Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 55/2007/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 30 tháng 05 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÂN CẤP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ HẠ TẦNG KỸ THUẬT ĐÔ THỊ THEO NGHỊ QUYẾT SỐ 08/2006/NQ-HĐND NGÀY 22/7/2006 CỦA HĐND THÀNH PHỐ HÀ NỘI

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Đầu tư ngày 29/11/2005;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16/12/2002;
Căn cứ Nghị quyết số 08/2006/NQ-HĐND ngày 22/7/2006 của HĐND Thành phố Hà Nội về phân cấp một số lĩnh vực quản lý Nhà nước về kinh tế - xã hội; phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách và định mức phân bổ ngân sách năm 2007;
Xét đề nghị của Liên Sở: Giao thông công chính - Kế hoạch và Đầu tư - Tài chính tại Tờ trình số 425/TTrLN: GTCC-KHĐT-TC ngày 21/5/2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phân cấp quản lý nhà nước về hạ tầng kỹ thuật đô thị giữa Thành phố và quận, huyện thực hiện theo Nghị quyết số 08/2006/NQ-HĐND ngày 22/7/2006 của HĐND Thành phố Hà Nội đối với các lĩnh vực: Quản lý hè phố; Chiếu sáng; Thoát nước; Công viên, vườn hoa và vệ sinh môi trường như sau:

1.1. Quản lý hè phố:

- Thành phố: Thống nhất chung và hướng dẫn về công tác quản lý đầu tư xây dựng và duy tu, khai thác hè phố trên địa bàn thành phố Hà Nội.

- Quận, Huyện: Quản lý đầu tư xây dựng và duy tu, khai thác hè phố; cấp phép sử dụng tạm thời hè phố để trông giữ ô tô, xe đạp, xe máy, vật liệu xây dựng; sử dụng tạm thời hè phố vào việc cưới, việc tang, kinh doanh bán hàng ăn uống theo giờ quy định.

1.2. Quản lý chiếu sáng:

- Thành phố: Đầu tư, quản lý duy trì hệ thống chiếu sáng công cộng tại các tuyến đường phố đô thị, các tuyến đường quốc lộ, quảng trường; Trả tiền điện năng chiếu sáng tiêu thụ toàn thành phố.

- Quận: đầu tư, quản lý duy trì chiếu sáng ngõ xóm trên địa bàn.

- Huyện: đầu tư, quản lý duy trì chiếu sáng trên hệ thống đường huyện.

1.3. Quản lý thoát nước:

- Thành phố: Đầu tư, quản lý duy trì thoát nước đô thị tại các tuyến đường phố, các công trình thoát nước chung của Thành phố.

- Quận: Đầu tư, quản lý thoát nước ngõ xóm trên địa bàn.

- Huyện: Đầu tư, quản lý thoát nước trên địa bàn (trừ các công trình thoát nước của Thành phố).

1.4. Quản lý công viên, vườn hoa:

- Thành phố: Đầu tư, quản lý duy trì vườn hoa, cây xanh, dải phân cách và 4 công viên: Thủ Lệ, Thống Nhất, Bách Thảo, Yên Sở.

- Quận, Huyện: Đầu tư, quản lý duy trì công viên, vườn hoa còn lại theo địa giới hành chính.

- Huyện: Đầu tư, quản lý, duy trì tuyến cây xanh dọc theo các tuyến đường huyện quản lý.

1.5. Quản lý vệ sinh môi trường:

- Thành phố: Quản lý thu gom và vận chuyển rác thải trên địa bàn 4 quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng; Đầu tư, quản lý, duy trì các khu xử lý rác thải tập trung của Thành phố.

- Các Quận, Huyện còn lại: Quản lý thu gom và vận chuyển rác thải trên địa bàn. Đầu tư, quản lý các điểm tập kết rác, bãi chôn lấp chất thải quy mô nhỏ, tạm thời trên địa bàn.

Chi tiết nội dung và khối lượng phân cấp theo Phụ lục số 1, 2 đính kèm Quyết định này.

Thời gian phân cấp quản lý nhà nước về hạ tầng kỹ thuật đô thị thực hiện từ năm 2007.

Điều 2.

1. Đối với các nội dung thuộc Thành phố quản lý (do Sở Giao thông công chính thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước duy trì), ngân sách Thành phố đảm bảo cân đối chi theo dự toán do UBND Thành phố phê duyệt, giao cho Sở Giao thông công chính thực hiện.

2. Đối với các nội dung thuộc cấp quận, huyện quản lý, UBND các Quận, Huyện có trách nhiệm đảm bảo cân đối ngân sách cấp mình để chi cho các nội dung được phân cấp quản lý.

Năm 2007, tổng khối lượng phân cấp cho Quận, Huyện quản lý tương ứng với tổng mức kinh phí duy trì thường xuyên, UBND Thành phố Hà Nội đã cân đối vào nhiệm vụ chi năm 2007 của từng Quận, Huyện. Căn cứ vào tình hình thực tế và khả năng ngân sách của quận, huyện để bổ sung tăng cường nhiệm vụ quản lý duy trì hạ tầng kỹ thuật đô thị theo phân cấp.

Điều 3. Trách nhiệm của các Sở ngành và UBND các quận, huyện cụ thể như sau:

1. Trách nhiệm của Sở Giao thông công chính

- Lập quy hoạch, kế hoạch đầu tư dài hạn, ngắn hạn hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị;

- Thẩm định hồ sơ Thiết kế cơ sở và bản vẽ thi công của dự án đầu tư theo phân cấp đối với nội dung liên quan đến hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị;

- Xây dựng tiêu chí kỹ thuật, quy trình, định mức kinh tế kỹ thuật để đảm bảo quản lý có hệ thống, đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị;

- Chủ trì phối hợp với các ngành liên quan tổ chức xây dựng cơ chế chính sách quản lý đối với công tác đầu tư, duy trì hệ thống hạ tầng đô thị trình UBND Thành phố quyết định;

- Kiểm tra, hướng dẫn, quản lý và giám sát công tác đầu tư, duy trì hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị trên địa bàn toàn Thành phố;

- Tổ chức kiểm tra, xử lý các vi phạm về hạ tầng kỹ thuật đô thị theo thẩm quyền.

2. Trách nhiệm của Sở Tài chính

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư trình UBND Thành phố quyết định giao nhiệm vụ cân đối thu, chi ngân sách hàng năm cho công tác quản lý nhà nước; đầu tư, duy trì, sửa chữa các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị theo phạm vi phân cấp;

- Hướng dẫn quản lý tài chính và hạch toán kế toán các khoản thu phí, lệ phí và quản lý chi ngân sách nhà nước cho công tác duy trì hạ tầng kỹ thuật đô thị.

3. Trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì phối hợp với Sở Tài chính cân đối ngân sách cho công tác đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị theo phân cấp quản lý;

- Thẩm định, quyết định dự án đầu tư, báo cáo kinh tế kỹ thuật đối với các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật đô thị theo quy định của Nhà nước và Thành phố theo phân cấp quản lý.

4. Trách nhiệm của Sở Nội vụ

Nghiên cứu đề xuất mô hình quản lý nhà nước, tổ chức bộ máy, biên chế đối với cấp quận, huyện, báo cáo UBND Thành phố quyết định.

5. Trách nhiệm của UBND các Quận, Huyện

- Tổ chức thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị theo các nội dung phân cấp;

- Tổ chức kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm đến hạ tầng kỹ thuật đô thị; Xử lý các vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm theo các quy định hiện hành trong phạm vi thẩm quyền;

- Cân đối ngân sách quận, huyện đảm bảo chi thực hiện cho đầu tư, quản lý duy trì hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND Thành phố; Giám đốc các Sở: Giao thông công chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ; Giám đốc Kho bạc Nhà nước Thành phố; Chủ tịch UBND các Quận, Huyện và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 4;
- Thường trực HĐND TP (để b/c);
- Đ/c Chủ tịch UBND TP (để b/c);
- Các Đ/c PCT UBND TP HN;
- Các PVP, KT, TH, Xb;
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đỗ Hoàng Ân  

 

PHỤ LỤC SỐ 1

NỘI DUNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ HẠ TẦNG KỸ THUẬT ĐÔ THỊ THEO NGHỊ QUYẾT SỐ 08/2006/NQ-HĐND NGÀY 22/7/2006 CỦA HĐND THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Kèm theo Quyết định số 55/2007/QĐ-UBND ngày 30/5/2007 của UBND Thành phố Hà Nội)

1. Quản lý hè phố

1.1. Công tác quản lý nhà nước của Sở Giao thông công chính:

- Thống nhất chung và hướng dẫn về kết cấu, loại gạch lát hè phố, vỉa hè phố, bó gốc cây cho các khu vực phố cổ, phố cũ, khu phố mới trên địa bàn toàn Thành phố để thực hiện khi xây dựng, cải tạo và duy trì hè phố;

- Cấp phép đào hè để lắp đặt công trình và hạ ngầm các công trình kỹ thuật đô thị;

- Thống nhất quản lý tổ chức giao thông trên địa bàn Thành phố; Quyết định thay đổi hình học của hè phố;

- Hướng dẫn, kiểm tra công tác quản lý, sử dụng hè phố trên địa bàn toàn Thành phố;

- Kiểm tra chất lượng hè phố theo Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng;

- Chủ trì, phối hợp với các Sở ngành liên quan và UBND các Quận - Huyện kiểm tra việc trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô trên địa bàn Thành phố. Thỏa thuận các quận về quy hoạch các điểm trông giữ phương tiện, điểm đỗ trên địa bàn Thành phố;

- Tổng hợp, đánh giá việc đầu tư sử dụng hè phố trên từng địa bàn.

1.2. Công tác quản lý nhà nước của UBND các Quận - Huyện:

- Tổ chức quản lý toàn bộ phần hè phố, ngõ, ngách đảm bảo không để lấn chiếm hè phố;

- Thực hiện công tác đầu tư, duy tu, sửa chữa thường xuyên hè phố;

- Tổ chức quản lý vỉa hè theo đúng quy hoạch, chỉ giới, mối giới được duyệt; Kiểm tra xử lý vi phạm về trật tự hè phố theo quy định; Đảm bảo giữ gìn trật tự, mỹ quan đô thị;

- Cấp giấy phép tạm thời có thời hạn việc sử dụng vỉa hè phục vụ thi công các công trình xây dựng, trông giữ xe đạp, xe máy, bán hàng ăn, uống trên hè theo quy định;

- Thu phí sử dụng vỉa hè theo quy định của UBND Thành phố.

2. Quản lý chiếu sáng ngõ xóm trên địa bàn Quận; chiếu sáng đường trục chính, thị trấn và trung tâm trên địa bàn Huyện

2.1. Công tác quản lý nhà nước của Sở Giao thông công chính:

- Quản lý, vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng trên các tuyến đường đô thị, quảng trường, các quốc lộ 1, 2, 3, 135, 23;

- Quản lý vận hành hệ thống các trạm điều khiển giám sát và điều khiển Trung tâm hệ thống chiếu sáng Thành phố;

- Vận hành hệ thống chiếu sáng trang trí thường xuyên của Thành phố;

- Trả tiền điện tiêu thụ đối với toàn bộ hệ thống chiếu sáng công cộng Thành phố (trong đô thị và ngoại thành);

- Đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các công trình chiếu sáng do Thành phố quản lý;

- Kiểm tra, giám sát chất lượng các công trình xây dựng chiếu sáng công cộng theo Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng.

2.2. Công tác quản lý nhà nước của UBND các Quận - Huyện:

- Quản lý hệ thống chiếu sáng tại các ngõ, ngách trên địa bàn quận; các tuyến đường do huyện quản lý;

- Phát hiện và xử lý những trường hợp phá hoại, lấy cắp điện từ hệ thống chiếu sáng công cộng;

- Thay thế bóng cháy, bóng hỏng và đường dây điện chiếu sáng;

- Đầu tư xây dựng mới, cải tạo hệ thống chiếu sáng công cộng trên địa bàn được phân cấp quản lý.

3. Quản lý hệ thống thoát nước

3.1. Quản lý nhà nước của Sở Giao thông công chính:

- Quản lý hệ thống thoát nước trên địa bàn Thành phố theo Quyết định số 193/2005/QĐ-UB ngày 18/11/2005 của UBND Thành phố Hà Nội;

- Quản lý vận hành các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt đô thị, các trạm thoát nước đô thị;

- Quản lý và duy trì hệ thống thoát nước tại các trục đường đô thị, mương sông và các công trình thoát nước đô thị của Thành phố;

- Quản lý các hồ điều hòa: Yên Sở, hồ Bảy Mẫu, hồ Ba Mẫu, hồ Thủ Lệ, hồ Bách Thảo 1 và 2;

- Cung cấp các thông số kỹ thuật, thỏa thuận điểm đấu nối vào hệ thống thoát nước chung của Thành phố;

- Đầu tư phát triển, cải tạo hệ thống thoát nước chung của Thành phố;

- Kiểm tra, hướng dẫn, giám sát chất lượng các công trình cải tạo, xây dựng hệ thống thoát nước theo Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng.

3.2. Công tác quản lý nhà nước của UBND các Quận, Huyện:

- Quận quản lý, duy trì, nạo vét hệ thống thoát nước (xương cá) tại các ngõ, ngách, hệ thống thoát nước tại các khu tập thể, chung cư trên địa bàn (trừ các tuyến cống thoát nước chính của Thành phố đi qua địa bàn ngõ);

- Huyện quản lý duy trì hệ thống thoát nước trên địa bàn;

- Quản lý, duy trì các hồ theo Quyết định số 193/2005/QĐ-UB ngày 18/11/2005 của UBND Thành phố Hà Nội (vớt rác vệ sinh mặt hồ, mái hồ, duy trì kè cơ hồ, thu dọn đất rác phế thải, nạo vét bùn tại các cửa cống ra vào hồ, chống lấn chiếm…);

- Đầu tư, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các công trình thoát nước thuộc trách nhiệm quản lý.

4. Quản lý công viên - vườn hoa

4.1. Quản lý nhà nước của Sở Giao thông công chính:

- Thống nhất chung và hướng dẫn về quản lý duy trì công viên - vườn hoa trên địa bàn Thành phố Hà Nội có hệ thống, đồng bộ;

- Đầu tư, quản lý duy trì tại các công viên: Thống Nhất, Thủ Lệ, Bách Thảo, Yên Sở (bao gồm các hồ trong công viên), các vườn hoa;

- Đầu tư, quản lý duy tu, duy trì và cải tạo cây xanh dọc các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, đường trong đô thị; duy trì cây, hoa, thảm cỏ nằm trên dải phân cách đường phố, các đảo giao thông trong đô thị và trên đường tỉnh lộ (theo phân cấp của Bộ Giao thông vận tải);

- Kiểm tra, giám sát chất lượng các công trình xây dựng công viên, vườn hoa theo Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng.

4.2. Công tác quản lý nhà nước của UBND các Quận - Huyện:

- Quản lý các công viên, vườn hoa nhỏ, các khu vui chơi giải trí trong khu dân cư; Quản lý cây xanh dọc các tuyến đường do huyện quản lý;

- Tổ chức duy trì cây hoa, cây cảnh, thảm cỏ; sửa chữa vật kiến trúc, hệ thống chiếu sáng, hàng rào, vệ sinh môi trường, đảm bảo an ninh, trật tự đô thị trong khu vực công viên - vườn hoa thuộc phạm vi quản lý;

- Đầu tư xây dựng, cải tạo công viên - vườn hoa được phân cấp quản lý.

5. Quản lý vệ sinh môi trường

5.1. Quản lý nhà nước của Sở Giao thông công chính:

- Hướng dẫn về quy trình, định mức kinh tế kỹ thuật, thực hiện đơn giá đối với công tác quản lý, duy trì vệ sinh môi trường; Kiểm tra, hướng dẫn, giám sát các hoạt động duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội;

- Tổ chức đặt hàng duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa. Tổ chức duy trì vệ sinh môi trường trên các tuyến đường trục chính, các cầu vượt, cầu qua sông trên địa bàn Thành phố;

- Phối hợp với các quận Hoàng Mai, Long Biên, Tây Hồ, Cầu Giấy, Thanh Xuân trong công tác xã hội hóa vệ sinh môi trường; Hướng dẫn các huyện Thanh Trì, Từ Liêm, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn tổ chức đấu thầu duy trì vệ sinh môi trường;

- Đầu tư, duy trì hệ thống nhà vệ sinh công cộng, các công trình xử lý rác thải tập trung của Thành phố: khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Sơn - Sóc Sơn, các bãi chứa chất thải chung của Thành phố.

5.2. Công tác quản lý nhà nước của UBND các Quận - Huyện:

- Các quận: Hoàng Mai, Long Biên, Tây Hồ, Cầu Giấy, Thanh Xuân quản lý thực hiện công tác duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn;

- Các huyện: Thanh Trì, Từ Liêm, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn triển khai thực hiện duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn; Tổ chức đấu thầu duy trì vệ sinh môi trường;

- Hướng dẫn các thôn, xã thực hiện việc thu gom rác thải, bảo đảm vệ sinh môi trường phù hợp với hình thức tự quản do thôn, xã tổ chức, quản lý.

 

PHỤ LỤC SỐ 2

KHỐI LƯỢNG PHÂN CẤP HẠ TẦNG KỸ THUẬT ĐÔ THỊ GIAO UBND QUẬN - HUYỆN QUẢN LÝ, DUY TU DUY TRÌ TỪ NĂM 2007
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 55/2007/QĐ-UB ngày 30 tháng 5 năm 2007 của UBND Thành phố Hà Nội)

TT

Nội dung

Khối lượng

1

Quận Ba Đình

 

-

Hè phố

333.963 m2 hè/85 tuyến

-

Chiếu sáng ngõ xóm

68.348 m chiếu sáng, 2.274 bóng

-

Thoát nước ngõ xóm

4.858 m cống rãnh; 34 ga thu, ga thăm

2

Quận Cầu Giấy

 

-

Hè phố

273.056 m2 hè/23 tuyến

-

Chiếu sáng ngõ xóm

76.858 m chiếu sáng, 2.574 bóng

-

Thoát nước ngõ xóm

650 mương; 1.658 m cống, rãnh; 8 ga thu, ga thăm

-

Công viên - vườn hoa

Công viên Nghĩa Đô

3

Quận Đống Đa

 

-

Hè phố

259.100 m2 hè/73 tuyến

-

Chiếu sáng ngõ xóm

191.447 m chiếu sáng, 6.007 bóng

-

Thoát nước ngõ xóm

2.812 m cống, rãnh

-

Công viên - vườn hoa

Vườn hoa khu tập thể A-B Thành Công

4

Quận Hai Bà Trưng

 

-

Hè phố

248.648 m2 hè/84 tuyến

-

Chiếu sáng ngõ xóm

92.000 m chiếu sáng, 2.728 bóng

-

Thoát nước ngõ xóm

5.032 m cống, rãnh; 136 ga thu, ga thăm

-

Công viên - vườn hoa

Vườn hoa Đầm Trấu; vườn hoa dọc sông Lừ, Sét; dải phân cách Đồng Tâm - Trại Găng

5

Quận Hoàn Kiếm

 

-

Hè phố

406.265 m2 hè/166 tuyến

-

Chiếu sáng ngõ xóm

17.534 m chiếu sáng, 517 bóng

6

Quận Hoàng Mai

 

-

Hè phố

96.318 m2 hè/16 tuyến

-

Chiếu sáng ngõ xóm

121.902 m chiếu sáng, 3.689 bóng

-

Thoát nước ngõ xóm

543 mương; 19.312 m cống, rãnh; 75 ga thu, ga thăm

-

Công viên - vườn hoa

Vườn hoa khu Đền Lừ 1, vườn hoa Đền Lừ 2, Khu 6,6ha và tiểu cảnh ven sông Lừ, Sét

7

Quận Long Biên

 

-

Hè phố

69.744 m2 hè/11 tuyến

-

Chiếu sáng ngõ xóm

107.290 m chiếu sáng, 3.266 bóng

-

Thoát nước ngõ xóm

15.057 m cống, rãnh; 03 ga thu, ga thăm

-

Công viên - vườn hoa

Vườn hoa Gia Lâm, vườn hoa Bắc Long Biên

8

Quận Thanh Xuân

 

-

Hè phố

93.557 m2 hè/33 tuyến

-

Chiếu sáng ngõ xóm

94.971 m chiếu sáng, 3.088 bóng

-

Công viên - vườn hoa

Vườn hoa Mini Thanh Xuân

9

Quận Tây Hồ

 

-

Hè phố

84.065 m2 hè/14 tuyến

-

Chiếu sáng ngõ xóm

84.370 m chiếu sáng, 2.643 bóng

-

Thoát nước ngõ xóm

77 m cống, rãnh

10

Huyện Đông Anh

 

-

Hè phố

2.000 m2 hè/01 tuyến

-

Chiếu sáng đường trục chính, thị trấn và trung tâm

11.083 m chiếu sáng, 309 bóng

11

Huyện Gia Lâm

 

-

Hè phố

10.572 m2 hè/01 tuyến

-

Chiếu sáng đường trục chính, thị trấn và trung tâm

12.639 m chiếu sáng, 359 bóng

12

Huyện Thanh Trì  

 

-

Hè phố

4.000 m2 hè/01 tuyến

-

Chiếu sáng đường trục chính, thị trấn và trung tâm

27.122 m chiếu sáng, 848 bóng

13

Huyện Từ Liêm

 

-

Hè phố

155.322 m2 hè/08 tuyến

-

Chiếu sáng đường trục chính, thị trấn và trung tâm

36.775 m chiếu sáng, 1.009 bóng

14

Huyện Sóc Sơn

 

-

Hè phố

4.000 m2 hè/01 tuyến

-

Chiếu sáng đường trục chính, thị trấn và trung tâm

9.071 m chiếu sáng, 225 bóng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 55/2007/QĐ-UBND về việc phân cấp quản lý nhà nước về hạ tầng kỹ thuật đô thị theo Nghị quyết 08/2006/NQ-HĐND do Ủy ban nhân thành phố Hà Nội ban hành

  • Số hiệu: 55/2007/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 30/05/2007
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Đỗ Hoàng Ân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 09/06/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản