Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 56/QĐ-UB | Hải Phòng, ngày 16 tháng 01 năm 1999 |
VỀ VIỆC BAN HÀNH “QUY TRÌNH CẤP PHÉP XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG”
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân;
Căn cứ Điều lệ quản lý quy hoạch đô thị, ban hành kèm theo Nghị định số 91/CP ngày 17/8/1994 của Chính phủ; Thông tư số 05/BXD-KTQH ngày 18/9/1996 của Bộ xây dựng hướng dẫn cấp giấy phép xây dựng;
Căn cứ Điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định 42/CP ngày 16/7/1996 và Nghị định 92/CP ngày 23/8/1997 của Chính phủ;
Theo đề nghị của các ông Viện trưởng Viện Quy hoạch và Trưởng ban Ban Tổ chức Chính quyền Thành phố,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này “Quy trình cấp phép xây dựng trên địa bàn thành phố Hải Phòng”
Điều 2. Quy trình có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký quyết định ban hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND Thành phố, Thủ trưởng các cơ quan có liên quan, Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã căn cứ quyết định thi hành./.
Nơi nhận: | TM. UBND THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG |
CẤP PHÉP XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 56/QĐ-UB ngày 16/01/1999 của UBND thành phố Hải Phòng)
Căn cứ Điều lệ quản lý quy hoạch đô thị, ban hành kèm theo Nghị định số 91/CP ngày 17/8/1994 của Chính phủ; Điều lệ quản lý đầu tư vày xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 42/CP ngày 16/7/1996 và Nghị định số 92/CP ngày 23/8/2007 của Chính phủ; để phối hợp chặt chẽ, chủ động và có hiệu quả giữa các cơ quan quản lý Nhà nước cấp thành phố, có phân cấp hợp lý cho Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, nhằm cải cách thủ tục hành chính trong việc cấp phép xây dựng, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quy trình cấp phép xây dựng trên địa bàn thành phố Hải Phòng như sau:
Điều 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng:
1. Mọi chủ đầu tư trước khi tiến hành xây dựng công trình (trừ công trình quân sự, an ninh thuộc hệ thống phòng thủ an ninh quốc gia yêu cầu bí mật theo phê duyệt của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an) trên địa bàn thành phố Hải Phòng đều phải xin phép xây dựng tại các cơ quan có thẩm quyền của thành phố theo trình tự thủ tục trong quy trình này và các quy định hiện hành của Nhà nước.
2. Bản quy trình này chỉ nêu trình tự thủ tục và thẩm quyền giải quyết 3 loại việc (gọi chung là cấp phép xây dựng):
a) Giới thiệu, thỏa thuận địa điểm xây dựng để lập dự án đầu tư.
b) Cấp chứng chỉ quy hoạch hoặc thỏa thuận quy hoạch để lập dự án đầu tư hoặc để hướng dẫn kiến trúc công trình.
c) Cấp giấy phép xây dựng (xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa công trình)
Điều 2. Các trường hợp sau đây được miễn cấp phép xây dựng:
1. Công trình thuộc nhóm A đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư và cấp có thẩm quyền phê duyệt thiết kế kỹ thuật; nhưng trước khi khởi công công trình này, chủ đầu tư phải gửi 01 bộ hồ sơ thiết kế kỹ thuật đã thẩm định đến Viện quy hoạch thành phố để theo dõi và lưu trữ.
2. Các trường hợp sửa chữa nhỏ, trang trí nội thất không ảnh hưởng đến kết cấu, kiến trúc công trình và mỹ quan đường phố như: trát vá, đảo ngói, làm mái dốc chống nóng, chống dột của mái bằng, không tạo thành 1 tầng sử dụng.
3. Công trình cũ phải phá dỡ để thực hiện việc xây dựng mới theo giấy phép xây dựng đã được cấp hoặc theo nguyên trạng.
1. Đơn (theo mẫu in sẵn được niêm yết tại Viện quy hoạch và các cơ quan được thành phố giao nhiệm vụ cấp phép xây dựng nêu trong quy trình này). Có phần giải trình về yêu cầu giới thiệu địa điểm, nhu cầu sử dụng đất, nhu cầu sử dụng cơ sở hạ tầng, quy mô xây dựng, tính chất công trình. Đối với các công trình sử dụng vốn Nhà nước phải có ý kiến chấp thuận của cơ quan quyết định đầu tư về chủ trương đầu tư.
2. Sơ đồ vị trí và kích thước lô đất.
3. Bản đồ đề xuất vị trí, hướng tuyến kỹ thuật của chủ đầu tư (nếu có)
1. Đơn (theo mẫu in sẵn được niêm yết tại Viện quy hoạch và các cơ quan được giao nhiệm vụ cấp phép xây dựng).
2. Bản đồ mặt bằng hiện trạng khu đất (tỷ lệ 1/200 ÷ 1/500) do cơ quan có chức năng hành nghề khảo sát lập, trong đó có xác định công trình xin cấp chứng chỉ).
3. Bản đồ dự kiến tổng mặt bằng công trình (tỷ lệ 1/200 ÷ 1/500).
4. Thiết kế sơ bộ công trình: mặt bằng, mặt đứng, mặt cắt chủ yếu (tỷ lệ 1/100 ÷ 1/200) nếu có.
A. Trường hợp có giấy tờ hợp pháp và hợp lệ về quyền sở hữu nhà và sử dụng đất:
I. Chủ đầu tư là chủ sử dụng đất, sở hữu nhà; hồ sơ xin phép xây dựng gồm có:
1. Đơn xin phép xây dựng (theo mẫu in sẵn được niêm yết tại Viện quy hoạch và các cơ quan được thành phố giao nhiệm vụ cấp phép xây dựng nêu trong quy trình này).
2. Bản sao của 1 trong các loại giấy tờ sau: Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, sử dụng đất, quyết định giao đất, thuê đất, giấy tờ hợp lệ về nhà ở, đất ở thuộc nội thành, nội thị theo quy định hiện hành. (Kèm theo trích lục bản đồ thửa đất tỷ lệ 1/200 ÷ 1/500)
3. Hồ sơ thiết kế hợp lệ (02 bộ - do tổ chức có đăng ký và giấy phép hành nghề thiết kế công trình thực hiện) mỗi bộ gồm:
a) Bản đồ mặt bằng lô đất (tỷ lệ 1/200 ÷ 1/500), trong đó xác định vị trí công trình xin xây dựng, cải tạo.
b) Sơ đồ mặt bằng các tầng, các mặt đứng và các mặt cắt công trình (tỷ lệ: 1/100)
c) Sơ đồ mặt bằng móng công trình (tỷ lệ 1/100)
Đối với nhà ở riêng lẻ có quy mô từ 1 đến 3 tầng, có độ cao tối đa 12m, với tổng diện tích nền + sàn không quá 200m2, chủ đầu tư có thể lập hồ sơ thiết kế theo nội dung nêu ở khoản 3 mục a, b, c nêu trên và phải tự chịu trách nhiệm về an toàn, bền vững công trình của mình và đảm bảo an toàn, tiện bất tiện cho các công tình khác liền kề.
II. Chủ đầu tư thuê nhà thuộc sở hữu Nhà nước, sở hữu các tổ chức tập thể hoặc sở hữu tư nhân, hồ sơ xin phép xây dựng gồm có:
1. Đơn xin phép xây dựng (theo mẫu in sẵn được niêm yết tại các cơ quan như nêu ở phần I khoản I)
2. Văn bản thỏa thuận của chủ sử dụng đất, chủ sở hữu công trình cho chủ đầu tư thuê nhà (kèm theo trích lục mặt bằng vị trí công trình xin phép xây dựng tỷ lệ 1/200 ÷ 1/500) Văn bản thỏa thuận phải có tên, chữ ký, dấu của đại diện có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức cho thuê nhà. Nếu thuê nhà của tư nhân, phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân địa phương sở tại (nơi có công trình cho thuê xin cấp phép xây dựng)
3. Hồ sơ thiết kế công trình xin phép xây dựng như khoản 3 phần I nêu trên.
B. Trường hợp không đủ giấy tờ hợp lệ và giấy tờ hợp pháp về quyền sở hữu nhà và sử dụng đất:
- Chủ đầu tư phải tiến hành đăng ký nhà ở, đất ở và xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại đô thị theo Quyết định 1382/QĐ-XD ngày 15/8/1995 của Ủy ban nhân dân thành phố trước khi làm thủ tục xin cấp phép xây dựng (Quyết định 1382/QĐ-XD được niêm yết tại các cơ quan được thành phố giao nhiệm vụ cấp phép xây dựng nêu trong quy trình này).
A. Quy định chung về hồ sơ xin phép xây dựng gồm:
1. Đơn xin phép xây dựng (theo mẫu in sẵn được niêm yết tại các cơ quan như nêu ở phần I khoản I Điều 6)
2. Bản sao giấy tờ chứng minh quyền sở hữu công trình, quyền sử dụng đất hoặc thuê đất hợp phá kèm theo trích lục bản đồ mặt bằng công trình xin phép xây dựng (tỷ lệ 1/200 ÷ 1/500)
Trường hợp không có giấy tờ hợp pháp và giấy tờ hợp lệ về quyền sử dụng đất như đã nêu trong phần I khoản 2 Điều 6 nêu trên thì chủ đầu tư phải tiến hành làm các thủ tục xin thuê đất, giao đất theo quy trình do Ủy ban nhân dân thành phố ban hành kèm theo Quyết định số 1444/QĐ-UB ngày 21/8/1997 (Quyết định số 1444/QĐ-UB được niêm yết tại Viện quy hoạch và các cơ quan được thành phố giao nhiệm vụ cấp phép xây dựng nêu trong quy trình này)
3. Hồ sơ thiết kế công trình xin phép xây dựng như phần I khoản 3 Điều 6 nêu trên.
B. Ngoài hồ sơ nêu chung tại phần A Điều 7 đối với từng loại công trình cụ thể phải có thêm các văn bản, tài liệu sau:
1. Chủ đầu tư xin phép xây dựng công trình là nhà thuê thuộc sở hữu Nhà nước, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân phải có văn bản chấp thuận của chủ sở hữu công trình và quản lý khuôn viên khu đất đó.
2. Các công trình cơ sở hạ tầng kỹ thuật theo tuyến phải có quyết định phê duyệt quy hoạch theo tuyến của Ủy ban nhân dân thành phố.
3. Công trình tôn giáo phải có văn bản phê chuẩn của Ủy ban nhân dân thành phố (do Ban Tôn giáo thành phố trình).
4. Công trình quảng cáo, trưng bày triển lãm, tượng đài, tranh hoành tráng phải có văn bản chấp thuận của Sở văn hóa thông tin về nội dung, hình thức công trình trên. Nếu các công trình trên gắn với công trình xây dựng thì hồ sơ phải kèm theo ảnh công trình xây dựng cỡ 9 x 12 cm và văn bản thỏa thuận của chủ công trình.
5. Đối với công trình có thay đổi chức năng, mục đích sử dụng đất phải được Ủy ban nhân dân thành phố cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, theo quy định tại Điều 23 Luật đất đai.
6. Việc xin cấp phép cải tạo, trùng tu xây dựng trong quần thể công trình văn hóa, lịch sử, di tích cách mạng đã được xếp hạng phải có văn bản thỏa thuận của Sở văn hóa thông tin về quản lý chuyên ngành và văn bản phê duyệt của Ủy ban nhân dân thành phố (do Sở văn hóa thông tin trình).
Điều 8. Hồ sơ xin gia hạn hoặc sửa đổi, bổ sung giấy phép xây dựng gồm có:
a) Đơn đề nghị.
b) Bản chính giấy phép xây dựng đã được cấp.
c) Nếu là việc sửa đổi, bổ sung thì phải có thêm 2 bộ hồ sơ thiết kế phần sửa đổi, bổ sung.
THẨM QUYỀN CẤP PHÉP XÂY DỰNG VÀ KIỂM TRA XÂY DỰNG
1. Các công trình nhà ở riêng lẻ (loại nhà ở của từng hộ gia đình riêng biệt, có khuôn viên đất riêng) các công trình nhà, xưởng, kho… quy mô từ 3 tầng trở xuống, độ cao tối đa 12m và có tổng diện tích mặt nền + sàn các tầng không quá 200m2 (trừ các công trình trên mặt đường phố được quy định tại Phụ lục kèm theo quy trình này).
2. Các công trình do Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã quyết định đầu tư trong phạm vi địa bàn quận, huyện, thị xã với mức vốn đầu tư dưới 500 triệu đồng Việt Nam (trừ các công trình trên mặt các đường phố được quy định tại Phụ lục kèm theo quy trình này).
Đối với các công trình xây dựng tại các khu vực nội thành, thị xã, thị trấn và các tuyến giao thông chính đã có quy hoạch chung được UBND thành phố phê duyệt nhưng chưa có quy hoạch chi tiết thì Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã phải lấy ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của Viện quy hoạch thành phố về quy hoạch và kiến trúc (cho từng công trình hoặc theo từng khu vực) trước khi cấp giấy phép xây dựng. Trường hợp chưa có cả quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết thì phải được UBND Thành phố cho phép (do Viện Quy hoạch thành phố trình UBND thành phố).
Điều 11. Viện trưởng Viện quy hoạch thành phố thực hiện các việc sau:
1. Xem xét trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt trước khi cấp phép xây dựng: Các công trình có quy mô từ 6 tầng trở lên trên mặt các đường phố được quy định tại phụ lục kèm theo quy trình này. Hồ sơ trình phải có ý kiến tham vấn bằng văn bản của Hội đồng kiến trúc quy hoạch thành phố.
2. Được Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố ủy quyền xét cấp
a) Thỏa thuận, giới thiệu địa điểm xây dựng cho mọi thể loại công trình trên địa bàn thành phố.
b) Chứng chỉ quy hoạch, thỏa thuận quy hoạch và kiến trúc công trình.
c) Cấp giấy phép xây dựng, cải tạo các loại công trình (trừ các công trình đã nêu tại Điều 9 và Điều 10 của bản quy trình này).
Điều 12. Việc lấy ý kiến tham gia của các cơ quan liên quan:
Quá trình xét cấp phép xây dựng, nếu theo quy định cần phải lấy ý kiến tham gia của các địa phương và cơ quan có liên quan thì cơ quan xét cấp phép xây dựng phải gửi văn bản tới các cơ quan đó.
Sau 10 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị tham gia ý kiến, các địa phương, cơ quan được hỏi không có văn bản trả lời, thì cơ quan xét cấp phép xây dựng được giải quyết tiếp thủ tục theo quy định; địa phương, cơ quan được hỏi ý kiến coi như đồng ý và phải liên đới chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Nếu các ý kiến tham gia không thống nhất với nhau thì cơ quan xét cấp phép xây dựng phải báo cáo đầy đủ với Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định.
Điều 13. Phân công trách nhiệm:
1. Viện quy định thành phố có trách nhiệm:
a) Tổng hợp tình hình chung về cấp phép xây dựng, quản lý xây dựng theo quy hoạch trên địa bàn thành phố báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố và Bộ Xây dựng theo định kỳ và các yêu cầu đột xuất.
b) Hướng dẫn nghiệp vụ công tác quản lý và kiểm tra xây dựng theo quy hoạch đối với các cơ quan được giao nhiệm vụ cấp phép xây dựng nêu trong quy trình này.
c) Giúp Ủy ban nhân dân thành phố kiểm tra việc cấp phép xây dựng của các cơ quan được giao nhiệm vụ cấp phép xây dựng nên trong quy trình này.
2. Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, Ban quản lý các khu công nghiệp và khu chế xuất có trách nhiệm: tổ chức cấp phép xây dựng theo phân cấp tại bản quy trình này; báo cáo theo định kỳ 3 tháng/lần và các yêu cầu đột xuất về tình hình cấp phép và công tác quản lý xây dựng theo quy hoạch với Ủy ban nhân dân thành phố (đồng gửi Viện quy hoạch thành phố để tổng hợp); nội dung báo cáo do Viện quy hoạch thành phố hướng dẫn.
3. Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn có trách nhiệm:
a) Xác nhận đơn xin phép xây dựng nhà ở của công dân.
b) Tham gia ý kiến về “tiện-bất tiện” và tranh chấp (nếu có) trong việc xây dựng trên địa bàn với các cơ quan quản lý, khi có yêu cầu.
c) Kiểm tra, phát hiện và kịp thời ngăn chặn, xử lý theo thẩm quyền những hành vi vi phạm quy chế quản lý xây dựng của các chủ đầu tư trên địa bàn quản lý.
TRÌNH TỰ GIẢI QUYẾT, TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN CẤP PHÉP XÂY DỰNG VÀ CHỦ ĐẦU TƯ
Điều 15. Các cơ quan được giao nhiệm vụ cấp phép xây dựng có trách nhiệm và quyền hạn:
1. Khi tiếp nhận hồ sơ xin cấp phép xây dựng phải có phiếu nhận hồ sơ ghi rõ ngày nhận, có chữ ký người nhận; và phiếu theo dõi tiến độ, quá trình giải quyết hồ sơ.
Trong thời hạn 3 ngày (kể từ ngày nhận hồ sơ); nếu hồ sơ còn thiếu hoặc không đảm bảo yêu cầu, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải thông báo bằng văn bản cho chủ đầu tư biết để bổ sung, thay thế, giải trình.
2. Trường hợp từ chối cấp phép xây dựng, cơ quan được giao nhiệm vụ cấp phép xây dựng phải trả lời bằng văn bản giải thích rõ lý do cho chủ đầu tư biết.
3. Niêm yết công khai quy định về các thủ tục và trình tự, nội dung giải quyết cấp phép xây dựng, quy định giấy tờ hợp lệ về nhà ở và đất ở tại nơi cấp phép xây dựng.
4. Trước khi cấp phép xây dựng cho công trình cơ quan được giao nhiệm vụ cấp phép xây dựng phải lập phiếu điều tra, khảo sát hiện trạng các công trình liền kề và công trình cơ sở hạ tầng liên quan (có xác nhận của các chủ sở hữu, chủ sử dụng khu vực công trình liền kề và UBND phường, xã, thị trấn sở tại).
5. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi các công trình xây dựng trên địa bàn, kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý ngay những sai phạm về xây dựng. Trường hợp vượt quá thẩm quyền xử lý thì phải báo cáo kịp thời với cơ quan cấp trên.
6. Có lịch tiếp dân, giải quyết kịp thời theo thẩm quyền các khiếu nại của tổ chức hoặc công dân về việc cấp phép xây dựng.
7. Thu lệ phí cấp phép xây dựng theo quy định hiện hành của thành phố.
a) Cấp giấy phép xây dựng, cải tạo nhà ở riêng lẻ thuộc sở hữu tư nhân, thời hạn 20 ngày.
b) Cấp giấy phép xây dựng các công trình phúc lợi công cộng và các công trình khác, thời hạn 25 ngày.
c) Cấp chứng chỉ quy hoạch, hoặc thỏa thuận quy hoạch, kiến trúc công trình, cho từng công trình thời hạn 7 ngày; theo từng khu vực thời hạn 10 ngày.
2. Sau các thời hạn nêu trên, nếu không cấp phép được thì cơ quan giải quyết cấp phép xây dựng phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do cho chủ đầu tư biết, hoặc báo cáo UBND thành phố xin phép kéo dài thời gian giải quyết (đối với các việc phải trình UBND thành phố duyệt).
Điều 17. Quyền và nghĩa vụ của các chủ đầu tư:
1. Nộp đủ lệ phí cấp phép xây dựng theo quy định của thành phố.
2. Thực hiện đúng nội dung giấy phép xây dựng được cấp.
3. Phải bồi thường mọi tổn hại cho các chủ sở hữu công trình kế cận do việc thi công, xây dựng công trình được cấp phép gây ra.
4. Có quyền khiếu nại, tố cáo về những hành vi tiêu cực của cán bộ, công chức có liên quan đến việc giải quyết cấp phép xây dựng với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
1. Viện quy hoạch thành phố có trách nhiệm tổ chức hướng dẫn thực hiện và tổng kết, sơ kết việc thực hiện quy trình này.
2. Ban tổ chức chính quyền và UBND quận, huyện, thị xã. Viện quy hoạch thành phố có trách nhiệm kiện toàn tổ chức để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao theo quy trình này.
3. Các cơ quan được ủy quyền cấp phép xây dựng, các cơ quan liên quan, các chủ đầu tư có trách nhiệm phối kết hợp tốt và thực hiện nghiêm chỉnh các quy định trong quy trình này.
Điều 21. Khen thưởng, kỷ luật:
Những cơ quan, đơn vị, cá nhân thực hiện nghiêm túc Quy trình này và có thành tích, sáng kiến góp phần cải cách nhanh thủ tục hành chính, quản lý tốt xây dựng trên địa bàn, được khen thưởng xứng đáng theo chế độ hiện hành.
Những cơ quan, đơn vị, cá nhân thực hiện không nghiêm túc Quy trình này, cản trở cải cách thủ tục hành chính, ảnh hưởng xấu đến quản lý xây dựng trên địa bàn, tùy mức độ vi phạm, bị xử lý kỷ luật, bồi thường thiệt hại hoặc truy cứu trách nhiệm theo pháp luật.
DANH MỤC CÁC TUYẾN ĐƯỜNG PHỐ, KHU VỰC DO VIỆN QUY HOẠCH GIẢI QUYẾT THỦ TỤC XÂY DỰNG
(kèm theo quy trình cấp phép xây dựng trên địa bàn thành phố Hải Phòng ban hành kèm theo Quyết định số 56/QĐ-UB ngày 16/01/1999 của UBND thành phố Hải Phòng)
A. ĐƯỜNG PHỐ CHÍNH
Gồm các công trình theo số nhà mặt đường thuộc tuyến đường dưới đây:
STT | TÊN ĐƯỜNG PHỐ | GHI CHÚ |
I | ĐỊA BÀN QUẬN LÊ CHÂN |
|
1 | Tô Hiệu |
|
2 | Nguyễn Đức Cảnh |
|
3 | Hai Bà Trưng |
|
4 | Tôn Đức Thắng | Từ ngã tư An Dương – Cầu An Dương |
5 | Lán Bè | Từ Cầu Quay – Cầu An Dương 2 |
6 | Nguyên Hồng |
|
7 | Lam Sơn |
|
8 | Thiên Lôi | Từ ngã 3 Đôn – Chế biến lương thực thuộc quận Lê Chân. Từ XN chế biến lương thực – Quốc lộ 5 thuộc huyện An Hải |
9 | Phố Nhà Thương |
|
10 | Cát Cụt |
|
11 | Mê Linh |
|
12 | Lê Chân |
|
13 | Chùa Hàng |
|
14 | Dư Hàng |
|
15 | Hồ Sen |
|
16 | Nguyễn Công Trứ |
|
17 | Hàng Kênh |
|
18 | Miếu Hai Xã | Từ ngã 3 Công Đoàn đến hết ranh giới phường Dư Hàng |
19 | Chợ Con |
|
20 | Đình Đông |
|
21 | Chợ Hàng | Từ ngã 3 Bốt Tròn đến hết ranh giới phường Đông Hải |
22 | Trần Nguyên Hãn |
|
II | ĐỊA BÀN QUẬN HỒNG BÀNG |
|
1 | Cù Chính Lan | Nhà ở dọc 2 bên đường và từ đường tới bờ sông Tam bạc |
2 | Bến Bính |
|
3 | Nguyễn Thượng Hiền |
|
4 | Nguyễn Tri Phương |
|
5 | Hoàng Diệu |
|
6 | Hoàng Văn Thụ |
|
7 | Thất Khê |
|
8 | Đinh Tiên Hoàng |
|
9 | Hồ Xuân Hương |
|
10 | Lê Đại Hành |
|
11 | Minh Khai |
|
12 | Lý Tự Trọng |
|
13 | Trần Hưng Đạo |
|
14 | Trần Quang Khải |
|
15 | Điện Biên Phủ |
|
16 | Tam Bạc |
|
17 | Lý Thường Kiệt |
|
18 | Phạm Bá Trực |
|
19 | Kỳ Đồng |
|
20 | Phan Chu Trinh |
|
21 | Phan Bội Châu |
|
22 | Tôn Đản |
|
23 | Quang Trung |
|
24 | Nguyễn Thái Học |
|
25 | Phạm Hồng Thái |
|
26 | Ký Con |
|
27 | Tôn Thất Thuyết |
|
28 | Hoàng Ngân |
|
29 | Trạng Trình |
|
30 | Lãn Ông |
|
31 | Hạ Lý | Nhà ở 2 bên đường và từ đường ra đến bờ sông Tam Bạc |
32 | Phan Đình Phùng |
|
33 | Bạch Đằng |
|
34 | Phạm Phú Thứ |
|
35 | Cao Thắng |
|
36 | Chương Dương |
|
37 | Chi Lăng | Nhà ở 2 bên đường và từ đường ra đến bờ sông Tam Bạc |
38 | Vạn Kiếp | Nhà ở 2 bên đường và từ đường ra đến bờ sông Tam Bạc |
39 | Hùng Vương | Từ Cầu Quay – Ngã 3 Sở Dầu |
40 | Tôn Đức Thắng | Từ ngã 3 Sở Dầu đến Cống Cái Tắt thuộc quận Hồng Bàng. Từ Cống Cái Tắt đến Cầu An Dương 1 thuộc huyện An Hải |
41 | Hà Nội |
|
III | ĐỊA BÀN QUẬN NGÔ QUYỀN |
|
1 | Cầu Đất |
|
2 | Lạch Tray |
|
3 | Lê Lai |
|
4 | Lê Lợi |
|
5 | Ngô Gia Tự |
|
6 | Cát Bi |
|
7 | Văn Cao |
|
8 | An Đà |
|
9 | Nguyễn Bình |
|
10 | Chu Văn An |
|
11 | Phố Cấm |
|
12 | Trần Nhật Duật |
|
13 | Nguyễn Khuyến |
|
14 | Lương Khánh Thiện |
|
15 | Phạm Ngũ Lão |
|
16 | Trần Bình Trọng |
|
17 | Phạm Minh Đức |
|
18 | Lương Văn Can |
|
19 | Đội Cấn |
|
20 | Trần Khánh Dư |
|
21 | Võ Thị Sáu |
|
22 | Nguyễn Trãi |
|
23 | Máy Tơ |
|
24 | Lê Thánh Tông |
|
25 | Nguyễn Bỉnh Khiêm |
|
26 | Trần Phú |
|
27 | Ngô quyền | Nhà ở 2 bên đường và từ đường ra đến bến sông Cấm |
28 | Đà Nẵng |
|
29 | Điện Biên Phủ |
|
IV | ĐỊA BÀN QUẬN KIẾN AN |
|
1 | Trường Chinh |
|
2 | Lê Duẩn |
|
3 | Trần Nhân Tông |
|
4 | Trần Thành Ngọ |
|
5 | Phan Đăng Lưu |
|
6 | Trần Tất Văn |
|
7 | Nguyễn Bằng Lương |
|
8 | Hoàng Quốc Việt |
|
9 | Bùi Mộng Hoa |
|
10 | Hoàng Thiết Tâm |
|
11 | Cao Toàn |
|
12 | Chiêu Hoa |
|
13 | Nguyễn Dần Lượng |
|
14 | Mạc Đỉnh Chi |
|
15 | Lê Quốc Uy |
|
V | ĐỊA BÀN THỊ XÃ ĐỒ SƠN |
|
1 | Đường 14 | Đoạn từ xã Tân Thành (Công vụ 4) đến quán Bà Thau |
2 | Đường Lý Thánh Tông |
|
3 | Khu I, II, III và khu sân bay (cũ) |
|
B | CÁC TUYẾN QUỐC LỘ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG | |
1 | Quốc lộ 10 (cũ) | Từ núi Đèo đến Bến Bính thuộc Huyện Thủy Nguyên |
2 | Quốc lộ 5 (cũ) | Từ nút giao thông Nomura đến cảng Vật Cách - Từ cảng Vật Cách đến ngã 3 Sở Dầu gồm nhà ở 2 bên đường và từ đường đến Sông Cấm |
3 | Quốc lộ 5 (mới) | Theo tuyến mới gồm địa bàn: An Hải, Lê Chân, Hồng Bàng, Ngô Quyền |
4 | Đường vào Cầu Bính | - Từ ngã 3 Tân Dương đến Cầu Bính thuộc huyện Thủy Nguyên - Từ đường Hùng Vương đến Cầu Bính thuộc quận Hồng Bàng |
5 | Đường 14 | - Từ Cầu Rào tới đường Công Vụ 4 (xã Tân Thành) |
C | CÁC KHU VỰC | |
1 | Các khu nhà ở cao tầng Vạn Mỹ, Cầu Tre, gia Lạc Viên, Vật Cách, Phụng Pháp, Đồng Tâm, Nam Pháp, An Dương | |
2 | Dải Trung tâm thành phố từ cổng Cảng đến Cầu Quay | |
3 | Vùng quy hoạch công viên An Biên (theo dự án quy hoạch được UBND thành phố duyệt) | |
4 | Vùng dự án ngã 5 sân bay Cát Bi (theo dự án quy hoạch được UBND thành phố duyệt) | |
5 | Vùng dự án đường Hồ Sen kéo dài (theo dự án quy hoạch được UBND thành phố duyệt) | |
6 | Vùng dự án đường Đông Khê 2 (theo dự án quy hoạch được UBND thành phố duyệt) | |
7 | Các dự án nằm trong danh mục thành phố phê duyệt |
- 1Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 1994
- 2Nghị định 91-CP năm 1994 ban hành điều lệ quản lý quy hoạch đô thị
- 3Nghị định 42-CP năm 1996 ban hành điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng
- 4Thông tư 05-BXD/KTQH-1996 hướng dẫn cấp giấy phép xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành
- 5Nghị định 92-CP năm 1997 sửa đổi Điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định 42/CP
Quyết định 56/QĐ-UB năm 1999 về Quy trình cấp phép xây dựng trên địa bàn thành phố Hải Phòng do Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng ban hành
- Số hiệu: 56/QĐ-UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 16/01/1999
- Nơi ban hành: Thành phố Hải Phòng
- Người ký: Trần Huy Năng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra