Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 54/2024/QĐ-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 12 tháng 8 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUY ĐỊNH QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH DU LỊCH TÀU BIỂN QUỐC TẾ TẠI CÁC CẢNG BIỂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 23/2018/QĐ-UBND NGÀY 09/4/2018 CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Biên giới Quốc gia ngày 17 tháng 6 năm 2003;

Căn cứ Luật An ninh Quốc gia ngày 03 tháng 12 năm 2004; Căn cứ Luật Hải quan ngày 23 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2014; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam ngày 24 tháng 6 năm 2023;

Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 25 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật Du lịch ngày 19 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 64/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2015 của Chính phủ Quy định cơ chế phối hợp giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong công tác quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam;

Căn cứ Nghị định số 71/2015/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ về Quản lý hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới biển nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Căn cứ Nghị định số 58/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Bộ Luật Hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải;

Căn cứ Nghị định số 77/2017/NĐ-CP ngày 03 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ Quy định về quản lý, bảo vệ an ninh, trật tự tại cửa khẩu cảng;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế tại Tờ trình số 956/TTr-SDL ngày 16 tháng 7 năm 2024.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý hoạt động kinh doanh du lịch tàu biển quốc tế tại các cảng biển tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành kèm theo Quyết định số 23/2018/QĐ-UBND ngày 09 tháng 4 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, như sau:

1. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 3 như sau:

“1. Các cơ quan quản lý nhà nước tại cảng biển Thừa Thiên Huế có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh du lịch đường biển của doanh nghiệp lữ hành quốc tế, đại lý hàng hải đảm bảo cho tàu, thuyền viên, hành khách đến và rời cảng theo đúng lịch trình. Đối với thủ tục tàu biển nhập cảnh, xuất cảnh, chuyển cảng vào, chuyển cảng đi: Chậm nhất 01 giờ kể từ khi người làm thủ tục đã nộp, xuất trình đủ các giấy tờ theo quy định, các cơ quan quản lý nhà nước xử lý, giải quyết thủ tục theo chuyên ngành và thông báo ngay cho Cảng vụ hàng hải Thừa Thiên Huế biết kết quả để Cảng vụ hàng hải hoàn thành thủ tục tàu biển theo đúng quy định.”

2. Sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 3 như sau:

“5. Hàng năm, các doanh nghiệp lữ hành quốc tế, các đại lý hàng hải phải gửi kế hoạch, lịch tàu biển quốc tế chở khách dự kiến đến Thừa Thiên Huế trong năm sau đến Sở Du lịch, Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên Huế, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế và Ủy ban nhân dân cấp huyện có cảng biển tàu dự kiến đến và các doanh nghiệp kinh doanh cảng chậm nhất là ngày 15/10. Hàng quý, nếu có sự thay đổi kế hoạch, cần thông báo ngay cho các cơ quan này để điều chỉnh.”

3. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 4 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung điểm d như sau:

“d. Tàu biển đến vị trí dự kiến đến cảng sớm hoặc muộn hơn 02 giờ so với thời gian trong thông báo tàu đến cảng biển phải thực hiện xác báo cho Cảng vụ hàng hải biết chính xác thời gian tàu đến vị trí dự kiến theo Mẫu số 44 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 58/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ Luật Hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải.”

b) Sửa đổi, bổ sung điểm e như sau:

“e. Chậm nhất 02 giờ kể từ khi tàu đã vào neo đậu tại cầu cảng hoặc 04 giờ kể từ khi tàu đã vào neo đậu tại các vị trí khác trong vùng nước cảng theo Kế hoạch điều động, người làm thủ tục nộp, xuất trình các giấy tờ liên quan cho Cảng vụ Hàng hải, Biên phòng cửa khẩu, Hải quan cửa khẩu, Kiểm dịch y tế theo quy định.”

c) Sửa đổi, bổ sung điểm g như sau:

“g. Thực hiện thủ tục nhập cảnh (chuyển cảng đến) cho tàu, thuyền viên và hành khách.”

d) Bổ sung điểm i như sau:

“i. Cung cấp Kế hoạch phối hợp tìm kiếm cứu nạn trong tình huống khẩn cấp của tàu khách có lịch trình đến cảng biển Thừa Thiên Huế để kiểm tra, giám sát thực hiện.”

4. Bổ sung điểm d khoản 3 Điều 4 như sau:

“d. Thanh toán các khoản phí, lệ phí hàng hải trong thời hạn quy định.”

5. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 5 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung gạch đầu dòng thứ 10 điểm d như sau:

“- Đối với một số khách du lịch không đi theo chương trình du lịch của Doanh nghiệp lữ hành quốc tế được quyền khai thác khách tàu biển (khách lẻ): Doanh nghiệp lữ hành quốc tế được quyền khai thác khách tàu biển phối hợp với doanh nghiệp kinh doanh cảng biển, cùng với sự giám sát của Sở Du lịch, tổ chức điều phối hoạt động chung của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành và vận chuyển khác tham gia khai thác khách lẻ tại các cảng biển tỉnh Thừa Thiên Huế đảm bảo kịp thời, hiệu quả, đúng quy định pháp luật.

Các doanh nghiệp khai thác khách lẻ này chậm nhất 12 giờ trước khi tàu đến cảng phải nộp cho Biên phòng cửa khẩu cảng và Sở Du lịch chương trình du lịch của khách theo quy định.”

b) Bổ sung điểm đ như sau:

“đ. Phối hợp với Doanh nghiệp cảng hướng dẫn, yêu cầu nhân viên, hướng dẫn viên, phục vụ viên, lái xe, phương tiện vận chuyển khách du lịch và khách mời tham quan hoặc các đoàn công tác khác (nếu có) ra, vào cảng thực hiện nghiêm Kế hoạch an ninh cảng biển được phê duyệt của Doanh nghiệp cảng.”

6. Sửa đổi, bổ sung khoản 10 Điều 7 như sau:

“10. Phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh Thừa Thiên Huế về việc tổ chức bán hàng lưu niệm (các quầy giới thiệu và bán hàng, công khai niêm yết giá cả hàng hóa theo đúng quy định tại Khoản 15 Điều 4 Luật Giá số 16/2023/QH15) tại Cảng cho khách du lịch, thuyền viên; đảm bảo văn minh, lịch sự, mỹ quan, vệ sinh môi trường và an ninh, trật tự; cung cấp danh sách người bán hàng và danh mục hàng hóa cho Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát.”

7. Bổ sung khoản 12 Điều 7 như sau:

“12. Trên cơ sở đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp lữ hành quốc tế liên quan an ninh cảng biển, các doanh nghiệp kinh doanh cảng tiến hành rà soát, đánh giá, bổ sung nội dung vào Kế hoạch an ninh cảng biển gửi các cơ quan có liên quan đánh giá nguy cơ, thẩm định, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.”

8. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 9 như sau:

“1. Giám đốc Công an tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương phối hợp với Biên phòng tỉnh, Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên Huế, lực lượng an ninh doanh nghiệp cảng tổ chức tuần tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, bảo vệ môi trường và trật tự an toàn xã hội, bảo vệ an toàn cảng biển trước, trong và sau khi tàu khách quốc tế đến, rời cảng.”

9. Sửa đổi, bổ sung Điều 13 như sau:

“Điều 13. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng trực thuộc và Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn có điểm tham quan đưa khách đến:

- Triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho du khách; kịp thời ngăn chặn, xử lý triệt để tình trạng bán hàng rong, ăn xin, cò mồi đeo bám, chèo kéo khách tại các điểm tham quan du lịch trên địa bàn.

- Tham mưu, đề xuất các giải pháp duy tu, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường dẫn đến các điểm tham quan, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp du lịch thực hiện tốt các chương trình tham quan

- Tuyên truyền, vận động người dân không nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản lấn chiếm luồng hàng hải, khu quay trở, khu neo đậu tàu tại các khu vực cảng biển.”

10. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 14 như sau:

“2. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện việc duy tu, bảo dưỡng hệ thống các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật, các công trình dịch vụ và tiện ích công cộng được đầu tư từ ngân sách nhà nước đảm bảo thông tuyến thuận tiện, an toàn giao thông và tổ chức thực hiện công tác dọn vệ sinh sạch sẽ, đẹp dọc tuyến đường trong Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô.”

11. Sửa đổi, bổ sung Điều 15 như sau:

“Điều 15. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh, quản lý các điểm du lịch và kinh doanh các dịch vụ du lịch khác.

1. Chịu trách nhiệm đảm bảo điều kiện hoạt động của khu, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch do mình quản lý; đáp ứng điều kiện về an ninh trật tự, an toàn xã hội, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch thực hiện đầu tư xây dựng, trang bị cơ sở vật chất đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch (theo quy định tại Chương III của Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15 tháng 12 năm 2017 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) để tham gia dịch vụ phục vụ khách du lịch tàu biển.

2. Phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành chuẩn bị tốt các dịch vụ, điều kiện về vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng sản phẩm phục vụ du khách. Tăng cường lực lượng bảo vệ tại chỗ và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để đảm bảo an ninh trật tự và an toàn cho du khách. Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về kê khai giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; các quy định của Nhà nước về quản lý ngoại hối.

3. Các điểm du lịch thuộc quản lý của Sở Văn hóa và Thể thao, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế:

Chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng thực hiện bảo vệ, giữ gìn; đảm bảo an ninh trật tự tại các di tích, thắng cảnh do đơn vị quản lý. Tạo điều kiện thuận lợi để phục vụ khách tham quan, đồng thời hướng dẫn khách chấp hành nghiêm túc, đầy đủ các nội quy, quy định tại điểm tham quan.

Chịu trách nhiệm quản lý, chấp hành nghiêm túc quy định về hướng dẫn viên tại điểm; đảm bảo số lượng hướng dẫn viên tại điểm để thực hiện thuyết minh, giới thiệu, đồng thời soạn thảo và phát hành thông tin giới thiệu di tích lịch sử, văn hóa, các danh lam, thắng cảnh và nội dung thuyết minh để các doanh nghiệp du lịch làm cơ sở thuyết minh cho khách.”

12. Sửa đổi, bổ sung Điều 16 như sau:

“Điều 16. Trách nhiệm của Sở Du lịch

Là cơ quan đầu mối điều phối hoạt động giữa các cơ quan, tổ chức và các doanh nghiệp du lịch trong việc phối hợp tổ chức đón tàu biển du lịch quốc tế tại các cảng; theo dõi, giám sát tình hình phối hợp tổ chức đón khách du lịch bằng tàu biển; phối hợp với các ngành chức năng có liên quan để giải quyết, xử lý các sự cố xảy ra trong suốt thời gian tàu đến và rời khỏi cảng.

Giao Sở Du lịch chủ trì phối hợp với doanh nghiệp kinh doanh cảng biển và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế được quyền khai thác khách kịp thời cung cấp thông tin, quảng bá điểm đến, sản phẩm du lịch; có phương án tổ chức điều phối hoạt động chung của các công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành tham gia khai thác khách lẻ (khách không đi theo chương trình du lịch của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế được quyền khai thác khách) tại các cảng biển tỉnh Thừa Thiên Huế, đảm bảo kịp thời, hiệu quả; báo cáo UBND tỉnh xem xét giải quyết các vụ việc ngoài chức năng và vượt thẩm quyền của các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp.”

Điều 2. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 22 tháng 8 năm 2024.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, ban, ngành chức năng có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế; Giám đốc các doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động đón, kinh doanh phục vụ khách du lịch bằng tàu biển quốc tế tại các cảng biển Thừa Thiên Huế chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ VHTT&DL (Cục Du lịch Quốc gia VN);
- TT.Tỉnh uỷ; TT.HĐND tỉnh;
- Cục KTVBQPPL - Bộ Tư pháp;
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- BQL Khu KTCN tỉnh;
- Cty CP Cảng Chân Mây;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Công báo tỉnh;
- VP: CVP và các PCVP;
- Lưu: VT, DL.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thanh Bình

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 54/2024/QĐ-UBND sửa đổi Quy định quản lý hoạt động kinh doanh du lịch tàu biển quốc tế tại các cảng biển tỉnh Thừa Thiên Huế kèm theo Quyết định 23/2018/QĐ-UBND

  • Số hiệu: 54/2024/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 12/08/2024
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Người ký: Nguyễn Thanh Bình
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản