Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐIỆN BIÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 537/QĐ-UBND

Điện Biên, ngày 26 tháng 6 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC TỈNH ĐIỆN BIÊN ĐẾN NĂM 2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14/6/2005 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 25/11/2009;

Căn cứ Luật Dạy nghề ngày 29/11/2006;

Căn cứ Quyết định số 230/2006/QĐ-TTg ngày 13/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Kinh tế - Xã hội tỉnh Điện Biên thời kỳ 2006-2020;

Căn cứ Quyết định số 1956/QĐ-TTg, ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020"

Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội XII Đảng bộ tỉnh Điện Biên đến năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 579/QĐ-TTg ngày 19/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nguồn nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020; Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020;

Căn cứ Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 23/3/2012 của Tỉnh uỷ Điện Biên về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Điện Biên đến năm 2015, định hướng đến năm 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 272/NQ-HĐND13, ngày 24/5/2012 của HĐND tỉnh Điện Biên về việc thông qua Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Điện Biên đến năm 2015, định hướng đến năm 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Điện Biên đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau đây:

1. Về quan điểm chỉ đạo

a) Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong những khâu đột phá, nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, sớm đưa Điện Biên thoát khỏi tình trạng kém phát triển, phấn đấu từng bước trở thành tỉnh phát triển trong khu vực miền núi phía Bắc.

b) Phát triển nguồn nhân lực dựa trên nhu cầu của xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển, định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Phát triển nguồn nhân lực có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng phát triển nhân tài, lấy giáo dục phổ thông, đào tạo nghề làm nền tảng; tập trung đào tạo lao động chất lượng cao, gắn với bồi dưỡng, tập huấn thường xuyên làm khâu đột phá; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức, lao động đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

c) Phát triển nguồn nhân lực nhằm hướng tới sự phát triển toàn diện về thể lực, trí lực, khả năng thích ứng, năng động, sáng tạo, kỹ năng, ý thức kỷ luật lao động; tăng cường giáo dục đạo đức, lý tưởng sống và truyền thống cách mạng, đảm bảo yêu cầu phát triển toàn diện con người.

d) Phát triển nguồn nhân lực là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc, nhằm huy động nguồn lực toàn xã hội để xây dựng, phát triển nguồn nhân lực của tỉnh có chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu trước mắt và lâu dài.

2. Mục tiêu tổng quát

a) Tập trung đào tạo, nâng cao tỷ lệ, chất lượng lao động qua đào tạo; tăng cường đào tạo nghề, chú trọng đào tạo lao động khu vực nông nghiệp, nông thôn; thu hút, sử dụng hợp lý nguồn nhân lực. Chú trọng nâng cao kỹ năng, tác phong làm việc cho người lao động. Phân bổ nhân lực đảm bảo cơ cấu hợp lý giữa các ngành, nghề, khu vực.

b) Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động, gắn với phát triển các ngành, lĩnh vực; mở rộng, đa dạng hóa ngành nghề đào tạo. Từng bước xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

c) Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức tốt, tinh thông nghiệp vụ, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

3. Các chỉ tiêu cụ thể

a) Phát triển nguồn nhân lực theo hướng đáp ứng yêu cầu về số lượng, đảm bảo chất lượng và cơ cấu hợp lý (lao động khu vực Nông, lâm nghiệp, thủy sản 67,5%; công nghiệp - xây dựng 13%; dịch vụ 19,5%).

b) Mỗi năm đào tạo nghề từ 7 - 8 ngàn lao động; tạo việc làm mới 8 - 8,5 ngàn lao động/năm. Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 30,64% năm 2010 lên 44,8% năm 2015 và 65% năm 2020.

c) Toàn tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2; duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập trung học cơ sở; tỷ lệ học sinh các cấp lên lớp đạt trên 98%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp đạt trên 90%, trên 46% số trường đạt chuẩn quốc gia.

d) Huy động trẻ từ 3 đến 5 tuổi đến lớp mẫu giáo đạt trên 80% (trong đó trẻ 5 tuổi ra lớp mẫu giáo chuẩn bị vào lớp 1 đạt trên 97%); học sinh 6-10 tuổi đến trường đạt 99%, học sinh 11-14 tuổi đi học trung học cơ sở đạt trên 90%, học sinh 15-18 tuổi đi học trung học phổ thông đạt trên 55%.

e) Đến năm 2015: Cán bộ lãnh đạo, quản lý từ trưởng, phó phòng trở lên 98% có trình độ từ đại học trở lên (trong đó 5% trở lên có trình độ trên đại học); 100% được đào tạo lý luận chính trị; 90% bồi dưỡng kiến thức về quản lý Nhà nước. Cán bộ chuyên trách cơ sở: 100% có trình độ văn hóa từ trung học cơ sở trở lên (trong đó 60% có trình độ trung học phổ thông); 85% có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên; 100% được đào tạo chuyên môn (60% trở lên có trình độ trung cấp và tương đương).

f) Phấn đấu đến năm 2020, có 100% cán bộ, công chức cấp xã có trình độ chuyên môn và lý luận từ trung cấp trở lên, trong đó trên 60% có trình độ cao đẳng, đại học; 100% viên chức đạt chuẩn về trình độ, trong đó 30% đạt trên chuẩn.

g) Nâng cao thể chất nguồn nhân lực: Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em <5 tuổi còn dưới 20% năm 2015 và dưới 15% năm 2020; tuổi thọ trung bình đạt 72 tuổi (toàn quốc 74 tuổi), đến năm 2020 tuổi thọ trung bình của tỉnh đạt 73 tuổi (toàn quốc 75 tuổi).

4. Các nhiệm vụ chủ yếu

a) Nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Các cấp ủy, tổ chức đảng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách về phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Xác định phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, có ý nghĩa quyết định đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân phát huy tính chủ động, sáng tạo, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh về phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

b) Nâng cao chất lượng, phát triển quy mô giáo dục - đào tạo một cách hợp lý, cân đối giữa các cấp học, giữa giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và định hướng nghề tạo điều kiện tiền đề cơ sở về trình độ học vấn phổ thông để phát triển đào tạo nguồn nhân lực.

- Xác định giáo dục là nền tảng của đào tạo nguồn nhân lực. Tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở; thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Phát triển giáo dục toàn diện, đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục.

- Tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục ”mũi nhọn”, coi trọng cả ba nội dung: Dạy làm người, dạy chữ và dạy nghề. Chú trọng giáo dục quốc phòng - an ninh, giáo dục đạo đức, truyền thống cách mạng, lý tưởng sống, kỹ năng và phương pháp làm việc; Tăng cường các hoạt động xã hội nhằm xây dựng nền học vấn phổ thông cơ bản, vững chắc và phát triển toàn diện.

- Xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, đạt chuẩn về trình độ, nâng cao năng lực chuyên môn, đặc biệt coi trọng phẩm chất đạo đức của người thầy. Thường xuyên đào tạo và bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên các cấp để ứng dụng những phương pháp dạy học tiên tiến theo lộ trình cải cách giáo dục chung của cả nước nhằm nâng cao toàn diện chất lượng dạy và học, đảm bảo trình độ giáo dục - đào tạo của tỉnh tiếp cận gần với trình độ chung của cả nước

c) Mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp; nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng làm việc cho người lao động.

- Tổ chức đào tạo nghề cho người lao động theo 3 cấp trình độ (sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao đẳng nghề) với cơ cấu cấp trình độ đa dạng, phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động, trình độ công nghệ của nền kinh tế tỉnh và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh và khu vực.

- Đổi mới và mở rộng ngành nghề, các lĩnh vực đào tạo, tăng cơ hội đào tạo nghề cho lao động khu vực nông thôn; mở rộng quy mô và hình thức dạy nghề với các ngành nghề phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- Đẩy mạnh việc xây dựng và đổi mới nội dung, chương trình, giáo trình dạy nghề đáp ứng tiêu chuẩn kỹ năng nghề và phù hợp với tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sản xuất, tiếp cận với trình độ trong nước và thế giới để nâng cao chất lượng đào tạo, gắn đào tạo nghề với yêu cầu sử dụng lao động của xã hội.

- Tăng cường liên kết với các cơ sở đào tạo nghề, các trước Đại học, học viện trong nước thực hiện tổ chức đào tạo theo phương thức liên thông, chính quy, không chính quy cho người lao động.

d) Giải quyết việc làm, tuyển dụng lực lượng lao động gắn với chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế và tăng năng suất lao động.

- Triển khai đồng bộ và có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia giải quyết việc làm và Chương trình xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh để tạo lập việc làm, giải quyết việc làm cho đúng đối tượng; Thực hiện tốt quy trình cho vay và hệ thống tổ chức cấp tín dụng từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm sao cho kịp thời, đúng đối tượng và bảo toàn được vốn vay;

- Chú trọng quan tâm đến công tác xuất khẩu lao động. Để mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả xuất khẩu lao động của tỉnh, cần tăng cường công tác đào tạo nghề, ngoại ngữ và những kiến thức cơ bản về phong tục tập quán... của nước nhập khẩu lao động cho những người lao động trước khi sang làm việc ở nước ngoài;

- Từng bước hình thành, xây dựng và phát triển thị trường lao động; Củng cố và xây dựng mạng lưới hướng nghiệp và dịch vụ thị trường lao động.

e) Phát triển đào tạo các nhóm nhân lực trọng điểm như: Nhân lực cho khu vực sản xuất kinh doanh (đào tạo đội ngũ lao động kỹ thuật); nhân lực khu vực Hành chính - Sự nghiệp; nhân lực cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc ít người.

f) Chú trọng cải thiện và nâng cao chất lượng dân số.

g) Thực hiện có hiệu quả các Đề án, dự án trên địa bàn.

- Đẩy nhanh đầu tư, chỉ đạo thực hiện các Đề án, quy hoạch phát triển các cơ sở đào tạo trong tỉnh đã phê duyệt.

- Xúc tiến thành lập Trung tâm dạy nghề phụ nữ vùng Tây Bắc.

- Xúc tiến nhanh các điều kiện và quy trình xây dựng Đề án thành lập trường Đại học Điện Biên trước năm 2015 (theo Nghị quyết XII Đảng bộ tỉnh) trên cơ sở sắp xếp lại hệ thống các trường chuyên nghiệp của tỉnh.

5. Các giải pháp thực hiện

a) Đổi mới quản lý Nhà nước về phát triển nhân lực của tỉnh trên các phương diện:

- Đổi mới tổ chức và phương pháp quản lý nhà nước về phát triển nhân lực nhằm nâng cao chất lượng, đồng thời mở rộng quy mô đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển, gắn đào tạo nhân lực với nhu cầu sử dụng của xã hội; Đẩy mạnh phân cấp quản lý, tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở đào tạo và sử dụng nhân lực; Cải tiến, đổi mới các hình thức tổ chức đào tạo nhân lực theo hướng tăng cường sự gắn kết và mối quan hệ trực tiếp giữa cơ sở đào tạo nhân lực với doanh nghiệp và các đơn vị, tổ chức có nhu cầu sử dụng nhân lực. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới phương pháp quản lý lao động, quản lý đào tạo nhân lực;

- Đổi mới đồng bộ các khâu tuyển dụng, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng và thực hiện chính sách đối với cán bộ; gắn đào tạo với thu hút và sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ.

- Hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý phát triển nhân lực và nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn. Tăng cường giám sát, kiểm tra để nâng cao chất lượng và gắn đào tạo với nhu cầu của xã hội. Cải tiến và tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan Đảng, quản lý nhà nước và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh (nhất là các doanh nghiệp trực thuộc Trung ương quản lý, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) về phát triển nhân lực trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật, chính sách chung của nhà nước, tổ chức đào tạo, thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù riêng của tỉnh, tổ chức và doanh nghiệp;

b) Đổi mới, nâng cao nhận thức về phát triển nhân lực: Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về phát triển nhân lực; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giáo dục, đào tạo và pháp luật về phát triển nhân lực; Tham gia phòng, chống tệ nạn xã hội HIV/AIDS và ma túy, mại dâm; Tăng cường phối hợp với các bên liên quan trong công tác tuyên truyền về phòng chống SDD, chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cho trẻ em, cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ < 5 tuổi; Tham mưu xây dựng kế hoạch thực hiện công tác Dân số - Sức khỏe sinh sản của tỉnh giai đoạn 2011 - 2015 và tầm nhìn đến 2020 và tổ chức thực hiện hiệu quả kế hoạch dân số - SKSS giai đoạn 2011-2020. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa y tế, huy động sự tham gia rộng rãi của các thành phần kinh tế - xã hội vào công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân nhằm nâng cao chất lượng dân số của tỉnh.

c) Tập trung huy động vốn cho phát triển nhân lực, trong đó ưu tiên nguồn lực cho công tác rà soát đánh giá thực trạng nguồn nhân lực của tỉnh, đồng thời đảm bảo nguồn cho nhu cầu đào tạo nhân lực theo tỷ trọng: Ngân sách NN 60% và vốn huy động 40%; Đảm bảo ngân sách chi cho giáo dục - đào tạo của tỉnh ở mức 45% - 48% trên tổng chi ngân sách thường xuyên của tỉnh. Đối với các trường Đại học - Cao đẳng công lập của tỉnh, ngân sách chi cho công tác đào tạo hàng năm ngoài nguồn thu Ngân sách NN còn có nguồn thu của người học và nguồn vốn huy động khác.

d) Thực hiện nghiêm quy định và sử dụng có hiệu quả nguồn Ngân sách Nhà nước cho phát triển nhân lực; Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao về tỉnh công tác như: điều kiện nhà ở, đất ở giao, nhiệm vụ trọng trách, phụ cấp tiền lương, tiền thưởng, hỗ trợ trả thuế thu nhập cá nhân… Chính sách ưu tiên phát triển nhân lực các dân tộc thiểu số, vùng cao và vùng sâu, vùng xa; Chính sách xã hội hóa phát triển nhân lực.

e) Mở rộng, tăng cường sự phối hợp và hợp tác giữa các đơn vị trong tỉnh, với tổ chức Trung ương, với các tỉnh bạn, đặc biệt là với Hà Nội trong phát triển nhân lực; Tăng cường quan hệ Quốc tế và liên kết đào tạo với nước ngoài: Từng bước thiết lập, tăng cường quan hệ hợp tác song phương và đa phương với các trường đại học, học viện nước ngoài trong việc liên kết đào tạo; tuyển sinh và khuyến khích học sinh du học tự túc. Tiếp tục khuyến khích cán bộ, công chức thi tuyển đào tạo trên chuẩn, du học nước ngoài bằng nguồn Ngân sách nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi để đưa học sinh đi đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ cho quá trình hội nhập và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

f) Tăng cường cơ sở vật chất, đồng bộ hóa, chuẩn hóa theo hướng hiện đại mạng lưới giáo dục để tiếp tục nâng cao trình độ học vấn và chất lượng giáo dục làm cơ sở vững chắc cho phát triển đào tạo nhân lực. Củng cố, sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp học để hệ thống giáo dục - đào tạo phát triển toàn diện.

g) Xây dựng và phát triển mạng lưới các cơ sở đào tạo nghề trong tỉnh để đào tạo công nhân kỹ thuật cho các ngành thuộc lĩnh vực có ưu thế của tỉnh; Khuyến khích phát triển đào tạo nghề trong các doanh nghiệp; Thực hiện chuẩn hóa các điều kiện về cơ sở vật chất - kỹ thuật của các cơ sở đào tạo các cấp đảm bảo chất lượng đào tạo nhân lực phù hợp với nhu cầu thực tế và hội nhập Quốc tế.

6. Phân công trách nhiệm

6.1. Sở Kế hoạch và Đầu tư (Cơ quan thường trực Đề án)

- Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo Đề án Phát triển nguồn nhân lực tỉnh Điện Biên.

- Tham mưu giúp Ban chỉ đạo đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh quản lý, điều hành và tổng hợp xây dựng báo cáo tình hình triển khai thực hiện Đề án.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, huyện, thị, thành phố cụ thể hóa, lồng ghép các mục tiêu và giải pháp thực hiện phát triển nhân lực vào kế hoạch phát triển KTXH 5 năm và hàng năm của tỉnh.

- Phối hợp với Sở Tài chính, tham mưu đề xuất kế hoạch huy động và cân đối các nguồn lực, nhất là nguồn vốn đầu tư phát triển nhân lực và vốn đầu tư xây dựng các cơ sở đào tạo, dạy nghề có sử dụng nguồn vốn ngân sách tỉnh và nguồn vốn khác đầu tư vào tỉnh trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch được duyệt;

- Làm đầu mối, tham mưu cho UBND tỉnh trong công tác xúc tiến đầu tư các nguồn vốn từ các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực phát triển nhân lực; kêu gọi đầu tư xây dựng các trường tại Điện Biên.

6.2. Sở Giáo dục và Đào tạo

Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, Ngành, đơn vị thực hiện các nội dung:

- Thực hiện Quy hoạch phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo tỉnh Điện Biên giai đoạn 2008-2015, định hướng đến năm 2020.

- Phối hợp nghiên cứu, đề xuất các chính sách, giải pháp, biện pháp có liên quan đến phát triển nguồn nhân lực của tỉnh;

- Chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị, đoàn thể: triển khai thực hiện tốt các hoạt động giáo dục - đào tạo, hướng nghiệp cho học sinh theo chương trình chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Chuẩn bị các điều kiện thành lập trường đại học Điện Biên.

- Chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan lồng ghép các mục tiêu, giải pháp của chương trình vào quy hoạch, kế hoạch phát triển giáo dục & đào tạo, quy hoạch phát triển mạng lưới các trường chuyên nghiệp; Xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án phát triển nhân lực trọng điểm, tập trung vào những giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nhằm nâng cao trình độ học vấn của nhân dân.

- Chủ trì, phối hợp với các sở ngành có liên quan đề xuất chính sách đầu tư hỗ trợ của nhà nước cho các cơ sở giáo dục, đào tạo ngoài công lập.

- Định kỳ 6 tháng, hàng năm đánh giá, tổng kết tình hình thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, đề án được phân cấp quản lý, điều hành gửi Sở Kế hoạch & Đầu tư tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

6.3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, Ngành, đơn vị thực hiện các nội dung:

- Nghiên cứu, đề xuất các chính sách, giải pháp, biện pháp có liên quan đến phát triển nguồn nhân lực của tỉnh; đề xuất chính sách đầu tư hỗ trợ của nhà nước cho các cơ sở đào tạo, dạy nghề ngoài công lập.

- Có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, kinh phí, tổ chức thực hiện dạy nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn.

- Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về thị trường lao động; xây dựng chương trình hợp tác lao động ngoài tỉnh; tìm kiếm thị trường xuất khẩu lao động.

- Chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện tốt các Chương trình Việc làm, Đề án được phân cấp quản lý điều hành;

- Định kỳ 6 tháng, hàng năm đánh giá, tổng kết tình hình thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, đề án được phân cấp quản lý, điều hành gửi Sở Kế hoạch & Đầu tư tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

6.4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, Ngành, đơn vị liên quan thực hiện các nội dung:

- Nghiên cứu, đề xuất các chính sách, giải pháp, biện pháp có liên quan đến phát triển nguồn nhân lực của tỉnh;

- Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, ứng dụng khoa học kỹ thuật cho lực lượng lao động khu vực nông thôn;

- Có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, kinh phí, tổ chức thực hiện dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn.

- Chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện tốt các Chương trình Việc làm, Đề án được phân cấp quản lý điều hành;

- Định kỳ 6 tháng, hàng năm đánh giá, tổng kết tình hình thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, đề án được phân cấp quản lý, điều hành gửi Sở Kế hoạch & Đầu tư tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

6.5. Sở Tài chính

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành cân đối đảm bảo ngân sách chi thường xuyên cho công tác giáo dục, đào tạo hàng năm của tỉnh. Hướng dẫn, giám sát việc sử dụng kinh phí theo đúng Luật ngân sách và thông tư hướng dẫn hiện hành của các Bộ, ngành. Phối hợp với các ban, ngành, đơn vị trong việc tham gia xây dựng, đề xuất các chính sách, giải pháp trong quá trình thực hiện.

- Phối hợp với Sở Kế hoạch & Đầu tư và cơ quan đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh bố trí kế hoạch vốn đầu tư xây dựng các cơ sở đào tạo, dạy nghề đáp ứng cho yêu cầu phát triển nguồn nhân lực của tỉnh theo qui hoạch, kế hoạch tỉnh duyệt.

- Định kỳ 6 tháng, hàng năm đánh giá, tổng kết tình hình thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, đề án được phân cấp quản lý, điều hành gửi Sở Kế hoạch & Đầu tư tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

6.6. Sở Nội vụ:

Chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành liên quan thực hiện các nội dung:

- Hoàn thiện cơ cấu tổ chức bên trong các cơ quan hành chính các cấp và các cơ sở đào tạo;

- Xác định nhu cầu, xây dựng Quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức hành chính và cán bộ cơ sở của tỉnh giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020. Đồng thời xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng năm; Có trách nhiệm hướng dẫn các cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai thực hiện.

- Xây dựng phương án tuyển dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức do tỉnh quản lý và đội ngũ cán bộ cơ sở. Kiểm tra việc tuyển dụng, bố trí sử dụng cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ cơ sở của cơ quan, đơn vị.

- Tổ chức triển khai các chương trình, dự án được phân cấp quản lý, điều hành.

- Tham mưu UBND tỉnh ban hành, sửa đổi bổ sung các chế độ chính sách nhằm phát triển về số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh.

- Định kỳ 6 tháng, hàng năm đánh giá, tổng kết tình hình thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, đề án được phân cấp quản lý, điều hành gửi Sở Kế hoạch & Đầu tư tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

6.7. Sở Y tế

- Thực hiện Quy hoạch phát triển ngành y tế tỉnh Điện Biên giai đoạn 2006-2010 và tầm nhìn đến năm 2020.

- Tổ chức tuyên truyền giáo dục dinh dưỡng, chăm sóc bà mẹ, trẻ em; giáo dục sức khỏe sinh sản. Thực hiện công tác theo dõi và chăm sóc sức khỏe định kỳ cho người lao động.

- Định kỳ 6 tháng, hàng năm đánh giá, tổng kết tình hình thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, đề án được phân cấp quản lý, điều hành gửi Sở Kế hoạch & Đầu tư tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

6.8. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Chủ trì xây dụng kế hoạch nâng cao thể lực người lao động; Xây dựng đề án xã hội hóa công tác thể dục thể thao.

- Phối hợp thực hiện Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Điện Biên đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 theo chức năng nhiệm vụ của ngành.

- Định kỳ, hàng năm đánh giá, tổng kết tình hình thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, đề án được phân cấp quản lý, điều hành gửi Sở Kế hoạch & Đầu tư tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

6.9. Các sở, ban, ngành và các đơn vị tổ chức liên quan khác

- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và định hướng phát triển nhân lực của đơn vị; xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch hàng năm, kế hoạch giai đoạn gắn với chỉ tiêu phát triển nguồn nhân lực của tỉnh. Tổ chức quản lý, điều hành và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực được phân cấp quản lý.

- Chủ động phối hợp với các ngành, địa phương đề xuất các giải pháp thực hiện phát triển nguồn nhân lực của tỉnh.

- Định kỳ 6 tháng, hàng năm đánh giá, tổng kết tình hình thực hiện các nhiệm

vụ, chương trình, đề án được phân cấp quản lý, điều hành gửi Sở Kế hoạch & Đầu tư tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

6.10. Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố

- Căn cứ Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Điện Biên giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020; trên cơ sở chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực của địa phương và tổ chức thực hiện lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác đầu tư trên địa bàn.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tổ chức thực hiện các chương trình, dự án liên quan đến phát triển nguồn nhân lực tại địa phương; tích cực đề xuất các chính sách, giải pháp thực hiện đề án.

- Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn khảo sát, thống kê trình độ nguồn nhân lực hàng năm, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

- Định kỳ 6 tháng, hàng năm đánh giá, tổng kết tình hình thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, đề án được phân cấp quản lý, điều hành gửi Sở Kế hoạch & Đầu tư tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

6.11. Các trường chuyên nghiệp, dạy nghề và các cơ sở dạy nghề khác

- Xây dựng kế hoạch, thực hiện công tác đào tạo và liên kết đào tạo từng giai đoạn (đến năm 2015 và đến năm 2020). Xây dựng kế hoạch mở rộng ngành nghề, quy mô đào tạo; kế hoạch đào tạo sau đại học đội ngũ giảng viên. Tham gia xây dựng

Đề án thành lập trường Đại học Điện Biên. Cung cấp thông tin về đào tạo, nhu cầu việc làm; phối hợp với các ngành, địa phương, doanh nghiệp xúc tiến việc làm cho sinh viên.

- Định kỳ 6 tháng, hàng năm đánh giá, tổng kết tình hình thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, đề án được phân cấp quản lý, điều hành gửi Sở Kế hoạch & Đầu tư tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

6.12. Các tổ chức Chính trị - Xã hội, tổ chức Xã hội và các Hội

- Tham gia thực hiện và giám sát việc thực hiện đề án ở các cấp;

- Tổ chức tuyên truyền cho hội viên, đoàn viên về các mục tiêu, chính sách và hoạt động của đề án; vận động các thành viên tham gia học, tự học nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ;

- Tổ chức thực hiện các chương trình, dự án được phân cấp quản lý, điều hành.

- Định kỳ 6 tháng, hàng năm đánh giá, tổng kết tình hình thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, đề án được phân cấp quản lý, điều hành gửi Sở Kế hoạch & Đầu tư tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

Điều 2. Căn cứ Quyết định này và Đề án chi tiết kèm theo các ngành, các cấp có trách nhiệm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án để xây dựng kế hoạch hàng năm, kế hoạch từng giai đoạn đảm bảo tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung của Đề án đã đề ra.

Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các cấp, các ngành tổ chức thực hiện Đề án; định kỳ 6 tháng, cả năm tổng hợp báo cáo Tỉnh ủy, HĐND-UBND tỉnh về kết quả triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn toàn tỉnh theo quy định.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các ngành có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CHỦ TỊCH




Mùa A Sơn

 

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐIỆN BIÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:       /ĐA-UBND

Điện Biên, ngày 26 tháng 6 năm 2012

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC TỈNH ĐIỆN BIÊN ĐẾN NĂM 2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
(Kèm theo Quyết định số: 537/QĐ-UBND, ngày 26/6/2012 của UBND tỉnh)

A. SỰ CẦN THIẾT CỦA ĐỀ ÁN

Nâng cao chất lượng Dân số và phát triển Nhân lực là một trong những trọng điểm của Chiến lược phát triển, là chính sách xã hội cơ bản, là hướng ưu tiên hàng đầu trong toàn bộ chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước ta khi chuyển sang giai đoạn phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa về kinh tế. Đảng cộng sản Việt Nam đã khẳng định: “Con người là vốn quý nhất, chăm lo hạnh phúc con người là mục tiêu phấn đấu cao nhất của chế độ ta, coi việc nâng cao dân trí, bồi dưỡng và phát huy nguồn lực to lớn của con người Việt Nam là nhân tố quyết định thắng lợi công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.

Đất nước phát triển, đòi hỏi mỗi ngành, địa phương phải quan tâm nhiều hơn đến việc đào tạo nguồn nhân lực. Trên thực tế, trong quá trình triển khai hoạt động của các cơ quan hành chính công, cơ quan quản lý điều hành kinh tế, các doanh nghiệp... trong cả nước nói chung và của tỉnh Điện Biên nói riêng luôn gặp phải những khó khăn, trở ngại nổi lên nhất là vấn đề nguồn nhân lực. Nguồn lao động hiện nay của tỉnh tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn, năng suất lao động thấp, ý thức kỷ luật và tinh thần hợp tác làm việc của người lao động chưa cao, thiếu tác phong công nghiệp. Thể lực của người lao động còn thấp, sức bền kém, chưa đáp ứng được cường độ làm việc và áp lực của xã hội công nghiệp hiện đại ngày càng có tính chuyên môn hóa cao.

Tình trạng thiếu nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hơn nữa, để đạt được mục tiêu cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, bố trí lại sản xuất của tỉnh theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ cũng đòi hỏi phải có nguồn nhân lực thích ứng. Trước tình hình đó, công tác đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực của tỉnh đang được đặt lên hàng đầu, nhằm đáp ứng mục tiêu đưa Điện Biên nhanh chóng thoát khỏi tình trạng kém phát triển, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập Quốc tế; Đồng thời nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém trong thời gian qua, nhất là việc thực hiện đào tạo của các trường chuyên nghiệp và dạy nghề của tỉnh chưa theo quy hoạch phát triển nguồn nhân lực nên xẩy ra tình trạng bất hợp lý giữa cung và cầu về ngành nghề đào tạo... Vì vậy, cần thiết phải xây dựng, triển khai Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Điện Biên đến năm 2015, định hướng đến năm 2020.

B. CĂN CỨ PHÁP LÝ

- Luật Giáo dục ngày 14/6/2005 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 25/11/2009;

- Luật Dạy nghề ngày 29/11/2006;

- Quyết định số 230/2006/QĐ-TTg ngày 13/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Kinh tế - Xã hội tỉnh Điện Biên thời kỳ 2006-2020;

- Quyết định số 1956/QĐ-TTg, ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020".

- Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội XII Đảng bộ tỉnh Điện Biên đến năm 2015;

- Quyết định số 579/QĐ-TTg ngày 19/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nguồn nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020;

- Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020;

- Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 23/3/2012 của Tỉnh uỷ Điện Biên về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Điện Biên đến năm 2015, định hướng đến năm 2020;

C. NỘI DUNG ĐỀ ÁN

Phần thứ nhất.

HIỆN TRẠNG PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC

I. HIỆN TRẠNG VỀ SỐ LƯỢNG NHÂN LỰC

1. Quy mô nhân lực (Nguồn số liệu Cục Thống kê tỉnh Điện Biên)

- Dân số trung bình toàn tỉnh năm 2005 là 438.457 người, đến năm 2010 là 504.502 người, tỷ lệ tăng dân số bình quân giai đoạn 2006-2010 là 2,85%; Trong đó: Dân số thành thị 75.659 người chiếm 15% dân số, tốc độ tăng bình quân 1,39%; dân số nông thôn 428.843 người chiếm 85% dân số, tốc độ bình quân 3,12%. Số người trong độ tuổi lao động năm 2010 là 291.602 người, chiếm 57,8% so với tổng dân số trung bình.

- Cơ cấu nhân lực theo giới tính: Tốc độ tăng của lao động nữ luôn cao hơn lao động nam từ 48,3% năm 2005 lên 50,3% năm 2010; Nam trong lực lượng lao động giảm từ 51,7% năm 2005 xuống 49,7% năm 2010. Các ngành nông nghiệp, thương mại, dịch vụ đã thu hút một lượng lớn lao động nữ (chi tiết phụ biểu số 01).

- Cơ cấu nhân lực theo nhóm tuổi: Nhân lực có cơ cấu trẻ. Trong tổng số lao động trong độ tuổi của tỉnh, tỷ trọng nhóm lao động tuổi thanh niên dưới 35 tuổi (từ 15-34 tuổi) chiếm 64,8% (năm 2010), là nguồn nhân lực dồi dào đóng góp rất lớn nhu cầu lực lượng cho các ngành kinh tế quốc dân của tỉnh. Đồng thời, đây cũng là một trong những lợi thế quan trọng của tỉnh trong quá trình công nghiệp hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển kinh tế - xã hội (chi tiết phụ biểu số 02).

- Cơ cấu theo dân tộc

Tỉnh Điện Biên hiện có 19 dân tộc sinh sống, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm 81,58%), trong đó dân tộc Thái chiếm 37,99%, dân tộc Mông chiếm 34,8%, còn lại là các dân tộc khác như Khơ Mú, Hà Nhì, Dao, Hoa, Kháng... dân tộc Kinh chiếm 18,42%. Là tỉnh có tỷ lệ dân tộc thiểu số rất cao so với trung bình cả nước (tỷ lệ dân tộc toàn quốc, theo kết quả điều tra 01/4/2009 là 14,3% so với tổng dân số toàn quốc) điều này đã góp phần tạo nên một nền văn hoá phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc cho tỉnh, nhưng đồng thời số lượng và tỷ lệ dân tộc thiểu số cao như vậy cũng có nghĩa là lực lượng lao động là người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ lớn với trình độ học vấn thấp, phong tục tập quán đa dạng, nề nếp tác phong lao động chuyên nghiệp chưa cao... cũng đặt ra cho tỉnh nhiều khó khăn trong việc phát triển, nâng cao năng lực và phát huy hiệu quả của lực lượng lao động là người dân tộc thiểu số.

2. Các nguồn cung nhân lực (chi tiết phụ biểu số 01).

Cung nhân lực (lực lượng lao động) của toàn tỉnh năm 2010 có 291.602 người, chiếm 57,8% tổng dân số. Trong đó nam chiếm 49,7% và nữ chiếm 50,3%.

Mức gia tăng lực lượng lao động trong ngành kinh tế hàng năm khoảng 5.169 người, với tỷ lệ tăng bình quân giai đoạn 2006-2010 là 2,05%/năm, thấp hơn mức gia tăng và tốc độ tăng dân số trong độ tuổi lao động (giai đoạn 2006-2010 dân số trong độ tuổi của tỉnh tăng thêm trung bình khoảng 6.942 người người, tốc độ tăng bình quân 2,57%/năm). Nhân lực của tỉnh được hình thành, tăng lên do những nguồn bổ sung chính sau:

- Khoảng 20%-25% số thanh niên bước vào tuổi lao động (15 tuổi) đi làm (tham gia thị trường lao động);

- Học sinh tốt nghiệp THPT và các trường đào tạo nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học tham gia thị trường lao động;

- Đồng thời, Điện Biên đang tập trung đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng và là tỉnh có khu di tích chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, khu du lịch và có nhiều doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn, do vậy thu hút lực lượng lao động ở ngoại tỉnh tham gia hoạt động kinh tế, dẫn đến dân số cơ học tăng và nguồn cung nhân lực cùng tăng theo. Hơn nữa hiện tại và tương lai phát triển mạnh về quy mô đào tạo của các trường đại học và cao đẳng trong nước nói chung và của tỉnh Điện Biên nói riêng, kéo theo số lượng nhân lực được đào tạo ở các tỉnh miền xuôi và miền xuôi lên miền núi học tập. Nguồn nhân lực này sẽ đến công tác tại tỉnh Điện Biên dẫn tới nguồn nhân lực tăng cơ học do nhu cầu tìm việc làm của lực lượng lao động ngoại tỉnh.

II. HIỆN TRẠNG VỀ CHẤT LƯỢNG NHÂN LỰC

1. Thể chất nguồn nhân lực

- Nhận thức rõ thể chất nhân lực là một trong những yếu tố quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực nên trong những năm qua tỉnh luôn quan tâm chú trọng; Mạng lưới y tế ngày càng phát triển, tạo điều kiện chăm sóc tốt sức khỏe cho nhân dân. Số giường bệnh quốc lập toàn tỉnh ngày một tăng, năm 2010 có 1.360 giường, đạt 27 giường bệnh quốc lập/vạn dân, tăng bình quân 7 giường bệnh quốc lập/vạn dân so với năm 2005. Y tế cơ sở được củng cố, từ năm 2005 trở về trước, tỉnh chưa có xã, phường đạt chuẩn Quốc gia về y tế, đến năm 2010 toàn tỉnh đã có 63 xã/phường đạt chuẩn (đạt 56,3%).

- Công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng thường xuyên được chú trọng. Các chỉ tiêu về CSSK được cải thiện, cụ thể như: Tỷ lệ trẻ em <5 tuổi suy dinh dưỡng đã giảm từ 30,2% năm 2005 xuống 22,97% năm 2010; Tỷ lệ mắc một số bệnh xã hội/ dân số có chiều hướng giảm dần (như tỷ lệ mắc sốt rét giảm mạnh từ 7,7%o năm 2005 còn 2,42%o năm 2010; tỷ lệ phát hiện bệnh nhân Lao mới giảm từ 0,46%o xuống còn 0,34%o...). Từ đó góp phần nâng cao thể chất nguồn nhân lực và nâng tuổi thọ trung bình từ 65 tuổi năm 2005 (tuổi thọ trung bình toàn quốc là 71 tuổi) lên 65,8 tuổi năm 2009 (tuổi thọ trung bình toàn quốc là 72 tuổi).

Tuy nhiên, hiện nay tình hình dịch HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Điện Biên có chiều hướng gia tăng, số người nhiễm HIV/AIDS chủ yếu là thanh niên trong độ tuổi lao động đã ảnh hưởng lớn đến nguồn nhân lực cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; làm tăng nghèo đói, thất nghiệp, làm suy giảm chất lượng dân số trong độ tuổi lao động của tỉnh.

2. Trình độ học vấn

- Trong những năm qua, sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực và đạt được nhiều thành tựu cả về quy mô và chất lượng. Quy mô giáo dục được quan tâm mở rộng; hệ thống trường lớp phát triển mạnh và từng bước hoàn thiện đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Tính đến năm 2010 (năm học 2010-2011) toàn tỉnh có 468 trường, tăng 160 trường so với năm 2005; tổng số học sinh các cấp học là 142.877 người, tăng 5.876 học sinh (tăng 4,3%) so với năm 2005.

Năm 2010, tỷ lệ trẻ 5 tuổi học mẫu giáo đạt 95% tăng 27,2% so với năm 2005 (13.602 cháu), huy động học sinh đúng độ tuổi đến trường 79,5% tăng 24,2% (3.459 học sinh). Duy trì và giữ vững chuẩn phổ cấp giáo dục tiểu học – chống mù chữ tại 9/9 huyện, thị xã, thành phố với 112/112 xã, phường, thị trấn. Tính đến tháng 12/2010, có 8/9 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi với 108/112 xã, phường, thị trấn đạt 96,4% (tăng 80 xã). 112/112 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở (tăng 75 xã).

- Trình độ học vấn của lực lượng lao động trong độ tuổi có xu hướng ngày càng được nâng lên: Nhóm lao động có trình độ văn hóa THCS và THPT tăng nhanh qua các năm, cụ thể như sau: Năm 2005, tỷ lệ tốt nghiệp THCS là 22,29%, tốt nghiệp THPT là 3,1% thì đến năm 2010 tăng lên 29,3% và 5,98% (chi tiết phụ biểu số 03).

- Số lao động chưa biết chữ và tốt nghiệp tiểu học giảm dần qua các năm, cụ thể: Năm 2005, số lao động chưa biết chữ chiếm 34,05%, chưa tốt nghiệp tiểu học chiếm 20,45% thì đến năm 2010 theo số liệu thống kê giảm xuống còn 23,55% số lao động chưa biết chữ, 13,25% số lao động chưa tốt nghiệp tiểu học; nhưng so với mặt bằng chung của toàn quốc và khu vực còn có sự chênh lệch tương đối lớn: Kết quả điều tra năm 2009 cho thấy trình độ học vấn của lao động tham gia trong nền kinh tế còn rất thấp, người lao động chưa được đi học chiếm tỷ lệ cao 26,6% cao hơn nhiều so với khu vực (11,6%) và toàn quốc (5,5%); tỷ lệ tốt nghiệp THCS và THPT của tỉnh chỉ chiếm 34,32% thấp hơn so với vùng (38,2%) và toàn quốc (41%). Thực trạng về trình độ học vấn trên đây đang là một thách thức lớn đối với tỉnh trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thời gian tới. (Nguồn số liệu Cục Thống kê tỉnh Điện Biên).

- Về trình độ học vấn của đội ngũ công chức, viên chức, cán bộ cơ sở của tỉnh: Tính đến 31/12/2010 đội ngũ cán bộ, công chức và viên chức trong hệ thống chính trị của tỉnh Điện Biên là 24.533 người, trong đó công chức, viên chức cấp tỉnh, cấp huyện là 20.795 người và cán bộ, công chức cấp xã 3.738 người. Tốt nghiệp THPT chiếm 93,91% trên tổng số công chức, viên chức cấp tỉnh, huyện. Số còn lại chủ yếu nằm ở các ở vị trí khác như: tạp vụ, lái xe, phục vụ mới tốt nghiệp THCS trở xuống chiếm 6,09%. Cán bộ chuyên trách tốt nghiệp THPT chỉ chiếm 19,1%, còn lại 80,9% có trình độ THCS trở xuống. Công chức cấp xã tốt nghiệp THPT chỉ chiếm 39,8%, còn lại 60,2% có trình độ học vấn THCS trở xuống. (Nguồn số liệu: Sở Nội vụ tỉnh Điện Biên).

* Đánh giá chung:

- Trình độ học vấn của lực lượng lao động trong toàn tỉnh vẫn còn thấp (chủ yếu là lao động khu vực nông thôn). Số lao động chưa biết chữ chiếm tỷ lệ tương đối cao, đây cũng là một trong những khó khăn của tỉnh trong việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho người lao động, cũng như chuyển dịch cơ cấu lao động trong các ngành kinh tế.

- Đội ngũ cán bộ, công chức hành chính cấp tỉnh, huyện cơ bản được chuẩn hóa về trình độ văn hóa. Đội ngũ cán bộ cấp xã có trình độ văn hóa tiểu học và trung học cơ sở tương đối lớn đã ảnh hưởng không nhỏ đến quy hoạch cán bộ cũng như việc đào tạo, bồi dưỡng, đào tạo lại để nâng cao chất lượng đạt chuẩn theo yêu cầu tiêu chuẩn chức danh theo quy định.

3. Trình độ chuyên môn - kỹ thuật

a) Cơ cấu nhân lực theo trình độ chuyên môn - kỹ thuật

Mặc dù, trong những năm qua tỉnh đã nỗ lực thực hiện công tác đào tạo nhân lực và đã đạt được những kết quả đáng kể, tỷ lệ lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế đã qua đào tạo tăng dần qua các năm (từ 16,4% năm 2005, lên 29,5% năm 2010); trình độ chuyên môn, năng lực công tác của một bộ phận lao động dần được nâng lên, nhưng so với tổng thể chất lượng nhân lực của tỉnh hiện còn rất thấp, tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2010 mới đạt 29,51% (năm 2005 là 16,41%), trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề 13,5% (năm 2005 là 7,94%) phần lớn tập trung ở lao động khu vực thành thị, lao động trong khu vực Nhà nước và một phần lao động làm việc trong các loại hình doanh nghiệp, số người trong độ tuổi lao động ở khu vực nông thôn có trình độ chuyên môn, kỹ thuật rất thấp.

b) Cơ cấu trình độ nhân lực theo ngành nghề

Tỷ lệ lao động tham gia hoạt động trong các nhóm ngành kinh tế đã có sự chuyển dịch theo chiều hướng tích cực. Giai đoạn 2006-2010, số lao động làm việc trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản giảm từ 80,6% năm 2006, xuống còn 73,1% năm 2010; lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng tăng từ 5,7% năm 2006, lên 9,4% và lao động làm việc trong lĩnh vực dịch vụ tăng từ 13,8% năm 2006 lên 17,5% năm 2010 (chi tiết phụ biểu số 04).

Lực lượng cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh đến năm 2010 là 24.533 người chiếm 9,1% trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân, chủ yếu tập trung trong các lĩnh vực giáo dục đào tạo 13.346 người (chiếm 54,4%); quản lý nhà nước 2.984 người (chiếm 12,2%); các khu vực còn lại 8.203 người (chiếm 33,4%). Về trình độ chuyên môn: Trung cấp chiếm 33,83% giảm 0,53%, Cao đẳng 22,32% giảm 6,11%; Đại học 27,1% tăng 10,86%; Chưa qua đào tạo 9,23% giảm 3,82% so với năm 2005.

Cụ thể trình độ cán bộ, công chức, viên chức phân theo từng cấp như sau: (chi tiết phụ biểu số 05).

+ Đội ngũ cán bộ, công chức cấp tỉnh, huyện là 2.053 người. Trình độ chuyên môn: Thạc sỹ chiếm 1,66%; Đại học chiếm 50,75%; Cao đẳng chiếm 10,37%; Trung cấp chiếm 28,83% và các loại hình khác chiếm 8,39%;

+ Đội ngũ cán bộ, công chức khối Đảng, Đoàn thể cấp tỉnh, huyện tổng số 931 người. Trình độ chuyên môn: Thạc sỹ chiếm 0,86%; Đại học chiếm 47,91%; Cao đẳng chiếm 9,02%; Trung cấp chiếm 22,56% và các loại hình khác chiếm 19,66%;

+ Đội ngũ viên chức 17.811 viên chức. Trình độ chuyên môn kỹ thuật: Trung cấp chiếm 35,49%; Cao đẳng chiếm 28,83%; Đại học chiếm 28,65%; Thạc sỹ 1,2% và các loại hình khác chiếm 5,83%.

+ Đội ngũ cán bộ công chức cấp xã toàn tỉnh có 3.738 người. Trình độ chuyên môn: Trung cấp chiếm 31,46%; Cao đẳng chiếm 1,18%; Đại học chiếm 1,52%; Trình độ khác chiếm 5,27%; chưa qua đào tạo chuyên môn chiếm 60,6%.

Như vậy, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, huyện hiện nay cơ bản đã được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ song còn bất hợp lý trong cơ cấu ngành. Về hệ đào tạo trình độ chuyên môn đại học của tỉnh tỷ lệ tại chức và từ xa cao hơn so với hệ đào tạo chính quy; Đội ngũ cán bộ cơ sở của tỉnh cơ bản được bố trí đủ về số lượng, còn chất lượng chưa đạt yêu cầu so với tiêu chuẩn theo quy định, tỷ lệ cán bộ, công chức qua đào tạo chưa cao. Số cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ thấp, trong đó trình độ trung cấp chiếm đa số. Về cơ cấu chuyên ngành cơ bản đã đáp ứng được chức năng và bố trí việc.

III. HIỆN TRẠNG ĐÀO TẠO NHÂN LỰC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

1. Hiện trạng hệ thống đào tạo (đến năm học 2009-2010)

- Hệ thống đào tạo nhân lực về chuyên môn kỹ thuật trên địa bàn tỉnh Điện Biên hiện có 3 trường cao đẳng (bao gồm 01 Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật, 01

Trường cao đẳng Sư phạm và 01 Trường cao đẳng Y tế; 100% đều là trường công lập). Hệ thống cơ sở dạy nghề trong tỉnh gồm 01 trường trung cấp nghề và 01 trung tâm dạy nghề huyện; năm 2010 tỉnh đã kiện toàn bộ máy trung tâm dạy nghề cấp huyện là 05 trung tâm (gồm huyện Mường Chà, Điện Biên Đôngg, Tủa Chùa, Mường Ảng và thị xã Mường Lay) nhưng về CSVC hiện mới đang được triển khai thủ tục để ĐTXD; ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 01 Trung tâm Tư vấn, hỗ trợ và giải quyết việc làm Nông dân; cùng một số đơn vị doanh nghiệp tham gia dạy nghề với tính chất lưu động, song thiết bị dậy nghề chưa đảm bảo, do đó chất lượng đào tạo nghề không cao.

- Hệ thống đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị: 9/9 huyện, thị xã, thành phố có Trung tâm bồi dưỡng chính trị; về cơ sở vật chất có 6/9 huyện đã và đang được xây dựng từ cấp IV trở lên (còn huyện Mường Ảng, Mường Nhé đang mượn nhờ cơ sở của Huyện ủy để hoạt động).

- Ngoài ra, các đơn vị có chức năng thực hiện giáo dục chuyên nghiệp trong tỉnh còn có 8 trung tâm GDTX (gồm 7 trung tâm GDTX huyện liên kết đào tạo trình độ trung cấp, 1 trung tâm GDTX tỉnh liên kết đào tạo trình độ cao đẳng và đại học) và 01 Trung tâm Ngoại ngữ - tin học tỉnh.

2. Các điều kiện đảm bảo phát triển đào tạo

2.1. Tài chính

Chế độ tài chính của các trường được thực hiện theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Trên cơ sở các quy định hiện hành về chế độ tài chính, các trường đã xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ để thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính.

Hàng năm, nguồn lực NSNN đầu tư cho các khóa đào tạo còn hạn chế, chủ yếu đào tạo các hệ chính quy theo trình độ cao đẳng, trung cấp và hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn (hiện tại mức chi cho đào tạo tại các trường cao đẳng bình quân đạt khoảng 7-7,5 triệu đồng/sinh viên/năm). Cán bộ, công chức, viên chức đi học đào tạo các khóa đào tạo cử nhân, kỹ sư các hệ tại chức, chuyên tu (kể cả bồi dưỡng) do tỉnh liên kết với các trường đại học đều được Nhà nước hỗ trợ học phí và một số khoản hỗ trợ ngoài lương khác theo quy định của UBND tỉnh. Riêng hệ đào tạo từ xa, kinh phí đào tạo do người học tự đóng góp.

2.2. Cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ công tác đào tạo: (chi tiết phụ biểu số 6a, 6b).

- Tổng diện tích đất sử dụng hiện có của các trường cao đẳng, dạy nghề là: 195.932 m2. Trong đó:

+ Trường Cao đẳng Sư phạm: 31.000m2, bình quân 15m2/ 1 sinh viên chính quy (tiêu chuẩn quy định 25m2/ 1 sinh viên);

+ Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật: 67.675m2; bình quân 42,3m2/ 1 sinh viên chính quy (tiêu chuẩn quy định 25m2/ 1 sinh viên);

+ Trường Cao đẳng Y tế: 61.000m2; bình quân 24,6m2/ 1 sinh viên chính quy (tiêu chuẩn quy định 66,2m2/ 1 sinh viên);

+ Trường trung cấp nghề: 35.252 m2; bình quân 26m2/ 1 học viên dài hạn, (tiêu chuẩn quy định 25m2/ 1 học viên);

+ Trung tâm Dạy nghề 1.005 m2; (tiêu chuẩn quy định 1.000m2/trung tâm).

Với diện tích đất sử dụng của các trường như trên, quỹ đất đã cơ bản đáp ứng được quy mô đào tạo của các trường như hiện tại (trừ trường cao đẳng Sư phạm). Do đó, để phát triển nâng quy mô đào tạo lên trong giai đoạn 2011-2020 thì cần bổ sung quỹ đất sử dụng cho các trường, trong đó ưu tiên là Trường Cao đẳng Sư phạm.

- Cơ sở vật chất, trang thiết bị của các trường chuyên nghiệp và dạy nghề luôn được tỉnh quan tâm đầu tư, về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu đạo tạo ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, với yêu cầu phát triển với quy mô, ngành nghề, chất lượng đào tạo ngày càng cao thì CSVC các trường vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ. Trường Cao đẳng kinh tế kỹ thuật Điện Biên do tiếp quản sử dụng CSVC của đơn vị khác chuyển giao nên việc quy hoạch xây dựng trường chưa được đồng bộ. Hiện cả 3 trường còn thiếu nhà ở nội trú cho sinh viên (hiện mới đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu nhà ở cho sinh viên của các trường), thiếu một số phòng học và các hạng mục phụ trợ đồng bộ khác cần đầu tư bổ sung trong giai đoạn 2011-2015 để đáp ứng yêu cầu phát triển đào tạo của các trường.

2.3. Hiện trạng đội ngũ cán bộ, giảng viên và cán bộ quản lý đào tạo

- Tổng số có 512 cán bộ, CNV, giảng viên, trong đó có 387 giảng viên, giáo viên thuộc các trường chuyên nghiệp và dạy nghề tỉnh. Đội ngũ cán bộ cơ hữu hiện nay tại các trường chuyên nghiệp trong tỉnh cơ bản đủ về số lượng nhưng chưa đảm bảo về chất lượng và cơ cấu. Tỷ lệ giảng viên có trình độ sau đại học ở 3 trường cao đẳng quá thấp (chiếm 36,5% so với tổng số giảng viên), đặc biệt không có giảng viên trình độ tiến sỹ và học hàm Giáo sư, phó Giáo sư. Không có giảng viên được đào tạo, thực tập ở nước ngoài, không có chuyên gia, giảng viên làm việc tại nước ngoài; trong tỉnh không có chuyên gia, giảng viên nước ngoài tới làm việc lâu dài (chi tiết phụ biểu số 7a, 7b, 7c).

2.4. Nội dung, phương pháp giảng dạy, đào tạo

- Nội dung, phương pháp giảng dạy, đào tạo thường xuyên được đổi mới nhằm nâng cao chất lượng đào tạo toàn diện cho sinh viên, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giảng dạy. Do đó, chất lượng đào tạo hàng năm được duy trì với tỷ lệ học sinh, sinh viên lên lớp và tốt nghiệp ra trường đạt tỷ lệ cao. Học sinh, sinh viên sau khi ra trường đã đáp ứng được yêu cầu cơ bản về công tác cán bộ cho các ngành, các cấp của tỉnh cũng như đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho xã hội.

- Các trường đã đẩy mạnh việc mở rộng các loại hình và các ngành đào tạo theo hướng đào tạo đa ngành, đa cấp và xã hội hoá giáo dục nên đã thu hút đông đảo các đối tượng lao động trong tỉnh tham gia học tập, góp phần nâng cao trình độ của người lao động và đào tạo nguồn nhân lực cho cấp cơ sở. Đồng thời, còn liên kết đào tạo đại học hệ vừa làm vừa học với các trường đại học trong nước, để nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức các cấp, các ngành trong tỉnh. Thành quả mà trường đạt được đã khẳng định sự thành công nhất định của các cơ sở đào tạo, dạy nghề trong tỉnh.

2.5. Về cơ cấu ngành đào tạo

- Về ngành, nghề đào tạo tương đối đa dạng, đến năm 2010, các trường cao đẳng, dạy nghề trong tỉnh đào tạo với 56 ngành thuộc các trình độ (không tính các hệ bồi dưỡng kiến thức), trong đó:

+ Cao đẳng Sư phạm đào tạo 2 trình độ (cao đẳng và trung cấp), với tổng số 24 ngành, gồm 17 ngành trình độ cao đẳng (trong đó có 7 ngành ngoài sư phạm) và 07 ngành trình độ trung cấp (trong đó có 5 ngành ngoài sư phạm);

+ Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật đào tạo 2 trình độ (cao đẳng và trung cấp), với tổng số 16 ngành, gồm 04 ngành trình độ cao đẳng và 12 ngành trình độ trung cấp;

+ Trung học Y tế có 3 trình độ (cao đẳng, trung cấp và sơ cấp), với tổng số 07 ngành, gồm 01 ngành trình độ cao đẳng, 04 ngành trình độ trung cấp và trình độ sơ cấp 02 ngành;

+ Trung cấp nghề có 2 trình độ (trung cấp và sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng) với 09 ngành, trung cấp có 04 ngành, sơ cấp nghề có 05 ngành;

Cụ thể bao gồm các ngành hệ cao đẳng: Sư phạm; Kinh tế - kỹ thuật (có các ngành: Kế toán, Tài chính - Ngân hàng, Khoa học cây trồng; hệ trung cấp gồm có ngành: Hành chính - Văn phòng, Luật, Trồng trọt - BVTV, Chăn nuôi - Thú y, Lâm nghiệp, Địa chính, Tài chính nhà nước, Quản lý Văn hóa, Kế toán DNSX, Xây dựng, Du lịch và Tin học); các ngành về y tế (gồm có cao đẳng y sỹ đa khoa, điều dưỡng, dược sỹ; trung cấp điều dưỡng, hộ sinh, y tá bản...); đào tạo nghề gồm: Điện dân dụng - Điện công nghiệp, cơ khí, xây dựng, lâm nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt, tin học, nghề khác...,

Bên cạnh đó, các đơn vị trong tỉnh còn thực hiện liên kết đào tạo 02 hệ: Liên thông cao đẳng với 02 ngành và đào tạo đại học với 08 ngành.

- Quy mô tuyển mới đào tạo tại tỉnh hàng năm tăng khá vững chắc năm sau cao hơn năm trước, phù hợp với nhu cầu về cơ cấu nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực. Năm 2010 tuyển mới đạt 10.214 học sinh, sinh viên, trong đó: Đại học hệ vừa làm vừa học 463 sinh viên; cao đẳng 1.212 sinh viên, trung học 1.679 học sinh và đào tạo nghề, bồi dưỡng các hệ là 6.860 học viên; trong số cao đẳng và trung học có khoảng 86,5% đào tạo dài hạn, 13,5% đào tạo ngắn hạn (chưa kể số sinh viên đào tạo theo hình thức liên kết từ xa).

IV. HIỆN TRẠNG SỬ DỤNG NHÂN LỰC

1. Thực trạng phân bố nguồn nhân lực

- Năm 2010, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên 291.602 người, so với năm 2006 tăng 7,18%, tăng bình quân 2,57% trong giai đoạn 2006-2010. Phân bố lao động không đều tập trung nhiều ở khu vực nông thôn (82,8%) và ít ở thành thị (17,2%).

- Số người thất nghiệp: Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị năm 2006 là 4,8% và giảm dần xuống còn 4,2% vào năm 2010, trong đó tập trung chủ yếu ở nhóm lao động trẻ tuổi.

2. Thực trạng Việc làm của nhân lực

- Tổng số lao động tham gia hoạt động trong ngành kinh tế năm 2010 là 268.495 người (chiếm 92,08% số người từ 15 tuổi trở lên), tăng bình quân 2,05%/năm trong giai đoạn 2006-2010.

- Do chuyển dịch cơ cấu kinh tế và bố trí lại sản xuất, dân cư trên địa bàn tỉnh, cơ cấu lao động giai đoạn 2006-2010 đã chuyển dịch theo hướng giảm nhanh lao động khu vực Nông - Lâm - Ngư nghiệp từ 80,6% năm 2006 xuống còn 73,1% năm 2010; khu vực Thương mại - Dịch vụ tăng từ 13,8% lên 17,5%; khu vực Công nghiệp

- Xây dựng tăng từ 5,7% lên 9,4%; Nhìn chung, cơ cấu lao động của tỉnh hiện còn lạc hậu, số lao động ngành Nông - Lâm - Ngư nghiệp là ngành có năng suất lao động thấp vẫn chiếm tỷ trọng chủ yếu.

- Trong tổng số lao động làm việc trong nền kinh tế tăng thêm thời kỳ 2006-2010 là 21.645 người, thì khu vực Thương mại - Dịch vụ có 12.966 người (chiếm 59,9% tổng mức gia tăng), khu vực Công nghiệp - Xây dựng có 11.246 người (chiếm 51,9% tổng mức gia tăng), khu vực Nông - Lâm - Ngư nghiệp giảm 2.567 người (so với năm 2006). Như vậy, đã có sự biến đổi về chất đã diễn ra trong quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động theo ngành, trong đó cầu lao động khu vực Nông - Lâm - Ngư nghiệp giảm tuyệt đối và giảm nhanh tỷ trọng trong tổng số lao động của tỉnh. Điều đó có nghĩa là, trong thời gian tới việc đào tạo nhân lực khu vực nông nghiệp, nông thôn phải được chú trọng đẩy nhanh, để có thể bố trí việc làm cho họ trong các ngành, lĩnh vực phi nông nghiệp.

- Phân bố lực lượng lao động không đều, tập trung chủ yếu ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa với điều kiện cơ sở hạ tầng, sinh hoạt yếu kém.

V. ĐÁNH GIÁ TỔNG QUAN NHỮNG MẶT MẠNH, YẾU, NGUYÊN NHÂN, THỜI CƠ VÀ THÁCH THỨC ĐỐI VỚI PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC CỦA TỈNH

1. Những điểm mạnh

- Điện Biên có diện tích tự nhiên rộng, tài nguyên đa dạng, trong đó một số loại có tiềm năng lớn như Tài nguyên rừng và đất rừng, tiềm năng thủy điện, tiềm năng du lịch, phát triển kinh tế đối ngoại.

- Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh có trình độ chuyên môn cơ bản, có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, có ý chí phấn đấu vươn lên đóng góp công sức vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Trình độ học vấn, chuyên môn kỹ thuật của lực lượng lao động tiếp tục được nâng cao; Tỷ lệ lao động qua đào tạo ngày một tăng, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị có chiều hướng giảm.

- Công tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh được chú trọng. Hệ thống cơ sở đào tạo trong tỉnh được đầu tư nâng cấp cả về số lượng và quy mô. Nhận thức về đào tạo theo nhu cầu xã hội bước đầu có chuyển biến phù hợp. Các trường đã chú trọng việc mở các ngành đào tạo mới đáp ứng nhu cầu xã hội như: luật, giao thông, xây dựng, thủy lợi, điện lực, quản lý văn hóa, giáo dục. Chất lượng đào tạo được đánh giá theo hướng sát thực chất hơn.

- Công tác XHH huy động các nguồn lực cho đào tạo thực hiện khá tốt ở một số loại hình với 100% kinh phí đào tạo do người học đóng góp.

2. Những điểm yếu

- Phần lớn lực lượng lao động tập trung ở khu vực nông thôn (chiếm 82,8%), trong đó lực lượng lao động là người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao. Trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, kỹ thuật cũng như chất lượng cuộc sống có sự khác biệt khá lớn giữa nông thôn và thành thị; chất lượng đầu vào nguồn nhân lực còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu tiếp thu, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất và đời sống. So với các tỉnh trong cả nước, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh Điện Biên còn ở mức thấp và phát triển với tốc độ chậm;

- Việc tổ chức thực hiện đào tạo nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh chưa bài bản, chưa theo quy hoạch dẫn đến công tác đào tạo của tỉnh trong thời gian qua vừa thừa, vừa thiếu nhân lực trong các ngành, lĩnh vực và các huyện, thị, thành phố.

- Quy mô và chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế, đặc biệt là loại hình đào tạo từ xa. Mạng lưới cơ sở đào tạo còn chưa hoàn thiện, nhìn chung ở quy mô còn nhỏ, trang thiết bị còn thiếu; trình độ, chất lượng đào tạo của một số cơ sở còn thấp, trên địa bàn tỉnh còn chưa có trường đại học. Các cơ sở đào tạo nghề chưa được đầu tư đồng bộ, ở tuyến huyện hầu hết đã được kiện toàn tổ chức bộ máy, nhưng hiện mới có 04/7 huyện đã và đang được đầu tư xây dựng CSVC Trung tâm dạy nghề với quy mô nhỏ chưa đáp ứng yêu cầu;

- Công tác đào tạo nghề trong những năm qua đã đạt được những kết quả tích cực nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động, mới chỉ tập trung đào tạo đại trà, theo mục tiêu về số lượng là chính, chưa tính đến nhu cầu của thị trường; Lao động qua đào tạo chủ yếu là đào tạo nghề ngắn hạn, ngành nghề đào tạo đơn giản, chưa đủ điều kiện đào tạo lực lượng lao động có chuyên môn kỹ thuật cao. Do vậy, số lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ có bằng trở lên còn ít, trong khi đó thừa nhiều lao động phổ thông, lao động kỹ năng thấp và chưa qua đào tạo, chưa đáp ứng kịp yêu cầu thị trường lao động trong và ngoài tỉnh.

- Tình trạng nhân lực có tay nghề, trình độ chuyên môn tốt chuyển vùng công tác ra ngoài tỉnh trong những năm gần đây đang có chiều hướng gia tăng.

3. Nguyên nhân

- Điện Biên là một tỉnh miền núi Tây Bắc, địa hình chia cắt phức tạp; hạ tầng cơ sở chưa phát triển; xuất phát điểm kinh tế - xã hội thấp; tỷ lệ đói nghèo cao; trình độ dân trí không đồng đều; Là tỉnh có tới 19 dân tộc anh em sinh sống, trong đó tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao (81,58%); Chất lượng giáo dục giữa vùng thấp và vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn còn chênh lệch khá lớn; hiệu quả của giáo dục ở cấp THPT còn thấp; Trình độ học vấn và dân trí thấp nên sản xuất của tỉnh vẫn còn lạc hậu, tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn còn cao;

- Nguồn lực tài chính hàng năm của tỉnh chủ yếu phụ thuộc vào Trung ương cấp (trên 90%) nên việc phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, thiếu và chưa được đầu tư đồng bộ (chủ yếu tập trung ở thành phố). Công tác dạy nghề trong thời gian qua chủ yếu thực hiện dưới hình thức dạy nghề lưu động tại các huyện, thời gian ngắn (dưới 3 tháng) nên chất lượng đào tạo chưa cao; đào tạo nghề chưa gắn với nhu cầu thị trường.

- Cho đến nay, tỉnh chưa có Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, hiện mới phê duyệt và đang triển khai một số Đề án về đào tạo như: Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020; đào tạo cán bộ, công chức cấp xã và kế hoạch đào tạo hàng năm của các cấp, các ngành.

- Nhận thức của một số cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và bản thân người lao động về phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nghề, giải quyết việc làm và tự tìm việc làm còn nhiều hạn chế.

- Do đời sống của phần lớn bộ phận đồng bào vùng cao, vùng nông thôn còn khó khăn, nên công tác xã hội hóa cho giáo dục, đào tạo của tỉnh trong thời gian qua còn rất hạn chế.

- Chính sách trọng dụng và thu hút nhân tài của tỉnh chưa thực sự hấp dẫn cán bộ kinh tế, khoa học kỹ thuật, các chuyên gia giỏi, công nhân kỹ thuật cao về tỉnh công tác lâu dài để xây dựng và phát triển kinh tế.

4. Thời cơ - Thách thức a. Thời cơ

- Tình hình kinh tế, chính trị thế giới, khu vực có nhiều thời cơ, thuận lợi; sự nghiệp CNH-HĐH đất nước và hội nhập Quốc tế ngày càng sâu rộng; quan hệ đặc biệt hợp tác toàn diện của Điện Biên với các tỉnh Bắc Lào; quan hệ hợp tác với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), các nước trong khu vực và các tổ chức Quốc tế ngày càng phát triển, đây là những nhân tố có ảnh hưởng nhiều đối với phát triển nguồn nhân lực của tỉnh.

- Việc triển khai xây dựng công trình thủy điện Sơn La và nâng cấp phát triển hệ thống giao thông, hạ tầng kinh tế - xã hội là những cơ hội và nguồn lực to lớn cho việc sắp xếp lại dân cư, lao động, tạo điều kiện khai thác các tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển sản xuất hàng hóa, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

- Đảng và Nhà nước tiếp tục có những chủ trương, chính sách tạo điều kiện cho các tỉnh miền núi phát triển; Tỉnh Điện Biên luôn được Đảng, Chính phủ và các Bộ,

Ngành Trung ương đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo nhân lực trong giai đoạn hiện nay.

b. Thách thức

- Điện Biên có địa hình phức tạp, dân cư phân bố không đồng đều giữa các vùng và lực lượng lao động là người dân tộc thiểu số khá đông với đặc thù trình độ văn hóa, khoa học kỹ thuật còn thấp nên tạo sức ép về tạo việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động.

- Là tỉnh nằm trong số các tỉnh nghèo nhất cả nước, sản xuất hàng hóa chậm phát triển, đời sống đồng bào vùng cao nhiều khó khăn, quy mô nền kinh tế nhỏ bé, chưa có tích lũy, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm.

- Trình độ dân trí và nguồn nhân lực thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu tiếp thu, vận dụng khoa học mới vào sản xuất và đời sống, thiếu lao động có trình độ chuyên môn cao. Đa số sinh viên học đại học khối các trường kinh tế, kỹ thuật sau khi ra trường không muốn về tỉnh công tác.

- Phong tục, tập quán sản xuất và sinh hoạt của một bộ phận lớn dân cư còn lạc hậu, dễ bị lôi kéo, kích động. Tập quán sản xuất tự túc tự cấp của đồng bào vùng cao và tư tưởng trông chờ bao cấp ở một bộ phận cán bộ, đảng viên còn tồn tại... là những cản trở lớn đối với việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Phần thứ hai.

QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC TỈNH ĐIỆN BIÊN ĐẾN NĂM 2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

I. NHỮNG NHÂN TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC ĐẾN NĂM 2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

1. Những nhân tố bên ngoài

- Toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế Quốc tế ngày càng rộng và sâu. Việt Nam chính thức là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới từ tháng 01/2007. Đồng thời với việc thụ hưởng những lợi ích, là phải bắt đầu lộ trình thực hiện những cam kết. Theo đó, nhiều thời cơ và thách thức mới xuất hiện cho cả nước nói chung và cho tỉnh Điện Biên nói riêng.

- Sự phát triển khoa học - công nghệ với tốc độ rất nhanh thúc đẩy hình thành nền kinh tế tri thức trên phạm vi toàn cầu, nhu cầu nguồn nhân lực công nghệ thông tin rất lớn, tạo nhiều việc làm trực tiếp trong ngành và gián tiếp trong các ngành khác.

Công nghệ thông tin và Internet rút ngắn khoảng cách không gian và thời gian, thay đổi phương pháp tổ chức công việc, phương pháp giáo dục, đào tạo. Người lao động có thể làm việc tại nhà và cùng một lúc phối hợp với nhiều người trên khắp thế giới. Học tập qua mạng và học từ xa đang phổ biến rộng rãi trên khắp thế giới.

Tất cả những biến đổi nhanh chóng đó đòi hỏi trình độ và kỹ năng của nhân lực phải không ngừng nâng lên và thường xuyên thay đổi để phù hợp và kịp bắt nhịp với những cái mới do khoa học, công nghệ đem lại.

2. Những nhân tố bên trong

- Trong giai đoạn đến năm 2020, cả nước dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục đạt được ở mức cao. Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 của Ban chấp hành Trung ương đã xác định mục tiêu "Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và là lợi thế cạnh tranh dài hạn, bảo đảm kinh tế - xã hội phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững”.

- Tỉnh Điện Biên quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, đó là: tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm thời kỳ 2011-2015 là trên 12%. Nâng mức GDP bình quân đầu người của tỉnh so với trung bình cả nước lên 65% năm 2015 và 80% năm 2020. Chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, giảm nhanh tỷ trọng nông, lâm nghiệp, tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ; đến năm 2020 giảm tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp xuống còn 18%; công nghiệp, xây dựng 40%; dịch vụ chiếm 42%. Tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh phấn đấu 100 triệu USD năm 2020, trong đó xuất khẩu hàng của địa phương đạt 45-50 triệu USD. Phấn đấu đưa tỉnh thoát khỏi tình trạng kém phát triển, tiến tới trở thành một tỉnh miền núi biên giới vững mạnh, có an ninh chính trị ổn định, kinh tế phát triển, xã hội văn minh.

- Về Quy mô đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh: Đầu tư toàn xã hội tăng nhanh, cơ cấu đầu tư theo các ngành chủ yếu tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ. Như vậy, trong giai đoạn 2011-2020, cùng với việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạch đầu tư phát triển các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ thì cơ cấu lao động cũng có sự điều chỉnh lại cho phù hợp. Ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ sẽ thu hút một lượng lao động lớn và đòi hỏi có trình độ chuyên môn ngày càng cao.

- Đồng thời, hiện nay khoa học và công nghệ đã có nhiều bước tiến vượt bậc, điều kiện lao động và sản xuất dần dần được cải tiến,... do đó, yêu cầu cơ cấu lao động thay đổi theo trình độ nghề và kỹ năng lao động ngày càng cao.

II. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC TỈNH ĐIỆN BIÊN ĐẾN NĂM 2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

1. Quan điểm phát triển

- Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong những khâu đột phá, nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, sớm đưa Điện Biên thoát khỏi tình trạng kém phát triển, phấn đấu từng bước trở thành tỉnh phát triển trong khu vực miền núi phía Bắc.

- Phát triển nguồn nhân lực dựa trên nhu cầu của xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển, định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Phát triển nguồn nhân lực có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng phát triển nhân tài, lấy giáo dục phổ thông, đào tạo nghề làm nền tảng; tập trung đào tạo lao động chất lượng cao, gắn với bồi dưỡng, tập huấn thường xuyên làm khâu đột phá; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức, lao động đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

- Phát triển nguồn nhân lực nhằm hướng tới sự phát triển toàn diện về thể lực, trí lực, khả năng thích ứng, năng động, sáng tạo, kỹ năng, ý thức lỷ luật lao động; tăng cường giáo dục đạo đức, lý tưởng sống và truyền thống cách mạng, đảm bảo yêu cầu phát triển toàn diện con người.

- Phát triển nguồn nhân lực là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc, nhằm huy động nguồn lực toàn xã hội để xây dựng, phát triển nguồn nhân lực của tỉnh có chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu trước mắt và lâu dài.

2. Mục tiêu tổng quát

- Tập trung đào tạo, nâng cao tỷ lệ, chất lượng lao động qua đào tạo, ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực lao động nữ; tăng cường đào tạo nghề, chú trọng đào tạo lao động khu vực nông nghiệp, nông thôn; thu hút, sử dụng hợp lý nguồn nhân lực. Chú trọng nâng cao kỹ năng, tác phong làm việc cho người lao động. Phân bổ nhân lực đảm bảo cơ cấu hợp lý giữa các ngành, nghề, khu vực.

- Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động, gắn với phát triển các ngành, lĩnh vực; mở rộng, đa dạng hóa ngành nghề đào tạo. Từng bước xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

- Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức tốt, tinh thông nghiệp vụ, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

3. Mục tiêu cụ thể đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020

- Phát triển nguồn nhân lực theo hướng đáp ứng yêu cầu về số lượng, đảm bảo chất lượng và cơ cấu hợp lý (lao động khu vực Nông, lâm nghiệp, thủy sản 67,5%; công nghiệp - xây dựng 13%; dịch vụ 19,5%).

- Mỗi năm đào tạo nghề từ 7 - 8 ngàn lao động; tạo việc làm mới 8 - 8,5 ngàn lao động/năm. Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 30,64% năm 2010 lên 44,8% năm 2015 và 65% năm 2020.

- Toàn tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2; duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập trung học cơ sở; tỷ lệ học sinh các cấp lên lớp đạt trên 98%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp đạt trên 90%, trên 46% số trường đạt chuẩn quốc gia.

- Huy động trẻ từ 3 đến 5 tuổi đến lớp mẫu giáo đạt trên 80% (trong đó trẻ 5 tuổi ra lớp mẫu giáo chuẩn bị vào lớp 1 đạt trên 97%); học sinh 6-10 tuổi đến trường đạt 99%, học sinh 11-14 tuổi đi học trung học cơ sở đạt trên 90%, học sinh 15-18 tuổi đi học trung học phổ thông đạt trên 55%.

- Đến năm 2015: Cán bộ lãnh đạo, quản lý từ trưởng, phó phòng trở lên 98% có trình độ từ đại học trở lên (trong đó 5% trở lên có trình độ trên đại học); 100% được đào tạo lý luận chính trị; 90% bồi dưỡng kiến thức về quản lý Nhà nước. Cán bộ chuyên trách cơ sở: 100% có trình độ văn hóa từ trung học cơ sở trở lên (trong đó 60% có trình độ trung học phổ thông); 85% có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên; 100% được đào tạo chuyên môn (60% trở lên có trình độ trung cấp và tương đương).

- Phấn đấu đến năm 2020, có 100% cán bộ, công chức cấp xã có trình độ chuyên môn và lý luận từ trung cấp trở lên, trong đó trên 60% có trình độ cao đẳng, đại học; 100% viên chức đạt chuẩn về trình độ, trong đó 30% đạt trên chuẩn.

- Nâng cao thể chất nguồn nhân lực: Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em <5 tuổi còn dưới 20% năm 2015 và dưới 15% năm 2020; tuổi thọ trung bình đạt 72 tuổi (toàn quốc 74 tuổi), đến năm 2020 tuổi thọ trung bình của tỉnh đạt 73 tuổi (toàn quốc 75 tuổi).

III. NHIỆM VỤ CỦA ĐỀ ÁN

1. Nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Các cấp ủy, tổ chức đảng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách về phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Xác định phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, có ý nghĩa quyết định đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân phát huy tính chủ động, sáng tạo, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh về phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

2. Nâng cao chất lượng, phát triển quy mô giáo dục - đào tạo một cách hợp lý, cân đối giữa các cấp học, giữa giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và định hướng nghề tạo điều kiện tiền đề cơ sở về trình độ học vấn phổ thông để phát triển đào tạo nguồn nhân lực.

- Xác định giáo dục là nền tảng của đào tạo nguồn nhân lực. Tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở; thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Phát triển giáo dục toàn diện, đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục trên các mặt sau:

+ Giáo dục mầm non: Đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, phổ biến kiến thức khoa học về chăm sóc, giáo dục trẻ cho các gia đình và xã hội; từng bước giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng và tăng tỷ lệ trẻ phát triển toàn diện trong các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn toàn tỉnh; tăng cường tổ chức dạy tiếng Việt cho trẻ người dân tộc trước khi vào lớp 1.

+ Giáo dục phổ thông: Giảm tỷ lệ học sinh lưu ban, bỏ học các cấp; khuyến khích việc học ngoại ngữ, tin học trong các trường tiểu học khi đã đủ điều kiện; tăng tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ ngày; có các giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục tiểu học.

+ Nâng tỷ lệ học sinh học lực khá, giỏi hàng năm gắn với dạy thật, học thật, chống bệnh thành tích trong giáo dục. Thực hiện tốt chương trình phân ban ở trung học phổ thông, đảm bảo học sinh được hướng nghiệp và học nghề phổ thông để học sinh có thể định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực bản thân, đồng thừoi đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- Tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục ”mũi nhọn”, coi trọng cả ba nội dung: Dạy làm người, dạy chữ và dạy nghề. Chú trọng giáo dục quốc phòng - an ninh, giáo dục đạo đức, truyền thống cách mạng, lý tưởng sống, kỹ năng và phương pháp làm việc; Tăng cường các hoạt động xã hội nhằm xây dựng nền học vấn phổ thông cơ bản, vững chắc và phát triển toàn diện.

- Thực hiện có hiệu quả đề án củng cố, phát triển hệ thống Trường phổ thông dân tộc bán trú đến năm 2015 và Quy hoạch phát triển sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo giai đoạn 2008 - 2015 và định hướng đến năm 2020.

- Củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục thường xuyên và các hoạt động giáo dục cộng đồng. Tăng thêm quy mô học sinh, đảm bảo nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và cải thiện đời sống cho học sinh các Trường dân tộc nội trú trong tỉnh.

- Xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, đạt chuẩn về trình độ, nâng cao năng lực chuyên môn, đặc biệt coi trọng phẩm chất đạo đức của người thầy. Thường xuyên đào tạo và bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên các cấp để ứng dụng những phương pháp dạy học tiên tiến theo lộ trình cải cách giáo dục chung của cả nước nhằm nâng cao toàn diện chất lượng dạy và học, đảm bảo trình độ giáo dục - đào tạo của tỉnh tiếp cận gần với trình độ chung của cả nước

- Thực hiện tốt các chương trình mục tiêu về giáo dục - đào tạo đối với các nhóm đối tượng đặc thù gồm đồng bào các dân tộc thiểu số, thanh niên vùng nông thôn, nhóm dân cư nghèo…

- Đẩy mạnh hoạt động hướng nghiệp trong các trường học cấp trung học, gắn học tập với thực hành phù hợp với đặc điểm và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, với phong tục, tập quán sản xuất của từng địa phương trong tỉnh (chú trọng hướng nghiệp vào các ngành, nghề thuộc lĩnh vực có ưu thế của tỉnh như: Nông nghiệp, lâm nghiệp, chế biến nông sản, chế biến gỗ, xây dựng, cơ khí sửa chữa, hướng dẫn viên du lịch, nhà hàng khách sạn...

3. Mở rộng quy mô đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng làm việc cho người lao động

a. Mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng dạy nghề đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động

- Tăng quy mô tuyển sinh học nghề bình quân từ 8-10%/năm.

- Tổ chức đào tạo nghề cho người lao động theo 3 cấp trình độ (sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao đẳng nghề) với cơ cấu cấp trình độ đa dạng, phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động, trình độ công nghệ của nền kinh tế tỉnh và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh và khu vực. Đảm bảo 100% người lao động dãn việc làm có nhu cầu đào tạo, đào tạo nâng cao hoặc đào tạo nghề mới để tìm kiếm việc làm mới;

- Đổi mới và mở rộng ngành nghề, các lĩnh vực đào tạo, tăng cơ hội đào tạo nghề cho lao động khu vực nông thôn; mở rộng quy mô và hình thức dạy nghề với các ngành nghề phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như: Nông nghiệp, lâm nghiệp, chế biến nông sản, chế biến gỗ, xây dựng, cơ khí sửa chữa, hướng dẫn viên du lịch, nhà hàng khách sạn... Kết hợp giải quyết việc làm tại chỗ với việc phân bổ lại lao động theo vùng. Đồng thời, mở rộng việc đưa lao động đi xuất khẩu làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

- Đẩy mạnh việc xây dựng và đổi mới nội dung, chương trình, giáo trình dạy nghề đáp ứng tiêu chuẩn kỹ năng nghề và phù hợp với tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sản xuất, tiếp cận với trình độ trong nước và thế giới để nâng cao chất lượng đào tạo, gắn đào tạo nghề với yêu cầu sử dụng lao động của xã hội. Ngoài ra, cần tăng cường dạy nghề cho nông dân bằng những hình thức linh hoạt (như tập huấn, hướng dẫn chuyển giao công nghệ, tham quan mô hình...) phù hợp với tập quán lao động sản xuất và sinh hoạt của đồng bào để giúp nâng cao hiệu quả lao động, tạo thêm việc làm và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

- Triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án đào tạo nghề như:

Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/TTg của Thủ tướng Chính phủ đã được UBND tỉnh phê duyệt với 92 danh mục nghề; Chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến công; các dự án đào tạo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giải quyết việc làm và Chương trình Xóa đói giảm nghèo... Mở rộng đào tạo nghề cho các đối tượng chính sách, người nghèo, cận nghèo và quan tâm đào tạo nghề phù hợp cho người tàn tật. Chú trọng bồi dưỡng, tập huấn đối với cán bộ, công chức, người lao động trong khu vực nông nghiệp, nông thôn.

- Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lao động; thu hút lao động nữ trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, du lịch.

b. Phát triển mạnh giáo dục chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học (gồm từ trung cấp chuyên nghiệp trở lên)

- Tăng quy mô học sinh là người Điện Biên được nhập học các trường chuyên nghiệp trong nước từ trung cấp chuyên nghiệp trở lên.

- Nâng tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông vào các trường trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề của trung ương và của tỉnh lên 25% vào năm 2015 và 30-40% vào năm 2020;

- Đa dạng hóa các hình thức tổ chức đào tạo nghề trong tỉnh; đảm bảo đào tạo nhân lực có chất lượng cao với các ngành nghề phù hợp, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho nền kinh tế của tỉnh.

c. Tăng cường liên kết đào tạo

*. Liên kết trong nước

- Tăng cường phối hợp với các trường Đại học, Học viện (từ 10-15 đơn vị đối tác) thực hiện tổ chức đào tạo theo phương thức liên thông, chính quy, không chính quy cho đội ngũ giáo viên và cán bộ công chức, từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đạt chuẩn và trên chuẩn.

- Tăng quy mô đào tạo song song với nâng cao chất lượng tuyển sinh, chất lượng đào tạo các chuyên ngành tỉnh và khu vực có nhu cầu như: kỹ thuật, kinh tế, tài chính, sư phạm, thương mại, du lịch…

- Tăng cường các giải pháp chỉ đạo, quản lý và tổ chức thực hiện liên kết đào tạo hệ cao đẳng, TCCN và dạy nghề tại các cơ sở đào tạo trong tỉnh. Phối hợp thực hiện các nhiệm vụ phổ cập giáo dục cấp trung học; khảo thí và quản lý, kiểm định chất lượng đào tạo tại các trường chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh.

*. Quan hệ Quốc tế và liên kết đào tạo với nước ngoài

- Tuyển sinh học sinh dân tộc của tỉnh sang học tại nước CHDCND Lào và tuyển học sinh các tỉnh Bắc Lào vào học tại Điện Biên theo chương trình hợp tác đào tạo giữa Điện Biên và các tỉnh Bắc Lào, từng bước phát triển thu hút học sinh các tỉnh Bắc Lào sang du học tự túc. Xây dựng, trình duyệt và tổ chức thực hiện Đề án Đào tạo cán bộ, học sinh tại Trung Quốc, giai đoạn 2009-2015, định hướng đến 2020. Trước mắt, thực hiện tuyển sinh du học tự túc tại trường Đại học Kinh tế - Tài chính tỉnh Vân Nam - Trung Quốc. Khuyến khích, cung cấp thông tin du học tại các nước phát triển trong khu vực đông Nam Á (như Malaysia, Thái Lan...).

- Từng bước thiết lập, tăng cường quan hệ hợp tác song phương và đa phương với các trường đại học, học viện nước ngoài trong việc liên kết đào tạo; tuyển sinh và khuyến khích học sinh du học tự túc. Tiếp tục khuyến khích cán bộ, công chức thi tuyển đào tạo trên chuẩn, du học nước ngoài bằng nguồn ngân sách nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi để đưa học sinh đi đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ cho quá trình hội nhập và phát triển kinh tế - xã hội.

- Xây dựng kế hoạch khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư phát triển TCCN, đào tạo nghề tại địa phương phục vụ các ngành nghề trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu lao động (xây dựng, may, lao động phổ thông).

4. Giải quyết việc làm, tuyển dụng lực lượng lao động và tăng năng suất lao động

- Trong thời kỳ 2011-2015 và đến năm 2020, nhu cầu giải quyết việc làm lớn, nhu cầu lao động làm việc trong nền kinh tế tăng tương đối nhanh. Tính trung bình hàng năm cần giải quyết việc làm cho 7.000-8.000 lao động trong thời kỳ 2006-2010 và khoảng 8.000-10.000 lao động trong thời kỳ 2011-2020.

- Cơ cấu lao động làm việc trong nền kinh tế chuyển dịch tương đối mạnh. Lao động các ngành, lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ tăng nhanh, lao động khu vực nông nghiệp giảm dần. Vì vậy, việc rút lao động ra khỏi khu vực nông nghiệp để chuyển sang làm việc trong các khu vực công nghiệp và dịch vụ đòi hỏi công tác đào tạo kỹ năng ngành nghề phi nông nghiệp và giáo dục tác phong, kỷ luật lao động công nghiệp cho người lao động, nhất là lao động ở khu vực nông thôn và lao động là đồng bào dân tộc thiểu số phải được đẩy mạnh.

- Nhu cầu lao động thời kỳ 2011-2015 tăng thêm 33.498 người (trong đó: khu vực công nghiệp - xây dựng tăng thêm 12.219 người, khu vực thương mại - dịch vụ tăng thêm 13.410 người và khu vực nông - lâm - ngư nghiệp tăng thêm 7.869 người); thời kỳ 2015-2020 tăng thêm 40.017 người, tăng 19,5% so với giai đoạn 2011-2015 (trong đó khu vực công nghiệp - xây dựng tăng thêm 16.932 người, khu vực thương mại - dịch vụ tăng thêm 16.554 người và khu vực nông - lâm - ngư nghiệp tăng thêm 6.531 người) (chi tiết phụ biểu số 12).

- Tỷ lệ lao động khu vực nông - lâm - ngư nghiệp tiếp tục có xu thế giảm. Trong thời kỳ 2006-2010 đã giảm 7,45%, thời kỳ 2011-2015 dự kiến tiếp tục giảm 5,5% và thời kỳ 2015-2020 sẽ giảm 6,0%.

Như vậy, việc giảm dần cầu lao động (việc làm) trong khu vực nông - lâm - ngư nghiệp và tăng nhanh cầu lao động (việc làm) trong các khu vực phi nông nghiệp đòi hỏi phải mở rộng, tăng cường đào tạo số lao động được giải phóng khỏi khu vực nông - lâm - ngư nghiệp, nhanh chóng trang bị cho họ những kiến thức, kỹ năng lao động cơ bản để tiếp cận được việc làm trong các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, thương mại và dịch vụ. Những phương hướng và giải pháp chủ yếu để tạo việc làm trong khu vực phi nông nghiệp và giải quyết việc làm cho lao động giải phóng khỏi khu vực nông - lâm - ngư nghiệp trong thời kỳ 2011-2015 đến năm 2020 là:

+ Huy động các nguồn lực để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế (bình quân hàng năm đạt 12,9% thời kỳ 2011-2015 và đạt trên 13% thời kỳ 2015-2020, trong đó tăng trưởng bình quân cả thời kỳ 2011-2020 của các ngành công nghiệp - xây dựng phải đạt trên 17%/ năm và khu dịch vụ phải đạt trên 14%/năm để tạo thêm nhiều việc làm mới cho người lao động trong khu vực phi nông nghiệp, cũng như giảm tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực nông nghiệp và nông thôn;

+ Cải thiện môi trường đầu tư, môi trường chính sách để huy động các nguồn lực trong tỉnh, thu hút mạnh các nguồn đầu tư từ bên ngoài để phát triển kinh tế, tạo việc làm cho nguồn nhân lực;

+ Triển khai đồng bộ và có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia giải quyết việc làm và Chương trình xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh để tạo lập việc làm, giải quyết việc làm cho đúng đối tượng; Thực hiện tốt quy trình cho vay và hệ thống tổ chức cấp tín dụng từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm sao cho kịp thời, đúng đối tượng và bảo toàn được vốn vay;

+ Chú trọng quan tâm đến công tác xuất khẩu lao động. Để mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả xuất khẩu lao động của tỉnh, cần tăng cường công tác đào tạo nghề, ngoại ngữ và những kiến thức cơ bản về phong tục tập quán... của nước nhập khẩu lao động cho những người lao động trước khi sang làm việc ở nước ngoài;

+ Từng bước hình thành, xây dựng và phát triển thị trường lao động: Củng cố và xây dựng mạng lưới hướng nghiệp và dịch vụ thị trường lao động (tổ chức thu thập, xử lý và cung cấp thông tin về lao động - việc làm, tổ chức tư vấn, giới thiệu lao động và việc làm, tổ chức giao dịch lao động và việc làm... )

5. Phát triển nhóm nhân lực trọng điểm

5.1. Phát triển nguồn nhân lực khu vực sản xuất kinh doanh (đào tạo đội ngũ lao động kỹ thuật)

- Tổng số lao động trong lĩnh vực xây dựng - công nghiệp của tỉnh năm 2010 là 25.228 người; Tổng nhu cầu lao động trong lĩnh vực này đến năm 2015 khoảng 37.447 người và đến năm 2020 là khoảng 54.380 người, chiếm từ 12,4% năm 2015 đến 15,9% năm 2020 tổng số lao động trong các ngành KTQD (chi tiết phụ biểu số 12).

- Tập trung đào tạo công nhân kỹ thuật phục vụ các ngành công nghiệp và một số lĩnh vực kinh tế chủ đạo của tỉnh như sau:

+ Ngành Lâm sinh;

+ Ngành Nông nghiệp (bao gồm: Trồng trọt; Chăn nuôi và thú ý; khuyến nông, khuyến lâm);

+ Ngành chế biến nông, lâm sản, thức ăn gia súc;

+ Ngành điện dân dụng;

+ Ngành khai thác mủ cao su;

+ Ngành vận hành máy công trình;

+ Ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng;

+ Ngành xây dựng công nghiệp và xây dựng các công trình công cộng;

+ Ngành công nghiệp điện;

+ Ngành du lịch, khách sạn;

+ Ngành thương mại (tập trung cho mạng lưới các siêu thị và trung tâm thương mại chuyên ngành).

5.2. Phát triển nhân lực khu vực Hành chính - Sự nghiệp

a. Đào tạo cán bộ lãnh đạo quản lý các cơ quan Đảng, bộ máy chính quyền cấp tỉnh, huyện, xã

- Tỉnh Điện Biên hiện có 09 đơn vị hành chính cấp huyện và 112 đơn vị hành chính cấp xã, cùng các cơ quan chuyên môn tham mưu, việc đào tạo và đào tạo lại đội ngũ công chức, viên chức nhằm đạt chuẩn theo yêu cầu tiêu chuẩn hoặc để bổ sung, thay thế công chức, viên chức đến tuổi nghỉ công tác hoặc thiếu hụt do tăng cơ học có độ tuổi phù hợp với quy hoạch cán bộ đến năm 2015 và đến năm 2020, đồng thời đào tạo cán bộ dự nguồn để đáp ứng nhu cầu chia tách đơn vị hành chính cấp huyện (Mường Chà, Mường Nhé) và cấp xã, thôn, bản tương ứng để tăng cường củng cố an ninh chính trị, trật tự an toàn các địa bàn vùng biên giới là nhu cầu cấp bách cho phát triển nguồn nhân lực của tỉnh.

- Cùng với việc tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng XHCN, vấn đề cải cách hành chính là một trong những chương trình trọng tâm của Nhà nước trong suốt cả thời kỳ CNH-HĐH, nhằm nâng cao hiệu quả của bộ máy quản lý Nhà nước, ngoài những cải cách về quy định, thủ tục, thể chế hành chính, việc đào tạo, bồi dưỡng và đào tạo lại công chức nhà nước các cấp theo tiêu chuẩn của từng ngạch công chức và chức danh cán bộ quản lý là một trong những nội dung của Chương trình cải cách hành chính nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ công chức nhà nước thành thạo về chuyên môn nghiệp vụ, trung thành với chế độ XHCN, tận tụy với công vụ có trình độ quản lý tốt có ý nghĩa rất quan trọng trong việc góp phần thực hiện thành công Chương trình cải cách hành chính nhà nước.

- Hình thức đào tạo chủ yếu là bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng công vụ, giao tiếp ứng xử, đạo đức nghề nghiệp và đào tạo lại.

* Trên cơ sở nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động bộ máy và tinh giản biên chế, với phương án giữ nguyên cơ cấu bộ máy lãnh đạo của các cơ quan đảng, nhà nước về quản lý hành chính trên địa bàn tỉnh Điện Biên như hiện nay thì nhu cầu đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp dự kiến hàng năm sẽ như sau:

- Cấp tỉnh: Bao gồm lãnh đạo chủ chốt các cơ quan Tỉnh ủy và các ban xây dựng Đảng, HĐND, UBND tỉnh, các Sở, Ban, Ngành và một số cơ quan tương đương khác: Tổng số khoảng 100-150 người;

- Cấp huyện và tương đương: Bao gồm lãnh đạo cơ quan Huyện ủy và các ban xây dựng Đảng, HĐND, UBND huyện và các phòng, ban và một số cơ quan tương đương khác (tổng số 9 đơn vị, gồm 01 thành phố, 01 thị xã và 7 huyện): Tổng số khoảng 400-450 người;

- Cấp xã, phường, thị trấn: Trung bình có 13-15 chức danh cán bộ chuyên trách, nên nhu cầu là 1.450-1.680 người. Trung bình hàng năm nhu cầu đào tạo và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho 350-450 người.

Như vậy, hàng năm cần bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho khoảng 850-1.050 người cán bộ lãnh đạo hành chính các cấp.

* Nội dung đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ chủ yếu đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo này là:

- Cập nhật các chủ trương, đường lối, pháp luật và chính sách mới nhất của đảng và nhà nước, cung cấp một cách thường xuyên các thông tin mới nhất về chính trị, kinh tế, tiến bộ khoa học - công nghệ, công nghệ thông tin... trang bị những kiến thức, phương pháp quản lý Nhà nước trong điều kiện nền kinh tế thị trường, về quản lý và giải quyết các vấn đề xã hội, an ninh và những nhu cầu nhân đạo và công bằng xã hội trong quá trình phát triển.

- Cung cấp kịp thời, thường xuyên những thông tin mới nhất về kinh tế, thị trường trong nước và quốc tế có liên quan...

* Hình thức đào tạo: Nhóm cán bộ lãnh đạo, quản lý này sẽ được đào tạo theo nhiều hình thức, như tổ chức các khóa bồi dưỡng ngắn ngày tại chỗ; học tập trung hoặc tại chức tại các cơ sở đào tạo trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, được bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận tại Học viện Chính trị - Hành chính Hồ Chí Minh và Trường Chính trị tỉnh.

b. Đào tạo cán bộ tham mưu và chuyên gia quản lý (chủ yếu là những người có trình độ đại học và trên đại học)

Đối tượng này bao gồm cán bộ tham mưu, nghiên cứu làm việc ở các bộ phận chuyên môn (các Sở, Ban, Ngành của tỉnh, huyện).

Tổng nhu cầu cán bộ tham mưu và chuyên gia quản lý hành chính nhà nước cấp tỉnh và huyện vào khoảng 1.400-1.700 người. Nhìn chung, trong bối cảnh đẩy mạnh công cuộc cải cách hành chính và thực hiện tinh giản biên chế, nhu cầu về số lượng cán bộ thuộc đối tượng này không biến động lớn trong thời kỳ đến năm 2020.

Tổng nhu cầu đào tạo hàng năm như sau:

- Đào tạo bổ sung, thay thế giảm tự nhiên (khoảng 4-5%/ tổng số): Khoảng 60-80 người.

- Đào tạo bồi dưỡng, nâng cao (khoảng 20%/ tổng số): Khoảng 350-400 người. Đào tạo bổ sung, thay thế sẽ được tuyển dụng trong số những người có trình độ tốt nghiệp đại học trở lên theo những quy định chung của Bộ Nội vụ.

Đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ được thực hiện theo hình thức tập trung và tại chức. Đào tạo, nâng cao trình độ dưới nhiều hình thức cho những người học sau đại học (trình độ thạc sỹ và tiến sỹ). Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ người có trình độ chuyên môn sau đại học trong tổng số cán bộ tham mưu và chuyên gia quản lý hành chính nhà nước của tỉnh là trên 10%.

c. Đào tạo nhân lực khu vực sự nghiệp:

Tập trung đào tạo và phát triển 4 nhóm nguồn nhân lực của các khu vực sự nghiệp lớn như sau:

* Ngành Giáo dục - Đào tạo:

- Giáo dục mầm non và phổ thông

+ Tổng số giáo viên năm 2010 là 10.513 người, gồm mầm non 2.019 người và phổ thông là 8.494 người; Nhu cầu đến năm 2015 là 13.233 người, gồm mầm non 4.116 người và phổ thông là 9.117 người; đến năm 2020 là 15.723 người, gồm mầm non 6.019 người, phổ thông 9.704 người;

+ Nâng cao chất lượng giáo viên đảm bảo đến năm 2015, 100% cán bộ, giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn; đến năm 2020 có 100% cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn về trình độ lý luận theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Đào tạo giảng viên các trường cao đẳng và dạy nghề

+ Tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên cơ hữu, phấn đấu đảm bảo tỷ lệ giảng viên có trình độ trên đại học với từng loại trường theo quy định của Bộ Giáo dục & Đào tạo. Chú trọng đào tạo Tiến sĩ đáp ứng yêu cầu thành lập trường Đại học đa ngành của tỉnh.

+ Tăng đào tạo giảng viên trong các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh để đảm bảo tiêu chí số sinh viên quy đổi/ giảng viên quy đổi theo đúng tiêu chuẩn quy định (đến năm 2012): Cơ sở đào tạo Cao đẳng là 18 sinh viên/giảng viên; Cơ sở đào tạo trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề là 20 học viên/giảng viên;

Có cơ chế, chính sách khuyến khích chuyên gia, công nhân kỹ thuật trình độ cao tham gia đào tạo (nhất là trong quá trình thực hành).

- Ngành y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân

+ Tổng nguồn nhân lực ngành y tế - chăm sóc sức khỏe nhân dân toàn tỉnh năm 2010 là 2.751 người (chưa tính 1.383 nhân viên y tế thôn bản). Trong đó: có 292 Bác sĩ, tỷ lệ bác sỹ/vạn dân 5,79; Dự kiến đến năm 2015 nhân lực toàn ngành là 4.250 người, trong đó có khoảng 604 bác sỹ, tỷ lệ bác sỹ/ vạn dân 10,8; đến năm 2020 là 4.550 người, trong đó có khoảng 667 bác sỹ, tỷ lệ bác sỹ/vạn dân 11.

+ Tập trung đào tạo bác sỹ chuyên khoa sâu, kỹ thuật viên y và điều dưỡng viên. Phấn đấu đến năm 2020, 100% xã có bác sỹ, 100% số xã đạt Chuẩn quốc gia về y tế xã nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

+ Đào tạo cán bộ ngành y tế chủ yếu tại các trường chuyên ngành ở Trung ương và các tỉnh (Trường Đại học Y - Dược Hà Nội, Thái Bình, Thái Nguyên... ). Một phần đào tạo cán bộ y tế trình độ cao đẳng, trung cấp và đào tạo nghề tại trường Cao đẳng Y tế Điện Biên. Tăng quy mô đào tạo hàng năm, đồng thời đa dạng hóa các chuyên ngành đào tạo để đáp ứng nhu cầu cán bộ của ngành y tế.

+ Đồng thời, cần lựa chọn trong số sinh viên giỏi, những sinh viên suất sắc ở năm học cuối để cử đi học tiếp và gửi đào tạo sau đại học tại Trường đại học Y Hà Nội, nhất là đối với ngành nghề mới, kỹ thuật cao (bác sỹ các chuyên khoa ung bướu, nội tiết, sản khoa, nhi khoa...), điều dưỡng viên (kể cả điều dưỡng viên cao cấp) và kỹ thuật viên cao cấp (vận hành, bảo dưỡng và sữa chữa trang thiết bị y tế hiện đại).

- Tài chính, kế toán, ngân hàng, bảo hiểm

Thực hiện hợp tác và liên kết với các Trường Đại học và Cao đẳng khối kinh tế có uy tín ở trong nước để đào tạo chuyên gia thuộc các lĩnh vực tài chính, kế toán, ngân hàng, bảo hiểm. Đồng thời, một phần nhân lực được đào tạo tại Trường Cao đẳng tại Điện Biên.

- Văn hóa, thể thao và du lịch, thông tin và truyền thông

+ Điện Biên là tỉnh có di tích chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và Bảo tàng tỉnh; đồng thời là mảnh đất có nhiều nét văn hóa tiêu biểu của các dân tộc thiểu số. Để quản lý, khai thác sử dụng, phát huy có hiệu quả khu di tích chiến thắng Điện Biên Phủ và gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc tiêu biểu của tỉnh, cần tăng quy mô đào tạo nguồn nhân lực hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật để phục vụ nhu cầu hoạt động, nghiên cứu văn hóa - nghệ thuật, dân tộc học, dịch vụ văn hóa - nghệ thuật và gắn với phát triển dịch vụ du lịch của tỉnh.

+ Bên cạnh đó, sự phát triển của thông tin và truyền thông ngày càng nhanh, mạnh kết nối Điện Biên nói riêng và Việt Nam nói chung ngày càng gần hơn với thế giới. Các lĩnh vực thông tin và Truyền thông như: Báo chí; Xuất bản; Bưu chính và chuyển phát; Viễn thông và Internet; Truyền dẫn phát sóng; Tần số vô tuyến điện; Công nghệ thông tin, điện tử; Phát thanh và Truyền hình; Cơ sở hạ tầng thông tin truyền thông; Quảng cáo báo chí, mạng thông tin máy tính và xuất bản phẩm là những lĩnh vực hết sức khó, nhạy cảm đòi hỏi nguồn nhân lực phải nắm chắc về trình độ chuyên môn cũng như đạo đức nghề nghiệp. Hiện nay, việc áp dụng Chính phủ điện tử vào bộ máy quản lý điều hành từ tỉnh xuống cơ sở đã và đang được triển khai thực hiện.

Trước những yêu cầu trên, đẩy mạnh công tác đào tạo nhân lực ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông chủ yếu tại các trường chuyên ngành có uy tín ở Trung ương và ở các tỉnh. Đồng thời, liên kết đào tạo với các trường đại học, cao đẳng có uy tín trong nước nhằm nâng cao trình độ chuyên môn đội ngũ CBCC&LĐ cũng như tăng quy mô đào tạo nguồn nhân lực hàng năm.

5.3. Đào tạo nhân lực cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc ít người

- Thường xuyên rà soát để có kế hoạch đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã cho phù hợp. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ là người dân tộc thiểu số đảm bảo cho việc thực hiện các lĩnh vực chuyên môn: cán bộ của bộ máy chính trị và chính quyền cấp cơ sở, giáo viên, cán bộ y tế, cán bộ khuyến nông, khuyến lâm, cán bộ xóa đói giảm nghèo, cán bộ văn hóa - thông tin - thể thao cơ sở... Thực hiện đào tạo đội ngũ cán bộ phải gắn giữa đào tạo về chuyên môn, lý luận chính trị và kiến thức về quản lý nhà nước.

- Mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng dạy, học và điều kiện sinh hoạt cho học sinh các Trường phổ thông dân tộc nội trú trong tỉnh. Tiếp tục thực hiện hình thức cử tuyển để ưu tiên đào tạo cán bộ trình độ cao là người các dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách trong tỉnh. Tăng số lượng thuộc diện cử tuyển, đồng thời xây dựng kế hoạch sớm để nâng cao chất lượng học sinh được cử tuyển.

- Tăng cường và thường xuyên tổ chức đào tạo cán bộ cơ sở các cấp, đặc biệt là cấp xã và trưởng thôn, trưởng bản, trong đó chú trọng đến đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số. Đảm bảo hàng năm có ít nhất 20% cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng; đồng thời, chủ động tìm và xác định nguồn cán bộ cơ sở để sớm có giải pháp bồi dưỡng từ khi còn là học sinh học phổ thông.

- Đào tạo Nông dân: Thông qua các Chương trình mục tiêu (chương trình Việc làm, chương trình Xóa đói giảm nghèo, chương trình khuyến nông, khuyến lâm... ) tổ chức các lớp (khóa) dạy nghề ngắn hạn, các lớp tập huấn, học tập kinh nghiệm... theo các mục tiêu cho nông dân trong tỉnh. Những ngành nghề cần tổ chức đào tạo là: Kỹ thuật cơ giới hóa nông nghiệp, kỹ thuật trồng, chăn nuôi giống mới, kỹ thuật thú y, bảo vệ thực vật, bảo quản và sơ chế sản phẩm sau thu hoạch... Đồng thời, tập trung đào tạo nghề cho những người lao động chuyển việc làm từ khu vực nông nghiệp sang khu vực phi nông nghiệp (chủ yếu là lao động trong độ tuổi thanh niên).

6. Cải thiện và nâng cao chất lượng dân số

- Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng dân số, nâng cao thể trạng, thể lực, trí tuệ của người dân; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cộng đồng về DS-KHHGĐ, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe toàn diện cho nhân dân.

- Tập trung giảm nhanh tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em. Chú trọng giáo dục sức khỏe, đảm bảo dinh dưỡng học đường, kết hợp với tăng cường giáo dục thể chất và các hoạt động thể dục - thể thao trong trường học. Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân, nhất là ở vùng cao, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn. Thực hiện có hiệu quả chính sách dân số, gia đình, bảo vệ và chăm sóc trẻ em, tạo môi trường lành mạnh để trẻ em phát triển toàn diện; nâng cao tuổi thọ của người dân,... góp phần phát triển nguồn nhân lực theo chiều sâu.

- Chú trọng thực hiện chính sách an sinh xã hội; đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao mức sống của người dân; xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng và các thiết chế văn hóa nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.

- Khuyến khích lối sống lành mạnh, làm việc khoa học. Thực hiện công tác theo dõi và chăm sóc sức khỏe định kỳ, an toàn lao động cho người lao động.

7. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các Đề án, dự án trên địa bàn

- Đẩy nhanh đầu tư, chỉ đạo thực hiện các Đề án, quy hoạch phát triển các cơ sở đào tạo trong tỉnh đã phê duyệt. Cụ thể như sau:

+ Quy hoạch phát triển trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên giai đoạn 2010-2015, định hướng tới năm 2020;

+ Quy hoạch phát triển trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Điện Biên đến năm 2015 và định hướng tới năm 2020;

- Phát triển nhanh hệ thống cơ sở dạy nghề, bồi dưỡng lý luận trong tỉnh:

+ Đề án nâng cấp trường Trung cấp Nghề thành trường Cao đẳng Nghề tỉnh Điện Biên;

+ Xây dựng 6 Trung tâm dạy nghề các huyện, thị gồm: Mường Chà, Điện Biên Đông, Tủa Chùa, Mường Ảng, Mường Nhé và thị xã Mường Lay.

+ Đề án phát triển Trường Chính trị tỉnh Điện Biên giai đoạn 2007-2010; Định hướng đến 2015;

+ Xây dựng, cải tạo nâng cấp hệ thống Trung tâm bồi dưỡng chính trị từ tỉnh đến huyện;

- Xúc tiến thành lập Trung tâm dạy nghề phụ nữ vùng Tây Bắc

- Xúc tiến nhanh các điều kiện và quy trình xây dựng Đề án thành lập trường Đại học Điện Biên trước năm 2015 (theo Nghị quyết XII Đảng bộ tỉnh) trên cơ sở sắp xếp lại hệ thống các trường chuyên nghiệp của tỉnh.

Phần thứ 3

GIẢI PHÁP THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

I. ĐỔI MỚI QLNN VỀ PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC

1. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, quản lý của chính quyền các cấp, vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đối với phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giáo dục, đào tạo và pháp luật về phát triển nhân lực.

- Tổ chức tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động ở mỗi cấp mỗi ngành, trong cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và nhân dân về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; trước hết là nhận thức của thanh niên về vai trò của tri thức, của kỹ năng lao động, ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần hợp tác, tính tự chủ, sự cần thiết và tác dụng của kiến thức và đào tạo nghề. Lồng ghép những hoạt động này vào chương trình hướng nghiệp tại các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông.

- Tuyên truyền thuyết phục đi đôi với những giải pháp khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động tổ chức dạy nghề cho người lao động làm việc trong tổ chức, đơn vị của mình.

3. Huy động sức mạnh toàn bộ hệ thống chính trị của tỉnh và cộng đồng tham gia Phòng, chống HIV/AIDS và ma túy, mại dâm. Quyết tâm ngăn chặn, kiềm chế sự gia tăng và hạn chế tác hại do dịch HIV/AIDS và ma túy, mại dâm gây ra ảnh hưởng đến phát triển thể lực, trí lực nguồn nhân lực cũng như phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

4. Tiếp tục nâng cao chất lượng cán bộ, đổi mới tổ chức và phương pháp quản lý nhà nước về phát triển nguồn nhân lực

Đổi mới phương pháp quản lý nhằm nâng cao chất lượng phát triển nhân lực, đồng thời mở rộng quy mô đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển, gắn đào tạo nhân lực với nhu cầu sử dụng của xã hội. Những giải pháp chủ yếu là:

- Đẩy mạnh phân cấp quản lý, tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở đào tạo và sử dụng nhân lực;

- Cải tiến, đổi mới các hình thức tổ chức đào tạo nhân lực theo hướng tăng cường sự gắn kết và mối quan hệ trực tiếp giữa cơ sở đào tạo nhân lực với doanh nghiệp và các đơn vị, tổ chức có nhu cầu sử dụng nhân lực.

- Đổi mới cơ chế quản lý, bồi dưỡng cán bộ quản lý lao động và quản lý giáo dục đào tạo các cấp, nâng cao năng lực bộ máy quán lý; hoàn thiện hệ thống thanh tra giáo dục, thanh tra lao động, xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống thông tin quản lý giáo dục, thông tin thị trường lao động.

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới phương pháp quản lý lao động, quản lý đào tạo nhân lực

- Tăng cường giám sát, kiểm tra để nâng cao chất lượng và gắn đào tạo với nhu cầu xã hội

5. Hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về phát triển nguồn nhân lực và nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động

- Hoàn thiện tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn gồm: UBND và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các cấp. Đồng thời, tăng cường vai trò và trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp, các sở, ban, ngành trong việc theo dõi, dự báo, xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực.

- Cải tiến và tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan Đảng, đoàn thể chính trị

xã hội, các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh (nhất là các doanh nghiệp trực thuộc Trung ương quản lý, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) về phát triển nhân lực trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật, chính sách chung của nhà nước, tổ chức đào tạo, thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù riêng của tỉnh, tổ chức và doanh nghiệp;

- Nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ làm việc trong lĩnh vực quản lý nhà nước và phát triển nhân lực.

II. DỰ BÁO NHU CẦU VỐN VÀ CÁC GIẢI PHÁP HUY ĐỘNG VỐN, CHÍNH SÁCH ĐÀO TẠO, THU HÚT PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC

Nhu cầu vốn cho Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Điện Biên đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 bao gồm nhu cầu vốn cho đào tạo nhân lực (kinh phí chi thường xuyên) và nhu cầu vốn cho đầu tư xây dựng các cơ sở đào tạo nhân lực (kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản và tăng cường trang thiết bị cho các cơ sở đào tạo).

1. Căn cứ tính toán

1.1. Đào tạo nhân lực

a. Đào tạo nghề

- Căn cứ vào yêu cầu nâng cao chất lượng Đào tạo nghề trong thời gian tới mức tăng tiền lương giáo viên và giá nguyên, nhiên vật liệu thực hành của thị trường, dự kiến mức chi thường xuyên bình quân khoảng 4,5÷5 triệu đồng/ nghề/ người (sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng khoảng 3÷3,5 triệu đồng/ người/ khóa học; trung cấp, cao đẳng nghề khoảng 9-15 triệu đồng/người/khóa học - không bao gồm trợ cấp xã hội cho học viên).

- Dựa trên dự báo về tổng nhu cầu tuyển sinh Đào tạo nghề giai đoạn 2011-2020 và thời gian đào tạo thực tế của từng nghề.

b. Đào tạo nhân lực trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học

- Trên cơ sở yêu cầu nâng cao chất lượng giảng dạy trong thời gian tới, mức tăng tiền lương giảng viên, dự kiến mức chi thường xuyên bình quân khoảng 7-8 triệu đồng/sinh viên/năm và đào tạo trên đại học khoảng 28-30 triệu đồng/ người/khóa.

- Trên cơ sở ước lượng số lượng sinh viên tuyển sinh ở các trường cao đẳng, đại học tăng tuyến tính 5%/năm trong giai đoạn 2011-2020;

1.2. Đầu tư xây dựng các cơ sở đào tạo nhân lực

a. Đào tạo nghề: Có lộ trình đầu tư, đảm bảo các tiêu chí của trường Cao đẳng Nghề, cho triển khai các nội dung xây dựng trường trọng điểm về đào tạo nghề theo quy định của Bộ lao động - Thương binh và Xã hội. Ước tính nhu cầu vốn đầu tư khoảng 50.000 triệu đồng, hàng năm đầu tư củng cố, tăng cường CSVC, trang thiết bị dạy nghề, nhu cầu vốn bình quân mỗi năm khoảng 10.000 triệu đồng. Đến năm 2015, mỗi huyện, thị có 01 trung tâm đào tạo nghề (8/9 đơn vị huyện, thị - trừ Thành phố Điện Biên Phủ).

- Đến năm 2015 xây dựng mới (đồng bộ cả trang thiết bị) 06 Trung tâm đào tạo nghề cấp huyện. Dự ước nhu cầu vốn đầu tư khoảng 138.000 triệu đồng (mức đầu tư bình quân từ 14.000-22.000 triệu đồng/ trung tâm).

- Nhu cầu vốn cải tạo, nâng cấp CSVC, tăng cường trang thiết bị các cơ sở đào tạo nghề, Trung tâm hỗ trợ việc làm Hội nông dân tỉnh: Dự kiến mức đầu tư 30.000-50.000 triệu đồng, nhu cầu vốn bình quân mỗi năm khoảng 3.000-5.000 triệu đồng;

b. Đầu tư xây dựng đối với các trường cao đẳng, đại học, hệ thống trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện

- Nhu cầu vốn để đầu tư xây dựng CSVC thuộc các Đề án, quy hoạch phát triển các cơ sở đào tạo tỉnh đã phê duyệt là:

+ Quy hoạch phát triển trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên giai đoạn 2010-2015, định hướng tới năm 2020: Ước tính nhu cầu vốn đầu tư 355.000 triệu đồng (bình quân mỗi năm khoảng 35.500 triệu đồng);

+ Quy hoạch phát triển trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Điện Biên đến năm 2015 và định hướng tới năm 2020: Ước tính nhu cầu vốn đầu tư 140.000 triệu đồng (bình quân mỗi năm khoảng 14.000 triệu đồng);

- Xúc tiến các điều kiện và quy trình xây dựng, thông qua Đề án thành lập trường Đại học Điện Biên trước năm 2015 (theo Nghị quyết Đảng bộ tỉnh) trên cơ sở sắp xếp lại hệ thống các trường chuyên nghiệp của tỉnh. Ước tính nhu cầu vốn đầu tư 300.000 triệu đồng (bình quân mỗi năm khoảng 30.000 triệu đồng);

c. Nhu cầu vốn thực hiện Đề án phát triển Trường Chính trị tỉnh Điện Biên giai đoạn 2007-2010; Định hướng đến 2015 và nhu cầu vốn bảo trì, sửa chữa các hạng mục công trình đã có giai đoạn đến năm 2020; nhu cầu vốn cải tạo nâng cấp hệ thống Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện: Ước tính nhu cầu vốn đầu tư 80.000 triệu đồng (bình quân mỗi năm khoảng 8.000 triệu đồng);

2. Tổng hợp nhu cầu vốn và khả năng huy động các nguồn vốn cho phát triển nhân lực (chi tiết phụ biểu số 16)

a. Tổng nhu cầu vốn: Để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Đề án đã đề ra giai đoạn 2011-2020 cần khoảng 2.098,217 tỷ đồng. Cụ thể:

- Giai đoạn 2011-2015: 1.091,472 tỷ đồng. Trong đó:

+ Ngân sách chi thường xuyên (chi đào tạo): 385,532 tỷ đồng

+ Vốn đầu tư phát triển: 705,940 tỷ đồng

- Giai đoạn 2016-2020: 1.006,745 tỷ đồng. Trong đó:

+ Ngân sách chi thường xuyên (chi đào tạo): 435.745 tỷ đồng

+ Vốn đầu tư phát triển: 571,0 tỷ đồng

b. Khả năng huy động, cân đối các nguồn vốn

Để thực hiện Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh theo đúng mục tiêu, định hướng đặt ra, các cơ sở Đào tạo nghề, các trường Đại học và Cao đẳng trên địa bàn cần sự hỗ trợ của Trung ương và tỉnh nhằm huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển thuộc các thành phần kinh tế trong và ngoài nước. Cụ thể:

+ Hàng năm phân bổ ngân sách cho sự nghiệp giáo dục đảm bảo theo quy định. Chi đào tạo không thấp hơn 5% trong tổng chi giáo dục. Số vượt thu hằng năm dành tỷ lệ không thấp hơn 5% chi đào tạo nghề đối với lao động khu vực nông thôn.

+ Đối với cơ sở Đào tạo nghề, dự kiến đảm bảo nguồn cho nhu cầu đào tạo nhân lực theo tỷ trọng: NSNN 60% và huy động 40%.

+ Đảm bảo ngân sách chi cho giáo dục - đào tạo của tỉnh ở mức 45% - 48% trên tổng chi ngân sách thường xuyên của tỉnh.

+ Đối với các trường Đại học - Cao đẳng công lập của tỉnh, ngân sách chi cho công tác đào tạo hàng năm ngoài nguồn thu NSNN còn có nguồn thu của người học và nguồn vốn huy động khác.

c. Giải pháp huy động vốn cho phát triển nhân lực

- Đối với nguồn vốn ngân sách Nhà nước:

+ Tích cực liên hệ phối hợp tốt với các Bộ, Ngành Trung ương để xây dựng kế hoạch đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất các cơ sở đào tạo nghề, các trường Đại học, cao đẳng thông qua các chương trình, dự án (như: Chương trình mục tiêu quốc gia về Việc làm và dạy nghề; Chương trình mục tiêu Quốc gia về Giáo dục & Đào tạo; vốn quan hệ hợp tác hữu nghị Việt - Lào...) đảm bảo theo định hướng phân bổ các nguồn vốn hỗ trợ theo chính sách của Chính phủ.

+ Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, Ngành Trung ương trong xây dựng kế hoạch chương trình hành động với yêu cầu mục tiêu nhiệm vụ phải đồng bộ với các giải pháp, nhất là giải pháp về nguồn lực đầu tư.

+ Ưu tiên đầu tư xây dựng CSVC, các phòng thí nghiệm, các trang thiết bị phục vụ đào tạo, nghiên cứu, thực hành cho Trường Đại học Điện Biên nhằm đưa trường trở thành trường Đại học trọng điểm của tỉnh miền núi phía Bắc.

- Đối với nguồn vốn ngoài Nhà nước: Tỉnh tiếp tục rà soát, điều chỉnh các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư trên địa bàn phù hợp, thông thoáng nhằm thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực giáo dục - đào tạo; Các trường Đại học, cao đẳng chuyên nghiệp và các cơ sở Đào tạo nghề cần chủ động tìm kiếm, hợp tác với các doanh nghiệp nhằm huy động, khai thác nguồn vốn của các doanh nghiệp vào xây dựng tăng cường CSVC của trường.

3. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

3.1. Chính sách tài chính và sử dụng ngân sách cho phát triển nhân lực

- Thực hiện nghiêm quy định và sử dụng có hiệu quả ngân sách nhà nước dành cho phát triển nhân lực. Ngân sách nhà nước tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở và hoạt động đào tạo trên địa bàn tỉnh theo các quy định hiện hành của Luật Ngân sách, Luật Đầu tư, các Chương trình của Bộ Giáo dục & Đào tạo, Tổng Cục dạy nghề.

- Thực hiện các chính sách khuyến khích (về thuế, đất đai, tín dụng…) để các doanh nghiệp xây dựng cơ sở đào tạo hoặc đóng góp kinh phí cho đào tạo nguồn nhân lực.

- Thu hút đầu tư nước ngoài huy động từ sự đóng góp của người dân, doanh nghiệp (đầu tư xây dựng các cơ sở đào tạo và học phí) cho phát triển đào tạo nguồn nhân lực.

- Khuyến khích mở rộng các hình thức tín dụng liên kết giữa cơ sở đào tạo, ngân hàng, tổ chức tín dụng, cơ sở sử dụng nhân lực và người học để tạo nguồn kinh phí cho cơ sở đào tạo và người học.

3.2. Chính sách trọng dụng và thu hút nhân tài

- Đổi mới đồng bộ các khâu tuyển dụng, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng và thực hiện chính sách đối với cán bộ; gắn đào tạo với thu hút và sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ.

- Có cơ chế đột phá trong bố trí và sử dụng nguồn nhân lực trẻ, được đào tạo cơ bản, tạo điều kiện cho công chức, viên chức trẻ được thăng tiến, đề bạt, bổ nhiệm vào các chức vụ lãnh đạo quản lý.

- Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ người lao động tham gia đào tạo trình độ cao (trên đại học) theo các ngành nghề mà tỉnh có nhu cầu cấp bách, nhu cầu lớn (quản lý hành chính NN, chính sách công, điện tử - công nghệ thông tin, sản xuất vật liệu xây dựng, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm…).

- Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút nguồn nhân lực có trình độ đại học, trên đại học về các huyện nghèo và tỉnh công tác như: điều kiện nhà ở, đất ở giao, nhiệm vụ trọng trách, phụ cấp tiền lương, tiền thưởng, hỗ trợ trả thuế thu nhập cá nhân…

- Đẩy mạnh công tác quảng bá, tuyên truyền chính sách thu hút nhân tài của tỉnh.

3.3. Chính sách ưu tiên phát triển nhân lực các dân tộc thiểu số, vùng cao và vùng sâu, vùng xa

- Thực hiện công bằng, khách quan chính sách cử tuyển của nhà nước đối với học sinh các dân tộc thiểu số trong tỉnh.

- Tập trung các nguồn vốn nâng cấp mở rộng, hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và điều kiện sinh hoạt cho hệ thống các trường PTDT nội trú, bán trú tạo nguồn đào tạo nhân lực là người dân tộc thiểu số.

- Có quy định giao nhiệm vụ cho các trung tâm dạy nghề huyện tổ chức các khóa đào tạo dành riêng cho đồng bào các dân tộc thiểu số, người lao động vùng sâu, vùng xa. Nhiệm vụ được giao kèm theo kinh phí để thực hiện.

- Xây dựng các dự án và cơ chế, chính sách đặc thù kèm theo để phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số, nguồn nhân lực là lao động nữ. Lồng ghép các chương trình, dự án đào tạo trong chương trình Quốc gia xóa đói giảm nghèo, chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững thao Nghị quyết 30a/CP, chương trình khuyến nông khuyến lâm, Chương trình xây dựng nông thôn mới… để tổ chức đào tạo kỹ năng cho đồng bào các dân tộc thiểu số và vùng sâu vùng xa.

3.4. Chính sách Xã hội hóa phát triển nguồn nhân lực

- Trên cơ sở chủ trương chung của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh xã hội hóa các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, thể dục thể thao, đảng bộ và chính quyền tỉnh cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực đầu tư tăng cường cơ sở vật chất cho giáo dục - đào tạo.

- Tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp và người dân trong và ngoài tỉnh tham gia đầu tư phát triển nhân lực, trước hết là đào tạo nhân lực bằng những ưu đãi về đất đai, giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng…

- Chính quyền các cấp đứng ra làm đầu mối liên kết các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp để hợp tác đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, doanh nghiệp hỗ trợ cơ sở đào tạo trong việc bố trí nơi thực tập, giáo viên thực hành và tiếp nhận học sinh tốt nghiệp, giải quyết việc làm sau đào tạo…

3.5. Chính sách xây dựng và phát triển hệ thống công cụ thông tin và thị trường lao động

- Tổ chức mạng lưới dịch vụ việc làm: Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn về việc làm: Thu nhập, cung cấp thông tin, giới thiệu, môi giới tuyển dụng lao động, tư vấn và tổ chức tuyển dụng lao động.

- Xây dựng và phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động trên địa bàn tỉnh, kết nối với các tỉnh trên cả nước và thị trường lao động Quốc tế với những nội dung chủ yếu sau: Thông tin về các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực, thông tin về cầu lao động (nhu cầu về lao động của các cơ sở sử dụng lao động).

- Hệ thống văn bản Quy phạm pháp luật về lao động, việc làm, tiền lương, tiền công, điều kiện lao động, bảo hiểm lao động, an sinh xã hội…

- Thường xuyên tổ chức điều tra về thực trạng lao động, việc làm trên địa bàn tỉnh.

3.6. Mở rộng, tăng cường sự phối hợp và hợp tác để phát triển nhân lực

a. Sự phối hợp và hợp tác với các cơ quan, tổ chức Trung ương:

- Phối hợp giữa các cấp quản lý hành chính của tỉnh, huyện và các cơ sở (xã, thôn) trong xây dựng chính sách, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án và chính sách phát triển nhân lực.

- Phối hợp giữa các ngành trên địa bàn tỉnh, gồm giữa các ngành thuộc tỉnh với nhau và giữa các ngành thuộc tỉnh với các cơ sở khác trên địa bản (doanh nghiệp, cơ sở đào tạo của các cơ quan Trung ương trên địa bàn tỉnh, của nước ngoài) trong đào tạo và sử dụng nhân lực.

- Phối hợp giữa tỉnh và Trung ương trong việc tổ chức thực hiện các chương trình, dự án và chính sách phát triển nhân lực phù hợp với phương hướng chung của cả nước và tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương đối với tỉnh trong đào tạo nhân lực.

- Xây dựng, tăng cường và duy trì thường xuyên mối liên kết, hợp tác giữa các cơ sở đào tạo nhân lực và các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng nhân lực.

b. Sự phối hợp và hợp tác với các tỉnh bạn, đặc biệt là với Hà Nội trong phát triển nhân lực.

Sự phối hợp trong các lĩnh vực và theo những hình thức chủ yếu sau:

- Liên kết, hợp tác trong đào tạo nhân lực trình độ cao và các ngành nghề mà Điện Biên chưa có hoặc nếu có thì chất lượng chưa đáp ứng nhu cầu.

- Thu hút các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và nhà đầu tư Hà Nội đầu tư xây dựng các cơ sở đào tạo (trường học chất lượng cao, phân hiệu, khoa, trung tâm đào tạo…) hoặc tổ chức các chương trình đào tạo tại Điện Biên.

- Cung cấp, trao đổi thông tin về phát triển nguồn nhân lực: Ngành nghề đào tạo mới, nhu cầu về lao động, dự báo di chuyển lao động giữa Điện Biên và các tỉnh, trước hết là các tỉnh lân cận.

c. Quan hệ Quốc tế và liên kết đào tạo với nước ngoài

- Từng bước thiết lập, tăng cường quan hệ hợp tác song phương và đa phương với các trường đại học, học viện nước ngoài trong việc liên kết đào tạo; tuyển sinh và khuyến khích học sinh du học tự túc. Tiếp tục khuyến khích cán bộ, công chức thi tuyển đào tạo trên chuẩn, du học nước ngoài bằng nguồn Ngân sách nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi để đưa học sinh đi đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ cho quá trình hội nhập và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Xây dựng kế hoạch khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư phát triển TCCN, đào tạo nghề tại địa phương phục vụ các ngành nghề trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu lao động (xây dựng, may, lao động phổ thông).

4. Đào tạo, nâng cao trình độ kiến thức và kỹ năng lao động

- Các cấp chính quyền, các sở, ban, ngành và doanh nghiệp cần quan tâm dự báo nhu cầu, xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch, đề án, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong đó cần xác định cụ thể số lượng, ngành nghề, tiêu chuẩn, thời gian dự kiến tuyển dụng, đào tạo để làm cơ sở cho các dự báo cầu lao động, lao động qua đào tạo của các cơ quan chức năng có cơ sở thực tiễn và hiệu quả. Trên cơ sở cầu lao động cụ thể, tỉnh chỉ đạo các cơ quan quản lý ngành xây dựng, thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở đào tạo, chương trình đào tạo phù hợp từng chuyên ngành, tránh hiện tượng đào tạo tràn lan, gây lãng phí ở ngành này và thiếu hụt lao động ở ngành khác.

- Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, ý thức kỷ luật cao, có năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao, gắn bó mật thiết với nhân dân.

- Người lao động được đào tạo ngành nghề, kỹ năng phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế của nền sản xuất trên địa bàn tỉnh.

4.1. Tăng cường cơ sở vật chất, đồng bộ hóa, chuẩn hóa theo hướng hiện đại mạng lưới giáo dục để tiếp tục nâng cao trình độ học vấn và chất lượng giáo dục làm cơ sở vững chắc cho phát triển đào tạo nhân lực.

- Xây dựng hệ thống giáo dục - đào tạo đồng bộ theo hướng hiện đại hóa để Điện Biên trở thành trung tâm đào tạo đa ngành, chất lượng cao của vùng núi Tây Bắc, góp phần quyết định vào việc thực hiện những mục tiêu phát triển toàn diện nguồn nhân lực của tỉnh và của vùng núi Tây Bắc (về cấp trình độ và cơ cấu ngành nghề đào tạo). Phấn đấu đảm bảo đủ cơ sở giáo dục và đào tạo để hầu hết thanh niên của tỉnh và các tỉnh trong vùng sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở được tiếp tục học hết trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp hoặc đào tạo nghề.

- Củng cố, sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp học để hệ thống giáo dục - đào tạo phát triển toàn diện. Thành lập trường phổ thông dân tộc bán trú tại các xã đặc biệt khó khăn. Mở rộng mạng lưới các cơ sở giáo dục thường xuyên, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của nhân dân. Củng cố và nâng cao hiệu quả đào tạo của các trường chuyên nghiệp, các cơ sở đào tạo nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực.

- Nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý giáo dục, đào tạo, tăng hiệu quả sử dụng các nguồn lực đầu tư cho giáo dục - đào tạo.

4.2. Đầu tư nâng cấp, xây dựng và phát triển mạng lưới các trường chuyên nghiệp và cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh

- Quy hoạch, củng cố, sắp xếp hợp lý các trường chuyên nghiệp, các cơ sở dạy nghề của tỉnh. Đầu tư nâng cấp Trường cao đẳng nghề Điện Biên thành trường trọng điểm về đào tạo công nhân lành nghề, kỹ thuật cao. Chuẩn bị các điều kiện thành lập trường đại học Điện Biên.

- Xây dựng và phát triển 7-8 cơ sở dạy nghề (trong đó có 01 trường cao đẳng nghề) để đào tạo công nhân kỹ thuật cho các ngành thuộc lĩnh vực có ưu thế của tỉnh như: Lâm sinh, điện dân dụng, khai thác mủ cao su, vận hành máy công trình; Chế biến nông, lâm sản; chế biến thức ăn gia súc; sản xuất vật liệu xây dựng; công nghiệp điện; khai thác khoáng sản; du lịch, dịch vụ... ). Khuyến khích phát triển đào tạo nghề trong các doanh nghiệp.

- Củng cố, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề cho Trung tâm dạy nghề các cấp, không ngừng mở rộng và hiện đại hóa các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đảm bảo phục vụ đào tạo nhân lực có chất lượng, phù hợp với nhu cầu thực tế và hội nhập quốc tế.

- Thực hiện nghiêm và thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình trạng cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị… của các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh trên cơ sở đối chiếu với yêu cầu về chuẩn mực của Nhà nước.

Phần thứ tư

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư (Cơ quan thường trực Đề án)

- Chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo Đề án Phát triển nguồn nhân lực tỉnh Điện Biên.

- Giúp Ban chỉ đạo đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh quản lý, điều hành và định kỳ đánh giá, tổng kết hàng năm tình hình triển khai thực hiện Đề án báo cáo UBND tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, huyện, thị, thành phố cụ thể hóa, lồng ghép các mục tiêu và giải pháp thực hiện phát triển nhân lực vào kế hoạch phát triển KTXH 5 năm và hàng năm của tỉnh.

- Phối hợp với Sở Tài chính, tham mưu đề xuất kế hoạch huy động và cân đối các nguồn lực, nhất là nguồn vốn đầu tư phát triển nhân lực và vốn đầu tư xây dựng các cơ sở đào tạo, dạy nghề có sử dụng nguồn vốn ngân sách tỉnh và nguồn vốn khác đầu tư vào tỉnh trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch được duyệt;

- Làm đầu mối, tham mưu cho UBND tỉnh trong công tác xúc tiến đầu tư các nguồn vốn từ các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực phát triển nhân lực; kêu gọi đầu tư xây dựng các trường tại Điện Biên.

2. Sở Giáo dục và Đào tạo

Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, Ngành, đơn vị thực hiện các nội dung:

- Thực hiện Quy hoạch phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo tỉnh Điện Biên giai đoạn 2008-2015, định hướng đến năm 2020.

- Phối hợp nghiên cứu, đề xuất các chính sách, giải pháp, biện pháp có liên quan đến phát triển nguồn nhân lực của tỉnh;

- Chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị, đoàn thể: triển khai thực hiện tốt các hoạt động giáo dục - đào tạo, hướng nghiệp cho học sinh theo chương trình chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Chuẩn bị các điều kiện thành lập trường đại học Điện Biên.

- Chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan lồng ghép các mục tiêu, giải pháp của chương trình vào quy hoạch, kế hoạch phát triển giáo dục & đào tạo, quy hoạch phát triển mạng lưới các trường chuyên nghiệp; Xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án phát triển nhân lực trọng điểm, tập trung vào những giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nhằm nâng cao trình độ học vấn của nhân dân.

- Chủ trì, phối hợp với các sở ngành có liên quan đề xuất chính sách đầu tư hỗ trợ của nhà nước cho các cơ sở giáo dục, đào tạo ngoài công lập.

- Định kỳ 6 tháng, hàng năm đánh giá, tổng kết tình hình thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, đề án được phân cấp quản lý, điều hành gửi Sở Kế hoạch & Đầu tư tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, Ngành, đơn vị thực hiện các nội dung:

- Nghiên cứu, đề xuất các chính sách, giải pháp, biện pháp có liên quan đến phát triển nguồn nhân lực của tỉnh; đề xuất chính sách đầu tư hỗ trợ của nhà nước cho các cơ sở đào tạo, dạy nghề ngoài công lập.

- Có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, kinh phí, tổ chức thực hiện dạy nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn.

- Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về thị trường lao động; xây dựng chương trình hợp tác lao động ngoài tỉnh; tìm kiếm thị trường xuất khẩu lao động.

- Chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện tốt các Chương trình Việc làm, Đề án được phân cấp quản lý điều hành;

- Định kỳ 6 tháng, hàng năm đánh giá, tổng kết tình hình thực hiện các nhiệm

vụ, chương trình, đề án được phân cấp quản lý, điều hành gửi Sở Kế hoạch & Đầu tư tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, Ngành, đơn vị liên quan thực hiện các nội dung:

- Nghiên cứu, đề xuất các chính sách, giải pháp, biện pháp có liên quan đến phát triển nguồn nhân lực của tỉnh;

- Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, ứng dụng khoa học kỹ thuật cho lực lượng lao động khu vực nông thôn;

- Có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, kinh phí, tổ chức thực hiện dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn.

- Chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện tốt các Chương trình Việc làm, Đề án được phân cấp quản lý điều hành;

- Định kỳ 6 tháng, hàng năm đánh giá, tổng kết tình hình thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, đề án được phân cấp quản lý, điều hành gửi Sở Kế hoạch & Đầu tư tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

5. Sở Tài chính

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành cân đối đảm bảo ngân sách chi thường xuyên cho công tác giáo dục, đào tạo hàng năm của tỉnh. Hướng dẫn, giám sát việc sử dụng kinh phí theo đúng Luật ngân sách và thông tư hướng dẫn hiện hành của các Bộ, ngành. Phối hợp với các ban, ngành, đơn vị trong việc tham gia xây dựng, đề xuất các chính sách, giải pháp trong quá trình thực hiện.

- Phối hợp với Sở Kế hoạch & Đầu tư và cơ quan đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh bố trí kế hoạch vốn đầu tư xây dựng các cơ sở đào tạo, dạy nghề đáp ứng cho yêu cầu phát triển nguồn nhân lực của tỉnh theo qui hoạch, kế hoạch tỉnh duyệt.

- Định kỳ 6 tháng, hàng năm đánh giá, tổng kết tình hình thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, đề án được phân cấp quản lý, điều hành gửi Sở Kế hoạch & Đầu tư tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

6. Sở Nội vụ:

Chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành liên quan thực hiện các nội dung:

- Hoàn thiện cơ cấu tổ chức bên trong các cơ quan hành chính các cấp và các cơ sở đào tạo;

- Xác định nhu cầu, xây dựng Quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức hành chính và cán bộ cơ sở của tỉnh giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020. Đồng thời xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng năm; Có trách nhiệm hướng dẫn các cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai thực hiện.

- Xây dựng phương án tuyển dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức do tỉnh quản lý và đội ngũ cán bộ cơ sở. Kiểm tra việc tuyển dụng, bố trí sử dụng cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ cơ sở của cơ quan, đơn vị.

- Tổ chức triển khai các chương trình, dự án được phân cấp quản lý, điều hành.

- Tham mưu UBND tỉnh ban hành, sửa đổi bổ sung các chế độ chính sách nhằm phát triển về số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh.

- Định kỳ 6 tháng, hàng năm đánh giá, tổng kết tình hình thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, đề án được phân cấp quản lý, điều hành gửi Sở Kế hoạch & Đầu tư tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

7. Sở Y tế

- Thực hiện Quy hoạch phát triển ngành y tế tỉnh Điện Biên giai đoạn 2006-2010 và tầm nhìn đến năm 2020.

- Tổ chức tuyên truyền giáo dục dinh dưỡng, chăm sóc bà mẹ, trẻ em; giáo dục sức khỏe sinh sản. Thực hiện công tác theo dõi và chăm sóc sức khỏe định kỳ cho người lao động.

- Định kỳ 6 tháng, hàng năm đánh giá, tổng kết tình hình thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, đề án được phân cấp quản lý, điều hành gửi Sở Kế hoạch & Đầu tư tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

8. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Chủ trì xây dụng kế hoạch nâng cao thể lực người lao động; Xây dựng đề án xã hội hóa công tác thể dục thể thao.

- Phối hợp thực hiện Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Điện Biên đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 theo chức năng nhiệm vụ của ngành.

- Định kỳ 6 tháng, hàng năm đánh giá, tổng kết tình hình thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, đề án được phân cấp quản lý, điều hành gửi Sở Kế hoạch & Đầu tư tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

9. Các sở, ban, ngành và các đơn vị tổ chức liên quan khác

- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và định hướng phát triển nhân lực của đơn vị; xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch hàng năm, kế hoạch giai đoạn gắn với chỉ tiêu phát triển nguồn nhân lực của tỉnh. Tổ chức quản lý, điều hành và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực được phân cấp quản lý.

- Chủ động phối hợp với các ngành, địa phương đề xuất các giải pháp thực hiện phát triển nguồn nhân lực của tỉnh.

- Định kỳ 6 tháng, hàng năm đánh giá, tổng kết tình hình thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, đề án được phân cấp quản lý, điều hành gửi Sở Kế hoạch & Đầu tư tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

10. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Căn cứ Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Điện Biên giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020; trên cơ sở chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực của địa phương và tổ chức thực hiện lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế

- xã hội khác đầu tư trên địa bàn.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tổ chức thực hiện các chương trình, dự án liên quan đến phát triển nguồn nhân lực tại địa phương; tích cực đề xuất các chính sách, giải pháp thực hiện đề án.

- Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn khảo sát, thống kê trình độ nguồn nhân lực hàng năm, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

- Định kỳ 6 tháng, hàng năm đánh giá, tổng kết tình hình thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, đề án được phân cấp quản lý, điều hành gửi Sở Kế hoạch & Đầu tư tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

11. Các trường chuyên nghiệp, dạy nghề và các cơ sở dạy nghề khác

- Xây dựng kế hoạch, thực hiện công tác đào tạo và liên kết đào tạo từng giai đoạn (đến năm 2015 và đến năm 2020). Xây dựng kế hoạch mở rộng ngành nghề, quy mô đào tạo; kế hoạch đào tạo sau đại học đội ngũ giảng viên. Tham gia xây dựng

Đề án thành lập trường Đại học Điện Biên. Cung cấp thông tin về đào tạo, nhu cầu việc làm; phối hợp với các ngành, địa phương, doanh nghiệp xúc tiến việc làm cho sinh viên.

- Định kỳ 6 tháng, hàng năm đánh giá, tổng kết tình hình thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, đề án được phân cấp quản lý, điều hành gửi Sở Kế hoạch & Đầu tư tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

12. Các tổ chức Chính trị - Xã hội, tổ chức Xã hội và các Hội

- Tham gia thực hiện và giám sát việc thực hiện đề án ở các cấp;

- Tổ chức tuyên truyền cho hội viên, đoàn viên về các mục tiêu, chính sách và hoạt động của đề án; vận động các thành viên tham gia học, tự học nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ;

- Tổ chức thực hiện các chương trình, dự án được phân cấp quản lý, điều hành.

- Định kỳ 6 tháng, hàng năm đánh giá, tổng kết tình hình thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, đề án được phân cấp quản lý, điều hành gửi Sở Kế hoạch & Đầu tư tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

II. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO, KIỂM TRA

- Các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố có kế hoạch triển khai thực hiện đề án trong kế hoạch công tác hàng năm và cả giai đoạn. Định kỳ 6 tháng, hàng năm báo cáo UBND tỉnh về tình hình thực hiện Đề án.

- Sở Kế hoạch & Đầu tư là cơ quan thường trực có trách nhiệm theo dõi, tổng hợp định kỳ 6 tháng, hàng năm, giữa kỳ và cả giai đoạn báo cáo UBND tỉnh tình hình thực hiện đề án và đề xuất giải quyết các vướng mắc, khó khăn (nếu có).

- Công tác giao ban, sơ, tổng kết thực hiện đề án được thực hiện theo kế hoạch của tỉnh, đồng thời xem xét rà soát, điều chỉnh các nội dung trong đề án (nếu cần thiết)./.

 

PHỤ BIỂU

Biểu 01: LỰC LƯỢNG LAO ĐỘNG THEO GIỚI TÍNH

Số TT

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

Năm 2005

Năm 2006

Năm 2009

Năm 2010

So sánh 2010/2005

Mức gia tăng

Tốc độ B/quân 2006-2010

1

Dân số trung bình

Người

438,457

452,682

490,764

504,502

66,045

2.85

 

Phân theo T.Thị, N.Thôn

 

 

 

 

 

 

 

 

Thành thị

Người

70,597

72,544

73,549

75,659

5,062

1.39

 

% so với tổng số

%

16.10

16.03

14.99

15.00

 

 

 

Nông thôn

Người

367,860

380,138

417,215

428,843

60,983

3.12

 

% so với tổng số

%

83.90

83.97

85.01

85.00

 

 

2

Dân số trong độ tuổi lao động

Người

256,892

272,062

283,662

291,602

34,710

2.57

 

% so với dân số TB

%

58.59

60.10

57.80

57.80

 

 

 

Trong đó :

 

 

 

 

 

 

 

 

Nam

Người

132,858

140,351

141,394

144,817

11,959

1.74

 

% so với tổng số

%

51.7

51.6

49.8

49.7

 

 

 

Nữ

Người

124,034

131,711

142,268

146,785

22,751

3.43

 

% so với tổng số

%

48.3

48.4

50.2

50.3

 

 

3

Lao động trong ngành KTQD

Người

242,648

246,850

262,352

268,495

25,847

2.05

 

% so với dân số trong độ tuổi

%

94.46

90.73

92.49

92.08

 

 

 

Trong đó :

 

 

 

 

 

 

 

 

Nam

Người

128,118

116,962

126,468

139,136

11,018

1.66

 

% so với tổng số

%

47.2

47.38

48.21

48.18

 

 

 

Nữ

Người

114,530

129,888

135,884

129,359

14,829

2.46

 

% so với tổng số

%

52.8

52.62

51.79

51.82

 

 

Nguồn: Cục Thống kê và Sở Kế hoạch & Đầu tư Điện Biên

Biểu 02: CƠ CẤU LAO ĐỘNG THEO NHÓM TUỔI

Đơn vị tính: Người

Số TT

Nhóm tuổi

Năm 2005

Năm 2006

Năm 2009

Năm 2010

So sánh 2010/2005

Mức gia tăng

Tốc độ BQ 2006-2010

1

Từ 15-24

96,521

98,563

107,082

110,226

13,705

2.69

2

Từ 25-34

64,509

68,866

76,532

78,733

14,224

4.07

3

Từ 35-44

55,369

58,210

54,889

56,570

1,201

0.43

4

Từ 45-54

29,905

34,904

39,089

39,658

9,753

5.81

5

Từ 55-60

10,588

11,519

6,070

6,415

-4,173

-9.54

 

Tổng số

256,892

272,062

283,662

291,602

 

2.57

Nguồn: Cục Thống kê Điện Biên

Biểu 03: TRÌNH ĐỘ HỌC VẤN CỦA NHÂN LỰC

Đơn vị tính: Người

Số TT

Chỉ tiêu

Năm 2005

Năm 2006

Năm 2009

Năm 2010

So sánh 2010/2005

Mức gia tăng

Tốc độ B/quân 2006 - 2010

I

Tổng số

242,647

246,850

262,352

268,495

25,848

2.05

1

Chưa bao giờ đi học (không biết chữ)

72,309

70,846

69,786

69,809

2,500

0.70

2

Chưa tốt nghiệp tiểu học

40,522

40,261

35,418

35,978

4,544

2.35

3

Tốt nghiệp tiểu học

68,184

69,069

67,110

67,983

201

0.06

4

Tốt nghiệp trung học cơ sở

54,086

58,281

74,770

78,669

24,583

7.78

5

Tốt nghiệp trung học phổ thông

7,546

8,393

15,269

16,056

8,510

16.30

II

Cơ cấu

 

 

 

 

 

 

 

Tổng số (=100%), trong đó:

100.0

100.0

100.0

100.0

 

 

1

Chưa bao giờ đi học (không biết chữ)

29.8

28.7

26.6

26.0

 

 

2

Chưa tốt nghiệp tiểu học

16.7

16.31

13.5

13.4

 

 

3

Tốt nghiệp tiểu học

28.1

27.98

25.58

25.32

 

 

4

Tốt nghiệp trung học cơ sở

22.29

23.61

28.5

29.3

 

 

5

Tốt nghiệp trung học phổ thông

3.11

3.4

5.82

5.98

 

 

Nguồn: Cục Thống kê Điện Biên

Biểu 04: CƠ CẤU LAO ĐỘNG THEO LĨNH VỰC NGÀNH

Đơn vị tính: Người

Số TT

Ngành kinh tế

Năm 2006

Năm 2009

Năm 2010

Số người

Tỷ lệ

(%)

Số người

Tỷ lệ

(%)

Số người

Tỷ lệ

(%)

 

Tổng số

246,850

100.0

262,352

100.0

268,495

100.0

1

Nông - Lâm - Ngư nghiệp

198,845

80.6

196,508

74.9

196,278

73.1

2

Công nghiệp - Xây dựng

13,982

5.7

21,300

8.1

25,228

9.4

3

Thương mại - Dịch vụ

34,023

13.8

44,544

17.0

46,989

17.5

Nguồn: Cục Thống kê Điện Biên

Biểu 05: THỰC TRẠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC THEO TRÌNH ĐỘ ĐÀO TẠO

Đơn vị tính: Người

Số TT

Nội dung

ĐVT

Năm 2005

Năm 2006

Năm 2009

Năm 2010

So sánh tăng/giảm 2010/2005

A

Cán bộ, công chức trong cơ quan hành chính cấp tỉnh, huyện

 

 

 

 

 

 

I

Tổng số

Người

1,472

1,687

1,937

2,053

581

1

Trung cấp chuyên nghiệp

Người

630

594

566

592

-38

2

Cao đẳng

Người

60

88

178

213

153

3

Đại học

Người

520

758

984

1,042

522

4

Thạc sỹ

Người

10

13

32

34

24

5

Tiến sỹ

Người

 

 

 

 

 

6

Trình độ khác

Người

252

234

177

172

 

II

Cơ cấu (tổng số = 100%)

 

100.0

100.0

100.0

100.0

 

1

Trung cấp chuyên nghiệp

%

42.8

35.2

29.2

28.8

 

2

Cao đẳng

%

4.1

5.2

9.2

10.4

 

3

Đại học

%

35.3

44.9

50.8

50.8

 

4

Thạc sỹ

%

0.7

0.8

1.7

1.7

 

5

Tiến sỹ

%

 

 

 

 

 

6

Trình độ khác

%

17.1

13.9

9.1

8.4

 

B

Cán bộ công chức cơ quan Đảng, đoàn thể cấp tỉnh, huyện

 

 

 

 

 

 

I

Tổng số

Người

813

813

931

931

118

1

Trung cấp chuyên nghiệp

Người

248

248

210

210

-38

2

Cao đẳng

Người

101

101

84

84

-17

3

Đại học

Người

171

171

446

446

275

4

Thạc sỹ

Người

6

6

8

8

2

5

Tiến sỹ

Người

 

 

 

 

 

6

Trình độ khác

Người

287

287

183

183

-104

II

Cơ cấu (tổng số = 100%)

 

100.0

100.0

100.0

100.0

0.0

1

Trung cấp chuyên nghiệp

%

30.5

30.5

22.6

22.6

 

2

Cao đẳng

%

12.4

12.4

9.0

9.0

 

3

Đại học

%

21.0

21.0

47.9

47.9

 

4

Thạc sỹ

%

0.7

0.7

0.9

0.9

 

5

Tiến sỹ

%

 

 

 

 

 

6

Trình độ khác

%

35.3

35.3

19.7

19.7

 

C

Cán bộ chuyên trách và công chức cấp xã

 

 

 

 

 

 

I

Tổng số

Người

2,618

2,770

3,608

3,738

1,120

1

Trung cấp chuyên nghiệp

Người

217

404

1,073

1,176

959

2

Cao đẳng

Người

 

20

42

44

44

3

Đại học

Người

22

14

58

57

35

4

Thạc sỹ

Người

 

 

 

 

 

5

Tiến sỹ

Người

 

 

 

 

 

6

Trình độ khác

Người

117

245

133

197

80

 

Chưa qua đào tạo

Người

2,262

2,087

2,302

2,264

2

II

Cơ cấu (tổng số = 100%)

 

100.0

100.0

100.0

100.0

 

1

Trung cấp chuyên nghiệp

%

8.3

14.6

29.7

31.5

 

2

Cao đẳng

%

0

0.7

1.2

1.2

 

3

Đại học

%

0.8

0.5

1.6

1.5

 

4

Trình độ khác

%

4.5

8.8

3.7

5.3

 

5

Chưa qua đào tạo

%

86.4

75.3

63.8

60.6

 

D

Viên chức (trong các đơn vị sự nghiệp)

 

 

 

 

 

 

I

Tổng số

Người

12,435

13,809

16,426

17,811

5,376

1

Trung cấp chuyên nghiệp

Người

4,862

5,319

5,933

6,322

1,460

2

Cao đẳng

Người

4,768

5,437

4,895

5,135

367

3

Đại học

Người

2,103

2,436

4,221

5,103

3,000

4

Thạc sỹ

Người

50

72

201

214

164

5

Tiến sỹ

Người

 

 

1

 

0

6

Trình độ khác

Người

652

545

1,175

1,037

385

II

Cơ cấu (tổng số = 100%)

 

100.0

100.0

100.0

100.0

 

1

Trung cấp chuyên nghiệp

%

39.1

38.5

36.1

35.5

 

2

Cao đẳng

%

38.3

39.4

29.8

28.8

 

3

Đại học

%

16.9

17.6

25.7

28.7

 

4

Thạc sỹ

%

0.4

0.5

1.2

1.2

 

5

Tiến sỹ

%

0

0

0.006087909

0

 

6

Trình độ khác

%

5.2

3.9

7.2

5.8

 

TỔNG CỘNG CHUNG HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ

I

Tổng số

Người

17,338

19,079

22,902

24,533

7,195

1

Trung cấp chuyên nghiệp

Người

5,957

6,565

7,782

8,300

2,343

2

Cao đẳng

Người

4,929

5,646

5,199

5,476

547

3

Đại học

Người

2,816

3,379

5,709

6,648

3,832

4

Thạc sỹ

Người

66

91

241

256

190

5

Tiến sỹ

Người

 

 

1

0

0

6

Trình độ khác

Người

1,308

1,311

1,668

1,589

281

7

Chưa qua đào tạo

Người

2,262

2,087

2,302

2,264

2

II

Cơ cấu (tổng số = 100%)

 

100.0

100.0

100.0

100.0

 

1

Trung cấp chuyên nghiệp

%

34.4

34.4

34.0

33.8

 

2

Cao đẳng

%

28.4

29.6

22.7

22.3

 

3

Đại học

%

16.2

17.7

24.9

27.1

 

4

Thạc sỹ

%

0.4

0.5

1.1

1.0

 

5

Tiến sỹ

%

0

0

0.004366431

0

 

6

Trình độ khác

%

7.5

6.9

7.3

6.5

 

7

Chưa qua đào tạo

%

13.0

10.9

10.1

9.2

 

Nguồn: Sở Nội vụ Điện Biên

 

BIỂU 6a: BIỂU CHI TIẾT CƠ SỞ VẬT CHẤT CÁC TRƯỜNG CAO ĐẲNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐIỆN BIÊN NĂM 2010

STT

Nội dung

Đơn vị tính

Tổng cộng

Trong đó

Trường CĐ Sư Phạm

Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật

Trường CĐ Y

I

Tổng Diện tích đất sử dụng

Ha

16.0

3.1

6.8

6.1

II

Số cơ sở học tập

 

 

 

 

 

1

Số phòng học

Phòng

70.0

29.0

29.0

12.0

 

Trong đó phòng kiên cố

Phòng

70.0

29.0

29.0

12.0

 

Diện tích

m2

8,840.2

3,433.0

4,687.2

720.0

2

Số phòng thí nghiệm

Phòng

14.0

6.0

3.0

5.0

 

Trong đó phòng kiên cố

Phòng

14.0

6.0

3.0

5.0

 

Diện tích

m2

1,391.1

779.0

412.1

200.0

3

Số phòng tin học

Phòng

6.0

3.0

2.0

1.0

 

Trong đó phòng kiên cố

Phòng

6.0

3.0

2.0

1.0

 

Diện tích

m2

505.0

200.0

245.0

60.0

4

Phòng thư viện

Phòng

6.0

3.0

1.0

2.0

 

Trong đó phòng kiên cố

Phòng

6.0

3.0

1.0

2.0

 

Diện tích

m2

2,975.6

2,306.0

549.6

120.0

5

Xưởng thực tập

Xưởng

7.0

 

6.0

1.0

 

Trong đó phòng kiên cố

Phòng

16.0

 

6.0

10.0

 

Diện tích

m2

1,260.5

 

675.5

585.0

III

Kí túc xá Sinh viên

 

 

 

 

 

1

Số phòng

Phòng

207.0

138.0

33.0

36.0

 

Trong đó phòng kiên cố

Phòng

207.0

138.0

33.0

36.0

 

Diện tích

m2

9,460.4

6,595.0

1,310.4

1,555.0

IV

Sân chơi thể thao

Sân

2.0

 

 

2.0

 

Diện tích

m2

10,655.0

7,200.0

1,000.0

2,455.0

 

BIỂU 6b: BIỂU CHI TIẾT CƠ SỞ VẬT CHẤT TRƯỜNG TRUNG CẤP NGHỀ TỈNH ĐIỆN BIÊN NĂM 2010

Số TT

Nội dung

Đơn vị tính

Số lượng

I

Tổng Diện tích đất sử dụng

Ha

3.53

II

Số cơ sở học tập

 

 

1

Số phòng học

Phòng

33.0

Trong đó phòng kiên cố

Phòng

33.0

Diện tích

m2

1,212.0

2

Số phòng thí nghiệm

Phòng

2.0

Trong đó phòng kiên cố

Phòng

2.0

Diện tích

m2

112.0

3

Số phòng tin học

Phòng

6.0

Trong đó phòng kiên cố

Phòng

6.0

Diện tích

m2

160.0

4

Phòng thư viện

Phòng

1.0

Trong đó phòng kiên cố

Phòng

1.0

Diện tích

m2

148.2

5

Xưởng thực tập

Xưởng

2.0

Trong đó xưởng kiên cố

Phòng

2.0

Diện tích

m2

1,431.8

Vườn thực nghiệm

Vườn

1.0

Diện tích

Diện tích

500.0

III

Kí túc xá Sinh viên

 

 

1

Số phòng

Phòng

42.0

Trong đó phòng kiên cố

Phòng

42.0

Diện tích

m2

869.4

IV

Sân chơi thể thao

Sân

 

1

Diện tích

m2

1,500.0

2

Nhà Giáo dục thể chất

Nhà

1.0

Diện tích

m2

714.0

 


BIỂU 7a: TRÌNH ĐỘ GIẢNG VIÊN TRƯỜNG CAO ĐẲNG SƯ PHẠM TỈNH ĐIỆN BIÊN NĂM 2010

Đơn vị tính: Người

Số TT

Nội dung

Tổng cộng

Chia ra

Quản lý Giáo dục

Toán lý

Hóa sinh

Văn – Sử Địa

Tin – Kĩ thuật CN

Tiếng Anh

Công tác xã hội

Thông tin thư viên

Việt Nam học

QL Văn hóa

Nhạc – Họa

Tiểu học – Mầm non

Chính trị - Tâm lý GD

Luật

Thể chất QP

I

Tổng số CB, CNV giáo viên

172

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trong đó: Giảng viên (*)

143

6

23

14

29

7

11

2

1

1

1

7

5

21

2

13

II

Giảng viên chia theo trình độ chuyên môn (*)

143

6

23

14

29

7

11

2

1

1

1

7

5

21

2

13

1

Sau đại học

72

6

15

10

27

1

1

 

 

 

 

 

2

9

0

1

*

Tiến sĩ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trong đó nữ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

*

Thạc sĩ

72

6

15

10

27

1

1

 

 

 

 

 

2

9

 

 

 

Trong đó nữ

51

4

7

6

26

 

 

 

 

 

 

 

2

5

 

 

2

Đại học

68

 

8

4

2

5

10

2

1

1

1

6

3

12

2

11

 

Trong đó nữ

39

 

5

3

1

3

6

2

1

 

 

3

3

11

 

 

3

Cao đẳng

3

 

 

 

 

1

 

 

 

 

 

1

 

 

 

1

 

Trong đó nữ

1

 

 

 

 

1

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

4

Trình độ khác

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trong đó nữ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

III

Giảng viên chia theo thâm niên giảng dạy

143

6

23

14

29

7

11

2

1

1

1

7

5

21

2

13

1

Dưới 5 năm

30

 

4

1

1

1

3

2

 

1

1

2

 

8

1

5

2

Từ 5 đến < 10 năm

42

1

6

6

2

4

6

 

1

 

 

1

5

4

1

5

3

Từ 10 năm đến < 20 năm

61

3

10

7

26

1

2

 

 

 

 

4

 

7

 

1

4

Từ 20 năm trở lên

10

2

3

 

 

1

 

 

 

 

 

 

 

2

 

2

Nguồn: Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên

BIỂU 7b: TRÌNH ĐỘ GIẢNG VIÊN TRƯỜNG CAO ĐẲNG KINH TẾ - KĨ THUẬT TỈNH ĐIỆN BIÊN NĂM 2010

Đơn vị tính: Người

Số TT

Nội dung

Tổng số

Chia ra

Tài chính - Kế toán

Địa chính - xây dựng

Lâm nghiệp

Trồng trọt - chăn nuôi

Ngoại ngữ

Tin học

Luật

Hành chính Văn phòng

Quản lý văn hóa- Du lịch

Văn hóa phổ thông

Thể dục - Giáo dục QP

Giáo dục chính trị

Khác

I

Tổng số CB, CNV giáo viên

137

30

3

5

19

9

7

6

6

5

26

5

6

10

 

Trong đó: Giảng viên (*)

94

22

2

5

10

6

5

4

4

5

21

5

5

0

II

Giảng viên chia theo trình độ chuyên môn (*)

94

22

2

5

10

6

5

4

4

5

21

5

5

0

1

Sau Đại học

20

5

1

1

4

1

0

2

0

0

5

0

1

0

*

Tiến sĩ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trong đó nữ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

*

Thạc sĩ

20

5

1

1

4

1

 

2

 

 

5

 

1

 

 

Trong đó nữ

4

1

 

 

 

1

 

1

 

 

1

 

 

 

 

Đại học

72

17

1

4

6

5

4

2

4

4

16

5

4

 

 

Trong đó nữ

43

11

 

2

3

4

2

1

3

1

12

0

4

 

3

Cao đẳng

2

 

 

 

 

 

1

 

 

1

 

 

 

 

 

Trong đó nữ

0

 

 

 

 

 

0

 

 

0

 

 

 

 

4

Trình độ khác

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trong đó nữ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

III

Giảng viên chia theo thâm niên giảng dạy

94

22

2

5

10

6

5

4

4

5

21

5

5

0

1

Dưới 5 năm

33

6

 

1

3

1

4

1

1

3

9

2

2

 

2

Từ 5 đến <10 năm

39

8

1

1

1

5

1

2

3

2

11

1

3

 

3

Từ 10 năm đến <20 năm

15

5

1

2

4

 

 

 

 

 

1

2

 

 

4

Từ 20 năm trở lên

7

3

 

1

2

 

 

1

 

 

 

 

 

 

Nguồn: Trường Cao đẳng Kinh tế KT Điện Biên


Biểu 7c: TRÌNH ĐỘ GIẢNG VIÊN TRƯỜNG CAO ĐẲNG Y TẾ TỈNH ĐIỆN BIÊN NĂM 2010

Đơn vị tính: Người

STT

Nội dung

Tổng số

Chia ra

Chuyên khoa

Y

Điều dưỡng

Dược

Khác

I

Tổng số CB-CNV, giáo viên: 51

51

7

6

8

8

22

 

Tr.đó: Giảng viên (*): 27, Giáo viên: 9

36

7

5

4

3

17

II

Giáo viên - Giảng viên chia theo trình độ chuyên môn (*)

36

7

6

7

8

8

1

Sau Đại học

7

 

 

 

 

 

 

Tiến sĩ (CK 2)

1

1

 

 

 

 

 

Trong đó nữ

0

0

 

 

 

 

 

Thạc sĩ

6

6

 

 

 

 

 

Trong đó nữ

5

5

 

 

 

 

2

Đại học

20

 

5

4

3

8

 

Trong đó nữ

11

 

3

4

0

4

3

Cao đẳng

3

 

0

3

0

0

 

Trong đó nữ

3

 

 

3

 

 

4

Trình độ khác

6

 

1

0

5

0

 

Trong đó nữ

3

 

0

0

3

0

III

Giáo viên - Giảng viên chia theo thâm niên giảng dạy

36

3

6

7

8

12

1

Dưới 5 năm

9

 

1

1

4

3

2

Từ 5 đến <10 năm

6

0

3

0

0

3

3

Từ 10 năm đến <20 năm

9

2

2

1

3

1

4

Từ 20 năm trở lên

12

1

0

5

1

5

Nguồn: Trường Cao đẳng Y tế Điện Biên

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 537/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Điện Biên đến năm 2015, định hướng đến năm 2020

  • Số hiệu: 537/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 26/06/2012
  • Nơi ban hành: Tỉnh Điện Biên
  • Người ký: Mùa A Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 26/06/2012
  • Ngày hết hiệu lực: 07/11/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản