Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 52/QĐ-UBND | Tuy Hòa, ngày 10 tháng 01 năm 2011 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH XÂY DỰNG VÙNG TỈNH PHÚ YÊN ĐẾN NĂM 2025
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ YÊN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Xây dựng đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 16 tháng 8 năm 2004 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung bộ đến 2010;
Căn cứ Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng và Nghị định số 42/2009/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2009 về việc phân loại đô thị;
Căn cứ Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 07 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Quyết định số 122/2008/QĐ-TTg ngày 29 tháng 8 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Yên đến 2020;
Căn cứ Nghị quyết số 171/2010/NQ-HĐND ngày 24 tháng 12 năm 2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Yên, khóa V, kỳ họp thứ 19 về Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Phú Yên đến năm 2025;
Căn cứ các Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên: số 1150/QĐ- UBND ngày 03 tháng 7 năm 2007 “Về việc duyệt nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Phú Yên đến năm 2025”; số 1377/QĐ-UBND ngày 03 tháng 8 năm 2007 “Về việc duyệt bổ sung nhiệm vụ quy hoạch và kế hoạch thực hiện Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Phú Yên đến năm 2025”;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng (tại Tờ trình số 01/TTr-SXD ngày 06 tháng 01 năm 2011),
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Phú Yên đến năm 2025, với các nội dung như sau:
I. TÊN ĐỒ ÁN: Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Phú Yên đến năm 2025.
II. CHỦ ĐỒ ÁN: Ban Quản lý các dự án quy hoạch xây dựng đô thị (thuộc Sở Xây dựng).
III. NỘI DUNG QUY HOẠCH
1. Phạm vi lập Quy hoạch
Phạm vi lập Quy hoạch là toàn bộ tỉnh Phú Yên, là một tỉnh nằm trong vùng duyên hải Nam Trung bộ, có diện tích tự nhiên 5.060,57km2, dân số 863.048 người; có vị trí địa lý: Đông giáp biển Đông, Tây giáp tỉnh Gia Lai và tỉnh Đắk Lắk, Nam giáp tỉnh Khánh Hòa và Bắc giáp tỉnh Bình Định.
2. Mục tiêu phát triển
a) Mục tiêu tổng quát:
- Nhằm cụ thể hóa các chủ trương chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ cho vùng duyên hải Nam Trung bộ và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Phú Yên đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
- Phát huy thế mạnh tiềm năng, lợi thế cửa ngõ vùng duyên hải Nam Trung bộ, gắn kết với vùng phụ cận trong nước và quốc tế nhằm phát triển toàn diện, đưa Phú Yên trở thành địa bàn trọng tâm phát triển kinh tế tổng hợp, phát triển mạnh kinh tế biển và đô thị hóa trong vùng;
- Để tham gia vào địa bàn cầu nối của hội nhập khu vực và quốc tế. Nâng cao vai trò vị trí của tỉnh Phú Yên trong vùng duyên hải Nam Trung bộ;
- Phát triển đầu tư kỹ thuật hạ tầng diện rộng, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, tạo cho các đô thị phát huy vai trò hạt nhân phát triển khu vực ảnh hưởng toàn vùng, tạo sự liên kết và hỗ trợ giữa đô thị và nông thôn;
- Tạo lập không gian phát triển bền vững theo hướng vừa phát triển tiềm lực kinh tế vừa đảm bảo chất lượng môi trường sống và an ninh quốc phòng.
b) Mục tiêu cụ thể:
- Nghiên cứu đề xuất quy hoạch tổ chức không gian phát triển dân cư, hệ thống đô thị; lựa chọn mô hình phát triển, phân bố không gian xây dựng công nghiệp, du lịch, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hợp lý giữa các vùng kinh tế, dân cư trên địa bàn tỉnh;
- Tạo lập cơ sở pháp lý để triển khai và quản lý các đồ án quy hoạch xây dựng; xây dựng các chương trình kế hoạch và hoạch định các chính sách phát triển vùng tỉnh.
3. Chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật chính phát triển vùng
a) Dự báo quy mô dân số:
- Năm 2015: Khoảng 924.000 người. Trong đó, dân số đô thị khoảng 351.000 người (chiếm tỷ lệ 38,0%) và dân số nông thôn khoảng 573.000 người (chiếm tỷ lệ 62,0%);
- Năm 2020: Khoảng 954.900 người. Trong đó, dân số đô thị khoảng 422.300 người (chiếm tỷ lệ 44,2%) và dân số nông thôn khoảng 532.600 người (chiếm tỷ lệ 55,8%);
- Năm 2025: Khoảng 1.027.000 người. Trong đó, dân số đô thị khoảng 588.800 người (chiếm tỷ lệ 57,3%) và dân số nông thôn khoảng 438.200 người (chiếm tỷ lệ 42,7%).
b) Dự báo quy mô sử dụng đất đai:
- Nhu cầu đất xây dựng đô thị tỉnh Phú Yên:
+ Đất xây dựng đô thị năm 2015: Khoảng 7.279ha, bao gồm cả các diện tích chưa lấp đầy, đang phát triển phục vụ cho các giai đoạn tiếp theo (trong đó đất trồng lúa hai vụ 1.560ha) bình quân 150÷170 m2/người. Đất xây dựng khu dân dụng 80÷100 m2/người;
+ Năm 2020: Khoảng 9.481ha, bao gồm cả các diện tích chưa lấp đầy, đang phát triển phục vụ cho các giai đoạn tiếp theo (trong đó đất trồng lúa hai vụ 2.115ha) bình quân 150÷170 m2/người. Đất xây dựng khu dân dụng 80÷100 m2/người;
+ Năm 2025: Khoảng 14.620ha, bao gồm cả các diện tích chưa lấp đầy, đang phát triển phục vụ cho các giai đoạn tiếp theo và diện tích xây dựng các khu chức năng khu kinh tế (trong đó đất trồng lúa hai vụ 3.420ha) bình quân 170÷220 m2/người. Đất xây dựng khu dân dụng 80÷100 m2/người.
- Nhu cầu đất xây dựng các khu dân cư nông thôn:
+ Năm 2015: Khoảng 8.000÷9.000ha, bình quân 150 m2/người;
+ Năm 2020: Khoảng 7.500÷8.500ha, bình quân 150 m2/người;
+ Năm 2025: Khoảng 6.000÷7.000ha, bình quân 150 m2/người.
4. Định hướng phát triển không gian vùng tổ chức hệ thống đô thị và định hướng tổ chức hệ thống điểm dân cư nông thôn
4.1. Định hướng phát triển không gian vùng và tổ chức hệ thống đô thị:
a) Định hướng chung:
Tổ chức không gian theo các phân vùng đầu tư xây dựng được khoanh định thành các khu vực chức năng gắn với yêu cầu sử dụng đất đai và bảo vệ các khung tự nhiên. Hình thành các trung tâm tăng trưởng và các trục tăng trưởng mới trong tỉnh để lan tỏa các không gian đầu tư phát triển mới trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố.
b) Tổng thể chia thành 03 phân vùng không gian chính phát triển là:
- Vùng biển và ven biển:
Xây dựng vùng biển và ven biển có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, ổn định, bền vững; là khu vực kinh tế đa ngành, đa chức năng, trình độ phát triển tiên tiến; tập trung xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên trở thành địa bàn phát triển đột phá, trung tâm giao thương công nghiệp, cảng biển của vùng duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Hoàn thành tuyến đường ven biển và các tuyến đường nối từ quốc lộ 1A đến các bãi ngang ven biển; nghiên cứu các giải pháp đề phòng biến đổi khí hậu và nước biển dâng để hạn chế thiên tai.
- Vùng đồng bằng:
Là vùng phát triển nông thôn và tiểu thủ công nghiệp, hình thành các cơ sở công nghiệp chế biến quy mô vừa và nhỏ với nhiều trình độ công nghệ, phát triển làng nghề, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, làm vệ tinh cho xí nghiệp lớn, tạo việc làm tại chỗ cho người lao động; chú trọng phát triển hệ thống thủy lợi, đẩy mạnh công tác nghiên cứu giống cây, con, áp dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất, hình thành các vùng sản xuất tập trung cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, đầu tư các tuyến giao thông liên kết vùng.
- Vùng miền núi:
Phát huy tối đa nội lực, tranh thủ sự hỗ trợ đầu tư từ bên ngoài để đưa kinh tế vùng phát triển nhanh và bền vững, từng bước thoát khỏi tình trạng kém phát triển, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số, giữ vững quốc phòng - an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái; hoàn thành trục giao thông phía Tây của tỉnh, ĐT648, hình thành các tuyến giao thông ngang liên kết vùng, hỗ trợ phát triển nông thôn miền núi; tập trung đầu tư vào y tế, giáo dục, thủy lợi, cấp nước sạch, định canh và ổn định dân cư.
Ngoài việc phân 3 vùng không gian chính phát triển nêu trên, các huyện: Đông Hòa, Tây Hòa, Sông Hinh còn có sự liên kết rất quan trọng, đó là liên kết vùng trọng điểm phát triển kinh tế Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa mà hạt nhân là Khu kinh tế Nam Phú Yên và Khu kinh tế Vân Phong, Khánh Hòa. Đây là vùng có nhiều tiềm lực phát triển về công nghiệp; đầu mối giao thông quan trọng liên hệ với quốc tế và các vùng trong cả nước; là vùng cung cấp nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp; có cảnh quan thiên nhiên rất thuận lợi cho phát triển đô thị và du lịch.
c) Các trung tâm tăng trưởng chính theo trục đô thị hóa chủ đạo:
- Trục đô thị hóa theo hành lang phát triển Bắc - Nam ở phía Đông (hành lang quốc lộ 1A, hành lang đường bộ cao tốc, đường sắt cao tốc dự kiến, hành lang ven biển), gồm các đô thị: thị xã Sông Cầu, thị xã Tuy An, thành phố Tuy Hòa, thị xã Đông Hòa. Trong quá trình phát triển các đô thị ven biển cần chú ý về đầu tư xây dựng kết nối hạ tầng kỹ thuật đảm bảo an toàn, bền vững, môi trường sinh thái và phát triển các dịch vụ phục vụ đô thị để sau năm 2025 có thể trở thành một đô thị thống nhất (loại I) gồm các đô thị: thị xã Tuy An, thành phố Tuy Hòa, thị xã Đông Hòa;
- Trục đô thị hóa theo hành lang phát triển Bắc - Nam ở phía Tây (trục dọc miền Tây: ĐT641, đường cầu Mới La Hai, ĐT642, ĐT643, ĐT646, ĐT649) gồm các đô thị: thị trấn Xuân Lãnh, thị trấn La Hai, thị trấn Xuân Phước, thị trấn Vân Hòa, thị trấn Trà Kê - Sơn Hội, thị xã Sơn Hòa, thị trấn Hai Riêng;
- Các trục đô thị hóa theo hành lang phát triển Đông - Tây: theo quốc lộ 29 (ĐT645) gồm thị xã Đông Hòa, thị trấn Phú Thứ, thị trấn Sơn Thành Đông, thị trấn Hai Riêng, thị trấn Tân Lập. Theo quốc lộ 25 gồm: thành phố Tuy Hòa, thị trấn Phú Hòa, đô thị Đồng Cam, thị xã Sơn Hòa và đô thị dọc theo sông Ba. Theo ĐT643 gồm: thị trấn An Mỹ, thị trấn Vân Hòa, thị trấn Trà Kê - Sơn Hội. Theo ĐT644 gồm: thị xã Sông Cầu, thị trấn Xuân Lãnh; theo ĐT641 gồm: thị xã Tuy An, thị trấn La Hai, thị trấn Xuân Lãnh. Các trục giao thông nối các đô thị trung tâm tỉnh tới các huyện, xã, tới các trung tâm kinh tế vùng Tây Nguyên, vùng động lực ven biển, trung tâm cảng biển Vũng Rô và các trung tâm du lịch trong vùng...
d) Phát triển không gian các trung tâm tăng trưởng kinh tế (công nghiệp và du lịch):
- Các khu công nghiệp tập trung trong Khu kinh tế Nam Phú Yên, gồm:
+ Khu công nghiệp Hòa Hiệp 1: 101ha;
+ Khu công nghiệp Hòa Hiệp 2: 106ha;
+ Khu công nghệ cao: 370ha;
+ Tổ hợp công nghiệp Hòa Tâm: 1.300ha;
+ Nhà máy lọc dầu Vũng Rô: 185ha;
+ Khu công nghiệp đa ngành 1: 435ha;
+ Khu công nghiệp đa ngành 2: 420ha.
- Khu công nghiệp An Phú: 68,4ha.
- Khu công nghiệp Đông Bắc Sông Cầu I (Xuân Hòa, Xuân Hải): 105,8ha.
- Khu công nghiệp Đông Bắc Sông Cầu II (Xuân Hải): 81,8ha.
- Khu công nghiệp Đông Bắc Sông Cầu III (Xuân Hòa): 98ha.
- Khu công nghiệp Đông Bắc Sông Cầu mở rộng (Xuân Bình, Xuân Lộc): 300ha.
- Các khu dân cư phục vụ Khu công nghiệp Đông Bắc Sông Cầu, hiện tại đã lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000, diện tích 140ha tại Xuân Hòa, chuẩn bị đầu tư xây dựng.
- Ngoài ra, các khu vực tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện có tổng quỹ đất khoảng 1.000ha, gắn kết giữa không gian sản xuất và khu dân cư đi kèm (quy mô 50÷100ha mỗi cụm, có khu nhà ở và các dịch vụ hỗ trợ).
- Các khu du lịch: Phú Yên có khu bảo tồn thiên nhiên Krông Trai (Sơn Hòa), khu bảo vệ môi trường Bắc đèo Cả (Đông Hòa) với tổng diện tích là 31.070ha. Dọc bờ biển từ Bắc vào Nam có nhiều vũng, vịnh, bãi cát, cửa sông, lạch (đầm Cù Mông, đầm Ô Loan, vịnh Xuân Đài, vịnh Vũng Rô, cửa Tiên Châu, cửa Tân Quy, cửa Đà Rằng, cửa Đà Nông,...); ven biển còn có nhiều đảo vừa và nhỏ (Hòn Lao Mái Nhà, Hòn Chùa, Hòn Dứa, Hòn Than, Hòn Cỏ, Hòn Nưa,...). Đến nay đã có các dự án đầu tư xây dựng như khu du lịch Hòn Ngọc Bãi Tràm, khu du lịch Sao Việt và các dự án đang triển khai khu du lịch Long Hải (Sông Cầu), khu du lịch phức hợp cao cấp, khu du lịch Hòn Lao Mái Nhà Xuân Thiện (Tuy An), khu du lịch Đá Bàn, các khu du lịch ven biển thành phố Tuy Hòa và khu du lịch Hòn Nưa (Đông Hòa) và các khu du lịch tập trung trong Khu kinh tế Nam Phú Yên khoảng 740ha, bao gồm:
+ Khu du lịch di tích núi Đá Bia (100ha).
+ Các điểm du lịch sinh thái ven biển (30ha).
+ Các điểm du lịch sinh thái ven sông Bàn Thạch (100ha)
+ Khu du lịch Đập Hàn - sinh thái Đèo Cả (30ha).
+ Khu du lịch Biển Hồ (580ha).
e) Tổ chức hệ thống đô thị: như phụ lục số 1 kèm theo. g) Phát triển dân cư trên địa bàn huyện:
- Huyện Đồng Xuân: là địa bàn miền núi, dự kiến phát triển cải tạo hoàn thiện đô thị La Hai thành đô thị loại IV, dân cư phát triển theo hướng chuyển dịch sang kinh tế phi nông nghiệp, tham gia dịch vụ công nghiệp. Dự kiến phát triển thủy điện, phát triển các cụm công nghiệp và kinh tế rừng;
- Huyện Tuy An: là địa bàn kinh tế nông, ngư nghiệp và dịch vụ du lịch sinh thái đầm Ô Loan; dự kiến Tuy An sẽ trở thành thị xã thuộc tỉnh trước năm 2025, trong đó Chí Thạnh là trung tâm hành chính, văn hóa - xã hội và Ô Loan là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng phía Bắc của tỉnh;
- Huyện Sơn Hòa: là địa bàn miền núi có hướng chuyển dịch mạnh sang kinh tế dịch vụ thương mại - du lịch và phát triển các dự án du lịch sinh thái lớn. Dự kiến nâng cấp thị trấn Củng Sơn lên đô thị loại IV sau năm 2010 và Sơn Hòa sẽ trở thành thị xã thuộc tỉnh trước năm 2025, là đô thị trung tâm tiểu vùng phía Tây của tỉnh;
- Huyện Sông Hinh: là địa bàn miền núi, dân cư phát triển theo hướng chuyển dịch sang kinh tế phi nông nghiệp, tham gia dịch vụ công nghiệp và thương mại. Với diện tích mặt nước lớn có lợi thế phát triển thủy điện, khai thác quặng quy mô nhỏ, phát triển các cụm công nghiệp và kinh tế rừng. Đô thị Hai Riêng trở thành đô thị loại IV trước năm 2025, là trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa - xã hội của huyện;
- Huyện Tây Hòa: xu hướng chuyển dịch mạnh sang kinh tế phi nông nghiệp, tham gia các dịch vụ công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, là nơi cung cấp một lượng lao động lớn cho Khu kinh tế Nam Phú Yên. Đô thị Đồng Cam (Tây Hòa và Phú Hòa) có tính chất đô thị nghiên cứu khoa học, trung tâm công nghệ cao. Thị trấn Phú Thứ được xây dựng hoàn chỉnh các tiêu chí đô thị loại V ở mức cao trước năm 2025, trung tâm hành chính, kinh tế - văn hóa của huyện;
- Huyện Phú Hòa: có hướng chuyển dịch sang kinh tế phi nông nghiệp, tham gia dịch vụ công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và đô thị. Thị trấn Phú Hòa được xây dựng hoàn chỉnh các tiêu chí đô thị loại V ở mức cao trước năm 2025, trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa - xã hội của huyện.
4.2. Định hướng tổ chức hệ thống điểm dân cư nông thôn. a) Mạng lưới điểm dân cư nông thôn vùng miền núi:
- Đến năm 2025 xây dựng cơ bản hoàn chỉnh hệ thống các đường liên thôn, liên xã và hệ thống hạ tầng xã hội như trường học, trạm xá; tùy đặc thù của từng vùng địa hình mà hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, mở rộng giao lưu kinh tế xã hội với các vùng trung du, đồng bằng ven biển và các điểm dân cư đô thị;
- Các vùng có điều kiện thuận lợi về mặt bằng, khả năng cung cấp điện nước tổ chức xây dựng các cụm công nghiệp khai thác và chế biến nông lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng nhằm thu hẹp dần các vùng khó khăn. Tạo thế liên kết trao đổi hỗ trợ với vùng đồng bằng ven biển thông qua các vùng sản xuất nguyên vật liệu tạo sản phẩm cho xuất khẩu và các khu công nghiệp;
- Từng bước phát triển hàng hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa hiện đại hóa nông thôn, miền núi. Hình thành các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp chế biến nông lâm sản, khai khoáng hoặc thương mại cửa khẩu tiểu ngạch gắn với các điểm dân cư nông thôn;
- Do địa hình đồi núi, nên các điểm dân cư nông thôn sẽ liên kết với nhau theo các đường ven đồi, núi hoặc dạng cành nhánh. Trung tâm cụm xã cần đặt ở vị trí giao thoa giữa các đường giao thông;
- Loại hình các điểm dân cư này tập trung tại huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh.
b) Mạng lưới điểm dân cư nông thôn vùng đồng bằng ven sông, biển, đầm vịnh:
- Hình thành hệ thống các điểm dân cư nông thôn dọc trên các tuyến liên huyện nối hệ thống giao thông quốc gia với tuyến ven sông, biển để khai thác phát triển vùng nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản hoặc xây dựng các cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ phục vụ du lịch nghỉ dưỡng, bố trí các cơ sở dịch vụ công cộng, thương mại, kho bãi phục vụ các điểm dân cư, phục vụ các không gian sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, kinh tế biển....;
- Loại hình các điểm dân cư này tập trung tại thị xã Sông Cầu, Tuy An, Phú Hòa, Tây Hòa, Đông Hòa và dọc theo hạ lưu các sông.
Các điểm (trung tâm xã hoặc trung tâm cụm xã) hình thành trên cơ sở khu dân cư nông thôn tập trung, trung tâm cụm xã, có quy mô dân cư từ 2-3 nghìn dân (được tính vào nhóm dân số nông thôn).
Chức năng chủ yếu là dịch vụ cho một cụm xã tại các vùng xa trung tâm huyện, hoặc khu dân cư tập trung (phát triển thương mại - du lịch, kinh tế công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp, đầu mối giao thông...). Tương lai các điểm dân cư nông thôn này có thể phát triển thành thị trấn.
Hiện nay tỉnh Phú Yên có 91 xã cần phải quy hoạch các điểm dân cư nông thôn, trung tâm xã theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 193/QĐ-TTg , ngày 02/02/2010 về phê duyệt chương trình rà soát quy hoạch xây dựng nông thôn mới.
5. Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật
5.1. Hệ thống giao thông.
a) Giao thông đường bộ:
- Xây dựng các tuyến đường giao thông quốc gia quan trọng: Đường cao tốc Bắc Nam, trục dọc phía Tây của tỉnh, trục dọc hành lang kinh tế ven biển, hành lang an ninh quốc phòng phía Tây của tỉnh và đặc biệt dự án xây dựng hầm đường bộ qua đèo Cả, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội cho toàn tỉnh;
- Nâng cấp các trục giao thông quan trọng như quốc lộ 1A, quốc lộ 1D, quốc lộ 25, quốc lộ 29 (ĐT645) và đường ĐT644 từ thị xã Sông Cầu đi Xuân Lãnh kết nối với đường ĐT641, nối dài đấu nối với đường liên tỉnh Phú Yên - Gia Lai và đấu nối với đường Đông Trường Sơn đi Krông Chro - Gia Lai. Các tuyến trên có kết nối hợp lý với các đường tỉnh và các công trình giao thông tĩnh cấp quốc gia như cảng hàng không, cảng biển… để tạo các vùng phát triển mới;
- Mạng lưới đường nội tỉnh được cải tạo nâng cấp và xây mới, tạo mạng lưới tuyến trục gồm các trục Bắc - Nam và Đông - Tây: Trục dọc phía Tây nối 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Đắk Lắk, được xây dựng trên cơ sở các tuyến tỉnh lộ ĐT638-641, ĐT642, ĐT643, ĐT646, ĐT649-693, nối từ Diêu Trì (Bình Định) đến M’Đrắk (Đắk Lắk); trục ngang ĐT641 nối từ thị trấn Chí Thạnh đến thị trấn La Hai; ĐT643 nối quốc lộ 1A tại An Mỹ tiếp giáp ĐT642 tại Sơn Định tất cả đều nối vào trục dọc miền Tây; trục dọc trung gian nối ĐT643 tại Kim Sơn qua Hòa Kiến, Hòa Quang Nam, thị trấn Phú Hòa vượt Sông Ba nối với quốc lộ 29 tại thị trấn Phú Thứ. Trong đó quan trọng nhất là trục giao thông cửa ngõ của Tây Nguyên ra biển (quốc lộ 29) và trục phát triển kinh tế dọc phía Tây của tỉnh;
- Đường đô thị tuân thủ theo mạng lưới trong các đồ án quy hoạch chung đô thị, trong đó có giải pháp hợp lý khi đấu nối vào các tuyến đường đối ngoại.
b) Giao thông đường thủy:
- Cụm cảng Vũng Rô: dự kiến đến năm 2025 năng lực bốc dỡ là 4÷5 triệu tấn/năm, khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải 60.000÷100.000DWT;
- Cảng Bãi Gốc: được xây dựng tại phía Đông xã Hòa Tâm, với tính chất cảng tự do của khu phi thuế quan và chuyên dùng cho hóa dầu, dự kiến đến năm 2025 năng lực bốc dỡ là 7÷8 triệu tấn/năm, khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải 100.000÷200.000DWT.
c) Giao thông đường sắt:
- Tuyến đường sắt thống nhất đi qua tỉnh cơ bản vẫn giữ nguyên hướng tuyến song cần nắn chỉnh một đoạn tuyến khoảng 5km, đoạn chạy qua trung tâm Khu kinh tế Nam Phú Yên;
- Tuyến đường sắt cao tốc sẽ được xây dựng giai đoạn sau, có 01 ga tại thành phố Tuy Hòa;
- Tuyến đường sắt Tuy Hòa - Buôn Ma Thuột được khảo sát, thiết kế đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa lên Tây Nguyên.
d) Giao thông đường hàng không:
Cảng hàng không Tuy Hòa: nâng cấp hoàn chỉnh về hạ tầng, các điều kiện kỹ thuật, đạt cấp 4C (theo quy định của ICAO) và đạt tiêu chuẩn quân sự cấp I, quy mô 697ha, trong đó phát triển thêm đường băng mới để dự phòng và phục vụ quân sự. Hiện đang lập thủ tục đầu tư dự án Khu hàng không dân dụng phía Đông - Cảng hàng không Tuy Hòa.
5.2. Chuẩn bị kỹ thuật:
Khống chế cao độ xây dựng cho các đô thị theo các tiêu chí đảm bảo an toàn ngập lũ, thực hiện quản lý các cao độ xây dựng khống chế và các trục tiêu chính trong vùng (sông, suối, kênh trục chính); củng cố, xây dựng hệ thống hồ chứa thượng lưu để kiểm soát lũ cho hạ lưu; khơi thông các lòng sông, cửa sông; xây dựng hệ thống công trình kè chống xói lở ven sông, biển, đê ngăn mặn; hạn chế tối đa việc phá rừng phòng hộ ven biển và rừng đầu nguồn. Riêng đối với vùng biển và ven biển cần nghiên cứu các giải pháp để phòng chống biến đổi khí hậu và nước biển dâng hạn chế thiên tai.
a) Công tác nền (theo Quy chuẩn quy hoạch xây dựng Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 04/2008/QĐ-BXD , ngày 03/4/2008 của Bộ Xây dựng):
- Thành phố Tuy Hòa (đô thị loại II): cao độ xây dựng dân dụng Hxd = Hmax lớn nhất ứng với tần suất P=1%.
- Đô thị loại III: đối với dân dụng, công nghiệp cao độ khống chế = mực nước thủy triều (MNTT) ứng với P=2%; khu cây xanh > MNTT ứng với P=10%.
- Đô thị loại IV: đối với dân dụng, công nghiệp cao độ khống chế = MNTT ứng với P=5%; khu cây xanh > MNTT ứng với P=10%.
- Đô thị loại V: đối với dân dụng, công nghiệp cao độ khống chế = MNTT ứng với P=10%; cây xanh > MNTT ứng với P=50%.
- Đối với khu dân cư nông thôn: Đối với dân dụng = Hmax hàng năm; công trình công cộng > Hmax hàng năm +0,3m.
- Tuy nhiên, đối với khu vực xây dựng ven biển (khu đô thị, cảng biển, khu công nghiệp và khu du lịch) khi xây dựng cần tính đến chiều cao sóng. Cao độ khống chế xây dựng Hxd = Hmax lớn nhất ứng với tần suất P = 1% + (0,3+0,5)m + Hsóng. Đồng thời, để đảm bảo phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu cần chú ý rà soát cốt cao độ các đô thị ven biển trong bước lập quy hoạch tiếp theo.
- Những khu vực dự kiến xây mới có độ dốc địa hình > 10% cần chọn giải pháp thích hợp: san giật cấp, chỉ tạo mặt bằng lớn khi thật sự cần thiết.
b) Thoát nước: Sử dụng hệ thống thoát nước nửa riêng. Các khu vực hiện đang sử dụng cống chung cuối miệng xả được gom vào cống bao và đưa về trạm xử lý. Các khu vực xây dựng mới sử dụng cống thoát nước mưa và nước sinh hoạt riêng. Hoàn chỉnh hệ thống thoát nước cho các đô thị, tiến tới đạt 100% đường nội thị của các đô thị có cống thoát nước mưa, 70% đường ngoại thị có cống thoát nước mưa.
c) Các công tác chuẩn bị kỹ thuật khác: Tuân thủ quy hoạch thuỷ lợi; xây dựng hệ thống dự báo, cảnh báo lũ, sóng thần và các tai biến khí hậu; kè các trục tiêu đi qua đô thị và các điểm xung yếu. Các khu vực xây dựng dân cư, du lịch ven biển cần bảo vệ và xây dựng dải cây xanh phòng hộ. Các khu vực ven đồi núi có giải pháp chống xói lở.
5.3. Cấp nước:
Đảm bảo nhu cầu cấp nước sạch trong toàn tỉnh về số lượng và có chất lượng tốt, hạn chế khai thác nguồn nước ngầm, ưu tiên khai thác nguồn nước mặt.
* Tiêu chuẩn cấp nước cho sinh hoạt (lấy theo Quy chuẩn quy hoạch xây dựng Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 04/2008/QĐ-BXD , ngày 03/4/2008 của Bộ Xây dựng):
- Thành phố Tuy Hòa và Khu kinh tế Nam Phú Yên: đợt đầu: 120 l/người.ngày đêm (cho 85% dân số); dài hạn: 150 l/người.ngày đêm (cho 99% dân số). Sử dụng nguồn nước mặt của sông Đà Rằng và sông Bàn Thạch;
- Thị xã, thị trấn: đợt đầu: 100 l/người.ngày đêm (cho 80% dân số); dài hạn: 120 l/người.ngày đêm (cho 95% dân số);
- Các đô thị, khu đô thị khác sử dụng kết hợp nguồn nước ngầm. Riêng nước cấp cho Khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa) lấy từ nguồn nước mặt sông Bàn Thạch, kết hợp với chuyển nguồn nước từ sông Ba sang.
* Tiêu chuẩn cấp nước khu công nghiệp tập trung: 22÷40 m3/ha.ngày đêm.
- Cấp nước công nghiệp: Các khu, cụm công nghiệp tập trung nằm trong vị trí đất đô thị thì được cấp nước chung với mạng lưới cấp nước đô thị. Những cụm công nghiệp nằm rải rác trong vùng, tùy thuộc vào tiềm năng nguồn nước của khu vực để lựa chọn nguồn nước cấp thích hợp và an toàn.
* Tiêu chuẩn cấp nước khu dân cư nông thôn: đợt đầu: 60 l/người.ngày đêm; dài hạn: 80 l/người.ngày đêm.
- Cấp nước nông thôn: trên cơ sở đã có hệ thống cấp nước nông thôn trong tỉnh được xây dựng theo chương trình nước sạch nông thôn, cần nâng cấp hoàn chỉnh hệ thống này trong tỉnh để có thể hỗ trợ, điều tiết giữa các đô thị và khu dân cư nông thôn;
- Mạng lưới đường ống: xây dựng mạng lưới đường ống mới, cải tạo mạng đường ống cũ để hệ thống cấp nước an toàn, giảm thất thoát; đường ống được lắp đặt đồng bộ và thuận lợi cho việc quản lý.
5.4. Cấp điện:
a) Nguồn điện: Nguồn điện cấp cho tỉnh Phú Yên là các nhà máy điện hiện có và dự kiến xây dựng mới trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận thông qua lưới điện 220kV và 110kV, đảm bảo đủ cung cấp cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt.
* Trạm nguồn:
- Trạm nguồn 220kV: mở rộng trạm 220kV Tuy Hòa thành 2x250MVA; xây mới trạm 220kV Sông Cầu; xây mới trạm 220kV cho Khu kinh tế Nam Phú Yên;
- Trạm nguồn 110kV: xây dựng các trạm 110kV cho các phụ tải tập trung lớn như lọc hóa dầu; thi công hầm đường bộ đèo Cả. Bổ sung nguồn 110kV cho các khu vực phát triển đô thị và công nghiệp tập trung của tỉnh như mở rộng trạm 110kV Sông Cầu, Tuy An, Tuy Hòa 2, Khu công nghiệp Hòa Hiệp và đầu tư trạm 110kV Đồng Xuân, đồng thời hoàn thiện kết cấu lưới và trạm 110kV Sơn Hòa.
b) Lưới điện:
- Lưới điện 220kV: Giai đoạn đến 2015: hoàn thiện và đưa vào vận hành đường dây 220kV Tuy Hòa - Nha Trang, đường dây 220kV từ thủy điện Sông Ba Hạ dài 40km về trạm 220kV Tuy Hòa, đường dây 220kV Tuy Hòa đi Quy Nhơn và nhánh rẽ vào trạm 220kV Sông Cầu. Giai đoạn từ 2015 đến 2025, xây mới mạch 2 cho đường dây 220kV Tuy Hòa - Nha Trang và cho đường dây 220kV Tuy Hòa - Quy Nhơn. Các tuyến 220kV khác sẽ phụ thuộc vào tiến độ xây dựng nhà máy nhiệt điện;
- Lưới điện 110kV: xây mới các đường dây 110kV truyền tải công suất từ các nhà máy điện vừa và nhỏ kết nối với hệ thống điện quốc gia. Lưới điện 110kV phát triển trên nguyên tắc đảm bảo tối thiểu 01 huyện có ít nhất 01 trạm 110kV để phục vụ phát triển kinh tế.
5.5. Thoát nước thải, xử lý chất thải rắn và nghĩa trang:
- Thành phố Tuy Hòa, 03 thị xã và các đô thị (loại IV và V), kể cả các khu đô thị cũ xây dựng hệ thống thoát nước riêng. Nước thải được thu gom đưa về các trạm xử lý nước thải tập trung xử lý theo QCVN 14-2008 “Nước thải đô thị - Tiêu chuẩn thải”.
- Các khu công nghiệp tập trung, cụm công nghiệp sử dụng hệ thống thoát nước thải riêng, nước thải được xử lý đạt tiêu chuẩn loại B của TCVN 5945 - 2005, trước khi xả ra nguồn tiếp nhận.
- Các cơ sở công nghiệp phân tán và các làng nghề: Xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn loại C của TCVN 5945 - 2005, trước khi xả vào hệ thống thoát nước chung.
- Các khu xử lý chất thải rắn được phân theo các cấp: Cấp vùng tỉnh có công nghệ xử lý tổng hợp tương đối hiện đại vừa tái chế và chôn lấp hợp vệ sinh là khu liên hợp xử lý chất thải rắn thành phố Tuy Hòa phục vụ cho các khu vực: thành phố Tuy Hòa, các huyện: Tuy An, Phú Hòa, Đông Hòa, Tây Hòa và Khu kinh tế Nam Phú Yên. Tại mỗi huyện có khu xử lý riêng có công nghệ chủ yếu là chôn lấp hợp vệ sinh.
- Nghĩa trang Thọ Vức có công nghệ hỏa táng và địa táng, phục vụ cho khu vực thành phố Tuy Hòa và vùng phụ cận. Nghĩa trang các huyện và khu vực nông thôn lựa chọn xây dựng theo quy hoạch của từng huyện.
6. Bảo vệ môi trường
a) Bảo vệ nguồn nước:
Xây dựng quy chế phối hợp với các tỉnh lân cận, giám sát việc xả nước thải xuống sông và quan trắc chất lượng nước các sông trong tỉnh; bảo vệ hệ thống sông Bàn Thạch, sông Đà Rằng, sông Kỳ Lộ và sông Tam Giang, là nguồn cấp nước sinh hoạt, bằng các biện pháp trồng và phục hồi rừng đầu nguồn, điều tiết nước giữa các mùa, chống sạt lở, xói mòn, xử lý nguồn ô nhiễm các khu dân cư, đô thị, khu công nghiệp, vùng nông nghiệp... thuộc các lưu vực xả vào sông; tổ chức đánh giá và kiểm soát chất lượng, trữ lượng nước dưới đất và việc khai thác và sử dụng tài nguyên nước.
b) Bảo vệ môi trường đô thị và nông thôn:
Xây dựng đô thị phải tuân thủ theo quy hoạch, giải pháp về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, chất thải, khí thải phải được xử lý đạt tiêu chuẩn vệ sinh, theo các chỉ tiêu quy định của tiêu chuẩn Việt Nam khi xả ra môi trường; các khu dân cư nông thôn cần xử lý các nguồn thải sinh hoạt và sản xuất hợp lý, gắn với mục đích xóa đói, giảm nghèo, nâng cao nhận thức để thực hiện tốt chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường.
c) Bảo vệ môi trường biển, ven biển và hải đảo khi sử dụng nguồn tài nguyên biển, đặc biệt là trong các lĩnh vực dầu khí và du lịch; xử lý các loại nước thải (công nghiệp, sinh hoạt, cảng), ứng cứu sự cố tràn dầu trên biển.
d) Bảo vệ rừng và đa dạng sinh học, có biện pháp khai thác hợp lý, phục hồi, quản lý vùng lõi và vùng đệm, đặc biệt đối với khu bảo tồn thiên nhiên Krông Trai; tăng cường phủ xanh các vùng núi tạo cảnh quan, môi trường; ổn định rừng phòng hộ ven biển và phục hồi sinh thái vùng ngập mặn.
7. Các chương trình ưu tiên và khái toán vốn đầu tư
a) Các chương trình ưu tiên:
- Chương trình triển khai kiểm soát và đề xuất sử dụng quỹ đất phát triển theo các trục giao thông chính: đường cao tốc Bắc Nam, hành lang đường sắt và tuyến vận tải công nghiệp, đường hành lang ven biển, hành lang an ninh quốc phòng, trục dọc phía Tây của tỉnh, quốc lộ 1A, quốc lộ 1D, quốc lộ 25, quốc lộ 29… để đảm bảo hành lang giao thông và sử dụng hiệu quả quỹ đất xây dựng;
- Chương trình triển khai các dự án lớn trong vùng, phát triển các vùng chức năng chính, gồm Khu kinh tế Nam Phú Yên với các hạng mục đầu tư trọng điểm như: cụm cảng Vũng Rô, khu phi thuế quan, khu công nghệ cao, các khu công nghiệp đa ngành..., phát triển mới Tổ hợp lọc - hóa dầu và các công nghiệp phụ trợ;
- Chương trình phát triển đô thị: Tập trung đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị (cả hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội) nhất là các công trình giao thông, cấp nước, thoát nước. Đồng thời, ở từng địa phương tập trung xây dựng các công trình quan trọng như sau:
+ Thành phố Tuy Hòa: các dự án cầu Hùng Vương, kè hai bên bờ sông Đà Rằng, Bảo tàng tỉnh, khu công viên núi Nhạn, Khu đô thị Nam thành phố Tuy Hòa, các trung tâm thương mại, các khu du lịch ven biển, trung tâm thể thao tỉnh, Trường Đại học Phú Yên, hỗ trợ tạo điều kiện nâng cấp các Trường Cao đẳng Xây dựng số 3, Trường Cao đẳng Công nghiệp lên đại học…;
+ Thị xã Sông Cầu: các dự án xây dựng hệ thống kè sông, biển; mở rộng, chỉnh trang đô thị; xây dựng trung tâm hành chính thị xã, phát triển các trung tâm du lịch theo quy hoạch và hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp Đông Bắc Sông Cầu…;
+ Huyện Tuy An: các dự án mở rộng đô thị trung tâm thị trấn Chí Thạnh về phía Nam theo quy hoạch; xây dựng kết cấu hạ tầng thị trấn An Mỹ; phát triển các trung tâm du lịch Ô Loan, Thành Lầu, Gành Đá Đĩa, Bãi Xép…;
+ Huyện Đông Hòa: các dự án xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và các khu chức năng của Khu kinh tế Nam Phú Yên, và trung tâm hành chính Hòa Vinh…;
+ Huyện Sơn Hòa: các dự án đầu tư hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị trung tâm Củng Sơn mở rộng theo quy hoạch; xây dựng kết cấu hạ tầng các khu du lịch lịch sử truyền thống cách mạng kết hợp du lịch sinh thái rừng, hồ thủy điện; hình thành các đô thị mới Vân Hòa, Trà Kê - Sơn Hội chuẩn bị cho việc thành lập huyện mới Vân Hòa;
+ Các huyện: Phú Hòa, Tây Hòa, Đồng Xuân và Sông Hinh: tại các đô thị trung tâm huyện xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng kỹ thuật, các công trình công cộng; cải tạo, chỉnh trang, xây dựng các khu ở mới, khu dịch vụ thương mại, công viên, cây xanh. Đồng thời, đầu tư kết cấu hạ tầng hình thành các đô thị thành phần, tiểu vùng huyện như đô thị Đồng Cam (Tây Hòa - Phú Hòa), Sơn Thành Đông (Tây Hòa), Xuân Phước, Xuân Lãnh (Đồng Xuân) và Tân Lập (Sông Hinh) gắn với các dự án cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp huyện, khu du lịch và các chương trình, dự án xây dựng nông thôn mới.
(Phụ lục số 2 kèm theo)
b) Khái toán vốn đầu tư, phân kỳ đầu tư và dự kiến nguồn vốn:
* Tổng mức đầu tư hạ tầng kỹ thuật đô thị: 54.899 tỷ đồng (khoảng 2,74 tỷ USD). Được phân kỳ như sau:
- Giai đoạn đến năm 2010: 845 tỷ đồng;
- Giai đoạn 2010 đến 2015: 21.605 tỷ đồng;
- Giai đoạn 2016 đến 2025: 32.449 tỷ đồng.
* Tổng mức đầu tư hạ tầng kỹ thuật xây dựng nông thôn mới: 9.100 tỷ đồng tương đương 455 triệu USD (Có đề án riêng được thực hiện từ năm 2011).
* Dự kiến nguồn vốn thực hiện:
- Nguồn vốn ngân sách Trung ương và các dự án ODA (chủ yếu cho hạ tầng kỹ thuật quốc gia trên địa bàn tỉnh) khoảng 35%;
- Nguồn vốn ngân sách địa phương khoảng 20%;
- Nguồn vốn khác (dự án bất động sản, dự án BOT, BOO, BO) khoảng 45%.
(Phụ lục số 3 kèm theo)
8. Phê duyệt và ban hành hồ sơ đồ án như sau
a) Các bản đồ.
b) Thuyết minh.
9. Tổ chức thực hiện theo cơ chế quản lý phát triển vùng
- Các cơ chế ưu đãi khuyến khích: Phát huy nội lực, đẩy mạnh việc thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài; tranh thủ sự giúp đỡ của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội; hỗ trợ thúc đẩy các nguồn lực đầu tư về giao thông, các khu đô thị mới (theo như Quy chế phát triển khu đô thị mới), các công trình dịch vụ, đào tạo, văn hóa - giải trí quy mô lớn.
- Về quản lý nhà nước: vận hành lồng ghép các quy hoạch ngành trong tỉnh, thống nhất trong tổng thể không gian để tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính và đất đai. Quản lý phát triển đô thị theo phân cấp và có sự tham gia của cơ quan quản lý chuyên ngành (Sở Xây dựng) để lựa chọn đầu tư, đặc biệt đối với các khu đặc thù hoặc có quy mô lớn.
- Lập kế hoạch để triển khai thực hiện quy hoạch vùng gồm các chương trình quảng bá, giới thiệu quy hoạch, kêu gọi đầu tư. Các hoạt động đầu tư cần có sự thống nhất, tuân thủ các vùng chức năng đã được xác lập trong quy hoạch vùng. Những hạng mục quan trọng như các tuyến giao thông chính, đầu mối hạ tầng kỹ thuật cần bố trí nguồn vốn ngân sách để thực hiện, đồng thời có cơ chế phù hợp để đẩy mạnh xã hội hóa trong đầu tư. Thực hiện điều chỉnh các quy hoạch ngành theo các mục tiêu và chương trình của quy hoạch xây dựng vùng; đồng thời, định kỳ 5 năm cần theo dõi cập nhật, bổ sung điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng cho phù hợp với tình hình phát triển của tỉnh.
- Lập quy chế quản lý vùng để quản lý phát triển theo nội dung quy hoạch vùng, trong đó xác lập những yêu cầu về quy hoạch không gian và hạ tầng kỹ thuật để quản lý các quy hoạch xây dựng đô thị và các dự án đầu tư xây dựng.
Điều 2. Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính, Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Phú Yên; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Ban Quản lý các dự án quy hoạch xây dựng đô thị thuộc Sở Xây dựng và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành./.
| CHỦ TỊCH |
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
|
- 1Quyết định 608/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và ngoài 2050
- 2Quyết định 19/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Hà Giang đến năm 2020
- 3Quyết định 60/QĐ-UBND năm 2013 về phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
- 1Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 2Luật xây dựng 2003
- 3Nghị định 08/2005/NĐ-CP về quy hoạch xây dựng
- 4Quyết định 04/2008/QĐ-BXD về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
- 5Quyết định 122/2008/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Yên đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Quyết định 445/QĐ-TTg năm 2009 phê duyệt điều chỉnh định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Nghị định 42/2009/NĐ-CP về việc phân loại đô thị
- 8Quyết định 193/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Chương trình rà soát quy hoạch xây dựng nông thôn mới do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 9Quyết định 608/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và ngoài 2050
- 10Quyết định 19/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Hà Giang đến năm 2020
- 11Quyết định 60/QĐ-UBND năm 2013 về phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
- 12Nghị quyết 171/2010/NQ-HĐND quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Phú Yên đến năm 2025
Quyết định 52/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Phú Yên đến năm 2025
- Số hiệu: 52/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 10/01/2011
- Nơi ban hành: Tỉnh Phú Yên
- Người ký: Phạm Đình Cự
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra