Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5236/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 24 tháng 11 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG TRUNG TÂM GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP - GIÁO DỤC THƯỜNG XUYÊN CẤP HUYỆN

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14/6/2019; Luật Giáo dục nghề nghiệp ngày 27/11/2014;

Căn cứ Nghị định số 84/2020/NĐ-CP ngày 17/7/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục; Nghị định số 15/2019/NĐ-CP ngày 01/02/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Giáo dục nghề nghiệp;

Căn cứ Nghị định số 143/2016/NĐ-CP ngày 14/10/2016 của Chính phủ quy định điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; Nghị định số 140/2018/NĐ-CP ngày 08/10/2018 sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Thông tư số 57/2015/TT-BLĐTBXH ngày 25/12/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về Điều lệ Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 39/2015/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BNV ngày 19/10/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội - Bộ Giáo dục Đào tạo - Bộ Nội vụ hướng dẫn việc sáp nhập Trung tâm dạy nghề, Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp công lập cấp huyện thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên; chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên;

Căn cứ Thông tư số 05/2020/TT-BLĐTBXH ngày 16/8/2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Quy định quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp công lập cấp huyện;

Theo đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 4785/TTr-SLĐTBXH ngày 27 tháng 10 năm 2020.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp quản lý hoạt động Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND Thành phố; Giám đốc các Sở: Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã; Giám đốc các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:

- Như điều 3;
- Chủ tịch UBND Thành phố;
- PCT UBND TP Ngô Văn Quý;
- VPUB: Các PCVP; Các phòng: NC, KGVX, TKBT;
- Lưu: VT, NC(Bình).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Ngô Văn Quý

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC TRUNG TÂM GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP - GIÁO DỤC THƯỜNG XUYÊN CẤP HUYỆN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 5236/QĐ-UBND ngày 24/11/2020 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định nguyên tắc, trách nhiệm, phương thức và nội dung phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác quản lý hoạt động của các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện địa bàn thành phố Hà Nội.

2. Đối tượng áp dụng

Quy chế này áp dụng đối với các Sở, ban, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã thuộc Thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn Thành phố.

Điều 2. Nguyên tắc phối hợp

1. Tuân thủ các quy định của pháp luật trong lĩnh vực quản lý nhà nước đối với hoạt động của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện.

2. Thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan, đơn vị phối hợp đồng thời đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ, không chồng chéo trong chỉ đạo điều hành hoạt động của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên.

3. Chủ động, kịp thời trong phối hợp giải quyết các vấn đề phát sinh có liên quan trong công tác quản lý; đối với những vấn đề còn ý kiến khác nhau hoặc vượt quá thẩm quyền phải báo cáo UBND Thành phố xem xét, quyết định.

Điều 3. Phương thức phối hợp

1. Ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ.

2. Trao đổi ý kiến bằng văn bản hoặc cung cấp thông tin, báo cáo bằng văn bản theo đề nghị của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp.

3. Tổ chức thanh tra, kiểm tra liên ngành xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

4. Tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, sơ kết, tổng kết

5. Các hình thức khác trên cơ sở thống nhất giữa các cơ quan.

Điều 4. Nội dung phối hợp

1. Phối hợp trong công tác hướng dẫn, chỉ đạo hoạt động; quản lý, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ nhà giáo của các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên.

2. Phối hợp trong công tác đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên trong đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực tại địa phương.

3. Thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn, giám sát, xử lý vi phạm trong hoạt động của các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Chương II

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRONG CÔNG TÁC PHỐI HỢP QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC TRUNG TÂM

Điều 5. Trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo

1. Là cơ quan đầu mối, chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên theo quy định của pháp luật;

2. Chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch phối hợp hoặc các nội dung cần phối hợp liên ngành trong công tác nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng hướng nghiệp tại các Trung tâm.

3. Quản lý về chuyên môn đối với việc thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp của các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên. Chỉ đạo, hướng dẫn các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các nhà trường trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp triển khai công tác giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, trung học phổ thông theo chỉ đạo tại Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025" và Kế hoạch số 219/KH-UBND ngày 04/12/2018 của UBND Thành phố.

4. Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy chế tổ chức và hoạt động của các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên theo quy định của pháp luật; quy chế thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên để lấy văn bằng giáo dục phổ thông; chương trình giáo dục kỹ năng sống và các chương trình bồi dưỡng ngắn hạn cho đối tượng học theo hình thức giáo dục thường xuyên.

5. Chủ trì kiểm tra, đánh giá chất lượng các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện trong việc thực hiện dạy học và giáo dục học sinh theo chương trình, kế hoạch giáo dục trung học phổ thông đã được phê duyệt.

6. Chủ trì, phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội định kỳ hàng năm hoặc đột xuất tổng hợp tình hình hoạt động của các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên trên địa bàn Thành phố báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND Thành phố theo quy định.

7. Chủ trì, phối hợp liên ngành báo cáo UBND Thành phố những khó khăn, vướng mắc hoặc đề xuất kiến nghị liên quan đến hoạt động của các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên.

Điều 6. Trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

1. Chỉ đạo triển khai công tác giáo dục nghề nghiệp trong các Trung tâm tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện theo quy định hiện hành.

2. Chủ trì kiểm tra, đánh giá chất lượng hoạt động giáo dục nghề nghiệp các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên trong việc thực hiện đào tạo các trình độ sơ cấp, thường xuyên dưới 3 tháng, cung cấp nguồn nhân lực theo yêu cầu của thị trường lao động tại địa phương.

3. Chỉ đạo các trường cao đẳng, trung cấp trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp phối hợp với các trường THCS, THPT, các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, trung học phổ thông theo chỉ đạo tại Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025" và Kế hoạch số 219/KH-UBND ngày 04/12/2018 của UBND Thành phố.

4. Phối hợp với UBND cấp Huyện trong công tác định hướng, thẩm định dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ hoạt động giáo dục nghề nghiệp các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên.

5. Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy chế tổ chức và hoạt động của các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên theo quy định của pháp luật.

Điều 7. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã

1. Trực tiếp quản lý Trung tâm và chỉ đạo các Trung tâm trên địa bàn quản lý tổ chức hoạt động theo quy định của pháp luật.

2. Chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật, xử lý vi phạm liên quan đến nhân sự, tài sản, tài chính, hoạt động giáo dục, đào tạo; thi đua khen thưởng của Trung tâm thuộc phạm vi quản lý.

3. Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý hoạt động giáo dục, giáo dục nghề nghiệp; tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về giáo dục, giáo dục nghề nghiệp của Trung tâm; giải quyết khó khăn, vướng mắc theo quy định của pháp luật.

4. Chỉ đạo xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch, chương trình, dự án phát triển Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên hàng năm và từng giai đoạn theo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đặc biệt giáo viên dạy nghề của Trung tâm.

5. Phối hợp với các Sở, ngành liên quan thực hiện các nhiệm vụ được giao về phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông tham gia học nghề, xây dựng nhu cầu đào tạo nghề cho các đối tượng đáp ứng nhu cầu của người học, nhu cầu lao động qua đào tạo của doanh nghiệp tại địa phương theo quy định.

6. Định kỳ hàng năm hoặc đột xuất tổng hợp tình hình hoạt động, các khó khăn vướng mắc (nếu có) của Trung tâm trên địa bàn quản lý gửi báo cáo về Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Các Sở, ban, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã thuộc Thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn Thành phố trong phạm vi, nhiệm vụ và quyền hạn của đơn vị tổ chức, triển khai thực hiện Quy chế này.

Điều 9. Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh vướng mắc, các Sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã và cơ quan, đơn vị liên quan phản ánh kịp thời gửi Sở Giáo dục và Đào tạo tổng hợp, đề xuất biện pháp giải quyết và trình UBND Thành phố xem xét, điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 5236/QĐ-UBND năm 2020 về Quy chế phối hợp quản lý hoạt động Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện do thành phố Hà Nội ban hành

  • Số hiệu: 5236/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 24/11/2020
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Ngô Văn Quý
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 24/11/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản