Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 565/QĐ-UBND

TP. Hồ Chí Minh, ngày 09 tháng 02 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHỔ CẬP GIÁO DỤC MẦM NON CHO TRẺ NĂM TUỔI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 09 tháng 02 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi giai đoạn 2010 - 2015;
Căn cứ Thông tư số 32/2010/TT.BGDĐT ngày 02 tháng 12 năm 2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình công nhận Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi;
Căn cứ Quyết định số 248/QĐ-BGDĐT ngày 12 tháng 01 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Kế hoạch triển khai Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 09 tháng 02 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi giai đoạn 2010 - 2015;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tại Công văn số 3127/SGDĐT-VP ngày 21 tháng 12 năm 2010,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Nay phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Thủ trưởng các cơ quan có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận -huyện, phường - xã, thị trấn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thủ tướng Chính phủ;
- Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND. TP;
- TTUB: CT, các PCT;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam TP;
- Các Đoàn thể thành phố;
- Các Sở - ngành thành phố;
- VPUB: Các PVP; các Phòng CV;
- Lưu:VT, (VX/Nh) H.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hứa Ngọc Thuận

 

ĐỀ ÁN

PHỔ CẬP GIÁO DỤC MẦM NON CHO TRẺ NĂM TUỔI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Phê duyệt kèm theo Quyết định số 565 /QĐ-UBND ngày 09 tháng 02 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố)

Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tình cảm thẩm mỹ của trẻ em Việt Nam. Trẻ được tiếp cận với giáo dục mầm non càng sớm, càng thúc đẩy quá trình học tập và phát triển của các giai đoạn tiếp theo. Chính những kỹ năng mà trẻ tiếp thu được qua chương trình giáo dục mầm non sẽ là nền tảng cho việc học tập sau này.

Thực hiện Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 09 tháng 02 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi giai đoạn 2010 - 2015 và căn cứ từ tình hình thực tiễn phát triển Giáo dục mầm non của thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Kế hoạch Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi giai đoạn 2010 - 2015 với những nội dung chính như sau:

Phần I

ĐIỀU KIỆN, TIÊU CHUẨN PHỔ CẬP MẦM NON CHO TRẺ NĂM TUỔI

I. Điều kiện phổ cập

1. Có đủ phòng học theo hướng kiên cố và đạt chuẩn theo quy định tại Điều lệ trường mầm non.

2. Trường, lớp được trang bị bộ thiết bị tối thiểu để thực hiện Chương trình giáo dục mầm non mới; trang bị thêm các bộ đồ chơi, phần mềm trò chơi ứng dụng công nghệ thông tin, làm quen với vi tính để học tập;

3. Có đủ giáo viên với trình độ đào tạo đạt chuẩn (trung cấp sư phạm mầm non) và trên chuẩn; giáo viên được hưởng thu nhập và các chế độ khác theo thang bảng lương và chế độ phụ trội làm thêm giờ dành cho giáo viên mầm non;

4. Trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định hiện hành, được chăm sóc giáo dục theo Chương trình giáo dục mầm non mới, tất cả trẻ em được chuẩn bị làm quen với chữ viết, làm quen chữ số trước khi vào lớp một.

II. Tiêu chuẩn phổ cập

1. Đối với phường, thị trấn:

1.1. Bảo đảm các điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất, tài liệu, trang thiết bị, đồ dùng đồ chơi trong các trường, lớp mầm non năm tuổi;

1.2. Huy động số trẻ em năm tuổi đến lớp đạt 98% trở lên, trong đó có ít nhất 90% số trẻ trong độ tuổi được học 2 buổi/ngày trong một năm học (9 tháng) theo chương trình giáo dục mầm non mới do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tại Thông tư số 17/2009/TT-BGDĐT ngày 25 tháng 7 năm 2009;

1.3. Bảo đảm có 90% trở lên trẻ năm tuổi hoàn thành Chương trình giáo dục mầm non (mẫu giáo 5 - 6 tuổi);

1.4. Tỷ lệ chuyên cần của trẻ: đạt từ 95% trở lên;

1.5. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân (cân nặng theo tuổi) và thấp còi (chiều cao theo tuổi) dưới 10%.

2. Đối với các xã:

2.1. Bảo đảm các điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất, tài liệu, trang thiết bị, đồ dùng đồ chơi trong các trường, lớp mầm non năm tuổi;

2.2. Huy động số trẻ em năm tuổi đến lớp đạt 95% trở lên, trong đó có ít nhất 85% số trẻ trong độ tuổi được học 2 buổi/ngày trong một năm học (9 tháng) theo chương trình giáo dục mầm non mới do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tại Thông tư số 17/2009/TT-BGDĐT ngày 25 tháng 7 năm 2009;

2.3. Bảo đảm có 85% trở lên trẻ năm tuổi hoàn thành Chương trình giáo dục mầm non (mẫu giáo 5 - 6 tuổi);

2.4. Tỷ lệ chuyên cần của trẻ: đạt từ 90% trở lên;

2.5. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân (cân nặng theo tuổi) và thấp còi (chiều cao theo tuổi) dưới 10%.

3. Đối với quận, huyện:

Bảo đảm 90% số xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phổ cập mầm non cho trẻ năm tuổi.

4. Đối với thành phố:

Bảo đảm 100% quận, huyện đạt tiêu chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi.

Phần II

KHÁI QUÁT THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC MẦM NON THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

I. Những kết quả đạt được

1. Phát triển mạng lưới trường lớp và quy mô:

1.1. Mạng lưới trường lớp mầm non được củng cố, mở rộng và phân bố đến hầu hết các địa bàn dân cư quận - huyện, đáp ứng phần lớn nhu cầu về chăm sóc, giáo dục trẻ trong độ tuổi mầm non. Cơ sở vật chất trường, lớp học mầm non được đầu tư cải thiện, nhiều phòng học được xây mới. Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia được hết sức quan tâm đầu tư. Công tác xã hội hóa hoạt động mầm non được đẩy mạnh, nhiều cá nhân và tổ chức trong và ngoài nước đã hỗ trợ xây dựng hoặc trực tiếp đầu tư phát triển trường mầm non.

Năm học 2010 - 2011, thành phố có 696 trường mầm non. Trong đó có 407 trường công lập, chiếm tỷ lệ 58,6%; 289 trường ngoài công lập chiếm tỷ lệ 41,4%. Ngoài ra còn 960 nhóm lớp nhà trẻ, mẫu giáo tư thục.

1.2. Quy mô giáo dục mầm non tại thành phố luôn phát triển, số trẻ đến lớp tăng nhanh. Năm học 2010 - 2011, tổng số trẻ đến trường, lớp là 262.354 cháu, trong đó số trẻ tuổi nhà trẻ đến lớp là 43.452 cháu, trẻ tuổi mẫu giáo đến lớp là 218.902 trẻ đạt 83,4%.

Riêng mầm non năm tuổi hiện có 2.183 lớp đang nuôi dạy 81.190 cháu, đạt 94,6 % số trẻ em trong độ tuổi. Trong đó trẻ năm tuổi học bán trú: 73.662 trẻ, đạt tỷ lệ 90,7% và 7.528 trẻ năm tuổi học 1 buổi, đạt tỷ lệ 9,3%.

2. Đội ngũ giáo viên:

Công tác bồi dưỡng và nâng cao phẩm chất, năng lực đội ngũ được quan tâm đẩy mạnh, nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Hầu hết giáo viên mầm non có phẩm chất đạo đức tốt, trách nhiệm, tận tụy với công việc, tâm huyết với nghề, sáng tạo trong công tác quản lý và trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ.

Hiện nay toàn thành phố có 14.609 giáo viên (Công lập: 8.422; Ngoài công lập: 6.187). Trong đó giáo viên đạt chuẩn: 13.892 tỷ lệ 95%, trong đó có 7.605 giáo viên trên chuẩn, tỷ lệ 52%.

Giáo viên mầm non dạy lớp năm tuổi là 3.863 giáo viên, 100% giáo viên đạt chuẩn.

II. Một số hạn chế, khó khăn

1. Về mạng lưới trường lớp và quy mô trẻ đến trường:

Mạng lưới trường lớp chưa đủ để huy động trẻ ra lớp đồng đều giữa các quận - huyện. Số lượng trường lớp công lập của thành phố chỉ đáp ứng việc thu nhận 70% tổng số trẻ năm tuổi, 30% còn lại học ở các trường tư thục. Riêng các quận mới số lượng trường công lập chỉ đáp ứng thu nhận dưới năm0%, các huyện ngoại thành còn nhiều điểm lẻ không đủ điều kiện tổ chức học 2 buổi/ngày. Hiện vẫn còn 12 phường, xã chưa có trường mầm non công lập. Các Khu Chế xuất và Công nghiệp chưa có trường mầm non phục vụ cho trẻ em là con của công nhân. Ở các huyện ngoại thành, tỷ lệ trẻ năm tuổi học 2 buổi/ngày còn thấp (huyện Cần Giờ 40,72%, huyện Nhà Bè 82,04%, huyện Củ Chi 49,02%, huyện Bình Chánh 60,54 %).

2. Về chất lượng chăm sóc giáo dục:

- Sự tăng dân số cơ học tại một số quận - huyện làm cho sĩ số trẻ trên lớp các trường mầm non công lập còn cao so với quy định, hạn chế thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non mới nhất là giáo dục cá thể.

- Khó khăn về trường lớp, trang thiết bị và đội ngũ giáo viên các lớp mẫu giáo ngoài công lập đã tạo ra sự phân cực về chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Chất lượng công tác chăm sóc giáo dục trẻ tại một số cơ sở mầm non ngoài công lập nhìn chung còn thấp, chất lượng và điều kiện sống của trẻ còn hạn chế nên việc chuẩn bị cho trẻ vào lớp một ở khu vực này chưa cao.

3. Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý:

- Các trường sư phạm trên địa bàn thành phố hàng năm số giáo viên mầm non ra trường chỉ đáp ứng nhu cầu của các trường mầm non khu vực công lập, do đó giáo viên khu vực trường, lớp mầm non tư thục thường được tuyển từ nhiều nguồn khác nhau nên chất lượng không đồng đều.

- Các trường, lớp mầm non tư thục giáo viên còn thiếu nên phải sử dụng nhân viên bảo mẫu thay thế giáo viên 2 ở một số lớp. Hiện nay có 2.398 bảo mẫu đang làm việc thay thế giáo viên ở khu vực mầm non tư thục (19,3%). Trong đó có 798 bảo mẫu làm việc thay thế giáo viên ở lớp mầm non năm tuổi.

- Đội ngũ cán bộ quản lý các trường, lớp mầm non tư thục, dân lập hầu hết chưa được đào tạo đạt chuẩn về quản lý giáo dục. Do đời sống khó khăn và áp lực công việc, nhiều giáo viên nghỉ việc, nên đội ngũ giáo viên mầm non khu vực này không ổn định và thường xuyên thiếu.

Phần III

QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO, MỤC TIÊU PHỔ CẬP GIÁO DỤC MẦM NON CHO TRẺ EM NĂM TUỔI GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

I. Quan điểm chỉ đạo

- Nhà nước có trách nhiệm quản lý, đầu tư phát triển giáo dục mầm non, tăng cường hỗ trợ cơ sở vật chất, đào tạo đội ngũ giáo viên; ưu tiên đầu tư các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, khu dân cư mới, khu công nghiệp… theo hướng xây dựng các trường công lập kiên cố và đạt chuẩn.

- Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong giáo dục mầm non nhằm chuẩn bị tốt nhất cho trẻ vào lớp Một đối với tất cả khu vực trong cả thành phố.

- Việc chăm lo để mọi trẻ em năm tuổi được đến trường là trách nhiệm của các cấp, các ngành, của mỗi gia đình và toàn xã hội. Đẩy mạnh xã hội hóa với trách nhiệm lớn hơn của Nhà nước, của xã hội và gia đình để phát triển giáo dục mầm non.

- Thực hiện đổi mới nội dung ph­ương pháp tổ chức các hoạt động giáo dục theo chương trình giáo dục mầm non mới trên nguyên tắc bảo đảm tính đồng bộ, linh hoạt, phù hợp, gắn với đổi mới giáo dục phổ thông nhằm góp phần tích cực cho việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

II. Mục tiêu

1. Mục tiêu chung:

Bảo đảm hầu hết trẻ em năm tuổi đều được đến lớp để chăm sóc, giáo dục 2 buổi/ngày, đủ một năm học, nhằm chuẩn bị tốt về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, làm quen với chữ viết, chữ số và tâm lý sẵn sàng đi học, bảo đảm chất lượng để trẻ em vào lớp một.

2. Mục tiêu cụ thể:

1.1. Củng cố, mở rộng mạng lưới trường, lớp, bảo đảm đến năm 2013, có 100% số trẻ em năm tuổi được học 2 buổi/ngày;

1.2. Nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục đối với các lớp mầm non năm tuổi, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thấp còi xuống dưới 3%, phấn đấu đến năm 2013 có 100% trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non được học Chương trình giáo dục mầm non mới, chuẩn bị tốt tâm thế cho trẻ vào học lớp một;

1.3. Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên mầm non, bảo đảm 100% giáo viên dạy mầm non năm tuổi đạt chuẩn trình độ đào tạo vào năm 2010, phấn đấu đến năm 2015 có 60% giáo viên đạt trình độ từ cao đẳng sư phạm mầm non trở lên, 80% giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp mức độ khá;

1.4. Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi cho các lớp mầm non năm tuổi ở các xã có khó khăn. Xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia tại các xã xây dựng nông thôn mới của các huyện ngoại thành làm mô hình mẫu và là nơi tập huấn, trao đổi kinh nghiệm về chuyên môn nghiệp vụ giáo dục mầm non;

1.5. Kiểm tra công nhận 12/24 quận - huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi vào năm 2011 và 24/24 quận - huyện đạt chuẩn phổ cập mầm non năm tuổi vào năm 2012.

Phần IV

LỘ TRÌNH THỰC HIỆN

Quá trình phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi được tiến hành trong 5 năm gồm các công việc sau:

I. Giai đoạn 2010 - 2012

- Củng cố Ban chỉ đạo chống mù chữ và phổ cập giáo dục các cấp. Thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến Kế hoạch để chính quyền các cấp, các tổ chức và nhân dân ủng hộ nhằm huy động trẻ năm tuổi đến trường. Tập trung vào trẻ em vùng khó khăn, vùng nông thôn được học 2 buổi/ngày;

- Triển khai tiêu chuẩn, quy trình kiểm tra, đánh giá công nhận phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi;

- Bồi dưỡng đạt chuẩn và trên chuẩn cho 259 giáo viên. Đào tạo mới 2.765 giáo viên nhằm đảm bảo theo đúng định mức lớp bán trú (mỗi lớp có 30 học sinh và 2 cô giáo);

- Xây dựng mới 460 phòng học (danh mục đính kèm), cải tạo trường, lớp; cung cấp trang thiết bị đáp ứng yêu cầu phổ cập. Trong đó ưu tiên xây dựng 6 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia cho 6 xã xây dựng nông thôn mới ở các huyện (xã Lý Nhơn - huyện Cần Giờ, xã Nhơn Đức - huyện Nhà Bè, xã Tân Nhựt - huyện Bình Chánh, xã Xuân Thới Thượng - huyện Hóc Môn, xã Tân Thông Hội, xã Thái Mỹ - huyện Củ Chi) và 12 phường trắng về mầm non công lập ở quận 4 (1 phường), quận 6 (1 phường), quận Phú Nhuận (1 phường), quận Gò Vấp (3 phường), quận Bình Tân (3 phường), quận Tân Phú (3 phường) và tất cả khu công nghiệp, khu chế xuất đều có ít nhất trường mầm non;

- Khuyến khích thành lập mới các trường mầm non tư thục ở những nơi thuận lợi nhằm tăng tỷ lệ huy động trẻ đến trường; xây dựng chính sách tạo điều kiện cho cá nhân và doanh nghiệp đóng góp nguồn lực xây dựng trường học và hỗ trợ nâng cao chất lượng;

- Nâng cao chất lượng thực hiện chương trình mầm non mới cho 3.261 lớp mầm non năm tuổi, nhất là các lớp mầm non ở các trường, lớp mẫu giáo tư thục;

- Điều chỉnh, bổ sung định mức biên chế, chế độ chính sách cho giáo viên mầm non, tăng cường kiểm tra giám sát để giáo viên các trường mầm non tư thục được thực hiện chính sách trả lương theo ngạch bậc và nâng lương theo định kỳ;

- Kiểm tra công nhận 12 quận - huyện vào năm 2011;

- Kiểm tra công nhận 12 quận - huyện còn lại vào năm 2012;

- Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra hoàn thành phổ cập mầm non cho trẻ năm tuổi;

- Tổng kết đánh giá 2 năm thực hiện công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi.

II. Giai đoạn 2013 - 2015

1. Giai đoạn 2013:

- Tiếp tục tập trung cho đối tượng trẻ em là con công nhân, trẻ em các huyện ngoại thành để huy động đạt 100% số trẻ em năm tuổi ra lớp mầm non. Trong đó 100% trẻ học 2 buổi/ngày;

 - Phân bổ ngân sách chi thường xuyên hàng năm với tỷ trọng hợp lý nhằm bảo đảm thực hiện phổ cập mầm non cho trẻ năm tuổi đạt kết quả bền vững;

 - Thực hiện xây mới 300 phòng học giai đoạn II; hoàn thành xây dựng các trường mầm non đạt cơ sở vật chất theo chuẩn quốc gia cho các xã xây dựng nông thôn mới;

- Bồi dưỡng đạt chuẩn và trên chuẩn cho 405 giáo viên. Đào tạo mới 1.302 giáo viên nhằm đảm bảo đến năm 2013 đáp ứng đủ cho 3.414 lớp;

- Tổng kết đánh giá 3 năm thực hiện công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi.

2. Giai đoạn 2014 - 2015:

- Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các trường mầm non theo quy hoạch đảm bảo trường lớp theo mức gia tăng dân theo dự kiến kế hoạch;

- Tiếp tục đào tạo giáo viên và thực hiện chế độ tu nghiệp nhằm không ngừng hoàn thiện đội ngũ sư phạm theo phương châm: đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, không ngừng nâng cao phẩm chất và năng lực;

- Tổng kết đánh giá năm năm thực hiện công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi.

Phần V

NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN PHỔ CẬP GIÁO DỤC MẦM NON CHO TRẺ NĂM TUỔI TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Kế hoạch phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi trong các cấp, các ngành, gia đình và xã hội, thông qua toàn bộ hệ thống chính trị các cấp, các ngành; các cơ quan thông tấn báo chí; qua sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt khu phố, tổ dân phố, thông qua hệ thống đoàn thể (Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Liên đoàn Lao động …) làm cho mọi người dân nhận thức rõ tính ưu việt của chế độ giáo dục và chăm sóc trẻ em là quyền và nghĩa vụ của cộng đồng, từ đó giáo dục mầm non sẽ nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phía phụ huynh, các cấp, các ngành và của toàn xã hội.

2. Tăng cường huy động trẻ em năm tuổi đến lớp:

- Phát huy kết quả tốt đẹp của công tác phổ cập giáo dục trong thời gian qua, Ban chỉ đạo Phổ cập Giáo dục các cấp bổ sung thành viên giáo dục mầm non, hoàn chỉnh thành phần Ban chỉ đạo, tiếp tục duy trì và nâng cao kết quả phổ cập giáo dục đã đạt được, tiếp tục triển khai thực hiện công tác phổ cập mầm non cho trẻ năm tuổi. Bằng nhiều biện pháp tổ chức hiệu quả nhằm nâng cao trách nhiệm và nghĩa vụ của các cấp, các ngành và mỗi người dân, đặc biệt là các bậc phụ huynh. Nắm rõ danh sách trẻ trong từng địa bàn, gửi giấy báo học sinh trong độ tuổi đến lớp.

- Tổ chức vận động phụ huynh gửi trẻ năm tuổi học 2 buổi/ngày; nhà trường cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, với Ban chỉ đạo Phổ cập giáo dục tại địa phương nhằm duy trì, giữ vững số trẻ dưới năm tuổi đến các cơ sở giáo dục mầm non.

- Đối với các quận - huyện có điều kiện thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi trước năm 2012, cần tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng, đồng thời tiếp tục phát triển mầm non dưới năm tuổi nhằm đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh.

3. Đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giáo dục mầm non:

- Triển khai thực hiện đại trà Chương trình giáo dục mầm non mới nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ đối với tất cả các lớp năm tuổi ở tất cả các loại hình trường lớp mầm non.

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ sở giáo dục mầm non, phấn đấu đến 2013 có 100% số trường mầm non có phòng vi tính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy học và cập nhật thông tin sự phát triển trẻ trên website để phụ huynh có thể truy cập trên mạng.

4. Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục mầm non:

a) Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non đủ về số lượng, nâng cao chất lượng đáp ứng yêu cầu phổ cập và thực tiễn đổi mới giáo dục mầm non:

- Đẩy mạnh công tác hướng nghiệp sư phạm mầm non trong học sinh phổ thông, thực hiện chiến dịch đào tạo mới, đảm bảo đến năm 2013 có đủ giáo viên ở các trường công lập và tư thục để dạy các lớp năm tuổi thực hiện Phổ cập theo định mức quy định.

- Tăng cường đào tạo nâng chuẩn và thực hiện hiệu quả chế độ tu nghiệp cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý. Chú trọng công tác bồi dưỡng nâng cao chất lượng giáo viên tại các cơ sở mầm non tư thục.

- Có biện pháp tích cực thu hút giáo viên mầm non trong xã hội vào ngành, ngăn chặn hiệu quả giáo viên mầm non nghỉ, bỏ việc.

b) Xây dựng chính sách hợp lý và đảm bảo nguồn lực thực hiện chính sách cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý:

- Tăng cường công tác giám sát và kiểm tra để chủ các cơ sở trường mầm non ngoài công lập chi lương cho giáo viên và cán bộ quản lý ở các cơ sở giáo dục mầm non này được thực hiện theo thang bảng lương và nâng lương theo định kỳ đảm bảo lương giáo viên ngoài công lập không thấp hơn ở các cơ sở giáo dục mầm non công lập. Tiếp tục thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách cho giáo viên mầm non theo quy định hiện hành.

- Có chính sách khuyến khích giáo viên đến dạy tại các xã khó khăn ở huyện ngoại thành như xây dựng nhà công vụ, phụ cấp thu hút, xây dựng quy định ưu đãi trong tuyển dụng và luân chuyển giáo viên cho các huyện ngoại thành, nhằm đảm bảo chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi tại các vùng này.

- Thực hiện chế độ phụ cấp quản lý cho mạng lưới cán bộ mầm non quận, huyện, phường, xã, thị trấn từ phòng giáo dục và đào tạo đến các trường quản lý các trường, lớp mầm non ngoài công lập trên địa bàn.

5. Xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư thiết bị, bảo đảm ngân sách cho các lớp năm tuổi:

a) Xây dựng đủ phòng học cho các lớp năm tuổi:

- Xây dựng đủ phòng học và các công trình phục vụ bán trú cho lớp năm tuổi ở các xã khó khăn ngoại thành, lồng ghép vào chương trình xây dựng nông thôn mới của thành phố. Đảm bảo các xã thực hiện chương trình nông thôn mới đều có trường mầm non đạt chuẩn Quốc gia về cơ sở vật chất;

- Tăng cường và nâng cao năng lực của Ban Quản lý Đầu tư xây dựng các quận - huyện đảm bảo thực hiện tiến độ xây dựng các trường mầm non trên địa bàn. Tổ công tác liên ngành xây dựng trường học trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tốt giao ban hằng tháng với sự chủ trì của Ủy ban nhân dân thành phố để giải quyết kịp thời các vướng mắc trong thủ tục đầu tư xây dựng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Các quận - huyện dành ưu tiên ngân sách địa phương, nguồn thanh lý các điểm mầm non không đạt yêu cầu để xây dựng các công trình phụ trợ, đảm bảo điều kiện chăm sóc giáo dục trẻ cho các trường, lớp mầm non; xây chen hoặc nâng tầng bổ sung mới số phòng học theo tiêu chuẩn được quy định tại Điều lệ trường Mầm non, đảm bảo có đủ phòng học 2 buổi/ngày vào năm 2013 cho tất cả các lớp năm tuổi;

- Xây dựng 6 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia - mức độ 1 tại các xã khó khăn của năm huyện làm mô hình chuẩn và là nơi tổ chức tập huấn, trao đổi kinh nghiệm về chuyên môn nghiệp vụ cho giáo dục mầm non tại các xã khó khăn.

b) Đảm bảo đủ thiết bị và đồ chơi để thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới, nâng cao chất lượng giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi:

 - Ưu tiên trang bị bộ thiết bị tối thiểu theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho 100% lớp năm tuổi để thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới và bộ nội thất dùng chung cho các lớp học; tiến tới cung cấp đủ số thiết bị cho các nhóm/lớp trẻ dưới năm tuổi để có đủ điều kiện thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới tạo điều kiện phổ cập mầm non cho trẻ năm tuổi một cách bền vững;

- Cung cấp bộ thiết bị phần mềm trò chơi làm quen với vi tính cho các trường, lớp có điều kiện;

- Trang bị đồ chơi ngoài trời để đến năm 2013 có 100% các trường có bộ đồ chơi ngoài trời đúng theo quy định tại Quyết định số 3141/QĐ-BGDĐT ngày 30 tháng 7 năm 2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Ban hành Tiêu chuẩn kỹ thuật Đồ dùng - Đồ chơi - Thiết bị dạy học tối thiểu dùng cho giáo dục mầm non.

c) Bảo đảm ngân sách chi thường xuyên cho hoạt động chăm sóc, giáo dục mầm non năm tuổi:

- Nhà nước từng bước nâng định mức chi thường xuyên cho trẻ năm tuổi hàng năm, đảm bảo khoảng 20% ngân sách giáo dục mầm non được chi cho hoạt động chuyên môn;

- Hầu hết trẻ năm tuổi ở các xã khó khăn thuộc 5 huyện được học trường công lập và đảm bảo 100% kinh phí từ ngân sách để chi thường xuyên, bố trí đủ giáo viên để nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ;

- Nhà nước có chính sách miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ năm tuổi tham gia học tập tại các cơ sở giáo dục mầm non ở mọi loại hình (công lập, ngoài công lập) theo Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ; ngoài ra trẻ năm tuổi có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo theo quy định của Nhà nư­ớc, có cha mẹ là công nhân nghèo làm việc trong các Khu Chế xuất và Công nghiệp được hỗ trợ tiền ăn trưa.

6. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục mầm non:

- Lồng ghép các chương trình dự án khác nhau trên cùng một địa bàn và huy động nguồn lực hợp lý của nhân dân để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi. Vận động nguồn lực từ nhiều nguồn để xây dựng trường mầm non như từ vốn kích cầu, từ sự đóng góp của các doanh nghiệp trong và ngoài Khu Chế xuất và Công nghiệp, từ các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân;

- Khuyến khích, huy động và tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, vốn và thuế để các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư phát triển trường, lớp mầm non ngoài công lập ở những nơi thuận lợi (xem xét chế độ miễn - giảm thuế cho trường mầm non ngoài công lập, cho phép các doanh nghiệp, tổ chức được lấy tên đơn vị đặt tên trường mầm non do đơn vị đó đầu tư xây dựng…). Tạo quỹ đất sạch, để vận động các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư kinh phí xây dựng trường mầm non công lập tại các vùng khó khăn. Có cơ chế quy định phải xây dựng trường mầm non trong các Khu Chế xuất và Công nghiệp, trước mắt sử dụng phần tỷ lệ hợp lý đất dành cho mảng xanh của các khu công nghiệp và khu chế xuất để xây dựng các trường mầm non dành cho con công nhân;

- Khuyến khích các địa phương xây dựng trường mầm non tiên tiến, hội nhập là mô hình để các trường mầm non trong địa phương học tập nâng cao chất lượng phổ cập trẻ năm tuổi, tăng nguồn lực tài chính ở những nơi thuận lợi (phụ huynh có khả năng chi trả) để tập trung nguồn lực tài chính thực hiện chế độ, chính sách cho giáo viên mầm non dạy trẻ năm tuổi;

- Tại các vùng khó khăn, vùng ven và các huyện ngoại thành, một số khu vực dân cư nghèo cần có các giải pháp thích hợp nhằm huy động sự đóng góp công sức của nhân dân cùng với ngân sách Nhà nước để xây dựng trường, lớp; kết hợp chính sách của địa phương với chính sách hỗ trợ của nhà nước để tổ chức ăn bán trú hoặc thực hiện chương trình bữa ăn học đường tại lớp cho tất cả trẻ năm tuổi;

- Thực hiện Nghị định số 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục quốc dân tại thành phố Hồ Chí Minh để tăng nguồn lực tài chính ở những nơi thuận lợi (phụ huynh có khả năng chi trả) để tập trung nguồn lực tài chính thực hiện chế độ, chính sách cho trẻ năm tuổi và giáo viên mầm non dạy trẻ năm tuổi tại các nhóm trẻ tư thục khu công nghiệp, vùng khó khăn ở ngoại thành;

- Phát huy vai trò của Thành đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Liên đoàn Lao động thành phố trong phối hợp thực hiện phổ cập mầm non cho trẻ năm tuổi:

* Thành đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức tốt cuộc vận động học sinh tốt nghiệp Trung học phổ thông và sinh viên chưa có việc làm thi tuyển vào các trường sư phạm mầm non và vận động, tạo điều kiện làm việc và chăm lo cho đoàn viên, hội viên là giáo viên mầm non tình nguyện giảng dạy ở các huyện ngoại thành;

* Liên đoàn Lao động thành phố điều tra nhu cầu gửi con vào mầm non của công nhân các Khu Chế xuất và Công nghiệp, dự báo nhu cầu trên cơ sở đó để thực hiện các dự án xây dựng các trường mầm non trong các Khu Chế xuất và Công nghiệp, có chương trình vận động các doanh nghiệp hỗ trợ con công nhân gửi nhà trẻ, mẫu giáo, vận động trẻ mầm non đến lớp, chăm sóc trẻ em nghèo và chăm lo cải thiện đời sống giáo viên mầm non.

Phần VI

KINH PHÍ THỰC HIỆN

Nhằm thực hiện có hiệu quả Đề án phổ cập giáo dục mầm non và để giảm tải sĩ số trẻ trên lớp, đảm bảo đủ chỗ học tốt cho các cháu; sẽ thực hiện 3 dự án với tổng kinh phí là 2.700,128 tỷ đồng, cụ thể như sau:

Dự án 1: Xây dựng phòng học, phòng chức năng theo Điều lệ trường mầm non. Tổng kinh phí :2.568,178 tỷ đồng, cụ thể như sau:

- Xây dựng mới 760 phòng học và khối phụ (trong đó 1.028,178 tỷ đồng danh mục xây dựng 460 phòng học đã được thành phố phê duyệt sẽ triển khai thực hiện năm 2011 từ ngân sách thành phố) còn lại phải xây thêm 300 phòng học với tổng kinh phí là 500 tỷ từ ngân sách quận - huyện.

- Xây dựng mới và nâng cấp 28 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia cho các xã xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-1015 của 5 huyện ngoại thành với tổng kinh phí 840 tỷ đồng từ kinh phí chương trình Nông thôn mới.

Dự án 2: Mua sắm trang thiết bị, đồ dùng đồ chơi trong lớp và ngoài trời Tổng kinh phí: 72 tỷ đồng sử dụng từ ngân sách thành phố, cụ thể:

- Mua sắm trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi theo yêu cầu tối thiểu cho 760 phòng học: dự kiến 38 tỷ đồng.

- Bổ sung trang bị đồ chơi ngoài trời cho 340 trường công lập chưa đạt chuẩn quốc gia: dự kiến 34 tỷ đồng.

Dự án 3: Đào tạo, bồi dưỡng trình độ Cao đẳng sư phạm Mầm non - Hệ 3 năm cho 4.732 giáo viên nhằm đảm bảo đủ 2 giáo viên/lớp và đảm bảo sĩ số 30 học sinh/lớp.

Dự kiến kinh phí đào tạo giáo viên là 60 tỷ đồng; sử dụng từ nguồn ngân sách thành phố.

Dự kiến dự án này được đưa vào chỉ tiêu đào tạo tại chức của các trường đại học, cao đẳng có khoa Giáo dục Mầm non trên địa bàn thành phố để triển khai thực hiện.

Tổng kinh phí cho 3 dự án: 2.700,128 tỷ đồng, trong đó:

- Từ ngân sách thành phố và quận - huyện: 1.860,128 tỷ đồng.

- Từ chương trình nông thôn mới: 840 tỷ đồng.

Phần VII

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC SỞ, NGÀNH VÀ ỦY BAN NHÂN DÂN CÁC QUẬN HUYỆN

I. Các Sở - ngành thành phố

1. Sở Giáo dục và Đào tạo:

- Là cơ quan thường trực tổ chức thực hiện đề án.

- Chủ trì, phối hợp với các sở ngành triển khai thực hiện các dự án thuộc Kế hoạch phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi giai đoạn 2011 - 2015; hướng dẫn các quận - huyện xây dựng các đề án chi tiết, cụ thể hóa các nội dung của đề án này để triển khai thực hiện tại các địa phương

- Kiện toàn Ban Chỉ đạo Phổ cập giáo dục - Chống mù chữ của thành phố, bổ sung thêm thành phần Ban chỉ đạo và bộ phận giúp việc cho Ban chỉ đạo;

- Hướng dẫn các địa phương thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi, về tiêu chuẩn, quy trình công nhận phổ cập giáo dục cho trẻ năm tuổi; hướng dẫn sơ kết, tổng kết và kiểm tra công nhận phổ cập của các địa phương;

- Phối hợp với các Sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện 3 dự án trình Ủy ban nhân dân thành phố (Dự án 1: Xây dựng phòng học và phòng chức năng theo quy định của Điều lệ trường mầm non; Dự án 2: mua sắm trang thiết bị, đồ chơi ; Dự án 3: Đào tạo bồi dưỡng giáo viên và hỗ trợ trẻ em nghèo);

- Chủ trì phối hợp với Sở Tài chính ban hành văn bản hướng dẫn quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí thực hiện Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi của cả giai đoạn và năm 2010;

- Xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non đáp ứng yêu cầu phổ cập;

- Rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi;

- Tổ chức, kiểm tra, đánh giá, tổng hợp kết quả thực hiện Đề án, định kỳ báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban nhân dân thành phố.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các Dự án 1, 2;

- Bố trí và cân đối nguồn vốn đầu tư xây dựng theo lộ trình đã được phê duyệt; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các nguồn kinh phí đã phân bổ và tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.

3. Sở Tài chính:

- Chủ trì phối hợp với các sở, ngành triển khai cơ chế tài chính mới cho giáo dục và đào tạo giai đoạn 2011 - 2015;

- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch triển khai Dự án 1, 2 và 3;

- Cân đối, bố trí ngân sách thường xuyên, chương trình mục tiêu chi cho giáo dục mầm non để đảm bảo các mục tiêu, tiến độ thực hiện Đề án và tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố, kiểm tra, thanh tra tài chính theo quy định của Luật Ngân sách.

4. Sở Nội vụ:

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành chính sách mới đối với giáo viên ngoài biên chế và tuyển dụng giáo viên mầm non;

- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành các Quy định về định mức biên chế cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non; ban hành các quy định, hướng dẫn các địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ giáo viên các trường mầm non ngoài công lập.

5. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các sở ngành liên quan và các địa phương tăng cường công tác truyền thông, vận động xã hội để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi và phát triển giáo dục mầm non; bảo vệ quyền trẻ em được học đầy đủ Chương trình giáo dục mầm non trước khi vào học lớp một;

- Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, giám sát việc thực hiện chế độ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế và các chính sách xã hội khác đối với giáo viên và trẻ mầm non;

- Phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính tham mưu thực hiện việc miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ năm tuổi tham gia học tập tại các cơ sở giáo dục mầm non ở mọi loại hình (công lập, ngoài công lập) theo Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ và hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo theo quy định của Nhà nư­ớc, trẻ có cha mẹ là công nhân nghèo làm việc trong các khu chế xuất, khu công nghiệp.

6. Sở Y tế:

 - Chủ trì và phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng và hoàn thiện các chương trình dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng lồng ghép trong đào tạo bồi dưỡng giáo viên mầm non; kiểm tra, giám sát công tác chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng trong các trường, lớp năm tuổi theo các mục tiêu phổ cập; phổ biến kiến thức, kỹ năng và cung cấp dịch vụ chăm sóc, giáo dục tại gia đình;

- Chủ trì phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng chương trình kế hoạch đào tạo nhân viên y tế trường học.

7. Sở Tư pháp:

- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc ngành Tư pháp trong việc phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong việc thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi;

- Thẩm định, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành quyết định triển khai thực hiện Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi giai đoạn 2011 -2015.

II. Với Ủy ban nhân dân quận - huyện

- Xây dựng Kế hoạch, chương trình cụ thể hóa các mục tiêu nhiệm vụ, giải pháp để chỉ đạo, triển khai thực hiện phổ cập mầm non năm tuổi tại địa phương;

- Tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về chủ trương phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi giai đoạn 2011 - 2015, xác định trách nhiệm của gia đình, của cộng đồng dân cư trong việc tham gia thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi;

- Kiện toàn Ban Chỉ đạo Phổ cập giáo dục - Chống mù chữ giai đoạn 2011 -2015 của địa phương, bổ sung thêm cán bộ quản lý giáo dục mầm non tham gia Ban Chỉ đạo. Hướng dẫn các phường, xã kiện toàn Ban chỉ đạo để tổ chức xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện Đề án trên địa bàn;

- Điều tra, khảo sát trẻ em trong độ tuổi, đưa mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương hàng năm và kế hoạch 2011 - 2015;

- Chỉ đạo xây dựng theo quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, kế hoạch xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, tiếp tục hoàn chỉnh quy hoạch, dành thêm quỹ đất để xây dựng đủ phòng học, bảo đảm thuận tiện cho việc thu hút trẻ đi học trên địa bàn nhằm đạt được mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi vào năm 2012 và đạt mục tiêu của Đề án giai đoạn 2011 - 2015;

- Huy động các nguồn lực địa phương đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị, đồ chơi đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới;

- Chỉ đạo thực hiện chế độ, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng giáo viên mầm non trên địa bàn theo quy định; quan tâm đời sống giáo viên mầm non, xây dựng chính sách địa phương, những địa phương có điều kiện hỗ trợ ngân sách để nâng cao đời sống giáo viên mầm non; phát huy sáng kiến của nhân dân, tạo mọi điều kiện để có thể tổ chức bữa ăn học đường cho trẻ em con công nhân ở các khu công nghiệp và con em các gia đình nghèo các xã khó khăn ngoại thành học 2 buổi/ngày;

- Tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá công nhận thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi theo tiêu chuẩn quy định trên địa bàn; duy trì và từng bước nâng cao chất lượng phổ cập mầm non cho trẻ năm tuổi;

- Định kỳ hàng năm báo cáo kết quả tiến độ thực hiện Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi về Sở Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

III. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và các cơ quan thông tin đại chúng

Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, Thành đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Liên đoàn Lao động thành phố, Hội Khuyến học thành phố và các tổ chức, đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng, báo đài thành phố tham gia tích cực phát triển giáo dục mầm non, vận động trẻ em đến lớp, thực hiện Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 565/QĐ-UBND năm 2011 về phê duyệt Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 565/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 09/02/2011
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Hứa Ngọc Thuận
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 09/02/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản