: “Lệnh vận chuyển do doanh nghiệp, hợp tác xã tự in theo mẫu quy định tại Phụ lục 6 ban hành kèm Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT”.
Điều 6. Quy định về phương tiện
1. Tiêu chuẩn xe buýt
a) Xe buýt tham gia hoạt động trên tuyến phải đáp ứng điều kiện theo khoản 2 Điều 5 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP.
b) Xe buýt phải được lắp camera giám sát trên xe theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP.
c) Đối với xe buýt phục vụ người khuyết tật phải đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật riêng được quy định tại Điều 14, Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ ban hành quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người khuyết tật.
2. Đặc điểm nhận dạng xe buýt
Thực hiện theo quy định tại khoản 4, Điều 29 Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5, 6, Điều 1 Thông tư số 02/2021/TT-BGTVT ngày 04/02/2021 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT.
Điều 7. Quy định về lái xe, nhân viên phục vụ
1. Đối với lái xe buýt
a) Tiêu chuẩn về tuổi và hạng giấy phép lái xe thực hiện theo quy định hiện hành.
b) Tiêu chuẩn về sức khỏe: phải đảm bảo đủ sức khỏe lái xe và thực hiện việc khám sức khỏe lái xe định kỳ theo đúng quy định.
c) Điều kiện về nhân thân: lái xe không phải là người đang trong thời gian bị cấm hành nghề theo quy định của pháp luật.
d) Việc tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ vận tải cho lái xe thực hiện theo quy định tại khoản 1, Điều 65 Luật Giao thông đường bộ ngày 13/11/2008.
đ) Thời gian làm việc của người lái xe ô tô buýt thực hiện theo quy định tại khoản 1, Điều 65 Luật Giao thông đường bộ ngày 13/11/2008.
2. Đối với nhân viên phục vụ trên xe buýt
a) Đáp ứng tiêu chuẩn về sức khỏe và độ tuổi theo quy định hiện hành.
b) Hoàn thành lớp tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ vận tải cho nhân viên phục vụ trên xe theo quy định.
c) Điều kiện về nhân thân: nhân viên phục vụ trên xe không phải là người đang trong thời gian bị cấm hoạt động theo quy định.
Điều 8. Quy định về vé và giá vé xe buýt
1. Vé xe buýt (gọi tắt là vé) là chứng từ của việc giao kết hợp đồng vận tải hành khách. Thực hiện vé điện tử (bao gồm các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt).
2. Vé có 02 loại: vé lượt và vé bán trước. Vé lượt là vé để hành khách sử dụng đi một lượt trên một tuyến xe buýt. Vé bán trước là vé để hành khách sử dụng đi lại thường xuyên trong một khoảng thời gian, trên một hoặc nhiều tuyến xe buýt.
3. Giá vé do đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện kê khai, niêm yết và in ấn theo quy định.
Điều 9. Quy định về điểm đầu cuối, điểm dừng xe buýt và các công trình hạ tầng phục vụ hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt
1. Điểm đầu, điểm cuối, điểm dừng và nhà chờ xe buýt thực hiện theo khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều 30 của Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT.
2. Ngoài việc tuân thủ các quy định tại khoản 1 Điều này, điểm đầu, điểm cuối, điểm dừng và nhà chờ xe buýt phải thỏa mãn các điều kiện sau:
a) Điểm dừng, nhà chờ xe buýt không được che chắn hoặc ảnh hưởng đến các biển báo, đèn tín hiệu giao thông, các trụ nước cứu hỏa, các công trình dành riêng cho người khuyết tật, các công trình ngầm của các ngành viễn thông, truyền thông, điện lực, cấp thoát nước, trước cổng và trong phạm vi 05 mét hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức.
b) Việc quảng cáo trên các nhà chờ xe buýt phải thực hiện đúng quy định của pháp luật hiện hành về quảng cáo.
3. Quy định vạch dừng xe buýt:
Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 54/2019/TT-BGTVT ngày 31/12/2019 của Bộ Giao thông vận tải ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2019/BGTVT (vạch 9.2); các loại phương tiện khác không được dừng, đỗ trong phạm vi vạch kẻ và trong khoảng cách 15 mét từ vị trí vạch về hai phía theo phương dọc đường.
4. Việc di dời điểm dừng xe buýt, nhà chờ xe buýt chỉ được thực hiện trong trường hợp để sửa chữa, mở rộng đường giao thông hoặc có sự thay đổi về tổ chức giao thông, sự thay đổi về lộ trình hoạt động của tuyến xe buýt làm cho điểm dừng xe buýt, nhà chờ xe buýt bị mất tác dụng hoặc khi có kiến nghị hợp lý của tổ chức, cá nhân liên quan.
Điều 10. Thời gian phục vụ và tần suất chạy xe
1. Thời gian xe buýt phục vụ và tần suất chạy xe trong ngày của từng tuyến được quy định trong biểu đồ chạy xe.
2. Doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia khai thác tuyến xe buýt phải thực hiện theo biểu đồ chạy xe để bố trí đúng loại xe chạy; xe buýt phải chạy đúng giờ, dừng đúng điểm dừng, nhà chờ theo biểu đồ chạy xe đã công bố.
Điều 11. Quy định về lựa chọn đơn vị cung ứng dịch vụ xe buýt
1. Đối với các tuyến xe buýt được Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định có trợ giá.
a) Việc đặt hàng khai thác các tuyến xe buýt chỉ thực hiện khi đáp ứng các quy định tại Điều 12 của Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ. Trường hợp không đáp ứng các quy định tại Điều 12 của Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ thì thực hiện theo hình thức đấu thầu.
b) Sở Giao thông vận tải thực hiện trình tự, thủ tục đặt hàng hoặc đấu thầu khai thác tuyến vận tải hành khách bằng xe buýt theo quy định tại Chương II của Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ.
2. Đối với các tuyến xe buýt không có trợ giá
a) Việc lựa chọn đơn vị khai thác tuyến được thực hiện dựa trên bảng tiêu chí đánh giá về mặt năng lực và điều kiện kinh doanh, bảng tiêu chí đánh giá về mặt kỹ thuật.
b) Sở Giao thông vận tải xây dựng tiêu chí, điều kiện lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và tổ chức thực hiện khi được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
3. Thời gian giao khai thác tuyến: Theo hợp đồng khai thác tuyến giữa Sở Giao thông vận tải và đơn vị được lựa chọn khai thác tuyến.
Điều 12. Công tác đảm bảo an toàn giao thông trong hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt
Công tác đảm bảo an toàn giao thông trong hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt được thực hiện theo quy định tại Điều 4, Điều 5, Điều 7 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT.
Chương III
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
Điều 13. Trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải
1. Thực hiện công tác quản lý vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt được quy định tại Điều 63 Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT.
2. Ngoài thực hiện theo khoản 1 nêu trên, Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm thực hiện:
a) Trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét phê duyệt: Tiêu chí, điều kiện lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt cho từng tuyến.
b) Quyết định danh mục, vị trí cụ thể của cơ sở hạ tầng mỗi tuyến xe buýt; quyết định chọn mẫu trạm dừng, nhà chờ; phê duyệt chủ trương đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cho xe buýt hoạt động.
c) Hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng nội quy khai thác tuyến xe buýt.
d) Thống nhất với Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố liên quan trong việc công bố mở, điều chỉnh, dừng hoạt động đối với tuyến xe buýt liền kề sau khi được sự chấp thuận của Ủy ban nhân dân tỉnh.
đ) Ban hành quy chế kiểm tra, giám sát hoạt động vận chuyển hành khách bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh.
e) Kiểm tra, yêu cầu các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư phương tiện, đúng tiêu chuẩn, đạt yêu cầu về chất lượng và tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác.
g) Tổ chức thực hiện lựa chọn doanh nghiệp, hợp tác xã khai thác tuyến. Ký hợp đồng khai thác tuyến với doanh nghiệp được lựa chọn. Trong hợp đồng phải thể hiện rõ phương án khai thác tuyến bao gồm: tên tuyến, số hiệu tuyến, nhãn hiệu xe, sức chứa của xe, giá vé, biểu đồ chạy xe trên tuyến, thời hạn hợp đồng.
Điều 14. Trách nhiệm của Sở Tài chính
Phối hợp với Sở Giao thông vận tải, tham mưu đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích, ưu đãi đối với hành khách đi lại bằng xe buýt và các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật hiện hành.
Điều 15. Trách nhiệm của Công an tỉnh
1. Chỉ đạo Phòng Cảnh sát giao thông và Công an các huyện, thành phố, thị xã tuần tra, kiểm soát, xử lý các trường hợp xe buýt vi phạm Luật Giao thông đường bộ và các quy định có liên quan trong hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt; chỉ đạo xử lý nghiêm các hành vi gây mất trật tự an toàn xã hội.
2. Chỉ đạo Phòng Cảnh sát giao thông phối hợp với Thanh tra Sở Giao thông vận tải tổ chức tuần tra, kiểm soát, kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp xe buýt vi phạm như: chạy quá tốc độ; không đóng cửa lên xuống khi xe đang chạy; dừng, đỗ xe, đón trả khách không đúng nơi quy định; để người lên xuống xe khi đang chạy xe; không chấp hành tín hiệu đèn; tránh vượt, xe chạy không đúng tuyến đường, lộ trình và các vi phạm khác theo quy định của pháp luật.
3. Kịp thời cung cấp thông tin cho Sở Giao thông vận tải đối với các trường hợp xử lý xe buýt vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Điều 16. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
1. Phối hợp với Sở Giao thông vận tải triển khai thực hiện quyết định này trên địa bàn quản lý.
2. Phối hợp với Sở Giao thông vận tải trong công tác tổ chức, quản lý hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
3. Căn cứ tình hình thực tế ở địa phương, thống nhất với Sở Giao thông vận tải bố trí, lắp đặt các nhà chờ, biển báo đón, trả khách trên các tuyến xe buýt.
4. Chỉ đạo các phòng chức năng của huyện, thành phố, thị xã; Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn giám sát, kiểm tra hoạt động vận chuyển khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn.
5. Thông tin kịp thời đến Sở Giao thông vận tải những vấn đề bức xúc mà xã hội quan tâm có liên quan đến hoạt động xe buýt trên địa bàn huyện, thành phố, thị xã.
Điều 17. Quyền hạn và trách nhiệm của đơn vị vận tải
Ngoài các quy định Nghị định số 10/2020/NĐ-CP và Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT, đơn vị vận tải có các trách nhiệm và quyền hạn sau:
1. Quyền hạn
a) Được tham gia các hình thức lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt do Sở Giao thông vận tải tổ chức.
b) Được quyền khiếu nại bằng văn bản các quyết định xử lý vi phạm hợp đồng đặt hàng, hợp đồng giao nhận thầu cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của Sở Giao thông vận tải.
c) Được đề xuất điều chỉnh thay đổi về hành trình, chỉ tiêu vận hành, biểu đồ chạy xe phù hợp với yêu cầu vận hành.
d) Được hưởng các quyền lợi trong chính sách ưu đãi chung của tỉnh Long An đối với hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt khi tham gia khai thác tuyến buýt đồng thời phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đối với Nhà nước theo quy định; Tham gia góp ý, xây dựng và đề xuất các cơ chế chính sách về hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
2. Trách nhiệm
a) Đăng ký tham gia hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt theo quy định.
b) Tổ chức thực hiện nghiêm các quy định về vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt. Chịu trách nhiệm chính về đảm bảo chất lượng vận chuyển cho hành khách theo các điều khoản của hợp đồng đặt hàng cung cấp dịch vụ vận tải hành khách đã ký kết. Chịu trách nhiệm nếu phương tiện, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe của đơn vị vận tải vi phạm các quy định về hoạt động xe buýt.
c) Phổ biến, hướng dẫn và thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở lái xe, nhân viên phục vụ trên xe buýt thực hiện đúng nội quy khai thác tuyến xe buýt. Cử nhân viên điều hành để đảm bảo hoạt động tuyến. Đăng ký mẫu thẻ tên và đồng phục của lái xe, nhân viên phục vụ trên xe theo quy định.
d) Căn cứ vào biểu đồ chạy xe được duyệt để bố trí đủ số lượng, đúng loại xe theo quy định; xe buýt phải chạy đúng giờ, dừng đúng điểm dừng, nhà chờ trên lộ trình tuyến đi qua.
3. Xây dựng nội quy khai thác tuyến xe buýt, thực hiện đúng hợp đồng khai thác tuyến đã ký kết với Sở Giao thông vận tải.
Điều 18. Quyền hạn và trách nhiệm của lái xe, nhân viên phục vụ trên xe buýt
Thực hiện theo quy định tại Điều 36 của Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT.
Điều 19. Quyền hạn và trách nhiệm của hành khách đi xe buýt
Thực hiện theo quy định tại Điều 37 của Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 20. Tổ chức thực hiện
1. Giao Sở Giao thông vận tải tổ chức triển khai thực hiện; thường xuyên theo dõi, tổng hợp và báo cáo định kỳ hàng năm về tình hình thực hiện quy định này về Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Căn cứ vào nhiệm vụ và trách nhiệm của đơn vị mình, các Sở, ban, ngành tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã, các tổ chức, đơn vị liên quan có trách nhiệm chủ trì hoặc phối hợp tổ chức thực hiện quy định này.
3. Giám đốc các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh triển khai quy định này đến nhân viên, người lao động của đơn vị biết và chịu trách nhiệm về thực hiện quy định này.
Trong quá trình thực hiện, nếu Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải có quy định mới hoặc thực tiễn có phát sinh vấn đề mới thì Sở Giao thông vận tải nghiên cứu bổ sung, thay đổi quy định này trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định điều chỉnh cho phù hợp./.
- 1Quyết định 04/2021/QĐ-UBND sửa đổi quy định tổ chức, quản lý hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa kèm theo Quyết định 23/2020/QĐ-UBND
- 2Quyết định 29/2021/QĐ-UBND về Quy chế quản lý hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố Hải Phòng
- 3Quyết định 34/2022/QĐ-UBND Quy định tổ chức, quản lý, khai thác hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố Hà Nội
- 4Quyết định 45/2023/QĐ-UBND bãi bỏ Quyết định 37/2013/QĐ-UBND về Quy định tổ chức, quản lý và khai thác vận tải hành khách bằng xe buýt trên địa bàn Thành phố Đà Nẵng
- 1Luật giao thông đường bộ 2008
- 2Nghị định 28/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật người khuyết tật
- 3Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 4Thông tư 12/2020/TT-BGTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 5Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô
- 6Nghị định 32/2019/NĐ-CP quy định về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên
- 7Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019
- 8Thông tư 54/2019/TT-BGTVT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 9Thông tư 02/2021/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư 12/2020/TT-BGTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 10Quyết định 04/2021/QĐ-UBND sửa đổi quy định tổ chức, quản lý hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa kèm theo Quyết định 23/2020/QĐ-UBND
- 11Quyết định 29/2021/QĐ-UBND về Quy chế quản lý hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố Hải Phòng
- 12Quyết định 34/2022/QĐ-UBND Quy định tổ chức, quản lý, khai thác hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố Hà Nội
- 13Quyết định 45/2023/QĐ-UBND bãi bỏ Quyết định 37/2013/QĐ-UBND về Quy định tổ chức, quản lý và khai thác vận tải hành khách bằng xe buýt trên địa bàn Thành phố Đà Nẵng
Quyết định 57/2022/QĐ-UBND Quy định tổ chức quản lý và khai thác hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Long An
- Số hiệu: 57/2022/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 16/09/2022
- Nơi ban hành: Tỉnh Long An
- Người ký: Nguyễn Minh Lâm
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 30/09/2022
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực