Hệ thống pháp luật

BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO
VÀ DU LỊCH
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------

Số: 5476/QĐ-BVHTTDL

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2008 

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA NGÀNH DU LỊCH 

BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HOÁ, THỂ THAO VÀ DU LỊCH 

Căn cứ Nghị định số 185/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch;
Căn cứ Quyết định số 63/2008/QĐ-TTg ngày 19 tháng 5 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Du lịch trực thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch;
Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt và ban hành kèm theo quyết định này Chương trình Hành động của Ngành Du lịch nhằm tăng cường thu hút khách quốc tế và thúc đẩy du lịch nội địa.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./. 

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3 ;
- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (để b/c);
- Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh (để b/c);
- Các Bộ: CT, TC, NG, CA, QP, GTVT, BCVT,
- Các Sở VHTTDL;
- Cục HTQT, Vụ KHTC Bộ VHTTDL;
- Lưu: VT(1), TCDL(2)

KT.BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Chiến Thắng

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

CỦA NGÀNH DL NHẰM TĂNG CƯỜNG THU HÚT KHÁCH QUỐC TẾ VÀ THÚC ĐẨY DL NỘI ĐỊA

(Ban hành kèm theo Quyết định số 5476 /QĐ-BVHTTDL ngày 31/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

Trước tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đối với Ngành Du lịch thế giới nói chung và Ngành Du lịch Việt Nam nói riêng, nhằm chặn đà suy giảm, tăng cường thu hút khách quốc tế đến Việt Nam cũng như thúc đẩy du lịch nội địa, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ban hành Chương trình hành động của Ngành Du lịch trong thời gian tới như sau:

I. XÂY DỰNG VÀ TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH KHUYẾN MẠI DU LỊCH TRONG PHẠM VI CẢ NƯỚC:

Đây là giải pháp cấp bách có tính kích cầu của ngành Du lịch, được triển khai ngay trên phạm vi cả nước.

1.1. Xây dựng và công bố hệ thống sản phẩm du lịch khuyến mại:

a. Tổng cục Du lịch lựa chọn một số doanh nghiệp lữ hành quốc tế lớn, xây dựng gấp các tour du lịch khuyến mại điển hình nhằm thu hút mạnh mẽ khách từ các thị trường chính của Du lịch Việt Nam. Thời gian khuyến mại, giảm giá từ tháng 1- 9/2009. Trong các chương trình khuyến mại này:

- Các khách sạn cam kết giảm giá từ 30 - 50% (so với giá hợp đồng đã ký với các Công ty lữ hành) trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 9/2009).

- Hàng không Việt Nam cam kết khuyến mại từ 30 – 50% giá vé các đường bay quốc tế và nội địa cho các tour khuyến mại này. Tổng cục Du lịch đang trao đổi với một số hãng Hàng không khác tham gia vào Chương trình khuyến mại này.

- Các nhà cung cấp dịch vụ (vận chuyển, hướng dẫn, mua sắm, ăn uống, đặc biệt là các cửa hàng, nhà hàng đạt chuẩn du lịch) cam kết đăng ký tham gia Chương trình này, giảm giá dịch vụ cho khách du lịch.

b. Sau khi hoàn thành các tour khuyến mại, Tổng cục Du lịch sẽ công bố chiến dịch khuyến mại của ngành Du lịch Việt Nam từ tháng 1- 9/2009, tổ chức quảng bá rộng rãi chiến dịch trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước, tại các sự kiện du lịch quốc tế và quốc gia. Khẩu hiệu của chiến dịch này là: Ấn tượng Việt Nam! Tên tiếng Anh là: Impressive Vietnam!

c. Tháng 3/2009, Tổng cục Du lịch phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, Hàng không Việt Nam triển khai đợt 2 của Chương trình khuyến mại với mạng lưới doanh nghiệp tham gia Chương trình khuyến mại rộng hơn, với nhiều dịch vụ khác, đồng thời đẩy mạnh quảng bá Chương trình này.

1.2. Thực hiên chiến dịch quảng bá mạnh mẽ cho Chương trình khuyến mại của Ngành Du lịch Việt Nam:

Thực hiện đồng bộ một chiến dịch xúc tiến, quảng bá mạnh mẽ cho Chương trình khuyến mại của ngành Du lịch Việt Nam ở cả trong và ngoài nước, bao gồm cả ở cấp quốc gia, địa phương và doanh nghiệp, nhằm thu hút một cách mạnh mẽ khách du lịch vào Việt Nam và thúc đẩy du lịch nội địa phát triển. Các hoạt động cụ thể bao gồm:

a. Khởi động chiến dịch quảng bá mạnh mẽ về Du lịch Việt Nam trên mạng internet. Thiết kế trang web chính thức để giới thiệu Chương trình khuyến mại của ngành Du lịch Việt Nam. Trang web này sẽ công bố đường link tới các trang web của các doanh nghiệp lữ hành tham gia vào Chương trình khuyến mại này. Củng cố, đào tạo cấp tốc lực lượng, thu thập, cập nhật thông tin ở các doanh nghiệp và tổ chức thiết kế hệ thống cung cấp thông tin lên mạng internet. Đây là giải pháp đột phá quan trọng trong điều kiện hạn chế về kinh phí quảng bá.

b. Tổ chức quảng bá du lịch Việt Nam trên các phương tiện thông tin đại chúng của các quốc gia là thị trường trọng điểm của Du lịch Việt Nam, như trên kênh truyền hình Châu Âu, Châu Mỹ, Ôtxtrâylia, Đông Bắc Á, Đông Nam Á. Trước tiên tập trung giới thiệu chi tiết chương trình khuyến mại, giảm giá của Du lịch Việt Nam.

c. Tổ chức mời các đoàn Famtrip và Presstrip cho các hãng lữ hành và báo chí nước ngoài vào Việt Nam.

d. Tổ chức quảng bá về các điểm du lịch mới ở Việt Nam trên truyền hình trung ương và địa phương trong nước nhằm thúc đẩy thu hút khách du lịch nội địa. Tổ chức FAMTRIP cho các doanh nghiệp lữ hành và các nhà báo trong nước chuyên viết về du lịch tới các điểm du lịch của Việt Nam, đặc biệt là các điểm du lịch mới.

e. Tổ chức tốt các sự kiện du lịch trong nước nhằm thu hút khách du lịch

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với các địa phương tổ chức tốt các sự kiện văn hóa, du lịch, trong đó chú trọng các sự kiện bao gồm:

- Diễn đàn Du lịch ASEAN và Hội chợ TRAVEX tại Hà Nội. Nhân tổ chức Diễn đàn Du lịch ATF và Hội chợ TRAVEX, triển khai rầm rộ việc giới thiệu quảng bá Chương trình khuyến mại toàn quốc của Ngành Du lịch Việt Nam. Phân phát tài liệu, ấn phẩm về Chương trình này cho các buyer, seller, các nhà báo đến tham dự.

- Tập trung tổ chức các lễ hội lớn vào dịp đầu xuân Kỷ Sửu (Lễ hội Chùa Hương, Yên Tử, Đền Hùng, Hội Lim) và các lễ hội khác như Lễ hội Cầu Ngư, lễ hội Kate, Lễ hội Ooc Om bok, lễ hội của đồng bào các dân tộc.

- Các sự kiện Du lịch và lễ hội tại Tây Nguyên.

- Các hoạt động chuẩn bị cho Năm Du lịch quốc gia 2010 tại Hà Nội.

II. TRIỂN KHAI ĐỒNG BỘ VIỆC XÂY DỰNG CÁC SẢN PHẨM DU LỊCH MỚI, TĂNG CƯỜNG XÚC TIẾN DU LỊCH VIỆT NAM:

Đây là giải pháp lâu dài, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của Du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, cần triển khai ngay trong giai đoạn này làm cơ sở cho các bước tiếp theo để tăng cường thu hút khách quốc tế vào Việt Nam và thúc đẩy du lịch nội địa.

2.1. Tiếp tục nghiên cứu khảo sát xây dựng các sản phẩm du lịch mới:

- Tổng cục Du lịch tổ chức nghiên cứu, trao đổi với một số hãng hàng không giá rẻ, mở tuyến bay Tam Á, Hải Khẩu (Hải Nam, Trung Quốc) với Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để thu hút nguồn khách quốc tế đã đến Hải Nam nối tour sang Việt Nam.

- Tổ chức khảo sát tuyến điểm du lịch Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia, Malaysia, Singapore, Myanmar để hình thành tour liên quốc gia.

- Tổ chức khảo sát các tuyến điểm du lịch tại các địa phương có tiềm năng du lịch nhưng chưa phát triển như các tỉnh Tây Bắc, Đông Bắc, một số tỉnh đồng bằng Bắc bộ, một số tỉnh Bắc Trung bộ và Nam Trung bộ, tuyến đường Hồ Chí Minh, Tây Nguyên, du lịch biển đảo.

2.2. Tập trung xúc tiến, quảng bá thu hút khách từ một số thị trường quan trọng :

a. Thúc đẩy thu hút khách du lịch từ các quốc gia ASEAN:

- Triển khai Chương trình ‘Ba quốc gia - một điểm đến’ và Chương trình cả ASEAN là một điểm đến du lịch thống nhất.

- Tổ chức đoàn caravan kết hợp tổ chức giới thiệu quảng bá du lịch Việt Nam tại 5 nước Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore.

- Tổ chức các cuộc gặp gỡ chính thức giữa Tổng cục Du lịch Việt Nam với TAT (Thái Lan), cơ quan du lịch Malaysia và STB Singapore để bàn chương trình hợp tác, hành động cụ thể nhằm tăng cường trao đổi khách.

- Triển khai một số roadshow để giới thiệu Du lịch Việt Nam tại các thị trường này.

b. Thúc đẩy hoạt động xúc tiến thu hút khách từ thị trường Trung Quốc

- Tổ chức chương trình quảng bá Du lịch Việt Nam tại thị trường Vân Nam, Quảng Đông, Quảng Tây, Trùng Khánh, Phúc Kiến, Thượng Hải nhằm thu hút khách Trung Quốc qua tuyến đường sắt, đường biển, đường không.

- Tổ chức đoàn caravan khảo sát và quảng bá Du lịch Việt Nam tại một số tỉnh của Trung Quốc và tổ chức khảo sát tuyến du lịch biển Bắc Hải- Hạ Long.

c. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thu hút khách Đông Bắc Á

- Tổ chức các hoạt động xúc tiến quảng bá hình ảnh Du lịch Việt Nam tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.

- Tổ chức roadshow giới thiệu về điểm đến Việt Nam tại một số thành phố lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.

d. Tiếp tục thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thu hút khách du lịch từ các thị trường truyền thống Tây Âu, Bắc Âu và Đông Âu. Hợp tác với Hàng không Việt Nam và các Đại sứ quán Việt Nam tại các nước trong khu vực nêu trên để tổ chức các hoạt động xúc tiến Du lịch Việt Nam.

e. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thu hút khách tàu biển: Tham dự một số Hội chợ, Hội nghị, Hội thảo quốc tế về du lịch tàu biển. Phối hợp với các tổ chức tàu biển quốc tế tổ chức các sự kiện du lịch tàu biển quốc tế ở Việt Nam.

Tổ chức cho Đoàn cán bộ Cục Du lịch Singapore và Trung tâm Du thuyền Singapore đi khảo sát các cảng biển Việt Nam để tư vấn giúp Việt Nam phát triển cảng biển du lịch.

f. Tổ chức chiến dịch xúc tiến du lịch Việt Nam (hội thảo và roadshow) tại Ôtxtrâylia và Niu Di Lân.

2.3. Thúc đẩy mạnh thị trường du lịch nội địa

a. Xây dựng Chương trình khuyến mại cho du lịch nội địa:

Các doanh nghiệp lữ hành phối hợp với các khách sạn và các nhà cung cấp dịch vụ xây dựng các tour khuyến mại cho khách du lịch nội địa, nhằm kích thích thị trường nội địa, thay thế một phần cho thị trường du lịch quốc tế.

b. Tổ chức chiến dịch quảng bá các điểm du lịch ở Việt Nam trên các phương tiện thông tin đại chúng để thúc đẩy người dân trong nước đi du lịch, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên Đán, Quốc tế Lao động 1/5 và Quốc khánh 2/9. Các nhà cung cấp dịch vụ du lịch tại các địa phương cần thống nhất cam kết thực hiện các chương trình giảm giá để khích lệ người dân đi du lịch trong nước.

c. Tăng cường thông tin, quảng bá về sản phẩm phục vụ du lịch nội địa. Các sở quản lý du lịch địa phương chủ động cung cấp thông tin, tuyên truyền về các điểm du lịch ở địa phương; Mời các doanh nghiệp lữ hành và báo chí tới khảo sát các điểm du lịch ở địa phương; Tổ chức họp với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tại địa phương (khách sạn, nhà hàng, vận chuyển, điểm mua sắm, điểm du lịch) để thống nhất chương trình khuyến mại.

d. Giảm lệ phí vào các điểm du lịch.

2.4. Đẩy mạnh các hoạt động nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.

- Phát động chiến dịch nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch trong toàn ngành Du lịch. Đẩy mạnh công tác tiêu chuẩn hóa, hướng dẫn và kiểm tra, đánh giá chất lượng dịch vụ du lịch cung cấp cho khách.

- Tăng cường lực lượng lao động lành nghề, chuyên nghiệp, tổ chức đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý và nhân viên tại cơ sở lưu trú, nhà hàng.

- Thực hiện tốt quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh và trật tự, phòng chống cháy nổ, tệ nạn xã hội và thiên tai. Đẩy mạnh thu gom, xử lý rác, nước thải. Hạn chế tối đa tình trạng bán hàng rong, chèo kéo khách.

- Mở chiến dịch làm sạch môi trường tại các điểm du lịch.

- Nâng cao chất lượng dịch vụ vận chuyển khách du lịch theo hướng văn minh, lịch sự, hiện đại, đảm bảo tiện nghi.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

3.1. Tổng cục Du lịch

3.1.1. Chỉ đạo triển khai Chương trình khuyến mại du lịch toàn quốc:

a. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch trực tiếp tổ chức triển khai Chương trình khuyến mại của ngành Du lịch Việt Nam. Thành lập bộ phận triển khai gồm Vụ Lữ hành (Thường trực), Vụ Khách sạn (Tổng cục Du lịch), Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch).

b. Kinh phí triển khai Chương trình khuyến mại được lấy từ nguồn kinh phí của Quỹ Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch đã cấp cho Ngành Du lịch.

c. Các đơn vị được phân công xây dựng kế hoạch chi tiết và dự trù kinh phí, thời gian triển khai trình Lãnh đạo Tổng cục Du lịch phê duyệt. Các đơn vị khác có trách nhiệm phối hợp, thực hiện nghiêm túc sự phân công, đảm bảo đúng tiến độ công việc để các hoạt động được triển khai đúng kế hoạch, có kết quả.

d. Tổng cục Du lịch (Vụ Lữ hành) trực tiếp chỉ đạo triển khai hoạt động của các Nhóm công tác thị trường, coi đây là lực lượng xung kích triển khai Chương trình khuyến mại và thu hút khách du lịch.

e. Tổng cục Du lịch chỉ đạo Trung tâm Thông tin du lịch xây dựng trang web chính thức cho Chương trình khuyến mại của ngành Du lịch Việt Nam và dự trù kinh phí, nguồn kinh phí xây dựng và vận hành trang web này.

3.1.2. Triển khai các hoạt động xây dựng sản phẩm và xúc tiến du lịch:

- Tổng cục Du lịch tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai các hoạt động xây dựng sản phẩm du lịch, chú ý đặc biệt đến các sản phẩm liên quốc gia, các sản phẩm đặc thù của các địa phương.

- Triển khai mạnh mẽ các chương trình xúc tiến du lịch tại các thị trường trọng điểm của Du lịch Việt Nam.

3.2. Các Bộ, Ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

3.2.1. Các Bộ, Ngành:

Đề nghị các Bộ, Ngành liên quan tiếp tục chỉ đạo cải tiến, đơn giản hoá hơn nữa quy trình, thủ tục theo hướng giảm đầu mối.

- Tập trung cải tiến thủ tục xuất nhập cảnh tại tất cả các cửa khẩu đường không, đường bộ, đường biển theo hướng đơn giản hoá tờ khai, hiện đại hoá trang thiết bị kiểm tra hành lý, hành khách, giải quyết nhanh thủ tục cho khách.

- Nghiên cứu, đề xuất thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng cho khách du lịch, giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 5% cho các doanh nghiệp du lịch, khách sạn.

- Tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục cho khách du lịch mang phương tiện vào Việt Nam cũng như khách thuê và sử dụng phương tiện tự lái tại Việt Nam theo hướng thống nhất một đầu mối cấp phép, tạo điều kiện thu hút khách du lịch vào Việt Nam.

- Đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo triển khai chiến dịch nâng cao văn minh phục vụ trong dịch vụ taxi, thực hiện công khai giá, kiểm tra và có biện pháp xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân kinh doanh taxi lừa đảo khách, đặc biệt là lái xe taxi vận chuyển khách từ sân bay về các thành phố.

- Đề nghị Bộ Công thương cho phép thu giá điện và nước tại khách sạn theo mức giá sản xuất kinh doanh (không quy định giờ cao điểm, không phân biệt 3 loại giá như hiện nay), xây dựng đề án hoàn thuế giá trị gia tăng cho khách du lịch tại các cửa khẩu quốc tế và giảm thuế nhập khẩu xăng dầu.

- Đề nghị Bộ Bưu chính viễn thông cho phép các khách sạn tự thoả thuận với khách giá thu các dịch vụ bưu chính viễn thông

- Đề nghị Bộ Công an triển khai việc cấp visa tại cửa khẩu, cho phép các khách sạn phục vụ các dịch vụ giải trí cho khách tại khách sạn tới 2 giờ sáng (bỏ quy định trước 12 giờ đêm như hiện nay)

- Đề nghị Bộ Ngoại giao cải tiến công tác cấp visa tại các Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài theo hướng công khai, rõ ràng và tạo thuận lợi cho khách du lịch.

3.2.2. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

Đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động du lịch ở địa phương:

a. Chỉ đạo các Sở, Ngành liên quan thực hiện việc giảm lệ phí 30-50% lệ phí tham quan tại các điểm du lịch ở địa phương cho khách du lịch từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2009.

 b. Bãi bỏ quy định cấm xe vận chuyển khách du lịch vào thành phố vào giờ cao điểm, tạo điều kiện cho xe vận chuyển khách du lịch ra vào thành phố vào tất cả các giờ trong ngày.

c. Bãi bỏ việc cấp phép tham quan du lịch tại các điểm du lịch. Đối với những điểm du lịch ở vùng biên giới, các địa phương thống nhất với Bộ đội Biên phòng tạo điều kiện cho khách tới du lịch mà không phải xin giấy phép.

3.3. Các Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch:

a. Xây dựng kế hoạch hưởng ứng Chương trình hành động này. Tổ chức họp với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch trên địa bàn để thống nhất chương trình giảm giá cho khách quốc tế và nội địa. Chủ trì đề xuất, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc thực hiện giảm 30-50% lệ phí tham quan cho khách du lịch tại các điểm du lịch ở địa phương từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2009.

b. Hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn và các cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch trên địa bàn nghiêm túc thực hiện các cam kết trong quá trình triển khai Chương trình khuyến mại này.

3.4. Hiệp hội Du lịch

- Tham gia với Tổng cục Du lịch việc tổ chức triển khai các sự kiện, phối hợp hình thành các nhóm doanh nghiệp du lịch theo thị trường.

- Trong năm 2009, thành lập Hiệp hội Lữ hành, Hiệp hội Khách sạn để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch đẩy mạnh hợp tác và cạnh tranh.

3.5. Các doanh nghiệp du lịch

3.5.1. Thành lập các Nhóm công tác thị trường:

Thành lập 9 Nhóm công tác thị trường, bao gồm các doanh nghiệp lữ hành quốc tế, có sự tham gia của một số khách sạn, nhà hàng, cửa hàng. Đây là lực lượng nòng cốt triển khai Chương trình khuyến mại của Ngành Du lịch nêu trên.

a. Nhóm công tác thị trường Pháp và Tây Âu.

b. Nhóm công tác thị trường Nhật Bản.

c. Nhóm công tác thị trường ASEAN.

d. Nhóm công tác thị trường Ôtxtrâylia và Niu Di Lân.

e. Nhóm công tác thị trường Trung Quốc.

f. Nhóm công tác thị trường Bắc Mỹ.

g. Nhóm công tác thị trường Nga và Đông Âu.

h. Nhóm công tác thị trường Bắc Âu.

i. Nhóm công tác thị trường Hàn Quốc

Tất cả các Nhóm công tác thị trường đều có thành viên là Vietnam Airlines hoặc các hãng hàng không khác tự nguyện đăng ký tham gia.

3.5.2. Tham gia Chương trình khuyến mại:

- Các doanh nghiệp (lữ hành, khách sạn, vận chuyển, bán hàng, ăn uống, giải trí) đăng ký tham gia Chương trình khuyến mại toàn quốc của Ngành Du lịch trước ngày 31/12/2008. Thực hiện nghiêm các cam kết khi tham gia các Nhúm công tác thị trường, đảm bảo thực hiện tốt Chương trình khuyến mại cho khách du lịch.

- Hưởng ứng tham gia các hoạt động của Ngành Du lịch. Xây dựng kế hoạch giảm giá từ nay đến tháng 9/2009. Công bố công khai giá dịch vụ ổn định.

- Các doanh nghiệp đã tham gia Chương trình khuyến mại xây dựng các tour khuyến mại và đưa lên trang web của doanh nghiệp, sau đó gửi địa chỉ trang web và đường link tới Tổng cục Du lịch để đưa vào trang web chính thức về Chương trình khuyến mại của Ngành Du lịch Việt Nam.

- Các Tổng Công ty Du lịch và Tổng Công ty có kinh doanh khách sạn chỉ đạo các khách sạn tham gia vào Chương trình khuyến mại này.

Để triển khai tốt các giải pháp và khích lệ các doanh nghiệp nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút khách du lịch, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ báo cáo kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, Ngành hữu quan về việc miễn, giảm thuế VAT cho các doanh nghiệp du lịch, phê duyệt Quy chế quản lý phương tiện vận chuyển của khách du lịch mang vào Việt Nam du lịch, thực hiện thí điểm 1 năm các doanh nghiệp liên doanh du lịch đưa khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài và người nước ngoài hành nghề hướng dẫn du lịch tại Việt Nam, triển khai việc cấp visa tại cửa khẩu, cải tiến công tác cấp visa tại các Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài, thực hiện thu giá điện và nước tại khách sạn theo mức giá sản xuất kinh doanh, giá thu các dịch vụ bưu chính viễn thông tại khách sạn, hoàn thuế giá trị gia tăng cho khách du lịch, giảm thuế nhập khẩu xăng dầu và kéo dài thời gian phục vụ giải trí về đêm cho khách tại các khách sạn.

Trên đây là Chương trình hành động của Ngành Du lịch nhằm khôi phục lại tốc độ tăng trưởng khách quốc tế đến Việt Nam. Được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, hỗ trợ và phối hợp của các Bộ, Ngành, chính quyền địa phương, các Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, các doanh nghiệp du lịch của cả nước và các phương tiện thụng tin đại chúng, Ngành Du lịch sẽ tích cực triển khai Chương trình hành động, phấn đấu khôi phục tốc độ tăng trưởng khách du lịch trong năm 2009 và thời gian tới./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 5476/QĐ-BVHTTDL năm 2008 về chương trình hành động của ngành du lịch do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành

  • Số hiệu: 5476/QĐ-BVHTTDL
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 31/12/2008
  • Nơi ban hành: Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch
  • Người ký: Trần Chiến Thắng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 31/12/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản