- 1Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 2Quyết định 1670/QĐ-TTg năm 2017 về phê duyệt Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Công văn 180/BTNMT-KHTC năm 2018 về hướng dẫn triển khai Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh (nguồn vốn sự nghiệp) do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5535/QĐ-UBND | Quảng Ninh, ngày 30 tháng 12 năm 2019 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Quyết định số 1670/QĐ-TTg ngày 31/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020;
Căn cứ Công văn 180/BTNMT-KHTC ngày 12/01/2018 về việc hướng dẫn triển khai Chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh (nguồn vốn sự nghiệp);
Căn cứ các Quyết định của UBND Tỉnh: số 4795/QD-UBND ngày 21/11/2018 về việc phê duyệt Đề cương Dự án xây dựng và cập nhật Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; số 243/QĐ-UBND ngày 21/01/2019 về việc phê duyệt dự toán Dự án xây dựng và cập nhật Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Xét đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 1095/TTr-TNMT ngày 18/12/2019,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 kèm theo Quyết định này.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Các Ông (Bà): Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc Hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
HÀNH ĐỘNG ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TỈNH QUẢNG NINH GIAI ĐOẠN 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Ban hành kèm theo Quyết định số 5535/QĐ-UBND ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh)
1. Mục tiêu chung
- Xác định được các thách thức và cơ hội của biến đổi khí hậu đối với quá trình phát triển của ngành, lĩnh vực và địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh;
- Xác định được các giải pháp ưu tiên nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, lộ trình triển khai và nguồn lực thực hiện cho từng giai đoạn (2021- 2025, 2026-2030), tầm nhìn đến 2050;
- Rà soát, bổ sung, lồng ghép yếu tố biến đổi khí hậu theo Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng trong các chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển của tỉnh Quảng Ninh.
2. Mục tiêu cụ thể
2.1. Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2021-2030
- Về thích ứng với biến đổi khí hậu: (1) Công tác dự báo, cảnh báo thiên tai có độ tin cậy cao, đánh giá được các nguy cơ thiên tai để có giải pháp phòng ngừa kịp thời; (2) Lồng ghép phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai vào các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với điều kiện của tỉnh; (3) Nâng cao nhận thức, hình thành ý thức thường trực ứng phó với biến đổi khí hậu của các ngành, các cấp, cộng đồng dân cư và người dân: trên 80% cộng đồng dân cư và 100% công chức, viên chức nhà nước hiểu biết cơ bản về biến đổi khí hậu; (4) Chủ động phương án, điều kiện phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai phù hợp với từng ngành, từng lĩnh vực nhất là những vùng dễ bị tác động của thiên tai; (5) Nâng cao khả năng thích ứng của các cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, cộng đồng dân cư trước tác động của biến đổi khí hậu;
- Về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính: (1) Giảm 8% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường; (2) Phát huy và đẩy mạnh việc khai thác, sử dụng năng lượng mới và tái tạo; (3) Đưa giảm nhẹ phát thải và hấp thụ khí nhà kính thành các chỉ tiêu trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
2.2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2050
- Về thích ứng BĐKH: (1) Chủ động trong công tác phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với BĐKH; (2) Đảm bảo tất cả các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngành, lĩnh vực và vùng được xây dựng, cập nhật, bổ sung có tính đến các yếu tố biến đổi khí hậu; (3) 100% cán bộ, công chức được tập huấn, nâng cao năng lực và trình độ về công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; trên 80% người dân được nâng cao nhận thức về BĐKH.
- Về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính: (1) Giảm 25% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường, chủ động công tác điều tra, kiểm kê, và thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; (2) Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả, sử dụng năng lượng mới, sử dụng công nghệ mới để sản xuất năng lượng tái tạo (3) Đưa giảm nhẹ phát thải và hấp thụ khí nhà kính thành các chỉ tiêu trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
II. THỰC TRẠNG, DIỄN BIẾN VÀ TÁC ĐỘNG CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TẠI QUẢNG NINH
I. Thực trạng và diễn biến biến đổi khí hậu tại Quảng Ninh
a) Nhiệt độ
- Thời kỳ 1961 đến nay, nhiệt độ không khí trung bình năm của tỉnh có xu thế tăng với tốc độ tăng ở ngưỡng xấp xỉ 0,2°C/thập kỷ (nhiệt độ trung bình năm 1961 là 22,5°C, năm 2018 là 23,6°C). Nhiệt độ tối cao tuyệt đối có xu thế tăng 0,2-0,3°C/thập kỷ (trừ trạm Cửa Ông và Móng Cái), trung bình nhiệt độ tối cao tuyệt đối năm 1961 là 32,1°C, trung bình nhiệt độ tối cao tuyệt đối hiện nay khoảng 34,2°C. Nhiệt độ tối cao tuyệt đối cao nhất tại trạm Quảng Hà vào tháng 6/2018 là 35,1 °C. Nhiệt độ tối thấp tuyệt đối thể hiện xu hướng tăng, giảm không rõ ràng. Nhiệt độ tối thấp tuyệt đối thấp nhất trong thời kỳ 1961 đến nay tại trạm Tiên Yên vào tháng 1/1963 là 6,9 °C.
- Dự báo theo kịch bản RCP4.5 và kịch bản RCP8.5 tại Quảng Ninh, giai đoạn đến giữa thế kỷ nhiệt độ trung bình năm so với thời kỳ cơ sở tăng 1,5-1,7°C (tương ứng 24,3 ÷ 25,4°C) và tăng 1,9-2,2°C (tương ứng 24,8 ÷ 25,9°C), nhiệt độ tối cao so với thời kỳ cơ sở tăng 1,6 ÷ 1,9°C (tương ứng 27,4 ÷ 28,7°C) và tăng 2,2 ÷ 2,5°C (tương ứng 28,3 ÷ 29,9°C), nhiệt độ tối thấp so với thời kỳ cơ sở tăng 1,5 ÷ 1,7°C (tương ứng 21,5 ÷ 22,8°C) và tăng 2,0 ÷ 2,2°C (tương ứng 22,1 ÷ 23,3°C).
b) Lượng mưa
- Thời kỳ 1961 đến nay, lượng mưa năm thể hiện xu thế tăng hoặc giảm không rõ ràng. Lượng mưa trung bình tại các trạm năm 1961 là 1.954 mm, đến nay lượng mưa trung bình năm khoảng 2.209 mm. Lượng mưa 1 ngày lớn nhất có xu hướng tăng, giảm không rõ ràng, năm 1961 lượng mưa 1 ngày lớn nhất đạt 210 mm tại trạm Cửa Ông, đến năm 2018 lượng mưa 1 ngày lớn nhất đạt 864mm cũng tại trạm này. Có 02 trạm có xu hướng tăng, giảm rõ ràng là trạm Cô Tô tăng 6,9mm/thập kỷ, trạm Uông Bí giảm 4,9mm/thập kỷ. Lượng mưa 5 ngày có xu hướng tăng hoặc giảm không rõ ràng: năm 2015, lượng mưa 5 ngày lớn nhất đạt 1208 mm tại trạm Cửa Ông; có hai trạm có xu hướng tăng, giảm rõ ràng là trạm Cô Tô (tăng 8,1mm/thập kỷ) và trạm Tiên Yên (giảm 6,6mm/thập kỷ).
- Dự báo theo kịch bản RCP4.5 và kịch bản RCP8.5, giai đoạn đến giữa thế kỷ, lượng mưa trung bình năm tại Quảng Ninh tăng lần lượt khoảng 18 ÷ 22%, tương ứng 1930 ÷ 3083mm và 20 ÷ 30%, tương ứng 1988,9÷3149,0mm; lượng mưa lớn nhất ngày tăng 40 ÷ 50%, tương ứng 192 ÷ 321mm và 50 ÷ 60%, tương ứng 195 ÷ 337mm; lượng mưa lớn nhất 5 ngày tăng 35 ÷ 50%, tương ứng 333 ÷ 493mm và 45 ÷ 60%, tương ứng 345÷ 590mm.
c) Nước biển dâng
- Thời kỳ 1961 đến nay, mực nước trung bình tại các trạm hải văn tỉnh Quảng Ninh là 212cm. Mực nước trung bình nhiều năm: cao nhất tại trạm Cửa Ông là 229cm, thấp nhất tại trạm Cô Tô là 200cm. Mực nước biển trung bình tại các hạm hải văn ven biển tỉnh Quảng Ninh có xu hướng tăng tại các trạm Cửa Ông và Bãi Cháy, giảm nhẹ tại trạm Cô Tô. Mực nước biển trung bình tại Quảng Ninh có xu hướng tăng khoảng 0,25cm/năm.
- Dự báo đến năm 2050, tại các trạm Bãi Cháy, Cửa Ông, Cô Tô: Theo kịch bản RCP4.5, mực nước biển dâng lần lượt là 227 cm, 249 cm và 221 cm, khi kết hợp với nước dâng do triều có thể lên đến 427- 455 cm; Theo kịch bản RCP8.5 mực nước biển dâng lần lượt là 230 cm, 252 cm và 224 cm, khi kết hợp với nước dâng do triều có thể lên đến 430 -458 cm.
- Theo kịch bản RCP 4.5, dự báo đến năm 2050, tổng diện tích có nguy cơ ngập do nước biển dâng của tỉnh Quảng Ninh là 10.151,62 ha. Các khu vực chịu nhiều ảnh hưởng là TP. Hạ Long (3.350,30 ha), huyện Đầm Hà (1.522,05 ha), huyện Vân Đồn (1.465,57 ha), TP. Móng Cái (1.392,40 ha), TX. Quảng Yên (1.222,96 ha), huyện Hải Hà (745,59 ha), huyện Tiên Yên (184,12 ha), huyện Cô Tô (171,17 ha) và TP. Cẩm Phả (97,47 ha).
d) Thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan
Bão và mưa lớn
Bão và mưa lớn thường hay gặp ở vùng bờ biển Quảng Ninh với tốc độ gió mạnh nhất có thể lên tới 40 - 50m/s (cấp 13 - 16). Trung bình: 1-5 cơn bão/ năm đổ bộ vào vịnh Bắc Bộ và tác động trực tiếp đến vùng bờ biển Quảng Ninh.
Mưa cực đoan
Giai đoạn 1961 đến nay, lượng mưa ngày lớn nhất tại Quảng Ninh là 864,3mm tại trạm Cửa Ông (năm 2018), tại các trạm khác lượng mưa lớn nhất ngày ghi nhận được: Bãi Cháy (845,3mm), Tiên Yên (823,4mm), Quảng Hà (782,0mm), (Cô Tô 671,1mm), Móng Cái (500,9mm), Uông Bí (460,4mm).
Rét đậm và rét hại
Điển hình rét đậm, rét hại ngày 24- 26/01/2016, nhiệt độ tại Chùa Đồng, Yên Tử (Uông Bí) xuống đến -5°C; nhiều nơi khác trên địa bàn tỉnh nhiệt độ xuống dưới 5°C; có hiện tượng băng tuyết phủ trắng chùa Đồng- Yên Tử và núi Cao Xiêm, Cao Ly- Bình Liêu.
2. Tác động của biến đổi khí hậu tại Quảng Ninh
Biến đổi khí hậu đã và đang tác động đến tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Các vùng, địa phương trong Tỉnh dễ bị tổn thương chủ yếu là các khu vực ven biển: Cô Tô, Vân Đồn, TX. Quảng Yên, TP. Hạ Long, TP. Cẩm Phả, TP Móng Cái, Đầm Hà, Hải Hà, Tiên Yên.
Biến đổi khí hậu tác động đến các ngành, lĩnh vực của Tỉnh, đặc biệt là ảnh hưởng đến các ngành, lĩnh vực: Tài nguyên nước (làm tăng nguy cơ ô nhiễm các nguồn nước, hồ điều hòa trong các khu vực dân cư, đô thị 4 thành phố lớn của Tỉnh là Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả và Uông Bí; làm gia tăng tác hại của nước như ngập lụt tại các khu vực trũng, khu vực có hệ thống thoát nước chưa đáp ứng được nhu cầu thoát nước với mưa lớn cục bộ và các khu vực thuộc lưu vực sông Ba Chẽ, Tiên Yên; làm mặn hóa, chua hóa các nguồn nước dưới đất, cửa sông và các ao đầm ven biển; làm ngọt hóa vùng nước mặn, nước lợ); Nuôi trồng thủy sản (chủ yếu ở Hải Hà, Vân Đồn, Móng Cái, Quảng Yên, Đầm Hà, Tiên Yên, ...); Nông nghiệp (chủ yếu là 4 vùng sản xuất lớn của Tỉnh là Quảng Yên, Hải Hà, Đầm Hà và Đông Triều); Lâm nghiệp (ảnh hưởng tới rừng ngập mặn, chủ yếu ở Tiên Yên, Quảng Yên,Vân Đồn, Cô Tô; ảnh hưởng tới rừng phòng hộ đầu nguồn và rừng sản xuất, chủ yếu ở Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên, Hoành Bồ, Cẩm Phả và dọc tuyến vành đai biên giới Việt - Trung...); Công nghiệp và Năng lượng; Xây dựng- Đô thị; Du lịch và đời sống người dân.
Trước tác động của BĐKH tại Quảng Ninh, ngập lụt, lũ quét, sạt lở, xâm nhập mặn, ngọt hóa, các vấn đề về năng lực ứng phó và nhận thức của cộng đồng được xác định là những vấn đề cấp bách. Phát thải khí nhà kính, hạn hán, thiếu nước ngọt và suy giảm đa dạng sinh học cũng được xem là các vấn đề quan tâm của Quảng Ninh.
III. GIẢI PHÁP ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
1. Nhóm giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu
1.1. Lĩnh vực tài nguyên nước
- Quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tổng hợp và đa mục tiêu đối với tài nguyên nước; áp dụng các công nghệ và phương thức sản xuất tiết kiệm nước; đảm bảo nhu cầu nước; chủ động phòng, chống, giảm thiểu tác hại tới tài nguyên nước (cạn kiệt, xâm nhập mặn...) do tác động của BĐKH.
- Triển khai hiệu quả các chương trình, dự án cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng còn khó khăn; cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân, các chiến sĩ quân đội trên các đảo, quần đảo, ngư dân hoạt động trên biển.
- Tăng cường công tác điều tra cơ bản, đánh giá chất lượng, tiềm năng tài nguyên nước các vùng thiếu và khan hiếm nước, vùng biên giới Việt - Trung, hải đảo và các khu kinh tế Móng Cái, Vân Đồn; xây dựng mạng điểm quan trắc tài nguyên nước.
1.2. Lĩnh vực nông nghiệp
- Củng cố, nâng cấp, xây mới các đoạn đê biển, đê sông xung yếu; phát triển rừng chắn sóng, chắn cát, rừng ngập mặn ven biển để phát huy vai trò “lá chắn tự nhiên”, bảo đảm chống chịu được với thiên tai theo kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng và xâm nhập mặn, tập trung kinh phí hoàn thành các dự án nâng cấp đê đang thi công dở dang, đồng thời ưu tiên nâng cấp tuyến đê dân sinh trên các tuyến biển đảo như Quan Lạn - Vân Đồn; Đường Hoa - Tiến Tới huyện Hải Hà, đê sông Đông Triều; xây dựng các khu trú tránh cho tàu thuyền và hậu cần nghề cá.
- Triển khai xây dựng các hồ chứa nước, đập dâng nhằm tăng cường khả năng tích nước tự nhiên, giữ nước cho mùa khô; cải tạo, nâng cấp các hồ chứa thủy lợi hiện có, đầu tư xây dựng mới các công trình thủy lợi có tính đến yếu tố biến đổi khí hậu, nước biển dâng; củng cố và nâng cấp các hồ chứa vừa và nhỏ, đảm bảo an toàn trữ nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt, an toàn khu dân cư hạ lưu; tăng cường bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn; ưu tiên cải tạo, sửa chữa các hồ thuộc tuyến đảo.
- Tăng cường công tác bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn, rừng phòng hộ đầu nguồn; tăng cường hệ thống kiểm soát, dự báo, phòng chống cháy rừng; tăng cường quản lý các khu bảo tồn thiên nhiên; thành lập ngân hàng giống cây trồng; khuyến khích phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả cao thích ứng với điều kiện BĐKH như: sử dụng giống chịu hạn, chịu mặn có năng suất, chất lượng cao, chuyển đổi cơ cấu cây trồng có nhu cầu nước ít hơn (so với lúa) và có giá trị kinh tế cao, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
1.3. Lĩnh vực quy hoạch và đô thị
- Rà soát, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển hạ tầng kỹ thuật, kinh tế - xã hội, khu đô thị, khu dân cư, phù hợp với các kịch bản biến đổi khí hậu.
- Nâng cao năng lực cho cán bộ thực hiện quy hoạch xây dựng, có khả năng tích hợp, lồng ghép các yếu tố ứng phó với biến đổi khí hậu trong lập và triển khai quy hoạch.
- Đề xuất cốt nền và mật độ xây dựng phù hợp; kết cấu và kiến trúc công trình phải đảm bảo đáp ứng được yêu cầu chống chịu được gió, bão, lũ có cường độ lớn đối với các dự án phát triển đô thị tại khu vực thấp, trũng, ven biển có nguy cơ chịu tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, phát triển đô thị: tôn trọng địa hình tự nhiên, hạn chế thay đổi địa hình, nghiêm cấm việc tự ý đào núi, ngăn, lấp hoặc thay đổi các dòng chảy tự nhiên của sông suối; điều chỉnh hệ thống thoát nước trong các khu dân cư, khu đô thị để đảm bảo ứng phó với thoát nước khi có mưa lũ lớn xảy ra; tích hợp nội dung ứng phó biến đổi khí hậu vào quy hoạch và việc xây dựng chương trình phát triển đô thị.
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật: Thường xuyên duy tu, bảo dưỡng, nạo vét sông, suối, hệ thống thoát nước đô thị, hệ thống thoát nước thải, kênh tiêu thoát nước.
- Hình thành hệ thống kiểm soát, hạn chế lũ, lụt, ngập úng trong đô thị: Hình thành các hồ chứa điều tiết ngập lụt, khai thông, nạo vét, cải tạo, gia cố, nắn dòng cho các đường thoát nước đô thị; xây dựng đê, kè, tường chắn lũ, phân dòng lũ, công trình chứa nước ngầm hiện đại quy mô lớn.
1.4. Lĩnh vực khí tượng- thủy văn
- Đầu tư xây dựng nâng cấp, cải tạo các trạm, phát triển mạng lưới trạm quan trắc khí tượng thủy văn theo Kế hoạch phát triển mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng tỉnh Quảng Ninh giai đoạn đến năm 2030; xây dựng các trạm giám sát biến đổi khí hậu tại các vùng có nguy cơ cao chịu tác động của biến đổi khí hậu; xây dựng các trạm cảnh báo sớm sạt lở, lũ quét trên lưu vực sông Tiên Yên, Ba Chẽ.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Ninh phục vụ công tác quản lý nhà nước.
1.5. Lĩnh vực khoa học và công nghệ
- Tổ chức triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và chuyển giao kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thẩm định công nghệ liên quan đến biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
- Chú trọng đến vấn đề chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phương thức, mô hình canh tác phù hợp, ứng dụng công nghệ sinh học, quy trình sản xuất tiên tiến theo hướng an toàn thực phẩm, tăng cường hệ thống phòng chống và kiểm soát dịch bệnh phù hợp với đặc điểm sinh thái của các vùng và địa phương nhằm chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
1.6. Lĩnh vực y tế và sức khỏe cộng đồng
- Nâng cấp, cải tạo, xây mới cơ sở hạ tầng phục vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng; tăng cường phòng chống các dịch bệnh do biến đổi khí hậu; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ y tế các địa phương trong bối cảnh biến đổi khí hậu và đặc biệt là năng lực ứng phó khủng hoảng sau thiên tai lớn.
- Tăng cường công tác giáo dục cộng đồng về bảo vệ sức khỏe trong các điều kiện diễn biến bất thường của khí hậu.
1.7. Lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch
- Thường xuyên kiểm tra, cập nhật sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng trên toàn tỉnh, đặc biệt là đối với các các di tích, danh thắng đã được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, cấp quốc gia như di tích nhà Trần ở Đông Triều, di tích Yên Tử của thành phố Uông Bí, di tích Bạch Đằng ở thị xã Quảng Yên, danh thắng Vịnh Hạ Long; đề ra các biện pháp tu bổ, tôn tạo cho phù hợp.
- Tăng cường sử dụng các chất liệu truyền thống, phương thức truyền thống trong việc tu bổ, phục dựng bảo quản các hiện vật trong bảo tàng, di tích và nhà truyền thống.
- Tuyên truyền xây dựng lối sống thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải CO2, sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên trong hệ thống các nhà hàng, khách sạn, khu du lịch, hệ thống tàu du lịch trong toàn tỉnh.
2. Nhóm giải pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính
2.1. Kiểm kê khí nhà kính và thúc đẩy phát triển thị trường các-bon
- Thực hiện kiểm kê khí nhà kính cấp tỉnh, góp phần hoàn thiện mức kiểm kê và thúc đẩy phát triển thị trường các-bon cấp quốc gia.
- Tiến hành kiểm kê các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
2.2. Thúc đẩy sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, phát triển và sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo trong công nghiệp, xây dựng và giao thông vận tải
- Thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng các-bon thấp, tái cấu trúc các ngành kinh tế theo hướng ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực tiêu tốn ít năng lượng; từng bước hạn chế phát triển các nhóm ngành kinh tế tiêu tốn nhiêu năng lượng, gây ô nhiễm môi trường, hiệu quả kinh tế thấp.
- Đẩy mạnh thực hiện các chương trình tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, nghiên cứu, ứng dụng đổi mới công nghệ trong các ngành, lĩnh vực, đời sống dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội.
- Xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, dự án về phát triển, sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sinh học, năng lượng mới.
2.3. Đẩy mạnh các hành động giảm nhẹ khí nhà kính và tăng cường các bể hấp thu khí nhà kính
- Đẩy mạnh các biện pháp kỹ thuật canh tác nông nghiệp bền vững nhằm giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp.
- Triển khai các quy hoạch, phương án, công nghệ quản lý, xử lý chất thải và tái sử dụng nước thải nhằm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
- Thay đổi phương thức canh tác nông nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp xanh, đảm bảo phát triển bền vững, an ninh lương thực và xóa đói giảm nghèo.
- Đẩy mạnh tái sinh và trồng rừng ngập mặn ven biển; rừng tự nhiên, các hệ sinh thái biển, các bể hấp thụ các-bon trong tự nhiên.
- Xây dựng và áp dụng các chính sách hỗ trợ chuyển đổi mục đích kinh doanh rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn, thu nhập chính từ sản phẩm là gỗ sang thu nhập từ chi trả môi trường rừng thông qua việc hấp thụ CO2 của rừng.
3. Nhóm giải pháp hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu
3.1. Xây dựng cơ sở dữ liệu về biến đổi khí hậu
- Xây dựng hệ thống Cơ sở dữ liệu về tài nguyên môi trường, biến đổi khí hậu; hệ thống cảnh báo xâm nhập mặn, hệ thống cảnh báo sớm lũ quét và trượt lở đất đối với các khu vực miền núi, thống nhất từ cấp tỉnh đến các ngành, các địa phương.
- Nghiên cứu cơ sở khoa học, xây dựng phương pháp luận đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương và khả năng ứng phó trong bối cảnh tác động của BĐKH đối với lĩnh vực nông nghiệp.
- Rà soát, cập nhật và triển khai thực hiện: Kế hoạch hành động ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đến giá trị di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long.
3.2. Tăng cường cơ sở vật chất, phát triển nguồn nhân lực và đào tạo lực lượng chuyên nghiệp trong công tác tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn, phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu
- Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn trong các tình huống thiên tai.
- Tổ chức đào tạo, tập huấn, xây dựng lực lượng chuyên nghiệp, chính sách cán bộ phục vụ cho công tác tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn trong các tình huống thiên tai.
- Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về ứng phó biến đổi khí hậu, đặc biệt là cho cán bộ quản lý trực tiếp làm công tác về biến đổi khí hậu, nông nghiệp, xây dựng - đô thị và công nghiệp - năng lượng.
- Xây dựng ý thức thường trực phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai của các cấp, các ngành và người dân, đặc biệt là ở các vùng dễ bị tác động trực tiếp do biến đổi khí hậu; từng bước hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa lực lượng tìm kiếm cứu nạn.
3.3. Tăng cường hợp tác quốc tế
- Vận động và sử dụng hiệu quả các nguồn tài trợ của quốc tế, bao gồm: tài chính, kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ thông qua hợp tác song phương và đa phương; tham gia các hoạt động hợp tác khu vực và toàn cầu về biến đổi khí hậu.
IV. DANH MỤC NHIỆM VỤ, DỰ ÁN ƯU TIÊN THỰC HIỆN GIAI ĐOẠN 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
Danh mục các nhiệm vụ, dự án ưu tiên để thực hiện Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được nêu trong Phụ lục kèm theo Kế hoạch này.
1. Triển khai thực hiện
a. Căn cứ mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ cụ thể được phân công và Danh mục các nhiệm vụ, dự án ưu tiên của Kế hoạch hành động, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì đề xuất, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu; triển khai thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu thuộc lĩnh vực quản lý của ngành mình khi được cấp thẩm quyền phê duyệt; tổng hợp đề xuất các chính sách, giải pháp nhằm thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn các sở, ngành và UBND các cấp tích hợp, lồng ghép yếu tố biến đổi khí hậu vào các quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.
b. Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đảm nhiệm chức năng điều phối thực hiện Kế hoạch hành động.
2. Kinh phí thực hiện
a) Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ, dự án trong Danh mục ưu tiên kèm theo Phụ lục của Kế hoạch hành động này được huy động từ các nguồn chi đầu tư phát triển, nguồn vốn ngân sách, nguồn chi sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp môi trường, sự nghiệp khoa học thuộc ngân sách nhà nước, vốn huy động cộng đồng và các nguồn vốn hợp pháp khác.
b) Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ, dự án, nội dung không nằm trong Danh mục ưu tiên kèm theo Phụ lục của Kế hoạch hành động được bố trí trong dự toán chi ngân sách hàng năm của các cơ quan, các tổ chức liên quan và các địa phương theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.
c) Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan:
- Cân đối, bố trí kinh phí từ nguồn chi đầu tư phát triển, các nguồn chi sự nghiệp để thực hiện có hiệu quả Kế hoạch hành động; hướng dẫn các Sở ngành, cơ quan, địa phương sử dụng kinh phí đúng mục đích và hiệu quả.
- Tổ chức vận động ODA và vốn vay ưu đãi, vốn của Trung ương để thực hiện Kế hoạch hành động.
d) Các Sở ngành, địa phương và tổ chức liên quan chủ động huy động các nguồn xã hội hóa theo quy định của pháp luật để thực hiện Kế hoạch hành động.
3. Trách nhiệm của các Sở ngành và địa phương liên quan
a) Ban Chỉ đạo ứng phó với BĐKH tỉnh Quảng Ninh:
Phát huy vai trò trách nhiệm chỉ đạo, điều phối, theo dõi, đôn đốc các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ ưu tiên về biến đổi khí hậu được phê duyệt trong Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh, đảm bảo hiệu quả, đồng bộ và thống nhất trên phạm vi toàn tỉnh.
b) Sở Tài nguyên và Môi trường:
- Tổ chức công bố Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn các sở, ban ngành, các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch hành động.
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, các địa phương đề xuất, xây dựng cơ chế chính sách quản lý, điều hành, cơ chế phối hợp thực hiện Kế hoạch hành động, trình UBND tỉnh xem xét, ban hành.
- Rà soát, xây dựng bổ sung các nhiệm vụ và đề xuất các giải pháp thực hiện để tổng hợp, bổ sung vào kế hoạch 5 năm, hàng năm trình UBND tỉnh; phối hợp với các Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị kinh phí chi tiết, cân đối phân bổ nguồn lực cho các Sở, ngành, các địa phương và trình UBND tỉnh/Ban chỉ đạo phê duyệt.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng cơ chế giám sát, đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch hành động và trình UBND tỉnh/Ban chỉ đạo phê duyệt.
- Hướng dẫn, giám sát và đánh giá việc thực hiện Kế hoạch hành động.
- Thực hiện nhiệm vụ Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Quảng Ninh, triển khai thực hiện Kế hoạch hành động.
c) Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, các địa phương rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng lồng ghép, tích hợp yếu tố BĐKH nhằm ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh.
- Phối hợp với Sở Tài chính cân đối, bố trí, hướng dẫn sử dụng vốn, điều phối các nguồn vốn cho các nhiệm vụ, dự án triển khai thực hiện Kế hoạch hành động.
- Xây dựng, thông tin các chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư đối với các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho các ngành, lĩnh vực và địa phương trên địa bàn tỉnh.
d) Sở Tài chính có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường cân đối, phân bổ kinh phí cho các nhiệm vụ, dự án của Kế hoạch hành động.
e) Các Sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố:
- Thực hiện các nhiệm vụ, dự án và các giải pháp đề ra trong Kế hoạch hành động theo chức năng, nhiệm vụ.
- Chủ động tham gia các hoạt động phối hợp chung theo sự điều hành của Ban Chỉ đạo.
- Đảm bảo sử dụng đúng mục tiêu và có hiệu quả nguồn vốn của Kế hoạch hành động; đồng thời chủ động huy động thêm nguồn lực và lồng ghép hoạt động của kế hoạch này vào các hoạt động liên quan thuộc chương trình, kế hoạch của ngành, địa phương, nhằm đạt được mục tiêu chung của Kế hoạch hành động.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu thấy cần thiết phải bổ sung, điều chỉnh các nội dung của Kế hoạch hành động, các Sở ngành, địa phương và cơ quan liên quan chủ động đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân Tỉnh xem xét, quyết định./.
DANH MỤC CÁC NHIỆM VỤ, DỰ ÁN ƯU TIÊN ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TỈNH QUẢNG NINH GIAI ĐOẠN 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Ban hành kèm theo Kế hoạch hành động tại Quyết định số 5535/QĐ-UBND ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh)
TT | Nhiệm vụ/dự án | Mục tiêu | Nội dung chính | Đơn vị chủ trì | Thời gian thực hiện | Kinh phí dự kiến | Nguồn kinh phí | ||
Tổng | Kinh phí địa phương | Kinh phí tài trợ/hỗ trợ | |||||||
1 | Kiểm kê khí nhà kính và đề xuất giải pháp quản lý phát thải trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh | Kiểm kê phát thải khí nhà kính trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nhằm đánh giá hiện trạng tình hình phát thải khí nhà kính trong 5 lĩnh vực phát thải chính, từ đó làm cơ sở để đưa ra các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, chủ động ứng phó BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, thực hiện đúng chiến lược tăng trưởng xanh tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025 định hướng đến năm 2030. | (1) Điều tra, thu thập thông tin, số liệu phục vụ tính toán. (2) Lựa chọn phương pháp tính toán lượng phát thải khí nhà kính và hệ số phát thải cho các lĩnh vực theo yêu cầu. (3) Thực hiện kiểm kê khí nhà kính cho tỉnh. (4) Thực hiện kiểm định chất lượng và kiểm soát chất lượng. (5) Đánh giá nguồn phát thải chính trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. (6) Đề xuất các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bao gồm các giải pháp kỹ thuật và quản lý cho các lĩnh vực phát thải trên địa bàn Tỉnh Quảng Ninh. | Sở Tài nguyên và Môi trường | 2020-2021 | 5 | 4 | 1 | Vốn Sự nghiệp môi trường của tỉnh; CTMT ứng phó với BĐKH & tăng trưởng xanh; Chương trình SP-RCC và các nguồn tài trợ, hỗ trợ khác |
2 | Dự án thí điểm đầu tư xây dựng hệ thống giám sát, cảnh báo sớm lũ trên lưu vực sông Tiên Yên | Xây dựng thí điểm hệ thống giám sát, cảnh báo sớm lũ trên sông Tiên Yên, giảm thiểu tối đa thiệt hại về kinh tế - xã hội của địa phương và góp phần bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân. | (1) Lắp đặt 01 Trạm cảnh báo lũ tự động, cố định (Trạm chính) trên cùng mặt bằng Trạm Khí tượng thủy văn Bình Liêu và 03 Trạm phụ trên lưu vực sông Tiên Yên. (2) Tổ chức đào tạo, tập huấn cho các cán bộ quản lý, vận hành hệ thống giám sát, cảnh báo thiên tai. | Sở Tài nguyên và Môi trường | 2020-2021 | 10 | 8 | 2 | Vốn Sự nghiệp môi trường của tỉnh; CTMT ứng phó với BĐKH & tăng trưởng xanh; Chương trình SP-RCC và các nguồn tài trợ, hỗ trợ khác |
3 | Hỗ trợ kỹ thuật - đào tạo nguồn nhân lực trong ứng phó BĐKH và nâng cao nhận thức, hành động của cộng đồng trong ứng phó BĐKH | (1) Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác về ứng phó với BĐKH và tăng cường khả năng lồng ghép, tích hợp yếu tố BĐKH trong các quy hoạch, kế hoạch ngành. (2) Nâng cao nhận thức của cộng đồng, phấn đấu đạt chỉ tiêu đến năm 2030: 80% dân cư của tỉnh có hiểu biết, nhận thức về BĐKH. (3) Nâng cao nhận thức và năng lực thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH. | (1) Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn và các hoạt động truyền thông về BĐKH trên địa bàn tỉnh. (2) Triển khai hoạt động nâng cao nhận thức và năng lực thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH. (3) Phát triển lối sống mới cho nhân dân tỉnh Quảng Ninh theo hướng thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải CO2 | Sở Tài nguyên và Môi trường | 2020-2022 | 9 | 5 | 4 | Vốn Sự nghiệp môi trường của tỉnh; CTMT ứng phó với BDKH & tăng trưởng xanh và các nguồn tài trợ, hỗ trợ khác |
4 | Lập Kế hoạch hành động về quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ | Giải quyết được các tồn tại, mâu thuẫn trong quản lý khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng ven biển, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với năng lực và nguồn lực triển khai thực hiện, bảo đảm phát triển bền vững. | (1) Điều tra khảo sát và đánh giá hiện trạng tài nguyên và môi trường vùng bờ. (2) Đánh giá thể chế quản lý tổng hợp vùng bờ. (3) Lập kế hoạch quản lý tổng hợp vùng bờ. (4) Lập bản đồ phân vùng sử dụng vùng bờ. | Sở Tài nguyên và Môi trường | 2020-2022 | 3 | 2 | 1 | Vốn Sự nghiệp kinh tế của tỉnh; CTMT ứng phó với BĐKH & TTX và các nguồn tài trợ, hỗ trợ khác |
5 | Triển khai thực hiện các hoạt động, giải pháp trọng tâm nhằm giảm nhẹ phát thải KNK lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn của Tỉnh nhằm thực hiện NDC. | Thực hiện giảm nhẹ phát thải KNK ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn nhằm thực hiện NDC phù hợp với điều kiện quốc gia trên cơ sở đánh giá nỗ lực toàn cầu định kỳ. | (1) Sử dụng kết quả kiểm kê khí nhà kính nhằm xác định lượng phát thải khí nhà kính và hiệu quả của các biện pháp giảm nhẹ tại tỉnh Quảng Ninh. (2) Triển khai thực hiện các hoạt động nhằm giảm nhẹ phát thải KNK lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn của Tỉnh nhằm thực hiện NDC. | Sở Nông nghiệp & PTNT và các doanh nghiệp, tổ chức liên quan | 2020-2025 | 2 | 1 | 1 | Vốn Sự nghiệp Môi trường Tỉnh; CTMT ứng phó với BDKH & TTX; Chương trình SP-RCC; vốn hỗ trợ của Bộ NN&PTNT và các nguồn tài trợ, hỗ trợ khác |
6 | Dự án Kè chống sạt lở khu dân cư phía Bắc thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu. | Phòng chống sạt lở đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân. | (1) Khảo sát tuyến cần kè chống sạt lở khu dân cư phía Bắc thị trấn Bình Liêu. (2) Triển khai xây dựng công trình kè chống sạt lở khu dân cư phía Bắc thị trấn Bình Liêu. | UBND huyện Bình Liêu | 2020-2025 | 40 | 20 | 20 | Vốn Đầu tư phát triển của tỉnh, vốn ngân sách huyện; CTMT ứng phó với BĐKH & TTX và các nguồn tài trợ, hỗ trợ khác |
7 | Dự án Kè chống sạt lở đoạn còn lại của bờ sông phía Nam thị trấn Ba Chẽ | Phòng chống sạt lở đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân. | 1) Khảo sát tuyến cần kè chống sạt lở đoạn còn lại của bờ sông phía Nam thị trấn Ba Chẽ. (2) Triển khai xây dựng công trình kè chống sạt lở đoạn còn lại của bờ sông phía Nam thị trấn Ba Chẽ | UBND huyện Ba Chẽ | 2020-2025 | 40 | 20 | 20 | Vốn Đầu tư phát triển của tỉnh, vốn ngân sách huyện; CTMT ứng phó với BĐKH & TTX và các nguồn tài trợ, hỗ trợ khác |
8 | Thực hiện chương trình giám sát định kỳ tình trạng bảo tồn các tài nguyên tự nhiên, tài nguyên nhân văn trên vịnh Hạ Long. | Ứng phó các tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đến giá trị đa dạng sinh học (ĐDSH), địa chất địa mạo, di tích lịch sử, di chỉ khảo cổ của Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. | (1) Điều tra bổ sung hiện trạng giá trị ĐDSH, địa chất địa mạo, di tích lịch sử, di chỉ khảo cổ của Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. (2) Đánh giá, dự báo tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đến giá trị ĐDSH, địa chất địa mạo, di tích lịch sử, di chỉ khảo cổ của Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long và xây dựng các giải pháp ứng phó. | Ban Quản lý vịnh Hạ Long | 2020-2025 | 12 | 6 | 6 | Vốn Sự nghiệp kinh tế của tỉnh; CTMT ứng phó với BĐKH & tăng trưởng xanh và các nguồn tài trợ, hỗ trợ khác |
9 | Nâng cao nhận thức về sử dụng hiệu quả năng lượng và năng lượng tái tạo. | Tăng cường công tác tuyên truyền Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các văn bản pháp quy khác liên quan. | (1) Nâng cao ý thức sử dụng năng lượng và tiết kiệm hiệu quả trong toàn thể nhân dân, doanh nghiệp và cá tổ chức chính trị xã hội. (2) Người dân, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư hiểu rõ được trách nhiệm, quyền lợi của mình với vai trò chủ thể trực tiếp thực hiện việc sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả. | Sở Công Thương | 2021-2025 | 2 | 1 | 1 | Vốn Sự nghiệp Kinh tế của tỉnh; CTMT ứng phó với BĐKH & tăng trưởng xanh và các nguồn tài trợ, hỗ trợ khác |
10 | Dự án thành lập hành lang bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven biển thích ứng với biến đổi khí hậu | (1) Đảm bảo phát triển đa ngành nghề, giảm tác động của BĐKH trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. (2) Tăng năng suất và nâng cao giá trị nguồn lợi thủy sản ven biển. | (1) Điều tra, khoanh vùng hành lang bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven biển. (2) Đánh giá hiện trạng nguồn thủy sản ven biển tỉnh Quảng Ninh. (3) Tạo lập hành lang bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven biển thích ứng với biến đổi khí hậu. | Sở Nông nghiệp và PTNT | 2021-2025 | 30 | 20 | 10 | Vốn Sự nghiệp kinh tế của tỉnh; CTMT ứng phó với BĐKH & tăng trưởng xanh, Vốn hỗ trợ của Bộ NN&PTNT và các nguồn tài trợ, hỗ trợ khác |
11 | Áp dụng mô hình chuyển đổi nhiên liệu và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, thân thiện môi trường, giảm nhẹ biến đổi khí hậu | Chuyển đổi việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang nguồn năng lượng tái tạo | Triển khai áp dụng mô hình năng lượng mặt trời áp mái tại các tòa nhà cơ quan quản lý nhà nước tại doanh nghiệp và tại Cụm công nghiệp. | Sở Công thương | 2020-2025 | 5 | 4 | 1 | Vốn Sự nghiệp kinh tế tỉnh; CTMT ứng phó với BĐKH&TTX; vốn hỗ trợ của Bộ Công thương và các nguồn tài trợ, hỗ trợ khác |
12 | Xây dựng và triển khai mô hình nuôi trồng thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh | Xây dựng mô hình nuôi trồng đáp ứng được những điều kiện thay đổi bất thường của thời tiết. | (1) Phát triển thí điểm một số mô hình nuôi trồng thủy hải sản thích ứng với BĐKH. (2) Phổ biến rộng rãi mô hình, quy trình nuôi trồng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh | Sở Nông nghiệp và PTNT | 2021-2025 | 7 | 4 | 3 | Vốn Sự nghiệp kinh tế tỉnh; CTMT ứng phó với BĐKH & TTX; vốn hỗ trợ của Bộ NN&PTNT và các nguồn tài trợ, hỗ trợ khác |
13 | Tu bổ, nâng cấp đê Ông Tam, xã Hải Đông, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh | Khắc phục tuyến đê xuống cấp, các đoạn mái đê có hiện tượng sụt, sạt, đặc biệt là các cống tiêu đã xuống cấp nghiêm trọng, nhằm phát huy nhiệm vụ ngăn mặn và phòng chống bão, nước biển dâng.. | (1) Đắp tôn cao áp trúc tuyến đê dài L=1.148,5m. (2) Sửa chữa, nâng cấp cống số 01 hiện có; xây dựng mới cống số 02 và công trình giảm sóng, giữ bãi trước đê. | UBND Thành phố Móng Cái | 2021-2025 | 24 | 20 | 4 | Vốn ngân sách thành phố, vốn đầu tư phát triển của tỉnh; CTMT ứng phó với BĐKH & TTX và các nguồn tài trợ, hỗ trợ khác |
14 | Dự án xây dựng kè chống sạt lở bãi biển xã Cái Chiên, huyện Hải Hà (giai đoạn 2) | Chống sạt lở khu vực bãi biển Cái Chiên hiện trạng bị xói lở nghiêm trọng. | (1) Điều tra khảo sát khu vực bãi biển có nguy cơ sạt lở (khoảng 4km) để lập phương án thực hiện kè chống sạt lở. (2) Tiến hành thi công xây dựng Kè chống sạt lở bờ biển xã Cái Chiên, huyện Hải Hà (giai đoạn 2). | UBND huyện Hải Hà | 2021 - 2025 | 40 | 30 | 10 | Vốn Đầu tư phát triển của tỉnh; vốn ngân sách của huyện; CTMT ứng phó với BĐKH& tăng trưởng xanh và các nguồn tài trợ, hỗ trợ khác |
15 | Triển khai dự án khắc phục một số điểm thường xuyên ngập lụt trên các tuyến đường giao thông, đảm bảo an toàn vào mùa mưa lũ cho nhân dân tham gia giao thông trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh | Đảm bảo giao thông an toàn vào mùa mưa lũ cho người dân sinh sống trên địa bàn tỉnh | Khắc phục ngập lụt cục bộ tại các vị trí giao thông dễ bị ngập úng, các nút giao cắt, đảm bảo an toàn giao thông trong mùa mưa bão | Sở Giao thông vận tải | 2021-2025 | 50 | 25 | 25 | Vốn Đầu tư phát triển của tỉnh; doanh nghiệp; vốn hỗ trợ từ Bộ GTVT và các nguồn tài trợ, hỗ trợ khác |
16 | Dự án tăng cường đầu tư trồng và bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh | (1) Tiếp tục bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và các tuyến đê trên địa bàn tỉnh. (2) Nâng cao chất lượng rừng tại các diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng bằng các hoạt động trồng và nuôi dưỡng làm giàu rừng, bảo vệ rừng nhằm ứng phó với BĐKH, giảm hiệu ứng nhà kính và sự nóng lên của khí hậu. | (1) Điều tra khảo sát diện tích cần đầu tư trồng và bảo vệ rừng. (2) Trồng và bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. (3) Đánh giá chất lượng rừng trồng tại các diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, kết quả ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm hiệu ứng nhà kính và sự nóng lên của khí hậu. | Sở Nông nghiệp và PTNT | 2021-2030 | 80 | 30 | 50 | Vốn Sự nghiệp môi trường tỉnh; CTMT ứng phó với BĐKH & TTX; Chương trình SP-RCC; Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững; vốn hỗ trợ của Bộ NN&PTNT và các nguồn tài trợ, hỗ trợ khác |
17 | Xây dựng hệ thống quản lý thông tin về biến đổi khí hậu. | Hoàn thiện nâng cấp hệ thống cơ sở dữ liệu về biến đổi khí hậu đáp ứng nhu cầu sử dụng cho công tác quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu | (1) Thu thập các số liệu, dữ liệu, bản đồ liên quan đến BĐKH. (2) Xây dựng phần mềm quản lý và chia sẻ khai thác thông tin dữ liệu về tài nguyên môi trường; sự cố thiên tai, sự cố môi trường | Sở Tài nguyên và Môi trường | 2025-2030 | 5 | 3 | 2 | Vốn Sự nghiệp môi trường tỉnh; CTMT ứng phó với BĐKH&TTX; Chương trình SP-RCC và các nguồn tài trợ, hỗ trợ khác |
18 | Xây dựng tuyến kè bảo vệ khu dân cư thôn 2, xã Thanh Lân, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh. | Chắn sóng, triều cường và nước biển dâng, bảo vệ đời sống nhân dân và các công trình phía trong tuyến kè (30 hộ dân). | Xây dựng tuyến kè, hệ thống rãnh thoát nước, đường dân sinh | UBND huyện Cô Tô | 2021-2030 | 25 | 10 | 15 | Vốn Đầu tư phát triển của tỉnh; vốn ngân sách của huyện; CTMT ứng phó với BĐKH & tăng trưởng xanh; Chương trình SP-RCC; vốn hỗ trợ của Bộ NN&PTNT và các nguồn tài trợ, hỗ trợ khác |
19 | Rà soát, kiên cố hóa đoạn mái kè xung yếu hệ thống đê ngăn mặn, đê biển khu vực xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh. | Kè kiên cố mái đê những vị trí xung yếu, ngăn nước biển, triều cường, xâm mặn để bảo vệ 570ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp, 560ha đất nuôi trồng thủy sản, bảo vệ trên 2800 người dân xã Đồng Rui. | Rà soát, kè kiên cố những vị trí đê biển xung yếu tại xã Đồng Rui (khoảng 8km) | UBND huyện Tiên Yên | 2021-2030 | 30 | 25 | 5 | Vốn Đầu tư phát triển của tỉnh; Vốn ngân sách của huyện; CTMT ứng phó với BĐKH& tăng trưởng xanh; Chương trình SP-RCC; vốn hỗ trợ của Bộ NN&PTNT và các nguồn tài trợ, hỗ trợ khác |
20 | Đầu tư xây dựng hệ thống kè sông Sến, kết hợp hệ thống thu thoát và xử lý nước thải khu vực phía Bắc và phía Nam cầu Sến, thành phố Uông Bí. | Chống xói lở bờ sông Sến, bảo vệ đời sống dân sinh khu vực ven bờ sông và hạn chế gây ô nhiễm môi trường bởi nước thải | Xây dựng tuyến kè chống xói lở hai bên bờ sông sến, kết hợp một số tuyến kênh mương, cống thoát nước cho các khu đô thị phía Bắc, phía Nam cầu Sến, khu đô thị Hoa Nhàn và 01 hồ chứa nước thải nhằm mục đích phân hủy, xử lý sơ bộ nước thải trước khi đổ ra sông Sến. | UBND thành phố Uông Bí | 2021-2030 | 40 | 30 | 10 | Vốn Đầu tư phát triển của tỉnh; Vốn ngân sách của huyện; CTMT ứng phó với BĐKH & tăng trưởng xanh; Chương trình SP-RCC và các nguồn tài trợ, hỗ trợ khác |
21 | Tăng cường năng lực cho học sinh trường phổ thông THCS xã Đồng Rui Huyện Tiên Yên tỉnh Quảng Ninh về vai trò của rừng ngập mặn. | Tăng lượng giáo dục ngoại khóa, lồng ghép trong chương trình chính khóa cho học sinh THCS xã Đồng Rui từ đó bồi dưỡng một thế hệ công dân tương lai có hiểu biết về vai trò của rừng ngập mặn và có các biện pháp bảo vệ và phát triển rừng | (1) Xây dựng mô hình Vườn thực vật (2) Tập huấn đội ngũ giáo viên. (3) Giáo dục ngoại khóa về môi trường, BĐKH, vai trò của rừng ngập mặn. (4) Tổ chức các hội thảo, diễn đàn, đối thoại, tham quan học tập. | Sở Giáo dục và đào tạo | 2021-2030 | 2 | 1 | 1 | Vốn Sự nghiệp môi trường tỉnh; CTMT ứng phó với BĐKH & TTX; Nguồn chi thường xuyên cho Giáo dục đào tạo và các nguồn tài trợ, hỗ trợ khác |
22 | Lập kế hoạch ứng phó với nước biển dâng cho các di sản văn hóa, danh thắng, khu du lịch biển đảo quan trọng của tỉnh Quảng Ninh. | Xác định các kế hoạch, giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm ứng phó với nước biển dâng cho các khu vực di sản văn hóa, danh thắng, khu du lịch biển đảo quan trọng của Tỉnh và quốc gia tại các địa phương: Móng Cái, Hạ Long, Vân Đồn, Quảng Yên, Cẩm Phả. | 1) Đánh giá các tác động của nước biển dâng đến các di sản văn hóa và các khu du lịch biển đảo. (2) Xác định các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm; lồng ghép, tích hợp các nhiệm vụ vào các chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển ngành văn hóa, du lịch. | Sở Văn hóa và thể thao | 2025-2030 | 4 | 2 | 2 | Vốn Sự nghiệp môi trường tỉnh; CTMT ứng phó với BĐKH & TTX; vốn hỗ trợ của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch và các nguồn tài trợ, hỗ trợ khác |
Tổng kinh phí (tỷ đồng) |
|
| 465 | 271 | 194 |
|
- 1Quyết định 1031/QĐ-UBND năm 2021 về Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
- 2Quyết định 3785/QĐ-UBND năm 2021 về Kế hoạch triển khai Đề án “Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Bình Định"
- 3Quyết định 3070/QĐ-UBND năm 2021 về Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050
- 1Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả 2010
- 2Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 3Quyết định 1670/QĐ-TTg năm 2017 về phê duyệt Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Công văn 180/BTNMT-KHTC năm 2018 về hướng dẫn triển khai Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh (nguồn vốn sự nghiệp) do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 5Quyết định 1031/QĐ-UBND năm 2021 về Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
- 6Quyết định 3785/QĐ-UBND năm 2021 về Kế hoạch triển khai Đề án “Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Bình Định"
- 7Quyết định 3070/QĐ-UBND năm 2021 về Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050
Quyết định 5535/QĐ-UBND năm 2019 phê duyệt Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
- Số hiệu: 5535/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 30/12/2019
- Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ninh
- Người ký: Đặng Huy Hậu
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 30/12/2019
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực