Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 52/2005/QĐ-UB | Hà nội, ngày 28 tháng 04 năm 2005 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ MỘT SỐ BIỆN PHÁP KIỀM CHẾ TAI NẠN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
ỦY BAN NHÂN DÂN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 29 tháng 6 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 15/2003/NĐ-CP, ngày 19 tháng 02 năm 2003 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về giao thông đường bộ;
Căn cứ Nghị quyết số 16/2004/NQ-HĐND ngày 17 tháng 12 năm 2004 về nhiệm vụ năm 2005 của Hội đồng nhân dân thành phố khoá VII, nhiệm kỳ 2004 - 2009, kỳ họp lần thứ 3;
Theo đề nghị của Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố và Giám đốc Sở Giao thông Công chính,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Ban hành Quy định về một số biện pháp kiềm chế tai nạn giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 08/2005/QĐ-UB ngày 17 tháng 01 năm 2005 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành Quy định về xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp kiềm chế tai nạn giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Điều 3: Trưởng ban Ban An toàn giao thông thành phố, Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Công an thành phố, Giám đốc các Sở: Giao thông Công chính, Nội vụ, Giáo dục - Đào tạo, Xây dựng, Tư pháp, Văn hoá Thông tin, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
| TM. UBND THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG |
QUY ĐỊNH
VỀ MỘT SỐ BIỆN PHÁP KIỀM CHẾ TAI NẠN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 52 /2005/QĐ-Ủy ban ngày 28 tháng 4 năm 2005 của Ủy ban nhân dân thành phố)
Chương 1:
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1: Quy định này quy định về một số biện pháp quản lý và xử lý đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe ôtô tham gia giao thông vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Điều 2:
1. Người tham gia giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ và Quy định này.
2. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính về giao thông đường bộ ngoài việc bị phạt ở mức cao nhất của khung tiền phạt quy định tại Nghị định số 15/2003/NĐ-CP ngày 19 tháng 02 năm 2003 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về giao thông đường bộ và bị áp dụng các chế tài khác theo quy định còn bị áp dụng các biện pháp xử lý theo Quy định này.
3. Việc xử phạt vi phạm hành chính về giao thông đường bộ phải tuân theo các nguyên tắc được quy định tại Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị định số 15/2003/NĐ-CP ngày 19 tháng 02 năm 2003 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về giao thông đường bộ.
Chương 2:
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3: Điều kiện cấp Giấy đăng ký xe mô tô, xe gắn máy tại thành phố
Điều kiện cấp Giấy đăng ký xe mô tô, xe gắn máy tại thành phố bao gồm:
1. Có hộ khẩu thường trú tại thành phố Đà Nẵng.
2. Có Giấy phép lái xe theo quy định.
3. Mỗi công dân chỉ được đăng ký 01 xe môtô hoặc 01 xe gắn máy.
Việc đăng ký xe môtô, xe gắn máy tại thành phố phải tuân theo quy định tại Điều này, trừ trường hợp các cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quy định khác.
Điều 4: Phạt 20.000 đồng đối với người điều khiển, người ngồi trên xe môtô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm trên đường quy định phải đội mũ bảo hiểm.
Điều 5: Tạm giữ xe môtô, xe gắn máy 15 ngày đối với các hành vi sau:
1. Chở quá số người quy định, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, áp giải người phạm tội.
2. Người điều khiển hoặc người ngồi trên xe kéo theo xe khác hoặc vật khác hoặc đẩy xe khác, vật khác, dẫn dắt súc vật, mang vác, chở vật cồng kềnh; người điều khiển và người ngồi trên xe được kéo, được đẩy.
3. Không gắn biển số, biển số mờ, biển số bị bẻ cong, biển số bị che lấp, biển số bị hỏng.
4. Không chuyển quyền sở hữu xe theo quy định.
5. Tự ý thay đổi nhãn hiệu của xe.
6. Sử dụng còi ôtô hoặc còi vượt quá âm lượng quy định.
7. Không có bộ phận giảm thanh hoặc có nhưng không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật.
Điều 6: Tạm giữ xe môtô, xe gắn máy 30 ngày đối với các hành vi sau:
1. Sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc Giấy phép lái xe bị tẩy xoá.
2. Không có Giấy đăng ký xe theo quy định (xe chưa đăng ký).
3. Tự ý thay đổi màu sơn của xe.
4. Chạy quá tốc độ quy định trên 20%.
5. Gắn biển số không đúng với số hoặc ký hiệu trong giấy đăng ký; biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Điều 7: Tạm giữ xe môtô, xe gắn máy 60 ngày đối với các hành vi sau:
1. Sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá quy định hoặc sử dụng chất kích thích khác mà pháp luật cấm.
2. Khi xảy ra tai nạn, người điều khiển phương tiện liên quan không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn.
3. Điều khiển xe vượt ngay trước đầu xe khác hoặc chuyển hướng đột ngột.
4. Dùng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy.
Điều 8: Tạm giữ xe môtô, xe gắn máy 90 ngày đối với các hành vi sau:
1. Sử dụng xe mô tô có dung tích xi lanh từ 175cm3 trở lên trái quy định.
2. Điều khiển xe lạng lách hoặc đánh võng hoặc đuổi nhau trên đường bộ trong, ngoài đô thị.
3. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe môtô có dung tích xi lanh từ 50cm3 trở lên.
4. Điều khiển xe chạy bằng một bánh đối với xe hai bánh, chạy bằng hai bánh đối với xe ba bánh, buông cả hai tay khi đang điều khiển xe, dùng chân điều khiển xe, ngồi về một bên điều khiển xe, nằm trên yên xe điều khiển xe, đứng trên xe điều khiển xe, thay người điều khiển khi xe đang chạy, điều khiển xe thành nhóm từ hai xe trở lên chạy quá tốc độ quy định.
Điều 9: Tạm giữ xe mô tô, xe gắn máy 180 ngày đối với hành vi sau:
Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy.
Điều 10: Tịch thu xe môtô, xe gắn máy đối với các hành vi sau:
1. Điều khiển xe chạy lạng lách, đánh võng, đuổi nhau trên đường bộ trong hoặc ngoài đô thị nếu tái phạm.
2. Điều khiển xe chạy bằng một bánh đối với xe hai bánh, chạy bằng hai bánh đối với xe ba bánh, buông cả hai tay khi đang điều khiển xe, dùng chân điều khiển xe, ngồi về một bên điều khiển xe, nằm trên yên xe điều khiển xe, đứng trên xe điều khiển xe, thay người điều khiển khi xe đang chạy, điều khiển xe thành nhóm từ hai xe trở lên chạy quá tốc độ quy định mà không chấp hành lệnh dừng xe của người thi hành công vụ hoặc chống đối người thi hành công vụ hoặc gây tai nạn nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
3. Đối với tất cả các trường hợp đua xe trái phép.
Điều 11: Tạm giữ ôtô 15 ngày đối với các hành vi sau:
Tẩy xoá hoặc sửa chữa Giấy đăng ký xe, hồ sơ đăng ký xe, Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường hoặc các loại giấy tờ khác về phương tiện nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điều 12: Tạm giữ ôtô 30 ngày đối với các hành vi sau:
1. Sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá quy định hoặc sử dụng chất kích thích khác mà pháp luật cấm.
2. Khi xảy ra tai nạn giao thông, người điều khiển phương tiện liên quan không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường; bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn.
3. Lạng lách, đánh võng hoặc đuổi nhau trên đường bộ trong hoặc ngoài đô thị.
4. Đối với người điều khiển xe chở khách theo hình thức Taxi mà không có đăng ký kinh doanh Taxi.
Điều 13: Tạm giữ ôtô 45 ngày đối với các hành vi sau:
Sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc Giấy phép lái xe bị tẩy xoá.
Điều 14: Tịch thu, bán phế liệu đối với các trường hợp xe ôtô quá niên hạn sử dụng theo quy định tham gia giao thông.
Điều 15: Đối với các trường hợp bị xử phạt với biện pháp tạm giữ phương tiện, người ra quyết định xử phạt phải có văn bản thông báo về trường học, cơ quan, đơn vị, Ủy ban nhân dân xã, phường nơi người có hành vi vi phạm cư trú để giáo dục và không xét thi đua.
Điều 16: Người bị áp dụng biện pháp tịch thu xe theo quy định tại Điều 10 Quy định này không được đăng ký xe mới trong thời hạn hai năm, kể từ ngày ra Quyết định xử phạt.
Điều 17: Tất cả các trường hợp bị tạm giữ xe, nếu chủ phương tiện không nộp tiền phạt thì giữ xe cho đến khi nộp đủ tiền phạt. Nếu đến thời hạn nhận xe, chủ phương tiện không đến nhận xe thì cứ 01 ngày xe lưu giữ trong bãi giữ xe, chủ xe phải trả thêm 10.000đồng/ngày đối với xe môtô, xe gắn máy; 100.000đồng/ngày đối với ôtô và các loại xe có kết cấu tương tự.
Điều 18: Tuyến đường bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người ngồi trên xe môtô, xe gắn máy
Người ngồi trên xe môtô, xe gắn máy trên các tuyến đường sau đây phải đội mũ bảo hiểm:
1. Tuyến Quốc lộ 1A:
a/ Đoạn đường từ nút giao thông Quốc lộ 1A - đường vào Trung tâm Y tế huyện Hoà Vang (Km 933 200 Quốc lộ 1A) đến hết địa phận thành phố Đà Nẵng (Km 942 Quốc lộ 1A).
b/ Đoạn đường từ đỉnh đèo Hải Vân (Km 904 800 Quốc lộ 1A) đến chân đèo Hải Vân (Km 914 Quốc lộ 1A).
2. Tuyến Quốc lộ 14B: Đoạn đường từ nút giao thông Quốc lộ 14B - đường ngang tại khu vực chân phía Tây cầu vượt Hoà Cầm (Km 19 200 Quốc lộ 14B) đến hết địa phận thành phố Đà Nẵng (Km 32 126 Quốc lộ 14B).
3. Các tuyến đường tỉnh (ĐT), bao gồm: ĐT 601, ĐT 602, ĐT 604, ĐT 605).
4. Các tuyến đường đô thị (ĐĐT), bao gồm: đường Trần Đại Nghĩa (ĐT 603), đường Mai Đăng Chơn và đường Nguyễn Duy Trinh.
Chương 3:
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 19: Ban An toàn giao thông thành phố
Phân công các cơ quan thành viên tổ chức và triển khai thực hiện các quy định. Xây dựng kế hoạch hoạt động của ngành, đơn vị mình, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố và tổ chức thực hiện có hiệu quả.
Điều 20: Công an thành phố
1. Tổ chức công tác tuần tra, kiểm soát thường xuyên, liên tục; kiên quyết xử lý vi phạm.
2. Nghiên cứu, đề xuất biện pháp giữ xe tại gia đình đối với người vi phạm trật tự an toàn giao thông để giảm sự quá tải về kho bãi tạm giữ phương tiện.
3. Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát Giao thông tăng cường công tác chỉ huy, điều khiển giao thông trên đường; hướng dẫn, bắt buộc người tham gia giao thông chấp hành quy định về giao thông đường bộ.
4. Đưa ra truy tố, xét xử công khai các đối tượng gây tai nạn giao thông nghiêm trọng, nhằm răn đe các đối tượng có hành vi vi phạm.
Điều 21: Sở Giao thông Công chính
1. Bảo đảm hệ thống đường giao thông an toàn thông suốt.
2. Nâng cao chất lượng kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ, đào tạo, sát hạch cấp Giấy phép lái xe. Xây dựng Trung tâm sát hạch lái xe ôtô đạt tiêu chuẩn Quốc gia, được trang bị hệ thống chấm thi tự động để sớm đưa vào hoạt động trong thời gian tới.
3. Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ nghiên cứu, xây dựng mô hình hoạt động mới của cơ sở quản lý sửa chữa thủy - bộ trực thuộc Sở Giao thông Công chính.
Điều 22: Sở Giáo dục và Đào tạo
1. Chủ trì xây dựng chương trình giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông phù hợp với từng cấp học.
2. Hướng dẫn các trường tổ chức và vận động sinh viên, học sinh sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
3. Nghiêm cấm học sinh đi học bằng mô tô, xe gắn máy đến trường.
Điều 23: Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt
Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác giáo dục, tuyên truyền phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông và vận động các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia cuộc vận động "Toàn dân tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông" với các hình thức phong phú, thiết thực.
Điều 24: Sở Tư pháp, Sở Văn hoá Thông tin
Chủ trì, phối hợp với Đài Phát thanh Truyền hình Đà Nẵng, Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng thường xuyên tổ chức các chuyên đề tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông.
Điều 25: Ủy ban nhân dân quận, huyện, phường, xã
Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục nhằm nâng cao ý thức của nhân dân địa phương trong việc tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị; tổ chức tốt việc quản lý và bảo vệ các công trình cơ sở hạ tầng giao thông đô thị bảo đảm an toàn giao thông.
Điều 26: Lực lượng Thanh niên Xung kích
Chịu trách nhiệm xây dựng nhà giữ xe có sức chứa lớn, đủ điều kiện về quản lý, bảo vệ an toàn tài sản của công dân. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Cảnh sát giao thông và Công an quận, huyện tổ chức tốt việc lưu chuyển, bảo quản và thu phí lưu kho, lưu bãi các loại xe vi phạm.
Điều 27: Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ảnh về Văn phòng Ban An toàn giao thông thành phố đặt tại Sở Giao thông Công chính (Điện thoại: 818808) để nghiên cứu, tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân thành phố bổ sung, sửa đổi cho phù hợp./.
- 1Quyết định 48/2006/QĐ-UBND-ĐNg huỷ bỏ Quyết định 52/2005/QĐ-UB về biện pháp kiềm chế tai nạn giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng do Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành
- 2Quyết định số 57/2007/QĐ-UBND về việc công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) và do Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành đã hết hiệu lực thi hành do Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành
- 1Quyết định 48/2006/QĐ-UBND-ĐNg huỷ bỏ Quyết định 52/2005/QĐ-UB về biện pháp kiềm chế tai nạn giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng do Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành
- 2Quyết định số 57/2007/QĐ-UBND về việc công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) và do Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành đã hết hiệu lực thi hành do Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành
Quyết định 52/2005/QĐ-UB về một số biện pháp kiềm chế tai nạm giao thông đường bộ trên địa ba thành phố Đà nẵng do UBND thành phố Đà Nẵng ban hành
- Số hiệu: 52/2005/QĐ-UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 28/04/2005
- Nơi ban hành: Thành phố Đà Nẵng
- Người ký: Hoàng Tuấn Anh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 08/05/2005
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra