Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 538/QĐ-UBND | An Giang, ngày 31 tháng 3 năm 2011 |
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 119/1999/NĐ-CP ngày 18 tháng 9 năm 1999 của Chính phủ về một số chính sách và cơ chế tài chính khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động khoa học và công nghệ;
Căn cứ Thông tư Liên tịch số 2341/2000/TTLT/BKHCNMT-BTC ngày 28 tháng 11 năm 2000 của Liên Bộ: Khoa học và Công nghệ và Tài chính về hướng dẫn thực hiện Nghị định số 119/1999/NĐ-CP;
Căn cứ Quyết định 62/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc không thu hồi kinh phí do ngân sách nhà nước hỗ trợ đối với các dự án sản xuất thử nghiệm sản phẩm;
Căn cứ Thông tư số 22/2011/TTLT/BTC-BKHCN ngày 21 tháng 02 năm 2011 của Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và Công nghệ về hướng dẫn quản lý tài chính đối với các dự án sản xuất thử nghiệm được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí;
Căn cứ Quyết định số 28/2007/QĐ-UBND ngày 13 tháng 6 năm 2007 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy chế quản lý các đề tài, dự án khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh An Giang;
Căn cứ Quyết định số 47/2007/QĐ-UBND ngày 11 tháng 9 năm 2007 của UBND tỉnh An Giang về việc quy định mức chi đối với đề tài, dự án khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước;
Căn cứ Kế hoạch số 09/KH-UBND ngày 22 tháng 4 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về việc thực hiện kế hoạch hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nhiệm vụ giải pháp triển khai khoa học và công nghệ từ nay đến năm 2020;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số: 129/TTr-KHCN ngày 25 tháng 3 năm 2011,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ và chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ tỉnh An Giang giai đoạn 2011-2015.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08/4/2011.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT.CHỦ TỊCH |
HỖ TRỢ NGHIÊN CỨU ỨNG DỤNG, ĐỔI MỚI CÔNG NGHỆ VÀ CHUYỂN GIAO CÁC TIẾN BỘ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG GIAI ĐOẠN 2011-2015.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 538/QĐ-UBND ngày 31 tháng 3 năm 2011 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang)
I. Sự cần thiết của Chương trình
Các thành tựu khoa học và công nghệ (KH&CN) từ lâu đã đóng vai trò vô cùng to lớn trong lịch sử phát triển của nhân loại. Bước vào thế kỷ XXI, KH&CN hiện đại tiếp tục có tác động sâu sắc đến mọi hoạt động trong xã hội. Những thành tựu KH&CN ngày càng được áp dụng rộng rãi trong đời sống, sản xuất, góp phần đẩy nhanh sự phát triển của lực lượng sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chuyển biến mạnh mẽ cơ cấu kinh tế của cả nước nói chung và của tỉnh An Giang nói riêng.
Thời gian qua, ý thức được việc ứng dụng các thành tựu KH&CN vào cuộc sống, xem đó là một trong những chìa khóa quan trọng cho việc mở ra con đường thúc đẩy kinh tế phát triển, ngành KH&CN An Giang luôn cố gắng đưa những kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ triển khai vào thực tế sản xuất, đời sống, từng bước nâng cao giá trị đóng góp của KH&CN trong phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Với quan điểm đó, từ năm 2005, Sở KH&CN tỉnh An Giang đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các chính sách nhằm hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân ứng dụng những tiến bộ KH&CN vào sản xuất. Cụ thể trong giai đoạn 2005-2010, Sở KH&CN đã hỗ trợ được 78 mô hình/dự án với số tiền trên 7,6 tỷ đồng. Trong đó, đã hỗ trợ được khoảng 44 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ với số tiền khoảng 1,6 tỷ đồng (chiếm khoảng 18% tổng kinh phí đầu tư); đã hỗ trợ được khoảng 34 mô hình/ dự án với số tiền trên 6 tỷ đồng cho các ngành, địa phương tổ chức thực hiện các mô hình trình diễn về qui trình, kỹ thuật sản xuất mới, đã tổ chức khoảng 109 lớp tập huấn về phương pháp, kỹ thuật, quy trình mới với trên 3.270 lượt người (bao gồm: nông dân, cán bộ kỹ thuật, kỹ thuật viên xã, cán bộ UBND xã…) tham dự.
Từ các kết quả đạt được như trên đã góp phần nâng cao trình độ công nghệ, tạo sự chuyển biến về năng suất, chất lượng, hiệu quả trong hoạt động sản xuất; thúc đẩy việc tăng cường hàm lượng KH&CN trong các sản phẩm chủ lực của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm trong hội nhập quốc tế.
Do đó, để tiếp tục triển khai việc hỗ trợ ứng dụng, nhân rộng các thành tựu KH&CN vào thực tế sản xuất và đời sống; đồng thời thực hiện tốt Kế hoạch hành động số 09/KH-UBND ngày 22/4/2010 UBND tỉnh về triển khai thực hiện kế hoạch của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về nhiệm vụ giải pháp triển khai khoa học công nghệ từ nay đến năm 2020; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Chương trình Hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ và chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2011 - 2015.
1. Mục tiêu chung:
Nâng cao nhận thức và năng lực của các tổ chức, cá nhân về ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh và bảo vệ môi trường. Tạo sự chuyển biến về năng suất, chất lượng, hiệu quả trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Tăng hàm lượng khoa học công nghệ trong các sản phẩm chủ lực của tỉnh, góp phần phát triển năng lực cạnh tranh của sản phẩm trong hội nhập quốc tế. Phấn đấu hỗ trợ 100 mô hình, dự án nghiên cứu ứng dụng đổi mới, công nghệ và chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh An Giang từ nay đến năm 2015.
2. Mục tiêu cụ thể:
- Khuyến khích các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang ứng dụng, triển khai những kỹ thuật, công nghệ mới, phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế xã hội của địa phương và hạn chế tác động đến môi trường. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ) nâng cao trình độ công nghệ nhằm góp phần hợp lý hóa sản xuất, tạo sản phẩm mới, sản phẩm có chất lượng, có giá trị kinh tế cao và thân thiện với môi trường.
- Xây dựng và nhân rộng các mô hình chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn, góp phần đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy phát triển mô hình nông thôn mới tỉnh An Giang giai đoạn 2011 - 2015.
- Đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu về công nghệ sinh học, tập trung tuyển chọn, chuyển đổi, nhân rộng, sản xuất các loại giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh; đồng thời, phát triển các sản phẩm mới từ công nghệ sinh học (giống cây trồng, vật nuôi, chủng vi sinh vật, chế phẩm sinh học, các sản phẩm chế biến công nghiệp…).
- Ưu tiên ứng dụng và phát triển các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực tái chế chất thải, sản xuất năng lượng tái tạo; công nghệ tiết kiệm năng lượng nhằm góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững tại địa phương.
1. Tổ chức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và nâng cao năng lực cho các đơn vị sản xuất kinh doanh, các tổ chức khoa học công nghệ và các đơn vị có liên quan khác trên địa bàn tỉnh An Giang về những thành tựu khoa học công nghệ có thể nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao và sản xuất thử nghiệm. Hàng năm, tổ chức 03 - 05 cuộc Hội thảo chuyên đề nhằm tuyên truyền, trao đổi thông tin, cũng như xúc tiến các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ và sản xuất thử nghiệm.
2. Tổ chức thực hiện các chương trình hợp tác nhằm tìm kiếm, khảo sát, đánh giá các kỹ thuật, công nghệ mới, công nghệ tiên tiến có thể nghiên cứu lựa chọn triển khai ứng dụng và phát triển tại An Giang.
3. Tổ chức xúc tiến, hình thành và phát triển thị trường KH&CN trên địa bàn tỉnh An Giang (xây dựng các kênh thông tin về những tiến bộ khoa học công nghệ mới, chợ khoa học công nghệ, các nhà đầu tư về khoa học công nghệ…) nhằm thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ và chuyển giao công nghệ của các đơn vị sản xuất kinh doanh, các tổ chức khoa học công nghệ…
4. Tổ chức triển khai các hoạt động hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh An Giang thực hiện những mô hình, dự án nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ, các mô hình, dự án về tập huấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và sản xuất thử nghiệm có tính mới, tiên tiến, hiệu quả và có thể nhân rộng, phát triển tại địa phương.
Đối tượng, điều kiện, các lĩnh vực ưu tiên hỗ trợ, danh mục các mô hình, dự án ưu tiên xem xét hỗ trợ và kinh phí hỗ trợ được quy định tại mục IV, V và VI của Chương trình này.
IV. Đối tượng, điều kiện và các lĩnh vực được ưu tiên hỗ trợ
1. Đối tượng được hỗ trợ:
- Các cơ sở sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp, đặc biệt ưu tiên đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ;
- Các tổ chức khoa học công nghệ;
- Các đơn vị có liên quan khác (các tổ chức khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư, bảo vệ thực vật, hội nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác, các tổ chức chính trị xã hội, hội nghề nghiệp có liên quan, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực phát triển công nghệ thông tin và bảo vệ môi trường…);
2. Điều kiện được hỗ trợ:
- Đối tượng được hỗ trợ có địa chỉ hoạt động trên địa bàn tỉnh An Giang; Đối với doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh phải hoạt động đúng ngành nghề đã đăng ký kinh doanh, đã đăng ký nộp thuế.
- Việc thực hiện những mô hình, dự án nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ, các mô hình, dự án về tập huấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và sản xuất thử nghiệm phải có tính mới, tính tiên tiến, tính hiệu quả, tính bền vững so với công nghệ cũ. Đồng thời mô hình, dự án được hỗ trợ phải mang tính nhân rộng và tính khả thi khi thực hiện.
- Phù hợp với lĩnh vực ưu tiên và danh mục hỗ trợ được xem xét.
- Giải quyết được nhu cầu bức xúc, cấp thiết của địa phương.
3. Lĩnh vực được ưu tiên hỗ trợ:
Công nghệ sinh học; Nuôi trồng, bảo quản, chế biến nông lâm thủy sản, thực phẩm có chất lượng cao đạt tiêu chuẩn quốc tế và có hiệu quả kinh tế cao; Tái chế, xử lý chất thải; Sản xuất năng lượng tái tạo và bảo vệ môi trường; Công nghệ thông tin; Sản xuất thiết bị, công nghệ, vật liệu; Đổi mới công nghệ sản xuất sử dụng ít nhiên liệu, nguyên liệu, vật liệu so với công nghệ hiện có và các lĩnh vực khác có liên quan đến tính mới, tính hiệu quả và tính bền vững.
V. Danh mục các mô hình, dự án được xem xét hỗ trợ
A. Về lĩnh vực công nghệ sinh học:
Ưu tiên hỗ trợ các mô hình, dự án ứng dụng những thành tựu về công nghệ sinh học với những nội dung chủ yếu như sau:
1. Ứng dụng công nghệ gien, công nghệ tế bào, công nghệ vi nhân giống để tạo ra các loại giống cây trồng mới, có đặc tính ưu việt, giống có năng suất, chất lượng cao, sạch bệnh, phù hợp với yêu cầu của thị trường. Ứng dụng công nghệ sinh sản, áp dụng phương pháp chỉ thị phân tử, công nghệ chuyển gien trong chọn, tạo các giống vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao. Ứng dụng công nghệ sinh học trong phục tráng, bảo tồn các giống bản địa.
2. Thử nghiệm, chọn tạo và nhân rộng các loại giống cây trồng mới, có năng suất, chất lượng cao, có khả năng chống chịu sâu bệnh, có tính chống chịu cao dưới tác động của biến đổi khí hậu, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
3. Thử nghiệm và nhân rộng các mô hình nuôi gia súc, gia cầm từ một số giống mới có năng suất, chất lượng cao, sức chống chịu và kháng bệnh tốt, hoặc từ quy trình sản xuất mới, quy trình an toàn sinh học, đáp ứng các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm và đạt hiệu quả kinh tế cao.
4. Ứng dụng công nghệ sinh học trong tạo giống thủy sản có chất lượng cao, kháng bệnh tốt, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu. Chuyển giao và ứng dụng những tiến bộ KH&CN về sinh sản nhân tạo ở một số loại thủy sản có giá trị kinh tế cao, tạo giống có tốc độ tăng trưởng nhanh, chất lượng thịt ngon, khả năng kháng bệnh, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương. Ứng dụng công nghệ mẫu sinh, phụ sinh trên một số đối tượng thủy sản, chủ động tạo giống nhân tạo, phục vụ bảo tồn quỹ gien và nâng cao chất lượng giống thủy sản.
5. Thử nghiệm một số chế phẩm, hoạt chất sinh học để xử lý chất thải thủy sản và thay thế hóa chất, kháng sinh sử dụng trong sản xuất thủy sản góp phần nâng cao hiệu quả nuôi, bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh sản phẩm thủy sản. Áp dụng các phương pháp phát hiện nhanh các tác nhân nguy hiểm và tồn dư hóa chất, kháng sinh trong thực phẩm thủy sản. Ứng dụng công nghệ sinh học để chẩn đoán nhanh, phòng trị có hiệu quả một số bệnh nguy hiểm thường gặp ở các đối tượng nuôi thủy sản chủ lực của tỉnh.
6. Ứng dụng công nghệ vi sinh, công nghệ enzym và protein trong nuôi trồng, sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu, trong phòng trị bệnh thủy sản và trong sản xuất, chế biến thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, các chất phụ gia, hóa chất, nguyên liệu hóa dược, nhiên liệu sinh học, hàng tiêu dùng...
7. Ứng dụng, phát triển công nghệ và chế phẩm sinh học trong lĩnh vực bảo vệ thực vật, phân bón, cải tạo đất, chế biến và bảo quản nông sản – thực phẩm, sản xuất thức ăn chăn nuôi, làm sạch nước sinh hoạt và xử lý các phế phẩm, phụ phẩm, chất thải từ sản xuất nông - thủy sản và sinh hoạt.
8. Ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực y - dược để tạo ra các sản phẩm y - dược mới, hiệu quả chữa bệnh cao, các dịch vụ y học công nghệ cao. Nghiên cứu thử nghiệm các chất có hoạt tính sinh học từ động vật, thực vật và vi sinh vật để sản xuất các loại thuốc, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng.
9. Ứng dụng công nghệ sinh học để tạo ra các công nghệ, sản phẩm thân thiện với môi trường, sản xuất nhiên liệu sinh học (khí sinh học, xăng sinh học, diezel sinh học …).
10. Ứng dụng công nghệ sinh học để xử lý các chất thải gây ô nhiễm, phục hồi và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên, bảo vệ môi trường; lưu giữ, bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học, đất đai, nước, không khí vì mục tiêu phát triển bền vững.
B. Nuôi trồng, bảo quản và chế biến nông lâm thủy sản và thực phẩm: Tập trung hỗ trợ đối với các mô hình, dự án ứng dụng những tiến bộ khoa học công nghệ mới trong lĩnh vực nuôi trồng, bảo quản, chế biến nông thủy sản với các nội dung chủ yếu bao gồm:
1. Phát triển hệ thống sản xuất giống cây trồng mới có khả năng kháng sâu bệnh, giống có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao và các giống đặc sản, bản địa cần bảo tồn, cụ thể như: giống lúa, ngô, đậu, rau màu, nấm ăn, dược liệu, cây công nghiệp, hoa kiểng….
2. Phát triển hệ thống sản xuất giống thủy sản, giống gia súc, gia cầm nhằm đáp ứng các yêu cầu về đa dạng đối tượng nuôi, giống đạt năng suất và chất lượng cao, khắc phục hiện tượng thoái hóa giống.
3. Phát triển, đa dạng hóa quy trình và nhân rộng những mô hình ứng dụng công nghệ mới, nhân rộng các quy trình ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các kiểu mẫu về sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, giảm chi phí sản xuất, thân thiện với môi trường, đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn sinh học, phù hợp với điều kiện phát triển tại địa phương, đáp ứng yêu cầu về nguyên liệu chế biến sau thu hoạch và thị trường tiêu thụ.
4. Ứng dụng các công nghệ mới trong quá trình nuôi trồng, khai thác, thu hoạch, sơ chế và bảo quản sau thu hoạch các sản phẩm nông thủy sản chủ lực của địa phương nhằm giảm thất thoát, giảm tiêu hao nguyên vật liệu, năng lượng, nâng cao hiệu quả của quá trình sản xuất, đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.
5. Ứng dụng những công nghệ mới, những tiến bộ mới về khoa học công nghệ trong lĩnh vực chế biến các sản phẩm nông thủy sản, chế biến thực phẩm nhằm tạo ra những sản phẩm đạt chất lượng, hiệu quả kinh tế, tạo sản phẩm mới, sản phẩm đạt giá trị gia tăng cao, đáp ứng các yêu cầu thị trường, an toàn vệ sinh thực phẩm và thân thiện với môi trường.
6. Ứng dụng những tiến bộ KHCN trong trồng rừng, bảo vệ và phát triển rừng và trồng cây phân tán.
7. Phát triển quy trình thực hành sản xuất tốt theo các tiêu chuẩn tiên tiến.
8. Phát triển và nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ mới
C. Tái chế, xử lý chất thải; năng lượng tái tạo và bảo vệ môi trường
Ứng dụng và nhân rộng những tiến bộ khoa học công nghệ mới trong lĩnh vực tái chế, xử lý chất thải, sản xuất năng lượng tái tạo, ứng dụng công nghệ sử dụng hiệu quả năng lượng và công nghệ mới thân thiện với môi trường; trong đó, các mô hình, dự án được ưu tiên hỗ trợ bao gồm:
1. Tái chế chất thải sinh hoạt, thương mại – dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng… nhằm tạo ra các loại sản phẩm mới, sản phẩm có giá trị kinh tế và giảm thiểu tác động đến môi trường.
2. Ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến, hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương trong xử lý chất thải sinh hoạt, thương mại – dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản, y tế, (bao gồm chất thải nguy hại) nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường.
3. Ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, hiệu quả trong lĩnh vực sản xuất nhiên liệu, sản xuất năng lượng tái tạo.
4. Ứng dụng công nghệ sạch trong hoạt động sản xuất, triển khai các mô hình, dự án sản xuất sạch hơn và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng.
D. Công nghệ thông tin
1. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước tại các ban, ngành và huyện, thị, thành phố (quản lý tài nguyên và môi trường, quản lý đô thị, hạ tầng; quản lý điện, cấp thoát nước, quản lý y tế, giáo dục, du lịch, quản lý hành chính, quản lý văn bản đi/đến trên mạng, ứng dụng chữ ký số vào công tác quản lý, bảo mật thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đề tài, dự án khoa học công nghệ…)
2. Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh cho các Hợp tác xã, Hội nông dân, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hiệp hội doanh nghiệp và các tổ chức nghề nghiệp khác…
3. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tại các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh (kiểm soát chất lượng; kiểm soát quy trình sản xuất; kiểm soát, quản lý kho, giá thành sản phẩm).
E. Sản xuất công nghệ, thiết bị, vật liệu và các lĩnh vực khác
1. Phát triển các công cụ, thiết bị mới, cải tiến thay thế nhập khẩu, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, phục vụ trong chế biến nông thủy sản, chế biến thực phẩm, sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ và các sản phẩm tiêu dùng khác.
2. Ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, có hiệu quả kinh tế và thân thiện với môi trường trong khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất gạch ngói, đá xây dựng, than bùn… phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
3. Ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, có hiệu quả kinh tế và thân thiện với môi trường trong sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm
truyền thống, đặc trưng của An Giang, sản phẩm tiêu dùng mới có giá trị kinh tế, thay thế nhập khẩu hoặc có thể xuất khẩu.
4. Ứng dụng, đổi mới và phát triển công nghệ trong lĩnh vực sản xuất dược phẩm, lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, thủy lợi, điện tử, viễn thông và bảo vệ môi trường.
VI. Nguồn kinh phí và định mức hỗ trợ:
A. Nguồn kinh phí hỗ trợ
Nguồn kinh phí hỗ trợ thực hiện các mô hình ứng dụng, đổi mới công nghệ và các mô hình, dự án tập huấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và sản xuất thử nghiệm trong giai đoạn 2011 - 2015 được chi từ nguồn sự nghiệp khoa học công nghệ.
Hàng năm, ưu tiên bố trí khoảng 40% kinh phí từ nguồn sự nghiệp khoa học và công nghệ của tỉnh để triển khai hỗ trợ các mô hình, dự án được xét duyệt hỗ trợ trong Chương trình Hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ và chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ tỉnh An Giang giai đoạn 2011-2015.
B. Định mức hỗ trợ
1. Mức hỗ trợ thực hiện các mô hình, dự án có nội dung về ứng dụng, đổi mới công nghệ được thực hiện theo Nghị định 119/1999/NĐ-CP ngày 18/9/1999 của Chính Phủ, tối đa không quá 30% tổng kinh phí thực hiện mô hình, dự án và tổng kinh phí hỗ trợ tối đa không quá 400 triệu đồng.
2. Mức hỗ trợ thực hiện các mô hình, dự án về sản xuất thử nghiệm được thực hiện theo đúng tinh thần Quyết định số 62/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư Liên tịch số 22/2010/TTLT-BTC-BKHCN ngày 21/02/2011 của Liên Bộ: Tài chính - Khoa học và Công nghệ và tổng kinh phí hỗ trợ tối đa không quá 300 triệu đồng.
3. Mức hỗ trợ thực hiện các mô hình, dự án về chuyển giao công nghệ mới, công nghệ tiên tiến (không bao gồm đầu tư trang thiết bị công nghệ) và các mô hình, dự án tập huấn kỹ thuật, mức hỗ trợ tối đa là 100% kinh phí thực hiện mô hình, dự án và tổng kinh phí hỗ trợ tối đa không quá 250 triệu đồng.
4. Mức hỗ trợ đối với mỗi mô hình, dự án có những nội dung như đã nêu sẽ do Hội đồng Khoa học công nghệ tỉnh xem xét đề xuất trên cơ sở thuyết minh mô hình, dự án chi tiết đề nghị hỗ trợ và được phân cấp phê duyệt theo quy định. Mỗi mô hình, dự án có thể bao gồm nhiều nội dung (nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ; sản xuất thử nghiệm; tập huấn kỹ thuật và chuyển giao công nghệ).
5. Thời gian thực hiện mỗi mô hình, dự án không quá 2 năm (24 tháng) kể từ ngày được phê duyệt. Trong đó, các nội dung chi và định mức chi hỗ trợ cụ thể do Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Tài chính hướng dẫn chi tiết trên cơ sở thực hiện theo các quy định hiện hành.
C. Thành lập Hội đồng Khoa học công nghệ và phân cấp phê duyệt
1. Về việc thành lập Hội đồng Khoa học công nghệ:
- Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm tổ chức Hội đồng Khoa học công nghệ trên cở sở áp dụng các điều có liên quan của Quyết định số 28/2007/QĐ-UBND ngày 13/6/2007 và Quyết định số 47/2007/QĐ-UBND ngày 11/9/2007 của UBND tỉnh An Giang đối với Hội đồng Khoa học công nghệ.
- Hội đồng Khoa học công nghệ chịu trách nhiệm thẩm định công nghệ; xem xét, đánh giá về công nghệ, về tính mới, tính tiên tiến, tính khả thi, tính bền vững, tính nhân rộng và hiệu quả kinh tế xã hội của mô hình, dự án đề nghị hỗ trợ; đồng thời, đề xuất mức hỗ trợ cụ thể đối với từng mô hình, dự án.
Các thành viên tham gia Hội đồng phải thực hiện đánh giá một cách trung thực, khách quan và công bằng; Chịu trách nhiệm cá nhân về kết quả đánh giá của mình, trách nhiệm tập thể về kết luận chung của Hội đồng.
- Sở Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm tổ chức kiểm tra, đánh giá, tổ chức Hội đồng nghiệm thu đối với các mô hình đã được phê duyệt và triển khai thực hiện.
2. Về phân cấp phê duyệt mức hỗ trợ mô hình:
- Ủy quyền cho Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ phê duyệt với mức hỗ trợ không quá 150 triệu đồng đối với các mô hình, dự án đề nghị hỗ trợ phù hợp với đối tượng, điều kiện và các lĩnh vực được ưu tiên hỗ trợ như đã nêu ở mục IV và được Hội đồng Khoa học công nghệ xem xét, thống nhất đề xuất.
- Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt đối với các mô hình đã được Hội đồng Khoa học công nghệ đề xuất với mức hỗ trợ từ 150 triệu đồng trở lên.
1. Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Sở ngành, địa phương tuyên truyền, phổ biến, xác định nhu cầu và hướng dẫn những nội dung thực hiện có liên quan đến việc hỗ trợ các mô hình ứng dụng, đổi mới công nghệ và tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, sản xuất thử nghiệm cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trên địa bàn toàn tỉnh.
2. Các tổ chức khoa học công nghệ, cơ sở sản xuất kinh doanh, các tổ chức khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư, hội nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực phát triển công nghệ thông tin và bảo vệ môi trường… trên địa bàn tỉnh An Giang có nhu cầu hỗ trợ thực hiện ứng dụng, đổi mới công nghệ, hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và sản xuất thử nghiệm theo các mô hình, dự án nêu trên có trách nhiệm nộp hồ sơ đăng ký (bao gồm: đơn đề nghị hỗ trợ và thuyết minh thực hiện mô hình theo hướng dẫn của Sở Khoa học và Công nghệ), gởi về Sở Khoa học và Công nghệ để được thẩm định, xét duyệt hỗ trợ.
3. Sở Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm xây dựng và phê duyệt các biểu mẫu về hồ sơ đăng ký hỗ trợ, biểu mẫu phục vụ cho công tác tổ chức Hội đồng thẩm định các mô hình, dự án, Hội đồng nghiệm thu, biểu mẫu xét duyệt, quy trình hỗ trợ và các hướng dẫn khác trên cơ sở áp dụng các Điều có liên quan của Thông tư 2341/2000/TTLT/BKHCNMT-BTC ngày 28/11/2000 của Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường - Bộ Tài chính và Thông tư số 22/2010/TTLT-BTC-BKHCN ngày 21/02/2011 của Liên Bộ: Tài chính - Khoa học và Công nghệ.
4. Định kỳ hàng năm, Sở Khoa học và Công nghệ báo cáo UBND tỉnh về kết quả thực hiện Chương trình và tổ chức sơ kết (vào đầu quý II/2013) để có chấn chỉnh kịp thời và hoàn thiện có hiệu quả việc thực hiện Chương trình; tổ chức tổng kết khi kết thúc Chương trình (tháng 11/2015) để đánh giá rút kinh nghiệm và đề xuất thực hiện trong thời gian tới./.
- 1Quyết định 256/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt “Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn và miền núi tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011 - 2015"
- 2Nghị quyết 257/2008/NQ-HĐND về cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư đổi mới công nghệ, nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa ở Nghệ An
- 3Quyết định 2417/QĐ-UBND năm 2010 phê duyệt kinh phí hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ và thiết bị do tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu ban hành
- 4Quyết định 64/2006/QĐ-UBND chức năng, nhiệm vụ và phương thức hoạt động của Ban chỉ đạo chương trình xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn giai đoạn 2006 – 2010 do tỉnh Bình Dương ban hành
- 5Quyết định 492/QĐHC-CTUBND năm 2011 phê duyệt đề án ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phát triển sản xuất vùng biển, ven biển đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 do tỉnh Sóc Trăng ban hành
- 6Quyết định 522/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2011 - 2015
- 7Quyết định 10/2012/QĐ-UBND ban hành quy chế hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao công nghệ trên địa bàn tỉnh Lai Châu
- 1Nghị định 119/1999/NĐ-CP về chính sách và cơ chế tài chính khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động khoa học và công nghệ
- 2Thông tư liên tịch 2341/2000/TTLT/BKHCNMT-BTC hướng dẫn Nghị định 19/1999/NĐ-CP về một số chính sách và cơ chế tài chính khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động khoa học và công nghệ do Bộ khoa học công nghệ và môi trường-Bộ tài chính ban hành
- 3Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 4Quyết định 47/2007/QĐ-UBND quy định định mức chi đối với đề tài, dự án khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước do Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành
- 5Quyết định 62/2010/QĐ-TTg năm 2010 về không thu hồi kinh phí do ngân sách nhà nước hỗ trợ đối với các dự án sản xuất thử nghiệm sản phẩm của Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Thông tư liên tịch 22/2011/TTLT-BTC-BKHCN hướng dẫn quản lý tài chính đối với dự án sản xuất thử nghiệm được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí do Bộ Tài chính - Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành
- 7Kế hoạch 09/KH-UBND thực hiện Kế hoạch của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nhiệm vụ giải pháp triển khai khoa học và công nghệ từ nay đến năm 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành
- 8Quyết định 28/2007/QĐ-UBND về Quy chế quản lý đề tài, dự án khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh An Giang
- 9Quyết định 256/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt “Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn và miền núi tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011 - 2015"
- 10Nghị quyết 257/2008/NQ-HĐND về cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư đổi mới công nghệ, nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa ở Nghệ An
- 11Quyết định 2417/QĐ-UBND năm 2010 phê duyệt kinh phí hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ và thiết bị do tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu ban hành
- 12Quyết định 64/2006/QĐ-UBND chức năng, nhiệm vụ và phương thức hoạt động của Ban chỉ đạo chương trình xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn giai đoạn 2006 – 2010 do tỉnh Bình Dương ban hành
- 13Quyết định 492/QĐHC-CTUBND năm 2011 phê duyệt đề án ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phát triển sản xuất vùng biển, ven biển đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 do tỉnh Sóc Trăng ban hành
- 14Quyết định 522/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2011 - 2015
- 15Quyết định 10/2012/QĐ-UBND ban hành quy chế hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao công nghệ trên địa bàn tỉnh Lai Châu
Quyết định 538/QĐ-UBND năm 2011 về Chương trình hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ và chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ tỉnh An Giang giai đoạn 2011-2015
- Số hiệu: 538/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 31/03/2011
- Nơi ban hành: Tỉnh An Giang
- Người ký: Lê Minh Tùng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 08/04/2011
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra