Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 56/2008/QĐ-UBND

Thành phố Cao Lãnh, ngày 30 tháng 12 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ THU PHÍ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI KHAI THÁC KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Pháp lệnh về phí và lệ phí ngày 28 tháng 8 năm 2001;

Căn cứ Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 6 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 3 tháng 6 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Phí và Lệ phí;

Căn cứ Thông tư số 45/2006/TT-BTC ngày 25 tháng 5 năm 2006 của Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24 tháng 7 năm 2002 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí và lệ phí;

Căn cứ Nghị định số 63/2008/NĐ-CP ngày 13 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản;

Căn cứ Thông tư số 67/2008/TT-BTC ngày 21 tháng 07 năm 2008 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định số 63/2008/NĐ-CP ngày 13 tháng 5 năm 2008 của của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản;

Căn cứ Nghị quyết số 122/2008/NQ-HĐND ngày 17 tháng 12 năm 2008 của Hội đồng nhân dân Tỉnh khóa VII thông qua tại kỳ họp thứ 11 về việc quy định mức thu, quản lý và sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2009; bãi bỏ Quyết định số 199/QĐ-UBND-HC ngày 17 tháng 2 năm 2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp về việc kế hoạch sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Giao Giám đốc Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân Tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành Tỉnh; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- VPCP (I, II);
- Bộ Tài chính;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- TT/TU, TT/HĐND Tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội Tỉnh;
- CT & các PCT/UBND Tỉnh;
- LĐVP/UBND Tỉnh;
- NC (TH, LTPP);
- Lưu VT.HS.

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Võ Trọng Nghĩa

 

QUY ĐỊNH

VỀ THU PHÍ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI KHAI THÁC KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 56/2008/QĐ-UBND ngày 30 tháng 12 năm 2008 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng chịu phí.

Đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản theo quy định này là: đất sét làm gạch ngói, cát vàng (cát đổ bê tông và xây tô), cát đen san lấp.

Điều 2. Đối tượng nộp phí.

 Đối tượng nộp phí bảo vệ môi trường đối với với khai thác khoáng sản là tổ chức, cá nhân khai thác các loại khoáng sản thuộc đối tượng chịu phí quy định tại Điều 1 của Quyết định này.

Chương II

MỨC THU, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG PHÍ

Điều 3. Mức thu.

1. Đất sét làm gạch ngói: 1.500 đồng/m3.

2. Cát vàng (cát đổ bê tông và xây tô): 3.000 đồng/m3.

3. Cát đen san lấp: 2.000 đồng/m3.

4. Đối với những loại khoáng sản khác nếu có phát sinh trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp thì thực hiện theo mức thu tối đa quy định tại Nghị định số 63/2008/NĐ-CP ngày 13 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ.

Điều 4. Quản lý, sử dụng tiền phí.

Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản là khoản thu thuộc Ngân sách cấp tỉnh hưởng 100% để hỗ trợ cho công tác bảo vệ và đầu tư bảo vệ môi trường trên địa bàn Tỉnh, theo các nội dung cụ thể sau đây:

1. Phòng ngừa và hạn chế các tác động xấu đối với môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản.

2. Khắc phục suy thoái, ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra.

3. Giữ gìn vệ sinh, bảo vệ và tái tạo cảnh quan môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản.

Điều 5. Trách nhiệm lập kế hoạch sử dụng tiền phí thu được.

1. Giao Cục thuế Tỉnh lập kế hoạch thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp của các đơn vị được phép khai thác trên địa bàn theo chỉ tiêu được cơ quan có thẩm quyền cho phép khai thác, trình Uỷ ban nhân Tỉnh phê duyệt.

2. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường căn cứ kế hoạch thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản do Cục thuế Tỉnh lập đã được Uỷ ban nhân dân Tỉnh phê duyệt, lập kế hoạch sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn và kế hoạch phân bổ khoản phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản cho các đơn vị có liên quan để thực hiện công việc bảo vệ môi trường tại địa phương, trình Uỷ ban nhân dân Tỉnh phê duyệt.

3. Giao Sở Tài chính căn cứ số thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn Tỉnh do cơ quan thuế thu và căn cứ kế hoạch thực hiện công tác bảo vệ môi trường tại địa phương được Uỷ ban nhân dân Tỉnh phê duyệt, thực hiện việc cấp phát khoản phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản cho các đơn vị liên quan thực hiện chi sự nghiệp môi trường theo đúng chế độ quy định.

Điều 6. Nghĩa vụ của đối tượng nộp phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản thực hiện theo Nghị định 63/2008NĐ-CP ngày 13 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ và Thông tư số 67/2008/TT-BTC ngày 21 tháng 7 năm 2008 của Bộ Tài chính.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 7. Cơ quan Thuế địa phương nơi đơn vị thu đóng trụ sở có trách nhiệm cấp biên lai thu phí cho đơn vị thu; kiểm tra đôn đốc các đơn vị thu phí, thực hiện chế độ thu nộp, quản lý và sử dụng biên lai thu tiền phí theo đúng chế độ quy định.

Điều 8. Sở Tài chính có trách nhiệm quản lý, kiểm tra việc thu phí đúng quy định. Định kỳ 6 tháng, năm tổng hợp báo cáo tình hình việc thực hiện thu, nộp, quản lý, sử dụng phí, lệ phí trên địa bàn Tỉnh; theo dõi mức thu phí, tỷ lệ nộp Ngân sách; đồng thời tổng hợp các kiến nghị đề xuất trình Uỷ ban nhân dân Tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương./.