Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 533/QĐ-UBND

Quảng Ngãi, ngày 31 tháng 7 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN, ĐẢO TỈNH QUẢNG NGÃI ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22/6/2015;

Căn cứ Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 01/7/2016 của Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 4, khóa XIX về đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, đảo tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Nghị quyết số 20/2016/NQ-HĐND ngày 30/9/2016 của HĐND tỉnh về Đề án phát triển kinh tế biển, đảo tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Nghị quyết số 01/NQ-HĐND ngày 30/3/2017 của HĐND tỉnh về kế hoạch thực hiện chương trình nông thôn mới tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2016-2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 1041/TTr-SKHĐT ngày 07/7/2017, ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp tại Báo cáo số 246/BC-STP ngày 24/11/2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án phát triển kinh tế biển, đảo tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giao thông vận tải, Công Thương, Lao động, Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông, Ngoại vụ, Tư pháp; Trưởng Ban quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các Khu Công nghiệp Quảng Ngãi; Chỉ huy trưởng: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Giám đốc Công an tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện: Bình Sơn, Mộ Đức, Đức Phổ, Lý Sơn và thành phố Quảng Ngãi; Thủ tướng các cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ngoại giao, Quốc phòng, Công an;
- Cục kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- UBMTTQVN và các tổ chức CT-XH tỉnh;
- Văn phòng Tỉnh ủy;
- Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Đài PTTH, Báo Quảng Ngãi;
- VPUB: PCVP, các phòng: KT, TH, CNXD, KGVX, CBTH;
- Lưu VT, P. NNTN (Lesang203).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Ngọc Căng

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN, ĐẢO TỈNH QUẢNG NGÃI ĐẾN NĂM 2020
(Kèm theo Quyết định số 533/QĐ-UBND ngày 31/7/2017 của UBND tỉnh Quảng Ngãi)

PHẦN 1

I. SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ PHÁP LÝ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Sự cần thiết xây dựng Đề án

Việt Nam có vùng biển rộng lớn, nằm ở trung tâm Biển Đông, có chiều dài bờ biển 3.260 km, khoảng 2.773 hòn đảo và 02 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Biển Đông là vùng biển của Thái Bình Dương tiếp giáp với Ấn Độ Dương(1); là đầu mối giao thông hàng hải, hàng không huyết mạch giữa Châu Âu, Trung Đông, Châu Á và giữa các nước Châu Á với nhau. Có 5/10 tuyến đường hàng hải lớn nhất của thế giới đi qua, khu vực này cũng được đánh giá là một trong những khu vực phát triển kinh tế năng động nhất ở Châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.

Tỉnh Quảng Ngãi thuộc vùng Duyên hải miền Trung, có chiều dài bờ biển hơn 130 km với 06 cửa biển(2) và cảng biển nước sâu Dung Quất; vùng ven biển và đảo Lý Sơn có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh; đảo Lý Sơn có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh trên biển Đông, là nơi lưu giữ nhiều tài liệu quan trọng khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa.

Nhận thức về tầm quan trọng của biển, trong các thập kỷ gần đây, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, nghị quyết về phát triển kinh tế biển, trong đó, đặc biệt là Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/2/2007 của BCH TW khóa X “Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, trong đó nhấn mạnh “Thế kỷ XXI được thế giới xem là “thế kỷ của đại dương”. Khu vực biển Đông, trong đó có vùng biển Việt Nam, có vị trí địa kinh tế và địa chính trị rất quan trọng,...với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng, ngày nay biển càng có vai trò to lớn hơn đối với sự nghiệp phát triển đất nước”.

Quán triệt sâu sắc tinh thần Nghị quyết 09-NQ/TW, ngày 09/02/2007 của Trung ương, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã ban hành Chương trình hành động số 15-CTr/TU thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và được UBND tỉnh Quảng Ngãi cụ thể hóa tại Quyết định số 1488/QĐ-UBND ngày 18/9/2009. Tại Nghị quyết số 01-NQ/ĐH ngày 23/10/2015 của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XIX đã xác định phát triển dịch vụ, du lịch và kinh tế biển, đảo là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể: “Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chiến lược biển Việt Nam, tạo bước phát triển mạnh về kinh tế biển. Phát triển kinh tế biển, đảo đồng bộ cả công nghiệp, du lịch, dịch vụ, đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy sản, vận tải... ”.

Xuất phát từ các yêu cầu trên, việc xây dựng Đề án phát triển kinh tế biển, đảo tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020 là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết, nhằm đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để phát triển kinh tế biển, đảo trong thời gian đến, kết hợp phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng, an ninh.

2. Căn cứ pháp lý

Luật Biển Việt Nam ngày 21 tháng 6 năm 2012;

Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/02/2007 tại Hội nghị lần thứ 4 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020;

Chương trình hành động số 15-CTr/TU ngày 29/6/2007 của Tỉnh ủy Quảng Ngãi thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020;

Quyết định số 2052/QĐ-TTg ngày 10/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020;

Quyết định số 1874/QĐ-TTg ngày 13/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Quyết định số 568/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển kinh tế đảo Việt Nam đến năm 2020;

Quyết định số 1995/QĐ-TTg ngày 04/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2015-2020;

Nghị quyết số 01-NQ/ĐH ngày 23/10/2015 của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XIX;

Kết luận số 17-KL/TU ngày 19/4/2016 của Hội nghị Tỉnh ủy Quảng Ngãi lần thứ Ba, Khóa XIX về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị và phục vụ sản xuất kinh doanh giai đoạn 2016-2020;

Kết luận số 18-KL/TU ngày 19/4/2016 của Hội nghị Tỉnh ủy Quảng Ngãi lần thứ Ba, Khóa XIX về đẩy mạnh phát triển công nghiệp giai đoạn 2016-2020;

Kết luận số 30-KL/TU ngày 26/4/2016 của Hội nghị Tỉnh ủy Quảng Ngãi lần thứ Ba, Khóa XIX về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020;

Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 01/7/2016 của Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 4, khóa XIX về đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, đảo tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2016-2020;

Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 01/7/2016 của Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 4, khóa XIX về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị;

Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 19/10/2016 của Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 5, khóa XIX về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ngãi đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững;

Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 19/10/2016 của Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 5, khóa XIX về phát triển dịch vụ, du lịch tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2016 - 2020;

Nghị quyết số 19/2015/NQ-HĐND ngày 14/12/2015 của HĐND tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020;

Nghị quyết số 20/2016/NQ-HĐND ngày 30/9/2016 của HĐND tỉnh về Đề án phát triển kinh tế biển, đảo tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2016-2020;

Nghị quyết số 01/NQ-HĐND ngày 30/3/2017 của HĐND tỉnh về kế hoạch thực hiện chương trình nông thôn mới tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2016-2020.

3. Đối tượng và phạm vi Đề án

a) Đối tượng

- Các hoạt động kinh tế diễn ra trên biển, chủ yếu bao gồm: (1) Phát triển thủy sản (đánh bắt và nuôi trồng thủy sản); (2) Du lịch biển; (3) Kinh tế hàng hải; (4) Kinh tế đảo Lý Sơn.

- Các hoạt động kinh tế trực tiếp liên quan đến khai thác biển bao gồm: (1) Đóng và sửa chữa tàu thuyền; (2) Công nghiệp chế biến thủy, hải sản; (3) Công nghiệp chế biến dầu khí; (4) Cung cấp dịch vụ biển; (5) Công tác quản lý tài nguyên môi trường biển đảo.

b) Phạm vi

Đánh giá thực trạng phát triển kinh tế biển, đảo tỉnh Quảng Ngãi từ năm 2011 đến năm 2015; đề ra một số mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu và đề xuất các giải pháp để phát triển kinh tế biển, đảo trong giai đoạn 2016-2020 của tỉnh Quảng Ngãi, trong đó tập trung chủ yếu là các địa phương ven biển và đảo Lý Sơn.

II. TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN, ĐẢO GIAI ĐOẠN 2011-2015 VÀ NĂM 2016

Trong những năm qua, nền kinh tế của tỉnh có bước tăng trưởng khá; tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) năm 2015 bằng 1,38 lần so với năm 2011; bình quân giai đoạn 2011-2015 tăng 8,06%/năm (cao hơn tốc độ tăng trưởng khu vực vùng duyên hải miền Trung (7,5%/năm), cao hơn so với cả nước (5,91%/năm); cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ(3); GRDP bình quân đầu người tăng cao trong giai đoạn 2011-2015 (năm 2010 đạt 1.298 USD/người, năm 2015 đạt 2.218 USD/người, tăng bình quân 11,3%/năm). GRDP bình quân đầu người năm 2016 đạt 2.323 USD/người.

Lĩnh vực kinh tế biển, những năm qua tăng trưởng và phát triển khá; đến năm 2015, đóng góp khoảng 89,7% GRDP toàn tỉnh; cơ cấu kinh tế biển chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ(4); tính riêng giá trị xuất khẩu của các ngành kinh tế biển đạt 143 triệu USD, đóng góp 37,3% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.

1. Thực trạng phát triển các ngành kinh tế biển, đảo

a) Phát triển công nghiệp gắn với phát triển Khu kinh tế ven biển Dung Quất và các khu công nghiệp

Giá trị sản xuất công nghiệp đến năm 2015 đạt 141.000 tỷ đồng, trong đó khu vực ven biển, hải đảo đạt 131.000 tỷ, chiếm 93,4%, tăng bình quân giai đoạn 2011-2015 khoảng 5,5%. Tỉnh ủy đã xác định công nghiệp là một trong ba nhiệm vụ đột phá của tỉnh, với 02 sản phẩm chủ lực là lọc hóa dầu và cơ khí, tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, dịch vụ. Đã điều chỉnh mở rộng Khu Kinh tế Dung Quất lên 45.300 ha, định hướng là Khu Kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm là phát triển các tổ hợp công nghiệp nặng, các dự án quy mô lớn, gắn với khai thác và phát triển cảng biển nước sâu Dung Quất. Đây là tiền đề quan trọng để phát triển các ngành lọc hóa dầu, công nghiệp nặng và dịch vụ biển,...

- Trong giai đoạn 2011-2015, KKT Dung Quất đã cấp chứng nhận đầu tư cho 51 dự án với tổng vốn đăng ký 62.617 tỷ đồng (tương đương 3,02 tỷ USD); tính đến cuối năm 2015, có 82/131 dự án (được cấp giấy chứng nhận đầu tư) đi vào hoạt động, tổng vốn thực hiện gần 5 tỷ USD, giải quyết việc làm trên 20.000 lao động. Giai đoạn 2011-2015 thu từ nhà máy lọc dầu ước đạt 95.894 tỷ đồng, chiếm 87,9% tổng thu cân đối ngân sách. Hiện nay, tỉnh đang tập trung đẩy mạnh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để chuẩn bị cho dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất lên 8,5 triệu tấn/năm.

Các sản phẩm cơ khí, thiết bị công nghiệp nặng của Công ty Doosan Vina tiếp tục mang lại giá trị xuất khẩu cao, với tổng giá trị khoảng 1.208 triệu USD, chiếm 50,7% tổng giá trị xuất khẩu trên địa bàn giai đoạn 2011-2015, đồng thời thay thế một số mặt hàng nhập khẩu, phục vụ nhu cầu trong nước.

Về xử lý nước thải đã đầu tư xây dựng một số tuyến thu gom, thoát nước thải và 01 trạm xử lý nước thải tập trung 2.500m3/ngày,... xây dựng hệ thống thoát nước mưa, thu gom và xử lý nước thải KCN phía Đông, xây dựng khu xử lý chất thải rắn Bình Nguyên có thể xử lý toàn bộ chất thải rắn từ Khu kinh tế Dung Quất và vùng lân cận.

- Trong giai đoạn 2010-2015, các KCN Quảng Ngãi đã cấp mới 44 dự án với tổng vốn hơn 4.000 tỷ đồng. Đến cuối năm 2015, các KCN Quảng Ngãi đã thu hút được 95 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 6.700 tỷ đồng, trong đó có 07 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 66 triệu USD; giải quyết việc làm cho 15.000 lao động. Tỷ lệ lấp đầy KCN Tịnh Phong là 78%; KCN Quảng Phú đạt 98%.

- Được sự hỗ trợ đầu tư từ ngân sách Trung ương, cùng với nguồn vốn ngân sách địa phương, các năm qua, hạ tầng trong Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp tỉnh được đầu tư xây dựng, nâng cấp khoảng 2.300 tỷ đồng, từng bước đồng bộ, góp phần quan trọng trong việc thu hút đầu tư. Đồng thời, tỉnh đã thu hút thành công nhà đầu tư hạ tầng VSIP đầu tư khu công nghiệp và đô thị với diện tích giai đoạn 1 là 660ha, tổng vốn đăng ký là 139,8 triệu USD. Đến cuối năm 2015, thu hút được 8 dự án, tổng vốn đăng ký là 131 triệu USD có 4/8 dự án đi vào hoạt động giải quyết việc làm cho 2.400 lao động.

b) Phát triển kinh tế thủy sản

Giá trị sản xuất ngành thủy sản bình quân giai đoạn 2011-2015 tăng 8,1%/năm. Sản lượng thủy sản đánh bắt liên tục tăng, năm 2010 đạt 104.191 tấn, năm 2015 đạt 161.697 tấn(5) (tăng bình quân 9,2%/năm). Sản lượng thủy sản 2016 đạt 171.093 tấn.

Bảng 2: Một số chỉ tiêu của ngành thủy sản

Chỉ tiêu

ĐVT

Năm 2007

Năm 2010

Năm 2011

Năm 2012

Năm 2013

Năm 2014

Năm 2015

1.GTSX thủy sản giá SS 2010

Tỷ đồng

 

2.732,0

2.883,6

3.194,1

3.438,1

3.702,2

4.032,2

2. Sản lượng thủy sản đánh bắt

Tấn

88.650

104.191

113.311

128.155

140.043

150.587

161.697

3. Sản lượng thủy sản nuôi trồng

Tấn

5.900

6.938

6.627

6.691

6.307

5.786

6.038

Trong đó: Tôm nuôi

Tấn

4.950

5.717

5.354

5.293

4.931

4.403

4.205

- Nuôi trồng thủy sản

Nuôi trồng thủy sản vùng ven biển trong các năm qua phát triển không ổn định. Các vùng nuôi tập trung chủ yếu ở ven biển các huyện Bình Sơn, Mộ Đức, Đức Phổ và thành phố Quảng Ngãi, chủ yếu là nuôi tôm trên cát; đến năm 2015, diện tích nuôi tôm đạt 472 ha, giảm 160 ha so với năm 2010; sản lượng nuôi tôm đạt 4.205 tấn, giảm 1.587 tấn so với năm 2010. Nguyên nhân chủ yếu làm cho nghề nuôi tôm giảm là do ô nhiễm môi trường, dịch bệnh thường xuyên xảy ra. Nghề nuôi trên biển cũng có bước phát triển, chủ yếu là trên vùng biển đảo Lý Sơn, hiện có 62 bè nuôi (trung bình mỗi bè có khoảng 20 lồng nuôi); nhiều mô hình, đối tượng nuôi mới(6) được đưa vào nuôi thành công và nhân rộng.

- Khai thác thủy sản

Nghề khai thác hải sản của tỉnh phát triển khá mạnh trong những năm gần đây. Sản lượng khai thác năm 2015 đạt 161.697 tấn, tăng 57.506 tấn so với năm 2010, bình quân tăng 9,2%/năm. Sản lượng khai thác 2016 đạt 171.093 tấn. Trong thời gian qua tàu thuyền của ngư dân trong tỉnh tiếp tục cải hoán, đóng mới tàu có công suất lớn, trang bị hiện đại để vươn khơi bám biển, đặc biệt là tàu vỏ thép. Đến cuối năm 2015 toàn tỉnh có 5.534 chiếc tàu(7), trong đó có 3.025 tàu công suất trên 90CV, chiếm 54,66%, tổng công suất 1.120.605 CV, tăng 865.280 CV, công suất bình quân 202 CV/chiếc, tăng 117CV/chiếc so với năm 2010. Thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ, đã hạ thủy, bàn giao 05 tàu cá vỏ thép có công suất bình quân 810 CV/tàu (có 01 tàu dịch vụ hậu cần) với các trang thiết bị khai thác hiện đại đảm bảo cho các ngư dân vươn khơi, đánh bắt xa bờ. Cơ cấu ngành nghề khai thác hải sản của ngư dân vùng biển Quảng Ngãi khá đa dạng(8), hoạt động trên nhiều ngư trường khác nhau; trong đó các ngư trường Vịnh Bắc bộ, Đông Nam bộ và Tây Nam bộ chiếm khoảng 35-40% số tàu toàn tỉnh, có khoảng 1.000 tàu hoạt động thường xuyên ở các vùng biển xa (Hoàng Sa, Trường Sa và DK1); còn khoảng 40-45% số lượng tàu khai thác ở vùng biển trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Tổng số lao động tham gia khai thác thủy sản gần 4 vạn người. Toàn tỉnh đã thành lập 08 hợp tác xã dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ, 10 nghiệp đoàn nghề cá và có 306 tổ ngư dân đoàn kết.

Bảng 3: Số lượng tàu thuyền khai thác thủy sản tỉnh Quảng Ngãi

Chỉ tiêu

ĐVT

Năm 2010

Năm 2011

Năm 2012

Năm 2013

Năm 2014

Năm 2015

Tổng số tàu cá

Chiếc

5.638

5.732

5.595

5.381

5.461

5.534

Loại <20 cv

chiếc

1.534

1.462

1.311

1.176

1.168

1.170

Loại 20 ÷<50 cv

chiếc

1.561

1.475

1.312

1.086

964

906

Loại 50 ÷<90 cv

chiếc

904

806

685

572

491

433

Loại 90÷<250 cv

chiếc

815

942

944

892

847

763

Loại 250÷<400 cv

chiếc

645

728

836

911

957

921

Loại ≥400 cv

chiếc

179

319

507

744

1.034

1.341

Tổng công suất

CV

540.178

637.628

742.608

854.681

1.007.507

1.120.605

- Chế biến thủy sản

Trên địa bàn tỉnh hiện có 18 nhà máy chế biến, với tổng công suất thiết kế trên 45.200 tấn sản phẩm/năm, tập trung chủ yếu ở Khu công nghiệp Quảng Phú(9), trong đó có 5 doanh nghiệp đạt chuẩn xuất khẩu vào thị trường Châu Á, Châu Âu(10). Sản lượng thủy sản chế biến năm 2015 đạt khoảng 11.700 tấn, năm 2010 là 6.835 tấn, tăng bình quân 11,3%/năm; sản lượng chế biến 2016 đạt 9.542 tấn. Giá trị xuất khẩu thủy sản năm 2015 đạt 13,6 triệu USD, năm 2010 là 1,349 triệu USD, tăng bình quân 58,7%/năm. Giá trị xuất khẩu năm 2016 đạt 15,5 triệu USD.

- Liên kết khai thác, nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ thủy sản

Do nằm xa các ngư trường khai thác truyền thống của ngư dân, nên việc vận chuyển hải sản sau khai thác về tỉnh tốn nhiều chi phí hơn so với việc tiêu thụ tại các điểm thu mua ở địa phương có lợi thế gần ngư trường khai thác của ngư dân. Đối với số tàu thuyền khai thác ở các ngư trường Vịnh Bắc Bộ, Hoàng Sa thì sau khi đánh bắt, khai thác thủy sản thì tiêu thụ chủ yếu tại Đà Nẵng; số tàu thuyền khai thác ở vùng biển Đông Nam bộ, Tây Nam Bộ và Trường Sa thì chủ yếu tiêu thụ tại các tỉnh phía Nam như Vũng Tàu, Bình Thuận, Nha Trang.

Bên cạnh đó, các vùng nuôi tôm, hải sản của tỉnh phát triển chậm, chủ yếu tự phát, manh mún, sản lượng không đáng kể, vì vậy việc phát triển các mô hình liên kết từ khâu sản xuất, khai thác, nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Một số doanh nghiệp chỉ thực hiện công đoạn thu mua, chế biến thô và xuất hàng cho các doanh nghiệp lớn tại các tỉnh thành như Nha Trang, Bình Thuận, Vũng Tàu... để xuất khẩu và xuất qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc.

- Hạ tầng thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá

Trên địa bàn hiện chỉ có 03 trại sản xuất tôm giống (ở Phổ Quang và Đức Phong), tổng công suất khoảng 100 triệu con/năm; tuy nhiên, do các năm qua nuôi tôm thường xuyên bị dịch bệnh nên hàng năm chỉ sản xuất khoảng 20 triệu con, bên cạnh đó trại đã chuyển hướng sản xuất cua giống và ốc hương giống cung cấp cho các ao nuôi chuyển đổi đối tượng nuôi. Hầu hết các trại giống được nhà nước đầu tư từ trước năm 2005 do Trung tâm giống thủy sản Quảng Ngãi quản lý (trước đây cũng có nhiều trại giống tư nhân nhưng đã giải thể), đến nay hầu hết các công trình đã xuống cấp, một số hạng mục không còn phù hợp với quy trình sản xuất hiện tại,... Các vùng nuôi tôm trong tỉnh hầu hết là nuôi tôm trên bãi cát ven biển, phát triển tự phát, cơ sở hạ tầng chưa được người dân đầu tư đúng mức, nhất là hệ thống xử lý nước thải, hệ thống thủy lợi cung cấp nước ngọt nên đa số vùng nuôi và ao nuôi không đảm bảo kỹ thuật, gây ô nhiễm môi trường. Hạ tầng nghề cá được quan tâm đầu tư, xây dựng; các năm qua, từ các nguồn vốn ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh và vốn ODA đã đầu tư xây dựng 03 khu neo đậu tránh trú bão tàu cá là Tịnh Hòa (kết hợp cảng cá), Mỹ Á (giai đoạn 1), Lý Sơn (kết hợp cảng cá - giai đoạn 1 và đang thi công giai đoạn 2); xây dựng 03 cảng cá là Sa Huỳnh, Sa Kỳ, sông Trà Bồng đáp ứng nhu cầu neo đậu cho khoảng 1.750 chiếc tàu thuyền. Các công trình này bước đầu phát huy hiệu quả, là nơi neo trú và cung cấp các dịch vụ hậu cần nghề cá.

Dịch vụ hậu cần nghề cá được phát triển tại các cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền như các cơ sở kinh doanh xăng, dầu, đá lạnh, ngư cụ, cơ sở đóng sửa tàu thuyền, nhu yếu phẩm... bước đầu đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của tàu thuyền khi vào neo đậu, bốc dỡ sản phẩm, hàng hóa. Hiện có 33 cơ sở doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn các địa phương ven biển, đảo, cơ bản đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho hoạt động đánh bắt thủy sản. Các cơ sở đóng, sửa chữa tàu thuyền vỏ gỗ quy mô vừa và nhỏ trong tỉnh có bước phát triển. Hiện có 15/24 cơ sở đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu cá vỏ gỗ theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đáp ứng cơ bản nhu cầu sửa chữa và đóng mới tàu thuyền trong tỉnh và một số tỉnh lân cận.

- Diêm nghiệp

Diện tích sản xuất muối hàng năm từ 120-135 ha tập trung ở đồng muối Sa Huỳnh, có 02 hợp tác xã làm muối(11), sản lượng muối hàng năm từ 8.000-8.500 tấn/năm. Sản xuất theo phương thức phơi nước truyền thống, thủ công, chủ yếu kết tinh trên nền cát nên chất lượng muối không cao, giá muối thấp và thị trường không ổn định, hàng năm sản lượng muối tồn kho lớn. Hiện nay, một số diêm dân đã áp dụng mô hình kết tinh muối trên nền bê tông xi măng, đã tăng cao hơn về năng suất, chất lượng và giá bán muối; tuy nhiên, mô hình này cần vốn đầu tư cao, vượt khả năng của đa số diêm dân nên chưa thể nhân rộng được.

c) Phát triển du lịch biển, đảo

- Tình hình thu hút khách du lịch

Ngành du lịch của tỉnh có bước khởi sắc, nhất là du lịch biển, đảo; nhiều chương trình, sản phẩm văn hóa, du lịch biển được tổ chức đã thu hút đông đảo nhân dân và khách du lịch trong và ngoài nước tham quan; thị trường khách du lịch có bước tăng trưởng tốt, liên kết tour du lịch với Đà Nẵng, Quảng Nam bắt đầu được tăng cường, lượng khách du lịch đến Quảng Ngãi, nhất là đảo Lý Sơn liên tục tăng trong những năm gần đây. Năm 2015 đạt 650 ngàn lượt khách, bình quân giai đoạn 2011-2015 tăng 14,5%/năm; doanh thu du lịch năm 2015 đạt 560 tỷ đồng, giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân 21,1%/năm. Năm 2016 đạt 725.000 lượt khách; doanh thu du lịch đạt 640 tỷ đồng.

Bảng 4: Tổng hợp lượng du khách và doanh thu du lịch

Chỉ tiêu

ĐVT

Năm 2007

Năm 2010

Năm 2011

Năm 2012

Năm 2013

Năm 2014

Năm 2015

Tổng số khách

 

220.000

330.000

365.000

426.511

468.841

540.200

650.000

Khách nội địa

Người

202.000

305.000

337.600

396.243

432.452

497.550

595.000

Khách quốc tế

Người

18.000

25.000

27.400

30.268

36.389

42.650

55.000

Số ngày lưu trú bình quân

Khách nội địa

Ngày

1,6

1,9

2

2,1

2,2

2,3

2,4

Khách quốc tế

Ngày

2,2

2,5

2,6

2,7

2,7

2,7

2,8

Doanh thu

Tỷ đồng

120

215

252

322

458

508

560

Trong đó, khách quốc tế

Tr. USD

2,5

3

3,5

4

5

5,1

6,2

- Cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng du lịch

Tỉnh đã triển khai lập quy hoạch phát triển các khu du lịch biển, đảo như Mỹ Khê, Sa Huỳnh, Lý Sơn. Các năm qua, từ nguồn vốn ngân sách, đã thực hiện đầu tư các dự án hạ tầng du lịch và phục vụ du lịch tại các khu du lịch Mỹ Khê, Sa Huỳnh, Lý Sơn(12); bên cạnh đó đã triển khai nhiều hoạt động tôn tạo, giữ gìn phát huy giá trị của các di tích lịch sử, văn hóa biển, đảo(13).

Dịch vụ du lịch biển, đảo trên địa bàn tỉnh đã được các nhà đầu tư quan tâm, giai đoạn 2011-2015, đã thu hút 14 dự án đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch với tổng vốn gần 2.500 tỷ đồng. Cùng với các điểm du lịch trong tỉnh; các khu du lịch Mỹ Khê, Sa Huỳnh và Lý Sơn thu hút đông đảo nhân dân, du khách ghé tham quan, tắm biển, nghỉ dưỡng.

Hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng từng bước phát triển, cơ bản đáp ứng nhu cầu du khách. Năm 2010, toàn tỉnh có 60 cơ sở lưu trú, 1.800 buồng, đến năm 2015 có 275 cơ sở, với hơn 3.800 buồng; trong đó có 19 khách sạn được xếp hạng 1- 4 sao(14), chủ yếu tập trung tại thành phố Quảng Ngãi, Bình Sơn, Đức Phổ. Huyện đảo Lý Sơn có 19 cơ sở lưu trú, trong đó có 02 khách sạn, với 289 phòng nghỉ; có 08 nhà cổ phục vụ lưu trú tại nhà và 38 hộ tham gia du lịch cộng đồng (homestay); Tập đoàn Mường Thanh đã triển khai xây dựng khách sạn tiêu chuẩn 4 sao, với gần 100 phòng, đáp ứng tốt nhu cầu của du khách.

Bảng 5: Tổng hợp cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

Chỉ tiêu

ĐVT

Năm 2007

Năm 2008

Năm 2009

Năm 2010

Năm 2011

Năm 2012

Năm 2013

Năm 2014

Năm 2015

sở lưu trú

Số lượng cơ sở lưu trú

Cơ sở

44

54

60

60

68

72

73

81

275(15)

4 sao

Cơ sở

1

1

2

3

3

3

3

3

3

3 sao

Cơ sở

3

4

4

4

4

4

4

4

4

Công suất sử dụng phòng

%

52%

54%

56%

58%

 

 

 

 

 

Nhà hàng

Cái

24

26

28

30

 

 

 

 

 

Số buồng lưu trú

Buồng

1.200

 

 

1.800

1.900

2.000

2.063

2.100

3.800

- Các sản phẩm du lịch biển, đảo

Hiện nay, trong các loại hình du lịch trên địa bàn tỉnh thì du lịch biển, đảo chiếm ưu thế và có xu hướng phát triển nhanh; tuy nhiên, các sản phẩm du lịch của tỉnh Quảng Ngãi, cũng như vùng biển, đảo chưa được phong phú, chủ yếu là các hoạt động nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, tắm biển, tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa vùng ven biển, đảo ở các khu, điểm du lịch Mỹ Khê, Sa Huỳnh, Khe Hai, Lý Sơn,...; bên cạnh đó, hàng năm nhân dân thường xuyên tổ chức các lễ hội truyền thống gắn với đời sống văn hóa tâm linh vùng biển, đảo đã thu hút nhiều du khách tham quan, ngưỡng mộ như: Lễ hội đua thuyền, Lễ hội nghinh ông, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, Lễ hội cầu ngư....

- Công tác xúc tiến, quảng bá và hợp tác phát triển du lịch

Trong thời gian qua, tỉnh đã đẩy mạnh tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền quảng bá, xúc tiến tiềm năng, thế mạnh về du lịch Quảng Ngãi như tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng(16); phát hành các tài liệu quảng bá du lịch bằng nhiều hình thức như catalogue, tập gấp, video clip... Tỉnh cũng đã tham gia các hội chợ, sự kiện du lịch lớn(17) để giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Quảng Ngãi, quảng bá về du lịch tỉnh đến với du khách trong và ngoài nước. Đăng ký xác lập và tổ chức công bố kỷ lục quốc gia cho 04 đặc sản: Cá bống sông Trà, món Don, quế Trà Bồng, kẹo gương và công bố kỷ lục châu Á cho đặc sản quế Trà Bồng.

Ngành du lịch Quảng Ngãi đã ký kết nhiều chương trình liên kết, hợp tác với ngành du lịch các tỉnh, thành như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Định, Kon Tum, Quảng Nam, Đà Nẵng và đã triển khai một số hoạt động xây dựng kết nối tour; phát triển mô hình homestay trên đảo Lý Sơn; tổ chức đón tiếp các đoàn famtrip đến tìm hiểu và trải nghiệm du lịch tại Lý Sơn; tham gia khảo sát du lịch đường bộ trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC) qua 8 tỉnh thuộc 3 nước Việt Nam - Lào - Thái Lan và đã giới thiệu, quảng bá tiềm năng du lịch của tỉnh đến với các tỉnh bạn, từ đó tăng cường mối quan hệ hợp tác phát triển du lịch giữa các địa phương nói riêng và các quốc gia nói chung. Các doanh nghiệp lữ hành lớn trong nước như: Vietravel, Fiditour, Saigontourist... đã xây dựng chương trình du lịch đưa khách về Quảng Ngãi nhất là điểm đến huyện đảo Lý Sơn. Trên địa bàn tỉnh hiện có 13 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh lữ hành (có 01 doanh nghiệp và 02 chi nhánh kinh doanh lữ hành quốc tế).

d) Phát triển cảng biển, vận tải biển và dịch vụ biển

* Hệ thống cảng biển: Bờ biển Quảng Ngãi hiện có 02 khu vực cảng biển là cảng biển Dung Quất và cảng biển Sa Kỳ, trong đó: Tại khu vực cảng biển Dung Quất có 05 bến cảng: Bến cảng số 1 và số 2 của PTSC, Bến cảng Gemadept(18), Bến cảng chuyên dùng của Doosan và Bến cảng Hào Hưng (đang xây dựng). Ngoài ra, còn có 06 cầu cảng Jetty 1, 2, 3, 4, 5 và 6 xuất sản phẩm và 01 phao rót dầu (SPM) của Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

- Cảng biển Sa Kỳ có khả năng đón nhận đồng thời 02 tàu (01 tàu hàng có trọng tải 1.000 DWT và 01 tàu khách 200 ghế). Cảng Sa Kỳ và Cảng Dung Quất cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra còn có các cảng cá như: Sa Cần, Tịnh Kỳ, Cổ Lũy, Mỹ Á, Sa Huỳnh và Lý Sơn. Trong đó cảng cá Lý Sơn hiện nay đang được kết hợp sử dụng cho tàu vận tải hàng hóa, hành khách.

* Phương tiện vận tải biển

Trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi chưa hình thành đội tàu biển chuyên vận tải hàng hóa, chỉ có đội tàu vận tải hành khách và hàng hóa từ Sa Kỳ - Lý Sơn và từ đảo Lớn - đảo Bé (Lý Sơn) phục vụ việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân đảo Lý Sơn và du khách. Tuyến vận tải Sa Kỳ - Lý Sơn, hiện có hơn 11 phương tiện vận tải hành khách kết hợp hàng hóa, năng lực vận tải bình quân 160 khách/phương tiện/chuyến. Tuyến đảo Lớn - đảo Bé (Lý Sơn), hiện có hơn 06 phương tiện: 02 ca nô mới vận chuyển trung bình được 27 hành khách/phương tiện/chuyến và 04 tàu gỗ mới vận chuyển trung bình được 36 hành khách/phương tiện/chuyến.

* Hoạt động vận tải và dịch vụ biển

Hoạt động vận tải biển tăng mạnh, lượng tàu thuyền, hàng hóa, hành khách thông qua các cảng biển ngày càng lớn, trong đó, nhiều nhất là lượng hành khách, hàng hóa đi trên tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn, hàng hóa thông qua cụm cảng Dung Quất; kéo theo sự hình thành và phát triển của nhiều loại hình dịch vụ kinh tế biển như: xếp, dở hàng hóa, đại lý tàu biển, lai dắt tàu biển, hoa tiêu hàng hải, sửa chữa, đóng mới, vận tải xăng dầu,...

Lượng hàng hóa qua hệ thống cảng Dung Quất chủ yếu là dầu thô, các sản phẩm xăng, dầu từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, thiết bị cơ khí của Công ty Doosan Vina và dăm gỗ. Trong năm 2015, hàng hóa thông qua cụm cảng Dung Quất khoảng 17,24 triệu tấn, đứng thứ 5 cả nước, tăng 27% so với năm 2010; riêng năm 2013 lượng hàng qua cảng tăng đột biến, đạt hơn 22,6 triệu tấn hàng qua cảng(19). Trong đó, hàng nhập khẩu qua cảng năm 2015 đạt khoảng 7,19 triệu tấn(20) chiếm 41,7% tổng lượng hàng qua cảng, tăng 17,9% so với năm 2010; hàng xuất khẩu đạt 3,71 triệu tấn, chiếm 21,5% tổng lượng hàng qua cảng, tăng 97,9% so với năm 2010; hàng nội địa đạt 6,08 triệu tấn, chiếm 35,2% tổng lượng hàng qua cảng và tăng 10,4% so với năm 2010 và còn lại là lượng hàng hóa quá cảnh, chiếm tỷ lệ không đáng kể.

Bảng 6: Tổng hợp hàng hóa qua cụm cảng Dung Quất

Chỉ tiêu

ĐVT

2010

2011

2012

2013

2014

2015

Tổng số

Tấn

13.577.588

13.785.751

14.151.158

22.659.929

17.365.989

17.247.557

Hàng xuất khẩu

Tấn

1.875.079

2.423.357

2.672.150

8.783.036

5.173.774

3.710.004

Hàng nhập khẩu

Tấn

6.127.231

6.036.202

6.096.382

7.543.889

6.447.529

7.195.173

Hàng nội địa

Tấn

5.507.732

5.234.364

5.239.689

6.015.992

5.271.710

6.080.929

Hàng quá cảnh

Tấn

67.546

91.828

142.937

317.012

472.976

261.451

Lượng hàng hóa và hành khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn năm 2015 đạt 68.624 tấn, tăng 2 lần và đạt 266.098 lượt khách, tăng 3,8 lần so với năm 2010.

Bảng 7: Tổng hợp lượng hành khách, hàng hóa qua cảng Sa Kỳ - Lý Sơn

Chỉ tiêu

ĐVT

2010

2011

2012

2013

2014

2015

Lượt tàu

Lượt

2.140

2.396

2.273

2.723

2.696

4.320

Lượng hàng hóa

Tấn

20.483

25.053

21.745

38.326

35.487

68.624

Lượng hành khách

HK

68.726

70.962

89.026

113.786

148.310

266.098

* Công nghiệp đóng và sửa chữa tàu thuyền

Trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có Nhà máy Công nghiệp tàu thủy Dung Quất chuyên hoạt động đóng, sửa tàu vận tải biển, tuy nhiên, thời gian qua chưa phát huy hết công suất. Ngoài ra, có 24 cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu thuyền phục vụ khai thác thủy sản, chủ yếu với quy mô vừa và nhỏ đặt tại các cửa biển như Sa Cần, Sa Kỳ, cửa Đại, Mỹ Á, Sa Huỳnh. Hiện nay, có một số nhà đầu tư quan tâm xúc tiến đầu tư cơ sở đóng tàu, dịch vụ hậu cần nghề cá trên địa bàn tỉnh.

đ) Phát triển kinh tế huyện đảo Lý Sơn

Kinh tế huyện đảo Lý Sơn trong những năm gần đây tăng trưởng khá, tiềm năng về kinh tế thủy sản và du lịch, dịch vụ được phát huy, kết cấu hạ tầng được ưu tiên đầu tư xây dựng. Giá trị sản xuất giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân 16,67%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng nông lâm nghiệp và thủy sản và thương mại dịch vụ, đến năm 2015, cơ cấu kinh tế của huyện là: Nông, lâm, thủy sản 63,5% (thủy sản 51,1%), dịch vụ 26,3%, công nghiệp - xây dựng 10,2%; thu nhập bình quân đầu người 21,0 triệu đồng/người/năm.

- Nghề khai thác, đánh bắt hải sản là nghề truyền thống và đóng vai trò chủ lực trong nền kinh tế của huyện đảo. Tổng sản lượng hải sản khai thác năm 2015 ước đạt 16.500 tấn, giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân 6,4%/năm. Lực lượng tàu thuyền đánh bắt hải sản ngày càng lớn mạnh về quy mô công suất và trang bị hiện đại. Tính đến năm 2015, toàn huyện có 415 chiếc tàu thuyền, với tổng công suất 59.771CV, tăng 87%, sản lượng thủy sản khai thác đạt 38.854 tấn, tăng khoảng 43% so với năm 2010. Triển khai Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ, ngư dân Lý Sơn đã đăng ký vay vốn đóng mới, nâng cấp nhiều tàu cá công suất lớn để vươn khơi đánh bắt dài ngày trên biển, kết hợp với bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, đến nay đã hoàn thành hạ thủy 02 tàu cá vỏ thép (có 01 tàu dịch vụ hậu cần).

- Sản phẩm nông nghiệp chủ yếu của huyện đảo là trồng hành, tỏi và các loại nông sản khác như: ngô, dưa hấu, mè, đậu xanh... Trong đó, tỏi Lý Sơn là một trong những sản vật đặc trưng của huyện đảo, nổi tiếng khắp cả nước với chất lượng và phương pháp canh tác đặc thù. Năm 2015, tổng diện tích trồng tỏi khoảng 335 ha, sản lượng đạt 2.656 tấn và năng suất bình quân 79,3 tạ/ha; sản lượng hành đạt 5.542 tấn...

- Nuôi trồng thủy sản trên vùng biển Lý Sơn đang có chiều hướng phát triển trong những năm gần đây, đã quy hoạch 50ha mặt nước, đến nay đã có 62 bè nuôi (khoảng 1.200 lồng) nuôi tôm Hùm; đã triển khai nuôi thử nghiệm 1.000 dây hàu Thái Bình Dương. Sản lượng nuôi trồng thủy sản đến năm 2015 đạt 15 tấn, trị giá kinh tế khá cao.

- Là một đảo có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh trên biển Đông của nước ta, các năm qua Trung ương đã có các cơ chế, chính sách ưu tiên hỗ trợ đầu tư xây dựng đảo Lý Sơn, cùng với nguồn vốn ngân sách địa phương, đã đầu tư hoàn thành nhiều công trình thiết yếu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện đảo như: Vũng neo đậu tàu thuyền đảo Lý Sơn (giai đoạn 1), đường cơ động phía Đông Nam đảo Lớn (giai đoạn 1 và 2), các tuyến đường Trung tâm huyện, hệ thống cấp nước sinh hoạt trung tâm huyện (giai đoạn 1); sửa chữa cầu cảng Lý Sơn và triển khai dự án trồng rừng phòng hộ cảnh quan môi trường huyện đảo, đặc biệt, được sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương đã hoàn thành dự án cấp điện từ hệ thống điện quốc gia cho Lý Sơn bằng cấp ngầm; Doosanvina đã hỗ trợ đầu tư nhà máy xử lý nước biển cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân đảo Bé; Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hỗ trợ xây dựng nhà máy xử lý rác thải. Hiện đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện giai đoạn 2 vũng neo đậu tàu thuyền đảo Lý Sơn; nâng cấp tuyến đường cồn An Vĩnh - Ra đa tầm xa; đường trung tâm huyện - UBND xã An Hải. Đô thị Lý Sơn đạt chuẩn đô thị loại V.

- Trên địa bàn huyện có nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, còn lưu giữ nhiều di tích, tư liệu lịch sử và các lễ hội dân gian độc đáo, mang bản sắc riêng, đặc biệt truyền thống, lịch sử xây dựng, đấu tranh, bảo vệ và giữ gìn hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, nhất là Hoàng Sa.

Hình ảnh của đảo Lý Sơn ngày càng được quảng bá rộng rãi trong nước và trên thế giới. Du lịch Lý Sơn từng bước khởi sắc, nhất là từ năm 2014 trở lại đây đã thu hút một lượng lớn du khách đến tham quan, tìm hiểu văn hóa, di tích lịch sử trên đảo và bước đầu Lý Sơn trở thành một điểm đến của khách tham quan, du dịch trong và ngoài nước. Năm 2015, lượng khách đến huyện đảo đạt 95.000 lượt gấp 2,6 lần so với năm 2014 và gấp 10,8 lần so với năm 2010, bình quân tăng 60,9%/năm; doanh thu du lịch tăng bình quân 85%/năm. Năm 2016, đạt 164.900 lượt khách.

Bảng 8: Số lượng du khách và doanh thu du lịch qua các năm tại Lý Sơn

Chỉ tiêu

ĐVT

2008

2009

2010

2011

2012

2013

2014

2015

Tổng lượt khách

Người

6.590

8.237

8.800

8.200

8.700

28.854

36.620

95.000

Khách nội địa

Người

6.492

8.114

8.680

8.155

8.602

28.759

36.239

94.541

Khách quốc tế

Người

98

123

120

45

98

195

381

495

Doanh thu

Tr. đồng

3.295

4.118

5.280

4.920

5.220

34.624

43.944

114.400

- Dịch vụ vận tải biển từng bước phát triển, ngoài các phương tiện tàu gỗ chủ yếu phục vụ vận chuyển hàng hóa, đến nay đã có 04 chiếc tàu phục vụ vận chuyển hành khách, hàng hóa từ đất liền ra đảo và ngược lại. Từ năm 2015 đã có tàu đi về trong ngày, tạo điều kiện thuận cho việc đi lại của nhân dân và du khách.

- Đời sống vật chất, tinh thần nhân dân huyện đảo ngày càng nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm, an sinh xã hội được đảm bảo; lĩnh vực giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng được cải thiện. Đến nay, trên đảo có 01 Trường THPT, 02 Trường THCS, 04 trường Tiểu học, 03 trường mầm non, 01 Trung tâm dạy nghề - Giáo dục thường xuyên; 01 Bệnh viện quân dân y 60 giường, 02 trạm y tế xã, bình quân có 6,5 bác sĩ/vạn dân; các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao tiếp tục duy trì và phát triển, đặc biệt Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa tháng 2 âm lịch hàng năm thu hút lượng lớn khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến Lý Sơn.

2. Xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị vùng ven biển, đảo

- Trong giai đoạn 2011-2015, để khai thác tiềm năng và tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội vùng biển và đảo, tỉnh đã tập trung và lồng ghép nhiều nguồn vốn để đầu tư kết cấu hạ tầng vùng biển, đảo như: nguồn hỗ trợ từ Trung ương, vốn ngân sách tỉnh, ngân sách huyện, vốn trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác như Chương trình Biển Đông - Hải đảo, Chương trình bãi ngang ven biển, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, các chương trình hỗ trợ mục tiêu khác và các nguồn vốn huy động từ các thành phần kinh tế,...

Bên cạnh việc tập trung đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng trong Khu kinh tế Dung Quất, hạ tầng trên đảo Lý Sơn (đã nêu ở phần trên), hạ tầng thủy sản (đã nêu ở phần trên), nhiều công trình hạ tầng quan trọng, thiết yếu khác được đầu tư tạo kết nối và động lực phát triển kinh tế, xã hội và nâng cao đời sống, sinh hoạt của dân cư vùng ven biển. Đến nay, đã hoàn thành công trình đường Mỹ Trà - Mỹ Khê và đang triển khai thi công đoạn Dung Quất - Mỹ Khê (thuộc dự án đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh), hoàn thành cơ bản đường bờ Nam sông Trà Khúc, hoàn thành dự án nâng cấp mở rộng cảng cá Sa Kỳ,...; ngoài ra, Trung ương đã đầu tư một số công trình giao thông kết nối quan trọng trên địa bàn tỉnh như: nâng cấp mở rộng quốc lộ 1A, đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi, Quốc lộ 24...

Bảng 9: Mạng lưới đường bộ khu vực ven biển

Loại đường

Tổng chiều dài năm 2015 (Km)

Tổng số Km đã nhựa hóa, cứng hóa năm 2015

Tỷ lệ nhựa hóa, cứng hóa (%)

Năm 2015

Năm 2010

Năm 2007

Quốc lộ

201,5

201,5

100,0

100,0

100,0

Đường tỉnh

98,1

98,1

100,0

87,6

74,9

Đường đô thị

159,5

153,6

96,3

 

 

Đường huyện

396,2

301,0

76,0

69,5

36,5

Đường xã

712,0

468,7

65,8

48,4

30,2

Đường chuyên dùng

58,6

58,6

100,0

 

 

Tổng cộng

1.625,9

1.281,5

78,8

 

 

Để ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai, trên địa bàn ven biển, tỉnh đã triển khai đầu tư các dự án như: Sửa chữa, nâng cấp đê Phổ Vinh; Kè Thạch Bi Phổ Thạnh (huyện Đức Phổ), kè biển Bình Châu (huyện Bình Sơn), kè chống sạt lở biển bảo vệ khu dân cư thôn An Cường (xã Bình Hải, huyện Bình Sơn); đang triển khai các dự án: Đê kè Hòa Hà (Tư Nghĩa), kè Phổ Thạnh, đê Phổ Minh, Phổ Vinh (Đức Phổ), đê kè Tịnh Kỳ,...

- Thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 28/6/2011 của Tỉnh ủy về phát triển đô thị, đã đẩy mạnh triển khai công tác quy hoạch xây dựng đô thị; trong giai đoạn 2010-2015, tại các huyện, thành phố ven biển và đảo Lý Sơn đã lập 05 quy chung đô thị xây dựng đô thị và nhiều quy hoạch chi tiết,...; các địa phương đã huy động nhiều nguồn lực để đầu tư hạ tầng đô thị. Đến nay, thành phố Quảng Ngãi được Thủ tướng Chính phủ công nhận đô thị loại II; thị trấn Đức Phổ mở rộng được Bộ Xây dựng công nhận đạt chuẩn đô thị loại IV và đang triển khai lập Đồ án thành lập thị xã Đức Phổ trực thuộc tỉnh; các đô thị Vạn Tường, Lý Sơn đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn đô thị V. Tỷ lệ đô thị hóa bình quân của các địa phương ven biển, đảo đạt 21,73%, cao hơn mức bình quân toàn tỉnh (17,11%).

3. Về phát triển Văn hóa - xã hội

Phát triển văn hóa - xã hội đạt được nhiều kết quả tích cực. Duy trì phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở đúng độ tuổi, tỷ lệ trường đạt chuẩn tăng nhanh21. Tỷ lệ tăng dân số duy trì dưới 1%/năm, chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực ngành y tế đạt hiệu quả cao, có 100% trạm y tế có bác sỹ, đạt 5,8 bác sỹ/vạn dân; hạ tầng y tế được quan tâm đầu tư đến nay đạt 22,5 giường/vạn dân, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Công tác giảm nghèo được triển khai đồng bộ và quyết liệt, giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 8,44%. Mạng lưới dạy nghề ngày càng hoàn thiện, công tác giải quyết việc làm được quan tâm. Nhiều di tích lịch sử được tu bổ, phục hồi; các di sản văn hóa được giữ gìn và phát huy tốt; thiết chế văn hóa ngày càng hoàn thiện; đời sống văn hóa nhân dân đa dạng, phong phú, có chất lượng.

4. Công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, đảo và phòng chống thiên tai

- Thực trạng môi trường ven biển: Hầu hết các huyện ven biển và hải đảo đều thuộc vùng nông thôn nên việc đầu tư hạ tầng còn hạn chế và phần lớn không có hệ thống thoát nước thải tập trung. Theo kết quả điều tra 25 xã nằm sát ven biển thì tỷ lệ rác được thu gom và xử lý là rất thấp, khoảng 36%; khối lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thuốc trừ sâu trong hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng được rửa trôi theo nguồn nước chảy vào kênh, mương, ao hồ, sông, suối rồi ra biển; lượng chất thải rắn tại các khu, điểm du lịch, bãi tắm được thu gom vận chuyển về các bãi rác trong vùng để chôn lấp. Bên cạnh đó, lượng chất thải phát sinh từ hoạt động nuôi trồng thủy sản cũng là một trong những yếu tố trực tiếp gây ô nhiễm môi trường biển, lây lan dịch bệnh thủy sản nuôi trồng.

Trong các khu, cụm công nghiệp ven biển, hiện tại chỉ có Phân khu CN Sài Gòn Dung Quất (thuộc KCN phía Tây, KKT Dung Quất), Khu Công nghiệp - Dịch vụ và Đô thị VSIP, một số doanh nghiệp lớn (Nhà máy lọc dầu, Doosan...) và KCN Quảng Phú là có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Nước thải từ các nhà máy, cơ sở, dịch vụ còn lại chỉ được xử lý sơ bộ và thải ra sông hoặc biển; chất thải rắn được thu gom, đưa về các bãi rác tập trung để xử lý.

Đối với nguồn thải từ hoạt động giao thông vận tải biển, ngoài cụm cảng Dung Quất, các chất thải được thu gom theo quy định, thì tại các cảng cá, vũng neo đậu và chất thải phát sinh từ hoạt động sơ chế hải sản ở các cảng cá cũng được xả thải trực tiếp ra biển.

- Công tác điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển, đảo được chú trọng. Phối hợp các cơ quan Trung ương thực hiện Đề án tổng thể về điều tra cơ bản quản lý tài nguyên - môi trường biển đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 47/QĐ-TTg ngày 01/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ22 làm cơ sở để quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường đới bờ theo hướng bền vững.

Triển khai nhiều chương trình, dự án bảo vệ môi trường sinh thái vùng biển, đảo, thích ứng với nguy cơ nước biển dâng và những tác động xấu của biến đổi khí hậu góp phần bảo đảm an toàn cho dân sinh, phát triển kinh tế; bảo vệ đa dạng sinh học vùng bờ, vùng biển. Thường xuyên quan trắc, đánh giá chất lượng nguồn nước ven bờ; kiểm soát việc khai thác nước ngầm, phòng chống hiện tượng xâm nhập mặn. Xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu tỉnh Quảng Ngãi và đã xử lý 02 sự cố tràn dầu trên biển đạt hiệu quả. Hình thành các mô hình tự quản bảo vệ tài nguyên và môi trường biển tại các địa phương ven biển đã đem lại hiệu quả rõ rệt trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản và cải thiện sinh kế cho người dân địa phương.

- Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu đạt được một số kết quả ban đầu. Đến nay đã trồng mới và khoanh nuôi 555 ha rừng ở khu vực ven biển, đảo23, chuẩn bị trồng 73,5 ha24; hoàn thành và đưa vào sử dụng dự án Nhà máy xử lý rác thải rắn Lý Sơn đã giải quyết một phần lượng rác thải sinh hoạt, hạn chế tình trạng vứt rác bừa bãi, ô nhiễm môi trường trên địa bàn huyện đảo.

Xây dựng phương án phòng chống bão lụt và tìm kiếm cứu nạn, chủ động phòng chống thiên tai; triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây nhà chống bão theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ đạt hiệu quả; khuyến khích và hỗ trợ ngư dân trang bị hệ thống máy thông tin liên lạc tích hợp định vị vệ tinh (ICOM); nắm chắc tình hình tàu thuyền, ngư dân đang hoạt động trên các vùng biển nhất là khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thông tin kịp thời giúp ngư dân và tàu thuyền tránh trú bão, áp thấp nhiệt đới. Phối hợp cứu hộ, cứu nạn 53 trường hợp với 50 phương tiện tàu cá của ngư dân tỉnh và các tỉnh lân cận; 03 xà lan với 255 lao động và 40 lượt thuyền viên nước ngoài gặp tai nạn trên biển.

- Hệ thống nước sinh hoạt nông thôn vùng ven biển đảo hiện tại chưa được đầu tư đồng bộ, chỉ được đầu tư tại các trung tâm và đô thị.

5. Về quốc phòng, an ninh

Trong những năm qua, nền quốc phòng toàn dân, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững; đảm bảo an ninh vùng chiến lược, vùng trọng điểm của tỉnh; giữ vững an ninh tuyến nội địa, tuyến biển, đảo. Lực lượng bảo vệ biển, đảo được tăng cường; các công trình phòng thủ dọc tuyến ven biển và trên đảo Lý Sơn được quan tâm đầu tư xây dựng. Công tác huấn luyện, diễn tập được thực hiện thường xuyên; tăng cường tuần tra, kiểm soát, tìm kiếm, cứu nạn trên biển.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tình hình Biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp đến đời sống của ngư dân và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trung Quốc ngày càng gia tăng các hành động xâm phạm chủ quyền của nước ta, nhất là việc hạ đặt giàn khoan HD 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; bồi đất, cải tạo các đảo đá ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam; ngang nhiên ra lệnh cấm đánh bắt cá ở biển Đông và dùng nhiều hành động khiêu khích, phá hoại đối với tàu thuyền ngư dân của ta, cao điểm là trong tháng 7/2015 tàu Trung Quốc đã ngang ngược đâm chìm tàu cá của ngư dân ở quần đảo Hoàng Sa. Tính riêng trong giai đoạn 2010-2015, đã có tổng cộng 152 lượt tàu với 1.647 lượt ngư dân Quảng Ngãi bị nước ngoài ngăn cản, xua đuổi, tịch thu tài sản khi hành nghề khai thác thủy sản trên vùng biển chủ quyền của tổ quốc, trong đó, chủ yếu là Trung Quốc.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số trường hợp ngư dân không tuân thủ pháp luật, khai thác hải sản trái phép ở vùng biển các nước như: Úc, Micronesia, Indonexia, Philippines, Brunei, Malaysia, Palau... bị nước sở tại bắt nhốt, tịch thu phương tiện khai thác, gây ảnh hưởng đến quan hệ với các nước. Tỉnh đã kịp thời xác minh thông tin, thông báo, phối hợp với Bộ Ngoại giao và Tổng lãnh sự Việt Nam tại các nước can thiệp đưa ngư dân và tàu thuyền bị nước ngoài bắt giữ về nước an toàn; thăm hỏi, động viên, hỗ trợ cho ngư dân bị nạn trên biển, bị nước ngoài bắt giữ, tịch thu tàu, tài sản khi đang hành nghề trên vùng biển tổ quốc, giúp ngư dân an tâm tiếp tục vươn khơi bám biển, ổn định đời sống.

III. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Kết quả đạt được

- Triển khai thực hiện Chương trình hành động số 15 thực hiện Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 4 khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, cùng với thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, kinh tế biển, đảo của tỉnh Quảng Ngãi đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; gắn kết giữa phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường và tăng cường quốc phòng, an ninh trên biển đảo. Khu vực kinh tế các địa phương ven biển và đảo Lý Sơn phát triển khá, chiếm tỷ trọng lớn trong quy mô nền kinh tế của tỉnh, đến năm 2015, đóng góp khoảng 89,7% GRDP toàn tỉnh; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ; giá trị thủy sản chiếm tỷ trọng cao trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp; xuất khẩu các ngành kinh tế biển đạt 143 triệu USD, đóng góp 37,3% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.

- Khu kinh tế Dung Quất tiếp tục phát triển, đã thu hút được nhiều dự án đầu tư, đã hình thành được một số cơ sở kinh tế quan trọng về công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ và công nghiệp chế biến, bước đầu đã hình thành trung tâm lọc hóa dầu đầu tiên của cả nước, một số nhà máy lớn đã đi vào hoạt động có hiệu quả như nhà máy lọc dầu, Doosan Vina, đóng tàu Dung Quất,... tạo tiền đề cho công nghiệp hóa và là nguồn thu ngân sách chủ yếu của tỉnh.

- Kinh tế thủy sản phát triển nhanh về lực lượng tàu thuyền, sản lượng thủy sản và công tác dịch vụ hậu cần. Lực lượng tàu thuyền tiếp tục được cải hoán, đóng mới theo hướng công suất lớn và hiện đại; dịch vụ hậu cần phát triển, đặc biệt là đã tiến đến dịch vụ hậu cần trên biển; nhiều tổ chức hợp tác khai thác xa bờ được hình thành và hoạt động có hiệu quả; hạ tầng cảng cá và vũng neo đậu tàu thuyền được đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cơ bản cho phát triển kinh tế thủy sản của tỉnh.

- Du lịch, dịch vụ biển, đảo có bước khởi sắc, kinh tế huyện đảo Lý Sơn phát triển khá trong lĩnh vực kinh tế thủy sản, tham quan du lịch, hình ảnh Lý Sơn đã được quảng bá và đã trở thành biểu tượng của tinh thần yêu nước, ý thức chủ quyền biển, đảo và dần dần đã thu hút được nhiều khách tham quan, du lịch trong và ngoài tỉnh.

- Hạ tầng vùng biển, đảo được quan tâm đầu tư, nhất là hạ tầng trong khu kinh tế, các khu đô thị, trên đảo Lý Sơn và vùng ven biển, đã tạo được môi trường thuận lợi hơn cho lưu thông, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, xã hội vùng biển đảo. Hệ thống cảng biển được đầu tư xây dựng, đáp ứng cơ bản nhu cầu vận tải biển của tỉnh; đặc biệt là cảng biển nước sâu Dung Quất tạo điều kiện cho phát triển các ngành công nghiệp nặng trong khu kinh tế, phát triển vận tải biển và các loại hình dịch vụ biển.

- Nhiều hoạt động thông tin, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về biển, đảo được đẩy mạnh và có hiệu quả. Công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường được chú trọng, đã chủ động và tăng cường công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.

2. Hạn chế và nguyên nhân

a) Hạn chế

- Một số dự án đã được cấp chứng nhận đầu tư trong Khu kinh tế Dung Quất, các khu du lịch triển khai chậm hoặc không triển khai. Hệ thống kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh nói chung và trong các khu kinh tế, khu công nghiệp và vùng ven biển, đảo nói riêng, tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn còn hạn chế, chưa đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển và tạo động lực mạnh cho thu hút đầu tư, phát triển kinh tế và đô thị ven biển. Chưa hình thành các cụm công nghiệp ven biển để phục vụ phát triển chế biến thủy sản.

- Phát triển kinh tế thủy sản chủ yếu trong lĩnh vực đánh bắt, giá trị và sản lượng chế biến chiếm tỷ trọng thấp. Đa phần các doanh nghiệp chế biến có quy mô vừa và nhỏ, chủ yếu là sơ chế, năng lực cạnh tranh thấp. Hạ tầng thủy sản xây dựng chưa đáp ứng nhu cầu; trên địa bàn tỉnh chưa hình thành được trung tâm nghề cá lớn với dịch vụ hậu cần phát triển; một số cửa biển, đường vào các cảng cá và khu neo đậu tàu thuyền thường xuyên bị bồi lấp, rất khó khăn cho tàu thuyền ra vào, nhất là mùa mưa bão. Nuôi trồng thủy sản còn nhỏ lẻ, manh mún; hệ thống thủy lợi cung cấp nước, hệ thống xử lý nước thải chưa được đầu tư hợp lý, môi trường vùng nuôi tôm thường xuyên bị ô nhiễm, dịch bệnh, rủi ro cao.

- Hoạt động du lịch tuy có nhiều chuyển biến khả quan nhưng nhìn chung chưa khai thác hết tiềm năng du lịch biển, đảo của tỉnh; hạ tầng du lịch còn yếu kém, chưa thu hút được nhiều dự án đầu tư du lịch, trên địa bàn tỉnh chưa có được những khu du lịch có thương hiệu, mang tầm cỡ quốc gia; lượng du khách chưa nhiều, mức sử dụng dịch vụ còn thấp; sản phẩm, dịch vụ du lịch chưa phong phú đa dạng; chưa liên kết được nhiều với các tuyến, tour du lịch có thương hiệu trong nước và quốc tế.

- Hoạt động vận tải biển chậm phát triển, hàng hóa thông qua cảng chưa đa dạng, chủ yếu là dầu thô, sản phẩm cơ khí của Doosan Vina, dăm gỗ; dịch vụ cảng biển chưa phát triển.

- Môi trường vùng ven biển và trên đảo Lý Sơn còn nhiều bất cập; việc chấp hành các quy định về quản lý, bảo vệ tài nguyên, môi trường biển chưa tốt. Vẫn còn nhiều trường hợp tàu thuyền của ngư dân khai thác trên ngư trường thuộc vùng biển chủ quyền của nước ta nhưng bị tàu nước ngoài xua đuổi, đâm chìm, gây thiệt hại đến tính mạng và tài sản, và cũng còn xảy ra những trường hợp ngư dân tỉnh ta đánh bắt cá vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của các nước.

- Một số khu vực vùng ven biển tỉnh Quảng Ngãi có nguy cơ bị xâm nhập mặn gia tăng, trong đó, khu vực đảo Lý Sơn có nguy cơ và bị tác động nặng nề nhất.

b) Nguyên nhân chủ yếu

- Nguyên nhân chủ quan

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Chương trình hành động về Chiến lược biển, phát triển kinh tế biển, đảo ở một số ngành, địa phương chưa được tập trung, chủ yếu được lồng ghép thực hiện trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của địa phương; sự phối hợp giữa các ngành của tỉnh với các địa phương trong thực hiện các chủ trương, chính sách chưa đồng bộ, chặt chẽ; bên cạnh đó nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước để phát triển kết cấu hạ tầng còn hạn chế nên chưa tạo được môi trường thuận lợi, hấp dẫn thu hút đầu tư vào phát triển kinh tế biển đảo. Nuôi trồng thủy sản chủ yếu là phát triển tự phát, hạ tầng vùng nuôi chưa được chú trọng đầu tư đồng bộ, hầu hết các vùng nuôi đều chưa có hệ thống thủy lợi cung cấp nước ngọt, hệ thống xử lý nước thải nên chưa thể áp dụng được quy trình kỹ thuật nuôi tiên tiến, môi trường vùng nuôi thường xuyên bị ô nhiễm, dịch bệnh. Bên cạnh việc đầu tư hạ tầng du lịch hạn chế, công tác quảng bá các hình ảnh về du lịch chưa được đẩy mạnh rộng rãi, chưa xây dựng được nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc, sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn của địa phương. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng tham gia bảo vệ tài nguyên, môi trường biển đạt hiệu quả chưa cao; hiểu biết về pháp luật cũng như ý thức chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ tài nguyên, môi trường, đánh bắt cá trên biển của người dân, ngư dân còn hạn chế, dẫn đến có hành vi sai phạm.

- Nguyên nhân khách quan

Do ảnh hưởng chung của cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu trong thời gian qua, gây tác động, ảnh hưởng bất lợi đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và kinh tế biển, đảo nói riêng. Điều kiện tự nhiên, địa lý và với vị trí là một tỉnh duyên hải miền Trung, không sát gần với các đô thị lớn nên việc hưởng lợi thế lan tỏa về thu hút đầu tư, phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ,... bị hạn chế.

Xuất phát điểm của nền kinh tế của tỉnh còn thấp và là tỉnh có 6 huyện nghèo thuộc Chương trình 30a, 21 xã bãi ngang ven biển, tỷ lệ hộ nghèo ở miền núi và vùng ven biển vẫn còn cao. Thiên tai, bão lũ thường xuyên xảy ra gây sạt lở bờ biển, bờ sông, bồi lấp cửa biển, cửa sông và thiệt hại nặng nề cho nhân dân vùng biển đảo. Nhu cầu đầu tư cho kết cấu hạ tầng khá lớn, trong khi nguồn lực đầu tư từ ngân sách các năm qua rất khó khăn nên việc đầu tư cho kết cấu hạ tầng biến đảo khá hạn chế, chưa tạo động lực mạnh mẽ để đẩy nhanh phát triển các ngành kinh tế biển.

Quảng Ngãi tuy có lượng tàu thuyền đánh bắt hải sản lớn nhưng đa số là đánh bắt xa bờ, trong khi hạ tầng nghề cá, công tác dịch vụ hậu cần trên biển, trên bờ chưa đáp ứng yêu cầu, nên một lượng lớn hải sản đánh bắt được tiêu thụ ở các tỉnh khác, gần ngư trường hơn, nguồn nguyên liệu đưa về tỉnh không lớn, dẫn đến ngành chế biến thủy sản khó phát triển mạnh.

Tiềm năng, lợi thế về phát triển nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh không nhiều, điều kiện tự nhiên không thuận lợi, suất đầu tư lớn trong khi nguồn lực đầu tư của người dân và hỗ trợ của nhà nước rất hạn chế. Tuy có lợi thế về cảng biển nước sâu, nhưng Quảng Ngãi là một tỉnh lẻ, lượng hàng hóa có nhu cầu xuất nhập khẩu qua cảng không nhiều, dẫn đến vận tải biển, kinh tế hàng hải chưa thể phát triển nhanh.

Phần 2

NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN, ĐẢO QUẢNG NGÃI ĐẾN NĂM 2020

Đại hội đại biểu quốc lần thứ XII đã xác định trong giai đoạn 2016-2020 đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh, trong đó phát triển kinh tế biển là một trong 5 nhiệm vụ chủ yếu. Tiếp tục thực hiện Chiến lược biển đến năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 10/12/2015 về việc tiếp tục thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị quyết số 27/2007/NQ-CP ngày 30/5/2007 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược biển đến năm 2020;

Quán triệt sâu sắc các chủ trương của trung ương, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XIX đã xác định “Phát triển dịch vụ, du lịch và kinh tế biển, đảo là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn 2016-2020”.

I. NHỮNG THUẬN LỢI - KHÓ KHĂN - CƠ HỘI - THÁCH THỨC ĐỐI VỚI PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN TỈNH QUẢNG NGÃI

1. Thuận lợi và cơ hội

- Tỉnh Quảng Ngãi có 130 km bờ biển, có 06 cửa biển, 25 xã ven biển và huyện đảo Lý Sơn; ngư trường nước ta rộng lớn với nguồn lợi thủy sản đa dạng phong phú; ngư dân Quảng Ngãi với kinh nghiệm đánh bắt xa bờ, trong đó có 02 ngư trường truyền thống là Hoàng Sa và Trường Sa, với đội tàu đánh bắt khoảng 5.534 chiếc, trong đó 55% tàu thuyền có công suất từ 90 CV trở lên; vùng ven bờ có khoảng 1.000ha mặt nước và bãi cát có điều kiện nuôi trồng thủy sản; Chính phủ đã ban hành Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản, cùng với hệ thống kết cấu hạ tầng thủy sản đã và đang đầu tư xây dựng,... là những điều kiện thuận lợi cơ bản cho phát triển kinh tế thủy sản, gắn với bảo vệ chủ quyền, an ninh trên biển.

- Khu Kinh tế Dung Quất được xác định là khu kinh tế ven biển(25) với lợi thế cảng biển nước sâu, là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, đã hình thành các nhà máy công nghiệp nặng, trong đó, nhà máy lọc dầu Dung Quất đang được chuẩn bị nâng cấp, mở rộng; thời gian đến dự án khai thác mỏ khí Cá voi xanh sẽ đưa khí vào bờ khu vực Chu Lai - Dung Quất và dự kiến sẽ xây dựng cụm nhà máy điện khí, tạo điều kiện hình thành trung tâm năng lượng quốc gia tại Dung Quất với nguồn nguyên liệu từ tài nguyên dầu khí của biển.

- Vùng ven biển Quảng Ngãi có cảnh quan thiên nhiên đẹp và nhiều bãi tắm hấp dẫn, có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, khảo cổ; đảo Lý Sơn còn lưu giữ nhiều tài liệu quý giá về lịch sử, nhân văn, có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật và cảnh quan đẹp và đã trở thành biểu tượng bất khuất của truyền thống bảo vệ chủ quyền biển, đảo của tổ quốc; cư dân vùng biển, đảo Quảng Ngãi hàng năm thường tổ chức nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc hấp dẫn; các năm qua khu vực ven biển đã hình thành một số khu, điểm du lịch, nhà hàng, nhà nghỉ; hiện nay một số nhà đầu tư lớn đang triển khai và nghiên cứu triển khai đầu tư một dự án vùng biển đảo của tỉnh,... đó là những tiềm năng, thuận lợi phát triển du lịch biển, đảo của tỉnh Quảng Ngãi trong những năm đến.

- Hệ thống kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng ven biển và trên đảo Lý Sơn đã và đang được đầu tư sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư của tỉnh cũng như cho vùng biển, đảo.

- Vùng biển của tỉnh gần với tuyến đường hàng hải quốc tế, cảng biển nước sâu Dung Quất gắn với Khu kinh tế Dung Quất ngày càng phát triển mở rộng, nhu cầu hàng hóa thông qua cảng ngày càng lớn, Cảng Sa Kỳ gắn với tuyến vận tải Sa Kỳ - Lý Sơn với lượng hàng hóa, hành khách trên tuyến ngày càng tăng, cùng với hệ thống hạ tầng giao thông kết nối trên bộ được mở rộng trong khu vực miền Trung, Tây nguyên tạo điều kiện phát triển các dịch vụ vận tải biển của tỉnh.

- Trong giai đoạn 2016-2020, nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhiều hiệp định thương mại tự do đã được ký kết và có hiệu lực, sẽ mở rộng hơn cơ hội thu hút đầu tư, thị trường xuất nhập khẩu, tiếp cận nhiều hơn với khoa học công nghệ tiên tiến, thị trường tài chính của các nước, sẽ là điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế đất nước, trong đó có kinh tế biển đảo.

2. Khó khăn và thách thức

- Tình hình Biển Đông tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Trung Quốc tăng cường các hoạt động xâm chiếm biển Đông, tàu thuyền nước ngoài thường có hành động xâm hại đến tàu thuyền và ngư dân nước ta đã gây nên bất ổn, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia, an toàn về tính mạng và tài sản của ngư dân.

- Hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, bên cạnh những thuận lợi, cũng phát sinh nhiều thách thức, nhất là về cạnh tranh thị trường, giá cả sản phẩm; sản phẩm của nước ta phải cạnh tranh với các sản phẩm các nước có trình độ khoa học công nghệ, chất lượng sản phẩm cao hơn mà giá bán lại rẻ hơn; sự cạnh tranh bất bình đẳng bởi các rào cản, chính sách bảo hộ sản phẩm trong nước của các nước lớn.

- Hệ thống kết cấu hạ tầng ven biển và đảo Lý Sơn tuy đã được đầu tư nhưng chưa đáp ứng cho nhu cầu phát triển, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch, hạ tầng thủy sản, hạ tầng khu kinh tế Dung Quất; các cửa biển cho tàu thuyền khai thác hải sản ra vào hàng năm thường bị bồi lấp, chưa có giải pháp khai thông lâu dài. Nhu cầu vốn để đầu tư kết cấu hạ tầng khá lớn, trong khi nguồn lực của tỉnh cũng như của Trung ương trong những năm đến cũng rất hạn chế.

- Xuất phát điểm của nền kinh tế của tỉnh còn thấp và là tỉnh có 6 huyện nghèo thuộc Chương trình 30a, 21 xã bãi ngang ven biển, tỷ lệ hộ nghèo ở miền núi và vùng ven biển vẫn còn cao, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn.

- Vùng ven biển và đảo Lý Sơn là nơi trực tiếp và thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai bão lũ, biến đổi khí hậu gây hậu quả nặng nề.

II. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN, ĐẢO

1. Mục tiêu phát triển đến năm 2020

a) Mục tiêu tổng quát

Phát triển toàn diện kinh tế biển, đảo, phấn đấu đến năm 2020 Quảng Ngãi trở thành một trong những tỉnh mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc về quốc phòng, an ninh, tạo nền tảng sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

b) Các chỉ tiêu chủ yếu

- Giai đoạn 2016-2020 GRDP các huyện, thành phố ven biển tăng bình quân trên 6%/năm; đến năm 2020, đóng góp trên 90% GRDP toàn tỉnh, kim ngạch xuất khẩu đóng góp trên 40% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.

- Tiếp tục xây dựng và phát triển nhanh Khu kinh tế Dung Quất; từng bước đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến, phát triển các loại hình dịch vụ, gắn với bảo vệ môi trường và giải quyết tốt các vấn đề xã hội trong khu kinh tế; với các mục tiêu chủ yếu là: Giai đoạn 2016-2020, thu hút đầu tư 2,5-3,5 tỷ USD, tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp, dịch vụ 3- 4%/năm; đến năm 2020, thu ngân sách 31.500 tỷ đồng, hàng hóa thông qua cảng 18 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu 600-800 triệu USD, giải quyết việc làm 35.000 lao động.

- Đẩy mạnh phát triển khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản. Đến năm 2020 sản lượng hải sản khai thác đạt khoảng 206 ngàn tấn, nuôi trồng khoảng 10 ngàn tấn, chế biến khoảng 23 ngàn tấn. Tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thủy sản, phát triển mạnh dịch vụ hậu cần nghề cá trên bờ và trên biển.

- Tập trung xây dựng và phát triển các khu, điểm du lịch ven biển, hải đảo. Phấn đấu đến năm 2020 toàn tỉnh thu hút trên 1,1 triệu lượt khách du lịch, tổng doanh thu đạt trên 1.200 tỷ đồng; trong đó, huyện đảo Lý Sơn đạt trên 230.000 lượt khách, tăng trưởng bình quân trên 19,3%/năm. Tập trung phát triển Lý Sơn trở thành điểm du lịch quốc gia vào năm 2020, phát triển Khu du lịch Mỹ Khê để phát triển nhanh tuyến du lịch biển Mỹ Khê - Lý Sơn, liên kết với các tour du lịch trong nước và quốc tế, đặc biệt với tour Đà Nẵng- Quảng Nam,...

- Hàng hóa thông qua hệ thống cảng Quảng Ngãi tăng bình quân hàng năm 3-5%.

- Xây dựng và phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội vùng ven biển và hải đảo, nhất là giao thông, cảng, khu neo đậu tàu thuyền,... cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt dân cư vùng biển. Phấn đấu đến năm 2020 có 55/65 xã thuộc các huyện ven biển, đảo; trong đó có 22/25 xã ven biển đạt chuẩn nông thôn mới.

- Đối với huyện đảo Lý Sơn , phấn đấu giá trị sản xuất tăng bình quân giai đoạn 2016-2020 là 10%/năm; trong đó nông lâm, thủy sản tăng 4,3%, công nghiệp - xây dựng tăng 22,31%, dịch vụ tăng 23,31%. Đến năm 2020, nông nghiệp và thủy sản chiếm 51%, công nghiệp - xây dựng chiếm 13%, dịch vụ chiếm 36%.

- Ngăn chặn có hiệu quả, tiến tới chấm dứt tình trạng đánh bắt hải sản có tính hủy hoại môi trường sinh thái biển; các trường hợp vi phạm quy định về đánh bắt cá trên biển của nước ta và vùng đặc quyền kinh tế của các nước trong khu vực biển Đông.

2. Nhiệm vụ chủ yếu đến năm 2020

Kinh tế, biển đảo của tỉnh Quảng Ngãi trong giai đoạn 2016-2020, tập trung ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực như sau: phát triển công nghiệp gắn với phát triển Khu kinh tế Dung Quất; phát triển kinh tế thủy sản; phát triển du lịch; phát triển hàng hải, vận tải biển; xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng và đô thị; quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, đảo; phát triển huyện đảo Lý Sơn mạnh về kinh tế du lịch và thủy sản, gắn với bảo vệ chủ quyền, an ninh trên biển Đông.

a) Xây dựng, phát triển Khu Kinh tế Dung Quất thành trung tâm công nghiệp ven biển của khu vực miền Trung, là Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng Quốc gia, là cửa ngõ để ra biển, là hạt nhân thúc đẩy sự phát triển:

Phát triển công nghiệp, phát triển Khu kinh tế Dung Quất theo tinh thần Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 24/6/2011 của Tỉnh ủy (khóa XVIII); Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 18/11/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi (khóa XVIII) và Kết luận số 18-KL/TU ngày 19/4/2016 của Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ ba, khóa XIX, nhằm xây dựng Khu Kinh tế Dung Quất phát triển tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, nòng cốt là công nghiệp lọc dầu, hóa dầu, các ngành công nghiệp có quy mô lớn gắn với cảng nước sâu Dung Quất; phát triển công nghiệp gắn với phát triển dịch vụ, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng; khuyến khích thu hút các nhà đầu tư, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật trong KKT Dung Quất. Tạo môi trường làm việc hiệu quả và đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động; tăng cường công tác bảo vệ môi trường; đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Khu Kinh tế Dung Quất.

Triển khai rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch các Khu Công nghiệp trong Khu Kinh tế Dung Quất; rà soát xử lý các dự án chậm tiến độ theo quy định. Thực hiện hiệu quả công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, tạo quỹ đất sạch và đầu tư một số khu dân cư đồng bộ về hạ tầng, tiện ích nhằm phục vụ di dân, nhường đất đầu tư, phát triển các dự án trọng điểm trong Khu, trước mắt sớm hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng phục vụ dự án Nâng công suất, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất,... Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương, Tập đoàn dầu khí Việt Nam và nhà đầu tư chuẩn bị các phương án hỗ trợ tốt nhất để triển khai đầu tư xây dựng các nhà máy nhiệt điện khí trên địa bàn KKT Dung Quất.

Xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ có mục tiêu từ nguồn thu Nhà máy lọc dầu Dung Quất cho tỉnh Quảng Ngãi để đầu tư cơ sở hạ tầng và giải quyết an sinh xã hội tỉnh giai đoạn 2016-2020.

b) Phát triển kinh tế thủy sản toàn diện, đồng bộ, bền vững trên các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, chế biến

* Về khai thác hải sản

- Đẩy mạnh thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển thủy sản và Nghị định 89/2015/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67/2014/NĐ-CP; tiếp tục vận động, hỗ trợ ngư dân cải hoán, đóng mới phát triển đội tàu có công suất lớn, hiện đại, đặc biệt là tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới để vươn khơi đánh bắt dài ngày và dịch vụ hậu cần trên biển kết hợp bảo vệ chủ quyền vùng biển. Đến năm 2020 tổng số tàu thuyền còn khoảng 5.300 chiếc (trong đó, tàu có công suất lớn trên 90 CV là 3.400 chiếc), với tổng công suất 1.600.000 CV; giảm dần tàu cá có công suất nhỏ dưới 90 CV đang khai thác ở vùng biển ven bờ, tăng dần số tàu có công suất 400 CV trở lên có khả năng khai thác xa bờ; cơ cấu lại nghề khai thác hải sản, giảm tỷ lệ nghề lưới kéo tầng đáy xuống 25%, tăng nghề rê khơi lên 30%, tăng nghề rê câu lên 18% và tăng nghề lưới vây lên 13%. Sản lượng khai thác trên biển khoảng 206 ngàn tấn.

- Củng cố, phát triển các hợp tác xã, nhất là hợp tác xã dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ; tổ, đội, nghiệp đoàn nghề cá đoàn kết sản xuất trên biển và các mô hình liên kết khai thác - dịch vụ hậu cần thu mua - chế biến, gắn với tăng cường tuyên truyền pháp luật nghề cá. Đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh có 11 hợp tác xã dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ và 16 nghiệp đoàn nghề cá với khoảng 9.000 đoàn viên.

- Phối hợp với các bộ ngành, các đơn vị liên quan, tiến hành khảo sát, đàm phán, thỏa thuận hợp tác khai thác hải sản ở vùng biển các nước mà ngư dân, doanh nghiệp tỉnh ta có lợi thế, có điều kiện thuận lợi khai thác.

- Thực hiện các biện pháp kiểm soát, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; nghiên cứu, đánh giá về nguồn lợi thủy sản vùng biển ven bờ và đảo Lý Sơn; sớm triển khai, đưa Khu bảo tồn biển Lý Sơn đi vào hoạt động.

- Quy định thời gian hợp lý để khai thác các loại rong biển đối với từng khu vực (vùng biển Lý Sơn, vùng ven bờ Phổ Châu, ven bờ Bình Thuận, Bình Hải, Bình Châu, Tịnh Kỳ) để không ảnh hưởng đến quá trình hình thành, phát triển của rong biển và các loại động thực vật sống trong thảm rong mơ. Nghiên cứu mô hình nuôi trồng và chế biến các loại rong biển, tảo biển có giá trị cao.

* Về nuôi trồng thủy sản

- Nhiệm vụ ưu tiên của phát triển nuôi trồng thủy sản trong giai đoạn 2016-2020 là cải tạo các vùng nuôi hiện có, đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế dịch bệnh, đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ tiên tiến, tăng năng suất, sản lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Từng bước xây dựng hệ thống thủy lợi cung cấp nước, hệ thống xử lý nước thải cho các vùng nuôi; đẩy mạnh ứng dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến, nuôi tôm theo quy trình thực hành nuôi tốt (GAP); áp dụng mô hình nuôi xen ghép tôm, cá và các loài thủy sản có giá trị kinh tế khác để hạn chế dịch bệnh cho tôm. Khuyến khích đầu tư phát triển những vùng nuôi mới với các khu vực ưu tiên là: nuôi nước mặn vùng biển Lý Sơn, đầm nước mặn Sa Huỳnh; nuôi tôm trên cát ở xã Phổ Khánh (Đức Phổ), Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa), Đức Phong (Mộ Đức); nuôi nước ngọt trên các con sông lớn, hồ, đập thủy lợi(26).

- Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển các trung tâm sản xuất, cung cấp con giống có chất lượng phục vụ phát triển nuôi trồng thủy sản của tỉnh; đến năm 2020 đáp ứng 30% nhu cầu con giống đảm bảo chất lượng và an toàn dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

Phấn đấu đến năm 2020, diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh đạt 2.350 ha; trong đó, nuôi nước lợ khoảng 850 ha, nuôi biển 150 bè (khoảng 2.000 lồng), nuôi nước ngọt khoảng 1.500 ha. Sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt khoảng 10.000 tấn, trong đó nuôi tôm nước lợ 6.300 tấn, cá nước ngọt 2.000 tấn, nuôi biển 100 tấn, thủy sản khác 900 tấn. Đối tượng nuôi nước lợ chủ yếu là tôm thẻ chân trắng, cua, tôm sú...; nuôi trên biển chủ yếu là tôm hùm, cá mú, cá bớp, cá chim vay vàng...; đối với ao hồ, đập thủy lợi tập trung nuôi cá rô phi đơn tính.

* Về chế biến thủy sản

- Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng năng lực chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm; kiểm soát chặt chẽ vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường các nước EU, Mỹ, Nhật. Phấn đấu đến năm 2020 chế biến khoảng 23 ngàn tấn sản phẩm; giá trị xuất khẩu đạt 30 triệu USD, bằng 3% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.

- Khôi phục, phát triển các nghề chế biến thủy sản truyền thống, sản xuất các đặc sản của biển để giải quyết việc làm, nâng cao giá trị và thu nhập người dân; hỗ trợ việc đăng ký, quảng bá thương hiệu sản phẩm thủy sản.

- Quy hoạch, đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp ven biển để phục vụ phát triển các ngành nghề chế biến thủy sản, như các cụm công nghiệp Sa Kỳ, Sa Huỳnh, Mỹ Á, An Hải,...

* Về hạ tầng thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá

- Huy động nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống các cảng cá, vũng neo đậu tàu thuyền, các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá. Tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thành dự án Vũng neo đậu tàu thuyền đảo Lý Sơn (giai đoạn 2), Cảng cá và Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Sa Kỳ, Cảng neo trú tàu thuyền và cửa biển Mỹ Á (giai đoạn 2); triển khai đầu tư xây dựng dự án Vũng neo đậu tránh trú bão cho tàu cá kết hợp cảng cá Cổ Lũy (giai đoạn 1); tìm nguồn vốn đầu tư các dự án Cảng cá và vũng neo đậu tàu thuyền Sa Cần, cảng cá và vũng neo đậu tàu thuyền Sa Huỳnh (giai đoạn 2).

- Đi đối với việc đầu tư xây dựng các cảng cá, vũng neo đậu tàu thuyền cần xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng khu dịch vụ hậu cần nghề cá, nhằm khuyến khích, kêu gọi đầu tư xây dựng các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá trên bờ, phục vụ tốt hơn công tác cung ứng vật tư, nhiên liệu, thu mua, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm thủy sản; đồng thời khuyến khích, hỗ trợ đóng tàu dịch vụ hậu cần trên biển, phấn đấu đến năm 2020 toàn tỉnh có 15 tàu, trong đó có 12 vỏ thép, vỏ vật liệu mới, công suất từ 400 CV/chiếc trở lên.

- Quảng Ngãi là tỉnh có lực lượng tàu thuyền khai thác cá biển khá đông, trên địa bàn tỉnh có nhiều cửa biển, có nhiều cảng cá và khu neo đậu tàu thuyền; tuy nhiên, chưa hình thành được một trung tâm nghề cá lớn của tỉnh; do vậy, cần nghiên cứu quy hoạch đầu tư xây dựng để hình thành trung tâm nghề cá lớn của tỉnh, nơi đây sẽ phát triển đồng bộ về kết cấu hạ tầng, các tiện ích về dịch vụ hậu cần, các cơ sở thu mua, bảo quản, chế biến và tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm thủy sản. Nghiên cứu quy hoạch đầu tư xây dựng khu vực Sa Kỳ để từng bước hình thành trung tâm nghề cá lớn của tỉnh.

c) Phát triển du lịch biển, đảo là nhiệm vụ đột phá chiến lược, từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp lớn vào tăng trưởng, phát triển kinh tế biển, đảo của tỉnh.

Tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển du lịch biển, đảo đã xác định trong Nghị quyết của Hội nghị Tỉnh ủy khóa XIX về phát triển dịch vụ, du lịch giai đoạn 2016-2020.

- Quy hoạch và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch

Rà soát, điều chỉnh, bổ sung và hoàn chỉnh quy hoạch phát triển các khu du lịch biển, đảo như: Mỹ Khê, Lý Sơn, Khe Hai, Sa Huỳnh, Châu Me. Trong đó, phát triển Khu du lịch Mỹ Khê thành khu du lịch quốc gia; Lý Sơn thành đảo du lịch xanh, sạch, đẹp và là điểm du lịch quốc gia; Mỹ Khê - Lý Sơn xác định là tuyến du lịch biển, đảo chủ đạo của tỉnh Quảng Ngãi; Sa Huỳnh - Châu Me gắn với Khu di tích khảo cổ Sa Huỳnh tạo thành cụm du lịch biển phía Nam của tỉnh. Bên cạnh việc đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kết nối, huy động các nguồn lực xây dựng hạ tầng các khu, điểm du lịch, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư phát triển du lịch. Tiếp tục thực hiện hoàn thành các dự án được đầu tư từ ngân sách nhà nước: đường trục chính Khu du lịch Sa Huỳnh (nối dài), đường bờ Đông sông Kinh Giang (nối dài); triển khai thực hiện các dự án mở rộng đoạn đường đi bộ ven biển (khoảng 2km) thuộc hạ tầng khu du lịch Mỹ Khê, đường vào Khu di tích khảo cổ Sa Huỳnh. Từng bước đầu tư bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, đầu tư các thiết chế văn hóa, thể thao gắn với du lịch, biển đảo. Lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia đối với khu vực Giếng Tiền và núi Thới Lới, khu vực tàu cổ Bình Châu; lập hồ sơ trình Ủy ban UNESCO công nhận Công viên địa chất toàn cầu cho khu vực đảo Lý Sơn, Bình Châu và các vùng phụ cận. Tiếp tục thu hút đầu tư các dự án nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng ẩm thực phục vụ du khách. Tiếp tục thu hút đầu tư vào các khu, điểm du lịch Lý Sơn, Mỹ Khê, Sa Huỳnh...; thu hồi các dự án chậm tiến độ kéo dài, gây lãng phí đất đai.

- Phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch biển, đảo

Phát triển các sản phẩm, loại hình du lịch biển, đảo đặc trưng, có khả năng cạnh tranh để thu hút du khách. Khôi phục và phát huy các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể ở vùng biển, đảo để phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch. Các loại hình du lịch trên địa bàn tỉnh đều phải được gắn kết chặt chẽ với nhau, tạo thành chuỗi du lịch phong phú đa dạng, có sức hấp dẫn du khách; trong đó, với tiềm năng và lợi thế về du lịch của tỉnh ta, du lịch biển đảo có sức hấp dẫn du khách nhiều nhất trong thời gian qua và sẽ có vai trò chủ đạo về phát triển du lịch của tỉnh trong thời gian đến. Tập trung phát triển du lịch biển, đảo nhằm khai thác hiệu quả tài nguyên về cảnh quan thiên nhiên, văn hóa, lịch sử của các địa phương ven biển và đảo Lý Sơn. Xây dựng và phát triển các khu du lịch gắn liền với việc xây dựng các sản phẩm du lịch biển, đảo đặc trưng, chuỗi dịch vụ chất lượng cao để thu hút du khách như dịch vụ nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, câu cá, lặn biển, tham quan các rạng san hô, khám phá nghĩa địa tàu đắm, nghiên cứu đa dạng sinh học, tổ chức các hoạt động thể thao trên biển như bơi lội, lướt ván, mô-tô nước, vật lý trị liệu chăm sóc sức khỏe, ẩm thực,... Phát triển các loại hình du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh. Thu hút du khách đến tham quan các điểm di tích: di tích khảo cổ văn hóa Sa Huỳnh, Giếng Tiền, núi Thới Lới,...; di tích lịch sử, cách mạng như: Nhà trưng bày hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc hải trên đảo Lý Sơn, Chứng tích Sơn Mỹ, Đền thờ Trương Định, Khu lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng,...); tham quan, nghiên cứu tìm hiểu các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, các lễ hội truyền thống của cư dân vùng biển, đảo như: Lễ hội đua thuyền, Lễ hội cầu ngư vào tháng Giêng đến tháng Năm âm lịch; đặc biệt Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được bảo tồn, tổ chức hàng năm ở huyện đảo Lý Sơn như một nét đẹp văn hóa nhằm tri ân những hùng binh đã cắm mốc, dựng bia chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Phát triển loại hình du lịch tâm linh gắn liền với việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích, văn hóa tín ngưỡng của nhân dân địa phương như Chùa Ông, Chùa Hang, Đình làng An Hải, Chùa Thiên Ấn,...

Bên cạnh phát triển các sản phẩm du lịch cần tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ phát triển mạnh các ngành nghề sản xuất tạo nên đa dạng, phong phú các loại đặc sản của tỉnh như: tỏi, tỏi đen, rượu tỏi, rượu hải sâm (Lý Sơn), cá bống Sông Trà, các loại hải đặc sản của biển; phát triển các cửa hàng bán hàng lưu niệm nhằm phục vụ tốt cho nhu cầu khách du lịch, góp phần làm cho sản phẩm du lịch của tỉnh thêm phong phú, hấp dẫn.

- Hợp tác phát triển, kết nối tour, tuyển du lịch

Tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch với tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng; hợp tác, liên kết với thành phố Hồ Chí Minh. Mở rộng liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh còn lại trong vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, với các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, đặc biệt là với thủ đô Hà Nội cũng như các trung tâm du lịch lớn. Thu hút, khuyến khích, tạo cầu nối cho các doanh nghiệp trao đổi kinh nghiệm, kết nối tour, tuyến, khai thác sản phẩm du lịch của các địa phương.

- Tuyên truyền, quảng bá du lịch

Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch Quảng Ngãi, quảng bá hình ảnh đảo Lý Sơn, các khu du lịch, các sản phẩm du lịch, các di tích lịch sử, văn hóa, các lễ hội truyền thống đặc sắc của tỉnh trên các sóng Phát thanh - Truyền hình Quảng Ngãi, đài các tỉnh trong nước và Đài Truyền hình Việt Nam, các đài truyền hình cáp, trên website của tỉnh Quảng Ngãi và website Du lịch Quảng Ngãi, các trang mạng xã hội, các ấn phẩm du lịch,... bằng tiếng Việt và tiếng Anh nhằm làm cho ngày càng nhiều nhân dân, du khách trong và ngoài nước biết và đến tham quan du lịch tại tỉnh Quảng Ngãi.

- Tham gia hội chợ, hội thảo về du lịch tổ chức trong và ngoài nước nhằm tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường; xuất bản đa dạng ấn phẩm du lịch với nhiều thứ tiếng phục vụ việc tham gia các hội chợ, hội thảo để quảng bá du lịch Quảng Ngãi.

- Phối hợp với Tổng cục Du lịch, Tổng Công ty Hàng không quốc gia Việt Nam và Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức đón các đoàn Famtrip, Presstrip để giới thiệu tài nguyên, lợi thế, sản phẩm du lịch của tỉnh, thu hút đầu tư và mở rộng thị trường khách du lịch quốc tế. Đẩy mạnh việc quảng bá các video clip về du lịch trên các đường bay thành phố Hồ Chí Minh - Chu Lai, Hà Nội - Chu Lai và tại các sân bay Chu Lai, Đà Nẵng, Nha Trang và các đoàn tàu lửa, các phương tiện vận tải hành khách khác.

d) Xây dựng Lý Sơn thành đảo du lịch, mạnh về kinh tế, vững chắc về quốc phòng, an ninh, là tiền tiêu bảo vệ biển, đảo

Tổ chức thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển du lịch, kết cấu hạ tầng đảo Lý Sơn đã xác định trong các Nghị quyết của Hội nghị Tỉnh ủy khóa XIX về phát triển dịch vụ, du lịch; về phát triển kết cấu hạ tầng giai đoạn 2016-2020; bám sát các nhiệm vụ, giải pháp trong Đề án xây dựng huyện đảo Lý Sơn mạnh về kinh tế, vững chắc về quốc phòng, an ninh đến năm 2020; phấn đấu đến năm 2020 Lý Sơn trở thành điểm du lịch quốc gia, là hạt nhân thúc đẩy phát triển du lịch biển, đảo của tỉnh. Hoàn thành quy hoạch xây dựng Lý Sơn (tỷ lệ 1/2.000) bảo đảm chất lượng hiện đại, có tầm nhìn dài hạn, gắn kết chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng, an ninh; sắp xếp lại dân cư, phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, dịch vụ, phát huy, bảo tồn các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và bảo vệ tài nguyên môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong giai đoạn 2016-2020 phấn đấu giá trị sản xuất tăng bình quân là 10%; đến năm 2020, cơ cấu kinh tế chủ yếu vẫn là nông nghiệp, thủy sản chiếm 51%, dịch vụ 36% và công nghiệp - xây dựng 13%; kinh tế thủy sản là ngành - mũi nhọn, du lịch là ngành có lợi thế phát triển, đóng góp vào tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện.

- Về phát triển thủy sản: Khuyến khích, hỗ trợ ngư dân tiếp tục cải hoán, đóng mới tàu thuyền công suất lớn, hiện đại đánh bắt và dịch vụ hậu cần xa bờ, đồng thời tổ chức tốt các dịch vụ hậu cần trên bờ như cung ứng xăng dầu, nước ngọt, lương thực, thực phẩm, kho bãi, sơ chế, bảo quản, thu mua, vận tải, tín dụng, ngân hàng,... Phát triển nghiệp đoàn nghề cá, hợp tác xã, tổ hợp tác khai thác thủy hải sản xa bờ, gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh trên biển. Phấn đấu đến 2020, sản lượng đánh bắt 46.630 tấn, 458 tàu thuyền với tổng công suất 85.820 CV. Khuyến khích, hỗ trợ nhân dân đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển theo quy hoạch, kết hợp với bảo vệ môi trường sinh thái. Phấn đấu đến 2020 có 150 bè nuôi (khoảng 2.000 lồng), sản lượng đạt 100 tấn.

- Về phát triển du lịch: Phát triển du lịch gắn với mục tiêu xây dựng Lý Sơn trở thành đảo du lịch xanh, sinh thái và phấn đấu đến năm 2020 trở thành điểm du lịch quốc gia. Xây dựng, phát triển đảo Bé thành đảo du lịch, dịch vụ cao cấp. Ưu tiên quỹ đất thu hút đầu tư các dự án dịch vụ, du lịch lớn; bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý, bảo tồn, trùng tu, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh; đưa Khu Bảo tồn biển Lý Sơn đưa vào hoạt động nhằm làm phong phú thêm sản phẩm du lịch. Hoàn thành các thủ tục đề nghị công nhận di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia khu vực Giếng Tiền và núi Thới Lới; lập hồ sơ trình và được Chính phủ công nhận đảo Lý Sơn là di sản văn hóa cấp quốc gia đặc biệt.

Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch biển, đảo; kết hợp du lịch tham quan danh lam thắng cảnh, tìm hiểu di tích, lịch sử văn hóa trên đảo như: Đình làng An Hải, Chùa Hang, miệng núi lửa Thới Lới, Giếng Tiền, Hang Câu, cổng Tò Vò... và tìm hiểu về văn hóa, lịch sử đấu tranh, gìn giữ biển, đảo Tổ quốc, đặc trưng Nhà trưng bày hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa,...cùng với việc xây dựng và phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch biển, như lặn biển, ngắm san hô, câu cá, nghiên cứu đa dạng sinh học, tổ chức các hoạt động thể thao trên biển, ẩm thực,... nhằm hình thành chuỗi sản phẩm du lịch đặc trưng của đảo.

Tăng cường xây dựng và quảng bá hình ảnh của đảo Lý Sơn trong nước và trên thế giới; mở rộng liên kết các tuyến du lịch trong tỉnh và với các tỉnh trong vùng, gắn với xây dựng tuyến du lịch Mỹ Khê - Lý Sơn.

Xây dựng các tổ chức quản lý và phục vụ du lịch chuyên nghiệp, đồng thời hướng dẫn và tạo điều kiện đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng. Hướng dẫn, đào tạo, nâng cao tính chuyên nghiệp và chất lượng các loại dịch vụ như khách sạn, ăn uống, sản phẩm lưu niệm,...

- Về phát triển sản xuất nông nghiệp và trồng rừng: Giảm diện tích trồng hành, tỏi xuống mức hợp lý theo Quy hoạch xây dựng huyện đảo Lý Sơn. Tiếp tục triển khai ứng dụng công nghệ tiên tiến trong các khâu giống, làm đất, tưới tiêu, nâng cao năng suất, bảo quản sản phẩm tỏi; nghiên cứu, chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng cao từ tỏi Lý Sơn như: tỏi đen, rượu tỏi,...

Đẩy mạnh trồng rừng, tăng nhanh diện tích rừng phủ xanh cho đảo. Phấn đấu phủ xanh 100% diện tích đất lâm nghiệp (khoảng 165 ha) và diện tích đất đồi núi trọc. Khuyến khích trồng cây theo các hình thức trong vườn, nơi công cộng, các trụ sở và đặc biệt là các tuyến đường trên đảo để tạo cảnh quan đẹp và góp phần làm trong sạch môi trường, giảm ô nhiễm.

- Về xây dựng cơ sở hạ tầng: Tranh thủ chính sách hỗ trợ đầu tư của Chính phủ cùng với các nguồn vốn khác xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng trên đảo từng bước đồng bộ. Hoàn thiện quy hoạch xây dựng huyện đảo Lý Sơn. Hoàn thành việc xây dựng Vũng neo đậu tàu thuyền đảo Lý Sơn (giai đoạn 2), đường trung tâm huyện đi xã An Hải, đường Cồn An Vĩnh đi Ra đa tầm xa, trồng rừng phòng hộ và cảnh quan môi trường Lý Sơn ; triển khai thực hiện dự án Đường cơ động phía đông Nam đảo Lý Sơn (giai đoạn 3), cảng Bến Đình; huy động vốn ODA và các nguồn vốn khác để đầu tư xây dựng Nhà máy cung cấp nước sạch cho đảo Lớn (3.000 m3/ngày/đêm), nâng cấp Trung tâm y tế quân dân y kết hợp, các tuyến đê đảo Lý Sơn, chợ Lý Sơn, hệ thống giao thông và điện chiếu sáng, hệ thống thu gom nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt trên đảo, quy hoạch bố trí sắp xếp dân cư, cải táng mồ mả; xây dựng hệ thống điện sinh hoạt cho đảo Bé...

- Về văn hóa - xã hội: Tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học, tăng cường cơ sở vật chất trường lớp, phấn đấu đến năm 2020 có 01/01 Trường THPT, 02/02 trường THCS và 02/04 Tiểu học, 03/03 trường mầm non đạt chuẩn. Tăng cường nhân lực, trang thiết bị y tế hiện đại, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân trên đảo; đến năm 2020 có 02/02 trạm y tế xã đạt chuẩn. Tổ chức đào tạo nghề tại chỗ cho lao động nông nghiệp, thủy sản, dịch vụ, du lịch, phấn đấu giải quyết việc làm bình quân khoảng 400-500 lao động, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2%/năm.

Xây dựng hình ảnh con người Lý Sơn văn minh, thân thiện, năng động, hài hòa, sáng tạo, có tinh thần hợp tác cao trong giao lưu, ứng xử. Vận động nhân dân Lý Sơn thay đổi phong tục, tập quán chôn cất; tiến hành cải táng mồ mả tập trung để dành quỹ đất phục vụ phát triển kinh tế, đảm bảo môi trường sinh thái.

- Về bảo vệ tài nguyên, môi trường: Kiểm soát và bảo vệ chặt chẽ tài nguyên, môi trường; tăng nhanh diện tích rừng, khuyến khích trồng cây xanh tạo cảnh quan; có biện pháp ngăn chặn triệt để tình trạng đào, khoan giếng trái phép, vứt rác bừa bãi để bảo vệ môi trường và nguồn nước ngọt trên đảo.

- Về quốc phòng, an ninh: Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với đầu tư xây dựng khu vực phòng thủ, bảo đảm vững chắc về quốc phòng, an ninh.

đ) Đẩy mạnh phát triển hệ thống cảng biển, vận tải biển, dịch vụ biển

Tiến hành rà soát quy hoạch chi tiết cảng Dung Quất, quy hoạch các ngành dịch vụ vận tải biển. Phát triển cảng nước sâu Dung Quất trở thành một trong những cảng có quy mô lớn ở khu vực miền Trung. Tập trung khai thác, phát triển khu bến cảng Dung Quất I là khu bến cảng tổng hợp, container với các bến cho tàu trọng tải từ 10.000 - 50.000 tấn, tàu container có sức chở đến 4.000 TEU; các bến chuyên dùng xuất sản phẩm dầu của liên hợp lọc hóa dầu, bến phục vụ công nghiệp đóng sửa chữa tàu biển, bến chuyên dụng của các cơ sở công nghiệp nặng cho tàu trọng tải từ 20.000 - 150.000 tấn hoặc lớn hơn. Dành quỹ đất thích hợp để xây dựng các đầu mối logistics sau cảng.

Xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng cảng Bến Đình có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 2.000 DWT; triển khai nâng cấp, sửa chữa cầu cập tàu tại đảo Bé (huyện Lý Sơn). Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nâng cấp, phát triển đội tàu vận tải tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn, đảo Lớn - đảo Bé để phục vụ nhu cầu đi lại ngày càng tăng người dân và du khách; nâng cao năng lực cung ứng và dịch vụ hỗ trợ vận tải tại cảng Sa Kỳ, Lý Sơn, đặc biệt là năng lực xếp dỡ và dịch vụ hậu cần vận tải hàng hóa. Đến năm 2020, tăng thêm 2-3 tàu vận tải; khối lượng vận chuyển hàng hóa tăng gần gấp 1,5-2,0 lần và hành khách tăng 1,0-1,5 lần so với năm 2015. Phấn đấu giai đoạn 2016-2020 hàng hóa qua các cảng biển tăng bình quân từ 3-5%.

Phát triển mạnh các loại hình dịch vụ biển, trọng tâm là dịch vụ cảng biển, vận tải biển, đóng, sửa chữa tàu thuyền và dịch vụ nghề cá, các dịch vụ gắn với cảng nước sâu Dung Quất, đại lý tàu biển, đại lý vận tải hàng hóa, dịch vụ cung cấp vật tư, thiết bị hàng hải, thông tin liên lạc trên biển...

Tạo điều kiện, phát huy năng lực của các cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu cá vỏ gỗ hiện có; khuyến khích, hỗ trợ phát triển các cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu thuyền khai thác hải sản công suất lớn, kỹ thuật hiện đại bằng vật liệu vỏ thép, vỏ vật liệu mới đáp ứng nhu cầu đóng tàu đánh bắt xa bờ cho ngư dân.

Nghiên cứu hình thành tuyến vận tải hành khách phục vụ du lịch bằng đường biển: Hội An - Lý Sơn , Chu Lai - Lý Sơn.

e) Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng từng bước đồng bộ, hiện đại gắn với phát triển các khu đô thị ven biển

Tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kết cấu hạ tầng ven biển, đảo đã xác định tại Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 01/7/2016 của Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ tư, khóa XIX về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị; gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Rà soát, triển khai thực hiện các quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt liên quan đến khu vực ven biển, đảo; triển khai thực hiện đề án xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình Biển Đông - Hải đảo trên địa bàn tỉnh; tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ theo chương trình mục tiêu từ ngân sách Trung ương, nguồn thu điều tiết từ nhà máy lọc dầu Dung Quất, nguồn vốn ODA,... cùng với các nguồn lực địa phương đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng ven biển và hải đảo.

Bên cạnh việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trong Khu kinh tế Dung Quất, hạ tầng thủy sản, kết cấu hạ tầng huyện đảo Lý Sơn (nêu ở phần trên); tiếp tục đầu tư hoàn thành tuyến đường Bờ Nam sông Trà Khúc, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh (giai đoạn 1, đoạn Dung Quất - Mỹ Khê), đề nghị Trung ương bố trí kế hoạch vốn thực hiện đầu tư cầu Cửa Đại để hình thành trục giao thông ven biển phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phát triển chuỗi đô thị ven biển và phục vụ quốc phòng - an ninh. Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn ven biển và đảo từ các nguồn vốn ngân sách huyện, thành phố, các chương trình mục tiêu như Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu Ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, kiên cố hóa trường lớp, học, đề án trường mầm non, xây dựng trạm y tế xã, bãi ngang ven biển, củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển,...

Tiếp tục phối hợp với tỉnh Quảng Nam kiến nghị với Bộ Giao thông vận tải đầu tư nâng cấp hạ tầng sân bay Chu Lai để tạo điều kiện giao thương, phát triển kinh tế - xã hội cho 2 tỉnh mà trực tiếp là tạo động phát triển nhanh 2 khu kinh tế Dung Quất và Chu Lai.

Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai thực hiện Đề án đảm bảo mạng lưới thông tin biển, đảo; phối hợp với Bộ Công Thương triển khai thực hiện Đề án nghiên cứu ứng dụng sản xuất điện từ năng lượng mặt trời, gió.

- Tiếp tục hoàn chỉnh các quy hoạch xây dựng đô thị, trong đó, có các đô thị ven biển và các đô thị gắn kết với phát triển kinh tế biển như thành phố Quảng Ngãi, Vạn Tường, Đức Phổ và đô thị trung tâm huyện Lý Sơn; trong đó thành phố Quảng Ngãi là đô thị trung tâm kết nối tạo động lực phát triển các vùng và các đô thị ven biển; cùng với việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tuyến đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, nghiên cứu quy hoạch xây dựng các khu đô thị mới dọc theo trục đường này nhằm đô thị hóa và tạo môi trường cảnh quan ven biển, phát triển đô thị hướng biển.

Cùng với nguồn vốn ngân sách kết hợp huy động các nguồn vốn từ quỹ đất và các nguồn lực khác tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng các khu dân cư, các khu đô thị ven biển và đô thị huyện Lý Sơn. Hoàn thành hồ sơ trình Chính phủ công nhận huyện Đức Phổ thành thị xã trực thuộc tỉnh; đến năm 2020, xây dựng đô thị trung tâm huyện Đức Phổ đủ tiêu chí đô thị loại IV, đô thị Vạn Tường đạt một số tiêu chí đô thị loại IV, đô thị Lý Sơn đủ tiêu chí đô thị loại V, đô thị Sa Huỳnh, Sa Kỳ đạt một số tiêu chí đô thị loại V,...

g) Tăng cường quản lý, bảo vệ tài nguyên, môi trường; phòng, chống thiên tai

Tiếp tục công tác điều tra cơ bản, xây dựng hệ thống thông tin về tài nguyên và môi trường biển; xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch quản lý tổng hợp đới bờ, thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển; có biện pháp quản lý, kiểm soát các nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất của dân cư vùng ven biển và đảo Lý Sơn; đề ra các giải pháp quản lý tài nguyên, môi trường biển theo hướng phát triển bền vững. Tăng cường quản lý, bảo tồn tài nguyên và đa dạng sinh học vùng biển, ven biển.

Thực hiện các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát, xử lý các hoạt động gây ô nhiễm môi trường. Ứng phó, khắc phục các sự cố môi trường trên đảo Lý Sơn, các khu du lịch ven biển, các vùng nuôi trồng thủy sản, nuôi tôm trên cát. Kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư các nhà máy xử lý rác thải ở các huyện ven biển; mở rộng quy mô, công suất và vận hành có hiệu quả nhà máy xử lý chất thải rắn trên đảo Lý Sơn; xây dựng và nhân rộng các mô hình tổ tự quản về quản lý, thu gom, xử lý chất thải rắn khu vực bờ biển, các khu dân cư ven biển, cảng cá và khu dịch vụ hậu cần nghề cá. Chủ động phòng ngừa và xử lý sự cố tràn dầu trên biển.

Tiếp tục triển khai thực hiện dự án thuộc Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh; thực hiện Dự án xây dựng hệ thống đê bao nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển hạ tầng khu vực xã Tịnh Kỳ; phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai Đề án tổ chức thông tin phục vụ công tác phòng, chống thiên tai trên biển.

Hàng năm có kế hoạch sẵn sàng phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Tiếp tục thực hiện đề án hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão lụt trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn thiết kế xây dựng các công trình công cộng kết hợp phòng tránh bão lũ.

h) Phát triển văn hóa, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới

Triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; duy trì phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi và phổ cập tiểu học đúng độ tuổi (100% số xã, phường, thị trấn đạt); củng cố và nâng cao kết quả phổ cập giáo dục trung học cơ sở; tăng cường công tác phân luồng, tư vấn hướng nghiệp và định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông. Tiếp tục đầu tư xây dựng các trường đạt chuẩn quốc gia. Đến năm 2020, có 62/92 (65,9%) trường Mầm non, 92/109 (98,4%) trường Tiểu học, 75/79 (94,9%) trường THCS và 18/21 (85,7%) trường THPT đạt chuẩn quốc gia. Có biện pháp hiệu quả hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng học sinh vùng ven biển, hải đảo bỏ học.

Thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho lao động ở các huyện ven biển và huyện Lý Sơn, chú trọng giải quyết việc làm cho lao động dôi dư từ khu vực nông nghiệp do việc tích tụ, tập trung ruộng đất hoặc thu hồi đất phát triển công nghiệp, đô thị. Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả chính sách giảm nghèo, các chính sách xã hội, bảo đảm xã hội. Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo các địa phương ven biển, đảo giảm còn 3,17%.

Tăng cường nguồn lực của Nhà nước kết hợp đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dễ nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; thực hiện tốt Đề án phát triển y tế biển, đảo; Đề án kiểm soát dân số vùng biển, đảo và ven biển. Nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ y tế, tăng cường đào tạo đủ nhân lực và đầu tư xây dựng các trạm Y tế tại các xã ven biển đạt tiêu chuẩn. Huy động nguồn lực củng cố, hoàn thiện trung tâm y tế Quân Dân y kết hợp huyện Lý Sơn. Chú trọng công tác y tế dự phòng và truyền thông, giáo dục sức khỏe; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi.

Nâng cao chất lượng cuộc vận động và phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa". Xây dựng và từng bước hoàn thiện các thiết chế văn hóa vùng ven biển, đảo. Bảo vệ, tôn tạo di tích, danh lam, thắng cảnh; bảo tồn và phục dựng các lễ hội, hoạt động văn hóa dân gian, các làng nghề truyền thống. Chú trọng tuyên truyền, giáo dục để xây dựng con người Quảng Ngãi có thái độ ứng xử văn minh, lịch sự, nhằm tạo hình ảnh tốt đẹp về quê hương và con người Quảng Ngãi...

Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới.

i) Bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc

Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ven biển và hải đảo. Phối hợp với các bộ, ngành Trung ương xây dựng lực lượng vũ trang trên biển vững mạnh; xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên ở các xã ven biển, hải đảo có chất lượng; triển khai thực hiện Đề án bảo đảm trật tự trị an, an toàn cho nhân dân và các hoạt động kinh tế biển. Tăng cường tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn và làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch và các loại tội phạm trên biển, vùng ven biển, đảo. Tập trung xây dựng, củng cố, duy tu, bảo dưỡng các công trình phòng thủ ven biển, đảo Lý Sơn, hình thành tuyến phòng thủ cơ bản liên hoàn vững chắc.

Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo với quốc phòng, an ninh; gắn hoạt động của các đội tàu đánh bắt hải sản xa bờ với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh vùng biển. Việc huy động vốn đầu tư và xúc tiến đầu tư, nhất là các chương trình, dự án có yếu tố nước ngoài phải bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh trong cấp phép đầu tư và lựa chọn đối tác thực hiện; coi việc bảo đảm quốc phòng, an ninh trong quy hoạch, xây dựng các chương trình, dự án là nhiệm vụ chiến lược trong đầu tư phát triển kinh tế biển, đặc biệt là đảo Lý Sơn. Nâng cao năng lực tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên biển.

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương kịp thời can thiệp, đấu tranh, bảo hộ ngư dân, tàu thuyền của tỉnh bị phía nước ngoài bắt giữ, gây thiệt hại khi hành nghề trên biển thuộc chủ quyền của Việt Nam; đồng thời có giải pháp tuyên truyền, vận động và quản lý tốt đội tàu cá của tỉnh, khắc phục tình trạng vi phạm vùng biển đặc quyền kinh tế của các nước.

III. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của biển, đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

- Cấp ủy và chính quyền các cấp tiếp tục phổ biến, quán triệt và đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, giáo dục sâu rộng về vị trí, vai trò chiến lược của biển, các chủ trương, định hướng phát triển kinh tế biển nhằm nâng cao và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

- Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy; rà soát, điều chỉnh ban hành chức năng, nhiệm vụ và quy chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, thống nhất các vấn đề về biển, đảo của tỉnh, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý nhà nước về biển, đảo tại các sở, ban, ngành và địa phương ven biển, đảo.

- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung và ban hành mới các quy chế phối hợp hoạt động giữa cơ quan quản lý nhà nước tổng hợp, thống nhất về biển, đảo với các ngành và các địa phương liên quan nhằm nâng cao năng lực hoạt động, thực hiện tốt công tác tham mưu, đề xuất cho UBND tỉnh quản lý, đề ra chủ trương, chính sách phù hợp để đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, đảo của tỉnh.

2. Giải pháp về quy hoạch và cơ chế, chính sách

- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng mới các quy hoạch phát triển kinh tế biển, vùng ven biển của tỉnh phù hợp với yêu cầu phát triển mới, bảo đảm chất lượng, có tầm nhìn dài hạn, gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa phát triển vùng biển, ven biển, đảo với phát triển vùng nội địa; giữa phát triển các ngành, nghề trên biển với các ngành, nghề trên đất liền liên quan trực tiếp đến khai thác biển như: quy hoạch phát triển toàn diện ngành thủy sản, quy hoạch nuôi trồng thủy sản, quy hoạch phát triển du lịch biển, quy hoạch phát triển các khu đô thị ven biển, đảo, quy hoạch các khu dân cư...

- Vận dụng, cụ thể hóa và triển khai hiệu quả các chính sách, chương trình, đề án liên quan đến phát triển kinh tế biển của Trung ương. Triển khai hiệu quả chính sách về ưu đãi, hỗ trợ và thu hút đầu tư vào tỉnh, ngoài ra, nghiên cứu có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư hạ tầng vùng ven biển, đảo Lý Sơn; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp chế biến thủy sản; khuyến khích, hỗ trợ mở rộng năng lực đánh bắt xa bờ, hợp tác khai thác hải sản với các nước, phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, tạo điều kiện cho ngư dân bám biển dài ngày bằng các chính sách hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ năng lực sản xuất thiết thực; kết trong khai thác, nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ thủy sản; phát triển du lịch biển, vận tải biển, các loại hình dịch vụ biển...

- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan công tác xúc tiến, thu hút đầu tư và hỗ trợ các nhà đầu tư từ khâu khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư đến khâu triển khai thực hiện và đưa dự án vào hoạt động. Tập trung vào một đầu mối giải quyết thủ tục hành chính cho nhà đầu tư.

3. Phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ

- Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế biển, vùng ven biển của tỉnh; trọng tâm là thực hiện tốt Kết luận số 17-KL/TU ngày 19/4/2016 của Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ ba (khóa XIX) về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Thực hiện các chính sách, giải pháp thu hút và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển; đào tạo chuyên gia giỏi cho một số ngành, nghề về biển có nhu cầu cán bộ, chuyên gia có trình độ cao; đào tạo nghề, thuyền trưởng, máy trưởng cho ngư dân. Thực hiện tốt các chế độ, chính sách cho cán bộ, giáo viên công tác ở đảo và vùng bãi ngang ven biển.

- Xây dựng đội ngũ nhân lực phát triển du lịch chuyên nghiệp, có trình độ chuyên môn cao; đào tạo, bồi dưỡng, đảm bảo được yêu cầu về số lượng, chất lượng nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ, du lịch, đặc biệt là trình độ ngoại ngữ, hướng đến “chuẩn nghề du lịch” cho hầu hết lực lượng lao động trong ngành du lịch; đào tạo nghề, phát triển dịch vụ, du lịch và mô hình du lịch cộng đồng tại đảo Lý Sơn.

- Để phục vụ phát triển kinh tế biển, đảo, trong các năm đến hoạt động nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ tập trung giải quyết những vấn đề sau: Triển khai nghiên cứu, đánh giá về tài nguyên, khoáng sản, nguồn lợi thủy sản vùng biển ven bờ và đảo Lý Sơn; tiếp tục triển khai ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ sinh học trong sản xuất, chế biến, bảo quản các sản phẩm từ tỏi như Tỏi đen, rượu tỏi,...; đầu tư trang thiết bị, công nghệ hiện đại vào khai thác cá biển, bảo quản, chế biến các hải đặc sản từ biển,...

4. Giải pháp huy động vốn đầu tư

Nhu cầu đầu tư để phát triển kinh tế biển, đảo trong giai đoạn 2016-2020 là khá lớn, cần phải huy động tổng hợp nhiều nguồn vốn: ngân sách trung ương, trái phiếu chính phủ, vốn ngân sách địa phương, vốn ODA, vốn vay, vốn các chương trình mục tiêu, vốn huy động từ quỹ đất, vốn của nhà đầu tư trong nước, vốn FDI,...

- Đối với nguồn vốn Trung ương, ngoài nguồn vốn đã bố trí trong kế hoạch trung hạn 2016-2020, tranh thủ các nguồn vốn trái phiếu chính phủ, hỗ trợ có mục tiêu từ nguồn thu Nhà máy lọc dầu Dung Quất, vốn Chương trình Biển Đông - Hải đảo, vốn hỗ trợ phát triển huyện đảo Lý Sơn theo Quyết định số 1995/QĐ-TTg ngày 04/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ và các nguồn vốn hỗ trợ khác chưa ghi vào kế hoạch trung hạn để đầu tư các dự án lớn, tác động lan tỏa cho phát triển khu vực biển đảo như: cầu Cửa Đại, Đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh (giai đoạn 1, đoạn Dung Quất - Mỹ Khê), các cảng neo đậu tàu thuyền, hạ tầng trên đảo Lý Sơn ,...

- Đối với nguồn vốn ODA, chủ động tranh thủ các bộ, ngành trung ương, các nhà tài trợ vận động các dự án sử dụng ODA, vốn vay ưu đãi,... để đầu tư hệ thống giao thông ven biển, hệ thống cấp, thoát nước, xử lý nước thải, rác thải, hạ tầng các đô thị ven biển,... trong đó tập trung vào một số nhà tài trợ truyền thống như: WB, ADB, JICA, KOICA...

- Đối với nguồn vốn ngân sách địa phương, cân đối, ưu tiên bố trí đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu, có hiệu quả tác động phát triển kinh tế - xã hội vùng biển đảo, đồng thời tăng cường khai thác quỹ đất triển khai các dự án đầu tư phát triển các khu đô thị, các khu dân cư nông thôn để từng bước đô thị hóa và phát triển kết cấu hạ tầng ở khu vực ven biển, hải đảo, góp phần xây dựng nông thôn mới.

- Đối với nguồn vốn thu hút đầu tư, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, đổi mới công tác xúc tiến đầu tư nhằm tạo điều kiện thuận lợi thu hút nhà đầu tư tham gia phát triển kinh tế biển, đảo; phát huy hình thức hợp tác công tư (PPP); đẩy mạnh xã hội hóa trong các lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể dục thể thao, môi trường,... thu hút đầu tư FDI vào các ngành công nghệ cao, đạt trình độ tiêu chuẩn quốc tế, thu hút các dự án lớn như: Nhà máy điện khí, xây dựng và kinh doanh cảng biển, luyện cán thép...

IV. Nguồn vốn thực hiện

Tổng vốn đầu tư thực hiện Đề án ước hơn 152.653 tỷ đồng, trong đó:

1. Vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước

Khả năng cân đối vốn đầu tư công trong kế hoạch trung hạn 2016-2020 của tỉnh khoảng 10.984,947 tỷ đồng.

- Ngân sách Trung ương:

3.471,764 tỷ đồng.

+ Ngân sách tỉnh:

2.728,455 tỷ đồng.

+ Nguồn vốn từ quỹ đất (tỉnh quản lý):

1.930,000 tỷ đồng.

+ Nguồn vốn ODA:

252,700 tỷ đồng.

+ Nguồn vốn ngân sách huyện quản lý:

2.602,028 tỷ đồng.

(Chi tiết theo Phụ lục 3.1 đính kèm)

2. Vốn đầu tư từ doanh nghiệp

Vốn từ doanh nghiệp (kể cả đầu tư từ doanh nghiệp nhà nước) là hơn 141.000 tỷ đồng, chủ yếu tập trung các dự án có quy mô lớn, trọng điểm ở Khu Kinh tế Dung Quất như: (1) Khu liên hợp nhà máy thép Hòa Phát - Dung Quất 52.000 tỷ đồng; (2) Nâng cấp, mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất 1,82 tỷ USD; (3) Nhà máy điện khí từ mỏ Cá Voi Xanh, giai đoạn 1 khoảng 1,787 tỷ USD...; (4) Khu công nghiệp - Đô thị Dung Quất 2.025 tỷ đồng; (5) Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Quảng Ngãi 1.000 tỷ đồng; (6) Các dự án kêu gọi, thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) khoảng 7.290 tỷ đồng và các dự án thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực kinh tế biển; đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội vào các địa phương ven biển, đảo của tỉnh...

(Chi tiết theo Phụ lục 3.2, 3.3, 3.4, 3.5 đính kèm)

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Các ngành, địa phương liên quan căn cứ vào nhiệm vụ, chức năng triển khai một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư. Tham mưu, huy động nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế biển; bố trí vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách tỉnh quản lý hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội ven biển.

2. Sở Tài chính

Tham mưu UBND tỉnh quản lý, cân đối bố trí nguồn vốn sự nghiệp hỗ trợ triển khai thực hiện các chính sách, chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế, xã hội vùng biển, hải đảo; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cân đối ngân sách, huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế biển.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương liên quan rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản. Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, trọng tâm là tái cơ cấu ngành thủy sản gắn với xây dựng nông thôn mới.

Đẩy mạnh thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ; vận động, hỗ trợ ngư dân cải hoán, đóng mới tàu cá công suất lớn, hiện đại; cơ cấu lại nghề khai thác hải sản; phát triển các hợp tác xã, tổ đội, nghiệp đoàn nghề cá. Phối hợp các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào nuôi trồng, khai thác, bảo quản, chế biến và tạo đầu mối liên kết tiêu thụ thủy sản.

Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng thủy sản; phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá. Nghiên cứu quy hoạch đầu tư xây dựng khu vực Sa Kỳ để từng bước hình thành trung tâm nghề cá lớn của tỉnh. Hàng năm có kế hoạch sẵn sàng phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường

Tập trung triển khai công tác điều tra cơ bản, xây dựng hệ thống thông tin về tài nguyên, môi trường biển; triển khai thực hiện kế hoạch quản lý tổng hợp vùng bờ. Triển khai các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát, xử lý các hoạt động gây ô nhiễm môi trường; ứng phó, khắc phục các sự cố môi trường. Tiếp tục triển khai thực hiện dự án thuộc Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững về biển, hải đảo.

5. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Rà soát, điều chỉnh, bổ sung và hoàn chỉnh quy hoạch phát triển du lịch. Chú trọng công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, nhất là các di sản gắn với lịch sử xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của quốc gia. Phối hợp các đơn vị liên quan huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch; tăng cường quảng bá, thu hút đầu tư vào các khu du lịch ven biển, hải đảo, nhất là du lịch Lý Sơn; mở rộng liên kết phát triển du lịch. Phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch đa dạng, đặc trưng, dịch vụ đạt chất lượng cao.

Nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh trình Chính phủ công nhận đảo Lý Sơn là di sản văn hóa cấp quốc gia đặc biệt; lập hồ sơ đề nghị công nhận Công viên địa chất toàn cầu cho khu vực đảo Lý Sơn, Bình Châu và vùng phụ cận.

6. Sở Công Thương

Phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng các khu, cụm công nghiệp ở các huyện ven biển. Xây dựng và triển khai thực hiện đề án phát triển công nghiệp, thương mại; thực hiện các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại. Hỗ trợ phát triển thương hiệu sản phẩm thủy sản của tỉnh nhằm nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh, đẩy mạnh tiêu thụ thủy sản. Quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại, hệ thống chợ, mạng lưới điện, năng lượng tái tạo vùng ven biển.

7. Sở Giao thông vận tải

Tổ chức quy hoạch, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ, đường thủy. Nghiên cứu đề xuất đầu tư xây dựng trục đường giao thông chính khu vực ven biển, các trục giao thông kết nối vùng ven biển với các đô thị, khu kinh tế và các khu vực khác theo quy hoạch.

8. Sở Xây dựng

Tổ chức quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch phát triển vùng, quy hoạch phát triển các khu đô thị ven biển và đảo Lý Sơn. Thực hiện đề án hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão lụt trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn thiết kế xây dựng các công trình công cộng kết hợp phòng tránh bão lũ.

9. Sở Ngoại vụ

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan và chính quyền địa phương tổng hợp thông tin, xác minh các vụ tàu của tỉnh bị tàu nước ngoài tấn công, đâm va, vây bắt, đập phá, tịch thu tài sản, hải sản khi đang hành nghề tại vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, các vụ việc ngư dân của tỉnh bị bắt, nhốt, tịch thu tài sản khi đang hành nghề trên biển; đồng thời thu thập chứng cứ cung cấp cho Bộ Ngoại giao để có cơ sở đấu tranh với phía nước ngoài nhằm bảo hộ, bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của ngư dân.

10. Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi

Triển khai rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch các Khu Công nghiệp trong KKT Dung Quất. Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và phát triển đô thị. Tăng cường cải cách thủ tục hành chính; tạo quỹ đất sạch; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thu hút đầu tư và hỗ trợ các nhà đầu tư triển khai dự án.

Xây dựng, tham mưu UBND tỉnh trình Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án hỗ trợ có mục tiêu từ nguồn thu Nhà máy lọc dầu Dung Quất cho tỉnh để đầu tư cơ sở hạ tầng và giải quyết an sinh xã hội giai đoạn 2020.

11. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ đội biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Cục Hải quan tỉnh

Tập trung tham mưu chỉ đạo huy động tiềm lực xây dựng khu vực phòng thủ ven biển vững chắc; thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ quốc phòng, an ninh chính trị, an ninh kinh tế, trật tự an toàn xã hội vùng biển, đảo của tỉnh. Đấu tranh, ngăn chặn các hành vi xâm phạm chủ quyền biển, đảo; tăng cường các hoạt động tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn các hoạt động gây mất an ninh trật tự, vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng lậu, cướp biển, đánh bắt thủy sản trái phép, hủy diệt nguồn lợi thủy sản,…; tham gia phòng chống lụt bão, cứu hộ, cứu nạn, phòng chống biến đổi khí hậu.

Bộ chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh và Sở Nông nghiệp và PTNT có biện pháp quản lý tốt đội tàu cá của tỉnh, khắc phục tình trạng vi phạm vùng biển đặc quyền kinh tế của các nước; ngăn chặn, xử lý nghiêm các chủ tàu, thuyền trưởng, doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh tổ chức tàu cá đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài.

12. Các sở, ban, ngành và các đơn vị khác liên quan

Các Sở, ban ngành và các đơn vị liên quan khác theo nhiệm vụ và chức năng tập trung hỗ trợ thực hiện Đề án đạt hiệu quả. Tổ chức tuyên tuyền, phổ biến kiến thức về pháp luật, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chủ quyền trên biển cho nhân dân vùng biển, hải đảo. Củng cố, xây dựng hệ thống chính quyền các địa phương ven biển và hải đảo vững mạnh; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý nhà nước về biển, đảo.

Đẩy mạnh các công tác y tế, giáo dục; chú trọng đào tạo nghề cung ứng lao động cho kinh tế biển, đào tạo thuyền viên, thuyền trưởng cho ngư dân, đào tạo nghề cho lao động các ngành nghề địa phương ven biển và hải đảo. Thực hiện các chính sách giảm nghèo, chính sách an sinh xã hội cho dân cư vùng ven biển, hải đảo. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến vào sản xuất, phát triển kinh tế, bảo tồn thiên nhiên vùng biển, đảo.

Các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, báo đài tích cực tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Đề án đến toàn thể cán bộ, nhân dân trong tỉnh.

13. UBND các huyện ven biển và thành phố Quảng Ngãi

Xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án ở cấp huyện phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương nhằm phát triển kinh tế biển, đảo hiệu quả. Chỉ đạo lồng ghép có hiệu quả các Chương trình, dự án trên địa bàn; thường xuyên kiểm tra giám sát việc thực hiện Kế hoạch của địa phương.

Đẩy mạnh tuyên truyền, kết hợp kiên quyết xử lý nghiêm việc sử dụng thuốc nổ hoặc các hành vi đánh bắt, khai thác thủy sản trái phép; tích cực tuyên truyền kiến thức pháp luật về biển cho ngư dân, hạn chế tình trạng xâm phạm vùng biển, lãnh hải của nước ngoài và bảo vệ vùng biển, lãnh hải của đất nước. Tăng cường công tác quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

UBND huyện Lý Sơn chủ động phối hợp với đơn vị khẩn trương hoàn thành quy hoạch xây dựng Lý Sơn (tỷ lệ 1/2000) bảo đảm chất lượng, hiện đại. Chú trọng xây dựng, hình thành các sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng; tăng cường tuyên truyền, quảng bá hình ảnh huyện đảo. Tăng cường ứng công nghệ tiên tiến trong khai thác, chế biến thủy sản, canh tác nông nghiệp; giảm diện tích trồng hành, tỏi xuống mức hợp lí. Có biện pháp kiểm soát và bảo vệ chặt chẽ tài nguyên, môi trường sinh thái, cảnh quan; tăng nhanh diện tích rừng trồng, cây xanh cảnh quan; quản lý và sử dụng chặt chẽ nguồn tài nguyên nước trên đảo.

VI. MỘT SỐ ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra của Đề án phát triển kinh tế biển, đảo tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020, UBND tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị với Trung ương một số nội dung như sau:

1) Tiếp tục ưu tiên hỗ trợ vốn đầu tư từ Ngân sách trung ương trong giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 1995/QĐ-TTg để xây dựng cơ sở hạ tầng đảo Lý Sơn, từng bước xây dựng Lý Sơn trở thành đảo mạnh về kinh tế và vững chắc về quốc phòng, an ninh.

2) Có cơ chế, chính sách cho tỉnh thực hiện Đề án “Hỗ trợ có mục tiêu từ nguồn thu Nhà máy lọc dầu Dung Quất cho tỉnh Quảng Ngãi để đầu tư cơ sở hạ tầng và giải quyết an sinh xã hội giai đoạn 2016-2020”.

3) Hỗ trợ cho tỉnh đầu tư một số công trình lớn, có tác động quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và kinh tế biển, đảo nói riêng Quảng Ngãi, như: Dự án đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh giai đoạn 2 (62 km, tổng mức 3.790 tỷ đồng), Trung tâm y tế quân dân y kết hợp Lý Sơn (157 tỷ đồng)...

4. Đề nghị Trung ương sớm bố trí vốn cho dự án cầu Cửa Đại (1.500 tỷ đồng) để tỉnh triển khai thực hiện dự án bảo đảm tiến độ,...

4) Bộ Giao thông vận tải sớm triển khai dự án Nâng cấp sân bay Chu Lai trong giai đoạn 2016-2020.

5) Tăng cường nguồn vốn vay ưu đãi để cải hoán, đóng mới hiện đại hóa đội tàu công suất lớn khai thác hải sản xa bờ; đồng thời có chính sách đặc thù hỗ trợ ngư dân khai thác, đánh bắt hải sản ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa.

Trên đây là Đề án đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, đảo tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020./.

 

PHỤ LỤC 1

HỆ THỐNG CẢNG BIỂN TỈNH QUẢNG NGÃI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 533/QĐ-UBND ngày 31/7/2017 của UBND tỉnh Quảng Ngãi)

TT

Tên cảng

Năng suất

Năng lực đón tàu

Thông số kỹ thuật

Loại cảng

1

Bến số 1 - cảng Dung Quất (PTSC Quảng Ngãi)

1,5 - 2 triệu tấn/năm

- Tổng hợp: tàu có trọng tải đến 25.000 DWT

- Tàu dăm gỗ: giảm tải cho tàu có trọng tải đến 50.000 DWT

Chiều dài cầu cảng: 210m

Độ sâu nước bến: -10m

Chiều dài luồng tàu 2,5m

Độ rộng luồng tàu: 140m

Độ sâu luồng: -9m

Tổng hợp

2

Bến số 1 - cảng tổng hợp Dung Quất (Gemadept Dung Quất)

1,5-2 triệu tấn/năm

- Tổng hợp: tàu có trọng tải đến 50.000 DWT

-Tàu dăm gỗ: giảm tải cho tàu có trọng tải đến 70.000 DWT

Chiều dài cầu cảng: 1455m

Độ sâu nước bến: -12m

Chiều dài luồng tàu: 33,5m

Độ rộng luồng tàu: 120m

Độ sâu luồng:-12m

Tổng hợp

3

Cảng xuất sản phẩm Nhà máy lọc dầu Dung Quất (gồm 6 cầu cảng từ Jetty 1 - Jetty 6)

6,5 triệu tấn sản phẩm/năm

- Jetty 1,2: tàu có trọng tải đến 20.000 DWT

- Jetty 3,4,5&6: tàu có trọng tải đến 5.000 DWT

- Jetty 1,2: Chiều dài cầu cảng: 215m, độ sâu nước bến từ 13,8 -13,9 m

- Jetty 3,4,5&6: Chiều dài cầu cảng 160m, độ sâu nước bến: từ 10,0 -14,9 m

Cảng chuyên dụng dầu

4

Hệ thống phao rót dầu không bến (SPM) tại vịnh Việt Thanh

6,5 triệu tấn sản phẩm /năm

Tàu có trọng tải đến 150.000 DWT

Độ sâu: -20,0m

Cảng chuyên dụng dầu

5

Cầu cảng Nhà máy CNN Doosan Vina

 

20.000DWT

Chiều dài cầu cảng: 240m

Độ sâu nước bến: -8,9m

Độ rộng luồng tàu: 200m

Độ sâu luồng:-8,5m

Cảng chuyên dụng hàng khô

6

Bến cảng số 2 tổng hợp Dung Quất

 

2.000 DWT (Khai thác tạm thời)

Chiều dài cầu cảng: 90m

Độ sâu nước bến: -4m

Tổng hợp

7

Bến chuyên dùng phục vụ chung KKT Dung Quất

Chủ đầu tư: Công ty TNHH MTV Hào Hưng Quảng Ngãi đang xây dựng

Tổng hợp

8

Cầu cảng Sa Kỳ

50.000 tấn/năm

1.000 DWT

Chiều dài cầu cảng: 100,3m

Độ rộng luồng tàu: 50m

Độ sâu luồng:-2,5m

Cảng hàng khô, dầu; phục vụ hàng hóa, hành khách

 

 

 

 

 

 

 

PHỤ LỤC 2

TỔNG HỢP HÀNG HÓA QUA CỤM CẢNG DUNG QUẤT GIAI ĐOẠN 2010-2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 533/QĐ-UBND ngày 31/7/2017 của UBND tỉnh Quảng Ngãi)

TT

Chỉ tiêu

ĐVT

2010

2011

2012

2013

2014

2015

I

Tổng số

Tấn

13.577.588

13.785.751

14.151.158

22.659.929

17.365.989

17.247.557

1

Hàng xuất khẩu

Tấn

1.875.079

2.423.357

2.672.150

8.783.036

5.173.774

3.710.004

2

Hàng nhập khẩu

Tấn

6.127.231

6.036.202

6.096.382

7.543.889

6.447.529

7.195.173

3

Hàng nội địa

Tấn

5.507.732

5.234.364

5.239.689

6.015.992

5.271.710

6.080.929

4

Hàng quá cảnh

Tấn

67.546

91.828

142.937

317.012

472.976

261.451

II

Phân theo dạng hàng

 

13.577.588

13.785.751

14.151.158

22.659.929

17.365.989

17.247.557

1

Container

Tấn

 

18.160

 

 

 

 

 

Container (TEU)

TEU

406

6.878

 

 

 

 

2

Hàng lỏng

Tấn

11.672.879

11.211.417

11.372.286

13.612.348

11.742.059

13.238.109

 

Hàng xuất

Tấn

179.477

77.216

106.496

127.852

157.403

120.542

 

Hàng nhập

Tấn

6.090.949

5.950.978

6.062.481

7.498.568

6.375.439

7.114.476

 

Hàng nội địa

Tấn

5.402.453

5.183.223

5.203.309

5.985.928

5.209.217

6.003.091

3

Hàng khô, tổng hợp

Tấn

1.837.163

2.464.346

2.635.935

8.730.569

5.150.954

3.747.997

 

Hàng xuất

Tấn

1.695.602

2.346.141

2.565.654

8.655.184

5.016.371

3.589.462

 

Hàng nhập

Tấn

36.282

85.224

33.901

45.321

72.090

80.697

 

Hàng nội địa

Tấn

105.279

32.981

36.380

30.064

62.493

77.838

4

Hàng quá cảnh

Tấn

67.546

91.828

142.937

317.012

472.976

261.451

III

Lượt tàu ra, vào

 

1.638

1.420

1.747

2.614

3.065

3.370

1

Tàu nước ngoài

 

 

 

 

 

 

 

 

Lượt tàu

Lượt

386

261

253

763

595

435

 

Tổng DWT

DWT

6.225.005

5.387.586

5.130.813

14.953.148

19.442.888

12.253.300

2

Tàu Việt Nam

 

 

 

 

 

 

 

 

Lượt tàu

Lượt

1.252

1.159

1.294

2.851

2.470

2.935

 

Tổng DWT

DWT

14.451.520

12.838.103

12.532.935

14.511.115

25.866.298

33.642.356

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

PHỤ LỤC 3

TỔNG HỢP NHU CẦU VỐN ĐẦU TƯ TRONG GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 533/QĐ-UBND ngày 31/7/2017 của UBND tỉnh Quảng Ngãi)

ĐVT: Triệu đồng

TT

Nguồn vốn

Nhu cầu vốn tối thiểu thực hiện đề án trong giai đoạn 2016- 2020

Ghi chú

 

Tổng số

152.653.947

 

1

Đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước

10.984.947

Phụ lục 3.1

 

Ngân sách Trung ương

3.471.764

 

Ngân sách tỉnh

2.728.455

 

Vốn quỹ đất (tỉnh quản lý)

1.930.000

 

Vốn ODA

252.700

 

Vốn ngân sách huyện quản lý

2.602.028

(Bao gồm vốn phân cấp)

2

Nhu cầu đầu tư từ doanh nghiệp

141.669.000

 

2.1

Danh mục một số dự án đầu tư trên địa bàn KKT Dung Quất

134.379.000

Phụ lục 3.2

2.2.

Danh mục kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP)

7.290.000

Phụ lục 3.3

2.3

Danh mục kêu gọi đầu tư khác (chưa dự kiến được tổng mức đầu tư)

 

Phụ lục 3.4

2.4

Danh mục dự án đề xuất Bộ, ngành Trung ương đầu tư trên địa bàn (chưa dự kiến được tổng mức đầu tư)

 

Phụ lục 3.5

 

 

 

 

 

PHỤ LỤC 3.1

DANH MỤC ĐẦU TƯ DỰ KIẾN TRONG KẾ HOẠCH TRUNG HẠN 2016-2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 533/QĐ-UBND ngày 31/7/2017 của UBND tỉnh Quảng Ngãi)

TT

TÊN DỰ ÁN

Địa điểm xây dựng

Năng lực thiết kế

Thời gian thực hiện

Quyết định đầu tư

Dự kiến kế hoạch vốn giai đoạn 2016-2020

Ghi chú

Số Quyết định

Tổng mức đầu tư

Trong đó

Tổng số

Ngân sách địa phương

Ngân sách trung ương

NSTW

NSĐP (NS tỉnh)

Tổng số

Trong đó

Tổng số

Trong đó

NSĐP (Tỉnh hỗ trợ)

Vốn từ vượt thu và các nguồn vốn khác

XSKT

Quỹ đất

CTMT

Hỗ trợ Nhà ở người có công

TPCP

ODA

MTQG

 

Tổng

 

 

 

 

17.078.125

7.930.141

4.150.022

8.382.919

4.658.455

2.471.705

93.000

217.750

1.930.000

3.724.464

1.790.112

-

1.618.652

252.700

-

 

A

Các dự án chuyển tiếp sang giai đoạn 2016-2020

 

 

 

 

6.523.344

3.951.196

1.147.231

1.973.300

593.745

414.245

50.000

129.500

-

1.379.555

945.203

-

181.652

252.700

-

 

I

Nông lâm nghiệp và thủy sản

 

 

 

 

1.344.158

1.073.751

270.408

714.883

94.779

94.779

-

-

-

620.104

367.404

-

-

252.700

-

 

1

Vũng neo đậu tàu thuyền đảo Lý Sơn (giai đoạn II)

Lý Sơn

500 tàu có CS 400CV

2012-2017

1476/QĐ-UBND 27/10/2010

401.097

400.147

950

227.304

-

 

 

 

 

227.304

227.304

 

 

 

 

 

2

Vốn đầu tư CSHT các xã Bãi Ngang

 

 

 

 

 

 

 

109.900

 

 

 

 

 

109.900

109.900

 

 

 

 

 

3

Quản lý Thiên tai

Mộ Đức, Đức Phổ

Đập 60m; 73,5m cầu, đường dẫn 288m; Kè 565m…

2012-2017

2113/QĐ-UBND ngày 30/12/2013; 2200/QĐ-UBND ngày 21/12/2013

251.751

189.000

62.751

199.501

28.801

28.801

 

 

 

170.700

 

 

 

170.700

 

 

4

Xây dựng hệ thống đê bao nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển hạ tầng khu vực Tịnh Kỳ và phía đông thành phố Quảng Ngãi

TP. Quảng Ngãi

Đê dài 3671m, 10 cống, 4 ha cây trồng

2013-2016

1613/QĐ-UBND ngày 31/10/2014

184.903

130.000

54.903

119.978

37.978

37.978

 

 

 

82.000

 

 

 

82.000

 

 

5

Tiêu úng, thoát lũ, chống sạt lở vùng hạ lưu sông Thoa

Mộ Đức, Đức Phổ, Nghĩa Hành

100ha

2011-2015

527/QĐ-UBND, 31/3/2009

338.000

270.400

67.600

41.200

11.000

11.000

 

 

 

30.200

30.200

 

 

 

 

 

6

Đê kè Hòa Hà

Tư Nghĩa

4.928m đê

2010-2015

1691/QĐ-UBND, 30/10/2009; 784/QĐ-UBND, 3/6/2011

168.407

84.204

84.204

17.000

17.000

17.000

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

II

Công nghiệp

 

 

 

 

49.877

-

49.877

29.000

29.000

29.000

-

-

-

-

-

-

-

-

-

 

7

Gia cố nền trên phần diện tích còn lại tại mặt bằng giai đoạn 2 của Nhà máy Doosan

Bình Sơn

19,53 ha

2015-2016

 

40.000

 

40.000

23.000

23.000

23.000

 

 

 

0

 

 

 

 

 

 

8

Bố trí vốn phục vụ bồi thường, cải tạo mặt bằng tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư và phía Đông Dung Quất (vị trí 2)

Bình Sơn

9,5 ha

 

1955/QĐ-UBND, 30/10/2015

9.877

 

9.877

6.000

6.000

6.000

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

III

Giao thông, đô thị ven biển

 

 

 

 

3.818.499

2.219.270

176.513

645.852

110.500

110.500

-

-

-

535.352

353.700

-

181.652

-

-

-

9

Đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh (giai đoạn 1)

Bình Sơn, TP. Quảng Ngãi

29km

2008-2016

230/QĐ-UBND 24/02/2014

1.497.000

1.450.480

46.520

181.652

-

 

 

 

 

181.652

 

 

181.652

 

 

 

10

Dự án thành phần II đoạn Bình Long - cảng Dung Quất (giai đoạn 2)

Bình Sơn

9km

2013-2017

117/QĐ-BQL ngày 21/3/2006, 629/QĐ-BQL ngày 23/9/2008

446.978

300.000

20.000

130.000

20.000

20.000

 

 

 

110.000

110.000

 

 

 

 

 

11

Xây dựng đường giao thông trục chính nối Trung tâm phía Bắc và phía Nam đô thị Vạn Tường

Bình Sơn

9,644 km

2014-2018

1448/QĐ-UBND ngày 30/9/2011

397.712

207.712

25.000

122.700

20.000

20.000

 

 

 

102.700

102.700

 

 

 

 

 

12

Dự án Cầu Trà Bồng (trên tuyến Dốc Sỏi - Dung Quất)

Bình Sơn

450

2014-2017

1605/QĐ-UBND, 31/10/2013

287.461

200.000

30.000

141.000

30.000

30.000

 

 

 

111.000

111.000

 

 

 

 

 

13

Kè chống sạt lở bờ biển thôn Thạnh Đức 1, xã Phổ Thạnh huyện Đức Phổ

Đức Phổ

Chiều dài kè 302,5m

2014-2016

1129/QĐ-UBND, 13/8/2014

14.993

 

14.993

500

500

500

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

14

Đường Trì Bình - Cảng Dung Quất (giai đoạn 1)

Bình Sơn

6,257km

2014-2018

648/QĐ-UBND 29/4/2014

1.113.277

 

40.000

40.000

40.000

40.000

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Phần còn thiếu thực hiện từ nguồn vượt thu, thưởng vượt thu, tăng thu để lại làm lương chi ĐTPT hoặc các nguồn vốn khác khi có điều kiện

15

Khu dân cư Hải Nam (thuộc dự án đầu tư hạ tầng các khu dân cư trong đô thị Vạn Tường)

Bình Sơn

3,5ha (88 lô TĐC)

2015-2016

1603/QĐ-UBND ngày 30/10/2014

61.078

61.078

 

30.000

0

 

 

 

 

30.00

30.000

 

 

 

 

 

IV

Du lịch

 

 

 

 

200.445

64.956

135.489

61.499

45.000

45.000

-

-

-

16.499

16.499

-

-

-

-

-

16

Đường bờ Đông sông Kinh Giang (nối dài) thuộc hạ tầng KDL Mỹ Khê

TP. Quảng Ngãi

3504m

2012-2017

1621/QĐ-UBND, 16/11/2010

83.298

27.700

55.598

7.000

7.000

7.000

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

17

Đường trục chính Khu du lịch Sa Huỳnh (nối dài)

Đức Phổ

4,2 km

2013-2018

1604/QĐ-UBND 30/10/2011; 1721/QĐ-UBND, 8/11/2012

117.147

37.256

79.891

54.499

38.000

38.000

 

 

 

16.499

16.499

 

 

 

 

 

V

Văn hóa - xã hội; tài nguyên môi trường

 

 

 

 

857.413

414.500

442.913

381.066

270.966

91.466

50.000

129.500

-

110.100

110.100

-

-

-

-

 

18

Trường Trung học cơ sở Bình Hải, huyện Bình Sơn

Bình Sơn

 

2014-2016

1558/QĐ-UBND, 29/10/2013

24.703

 

24.703

500

500

 

 

500

 

 

 

 

 

 

 

 

19

Trường THPT Lương Thế Vinh, Đức Phổ

Đức Phổ

45 lớp, 2.000 học sinh; 6135m2 sàn

 

92/QĐ-UBND, 16/01/2012

44.577

 

44.577

15.000

15.000

 

 

15.000

 

0

 

 

 

 

 

 

20

Trung tâm Dạy nghề - Giáo dục thường xuyên và Hướng nghiệp huyện Lý Sơn

Lý Sơn

1.734m2

2014-2016

1557/QĐ-UBND, 29/10/2013

14.902

 

14.902

4.000

4.000

 

 

4.000

 

 

 

 

 

 

 

 

21

Trường THPT Trần Kỳ Phong, Nhà thi đấu đa chức năng

Bình Sơn

Công trình cấp III, diện tích sàn 1.395m2

2015-2016

1561/QĐ-UBND, 24/10/2014

8.973

 

8.973

3.988

3.988

3.988

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

22

Ký túc xá trường chuyên Lê Khiết

TP. Quảng Ngãi

2.231 m2 sàn

2015-2017

1530/QĐ-UBND, 21/10/2014

19.553

 

19.553

10.000

10.000

10.000

 

 

 

0

 

 

 

 

 

 

23

Trường THPT Lê Quý Đôn - Mở rộng diện tích, xây dựng nhà thi đấu đa năng

Bình Sơn

1.392m2 sàn

2015-2017

1598/QĐ-SKHĐT, 30/10/2014

11.4118

 

11.418

5.500

5.500

5.500

 

 

 

0

 

 

 

 

 

 

24

Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ngãi

TP. Quảng Ngãi

300 giường

2014-2018

1611/QĐ-UBND, 25/10/2012

497.000

284.500

212.500

298.100

188.000

30.000

50.000

108.000

 

110.100

110.100

 

 

 

 

 

25

Mở rộng các khoa: Thận nhân tạo, Xét nghiệm, Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh nhiệt đới thuộc BV đa khoa tỉnh Quảng Ngãi

TP. Quảng Ngãi

1031 m2 + Thiết bị

2014-2016

1539/QĐ-UBND, 24/10/2013

14.826

 

14.826

2.000

2.000

 

 

2.000

 

 

 

 

 

 

 

 

26

Khu lưu niệm Bác Phạm Văn Đồng giai đoạn 2

Mộ Đức

Nhà trưng bày 386m2 và nhiều hạng mục khác

2014-2016

1298/QĐ-UBND, 29/8/2011

36.558

 

36.558

4.000

4.000

4.000

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

27

Xây dựng hệ thống đê bao nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển hạ tầng khu vực Tịnh Kỳ và phía đông thành phố Quảng Ngãi

TP. Quãng Ngãi

Đê dài 3617m, 10 cống, 4 ha cây trồng

2013-2016

1613/QĐ-UBND ngày 31/10/2014

184.903

130.000

54.903

37.978

37.978

37.978

 

 

 

0

 

 

 

 

 

 

VI

Quốc phòng - An ninh

 

 

 

 

12.192

-

12.192

2.500

2.500

2.500

-

-

-

-

-

-

-

-

-

 

28

Trạm kiểm soát biên phòng Sa Cần

Bình Sơn

DT. Sàn 465 m2

2014-2016

94/QĐ-SKHĐT, 30/10/2014

5.196

 

5.196

500

500

500

 

 

 

-

 

 

 

 

 

 

29

Cải tạo, nâng cấp đồn biên phòng Sa Huỳnh

Đức Phổ

DT. Sàn 212,1 m2

2014-2017

96/QĐ-SKHĐT, 30/10/2014

6.996

 

6.996

2.000

2.000

2.000

 

 

 

-

 

 

 

 

 

 

VII

Hạ tầng huyện Lý Sơn

 

 

 

 

240.760

178.720

59.840

138.500

41.000

41.000

-

-

-

97.500

97.500

-

-

-

-

 

30

Hệ thống cấp nước sinh hoạt trung tâm huyện Lý Sơn

Lý Sơn

Công suất 1000m3/Ngày đêm

2014-2016

1542/QĐ-UBND, 25/10/2013

21.999

19.799

 

5.000

-

 

 

 

 

5.000

5.000

 

 

 

 

 

31

Rừng phòng hộ cảnh quan môi trường Lý Sơn

Lý Sơn

Trồng 107,28 ha rừng

2011-2017

966/QĐ-UBND, 8/7/2011

20.110

 

20.110

6.000

6.000

6.000

 

 

 

-

 

 

 

 

 

 

32

Nâng cấp tuyến đường Cồn An Vĩnh Ra đa tầm xa huyện Lý Sơn

Lý Sơn

7.063,27 m

2015-2019

1606/QĐ-UBND, 30/10/2014

148.752

119.002

29.750

101.000

26.000

26.000

 

 

 

75.000

75.000

 

 

 

 

 

33

Đường trung tâm huyện - UBND xã An Hải

Lý Sơn

2.037,0m

2015-2016

1607/QĐ-UBND, 30/10/2014

49.899

39.919

9.980

26.500

9.000

9.000

 

 

 

17.500

17.500

 

 

 

 

 

B

Dự án dự kiến khởi công mới giai đoạn 2016-2020

 

 

 

 

10.554.781

3.978.945

3.002.790

6.409.619

4.064.710

2.003.460

43.000

88.250

1.930.000

2.344.909

844.909

-

1.500.000

-

-

 

I

Nông lâm nghiệp và thủy sản

 

 

 

 

1.040.381

656.581

286.800

362.000

135.000

135.000

-

-

-

227.000

227.000

-

-

-

-

 

1

Đê Phổ Minh

Đức Phổ

4.500m

2016-2020

1966c/QĐ-UBND, 30/10/2015

80.000

80.000

 

67.000

-

 

 

 

 

67.000

67.000

 

 

 

 

 

2

Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá kết hợp cảng cá Cổ Lũy, thành phố Quảng Ngãi (giai đoạn 1)

TP. Quảng Ngãi

2 đê ngăn sông 275m, 2 kè 500m; nạo vét 700m

2018-2022

 

158.000

112.000

46.000

10.000

-

 

 

 

 

10.000

10.000

 

 

 

 

Chương trình phát triển thủy sản

3

Các tuyến đê huyện Bình Sơn; Đập ngăn mặn Trà Bồng

Bình Sơn

281,6m

2017-2021

 

100.000

68.000

32.000

80.000

20.000

20.000

 

 

 

60.000

60.000

 

 

 

 

Đề án TCC ngành NN

4

Kênh thoát nước chống ngập úng đồng lau Phổ An

Đức Phổ

Hệ thống kênh dài 2.312,8 m

2017-2018

 

5.400

 

5.400

5.000

5.000

5.000

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Đề án TCC ngành NN

5

Hệ thống tiêu nước nối các xã Đức Phong, Đức Minh, Đức Thắng

Mộ Đức

11 km

2017-2019

 

35.000

 

35.000

30.000

30.000

30.000

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Đề án TCC ngành NN

6

Kè chống sạt lở và tôn tạo cảnh quan bờ nam sông Trà Khúc (đoạn từ cầu Trà Khúc 1 đến bến Tam Thương)

TP. Quảng Ngãi

1,34km

2018-2022

 

194.000

 

97.000

30.000

30.000

30.000

 

 

 

 

 

 

 

 

 

NS tỉnh 50%, phần còn lại thực hiện từ NS thành phố

7

Các tuyến đê biển huyện Lý Sơn (giai đoạn 1)

Lý Sơn

 

2017-2021

 

338.581

328.581

10.000

40.000

10.000

10.000

 

 

 

30.000

30.000

 

 

 

 

 

8

Các tuyến đê huyện Bình Sơn; Đập ngăn mặn Trà Bồng

Bình Sơn

281,6m

2017-2021

 

100.000

68.000

32.000

80.000

20.000

20.000

 

 

 

60.000

60.000

 

 

 

 

Đề án TCC ngành NN

9

Xây dựng khu bảo tồn biển Lý Sơn

Lý Sơn

Diện tích khu bảo tồn 7.925 ha

2018-2020

19/QĐ-UBND, 12/01/2016

16.000

 

16.000

10.000

10.000

10.000

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Đề án TCC ngành NN

10

Sửa chữa hệ thống phao luồng tại các Cảng cá Sa Huỳnh, Lý Sơn, Sa Kỳ

Đức Phổ, Lý Sơn, TP. Quảng Ngãi

 

2018

 

2.900

 

2.900

2.500

2.500

2.500

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Đề án Phát triển thủy sản

11

Sửa chữa các nhà kho chứa đựng sản phẩm Trạm giống cây nông nghiệp Đức Hiệp

Mộ Đức

 

2018

 

3.000

 

3.000

2.500

2.500

2.500

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Đề án TCC ngành NN

12

Đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải nuôi tôm trên cát Đức Phong

Mộ Đức

 

2018

 

7.500

 

7.500

5.000

5.000

5.000

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Đề án Phát triển thủy sản

II

Công nghiệp

 

 

 

 

833.771

508.581

325.190

319.336

142.500

142.500

0

0

0

176.836

176.836

0

0

0

0

 

13

Đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước mưa, thu gom và xử lý nước thải KCN phía tây Dung Quất

Bình Sơn

15km

2018-2022

 

122.050

122.050

 

36.836

0

 

 

 

 

36.836

36.836

 

 

 

 

 

14

Hệ thống xử lý nước thải KCN Tịnh Phong (giai đoạn 1)

Sơn Tịnh

1.000m3/ngày, đêm

2017-2019

 

47.190

 

47.190

40.000

40.000

40.000

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

15

Kè chắn cát cảng Dung Quất (giai đoạn 2)

Bình Sơn

500m

2018-2022

 

278.000

 

278.000

102.500

102.500

102.500

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

16

Các tuyến đường trục vào KCN nặng Dung Quất phía Đông

Bình Sơn

2,7 km

2016-2020

1967e/QĐ-UBND, ngày 31/10/2015

239.531

239.531

 

100.000

0

 

 

 

 

100.000

100.000

 

 

 

 

 

17

Tuyến đường trục liên cảng Dung Quất 1

Bình Sơn

1,1k

2018-2022

 

147.000

147.000

 

40.000

0

 

 

 

 

40.000

40.000

 

 

 

 

 

III

Đô thị

 

 

 

 

2.052.007

-

338.459

1.360.000

1.360.000

170.000

-

-

1.190.000

-

-

-

-

-

-

 

18

Khu dân cư Tịnh Kỳ

TP. Quảng Ngãi

7,5 ha

2016-2020

 

102.000

 

 

100.000

100.000

 

 

 

100.000

 

 

 

 

 

 

 

19

Khu dân cư Kỳ Xuyên, thành phố Quảng Ngãi

TP. Quảng Ngãi

24ha

2017-2020

 

480.000

 

 

400.000

400.000

 

 

 

400.000

 

 

 

 

 

 

 

20

Khu dân cư Tịnh Kỳ giai đoạn 2

TP. Quảng Ngãi

3,0 ha

2017-2020

 

40.000

 

 

40.000

40.000

 

 

 

40.000

 

 

 

 

 

 

 

21

Kè và Khu dân cư nam sông Vệ

Mộ Đức

Chiều dài kè 1.260m

2017-2019

 

141.548

 

 

100.000

100.000

 

 

 

100.000

 

 

 

 

 

 

 

22

Khu dân cư phục vụ tái định cư Khu II Đê bao, thành phố Quảng Ngãi

TP. Quảng Ngãi

6,73 ha

2017-2020

1964a/QĐ-UBND ngày 30/10/2015

296.459

 

296.459

135.000

135.000

135.000

 

 

 

0

 

 

 

 

 

Chưa bao gồm vốn ứng trước ngân sách là 115 tỷ đồng

23

Hệ thống thoát nước trung tâm Thị Trấn Đức Phổ

Đức Phổ

 

2018-2020

 

42.000

 

42.000

35.000

35.000

35.000

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

24

Khu dân cư Phía Nam đường Trường Chinh

TP. Quảng Ngãi

47ha

2018-2022

 

950.000

 

 

550.000

550.000

 

 

 

550.000

 

 

 

 

 

 

 

IV

Giao thông ven biển

 

 

 

 

4.066.760

1.791.820

1.166.100

3.342.500

1.722.500

949.500

33.000

-

740.000

1.620.000

120.000

-

1.500.000

-

-

 

25

Cảng Bến Đình

Lý Sơn

Tàu 1000DWT và tàu 200 ghế

2016-2020

495/QĐ-UBND ngày 31/3/2016

200.000

130.000

70.000

167.000

67.000

45.000

22.000

 

 

100.000

100.000

 

 

 

 

 

26

Cầu Cửa Đại

TP. Quảng Ngãi

Tổng chiều dài 2,5 km

2017-2021

 

2.250.000

1.500.000

40.000

2.240.000

740.000

40.000

 

 

700.000

1.500.000

 

 

1.500.000

 

 

 

27

Cầu An Phú qua sông Phú Thọ

TP. Quảng Ngãi

372m

2017-2021

 

169.000

 

135.200

115.000

115.000

115.000

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

28

Cầu Thạch Bích

TP. Quảng Ngãi

880m

2016-2020

323/QĐ-UBND ngày 03/3/2016

643.000

 

560.000

550.000

550.000

550.000

 

 

 

0

 

 

 

 

 

Vốn NS tỉnh là 560 tỷ đồng. Phần vốn còn thiếu để hoàn thành dự án bố trí từ ngân sách thành phố QN

29

Kè chống sạt lở và tôn tạo cảnh quan bờ nam sông Trà khúc (đoạn từ cầu Trà Khúc I đến bến Tam Thương)

TP. Quảng Ngãi

1,34km

2018-2022

 

194.000

 

97.000

30.000

30.000

30.000

 

 

 

 

 

 

 

 

 

NS tỉnh 50% phần còn lại thực hiện từ NS thành phố

30

Đường kè Bắc sông Trà Bồng (đoạn hạ lưu cầu Châu Ô)

Bình Sơn

1,2km

2017-2020

 

72.000

 

29.000

29.000

29.000

29.000

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ngân sách tỉnh 40% phần còn thiếu bố trí từ NS huyện để thực hiện

31

Tuyến đường Chợ Lâm Thượng - Biển Đạm Thủy Nam

Mộ Đức

3,63km

2016-2018

 

35.000

 

35.000

31.000

31.000

20.000

11.000

 

 

 

 

 

 

 

 

bổ sung hỗ trợ có mục tiêu cho huyện hoàn thành tuyến đường

32

Tuyến đường Đông thị trấn Mộ Đức (Đường nội thị)

Mộ Đức

1,32 km

2017-2020

 

70.000

 

26.500

26.500

26.500

26.500

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ngân sách tỉnh 38% phần còn thiếu bố trí từ NS huyện để thực hiện

33

Đường Đức Tân - Quốc lộ 24

Mộ Đức

2,787km

2018-2020

 

77.040

 

33.500

25.000

25.000

25.000

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ngân sách tỉnh 43% phần còn thiếu bố trí từ NS huyện để thực hiện

34

Tuyến đường Võ Trung Thành đến giáp đường tránh Đông (nút 24)

Đức Phổ

1.168,9m

2017-2020

 

49.000

 

39.900

39.000

39.000

39.000

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ngân sách tỉnh 80%, phần còn thiếu bố trí từ NS huyện để thực hiện

35

Tuyến đường Dốc Sỏi - phía Nam sân bay Chu Lai

Bình Sơn

2,4km

2018-2022

1448/QĐ-UBND, 30/9/2011

161.820

161.820

 

20.000

0

 

 

 

 

20.000

20.000

 

 

 

 

 

36

Hệ thống điện chiếu sáng đoạn km1027-km1045+780 và cây xanh tại nút giao thông Dốc Sỏi thuộc tuyến QL1A, tỉnh Quảng Ngãi

Bình Sơn

Chiều dài tuyến 18.780 m

2017-2018

 

45.000

 

 

40.000

40.000

 

 

 

40.000

 

 

 

 

 

 

 

37

Nâng cấp tuyến đường ĐT.624B (Quản Lát - đá Chát), từ KM0-KM8

Mộ Đức

8km

2018-2022

 

100.000

 

100.000

30.000

30.000

30.000

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

V

Du lịch

 

 

 

 

94.966

55.860

39.106

77.481

30.000

30.000

-

-

-

47.481

47.481

-

-

-

-

 

38

Khu du lịch Mỹ Khê

TP. Quảng Ngãi

Mở rộng đường trục chính 1,7km

2017-2020

 

55.860

55.860

 

57.481

10.000

10.000

 

 

 

47.481

47.481

 

 

 

 

 

39

Khôi phục bộ xương cá Ông Lăng Tân (bao gồm nhà trưng bày)

Lý Sơn

800m2

2018-2020

 

14.106

 

14.106

10.000

10.000

10.000

 

 

 

0

 

 

 

 

 

 

40

Khu du lịch văn hóa Thiên Ấn

TP. Quảng Ngãi

67,4 ha

2018-2020

 

25.000

 

25.000

10.000

10.000

10.000

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

VI

 

Văn hóa - Xã hội; tài nguyên môi trường

 

 

 

 

1.346.952

148.103

545.191

447.710

437.710

345.960

3.500

88.250

0

10.000

10.000

0

0

0

0

 

41

Trường THPT Lê Trung Đình - Đền bù GPMB; xây dựng 12 phòng học, hội trường (giai đoạn 2)

TP. Quảng Ngãi

Diện tích sàn 2.001 m2

2016-2018

21/QĐ-UBND, 12/01/2016

25.333

 

25.333

22.500

22.500

22.500

 

 

 

0

 

 

 

 

 

 

42

Trường THPT Bình Sơn - nhà lớp học và phòng bộ môn

Bình Sơn

12 phòng 2 tấng và 2 nhà bộ môn, DT 1467,48m2

2016-2017

22/QĐ-UBND, 12/01/2016

7.985

 

7.85

7.000

7.000

7.000

 

 

 

0

 

 

 

 

 

 

43

Thoát nước CSHT ngoài hàng rào bệnh viện ĐK Quảng Ngãi giai đoạn 2

TP. Quảng Ngãi

 

2016-2018

1966g/QĐ-UBND, 30/10/2015

16.400

 

16.400

13.000

13.000

13.000

 

 

 

0

 

 

 

 

 

 

44

Trường THPT Lê Quý Đôn - Nhà lớp học 8 phòng 2 tầng

Bình Sơn

761 m2 sàn

2017

 

5.693

 

5.693

5.000

5.000

5.000

 

 

 

0

 

 

 

 

 

 

45

Trường THCS THPT Phạm Kiệt - Nhà lớp học 6 phòng tầng

Sơn Hà

341 m2 sàn

2017

 

3.500

 

3.500

3.000

3.000

 

 

3.000

 

0

 

 

 

 

 

 

46

Trường THPT số 2 Mộ Đức - Nhà lớp học 8 phòng 2 tầng

Mộ Đức

761 m2 sàn

2018

 

6.960

 

5.693

5.000

5.000

 

 

5.000

 

0

 

 

 

 

 

 

47

Trường THPT chuyên Lê Khiết - Cải tạo, xây dựng phòng học, các hạng mục thiết yếu đạt tiêu chuẩn trường chuyên (giai đoạn 1)

TP. Quảng Ngãi

 

2018

 

60.000

 

60.000

45.609

45.609

45.359

 

250

 

0

 

 

 

 

 

 

48

Nâng cấp BVĐK tỉnh lên hạng 1

TP. Quảng Ngãi

 

2017-2021

 

160.000

 

160.000

122.000

122.000

42.000

 

80.000

 

0

 

 

 

 

 

Thực hiện phần thiết bị và các hạng mục khác, trong đó phần xây lắp để nâng cấp, sửa chữa TMĐT là 49,0 tỷ đồng KCM năm 2017

49

Trụ sở làm việc mới của Ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh kết hợp với khu khám, chữa bệnh cho cán bộ thuộc đối tượng 1

TP. Quảng Ngãi

Khu hành chính, khám bệnh, phục hồi chức năng; dt đất sử dụng 2.885m2

2017-2019

 

40.000

 

40.000

35.000

35.000

35.000

 

 

 

0

 

 

 

 

 

 

50

An ninh y tế khu vực tiểu vùng Mê Công mở rộng

TP. Quảng Ngãi; Nghĩa Hành

Đa mục tiêu

2018-2020

692/QĐ-TTg ngày 27/4/2016

 

 

 

131

131

131

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

51

Dự án Hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện

TP. Quảng Ngãi; Nghĩa Hành

 

2018-2020

1967/QĐ-UBND ngày 30/10/2015; 401/QĐ-UBND ngày 17/3/2016

119.130

87.833

31.297

22.970

22.970

22.970

 

0

0

0

0

 

0

 

 

 

52

Trung tâm Nội tiết tỉnh

TP. Quảng Ngãi;

50 giường

2018-2021

 

60.270

60.270

 

10.000

0

 

 

 

 

10.000

10.000

 

 

 

 

 

53

Trung tâm dịch vụ hành chính công (sửa chữa nhà khách UBND tỉnh)

TP. Quảng Ngãi;

 

2017-2018

 

15.000

 

15.000

13.000

13.000

13.000

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

54

Khu liên hợp thể dục thể thao tỉnh

TP. Quảng Ngãi

 

2018-2020

 

742.391

 

100.000

80.000

80.000

80.000

 

 

 

 

 

 

 

 

 

NS tỉnh chỉ thực hiện một số nhiệm vụ thiết yếu, phần còn lại huy động đầu tư

55

Công viên tỉnh Quảng Ngãi

TP. Quảng Ngãi

 

2018-2020

 

40.000

 

30.000

30.000

30.000

30.000

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Xây dựng CV cây  xanh (vốn đầu tư và vốn SN)

56

Nghĩa địa Bình Đông

Bình Sơn

Diện tích 3,36 ha

2016-2018

1964/QĐ-UBND ngày 24/10/2016

14.291

 

14.291

13.500

13.500

10.000

3.500

 

 

0

 

 

 

 

 

 

57

Xây dựng nghĩa trang nhân dân Phượng Hoàng

Bình Sơn

 

2018-2020

 

30.000

 

30.000

20.000

20.000

20.000

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

VII

Quốc phòng - An ninh 

 

 

 

 

789.402

688.000

101.402

335.092

81.500

75.000

6.5000

-

-

253.592

253.592

-

-

-

-

 

58

Cải tạo, nâng cấp Đồn biên phòng Đức Minh

Mộ Đức

Nhà chỉ huy diện tích sàn 792m2; nhà ăn, ở, để xe

2016-2017

1966n/QĐ-UBND ngày 30/10/2015; 961/QĐ-UBND 02/6/2016

8.654

 

8.654

4.500

4.500

4.500

 

 

 

-

 

 

 

 

 

 

59

Xây dựng Đồn Biên phòng Bình Hải 

Bình Sơn

 

2018-2020

 

20.000

 

20.000

14.000

14.000

14.000

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

60

Đường cơ động phía Đông Nam đảo Lý Sơn (giai đoạn 3)

Lý Sơn

4,433km đường và sửa chữa bến cập tàu

2016-2020

2498/QĐ-UBND ngày 31/12/2015

688.000

688.000

 

253.592

-

 

 

 

 

253.592

253.592

 

 

 

 

 

61

Doanh trại trung đội vận tải thủy bộ

TP. Quảng Ngãi

 

2017-2018

 

5.000

 

5.000

4.000

4.000

4.000

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

62

Đường Hầm SCH cơ bản Bình Sơn

Bình Sơn

 

2018-2020

 

15.000

 

15.000

12.000

12.000

12.000

 

 

 

0

 

 

 

 

 

 

63

Sửa chữa, cải tạo một số hạng mục tại cơ quan Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh

TP. Quảng Ngãi

NVL 4 tầng: DT sàn 1.258 m2

2017-2019

 

19.748

 

19.748

17.000

17.000

17.000

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

64

Đền bù để tiếp tục xây dựng thao trường Phổ Nhơn, huyện Đức Phổ

Đức Phổ

 

2016-2018

 

33.000

 

33.000

30.000

30.000

23.500

6.500

 

 

0

 

 

 

 

 

 

VIII

Hạ tầng huyện Lý Sơn

 

 

 

 

330.542

130.000

200.542

165.5000

155.500

155.500

-

-

-

10.000

10.000

-

-

-

-

 

65

Nâng cấp tuyến đường giao thông đến các di tích, danh lam thắng cảnh đảo Lý Sơn

Lý Sơn

Chiều dài 1.660m

2017-2019

 

15.000

 

15.000

13.500

13.500

13.500

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

66

Trục đường chính trung tâm huyện Lý Sơn

Lý Sơn

755,35m

2018-2021

 

130.000

130.000

 

10.000

-

 

 

 

 

10.000

10.000

 

 

 

 

 

67

Khu Chính trị - Hành chính huyện Lý Sơn

Lý Sơn

 

2018-2022

 

80.000

 

80.000

55.000

55.000

55.000

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

68

Dự án Xây dựng khu bảo tồn biển Lý Sơn

Lý Sơn

Diện tích khu bảo tồn 7.925 ha

2018-2020

19/QĐ-UBND, 12/01/2016

16.000

 

16.000

10.000

10.000

10.000

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Đề án TCC ngành NN

69

Dự án Sửa chữa hệ thống phao luồng tại các Cảng cá Sa Huỳnh, Lý Sơn, Sa Kỳ

Đức Phổ, Lý Sơn, TP. Quảng Ngãi

 

2018

 

2.900

 

2.900

2.500

2.500

2.500

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Đề án Phát triển thủy sản

70

Khôi phục bộ xương cá ông Lăng Tân (bao gồm nhà trưng bày)

Lý sơn

800m2

2018-2020

 

14.106

 

14.106

10.000

10.000

10.000

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

71

Khu nghĩa địa tập trung huyện Lý Sơn

Lý Sơn

DT 4,0 ha; san nền, đường giao thông, thoát nước

2017-2019

 

50.000

 

50.000

45.000

45.000

45.000

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hỗ trợ có mục tiêu cho huyện Lý Sơn

72

Nâng cấp tuyến đường giao thông đến các di tích, danh lam thắng cảnh đảo Lý Sơn

Lý Sơn

Chiều dài 1.660 m

2017-2019

 

15.000

 

15.000

13.500

13.500

13.500

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

73

Trường THPT Lý Sơn - Nhà học bộ môn

Lý Sơn

854 m2 sàn

2018

 

7.536

 

7.536

6.000

6.000

6.000

 

 

 

0

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

PHỤ LỤC 3.2

DANH MỤC MỘT SỐ DỰ ÁN ĐẦU TƯ TRÊN ĐỊA BÀN KHU KINH TẾ DUNG QUẤT GIAI ĐOẠN 2016-2020
(Ban hành kèm theo Quy định số 533/QĐ-UBND ngày 31/7/2017 của UBND tỉnh Quảng Ngãi)

ĐVT: Triệu đồng

TT

Tên dự án A

Quy mô dự án

Địa điểm thực hiện dự án

Tổng mức đầu tư

Ghi chú

 

Tổng cộng

 

 

134.379.000

 

1

Khu liên hợp thép Hòa Phát - Dung Quất

4 triệu tấn/năm

KKT Dung Quất

52.000.000

 

2

Nâng cấp, mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất

2 triệu tấn/năm

KKT Dung Quất

40.040.000

1,82 tỷ USD

3

Nhà máy điện khí (từ mỏ Cá Voi Xanh)

1.500MW

KKT Dung Quất

39.314.000

1,787 tỷ USD

- NM số 1 (750MW): Dự kiến vận hành quý IV/2023.

- NM số 2 (750 MW): Dự kiến vận hành quý II/2024.

4

Khu Công nghiệp- Đô thị Dung Quất

1.300 ha
(GĐ 1:319 ha)

KKT Dung Quất

2.025.000

 

5

Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Quảng Ngãi

190 ha

KKT Dung Quất

1.000.000

 

 

 

 

 

 

 

 

PHỤ LỤC 3.3

DANH MỤC DỰ ÁN KÊU GỌI ĐẦU TƯ THEO HÌNH THỨC ĐỐI TÁC CÔNG TƯ (PPP) VÀO CÁC LĨNH VỰC, NGÀNH KINH TẾ BIỂN; ĐỊA PHƯƠNG VEN BIỂN, ĐẢO
(Ban hành kèm theo Quyết định số 533/QĐ-UBND ngày 31/7/2017 của UBND tỉnh Quảng Ngãi)

ĐVT: Triệu đồng

TT

Tên dự án

Đơn vị đề xuất

Địa điểm thực hiện

Quy mô

Tổng vốn dự kiến

Hình thức hợp đồng (dự kiến)

Ghi chú

 

Tổng cộng

 

 

 

7.290.000

 

 

1

Thu gom và xử lý nước thải thành phố Quảng Ngãi

Sở Xây dựng

TP Quảng Ngãi

Nhà máy xử lý nước thải, công suất: 16.500 m3/ngđ

Hệ thống cống thu gom dài 4.500m

Trạm bơm trung chuyển: 5 trạm

600.000

BTO

 

2

Đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, giai đoạn 2

Sở Giao thông vận tải

TP Quảng Ngãi và các huyện: Tư Nghĩa, Mộ Đức và Đức Phổ.

Đường cấp III đồng bằng (TCVN 4054-2005).

+Chiều dài tuyến: L = 62Km; điểm đầu tại Cổ Lũy (Km56), điểm cuối tại Sa Huỳnh Km 117+810 (giao với Quốc lộ 1 tại Km1116).

+Nền đường rộng 12,0m; mặt đường rộng 7,0m; lề đường mỗi bên rộng 2,5m.

2.500.000

BT

 

3

Nâng cấp, mở rộng tuyến đường tỉnh ĐT.627B

Sở Giao thông vận tải

Các huyện: Mộ Đức, Đức Phổ

Đường cấp V đồng bằng.

+Chiều dài tuyến: L = 31Km; Điểm đầu (Km0+0.00): giao với Quốc lộ 1 tại Km1067+970/QL1 thuộc xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức, điểm cuối (Km31+00) thuộc xã Phổ An, huyện Đức Phổ.

+Nền đường rộng 7,5m; mặt đường rộng 6,5m.

930.000

BT

 

4

Hạ tầng Cảng Bến Đình

Sở Giao thông vận tải

Xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn

Diện tích: 4 ha; Đầu tư các hạng mục: sân, bãi trong khu vực cảng; khu vực nhà kho chứa hàng hóa với 2 nhà kho, nhà để xe; hệ thống đường nội bộ trong khu vực cảng và mở rộng đường trước khu vực cảng; sân, bãi khu vực dịch vụ và bãi chứa hàng hóa; cửa hàng xăng dầu; khu vực hậu cần phục vụ hoạt động của cảng,...

130.000

BT

 

5

Tuyến số 01 (Nối từ đường Bờ Nam Sông Trà đến Trung Tâm xã Nghĩa Dõng)

UBND Thành phố Quảng Ngãi

Xã Nghĩa Dõng, Nghĩa Dũng

1.600m; Bn=36m (Bm=21m, Bpc=3m, Bvh=2x6m)

325.000

BT

 

6

Cấp nước và xử lý nước thải Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp: Phổ Phong, Sa Huỳnh, Đồng Làng

UBND huyện Đức Phổ

xã Phổ Phong, Phổ Thạnh và thị trấn Đức Phổ

 

200.000

BOO

 

7

Công viên văn hóa Thiên Ấn

 

Xã Tịnh Ấn Đông, thành phố Quảng Ngãi

 

25.000

BT, BOO

 

8

Đường Tịnh Phong - Dung Quất

 

Huyện Sơn Tịnh, Bình Sơn

 

2.500.000

BT, BLT

 

9

Hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá tại các cửa biển trong tỉnh

 

Tại các huyện trong tỉnh

 

80.000

BOO, BT

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

PHỤ LỤC 3.4

DANH MỤC DỰ ÁN KÊU GỌI ĐẦU TƯ GIAI ĐOẠN 2016-2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 533/QĐ-UBND ngày 31/7/2017 của UBND tỉnh Quảng Ngãi)

TT

Tên dự án

Quy mô dự án

Địa điểm thực hiện dự án

Ghi chú

 

Tổng cộng

 

 

 

1

Khu du lịch nghỉ dưỡng Bình Châu

2.000 ha

Bình Sơn

 

3

Khu du lịch Mỹ Khê

352ha

TP Quảng Ngãi

 

5

Khu du lịch Sa Huỳnh

158ha

Đức Phổ

 

7

Đầu tư khu dịch vụ hậu cần nghề cá Lý Sơn

 

Lý Sơn

 

9

Nhà máy đóng mới và sửa chữa tàu thuyền Lý Sơn

 

Lý Sơn

 

11

Trung tâm thương mại, siêu thị Lý Sơn

5.000 m2

Lý Sơn

 

13

Khu du lịch tổng hợp biển phía Bắc xã An Vĩnh

70 ha

Lý Sơn

 

15

Khu nghỉ dưỡng Mũi Đèn

15 ha

Bình Sơn

 

17

Khu du lịch nghỉ dưỡng hang Câu

44 ha

Lý Sơn

 

19

Khu dịch vụ thương mại - du lịch Bến tầu

3 ha

Lý Sơn

 

21

Khu du lịch biển phía Nam xã An Vĩnh

4 ha

Lý Sơn

 

23

Khu du lịch biển phía Nam xã An Hải

10ha

Lý Sơn

 

25

Khu du lịch thể thao trên biển Mù Cu

17 ha

Lý Sơn

 

27

Khu du lịch và dịch vụ cao cấp tại đảo Bé (xã An Bình)

30 ha

Lý Sơn

 

29

Tàu cao tốc vận chuyển hành khách

02 chiếc, 150 chỗ

Lý Sơn

 

31

Kêu gọi đầu tư vào Khu CN-TTCN

1ha

Lý Sơn

 

33

Nâng cấp trại thực nghiệm sản xuất giống thủy sản Đức Phổ

 

Đức Phổ

PPP

35

Nâng cấp trại sản xuất giống thủy sản nước lợ tập trung tại xã Phổ Quang - Đức Phổ

 

Đức Phổ

PPP

37

Nuôi tôm theo hướng thâm canh, bền vững, an toàn sinh học

110 ha

Huyện Mộ Đức

 

39

Nhà máy sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản

 

Các KCN, Cụm Công nghiệp

 

41

Nhà máy chế biến mực đại dương (mực xà)

2ha
SL 1.000 tấn/năm

Bình Sơn

 

43

Cấp nước sạch cho huyện đảo Lý Sơn

16.000 m3/ngày đêm

Lý Sơn

ODA

45

Các dự án hóa chất, hóa dầu

1.000.000 tấn/năm

KKT Dung Quất

 

47

Các dự án công nghiệp phụ trợ

300 ha

KKT Dung Quất

 

49

Sản xuất kim loại và gia công thép

1 triệu tấn/năm

KKT Dung Quất

 

51

Khu nông nghiệp công nghệ cao

300 ha

KKT Dung Quất

 

53

Các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN

500-700 ha

KKT Dung Quất

 

55

Phát triển logistic, hạ tầng cảng biển

Cho tàu 3-5 vạn DWT

KKT Dung Quất

 

57

Đầu tư khu du lịch, nghỉ dưỡng

 

KKT Dung Quất

 

59

Các dự án phát triển Công viên địa chất toàn cầu

 

Lý Sơn

 

61

Khu du lịch đảo Lý Sơn

 

Lý Sơn

 

63

Đầu tư kinh doanh sân golf

 

KKT Dung Quất

 

65

Đầu tư xây dựng 03 nhà máy chế biến thủy sản đông lạnh (chuyên xuất khẩu và tiêu thụ nội địa)

 

TP. Quảng Ngãi và xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ

 

67

Nhà máy chế biến thủy sản

 

CCN xãTịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi

 

69

Đầu tư khu dịch vụ hậu cần nghề cá

 

Xã Tịnh Kỳ, TP. Quảng Ngãi

 

 

 

 

 

 

 

PHỤ LỤC 3.5

DANH MỤC DỰ ÁN ĐỀ XUẤT BỘ, NGÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẦU TƯ GIAI ĐOẠN 2016-2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 533/QĐ-UBND ngày 31/7/2017 của UBND tỉnh Quảng Ngãi)

TT

TÊN DỰ ÁN

Chủ đầu tư

Địa điểm xây dựng

Quy mô

Thời gian thực hiện

Khái toán tổng mức đầu tư

Ghi chú

 

Tổng cộng

 

 

 

 

 

 

1

Đường cao tốc Quảng Ngãi - Bình Định

Bộ GTVT

Quảng Ngãi, Bình Định

 

 

 

 

2

Sân bay Chu Lai

Bộ GTVT

Quảng Nam

 

 

 

 

3

Sân bay Lý Sơn

Bộ Quốc phòng

Lý Sơn

 

 

 

 

4

Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 (đoạn Km1027-Km1045+780)

Sở Giao thông vận tải

Huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh

04 làn xe, bề rộng nền đường 20,5m

2016-2017

923.000

Đã triển khai thi công tháng 10/2016

5

Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 24 (đoạn Km8-Km32)

Ban QLDA 85

Huyện Đức Phổ, Ba Tơ

cấp III miền núi

2016-2017

309.000

Đã triển khai thi công trong đầu năm 2016

6

Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 24B (đoạn Km23+300-Km29+200)

Sở Giao thông vận tải

Huyện Sơn Tịnh

đường phố chính đô thị

2017-2020

350.000

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 



(1) Gồm có 9 quốc gia bao bọc: Việt Nam, Trung Quốc (bao gồm cả Đài Loan), Philippines, Indonesia, Brunei, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Campuchia.

(2) Sa Cần, Sa Kỳ, Cửa Đại, Cửa Lở, Mỹ Á, Sa Huỳnh.

(3) Năm 2010: CN và XD: 59,1%; Dịch vụ 22,3%; NLTS: 18,6%; năm 2015: CN và XD: 61,4%; Dịch vụ 23,2%; NLTS: 15,4%.

(4) Năm 2010: CN-XD 64,3%, dịch vụ 20,8%, NLTS 14,9%; năm 2015: CNXD 65,9%, dịch vụ 21,9%, NLTS 12,2%.

(5) Trong đó: Bình Sơn 25.500 tấn, TP Quảng Ngãi 61.000 tấn, Đức Phổ 55.392 tấn, Lý Sơn 16.500 tấn

(6) Như: ốc hương, cá chẽm, cá dìa, cua, nuôi xen ghép tôm cá,... Năm 2012, tỉnh Quảng Ngãi bắt đầu hình thành nuôi thủy sản nước mặn với các đối tượng như tôm hùm, cá bớp, cá mú, hàu Thái Bình Dương mang lại giá trị kinh tế cao.

(7) Các địa phương có lượng tàu thuyền lớn là: Đức Phổ 1.430 tàu, Bình Sơn 1.200 tàu, TP Quảng Ngãi 2.180 tàu.

(8) Quảng Ngãi có nghề khai thác thủy sản đa dạng, nhưng chủ yếu vẫn tập trung ở các nghề lưới kéo, vây, rê, câu, nghề lặn, pha xúc... Cơ cấu nghề khai thác tại thời điểm cuối năm 2015: nghề lưới kéo 36,74%, lưới rê 22,03%, lưới vây 12,53%, nghề câu 13,07% và các nghề khác chiếm 15,63%. Những năm gần đây số lượng tàu cá đóng mới nghề lưới kéo đôi hoạt động ở Vịnh Bắc bộ tăng mạnh.

(9) Có 15 nhà máy, trong đó: có 12 nhà máy đã đi vào hoạt động, có 02 nhà máy chuẩn bị đi vào hoạt động, 01 nhà máy đang triển khai thực hiện dự án.

(10) Đại Dương Xanh, Phùng Hưng, Hải Phú, Gallan Dachant, Hưng Phong.

(11) HTX muối 1 ở thôn Long Thạnh 1 và 2 và HTX muối 2 ở thôn Tân Diêm.

(12) Đường, điện bờ Đông sông Kinh Giang - KDL Mỹ Khê; Đường trục chính, điện, cấp thoát nước KDL Sa Huỳnh; Cảng Sa Kỳ, tàu khách 200 ghế Sa Kỳ-Lý Sơn; tuyến đường Mỹ Khê-Trà Khúc...

(13) Chùa Hang, Đình làng An Hải, Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc hải, hồ Thới Lới (đảo Lý Sơn); Địa đạo Đám Toái (Bình Châu); di tích khảo cổ Sa Huỳnh

(14) 03 khách sạn 04 sao, 04 khách sạn 03 sao, 12 khách sạn từ 1-2 sao.

(15) GĐ trước năm 2015 số liệu thống kê cơ sở lưu trú chưa đầy đủ nên dẫn đến tăng đột biến số cơ sở lưu trú.

(16) Giới thiệu về tiềm năng du lịch và ẩm thực Quảng Ngãi trên các chuyên mục “Svietnam- Hương vị cuộc sống” (VTV1), Cà phê sáng (VTV3), quảng bá điểm đến trên kênh truyền hình Let’sViet; thường xuyên thông tin về các hoạt động phát triển du lịch của tỉnh trên Đài PTTH; xây dựng nhiều phim tư liệu và phóng sự trên chuyên mục Văn hóa Quảng Ngãi, Quê ta - Núi Ấn sông Trà, 72 ký sự Non nước quê tôi.

(17) Hội chợ du lịch quốc tế (ITE), Hội chợ quốc tế Hà Nội (VITM), Ngày hội Du lịch TPHCM, Hội chợ Du lịch quốc tế Biển Nha Trang, Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung tại Nghệ An, Tuần lễ Du lịch Xanh ĐBSCL năm 2015 tại Cần Thơ, Hội thảo liên kết phát triển du lịch vùng duyên hải miền Trung gắn kết với Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Camphuchia; xây dựng website giới thiệu, quảng bá du lịch Quảng Ngãi...

(18) Cảng tổng hợp PTSC va Gemadept được đầu tư các trang thiết bị chuyên dụng đáp ứng tốt nhu cầu bốc dỡ, vận chuyển hàng hóa, gồm hệ thống đội tàu lai dắt, các thiết bị nâng hạ hàng hóa lên đến 150 tấn, với diện tích bến bãi hơn 450.000 m2, trong đó gần 6.000 m2 kho cảng, hoạt động 24/24 giờ.

(19) Khối lượng tăng cao do xuất khẩu cát nhiễm mặn.

(20) Chủ yếu là dầu thô nhập từ mỏ Bạch Hổ về nhưng được tính là hàng nhập khẩu để tính phí theo quy định tại Thông tư số 98/2009/TT-BTC ngày 20/5/2009 và số 01/2016/TT-BTC ngày 05/01/2016 của Bộ Tài chính

21 Năm 2010, toàn tỉnh có 9,8% trường mầm non, 50% trường Tiểu học, 42,4% Trường THCS, 31,5% Trường THPT đạt chuẩn, đến năm 2015, toàn tỉnh có 25% trường Mầm non, 65% trường Tiểu học, 63,1% Trường THCS, 46,2% trường THPT đạt chuẩn.

22 Đã thực hiện điều tra, đánh giá về tài nguyên và môi trường đới bờ trên địa bàn tỉnh như: điều tra khai thác, sử dụng tài nguyên vị thế biển; điều tra, đánh giá hiện trạng và sử dụng đất ngập nước vùng ven biển, hải đảo; điều tra, đánh giá hiện trạng rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển và hải đảo; điều tra, đánh giá hiện trạng xả thải, ô nhiễm và công tác bảo vệ môi trường đới bờ; xây dựng cơ sở dữ liệu Quản lý Thông tin tổng hợp (IIMS), hệ thống thông tin địa lý (GIS) về tài nguyên và môi trường vùng đới bờ tỉnh.

23 Trong đó: 415 ha rừng phòng hộ cho 5 xã ven biển huyện Đức Phổ từ nguồn viện trợ của Chính phủ Nhật Bản; trồng mới 32 ha và khoanh nuôi 11 ha rùng ngập mặn ven biển xã Bình Thuận; tại huyện Lý Sơn đã trồng 97 ha rừng phòng hộ và cây cảnh quan.

24 65 ha rừng ở các xã Bình Phước, Bình Đông và Bình Dương huyện Bình Sơn và 8,5 ha ven biển xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi.

(25) Theo QĐ số 1353/QĐ-TTg ngày 23/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Quy hoạch phát triển các Khu kinh tế ven biển của Việt Nam đến năm 2020”

(26) Vùng nuôi nước lợ: Đức Phổ 180ha, Mộ Đức 130ha, TP.Quảng Ngãi 220ha, Bình Sơn 150ha, Tư Nghĩa 120ha.

+ Nuôi lồng bè: 100 bè (khoảng 2.000 lồng) tại Lý Sơn; 10 bè (khoảng 200 lồng) tại đầm Nước Mặn, Sa Huỳnh.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 533/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Đề án phát triển kinh tế biển, đảo tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020

  • Số hiệu: 533/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 31/07/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ngãi
  • Người ký: Trần Ngọc Căng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 31/07/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản