THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 543/2002/QĐ-TTG | Hà Nội, ngày 08 tháng 07 năm 2002 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH CHI TIẾT KHU TRUNG TÂM CHÍNH TRỊ BA ĐÌNH, THỦ ĐÔ HÀ NỘI
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Điều lệ quản lý quy hoạch đô thị ban hành kèm theo Nghị định số 91/CP ngày 17 tháng 8 năm 1994 của Chính phủ;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tại tờ trình số 12/TTr-BXD-UBND ngày 06 tháng 3 năm 2000, của Bộ trưởng Bộ Xây dựng tại tờ trình số 02/TTr-BXD ngày 08 tháng 01 năm 2001 và công văn số 591/BXD-KTQH ngày 24 tháng 4 năm 2002,
QUYẾT ĐỊNH:
1. Phạm vi nghiên cứu và ranh giới quy hoạch chi tiết :
Khu Trung tâm chính trị Ba Đình rộng 105 ha có ranh giới lập quy hoạch chi tiết như sau :
- Phía Bắc giáp phố Phan Đình Phùng, đường Hoàng Hoa Thám;
- Phía Nam giáp đường Trần Phú, phố Ông ích Khiêm, phố Sơn Tây;
- Phía Đông giáp đường Hoàng Diệu;
- Phía Tây giáp đường Ngọc Hà.
2. Mục tiêu :
Xác lập nhiệm vụ bảo tồn, tôn tạo, chỉnh trang, nâng cấp các di sản văn hoá lịch sử, cảnh quan, công trình kiến trúc có giá trị, kết hợp cải tạo và xây dựng mới để hoàn thiện chức năng, làm phong phú giá trị truyền thống, văn hoá, lịch sử; hiện đại hoá hạ tầng kỹ thuật, từng bước xây dựng hoàn chỉnh Khu Trung tâm chính trị Ba Đình.
3. Tính chất :
Khu Trung tâm chính trị Ba Đình là nơi tập trung các di tích văn hoá, lịch sử, các công trình kiến trúc, cảnh quan có giá trị; nơi xây dựng một số trụ sở cơ quan lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, một số công trình văn hoá, công cộng có tầm quan trọng đối với Thủ đô Hà Nội, cả nước và Quốc tế; nơi tổ chức các hoạt động chính trị, văn hoá, du lịch, tham quan của nhân dân trong nước và khách nước ngoài.
4. Quy hoạch sử dụng đất :
- Đất xây dựng công trình : 58,88 ha, chiếm 56%,
- Cây xanh, mặt nước : 16,69 ha, chiếm 16%,
- Giao thông, công trình hạ tầng kỹ thuật : 29,43 ha, chiếm 28%.
- Khu xây dựng các công trình gồm các lô đất :
+ Lô A có diện tích 21,19 ha nằm ở phía Tây quảng trường Ba Đình, có chức năng bảo tồn, gìn giữ các di tích văn hoá lịch sử và nơi làm việc của lực lượng bảo vệ Lăng, bao gồm : Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Cách mạng, khu di tích Nhà sàn - Ao cá Bác Hồ, khu đón tiếp khách viếng Lăng, khách tham quan, chùa Diên Hựu, chùa Một Cột, trụ sở Bộ Tư lệnh cảnh vệ, Trung đoàn 600 và Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng.
Các chỉ tiêu quản lý kiến trúc, quy hoạch chủ yếu : mật độ xây dựng tối đa 20%; chiều cao tối đa của các công trình xây dựng 21,6 m; tầng cao trung bình 1,25; hệ số sử dụng đất tối đa 0,25.
+ Lô B có diện tích 7,72 ha nằm ở phía Tây quảng trường Ba Đình, có chức năng bảo tồn, tôn tạo các di tích văn hoá lịch sử và nơi làm việc của Chủ tịch nước, của Chính phủ, bao gồm : Phủ Chủ tịch, trụ sở Chính phủ và Văn phòng Chính phủ.
Các chỉ tiêu quản lý kiến trúc, quy hoạch chủ yếu : mật độ xây dựng tối đa 20%; tầng cao trung bình 1,25; hệ số sử dụng đất tối đa 0,25.
+ Lô C có diện tích 8,66 ha nằm ở phía Bắc quảng trường Ba Đình, là nơi làm việc của Trung ương Đảng và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bao gồm : trụ sở Văn phòng Trung ương Đảng, nhà làm việc của các Ban của Đảng; trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê và một số nhà công vụ.
Các chỉ tiêu quản lý kiến trúc, quy hoạch chủ yếu : mật độ xây dựng tối đa 30%; tầng cao tối đa 7 tầng ; tầng cao trung bình 2,5; hệ số sử dụng đất tối đa 0,75.
+ Lô D có diện tích 5,77 ha nằm ở phía Đông quảng trường Ba Đình, là khu chức năng phục vụ hội họp, làm việc, tiếp khách của Đảng và Nhà nước, bao gồm : Nhà Quốc hội, Hội trường Ba Đình.
Các chỉ tiêu quản lý kiến trúc, quy hoạch chủ yếu : mật độ xây dựng tối đa 40%; tầng cao trung bình 3,0; hệ số sử dụng đất tối đa 1,2.
Giải pháp bố cục kiến trúc tại lô D sẽ được cụ thể hoá sau khi phương án kiến trúc dự án đầu tư xây dựng Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình (mới) được phê duyệt.
+ Lô E có diện tích 3,66 ha, nằm ở phía Đông quảng trường Ba Đình là khu chức năng phục vụ hội họp, làm việc, tiếp khách của Nhà nước và tổ chức chính trị xã hội, trụ sở một số cơ quan, bao gồm : trụ sở Bộ Ngoại giao (lô E1), trụ sở ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và một số công trình công cộng khác có chức năng phục vụ hoạt động trong khu vực quảng trường Ba Đình (lô E2).
Các chỉ tiêu quản lý kiến trúc, quy hoạch chủ yếu : Lô E1 có diện tích 1,3 ha, mật độ xây dựng tối đa 28%, hệ số sử dụng đất tối đa 0.85; Lô E2 có diện tích 2,36 ha, mật độ xây dựng tối đa 25%, tầng cao tối đa 7 tầng, tầng cao trung bình 3,0, hệ số sử dụng đất tối đa 0,75.
+ Lô G có diện tích 0,46 ha, nằm ở phía Đông quảng trường Ba Đình, có chức năng là nơi tôn vinh các anh hùng, liệt sĩ của dân tộc và cách mạng bao gồm tổng thể tượng đài Liệt sĩ vô danh, hồ nước và sân vườn, cây cảnh.
+ Lô H có diện tích 11,42 ha nằm ở phía Nam quảng trường Ba Đình, là khu chức năng phục vụ hội họp, làm việc, tiếp khách của Đảng, Nhà nước; cơ quan đại diện ngoại giao một số nước và tổ chức quốc tế, bao gồm : trụ sở Bộ Tư pháp, trụ sở một số cơ quan thuộc Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Trung tâm Hội nghị Quốc tế; Trung tâm giao dịch điều hành viễn thông quốc gia; một số nhà công vụ; đại sứ quán, văn phòng đại diện một số nước và tổ chức quốc tế.
Các chỉ tiêu quản lý kiến trúc, quy hoạch chủ yếu : mật độ xây dựng tối đa 30%, tầng cao tối đa 7 tầng, tầng cao trung bình 3,0, hệ số sử dụng đất tối đa 0,9.
- Khu cây xanh, mặt nước gồm các lô đất :
+ Lô I có diện tích 3,59 ha nằm phía trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, là quảng trường Ba Đình, nơi tổ chức mít tinh trọng thể kỷ niệm các ngày lễ lớn, các hoạt động chính trị, văn hoá của nhân dân Thủ đô và cả nước.
+ Lô K có diện tích 13,1 ha là công viên Bách Thảo, có chức năng là khu công viên cây xanh phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của nhân dân Thủ đô, tạo cảnh quan, cải thiện điều kiện vi khí hậu và môi trường cho khu Trung tâm chính trị Ba Đình và khu vực lân cận.
Các chỉ tiêu quản lý kiến trúc, quy hoạch chủ yếu : mật độ xây dựng tối đa 5,0%; tầng cao tối đa 3 tầng; tầng cao trung bình 1,5; hệ số sử dụng đất tối đa 0,1.
+ Đất xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật có diện tích 29,43 ha, bao gồm : đường, quảng trường, cây xanh ven đường, bãi đỗ xe công cộng và các công trình ngầm có liên quan.
5. Kiến trúc và cảnh quan :
a) Bảo tồn, tôn tạo chỉnh trang nâng cấp các công trình, cảnh quan có giá trị lịch sử, văn hoá, kiến trúc và các di tích được xếp hạng trên cơ sở bảo vệ và gìn giữ các giá trị gốc.
b) Tất cả các công trình cải tạo và xây dựng mới phải tuân thủ quy hoạch chi tiết được duyệt và phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép.
Chiều cao tối đa của các công trình kiến trúc tiếp giáp với quảng trường Ba Đình không quá 21,6m; các công trình ở khu vực phía sau, xa quảng trường, chiều cao công trình có thể cao hơn. Trường hợp vượt mức quy định phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép.
6. Quy hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật :
a) Giao thông :
- Về cơ bản giữ nguyên mạng lưới đường hiện có; tổ chức giao thông trong khu vực bằng biện pháp phân luồng kết hợp mở rộng đường vành đai điều tiết giao thông gồm các đường Nguyễn Tri Phương, Ngọc Hà, Hoàng Hoa Thám; mở thông đường Trần Phú với đường Kim Mã - Cầu Giấy;
- Mở rộng đường Độc Lập, đường Hoàng Văn Thụ (mặt cắt 30m) về phía quảng trường Ba Đình, nối đường Độc Lập với đường Chùa Một Cột; mở tuyến đường ngang nối đường Điện Biên Phủ với đường Bắc Sơn (mặt cắt 25m) và hoàn thiện đường Bắc Sơn;
- Bố trí hệ thống trạm đỗ xe công cộng nội đô dọc các tuyến đường giao thông khu vực; xây dựng ga-ra ngầm tại khu vực vườn hoa tượng đài Lênin, vườn hoa Lý Tự Trọng và Trung tâm thể dục thể thao quận Ba Đình (đường Quán Thánh); xây dựng bãi đỗ xe dọc đường Hoàng Diệu, tại khu vực Bảo tàng Hồ Chí Minh và khu vực vườn ươm trên đường Hoàng Hoa Thám. Diện tích xây dựng các bãi đỗ xe khoảng 4,5 - 5 ha.
b) Hệ thống các công trình kỹ thuật hạ tầng khác :
Cải tạo, nâng cấp và xây dựng đồng bộ, hoàn chỉnh hệ thống các công trình cấp thoát nước, thông tin liên lạc, vệ sinh môi trường, cấp điện, chiếu sáng với chất lượng cao, hiện đại.
7. Về quy hoạch xây dựng đợt đầu :
a) Xây dựng mới :
Xây dựng Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình (mới), Bảo tàng Cách mạng, Phòng họp Trung ương Đảng, trụ sở làm việc của lực lượng bảo vệ Lăng, trụ sở ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung tâm giao dịch điều hành viễn thông quốc gia và một số công trình khác; mở rộng trụ sở Bộ Ngoại giao, nhà làm việc của các Ban Trung ương Đảng.
b) Cải tạo, chỉnh trang :
Khu vực trụ sở Trung ương Đảng; Phủ Chủ tịch; trụ sở Chính phủ và Văn phòng Chính phủ; sân vườn Bảo tàng Hồ Chí Minh; trụ sở Bộ Tư pháp; trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê; trụ sở Bộ Ngoại giao; khu vực Trung tâm Hội nghị Quốc tế và một số công trình khác.
c) Cải tạo, nâng cấp, hiện đại hoá hệ thống hạ tầng kỹ thuật :
Mở rộng các đường Độc Lập, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Hoa Thám, Ngọc Hà, Nguyễn Tri Phương; thông tuyến đường Trần Phú kéo dài qua Xí nghiệp may Chiến Thắng; xây dựng một số ga-ra, bãi đỗ xe và mạng lưới cấp nước, thoát nước, chiếu sáng, vệ sinh môi trường đô thị.
Điều 2. Giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội :
1. Phê duyệt hồ sơ thiết kế Quy hoạch chi tiết Khu Trung tâm chính trị Ba Đình,
2. Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý xây dựng theo Quy hoạch chi tiết được phê duyệt.
3. Tổ chức thực hiện Quy hoạch chi tiết Khu Trung tâm chính trị Ba Đình.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng; Chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này ./.
| THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
- 1Quyết định 370/2004/QĐ-TTg điều chỉnh Quyết định 543/QĐ-TTg năm 2002 phê duyệt Quy hoạch chi tiết Khu Trung tâm chính trị Ba Đình, Thủ đô Hà Nội do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 2411/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Khu trung tâm chính trị Ba Đình, thành phố Hà Nội, tỷ lệ 1/2.000 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Quyết định 543/2002/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chi tiết Khu Trung tâm chính trị Ba Đình, Thủ đô Hà Nội do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 543/2002/QĐ-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 08/07/2002
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Phan Văn Khải
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 36
- Ngày hiệu lực: 23/07/2002
- Ngày hết hiệu lực: 10/12/2013
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực