Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5573/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 03 tháng 12 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG CƠ SỞ HẠ TẦNG NGÀNH THƯƠNG MẠI GIAI ĐOẠN 2012 – 2015, CÓ TÍNH ĐẾN 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị quyết số 02/2012/NQ-HĐND ngày 25/4/2012 của HĐND Thành phố về Quy hoạch phát triển thương mại Thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 2757/QĐ-UBND ngày 20/6/2012 của UBND Thành phố về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển thương mại Thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Quyết định số 5058/QĐ-UBND ngày 05/11/2012 của UBND Thành phố về việc phê duyệt Quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn Thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 09/2012/QĐ-UBND ngày 21/5/2012 của UBND Thành phố về việc ban hành quy định một số nội dung về quản lý đầu tư và xây dựng đối với các dự án đầu tư trên địa bàn Thành phố Hà Nội;

Xét đề nghị của Sở Công Thương Hà Nội tại Tờ trình sổ 3738/TTr - SCT ngày 02/11/2012 về việc phê duyệt Chương trình Xây dựng cơ sở hạ tầng ngành Thương mại giai đoạn 2012-2015, có tính đến 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình Xây dựng cơ sở hạ tầng ngành Thương mại giai đoạn 2012 - 2015, có tính đến 2020.

Điều 2. Giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp cùng các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã liên quan triển khai, tổ chức thực hiện Chương trình Xây dựng cơ sở hạ tầng ngành Thương mại giai đoạn 2012 - 2015, có tính đến 2020, báo cáo UBND Thành phố.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND Thành phố; Giám đốc các Sở: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Quy hoạch - Kiến trúc; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và Thủ trường các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Sửu

 

CHƯƠNG TRÌNH

XÂY DỰNG CƠ SỞ HẠ TẦNG NGÀNH THƯƠNG MẠI GIAI ĐOẠN 2012 - 2015, CÓ TÍNH ĐẾN 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 5573/QĐ-UBND ngày 03/12/2012 của UBND Thành phố)

Quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XV Đảng bộ Thành phố, xuất phát từ thực tiễn và yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 25/KH-UBND ngày 06/3/2012 về việc thực hiện Chương trình "Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế Thủ đô tăng trưởng nhanh và bền vững" giai đoạn 2011 - 2015 và Kế hoạch số 69/KH-UBND ngày 09/5/2012 về việc thực hiện Chương trình số 02/CTr-TU ngày 29/8/2011 của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sồng nông dân giai đoạn 2011- 2015";

Để triển khai có hiệu quả các chương trình công tác của Thành ủy, cụ thể hóa Nghị quyết số 02/2012/NQ-HĐND ngày 25/4/2012 của Hội đồng nhân dân Thành phố về quy hoạch phát triển thương mại trên địa bàn Thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 2757/QĐ-UBND ngày 20/6/2012 của UBND Thành phố về việc phê duyệt quy hoạch phát triển thương mại Thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Quyết định số 5058/QĐ-UBND ngày 05/11/2012 của UBND Thành phố về việc phê duyệt Quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn Thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, UBND Thành phố xây dựng Chương trình "Xây dựng cơ sở hạ tầng ngành Thương mại giai đoạn 2012 -2015, có tính đến 2020" như sau:

PHẦN THỨ NHẤT

ĐÁNH GIÁ KHÁI QUÁT TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN CƠ SỞ HẠ TẦNG NGÀNH THƯƠNG MẠI GIAI ĐOẠN 2006 - 2011

Trong những năm qua, từ Chính phủ đến Thành ủy, UBND Thành phố có chủ trương xã hội hóa đầu tư nhằm thu hút mọi nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2008, Quốc hội thông qua Nghị quyết 15/NQ-QH về điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội và các tỉnh, theo đó diện tích của Hà Nội được mở rộng lên tới 3.344 km2; bao gồm 10 quận, 18 huyện và 1 thị xã. Với quy mô rộng lớn như hiện nay, Hà Nội có nhiều tiềm năng phát triển. Đối với ngành Thương mại Hà Nội, cùng với yêu cầu tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế mà nước ta đã gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) càng cần xã hội hóa thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng thương mại - dịch vụ để nhanh chóng xây dựng được hệ thống phân phối hàng hóa hiện đại, văn minh đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, Hà Nội vẫn chưa phát triển tương xứng với vị trí, vai trò Thủ đô của cả nước. Để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế của toàn Thành phố, Hà Nội cần nhanh chóng tạo lập hệ thống phân phối hàng hóa bán buôn chợ đầu mối, chợ dân sinh, các trung tâm thương mại, siêu thị, kết cấu hạ tầng thương mại hiện đại làm động lực để phát triển kinh tế chung của Hà Nội, làm đầu tàu cả nước theo kịp tiến trình đã cam kết khi gia nhập WTO của nước ta.

1. Mạng lưới chợ:

Đến nay, trên địa bàn Thành phố có 414 chợ, trong đó có 12 chợ hạng 1 (bao gồm 02 chợ đầu mối), 67 chợ hạng 2, 304 chợ hạng 3 và 31 chợ chưa phân hạng.

Phân bố mạng lưới chợ ở 10 quận có 104 chợ (33,82%), ở thị xã có 11 chợ (2,66%), các huyện có 299 chợ (63,52%). Bình quân 1 quận nội thành có 10,4 chợ và 1 huyện ngoại thành có khoảng 16,6 chợ.

Về diện tích xây dựng chợ: Tổng diện tích đất chợ khoảng 1.560.536,2 m2. Diện tích đất chợ bình quân đầu người là 0,25m2/người, chỉ bằng 50% số với chỉ tiêu này của cả nước. Trong đó:

- 10 quận có 104 chợ, với tổng diện tích 316.868 m2, diện tích đất bình quân một chợ là 3.046,81 m2 /chợ.

- 19 huyện, thị xã có 310 chợ, với tổng diện tích 1.252.668,2 m2, diện tích đất bình quân một chợ là 4.040,9 m2/chợ.

Hiện nay, phần lớn các chợ xuống cấp nghiêm trọng. Trong số các chợ thì có khoảng 70 chợ kiên cố, chiếm 15,9%; 213 chợ bán kiên cố, chiếm 51,5%; 131 chợ lán tạm, chiếm 31,6%, những chợ này không đáp ứng được yêu cầu về văn minh thương mại, vệ sinh môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống cháy nổ; số chợ còn lại chưa xác định được tình trạng cơ sở hạ tầng.

Tại các quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Đống Đa, Hà Đông; thị xã Sơn Tây và ở các huyện Thanh Trì, Từ Liêm... phần lớn chợ đều được xây kiên cố hoặc bán kiên cố, không có chợ lều lán tạm. Số chợ có lều lán tạm tại một số huyện chiếm tỷ lệ khá cao như huyện Sóc Sơn (chiếm 70%), huyện Ba Vì (chiếm 65%), huyện Chương Mỹ (chiếm 71%). Tại các huyện này không có chợ xây dựng kiên cố hoặc số chợ xây dựng kiên cố chiếm tỷ lệ rất thấp;

Đa số chợ tại các quận nội thành đều có hệ thống thoát nước, khu vực thu gom rác thải, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy tương đối đầy đủ. Hệ thống quầy sạp được trang bị thống nhất, đồng bộ theo quy hoạch ngành hàng. Điều kiện vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm được chú trọng tuyên truyền, phổ biến và quán triệt đến từng hộ kinh doanh. Tuy nhiên, đến nay hệ thống cơ sở vật chất tại chợ đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều chợ không đáp ứng được yêu cầu về văn minh thương mại, vệ sinh moi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng cháy chữa cháy.

Tại các huyện ngoại thành và thị xã Sơn Tây, các chợ chủ yếu được xây dựng bán kiên cố, cơ sở vật chất tại chợ còn sơ sài, nhiều chợ không có lợi thế thương mại, không kêu gọi được doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp chợ.

Trong thời gian qua, công tác đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp chợ mặc dù đã được chú trọng nhưng do khó khăn về bố trí vốn ngân sách cũng như kêu gọi xã hội hóa đầu tư nên cơ sở hạ tầng mạng lưới chợ vẫn chưa được cải thiện rõ rệt. Đa số các chợ được bố trí vốn ngân sách để đầu tư xây dựng lại, xây dựng mới là chợ tại khu vực trung tâm các huyện, thị xã (chợ Nghệ - thị xã Sơn Tây, chợ Vân Đình - thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa) hoặc các chợ bán buôn (chợ Hà Vỹ - huyện Thường Tín)... Đối với các chợ do doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý, việc đầu tư xây dựng mới, xây dựng lại, nâng cấp thực hiện theo mô hình chợ - trung tâm thương mại và các dịch vụ hỗn hợp khác. Các chợ còn lại, chủ yếu được doanh nghiệp, hợp tác xã cải tạo, sửa chữa nhỏ, rất ít chợ được đầu tư xây dựng lại với quy mô vốn lớn. Đối với các chợ do UBND quận, huyện, thị xã giao cho ban quản lý, tổ quản lý, hàng năm vẫn được chính quyền địa phương bố trí ngân sách địa phương cải tạo với quy mô nhỏ nhằm đảm bảo hoạt động chợ ổn định, đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy...

Mạng lưới chợ trên địa bàn Thành phố vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu hàng ngày của người dân. Tại các quận và thị xã Sơn Tây, có 117 chợ/160 phường, chiếm tỷ lệ 73%; tại các quận trung tâm như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, tỷ lệ chợ/phường thấp, phát sinh nhiều tụ điểm chợ cóc, hàng rong, hoạt động trên lòng, lề đường hoặc trong các khu dân cư, khu tập thể; tại các huyện chỉ có 294 chợ/420xã, thị trấn, chiếm tỷ lệ 70%, ngoài các chợ truyền thống đã xuất hiện các điểm chợ tự phát tại các trục đường liên thôn, liên xã. Việc họp chợ tự phát đã và đang gây mất an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, trật tự an toàn giao thông, không đảm bao vệ sinh an toàn thực phẩm...

Nhìn chung, mạng lưới chợ ở Hà Nội có số lượng khá lớn, phục vụ chủ yếu cho nhu cầu mua sắm hàng hóa của dân cư. Về hoạt động của chợ có nhiều điểm tích cực, số lượng người buôn bán trong chợ tăng lên, tăng mức lưu chuyển hàng hóa, thuận tiện cho việc mua bán đáp ứng nhu cầu của dân cư, tăng thu cho ngân sách địa bàn. Công tác quản lý nhà nước đối với chợ trong những năm vừa qua đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Tuy vậy, còn khá nhiều những tồn tại cần khắc phục, như:

- Do thiếu thống nhất quy hoạch và đầu tư xây dựng mạng lưới chợ nên hiện tại số lượng chợ nhất là ở khu vực nông thôn còn thiếu, xuống cấp nghiêm trọng, có nơi phát triển tự phát, phân bố chưa hợp lý. Nhiều khu vực đông dân cư, hiện tượng mua bán lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường gây cản trở lưu thông.

- Ở một số địa bàn nội thành và chủ yếu ở nông thôn, loại hình chợ còn đơn điệu, hầu hết là chợ kinh doanh tổng hợp. Ngành hàng kinh doanh trong chợ chủ yếu tập trung vào mặt hàng tươi sống, tạp hóa, may mặc, dịch vụ ăn uống... trong khi đó các ngành kinh doanh khác như hàng điện tử, thực phẩm công nghệ có số hộ kinh doanh rất ít. Chưa hình thành được chợ đầu mối nông sản đáp ứng yêu cầu, vì vậy chưa phát huy được chức năng của loại hình chợ này đối với sản xuất nông nghiệp, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng giá trị cho sản phẩm và hỗ trợ mạng lưới bán lẻ nông sản kinh doanh văn minh, hiện đại...

- Việc xây dựng chợ chưa theo tiêu chuẩn thiết kế nên bố trí không gian kiến trúc, yêu cầu về diện tích mặt bằng của hệ thống chợ cũng chưa hợp lý và chưa thể hiện được nét văn hóa, truyền thống của từng khu vực. Vốn đầu tư để nâng cấp chợ và xây dựng chợ mới, di dời chợ gặp rất nhiều khó khăn.

- Công tác quản lý và phát triển chợ những năm qua ở các quận, huyện, thị xã có nhiều cố gắng, nhưng tiến độ triển khai quy hoạch còn chậm và chưa đồng bộ, hiệu quả còn hạn chế. Đội ngũ cán bộ quản lý chợ cả ở những cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị quản lý trực tiếp tại các chợ còn hạn chế về năng lực chuyên môn, vì vậy chưa phát huy được vai trò và các chức năng của chợ, ngay cả ở những chợ đã được xây dựng khang trang.

2. Hệ thống bán buôn, bán lẻ hiện đại:

Đến nay, trên địa bàn Thành phố có 20 trung tâm thương mại và 128 siêu thị, trong đó có 06 trung tâm thương mại, 13 siêu thị hạng 1; 01 trung tâm thương mại, 26 siêu thị hạng 2; 07 trung tâm thương mại, 48 siêu thị hạng 3 và 06 trung tâm thương mại, 41 siêu thị chưa phân hạng.

Hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị chủ yếu tập trung tại khu vực các quận và một số huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh như Từ Liêm, Gia Lâm và thị xã Sơn Tây. Hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn các huyện tương đối ít, mong và phân bố không đều. Vẫn còn nhiều huyện chưa có trung tâm thương mại, siêu thị (như Hoài Đức, Quốc Oai, Phúc Thọ, Mỹ Đức...).

Sự xuất hiện của loại hình trung tâm thương mại, siêu thị với các phương thức bán hàng văn minh, hiện đại đã từng bước tạo cho người người tiêu dùng thói quen mua sắm mới. Trong những năm gần đây, tỷ trọng hàng hóa lưu thông qua các trung tâm thương mại, siêu thị liên tục tăng, chiếm khoảng 20 - 25% trong các kênh phân phối, phần nào thể hiện vai trò của loại hình này trong mạng lưới bán buôn, bán lẻ Thành phố. Tuy nhiên, sự phát triển của hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn Thành phố chưa đồng đều (ở cả khu vực thành thị và nông thôn), chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng văn minh, hiện đại của người dân, nhất là tại khu vực nông thôn.

Các loại hình hạ tầng thương mại khác như trung tâm bán buôn, trung tâm mua sắm là các loại hình kinh doanh mới trên địa bàn Thành phố. Các loại hình này đóng vai trò quan trọng để phát triển thương mại hiện đại nhưng chưa được chú trọng quản lý, đầu tư. Hiện nay, các văn bản quy định của Nhà nước về quản lý hoạt động, đánh giá, phân hạng của các loại hình hạ tầng thương mại mới này còn thiếu. Đây cũng chính là một trong những hạn chế trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của trung tâm bán buôn, trung tâm mua sắm...

Những năm gần đây, Nhà nước đã chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật của trung tâm hội chợ triển lãm. Tuy nhiên, do diện tích trung tâm hội chợ triển lãm và các dịch vụ phục vụ hội chợ triển lãm còn hạn chế nên khó tổ chức các hội chợ triển lãm quy mô lớn, mang tầm cỡ khu vực và quốc tế.

Sự phát triển mạng lưới trung tâm thương mại ở Thành phố Hà Nội mặc dù còn yếu, song sự xuất hiện ngày càng nhiều hơn đã chứng tỏ triển vọng phát triển của loại hình thương mại hiện đại này. Đồng thời, các dịch vụ cung cấp tại các trung tâm thương mại đã đóng góp đáng kể vào việc cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ chất lượng cao của người tiêu dùng và phục vụ hoạt động của các thương nhân.

Tuy vậy, sự phát triển của các trung tâm thương mại còn khá nhiều tồn tại cần được khắc phục trong thời gian tới, như:

- Các loại hình trung tâm thương mại trên địa bàn Thành phố Hà Nội còn đơn điệu, chủ yếu là trung tâm mua sắm phục vụ cho bán lẻ, trung tâm thương mại phục vụ bán lẻ và văn phòng cho thuê, trung tâm hội chợ triển lãm. Hiện chưa có các trung tâm thương mại quốc tế và vùng, các trung tâm bán buôn lớn. Vì vậy, đã hạn chế nhiều vai trò và chức năng của mạng lưới trung tâm thương mại, đặc biệt là chưa đáp ứng theo mục tiêu phát triển Hà Nội thành trung tâm thương mại quốc tế và của cả nước;

- Phân bố mạng lưới trung tâm thương mại chưa được định hướng nên mang tính tự phát, các doanh nghiệp thương mại gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm địa điểm kinh doanh trung tâm thương mại;

- Trình độ quản lý dịch vụ của các trung tâm thương mại còn thấp so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, chất lượng dịch vụ thấp và giá cao, giá thuê diện tích kinh doanh rất cao. Điều đó hạn chế vai trò của trung tâm thương mại đối với sản xuất, tiêu dùng và phục vụ cho hoạt động của thương nhân;

- Vốn đầu tư phát triển trung tâm thương mại còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp thương mại Hà Nội chưa tiếp cận được với các nguồn vốn tín dụng của Nhà nước, chưa được hưởng ưu đãi như đầu tư vào các dịch vụ chất lượng cao;

- Các tiêu chí và yêu cầu kinh tế - kỹ thuật cho mỗi loại hình trung tâm thương mại chưa được ban hành nên mạng lưới trung tâm thương mại chưa được thiết kế và xây dựng theo tiêu chuẩn, đảm bảo phục vụ các chức năng của mỗi loại hình, điều này vừa gây lãng phí trong đầu tư, vừa gây khó khăn trong quá trình quản lý trung tâm thương mại;

- Quản lý nhà nước trên địa bàn cũng chưa tạo được các yếu tố và điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mạng lưới trung tâm thương mại, như thiếu quy hoạch, bố trí địa điểm, đất đai, chính sách phát triển dịch vụ chất lượng cao, hỗ trợ đào tạo đội ngũ quản lý trung tâm thương mại, hỗ trợ về thông tin.

Đối với mạng lưới các siêu thị trên địa bàn Thành phố, do sự phát triển nhanh về kinh tế và đô thị của Thủ đô trong những năm gần đây, mức sống người dân đã được nâng lên rõ rệt, vì vậy nhu cầu mua sắm tại các siêu thị đã trở thành nhu cầu và thói quen của một bộ phận người dân. Tuy nhiên, loại hình siêu thị còn một số tồn tại sau:

- Mạng lưới siêu thị phân bố không đều, phát triển còn mang tính tự phát, chủ yếu mới chỉ xuất hiện tại các quận nội thành của Hà Nội, hiện tại chỉ có 15/29 quận, huyện, thị xã có siêu thị. Số lượng siêu thị chuyên doanh ít và được bố trí chủ yếu tại các địa bàn ngoại thành, một số huyện có rất ít loại hình bán lẻ hiện đại này.

- Doanh nghiệp kinh doanh siêu thị rất đa dạng, có cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, có cả các doanh nghiệp nhà nước và các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp tư nhân.

- Về chủng loại và chất lượng hàng hóa và dịch vụ: Hàng hóa kinh doanh tại các siêu thị khá phong phú, tuy nhiên các mặt hàng thực phẩm, rau quả tươi, thủy hải sản chiếm tỷ trọng thấp. Tại một số siêu thị, cửa hàng tự chọn, chất lượng của một số loại hàng hóa chưa thường xuyên đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Lượng hàng hóa lưu thông qua kênh siêu thị chỉ chiếm khoảng 20 - 25% doanh số bán lẻ của toàn ngành, chất lượng dịch vụ ở mức trung bình và thấp, chưa đáp ứng yêu cầu sử dụng dịch vụ của người dân Thủ đô.

- Về cơ sở vật chất: số lượng siêu thị có quy mô lớn về diện tích, trang thiết bị hiện đại không nhiều, phần lớn có diện tích nhỏ, chỗ để xe cho khách chật hẹp, thậm chí có siêu thị không có chỗ để xe và nhà vệ sinh.

PHẦN THỨ HAI

NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN CƠ SỞ HẠ TẦNG NGÀNH THƯƠNG MẠI GIAI ĐOẠN 2012 - 2015, CÓ TÍNH ĐẾN 2020

I. PHƯƠNG HƯỚNG, MỤC TIÊU XÂY DƯNG CƠ SỞ HẠ TẦNG NGÀNH THƯƠNG MẠI GIAI ĐOẠN 2012 - 2015, CÓ TÍNH ĐẾN 2020

l. Mục tiêu:

- Tổ chức thực hiện có kết quả công tác đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại trên địa bàn Thành phố, trong giai đoạn 2012-2015.

- Đẩy mạnh phát triển mạng lưới chợ, trung tâm thương mại, siêu thị,... trên địa bàn nông thôn Hà Nội. Tập trung đầu tư xây dựng các loại hình cơ sở hạ tầng thương mại quy mô lớn nhằm tạo sức bật cho phát triển kinh tế của các huyện, thị xã và Thành phố.

2. Phương hướng, nhiệm vụ:

- Khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp thương mại phát triển mạng lưới và trở thành kênh phân phối chủ yếu hàng công nghiệp tiêu dùng ở thị trường Hà Nội.

- Nâng cấp và mở rộng mạng lưới chợ bán lẻ ở địa bàn các xã, phường, thị trấn khuyến khích các thương nhân hoạt động trong chợ thành lập các liên minh mua bán hàng hóa, lấy chợ làm hạt nhân để tổ chức khu vực xung quanh chợ tạo cơ sở cho các chuỗi cửa hàng tiện lợi, chuyên doanh và tổng hợp phát triển.

- Phát triển khu thương mại - dịch vụ tổng hợp ở các xã, phường, thị trấn. Đồng thời, ưu tiên phát triển các hình thức bán lẻ mới như trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, siêu thị tổng hợp và siêu thị chuyên doanh cũng như siêu thị dạng kho hàng... và có chính sách, biện pháp khuyến khích đầu tư vào những hình thức này .

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM ĐỐI VỚI VIỆC PHÁT TRIỂN TỪNG LOẠI HÌNH CỞ SỞ HẠ TẦNG NGÀNH THƯƠNG MẠI

1. Lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư:

Trong giai đoạn 2012 - 2015, tập trung xác định vị trí đất cụ thể của từng dự án cơ sở hạ tầng thương mại; lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư tham gia đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại trên địa bàn Thành phố Hà Nội, bao gồm:

- 06 chợ đầu mối, chuyên doanh; 174 chợ dân sinh;

- 05 trung tâm bán buôn cấp vùng;

- 02 trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia và quốc tế;

- 22 trung tâm mua sắm;

- 29 trung tâm thương mại;

- 13 siêu thị hạng 1, 29 siêu thị hạng 2, 31 siêu thị hạng 3;

Danh mục dự án bao gồm các nội dung như: Tên dự án; địa điểm; diện tích khu đất; mục tiêu, quy mô đầu tư và các yêu cầu đối với dự án theo quy định của pháp luật liên quan đến từng loại hình đầu tư; tổng mức đầu tư dự kiến; tiến độ thực hiện dự án. (Theo quy định tại Khoản 2 Điều 16, Quyết định 09/2012/QĐ-UBND ngày 21/5/2012 của UBND Thành phố về việc ban hành quy định một số nội dung về quản lý đầu tư và xây dựng đối với các dự án đầu tư trên địa bàn Thành phố Hà Nội).

2. Các dự án trọng điểm giai đoạn 2012-2015, định hướng 2020:

Trên cơ sở danh mục dự án đã được xác định, trong giai đoạn 2012 -2015, Thành phố sẽ tập trung chỉ đạo đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm làm động lực phát triển thương mại, dịch vụ, kinh tế - xã hội của từng quận, huyện, thị xã cũng như phát triển kinh tế chung của Thủ đô. Các dự án trọng điểm bao gồm:

- 02 chợ đầu mối nông sản thực phẩm cấp vùng tại KĐT Long Biên - Gia Lâm và KĐT Mê Linh.

- 01 chợ đầu mối chuyên doanh thủy sản tại phường Yên Sở, quận Hoàng Mai.

- 01 trung tâm bán buôn cấp vùng tại KĐT Long Biên - Gia Lâm.

- 01 trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia tại khu Mễ Trì - huyện Từ Liêm.

- 19 trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm tại các huyện, thị xã.

Nguồn vốn, phương thức đầu tư xây dựng đối với dự án chợ được thực hiện theo Quyết định 12/2012/QĐ-UBND ngày 30/5/2012 của UBND Thành phố Hà Nội về việc ban hành quy định về phát triển và quản lý chợ trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Đối với các dự án trung tâm bán buôn cấp vùng, trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm thực hiện kêu gọi đầu tư theo Quyết định số 09/2012/QĐ-UBND ngày 21/5/2012 của UBND Thành phố Hà Nội về việc ban hành quy định một số nội dung về quản lý đầu tư và xây dựng đối với các dự án đầu tư trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

PHẦN THỨ BA

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. CÁC BƯỚC TRIỂN KHAI

1. Công tác lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư:

- Trình tự thực hiện:

TT

Nội dung

Đơn vị thực hiên

Kết quả thực hiện

Ghi chú

1

Xác định các thông tin về dự án để đưa vào danh mục

Sở Công Thương

Danh mục dự án theo Quy hoạch

 

2

Bổ sung thông tin về địa điểm, diện tích cụ thể của từng dự án

UBND các quận, huyện, thị xã

Trích lục bản đồ từng dự án cụ thể

 

3

Bổ sung thông tin về kế hoạch sử dụng đất đối với từng dự án cụ thể

Sở Tài nguyên môi trường

Thông tin về kế hoạch sử dụng đất đối với từng dự án cụ thể

 

4

Bổ sung thông tin về chỉ tiêu quy hoạch xây dựng

Sở Quy hoạch kiến trúc

Thông tin về mật độ, tầng cao, hệ số sử dụng đất

 

5

Tổng hợp danh mục dự án có sử dụng đất để kêu gọi đầu tư

Sở Kế hoach và Đầu tư

Tờ trình UBND Thành phố phê duyệt danh mục dư án có sử dung đất để kêu gọi đầu tư

 

6

Phê duyêt danh mục dự án có sử dụng đất

UBND Thành phố

Quyết định phê duyệt danh mục dự án có sử dụng đất để kêu gọi đầu tư

 

7

Công bố danh mục dự án có sử dụng đất, kêu gọi đầu tư

Sở Kế hoạch và Đầu tư

Thông tin về danh mục dự án có sử dụng đất để kêu gọi đầu tư trên Báo Đấu thầu, trang web Cổng Giao tiếp điện tử của UBND Thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư

 

- Thời gian thực hiện:

Hàng Quý, Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã xác định vị trí các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại, gửi các Sở, Ngành tham gia ý kiến, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố phê duyệt, công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng để kêu gọi đầu tư.

2. Công tác đầu tư xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng ngành Thương mại:

2.1. Các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước:

TT

Nội dung triển khai

Đơn vị thực hiện

Thời gian thực hiện

Ghi chú

1

Xác định các thông tin dự án

Sở Công Thương

Đến 31/12/2012

 

2

Bổ sung thông tin về địa điểm, diện tích cụ thể của từng dự án

UBND các quận, huyện, thị xã

Từ 01/01 -31/01/2013

 

3

Bổ sung thông tin về kế hoạch sử dụng đất, chỉ tiêu quy hoạch xây dựng đối với từng dự án cụ thể

Sở Tài nguyên môi trường, Sở Quy hoạch - Kiến trúc

Từ 01/02-28/02/2013

 

4

Đề xuất dự án đầu tư bằng nguồn ngân sách Thành phố

Sở Công Thương, Sở Kế hoach và Đầu tư, Sở Tài chính

Từ 01/3-31/3/2013

 

5

Trình UBND Thành phố phê duyệt danh mục dự án đầu tư bằng nguồn ngân sách Thành phố,

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính

Từ 01/4-15/4/2012

 

6

Triển khai các công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư, đưa vào khai thác sử dụng đối với các dự án sử dụng nguồn ngân sách Thành phố

Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các quận, huyện, thị xã, chủ đầu tư đưựoc cơ quan có thẩm quyên lựa chọn

Từ 01/5/2013

31/12/2015 (Cụ thể theo từng dự án)

 

2.2. Các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách:

Thực hiện trình tự xác định danh mục dự án có sử dụng đất kêu gọi đầu tư tại Điểm I, Mục I, Phần III của Chương trình. Đồng thời nghiên cứu cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, trình UBND Thành phố phê duyệt để kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư.

lI. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM.

1. Sở Công Thương:

- Chủ trì xây dựng danh mục các dự án phát triển cơ sở hạ tầng thương mại kêu gọi đầu tư; phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã xác định vị trí cụ thể; phối hợp với Sở Tài nguyên môi trường, Sở Quy hoạch - Kiến trúc rà soát thông tin về kế hoạch sử dụng đất, thông tin về chỉ tiêu quy hoạch xây dựng; tổng hợp, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư trình UBND Thành phố xem xét, phê duyệt.

- Chủ trì xây dựng, lập kế hoạch nhu cầu vốn đầu tư, vốn sự nghiệp hàng năm gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính tham gia, trình UBND Thành phố xem xét, phê duyệt.

- Theo dõi, đôn đốc các sở, ngành có liên quan triển khai thực hiện theo kế hoạch nhiệm vụ đề ra hàng năm;

- Định kỳ sáu tháng, một năm tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện, xây dựng kế hoạch của năm tiếp theo trình UBND Thành phố;

- Nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh, bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để báo cáo UBND Thành phố xem xét, quyết định kịp thời trong quá trình thực hiện nhằm triển khai thực hiện tốt kế hoạch; Qúy IV/ 2013, tổ chức sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm việc triển khai thực hiện Chương trình; Quý IV/2015, tổ chức tổng kết chương trình.

- Đề xuất giải pháp thực hiện chính sách phát triển cơ sở hạ tầng thương mại, chính sách huy động vốn để triển khai thực hiện chương trình đồng bộ, phù hợp với nguồn lực của Thành phố.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Phối hợp với Sở Công Thương và các sở, ngành liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã tổng hợp danh mục dự án có sử dụng đất kêu gọi đầu tư, trình UBND Thành phố chấp thuận, ban hành; tổ chức công bố danh mục các dự án lựa chọn nhà đầu tư trên Báo Đấu thầu 3 kỳ liên tiếp theo quy định và đăng tải trên các trang web Cổng Giao tiếp điện tử của UBND Thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư.

- Chủ trì, thực hiện các công tác lựa chọn nhà đầu tư, đăng ký đầu tư, thẩm tra, cấp giấy chứng nhận đầu tư... theo quy định tại Điều 17, 18, 19, 20 của Quyết định số 09/2012/QĐ-UBND ngày 21/5/2012 của UBND Thành phố về việc ban hành quy định một số nội dung về quản lý đầu tư và xây dựng đối với các dự án đầu tư trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

- Tổng hợp nhu cầu vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại, tham mưu UBND Thành phố hàng năm trình HĐND Thành phố bố trí ngân sách cấp Thành phố tập trung phát triển cơ sở hạ tầng thương mại.

3. Sở Tài chính:

- Tham mưu UBND Thành phố bố trí đủ vốn chi sự nghiệp hàng năm phục vụ nhu cầu phát triển của chương trình đề ra.

- Hướng dẫn bằng văn bản việc quản lý sử dụng và thanh quyết toán kinh phí thực hiện các nội dung chương trình để các sở, ngành, các địa phương, doanh nghiệp thực hiện.

4. Sở Quy hoạch - Kiến trúc:

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng quy hoạch phân khu, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn tỷ lệ 1/2000 trình UBND Thành phố phê duyệt theo quy định.

- Phối hợp với Sở Công Thương cung cấp thông tin về các chỉ tiêu quy hoạch xây dựng đối với từng dự án cụ thể do Sở Công Thương cung cấp.

5. Sở Tài nguyên Môi trường:

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch sử dụng đất 5 năm trình UBND Thành phố phê duyệt.

- Phối hợp với Sở Công Thương cung cấp thông tin về kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch sử dụng khoáng sản và các nguồn tài nguyên khác đối với từng dự án cụ thể do Sở Công Thương cung cấp.

- Chủ trì thực hiện đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư đã xác định chủ đầu tư theo quy định.

6. Các sở, ngành Thành phố: Trên cơ sở nhiệm vụ chương trình đã đề ra, hàng năm bố trí kinh phí, xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện 6 tháng (vào ngày 10/7 hàng năm), một năm (vào ngày 15/12 hàng năm), xây dựng kế hoạch của năm tiếp theo gửi về Sở Công Thương để tổng hợp báo cáo UBND Thành phố; Đề xuất các giải pháp, kiến nghị để triển khai thực hiện tốt kế hoạch.

7. UBND các quận, huyện, thị xã:

- Phối hợp với Sở Công Thương và các sở, ngành liên quan xác định vị trí đất cụ thể của từng dự án để kêu gọi đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại;

- Hàng năm chủ động xây dựng, bố trí ngân sách huyện để phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của huyện và hỗ trợ thực hiện chương trình đề ra.

- Định kỳ báo cáo kết quả thực hiện 6 tháng (vào ngày 10/7 hàng năm), một năm (vào ngày 15/12 hàng năm), xây dựng kế hoạch của năm tiếp theo gửi về Sở Công Thương để tổng hợp báo cáo UBND Thành phố; Đề xuất các giải pháp, kiến nghị để triển khai thực hiện tốt kế hoạch.

II. LỘ TRÌNH THỰC HIỆN

- Năm 2012: Hoàn thành việc xây dựng Chương trình, các nhiệm vụ triển khai thực hiện giai đoạn 2012-2015.

- Năm 2013: Triển khai đầu tư xây dựng theo danh mục.

- Năm 2014: Tổ chức sơ kết triển khai thực hiện Chương trình. Đánh giá kết quả đạt được, rút ra bài học kinh nghiệm, nghiên cứu, bổ sung những nội dung phù hợp với thực tiễn, yêu cầu phát triển kinh tế nhanh và bền vững đến năm 2015; Tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các nội dung, nhiệm vụ phù hợp với thực tiễn để triển khai thực hiện chương trình có hiệu quả.

- Năm 2015: Tổng kết thực hiện Chương trình.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 5573/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Chương trình Xây dựng cơ sở hạ tầng ngành Thương mại giai đoạn 2012 - 2015, có tính đến 2020 do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành

  • Số hiệu: 5573/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 03/12/2012
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Nguyễn Văn Sửu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản