Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5421/QĐ-UBND | Hà Nội, ngày 21 tháng 11 năm 2012 |
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân số 11/2003/QH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Pháp lệnh Thú y số 18/2004/PL-UBTVQH11 ngày 29 tháng 4 năm 2004;
Căn cứ Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 ngày 17 tháng 6 2010;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp số 60/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005, được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 38/2009/QH12 ngày 19 tháng 6 năm 2009 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản;
Căn cứ Luật Thương mại số 36/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005 Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công thương Hà Nội tại Tờ trình số 3934/TTr-SCT ngày 14 tháng 11 năm 2012,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án quản lý việc vận chuyển, kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn năm 2012 - 2015 kèm theo Quyết định này.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Chánh Văn phòng UBND Thành phố; Giám đốc các Sở; Thủ trưởng các ban, ngành Thành phố; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã; Thủ trưởng các đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUẢN LÝ VIỆC VẬN CHUYỂN, KINH DOANH GIA CẦM VÀ SẢN PHẨM GIA CẦM TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI GIAI ĐOẠN NĂM 2012 – 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 5421/QĐ-UBND ngày 21/11/2012 của UBND Thành phố Hà Nội)
DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT
ATVSTP: An toàn vệ sinh thực phẩm
VSATTP: Vệ sinh an toàn thực phẩm
ATTP: An toàn thực phẩm
UBND: Ủy ban nhân dân
BCĐ VSATTP: Ban chỉ đạo Vệ sinh an toàn thực phẩm
BCĐ 127: Ban chỉ đạo Chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại
…
THUẬT NGỮ VÀ ĐỊNH NGHĨA
Trong đề án này, những thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:
Gia cầm: Gà, gà tây, vịt, ngan, ngỗng, chim cút, đà điểu.
Sản phẩm gia cầm: Thịt, trứng, nội tạng gia cầm ở dạng tươi sống và sơ chế.
Vận chuyển, kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, không đảm bảo an toàn thực phẩm: Là hành vi vi phạm các quy định của pháp luật Nhà nước do chủ thể thực hiện hoạt động vận chuyển, kinh doanh tiến hành có mục đích.
Quản lý việc vận chuyển, kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm: Là việc cơ quan Nhà nước căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình, trên cơ sở các quy định của pháp luật, tiến hành các phương pháp, biện pháp, giải pháp hiệu quả để điều chỉnh hành vi vận chuyển, kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm.
Khoản 8 Điều 25 Pháp lệnh Thú y số 18/2004/PL-UBTVQH11 ngày 29 tháng 4 năm 2004 quy định: Tổ chức, cá nhân khi lưu thông động vật, sản phẩm động vật phải chấp hành các quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật và Khoản 2 Điều 8 Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 ngày 17 tháng 6 năm 2010 quy định: Tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm phải có nghĩa vụ tuân thủ các điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm trong quá trình kinh doanh và chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm do mình kinh doanh.
Trong thời gian gần đây, gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, không đảm bảo an toàn thực phẩm xuất hiện ở nhiều địa phương như: tuyến biên giới các tỉnh Lạng Sơn, Móng Cái, Quảng Ninh, Lào Cai,... từ đó xâm nhập vào thị trường Hà Nội, đặc biệt là ở chợ gia cầm Hà Vĩ - Thường Tín và các chợ đầu mối khác trên địa bàn Hà Nội.
Gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, không đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt là gà thải, loại nhập lậu ảnh hưởng rất lớn và lâu dài đến sức khỏe con người như: nguy cơ truyền dịch bệnh, hóa chất tồn dư từ gia cầm sang con người. Hơn thế nữa, còn làm ảnh hưởng rất lớn đến ngành chăn nuôi trong nước.
Ở một số nước trên thế giới như Hàn Quốc, đối với gà thải loại (gà hết chu kỳ đẻ trứng) quy định không được dùng làm thực phẩm cho con người, chỉ được làm nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi hoặc khuyến cáo người tiêu dùng hạn chế sử dụng như ở Trung Quốc.
Để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với tình trạng kinh doanh, vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, không đảm bảo an toàn thực phẩm, ngày 29/10/2012, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã giao cho UBND Thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với các Bộ: Công thương, Y tế, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Đề án quản lý việc vận chuyển, kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn Hà Nội, trước tiên xây dựng Phương án ngăn chặn và xử lý nghiêm, triệt để việc tiêu thụ gà nhập lậu. không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, không đảm bảo an toàn thực phẩm tại Hà Vĩ và các chợ đầu mối khác. Như vậy, yêu cầu xây dựng đề án "Quản lý việc vận chuyển, kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn năm 2012-2015" là hết sức cấp thiết.
II. MỤC TIÊU, PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG CHỈNH
1. Mục tiêu
a) Đánh giá thực trạng việc vận chuyển, kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
b) Triển khai đồng bộ các nội dung, giải pháp với tinh thần quyết liệt, tích cực tham gia, có trách nhiệm và nỗ lực cao nhất của chính quyền các cấp, các lực lượng thực thi pháp luật, các cơ quan thông tin đại chúng, đặc biệt là của chính quyền cơ sở và người dân; kiểm soát được việc vận chuyển, kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn Thành phố Hà Nội, đặc biệt là ngăn chặn được tình trạng vận chuyển, kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, không đảm bảo an toàn thực phẩm tại chợ Hà Vĩ và các chợ đầu mối khác trên địa bàn Thành phố.
c) Góp phần thiết lập trật tự, kỷ cương, tăng cường pháp chế trong việc kiểm soát an toàn thực phẩm, bảo vệ người tiêu dùng, người chăn nuôi; góp phần tháo gỡ khó khăn của các doanh nghiệp ngành chăn nuôi, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi nước ta; ngăn chặn kịp thời tình trạng xâm nhập và lây lan dịch bệnh từ các nước qua con đường nhập lậu gia cầm và sản phẩm gia cầm.
2. Phạm vi, đối tượng chỉnh
Đề án này điều chỉnh các hành vi vận chuyển, kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Các cơ quan Nhà nước được giao nhiệm vụ, căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình, thực hiện có hiệu quả toàn bộ nội dung của đề án.
PHẦN THỨ HAI - CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
1. Pháp luật về an toàn thực phẩm:
- Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 ngày 17 tháng 6 năm 2010;
- Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm;
- Nghị định số 91/2012/NĐ-CP ngày 8 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm;
- Quyết định số 17/2010/QĐ-UBND ngày 5 tháng 5 năm 2010 của UBND Thành phố Hà Nội ban hành quy định tạm thời phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
2. Pháp luật về thú y:
- Pháp lệnh Thú y số 18/2004/PL-UBTVQH11 ngày 29 tháng 4 năm 2004;
- Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y, được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 119/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ;
- Nghị định số 40/2009/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2009 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Thú y;
- Thông tư số 68/2009/TT-BNNPTNT ngày 23 tháng 10 năm 2009 Hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 40/2009/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2009 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Thú y;
- Thông tư số 30/2012/TT-BNNPTNT ngày 03 tháng 7 năm 2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện vệ sinh thú y trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật tươi sống và sơ chế;
- Quyết định số 51/2009/QĐ-UBND ngày 22 tháng 01 năm 2009 của UBND Thành phố Hà Nội ban hành quy định về quản lý hoạt động giết mổ, vận chuyển, chế biến, buôn bán gia súc, gia cầm trên địa bàn Thành phố Hà Nội, được sửa đổi, bổ sung theo Quyết định số 61/2009/QĐ-UBND ngày 17/04/2009 của UBND Thành phố Hà Nại.
3. Pháp luật về doanh nghiệp:
- Luật Doanh nghiệp số 60/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005, được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 38/2009/QH12 ngày 19 tháng 6 năm 2009 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản;
- Nghị định số 102/2010/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2010 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp; Nghị định số 53/2007/NĐ-CP ngày 4 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 62/2010/NĐ-CP ngày 4 tháng 6 năm 2010
- Quyết định số 29/2012/QĐ-UBND ngày 30 tháng 10 năm 2012 của UBND Thành phố Hà Nội ban hành quy chế quản lý doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và hộ kinh doanh trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
4. Pháp luật về thương mại:
- Luật Thương mại số 36/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005;
- Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12 tháng 6 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện;
- Nghị định số 06/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại;
- Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ, được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 11/2009/NĐ CP ngày 23 tháng 12 năm 2009;
- Thông tư số 15/2008/TT-BCT ngày 02 tháng 12 năm 2008 của Bộ Công thương hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 06/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại;
- Quyết định số 12/2012/QĐ-UBND ngày 30 tháng 5 năm 2012 của UBND Thành phố Hà Nội ban hành quy định phát triển và quản lý chợ trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
II. THỰC TRẠNG VIỆC VẬN CHUYỂN, KINH DOANH GIA CẦM VÀ SẢN PHẨM GIA CẦM CÓ NGUỒN GỐC TRONG NƯỚC
Theo Quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ và chế biến gia súc, gia cầm trên địa bàn Thành phố Hà Nội đến năm 2020, số liệu điều tra đến thời điểm năm 2012, Thành phố Hà Nội có số dân hơn 8 triệu người (bao gồm khoảng 6,5 triệu người thường trú, khoảng 2 triệu người tạm trú và khách du lịch, vãng lai), hàng năm tiêu thụ gần 200 nghìn tấn thịt gia súc, gia cầm (bình quân 564 tấn/ngày, trong đó: thịt trâu bò: 60 tấn/ngày, thịt lợn: 384 tấn/ngày, thịt gia cầm: 120 tấn/ngày). Để đáp ứng được nhu cầu về thịt gia cầm nêu trên, các cơ sở giết mổ công nghiệp tập trung đảm nhiệm được 4,9%, các cơ sở giết mổ thủ công tập trung đảm nhiệm được 4,3%, các hộ giết mổ gia cầm nhỏ lẻ trên địa bàn đảm nhiệm 43,2%, còn lại là thịt gia cầm từ các địa phương khác chuyển về và nhập khẩu đảm nhiệm 47,6% nhu cầu. So với các tỉnh lân cận, Thành phố Hà Nội là thị trường lớn về tiêu thụ gia cầm mổ sẵn.
Trong năm 2009-2010, Thành phố thí điểm hỗ trợ cấp phát miễn phí 300 thùng vận chuyển thịt gia súc, gia cầm đảm bảo tiêu chuẩn, phát cho các hộ giết mổ trên địa bàn, nhưng việc sử dụng chưa thường xuyên. Việc vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm bằng các phương tiện như xe máy, ô tô, chưa phải bằng phương tiện chuyên dụng.
Tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại: Công tác tổ chức, sắp xếp các khu vực riêng cho hoạt động kinh doanh, buôn bán gia cầm đã được quan tâm và thực hiện. Các hộ kinh doanh đã có sự chuẩn bị về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động buôn bán thực phẩm đã qua sơ chế hoặc thực phẩm tươi sống. Tuy nhiên vẫn còn mang tính hình thức ở các chợ dân sinh, cụ thể là kết quả của những đạt kiểm tra về VSATTP đều không đạt, một số Ban Quản lý chợ chưa thực sự quan tâm vấn đề này. Mặt khác, đối với các chợ cóc, chợ tạm, việc bố trí khu vực riêng phục vụ cho buôn bán, kinh doanh sản phẩm thịt gia cầm tươi sống chưa thực hiện được.
III. THỰC TRẠNG VIỆC VẬN CHUYỂN, KINH DOANH GIA CẦM VÀ SẢN PHẨM GIA CẦM NHẬP LẬU
1. Tình hình vi phạm
Trong những tháng đầu năm 2012, việc nhập lậu gia cầm (gà thải loại không rõ nguồn gốc) đã có những diễn biến phức tạp, chỉ tính riêng chợ Hà Vĩ trên địa bàn huyện Thường Tín, Hà Nội, hàng ngày có khoảng 60 - 80 tấn
gà/ngày (trong đó, gà nhập lậu từ 14-24 tấn/ngày) được đưa về tiêu thụ. Nhưng từ đầu tháng 8 đến nay, do được kiểm soát chặt chẽ, các lực lượng chức năng đánh giá lượng gà nhập lậu về chợ này đã giảm hẳn, khoảng 2-3 tấn/ngày.
Theo báo cáo của UBND huyện Thường Tín, chợ đầu mối gia cầm Hà Vĩ có 162 ki ốt kinh doanh, bao gồm: 81 hộ kinh doanh thủy cầm, 65 hộ kinh doanh gia cầm, 16 hộ tạm nghỉ kinh doanh. Trong đó, thường xuyên có 16/65 hộ kinh doanh gia cầm là đầu nậu nhưng chưa đưa vào diện đối tượng để đấu tranh xử lý. Hiện tại có 50 hộ kinh doanh có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; việc thu thuế của các hộ kinh doanh rất khó khăn, hầu hết các hộ kinh doanh không thực hiện nghĩa vụ thuế, mặc dù mức thu thuế thấp (100.000 đồng/ tháng).
Theo điều tra, nắm tình hình của các lực lượng chức năng, hiện tại có khoảng 11 đường dây có tổ chức vận chuyển gia cầm nhập lậu từ các tuyến biên giới phía Bắc đưa vào địa bàn Hà Nội tiêu thụ (Quảng Ninh: 03 đường dây; Bác Ninh: 02 đường dây; Hải Dương: 01 đường dây; Thái Bình: 01 đường dây; Hà Nội: 01 đường dây; Bắc Giang: 02 đường dây; Lào Cai: 01 đường dây).
Ngoài gà thải loại không rõ nguồn gốc, hiện nay các đối tượng còn nhập lậu gà giống và trứng sắp nở không rõ nguồn gốc cũng diễn biến phức tạp. Hiện nay các giống gia cầm này đang được tiêu thụ tại các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn thành phố Hà Nội, đặc biệt là huyện Phú Xuyên (nơi cung cấp giống gia cầm lớn nhất Thành phố), rồi đưa về các Trung tâm chăn nuôi phía Bắc. Mặc dù đã được các ngành chức năng kiểm tra quyết liệt nhưng vẫn còn khoảng 40% số lượng giống gia cầm nhập lậu chưa kiểm soát được. Tình trạng này gây nguy cơ mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến giá gà trong nước và người chăn nuôi bị thua lỗ.
Trong thời gian gần đây, khi lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra tuyến vận chuyển từ Lạng Sơn và Quảng Ninh vào địa bàn Hà Nội tiêu thụ, các đối tượng đã tổ chức giết mổ gia cầm không rõ nguồn gốc tại tỉnh Quảng Ninh, sau đó vận chuyển đưa sản phẩm gia cầm vào địa bàn Hà Nội tiêu thụ.
2. Phương thức thủ đoạn
Các đối tượng vận chuyển đã hình thành các đường dây có tổ chức, chuyên chở chủ yếu vào ban đêm và rạng sáng; thường xuyên theo dõi hoạt động của lực lượng chức năng, thay đổi thời gian, địa điểm tập kết hàng vi phạm; sử dụng nhiều biển số giả trên một cung đường, tìm cách thay đổi lịch trình, ém hàng nếu thấy động, thậm chí huy động lực lượng, phương tiện chèn, ép khi bị kiểm tra, huy động hàng trăm người hỗ trợ tẩu tán hàng, trong khi lực lượng chức năng mỏng, trang thiết bị phục vụ kiểm tra, kiểm soát còn hạn chế, do đó khó có thể ngăn được việc tẩu tán hàng hóa.
Khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát gắt gao, các đối tượng tập kết xe tải tại địa bàn giáp ranh Hà Nội, sau đó chia lẻ ra thuê các phương tiện nhỏ như xe máy... lợi dụng kẽ hở của pháp luật (vận chuyển với số lượng dưới 50 con không cần phải có giấy chứng kiểm dịch động vật) để vận chuyển vào chợ Hà Vĩ tiêu thụ.
Ngoài ra, các đối tượng còn nhập lậu gà giống và trứng giống ở giai đoạn sắp nở không rõ nguồn gốc xuất xứ (chủ yếu là gà, vịt một tuần tuổi) sau đó được hợp thức hóa bằng cách nuôi một thời gian tại các trang trại và mang ra tiêu thụ tại thị trường nội địa.
3. Đối tượng, tuyến, địa bàn vận chuyển, kinh doanh gia cầm không rõ nguồn gốc
3.1. Đối tượng
- Các đối tượng kinh doanh, vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc vào địa bàn Hà Nội.
- Các hộ kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc tại chợ Hà Vĩ và các chợ đầu mối khác trên địa bàn Hà Nội.
3.2. Tuyến, địa bàn
a) Tuyến buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc
Gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc chủ yếu vận chuyển về chợ Hà Vĩ và các chợ đầu mối khác trên địa bàn Hà Nội theo các tuyến:
- Tuyến Móng Cái, Quảng Ninh theo đường QL 18 về đường QL 5 đến Phố Nối theo đường 38, đường 39 về địa bàn huyện Khoái Châu, sau đó có thể đi về Hà Nội theo đường cầu Thanh Trì hoặc theo đường đê hữu sông Hồng qua phà Tứ Dân - Khoái Châu (Hưng Yên) sang chợ Hà Vỹ, Thường Tín, Hà Nội; Từ Móng Cái, Quảng Ninh theo đường QL 18 sang Bắc Ninh, Bắc Giang hoặc rẽ qua Thái Nguyên về Đông Anh, vào nội thành Hà Nội.
- Tuyến Lạng Sơn về Bắc Giang, Bắc Ninh hoặc qua Vĩnh Phúc, Phú Thọ tiêu thụ hoặc vào Hà Nội. Hoặc qua Bắc Ninh, Đông Anh, cầu Thăng Long vào nội thành.
- Tuyến Hà Nam, Hưng Yên về Hà Nội.
- Tuyến Lào Cai, Hòa Bình, Vĩnh Phúc về Hà Nội.
Ngoài các tuyến chính nói trên, gia cầm nhập lậu còn đưa qua Hải Phòng tập kết về Thái Bình và đưa về Hà Nội tiêu thụ.
Gần đây có hiện tượng các đối tượng ở Hải Dương, Bắc Ninh tổ chức vận chuyển gia cầm, con giống từ Cao Bằng vào sâu trong nội địa khi các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra tuyến vận chuyển từ Lạng Sơn và Quảng Ninh.
b) Địa bàn tiêu thụ
- Các chợ đầu mối gia cầm tại các quận, huyện, thị xã của Thành phố, trọng điểm là chợ Hà Vĩ, huyện Thường Tín, tập trung vào các đường, ngõ đi vào chợ Hà Vĩ để tiêu thụ.
- Các cơ sở giết mổ gia cầm tập trung trên địa bàn Thành phố.
1. Kết quả công tác quản lý việc vận chuyển, kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm trong thời gian qua
a) Công tác tổ chức chỉ đạo:
Trong năm 2012, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã thường xuyên chỉ đạo các lực lượng chức năng, Ủy ban nhân dân các Quận, Huyện, Thị xã xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát và xử lý các hành vi buôn bán, vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, không đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn Hà Nội.
Ban chỉ đạo 127 và Ban chỉ đạo VSATTP Thành phố đã chỉ đạo các ngành thành viên BCĐ Thành phố và các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm túc Công điện số 1108/CĐ-TTg ngày 31/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ; Công điện số 1126/CĐ-TTg ngày 03/8/2012; Công điện số 885/CĐ-QLTT ngày 01/8/2012 của Cục Quản lý thị trường về việc kiểm tra gia súc, gia cầm nhập lậu.
Các ngành thành viên BCĐ Thành phố và các Quận, Huyện, Thị xã đã chủ động chỉ đạo tăng cường trong công tác kiểm tra, kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển, kinh doanh gia cầm sống và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Trong ban hành văn bản chỉ đạo, Thành ủy đã ban hành 01 Thông tri về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm; UBND Thành phố, Ban chỉ đạo 127/TP ban hành: 6 văn bản, bao gồm: 01 công điện, 02 kế hoạch, 03 công văn chỉ đạo.
Các ngành thành viên BCĐ 127/TP:
- Sở Y tế ban hành 01 công văn.
- Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành: 02 Kế hoạch.
- Sở Công Thương (Chi cục quản lý thị trường) 04 công văn, 01 Kế hoạch.
- Công an Thành phố (Phòng Cảnh sát môi trường PC49): 01 chuyên đề.
- Ban chỉ đạo 127 Quận, Huyện, Thị xã: 29/29 Ban chỉ đạo 127 Quận, Huyện, Thị xã trên địa bàn Thành phố triển khai công tác kiểm tra đảm bảo ATTP phục vụ những ngày lễ lớn.
b) Kết quả kiểm tra, xử lý:
Trong 9 tháng đầu năm 2012, Ban chỉ đạo 127/TP chỉ đạo các ngành thành viên BCĐ 127/TP, BCĐ 127 các Quận, Huyện, Thị xã chủ động phối hợp với các cơ quan Thú y, Y tế và các Ban quản lý chợ tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động vận chuyển, kinh doanh, giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn, đặc biệt gia cầm nhập lậu, sản phẩm gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc xuất không qua kiểm dịch vào Hà Nội; phát hiện, ngăn chặn và xử lý các loại sản gia súc, gia cầm chưa qua kiểm dịch theo quy định của pháp luật.
Duy trì tốt công tác kiểm dịch tại 11 chốt kiểm dịch động vật; kiểm tra, xử lý các vi phạm vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm không qua kiểm dịch Thú y ra vào Thành phố.
Kết quả của BCĐ: Trong 9 tháng BCĐ 127/TP kiểm tra, xử lý: 1.731 vụ vi phạm về chất lượng hàng hóa và VSATTP; Phạt hành chính 6.315.244 đồng; Tịch thu tiêu hủy hàng hóa trị giá: 6.096.191.000 đồng, trong đó riêng kiểm tra buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm có trị giá tịch thu: 3.193.360.000 đồng; Phạt hành chính trên 300.000.000 đồng; tịch thu tiêu hủy 66.285 kg gà lông nhập lậu, trên 82.039 kg sản phẩm gia súc, gia cầm nhập lậu không qua kiểm dịch, 86.740 quả trứng chưa qua kiểm dịch, 38.326 kg thực phẩm đông lạnh.
Kết quả thú y: Thực hiện giám sát công tác kiểm dịch động vật nhập từ các tỉnh về cơ sở chăn nuôi, giết mổ: Gia cầm: 4.969.238 con (trong đó gia cầm giống: 1.302.018 con, gia cầm thương phẩm: 3.667.220 con; Trứng gia cầm: 13.232.798 quả (trong đó trứng ấp nở: 2.371.546 quả, trứng thương phẩm: 10.861.252 quả). Duy trì kiểm tra VSTY thực phẩm tại chợ bán sản phẩm gia súc - gia cầm với kết quả như sau: Thịt gia cầm: 6.816,6 tấn; Trứng gia cầm: 9.938.483 quả. Số trường hợp vi phạm xử lý là 207 trường hợp, trong đó: hủy 170 trường hợp với số động vật, sản phẩm động vật tịch thu tiêu hủy là 17.256 con gia cầm, 64.682 quả trứng. Phạt tiền 20 trường hợp với tổng số tiền phạt là 43.700.000 đồng. Cảnh cáo nhắc nhở 17 trường hợp.
2. Tồn tại, hạn chế
- Việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng (Công an, Quản lý thị trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chưa được chặt chẽ, do vậy thiếu các thông tin cảnh báo, dẫn đến việc kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính bị động, chưa kịp thời. Về phân công và phối hợp, tuy chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền, địa bàn hoạt động của từng lực lượng đã được quy định cụ thể, tuy vậy, có lúc có nơi, nội dung phối hợp chưa cụ thể, chưa tạo mối liên kết để hình thành hệ thống kiểm soát theo tuyến (từ cửa khẩu biên giới vào thị trường nội địa hoặc trên tuyến biển với thị trường nội địa...), phối hợp giữa các lực lượng trên cùng một địa bàn và trong thực tiễn công tác đã bộc lộ một số vấn đề bất cập như: chưa có sự chia sẻ thông tin để đưa ra các dự báo, còn bị động với tình hình; hoạt động thiếu phối hợp hoặc có sự phối hợp nhưng có lúc còn khó khăn, thủ tục còn rườm rà... dẫn tới hiệu quả đấu tranh chưa cao.
- Tình trạng kinh doanh gia cầm không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch tại chợ Hà Vĩ, huyện Thường Tín đã được các đơn vị chức năng tập trung kiểm tra, xử lý trong thời gian vừa qua, tuy đã được tăng cường nhưng vẫn chỉ dừng lại ở mức xử lý hành chính, biện pháp xử phạt bổ sung tạm giữ phương tiện vận chuyển ít được áp dụng.
- Hoạt động buôn bán, kinh doanh gia cầm mổ sẵn tại các chợ dân sinh trên địa bàn không đảm bảo các quy định của pháp luật về thú y, an toàn thực phẩm còn diễn ra phổ biến.
- Hoạt động vận chuyển gia cầm sống không bằng phương tiện chuyên dụng, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch có chiều hướng tăng lên.
- Công tác tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh đối với gia cầm trên các phương tiện thông tin đại chúng chưa được thường xuyên tại các xã, phường, các Ban quản lý chợ dẫn đến nhận thức của các hộ kinh doanh cũng như người tiêu dùng về vệ sinh an toàn thực phẩm, dịch bệnh còn hạn chế. Các cơ sở giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm không tập trung, gây khó khăn trong công tác quản lý, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thú y.
3. Nguyên nhân
a) Nguyên nhân khách quan
Nguyên nhân chính của tình trạng ồ ạt nhập gà, bất chấp chất lượng kém, nguy cơ mang mầm bệnh cao... là do chênh lệch giá giữa gà nhập và gà trong nước, số lượng thu mua ổn định hơn việc thu mua ở các trang trại nhỏ lẻ trong nước. Cụ thể, giá gà thải loại không rõ nguồn gốc bán ra với giá từ 15.000 đồng/kg, về đến Móng Cái (Quảng Ninh) có giá khoảng 30.000 - 35.000 đồng/kg, khi về đến các chợ giá lên đến 65.000 - 70.000 đồng/kg. Vào những đạt loại thải tập trung của trại chăn nuôi nước xuất thì giá gà còn rẻ hơn rất nhiều, có thời điểm nhập chỉ có 25.000 đồng/kg tại Móng Cái nên càng thu hút các đầu nậu tham gia nhập lậu.
- Những đối tượng vận chuyển gà loại, thải không rõ nguồn gốc được tổ chức thành đường dây, từ đầu biên giới, và thường vận chuyển vào thời điểm ban đêm, chập tối, sáng sớm và thường xuyên bố trí người theo dõi lực lượng kiểm tra, do vậy rất khó khăn cho công tác kiểm tra, bắt giữ nên hiệu quả công tác đấu tranh còn hạn chế.
- Tại Bến phà Tứ Dân - Khoái Châu (Hưng Yên), An Cảnh - Thường Tín vào chợ đầu mối Hà Vĩ, các đầu nậu đã lôi kéo người dân có hoàn cảnh kinh tế khó khăn tại xã Tứ Dân, Khoái Châu, Hưng Yên và xã Lê Lợi, Thường Tín, Hà Nội tham gia tiếp tay, vận chuyển gia cầm không rõ nguồn gốc.
- Một bộ phận người dân vẫn còn dễ dãi trong tiêu dùng thực phẩm, chấp nhận mua gà không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ với giá rẻ; cá biệt một bộ phận người dân có thói quen ăn uống thích sự dai, giòn của thịt gà thải, loại, không thấy được mối nguy hại của tồn dư kháng sinh, những chất kích thích để tăng trưởng, tạo màu của trứng... Mặt khác, đứng trước các hiện tượng thực phẩm nhập lậu kém chất lượng, người tiêu dùng chưa có thói quen đấu tranh hay phản ứng quyết liệt. Đây là một trong những nguyên nhân khiến thực phẩm nhập lậu kém chất lượng nói chung và gà không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nói riêng có lý do để tồn tại và phát triển.
- Trình độ nhận thức của các tiểu thương đang tham gia buôn bán, kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc còn thấp, sẵn sàng sử dụng mọi thủ đoạn, hành vi làm trái quy định của pháp luật để kiếm lời bất hợp pháp.
- Quy mô, trình độ kinh doanh của người tham gia vận chuyển, kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm còn nhỏ lẻ, manh mún.
b) Nguyên nhân chủ quan
- Kinh phí và trang bị của các lực lượng thực thi công vụ còn thiếu, không đảm bảo hoạt động. Các trang thiết bị hỗ trợ, thuốc khử trùng cho việc phòng chống độc hại khi bắt giữ gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch thú y chưa được cấp phát mà chủ yếu do các đơn vị cơ sở tự trang bị, mua sắm, nên gây tâm lý e ngại cho cán bộ trực tiếp bắt giữ, xử lý.
- Công tác phối hợp giữa các lực lượng còn nhiều hạn chế, sự phân tán, chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động của các cơ quan chức năng, gây khó khăn trong công tác kiểm tra, kiểm soát.
- Chế tài xử lý đối với gia cầm, các sản phẩm từ gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc còn thiếu, chưa đủ tính nghiêm minh với đối tượng vi phạm.
- Việc đấu tranh chứng minh gia cầm nhập lậu trong nhiều trường hợp rất khó khăn do đây là hàng hóa không có nhãn và thiếu thông tin để phân biệt gia cầm trong nước và gia cầm nhập khẩu. Đây cũng là kẽ hở để các đối tượng lợi dụng nhằm hợp thức hóa gia cầm nhập lậu bằng biện pháp nhập lậu rồi chăn thả trong nội địa trong một thời gian ngắn để biến tướng thành gia cầm nội địa.
- Chính phủ (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chưa có công bố chính thức về chất lượng gà thải, loại nhập lậu, không rõ nguồn gốc, làm cơ sở khuyến cáo người dân và hộ kinh doanh.
1. Quản lý nguồn gốc, xuất xứ gia cầm và sản phẩm gia cầm
a) Phát triển ngành chăn nuôi, phục vụ tiêu dùng của Thành phố Hà Nội
Xây dựng cơ chế phát triển trang trại chăn nuôi tập trung ở những huyện ngoại thành có lợi thế về nông nghiệp.
UBND Thành phố Hà Nội làm việc với UBND tỉnh Bắc Giang và một số tỉnh lân cận có tiềm năng chăn nuôi để tạo nguồn và tăng cung ứng gia cầm (gà) và sản phẩm được kiểm soát bệnh dịch cho chợ Hà Vĩ, chợ đầu mối và các chợ khác, đáp ứng ổn định nhu cầu thị trường Hà Nội, không để biến động giá cả.
b) Tăng cường liên kết vùng, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ
UBND Thành phố Hà Nội và UBND các tỉnh biên giới, các địa phương giáp với tỉnh biên giới xây dựng quy chế phối hợp kiểm soát việc vận chuyển, kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm từ biên giới đến nội thành Hà Nội; trọng tâm là triệt để ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, nhập lậu, chưa qua kiểm dịch, không bảo đảm an toàn thực phẩm ngay từ tuyến biên giới.
c) Triển khai quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi, theo quy định của Luật An toàn thực phẩm
Các cơ quan Nhà nước của Thành phố tiếp tục đấy mạnh, nhân rộng mô hình quản lý gà, trứng gà theo chuỗi an toàn thực phẩm. Đánh giá kết quả 02 mô hình quản lý gà, 02 mô hình quản lý trứng gà hiện nay trên địa bàn để tháo gỡ khó khăn, khuyến khích phát triển.
2. Quản lý việc vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm
a) Tăng cường pháp chế trong quản lý việc vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm
Phương tiện vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm phải tuân thủ theo quy định của Pháp lệnh Thú y, Luật An toàn thực phẩm và các quy định của pháp luật khác có liên quan.
Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ kiên quyết đấu tranh với các trường hợp vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm không đảm bảo các quy định của pháp luật.
b) Tổ chức mô hình
Thành lập Đội cơ động liên ngành Thành phố do lực lượng Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với phòng Cảnh sát môi trường, phòng An ninh kinh tế, phòng Cảnh sát kinh tế, phòng Cảnh sát giao thông, Thanh tra Giao thông - Vận tải, Thú y, Y tế.
Đội cơ động liên ngành của Thành phố có trách nhiệm tuần tra, kiểm tra lưu động, kiểm soát việc vận chuyển, kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm trên toàn địa bàn Thành phố Hà Nội; kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật; đề xuất thanh tra công vụ đối với những cán bộ, công chức không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao.
Các cơ quan, tổ chức, đơn vị là thành phần trong Đội cơ động liên ngành Thành phố, có trách nhiệm chủ động bố trí nhân lực, phương tiện; riêng kinh phí hoạt động sẽ do lực lượng Quản lý thị trường chủ trì xây dựng trình Thành phố phê duyệt.
3. Quản lý việc kinh doanh, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm tại các chợ và cơ sở giết mổ tập trung
Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung công nghiệp và bán công nghiệp, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.
Nâng cấp, mở rộng chợ Hà Vĩ, xây mới Trung tâm ấp nở và kinh doanh giống gia cầm Đại Xuyên: Thành phố giao UBND huyện Thường Tín làm chủ đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng chợ Hà Vĩ, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Thành phố; giao UBND huyện Phú Xuyên làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng mới Trung tâm ấp nở và kinh doanh giống gia cầm Đại Xuyên, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Thành phố.
Thí điểm và nhân rộng mô hình Chợ an toàn thực phẩm, chợ chuyên doanh gia cầm đạt các tiêu chí theo quy định của pháp luật.
Ngăn chặn và xử lý nghiêm, triệt để việc vận chuyển, tiêu thụ gà nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, không đảm bảo an toàn thực phẩm tại chợ Hà Vĩ, chợ đầu mối và các chợ khác trên địa bàn Thành phố.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra các địa điểm kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm về việc tuân thủ quy định của pháp luật về thú y, an toàn thực phẩm.
a) Tăng cường tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức pháp luật
Giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng chương trình thông tin nhằm tuyên truyền, nâng cao ý thức của người kinh doanh, vận chuyển chấm dứt việc vận chuyển, kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Nội dung tuyên truyền nêu rõ việc kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc là vi phạm các quy định của pháp luật, sự ảnh hưởng của gia cầm không rõ nguồn gốc tới sức khỏe người tiêu dùng, ảnh hưởng tới ngành chăn nuôi của nước ta.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng tới người tiêu dùng kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm, tránh sử dụng gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
Các cơ quan, báo chí truyền thông thực hiện tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, nội dung thông tin phản ánh trung thực, khách quan, định hướng dư luận nhìn nhận tích cực vấn đề, tránh lệch lạc trong tư duy, suy nghĩ.
Giao cho UBND quận, huyện, thị xã và UBND phường, xã, thị trấn (đặc biệt là UBND huyện Thường Tín và huyện Phú Xuyên, UBND xã Lê Lợi và UBND xã Đại Xuyên) tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm và các đối tượng liên quan hiểu rõ việc vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc là trái pháp luật, có nguy cơ lây lan dịch bệnh, gây nguy hại sức khỏe, đồng thời ảnh hưởng xấu đến sản xuất trong nước.
b) Đấu tranh đối với các đối tượng vận chuyển trên tuyến
Đội cơ động liên ngành Thành phố triệt để đấu tranh với các đầu nậu, các đường dây có tổ chức vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; áp dụng các biện pháp xử lý nghiêm minh khi phát hiện vi phạm; tiến hành xử lý hoặc trình cấp có thẩm quyền ra quyết định xử lý.
Trong quá trình xử lý vi phạm, cần tạm giữ phương tiện vận chuyển trong thời gian dài, nếu tái phạm thì tùy theo mức độ vi phạm có thể tịch thu phương tiện.
Lực lượng Công an, Quản lý thị trường tăng cường điều tra, nắm tình hình, lập danh sách các đối tượng đầu nậu, các đường dây chuyên nghiệp, thống kê các phương tiện thường xuyên vận chuyển, nhất là các phương tiện đã bị phát
hiện, bắt giữ và xử lý vi phạm về kinh doanh, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Thường xuyên thông tin với các lực lượng chức năng trên địa bàn lân cận với Hà Nội (Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương,
Hưng Yên...) để đấu tranh có hiệu quả đối với các đối tượng vận chuyển gia cầm không rõ nguồn gốc đưa vào chợ Hà Vĩ, chợ đầu mối và các chợ khác trên địa bàn Hà Nội.
Xây dựng đường dây nóng tiếp nhận thông tin phục vụ kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trong đấu tranh ngăn chặn gia cầm không rõ nguồn gốc.
c) Củng cố và thành lập bổ sung chốt kiểm dịch liên ngành
Tùy tình hình thực tế và yêu cầu của mỗi giai đoạn, Thành phố giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động đề xuất việc thành lập bổ sung chốt kiểm dịch liên ngành. Trước mắt, UBND Thành phố quyết định thành lập bổ sung chốt kiểm dịch liên ngành tại bến đò An Cảnh, huyện Thường Tín, để kiểm soát việc vận chuyển, kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm từ đường thủy vào chợ Hà Vĩ và UBND huyện Thường Tín quyết định thành lập bổ sung chốt kiểm dịch liên ngành tại bến đò Tự Nhiên, huyện Thường tín, để kiểm soát việc vận chuyển, kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm từ địa bàn tỉnh Hưng Yên vào chợ Hà Vĩ.
Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành rà soát, đánh giá lại toàn bộ các chốt, trạm kiểm dịch động vật hiện nay, đề xuất biện pháp củng cố, tăng cường cần thiết đảm bảo yêu cầu công tác quản lý Nhà nước về thú y.
d) Tăng cường công tác quản lý chợ
Hộ kinh doanh tại các chợ, đặc biệt là chợ Hà Vĩ phải có đầy đủ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp.
Ban Quản lý chợ tổ chức ký cam kết với các hộ kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm thực hiện đúng quy định pháp luật, không vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
Ban quản lý chợ đề xuất với UBND cấp xã nơi có chợ gia cầm hoạt động, không tiếp tục ký hợp đồng cho thuê ki ốt đối với những hộ kinh doanh vi phạm quy định của pháp luật, còn để xảy ra tình trạng kinh doanh, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch.
đ. Tăng cường kiểm soát cơ sở giết mổ gia cầm tập trung
Lực lượng chức năng các cấp, trọng tâm là lực lượng cán bộ thú y cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, giết mổ gia cầm tại các cơ sở giết mổ gia cầm tập trung.
Kiên quyết xử lý chủ cơ sở giết mổ gia cầm tập trung thu mua, tiêu thụ, giết mổ thuê gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, không đảm bảo an toàn thực phẩm.
e. Đầu tư trang thiết bị, phương tiện và kinh phí hoạt động
Kinh phí và trang bị của các lực lượng thực thi còn thiếu, không đảm bảo hoạt động. Phương tiện chuyên dụng phục vụ cho công tác kiểm tra còn thiếu, các trang thiết bị hỗ trợ, thuốc khử trùng cho việc chống độc hại cho các lực lượng chức năng khi bắt giữ gia cầm không rõ nguồn gốc chưa được cấp phát gây tâm lý e ngại cho cán bộ trực tiếp bắt giữ, xử lý. Do vậy, phải hỗ trợ kịp thời kinh phí và phương tiện chuyên dụng, trang thiết bị cho các đơn vị tham gia kiểm tra, kiểm soát và ngăn chặn việc kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm, sản phẩm không rõ nguồn gốc.
Trong công tác tiêu hủy hàng hóa vi phạm: có cơ chế tài chính phục vụ cho công tác tiêu hủy được nhanh chóng và thuận tiện.
g. Củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. người thi hành công vụ
Cán bộ, công chức, nhân lực tham gia Đội cơ động liên ngành Thành phố, các chốt kiểm dịch được phụ cấp công vụ, chế độ công tác đặc thù, đảm bảo hoạt động với tính chất thường trực chuyên trách; được ưu tiên tham gia các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ, nghiệp vụ.
Bổ sung kịp thời biên chế cho các lực lượng chức năng trên địa bàn nếu thiếu.
Cán bộ, công chức, tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động công vụ, nếu để xảy ra sai phạm, tùy mức độ sẽ bị các hình thức kỷ luật.
Có cơ chế khen thưởng kịp thời đối với các tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, không đảm bảo an toàn thực phẩm.
h. Ban hành cơ chế hỗ trợ, chính sách đồng bộ
UBND Thành phố giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan tiến hành rà soát các cơ chế chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới nếu cần thiết nhằm phát triển ngành chăn nuôi của Hà Nội, đặc biệt là cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng công nghiệp, tăng năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm.
Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ trong đề án này, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thực hiện nghiêm túc sự phân công nhiệm vụ trong đề án và phân công cụ thể dưới đây:
1. Sở Công Thương:
a) Sở Công thương (Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 127 Thành phố) tham mưu cho Ủy ban nhân dân Thành phố xây dựng các chương trình, kế hoạch kiểm tra việc kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, không đảm bảo an toàn thực phẩm.
b) Thống nhất với Sở Tài chính xác định tổng kinh phí đề án, phương án; trước mắt dự kiến mức hỗ trợ kinh phí cho các lực lượng chức năng tham gia kiểm tra, kiểm soát từ ngày 01/11/2012 đến trước Tết Nguyên đán 2013.
c) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính xây dựng nguồn kinh phí tiêu hủy cho các lực lượng trực tiếp tham gia kiểm tra và xử lý.
d) Chi cục Quản lý thị trường:
Tham mưu cho UBND Thành phố thành lập Đội/Tổ cơ động liên ngành, về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, thành phần lực lượng, nội dung quy chế hoạt động, chế độ bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật.
Chỉ đạo các Đội QLTT kết hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường kiểm tra kiểm soát việc vận chuyển kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc tại các chợ, các nhà hàng ăn uống trên địa bàn được phân công.
Làm đầu mối tiếp nhận thông tin kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm về đấu tranh gia cầm không rõ nguồn gốc. Cử công chức tham gia các chốt kiểm dịch động vật liên ngành của Thành phố.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
Chỉ đạo cơ quan Thú y tăng cường kiểm tra tại các chợ và cơ sở giết mổ, thường xuyên cử cán bộ phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan trực tại các chốt kiểm dịch 24/24h. Phát hiện và xử lý nghiêm đối với những trường hợp sử dụng giấy chứng nhận kiểm dịch khống, giấy chứng nhận kiểm dịch giả. Kiên quyết và xử lý nghiêm đối với các cán bộ tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu gia cầm và sản phẩm gia cầm trong việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch.
Phối hợp với các cơ quan có liên quan chủ trì trong việc xử lý tiêu hủy đối với các sản phẩm gia cầm và gia cầm nhập lậu bị tịch thu, tiêu hủy.
Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài chính xây dựng nguồn kinh phí tuyên truyền và truyền thông.
3. Công an Thành phố:
Giữ vai trò nòng cốt chỉ đạo các phòng chức năng điều tra, trinh sát tổ chức kiểm tra, ngăn chặn và chủ trì phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm các đối tượng kinh doanh, vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, không đảm bảo an toàn thực phẩm tiêu thụ trên địa bàn Thành phố. Cụ thể:
Chỉ đạo Công an Quận, Huyện, Thị xã: Chủ động kết hợp cùng các lực lượng chức năng trên địa bàn thường xuyên kiểm tra, kiểm soát các điểm kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn; lập danh sách theo dõi đối với những đối tượng đã từng vi phạm về vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; sẵn sàng hỗ trợ các lực lượng chức năng trong quá trình kiểm tra gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu; cử lực lượng cán bộ, chiến sỹ cảnh sát giao thông trên địa bàn tham gia các Đội, Tổ cơ động liên ngành nếu có yêu cầu.
Phòng Cảnh sát môi trường: Chủ trì phối hợp với các lực lượng chức năng như cảnh sát giao thông, Quản lý thị trường, Thú y, Ủy ban nhân dân các quận huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, kiểm soát các đường dây, ổ nhóm vận chuyển kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, từ các tỉnh lân cận về Hà Nội, xử lý nghiêm và đưa ra truy tố trước pháp luật đối với những trường hợp sử dụng giấy chứng nhận kiểm dịch giả để hợp thức.
Phòng An ninh kinh tế: Tham gia và cử người tham gia Đội cơ động liên ngành Thành phố; phối hợp với các Cục nghiệp vụ và công an địa phương để đấu tranh với hành vi vận chuyển, kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức
vụ: Phối hợp với các phòng Cảnh sát môi trường, Quản lý thị trường... lập các chuyên án kiểm tra, kiểm soát các đối tượng cầm đầu các đường dây, ổ nhóm chuyên kinh doanh, vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; Làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm việc buôn bán, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch khống, giấy chứng nhận kiểm dịch giả.
Phòng Cảnh sát giao thông: Cử lực lượng tham gia đoàn kiểm tra liên ngành về kiểm tra, xử lý gia cầm, sản phẩm không rõ nguồn gốc và các chốt kiểm dịch các chốt kiểm dịch động vật vào Thành phố.
Trong quá trình tuần tra, kiểm soát trên các tuyến nếu phát hiện các phương tiện tham gia giao thông vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc kịp thời thông báo các lực lượng chức năng (Cảnh sát môi trường, Quản lý thị trường, Thú y...) để phối hợp kiểm tra, xử lý.
4. Sở Y tế:
Tham gia vào các đoàn kiểm tra liên ngành về kiểm tra gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, không đảm bảo an toàn thực phẩm.
5. Sở Tài chính:
Trên cơ sở dự toán của ngành, đảm bảo nguồn kinh phí trong quá trình kiểm tra, phát hiện, thu giữ và tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật nhập lậu bao gồm: chế độ chính sách đối với cán bộ trực tiếp đi làm công tác kiểm tra, kiểm soát; kinh phí giám định chất lượng hàng hóa, chi thưởng đột xuất cho tập thể và cá nhân có nhiều thành tích trong công tác này.
6. Sở Thông tin Truyền thông:
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng phương án thông tin truyền thông đến đối tượng kinh doanh, vận chuyển gia cầm, sản phẩm và người tiêu dùng không kinh doanh, vận chuyển và tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
7. Ủy ban nhân dân các Quận, Huyện, Thị xã:
- Chỉ đạo Ban chỉ đạo 127 Quận, huyện, thị xã tổ chức phối hợp các lực lượng chức năng địa phương kiểm tra, xử lý nghiêm việc kinh doanh, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc đưa vào tiêu thụ tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh, các cơ sở dịch vụ ăn uống theo phân cấp.
- Triển khai Quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ của Thành phố trên địa bàn, kiên quyết không cho các điểm giết mổ gia cầm tồn tại nếu không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc giết mổ gia cầm nhập lậu, gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ.
- Chỉ đạo các Ban quản lý chợ theo phân cấp quản lý lập cam kết không kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Nếu chợ nào để xảy ra hiện tượng kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia không rõ nguồn gốc, đề nghị Ban quản lý chợ phải làm kiểm điểm, nếu để tái phạm tùy theo mức độ kỷ luật thậm chí thay trưởng Ban quản lý chợ.
- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn thường xuyên tuyên truyền, phổ biến trên các hệ thống thông tin của địa phương về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, thông tin về vấn đề gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, thậm chí nêu tên những gia đình và hộ kinh doanh có vi phạm về kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu đã bị xử lý.
- Bố trí ngân sách của địa phương để tổ chức kiểm tra, kiểm soát và tuyên truyền, truyền thông trên địa bàn quản lý.
8. Phân công cụ thể trong công tác kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm tại chợ Hà Vĩ:
8.1. Đối với Ủy ban nhân dân huyện Thường Tín: Chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hộ kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm tại chợ Hà Vĩ và các đối tượng vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc vào chợ Hà Vĩ tiêu thụ. Thành lập 01 Tổ công tác chuyên trách và các lực lượng liên ngành của huyện để tập trung chỉ đạo.
8.2. Đối với Ủy ban nhân dân xã Lê Lợi: Thực hiện công tác rà soát, phân loại, đối chiếu thực tế để lập danh sách điều tra cơ bản các thương nhân kinh doanh gia cầm tại chợ đầu mối gia cầm Hà Vĩ và trên địa bàn xã đảm bảo chính xác, đầy đủ và khoa học; có một bộ phận thường xuyên phối hợp với Ban Quản lý chợ gia cầm Hà Vĩ để kiểm tra, kiểm soát, thông tin kịp thời về việc vận chuyển, kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm tại chợ Hà Vĩ.
9. Phân công cụ thể trong công tác kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, kinh doanh giống gia cầm tại huyện Phú Xuyên
UBND huyện Phú Xuyên chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hộ kinh doanh ấp nở, vận chuyển, kinh doanh giống gia cầm trên địa bàn huyện.
Thời gian thực hiện đề án từ tháng 11/2012 đến tháng 11/2015
STT | NỘI DUNG | THỜI GIAN THỰC HIỆN |
1 | Xây dựng Đề án, lập Dự toán chi tiết | Từ 01/11 – 05/11/2012 |
2 | Báo cáo Chính phủ, Bộ ban ngành đề án | Từ 06/11 – 08/11/2012 |
3 | Triển khai đề án | Từ 09/11 – 22/11/2012 |
4 | Tuyên truyền, ký cam kết | |
5 | Củng cố các chốt liên ngành kiểm dịch động vật | |
6 | Các lực lượng chức năng thực hiện nội dung đề án (Kiểm tra và xử lý tại chợ Hà Vĩ) | |
7 | Sơ kết đề án (03 tháng 01 lần) | 23/11/2012 |
8 | Thực hiện tiếp |
|
V. CHẾ ĐỘ THÔNG TIN, BÁO CÁO, SƠ KẾT HOẠT ĐỘNG, KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT
Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ, có liên quan thực hiện trách nhiệm báo cáo định kỳ hàng quý (chậm nhất là ngày 25 tháng cuối quý) hoặc đột xuất theo yêu cầu của UBND Thành phố và/hoặc của cơ quan thường trực đề án - Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội.
Thực hiện sơ kết, đánh giá kết quả hoạt động từng năm; trên cơ sở đó, phát huy mặt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quản lý việc vận chuyển, kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn Thành phố.
Thực hiện chế độ khen thưởng, kỷ luật theo quy định hiện hành, đảm bảo đúng người, đúng việc và kịp thời.
Kinh phí thực hiện đề án: được trích từ nguồn ngân sách Thành phố và ngân sách địa phương.
1. Chính phủ yêu cầu các Ủy ban nhân dân các Tỉnh biên giới chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường kiểm tra, xử lý các đối tượng kinh doanh vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ qua đường mòn, lối mở, cánh gà cửa khẩu và các điểm tập kết gần biên giới, chợ đầu mối.
2. Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Hưng Yên tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong vận chuyển, kinh doanh gà không rõ nguồn gốc; phối hợp với UBND Thành phố Hà Nội kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia cầm bằng phương tiện giao thông đường thủy từ Hưng Yên đến Hà Nội.
3. Chính phủ sớm thống nhất phương án xử lý đối với gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc theo phương án tiêu hủy thay vì hiện nay cho phép thí điểm bán phát mại, là cách để chủ hàng lậu hợp thức hóa lô hàng.
4. Một số văn bản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành quá lâu, không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay do đó cần thay thế, sửa đổi để tránh việc lợi dụng kẽ hở của pháp luật để vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu. Điển hình như Quyết định số 47/2005/QĐ-BNN ngày 25/7/2005 về việc quy định số lượng động vật, khối lượng sản phẩm động vật phải kiểm dịch khi ra khỏi huyện và miễn kiểm dịch (vận chuyển dưới 50 con gia cầm không phải kiểm dịch). Đây là kẽ hở để các đối tượng lợi dụng để xé lẻ gia cầm ra để vận chuyển nhằm trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm ban hành Thông tư hướng dẫn, quy định về việc vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm theo quy định của Luật An toàn thực phẩm (trong bối cảnh Thông tư số 33/2012/TT-BNNPTNT ngày 20 tháng 7 năm 2012 và Thông tư số 34/2012/TT-BNNPTNT ngày 20 tháng 7 năm 2012 đã hết hiệu lực thi hành).
Với tinh thần và quyết tâm cao nhất trong tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm và thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, UBND Thành phố đã nghiêm túc chỉ đạo, xử lý tình hình vận chuyển, kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch và không đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố.
Thực hiện đề án nói trên cùng sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, đồng thời có sự hỗ trợ của các Bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, Thành phố lân cận, thống nhất trong nội dung nhiệm vụ, đồng bộ trong giải pháp thực hiện sẽ góp phần tăng cường công tác quản lý việc vận chuyển, kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm, là cơ sở để hạn chế, đẩy lùi, tiến tới giải quyết cơ bản được tình trạng nhập lậu, buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc tại chợ Hà Vĩ, chợ đầu mối và các chợ khác trên địa bàn Thành phố Hà Nội./.
- 1Chỉ thị 10/2007/CT-UBND tăng cường công tác quản lý kinh doanh, vận chuyển giết mổ gia súc, gia cầm và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm do Thành phố Cần Thơ ban hành
- 2Công văn 5558/UBND-CT năm 2013 tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động vận chuyển, kinh doanh gia cầm nhập lậu do thành phố Hà Nội ban hành
- 3Chỉ thị 13/2005/CT-UBND về thực hiện các biện pháp quản lý chăn nuôi, vận chuyển, chế biến, kinh doanh gia cầm, chim cảnh trên địa bàn tỉnh Bến Tre
- 4Kế hoạch 697/KH-UBND năm 2013 thực hiện đề án phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép thành phố Hải Phòng
- 1Luật Thương mại 2005
- 2Quyết định 47/2005/QĐ-BNN về số lượng động vật, khối lượng sản phẩm động vật phải kiểm dịch khi vận chuyển ra khỏi huyện và miễn kiểm dịch do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 3Luật Doanh nghiệp 2005
- 4Nghị định 59/2006/NĐ-CP Hướng dẫn Luật thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện
- 5Nghị định 53/2007/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư
- 6Nghị định 02/2003/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ
- 7Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 8Pháp lệnh Thú y năm 2004
- 9Nghị định 33/2005/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh Thú y
- 10Nghị định 06/2008/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại
- 11Nghị định 119/2008/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 33/2005/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh Thú y
- 12Thông tư 15/2008/TT-BCT hướng dẫn một số điều Nghị định 06/2008/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại do Bộ Công thương ban hành
- 13Quyết định 51/2009/QĐ-UBND ban hành Quy định về quản lý hoạt động giết mổ, vận chuyển, chế biến, buôn bán gia súc, gia cầm trên địa bàn Thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
- 14Quyết định 61/2009/QĐ-UBND sửa đổi Quy định quản lý hoạt động giết mổ, vận chuyển, chế biến, buôn bán gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Hà Nội kèm theo Quyết định 51/2009/QĐ-UBND do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
- 15Nghị định 40/2009/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y
- 16Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản năm 2009
- 17Thông tư 68/2009/TT-BNNPTNT hướng dẫn thi hành Nghị định 40/2009/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 18Nghị định 114/2009/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 02/2003/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ
- 19Quyết định 17/2010/QĐ-UBND ban hành Quy định tạm thời phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về Vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
- 20Nghị định 62/2010/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 53/2007/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư
- 21Luật an toàn thực phẩm 2010
- 22Nghị định 102/2010/NĐ-CP hướng dẫn Luật doanh nghiệp
- 23Nghị định 38/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật an toàn thực phẩm
- 24Quyết định 12/2012/QĐ-UBND về Quy định phát triển và quản lý chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội
- 25Thông tư 30/2012/TT-BNNPTNT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia điều kiện vệ sinh thú y do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 26Thông tư 34/2012/TT-BNNPTNT quy định điều kiện vệ sinh, đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở thu gom, bảo quản và kinh doanh trứng gia cầm ở dạng tươi sống dùng làm thực phẩm do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 27Thông tư 33/2012/TT-BNNPTNT quy định điều kiện vệ sinh, đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh thịt và phụ phẩm ăn được của động vật ở dạng tươi sống dùng làm thực phẩm do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 28Công điện 1108/CĐ-TTg về kiểm soát, ngăn chặn tình trạng xâm nhập và lây lan nguồn dịch từ các nước qua con đường nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm do Thủ tướng Chính phủ điện
- 29Công điện 1126/CĐ-TTg tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả do Thủ tướng Chính phủ điện
- 30Quyết định 29/2012/QĐ-UBND về Quy chế quản lý doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội
- 31Nghị định 91/2012/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm
- 32Chỉ thị 10/2007/CT-UBND tăng cường công tác quản lý kinh doanh, vận chuyển giết mổ gia súc, gia cầm và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm do Thành phố Cần Thơ ban hành
- 33Công văn 5558/UBND-CT năm 2013 tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động vận chuyển, kinh doanh gia cầm nhập lậu do thành phố Hà Nội ban hành
- 34Chỉ thị 13/2005/CT-UBND về thực hiện các biện pháp quản lý chăn nuôi, vận chuyển, chế biến, kinh doanh gia cầm, chim cảnh trên địa bàn tỉnh Bến Tre
- 35Kế hoạch 697/KH-UBND năm 2013 thực hiện đề án phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép thành phố Hải Phòng
Quyết định 5421/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Đề án quản lý việc vận chuyển, kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn năm 2012-2015
- Số hiệu: 5421/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 21/11/2012
- Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
- Người ký: Nguyễn Văn Sửu
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra