Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5265/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT PHÂN BỔ VÀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG, QUYẾT TOÁN KINH PHÍ TỔ CHỨC THỰC HIỆN BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ VÀ TÁI ĐỊNH CƯ KHI NHÀ NƯỚC THU HỒI ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Đất đai ngày 29/11/2013;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25/6/2015;

Căn cứ Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất;

Căn cứ Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai;

Căn cứ Thông tư số 74/2015/TT-BTC ngày 15/5/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất;

Căn cứ Quyết định số 10/2017/QĐ-UBND ngày 29/3/2017 của UBND Thành phố về việc ban hành quy định các nội dung thuộc thẩm quyền của UBND Thành phố về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố Hà Nội;

Xét đề nghị của Liên ngành: Sở Tài chính - Ban chỉ đạo GPMB Thành phố - Sở Tài nguyên và Môi trường - Cục Thuế Thành phố - Sở Xây dựng - UBND quận Hoàn Kiếm - UBND huyện Thạch Thất - UBND thị xã Sơn Tây tại Tờ trình số 2428/TTrLN: TC-BCĐ-TNMT-XD-CT-HK-TT-ST ngày 21/4/2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phân bổ và quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố Hà Nội như sau:

1. Nguồn kinh phí bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư: được trích không quá 2% tổng số kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án, tiểu dự án và được phân bổ như sau:

1.1. Đối với các dự án thu hồi đất vì mục đích công cộng, an ninh, quốc phòng của Trung ương và các dự án thu hồi đất vào mục đích phát triển kinh tế xã hội (sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ...):

- Tổ chức trực tiếp được Nhà nước giao nhiệm vụ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư: 60% để chi cho việc tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (bao gồm cả kinh phí dự phòng tổ chức thực hiện cưỡng chế kiểm đếm nếu có).

- Cơ quan thường trực Hội đồng GPMB cấp huyện (Bao gồm cả Hội đồng GPMB): 40% để chi cho các hoạt động có liên quan trực tiếp đến việc tổ chức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của cấp huyện, cấp xã.

1.2. Đối với các dự án thu hồi đất vì mục đích công cộng, an ninh, quốc phòng của thành phố Hà Nội:

- Tổ chức trực tiếp được Nhà nước giao nhiệm vụ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư: 60% để chi cho việc tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (bao gồm cả kinh phí dự phòng tổ chức thực hiện cưỡng chế kiểm đếm nếu có).

- Cơ quan thường trực Hội đồng GPMB cấp huyện (Bao gồm cả Hội đồng GPMB): 30% để chi cho các hoạt động có liên quan trực tiếp đến việc tổ chức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của cấp huyện, cấp xã.

- Ban chỉ đạo GPMB Thành phố: 10% (trong đó: 4% để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Ban chỉ đạo GPMB Thành phố; 6% Ban chỉ đạo GPMB Thành phố chuyển về Sở Tài chính để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ thẩm định giá đất làm căn cứ tính bồi thường, hỗ trợ; giá đất để thu tiền sử dụng đất khi giao đất tái định cư của Hội đồng Thẩm định giá đất cụ thể - Sở Tài chính là cơ quan Thường trực thực hiện).

Các sở, ban, ngành có liên quan khác căn cứ nhiệm vụ được giao lập dự toán kinh phí chi từ ngân sách Thành phố cùng với dự toán hàng năm của các đơn vị.

2. Quy định về nội dung chi, mức chi tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư từ nguồn kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ GPMB:

2.1. Nội dung chi tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư: Thực hiện theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 74/2015/TT-BTC ngày 15/5/2015 của Bộ Tài chính.

2.2. Mức chi tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư:

- Đối với các nội dung chi đã có định mức, tiêu chuẩn, đơn giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định thì thực hiện theo quy định hiện hành.

- Đối với mức chi cho người thực thi công vụ tối đa không quá mức quy định theo biểu phụ lục đính kèm.

3. Cưỡng chế thu hồi đất: Đơn vị được giao nhiệm vụ GPMB lập dự toán phục vụ công tác cưỡng chế thu hồi đất theo quy định tại Khoản 3, Điều 31, Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/8/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.

4. Lập và phê duyệt dự toán, quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ GPMB:

Căn cứ kế hoạch, nhiệm vụ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của các dự án, tiểu dự án trên địa bàn quận, huyện, thị xã việc lập và phê duyệt dự toán, quyết toán kinh phí phục vụ công tác GPMB được thực hiện như sau:

4.1. Đối với các dự án, tiểu dự án thu hồi đất vì mục đích công cộng, an ninh, quốc phòng của Trung ương và các dự án thu hồi đất vào mục đích phát triển kinh tế xã hội:

Tổ chức trực tiếp được Nhà nước giao nhiệm vụ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư và Cơ quan thường trực Hội đồng GPMB cấp huyện lập dự toán gửi Phòng Tài chính - Kế hoạch thẩm định và trình UBND cấp huyện phê duyệt để quản lý, sử dụng và quyết toán theo quy định tại Thông tư số 74/2015/TT-BTC ngày 15/5/2015 của Bộ Tài chính.

4.2. Đối với các dự án thu hồi đất vì mục đích công cộng, an ninh, quốc phòng của thành phố Hà Nội:

- Tổ chức trực tiếp được Nhà nước giao nhiệm vụ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư và Cơ quan thường trực Hội đồng GPMB cấp huyện lập dự toán gửi Phòng Tài chính - Kế hoạch thẩm định và trình UBND cấp huyện phê duyệt hàng năm.

- Hàng năm Ban chỉ đạo GPMB Thành phố và Sở Tài chính lập dự toán trình UBND Thành phố phê duyệt.

Việc quyết toán kinh phí theo số chi thực tế phát sinh trong năm, số kinh phí còn lại chưa sử dụng hết trong năm được chuyển tiếp sang năm sau để thực hiện công tác GPMB các dự án phát sinh tiếp theo, các dự án cũ đã và đang thực hiện GPMB.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký ban hành Quyết định này và thay thế các Quyết định: số 4621/QĐ-UBND ngày 05/8/2013 và số 58/QĐ-UBND ngày 03/01/2014 của UBND Thành phố.

Đối với số dư còn lại của các dự án thu hồi đất vì mục đích công cộng, an ninh, quốc phòng thuộc nguồn kinh phí địa phương đến ngày UBND Thành phố ban hành Quyết định này: Các cơ quan, tổ chức được Nhà nước giao nhiệm vụ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; Cơ quan thường trực Hội đồng GPMB cấp huyện được phép tiếp tục sử dụng để chi phục vụ công tác GPMB các dự án phát sinh tiếp theo và các dự án cũ đã, đang thực hiện GPMB (Theo mức chi đã thực hiện năm 2016).

Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, Sở Tài chính có trách nhiệm tổng hợp báo cáo UBND Thành phố xem xét, điều chỉnh cho phù hợp.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND Thành phố; Giám đốc Sở Tài chính; Trưởng Ban chỉ đạo GPMB Thành phố; Giám đốc Kho Bạc Nhà nước Thành phố; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã Sơn Tây và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Chủ tịch UBND Thành phố;
- Các PCT UBND Thành phố;
- VPUB: PCVPT.V.Dũng; KT, ĐT, TKBT;
- Lưu: VT, KTg.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Chung

 

PHỤ LỤC

NỘI DUNG VÀ MỨC CHI ĐỂ TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÔNG TÁC BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ VÀ TÁI ĐỊNH CƯ KHI NHÀ NƯỚC THU HỒI ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI.
(Kèm theo Quyết định số 5265/QĐ-UBND ngày 07/8/2017 của UBND Thành phố)

TT

Nội dung

Mức chi

1

Chi họp phục vụ công tác xây dựng cơ chế chính sách; Chi giải quyết vướng mắc về đơn giá, cơ chế chính sách trong quá trình thực hiện GPMB; thẩm định giá, kiểm tra đôn đốc tiến độ GPMB các dự án; thẩm định phương án bồi thường (vận dụng mức chi tại Thông tư liên tịch số 122/2011/TTLT-BTC-BTP ngày 17/8/2011 của Bộ Tài chính - Bộ Tư pháp) (mức chi này đã được UBND Thành phố quy định tại Quyết định số 58/QĐ-UBND ngày 03/01/2014).

Tối đa 100.000 đồng/người/buổi.

2

Chi tuyên truyền các chính sách, chế độ và hướng dẫn về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; chi họp giao ban; chi kiểm kê, đánh giá đất đai, tài sản thực tế bị thiệt hại của từng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; tổ chức cưỡng chế kiểm đếm (nếu có) và thực hiện các công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khác.

Tối đa 50.000 đồng/người/buổi

3

Chi tiền nước uống cho cán bộ đi khảo sát thực tế tại thực địa để phục vụ công tác xác định đơn giá, xây dựng cơ chế chính sách, giải quyết vướng mắc về cơ chế chính sách: (vận dụng Quyết định số 08/2011/QĐ-UBND ngày 26/01/2011 của UBND thành phố Hà Nội).

Mức chi 15.000 đồng/người/buổi

4

Chi bảo hộ lao động cho cán bộ thường xuyên trực tiếp làm công tác kiểm đếm, điều tra khảo sát GPMB, cưỡng chế kiểm đếm.

Tối đa 1.000.000 đồng/người/năm.

5

Chi hỗ trợ tiền điện thoại, xăng xe cho cán bộ tham gia công tác GPMB

5.1

Chi hỗ trợ tiền điện thoại:

Tối đa 200.000 đồng/người/tháng

5.2

Chi hỗ trợ xăng xe:

Tối đa 300.000 đồng/người/tháng

6

Chi hỗ trợ cho cán bộ tham gia công tác bồi thường GPMB (không áp dụng đối với đơn vị sự nghiệp đã hưởng hệ số thu nhập tăng thêm theo quy định hiện hành):

 

6.1

UBND cấp huyện:

 

-

Chi hỗ trợ Chủ tịch và Phó chủ tịch Hội đồng GPMB

tối đa 500.000 đồng/người/dự án; Trường hợp tham gia từ nhiều dự án mức chi tối đa không quá 3.000.000 đồng/người/tháng

-

Chi hỗ trợ tổ giúp việc Hội đồng và cán bộ trực tiếp tham gia công tác GPMB:

tối đa 300.000 đồng/người/dự án; Trường hợp tham gia dự án mức chi tối đa không quá 2.000.000 đồng/người/tháng

-

Chi hỗ trợ các thành viên tổ công tác, cán bộ làm các công việc khác có liên quan đến công tác GPMB:

tối đa 200.000 đồng/người/dự án; Trường hợp tham gia nhiều dự án mức chi tối đa không quá 1.000.000 đồng/người/tháng

6.2

Ban chỉ đạo GPMB Thành phố, Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể, chuyên viên giúp việc và các cán bộ có liên quan

-

Chi hỗ trợ Chủ tịch và Thường trực Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể.

tối đa 500.000 đồng/người/dự án; Trường hợp tham gia nhiều dự án mức chi tối đa không quá 3.000.000 đồng/người/tháng

-

Chi hỗ trợ cán bộ Ban chỉ đạo GPMB Thành phố.

tối đa không quá 3.000.000 đồng/người/tháng

-

Chi hỗ trợ cho các đồng chí trong Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể và các chuyên viên giúp việc Hội đồng.

tối đa 300.000 đồng/người/dự án; Trường hợp tham gia nhiều dự án mức chi tối đa không quá 2.000.000 đồng/người/tháng

-

Chi hỗ trợ cán bộ làm các công việc khác có liên quan đến công tác GPMB.

tối đa 200.000 đồng/người/dự án; Trường hợp tham gia nhiều dự án mức chi tối đa không quá 1.000.000 đồng/người/tháng

7

Các khoản chi khác như: Mua sắm trang thiết bị làm việc, chi in ấn, phô tô tài liệu, văn phòng phần, xăng xe, làm thêm giờ, hỗ trợ sửa chữa trụ sở làm việc, tiền điện, thuê nhân công,...

Căn cứ vào tình hình thực tế và nguồn thu, đơn vị lập dự toán trình UBND cùng cấp phê duyệt làm căn cứ thực hiện.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 5265/QĐ-UBND năm 2017 về phê duyệt phân bổ và quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố Hà Nội

  • Số hiệu: 5265/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 07/08/2017
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Nguyễn Đức Chung
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 07/08/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản