Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số : 52/2004/QĐ-UBBT

Phan Thiết, ngày 5 tháng 7 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ TRẬT TỰ AN TOÀN HÀNG HẢI TẠI CẢNG PHÚ QUÝ, CẢNG VẬN TẢI PHAN THIẾT VÀ CẢNG CÁ PHANTHIẾT.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân đã được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 26/11/2003;

- Căn cứ Chỉ thị số 17/2003/CT-TTg ngày 04/8/2003 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm an toàn hàng hải;

- Căn cứ Nghị định số 160/2003/NĐ-CP ngày 18/12/2004 về ban hành Quy chế quản lý hoạt động hàng hải tại cảng biển và khu vực hàng hải của Việt Nam;

 Xét tình hình trật tự hàng hải hiện nay tại cảng Phú Quý, cảng Vận tải và cảng Cá Phan Thiết và theo đề nghị của Giám đốc sở Giao thông - Vận tải;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này bản “ Quy chế về quản lý trật tự an toàn hàng hải tại Cảng Phú Quý, Cảng vận tải Phan Thiết và Cảng cá Phan Thiết.

Điều 2 : Giao trách nhiệm cho Sở Giao thông - Vận tải chủ trì, phối hợp với các Sở, Ngành liên quan hướng dẫn, tổ chức thực hiện theo đúng nội dung của quy chế này.

 Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 47/2004/QĐ-UBBT ngày 16/6/2004 của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận.

Điều 3 : Chánh Văn phòng HĐND& UBND tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành: Giao thông - Vận tải, Công an Tỉnh, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh, Chủ tịch UBND huyện Phú Quý, Chủ tịch UBND thành phố Phan Thiết, các cơ quan, đơn vị có liên quan, các tàu, thuyền hoạt động tại các cảng, tuyến vận chuyển theo quy định của bản Quy chế chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Cục Kiểm tra văn bản
(Bộ Tư Pháp)
- TT.Tỉnh Uỷ.
- TT.HĐND tỉnh.
- Như điều 3.
- Lưu VP (NC).

TM.UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Tấn Thành

 

QUY CHẾ

VỀ QUẢN LÝ TRẬT TỰ AN TOÀN HÀNG HẢI TẠI CẢNG PHÚ QÚY, CẢNG VẬN TẢI PHAN THIẾT VÀ CẢNG CÁ PHAN THIẾT
(Ban hành kèm theo Quyết định số : /2004/QĐ-UBBT ngày tháng năm 2004 của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận )

 

CHƯƠNG I

ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI ÁP DỤNG.

Điều 1. Quy định này áp dụng đối với tất cả các phương tiện tàu vận tải, bao gồm: tàu vận tải hàng hoá, tàu khách, tàu vận tải hàng - khách, khi ra, vào Cảng vận tải PhanThiết, Cảng cá Phan Thiết, Cảng Phú Quý.

Điều 2. Đối với các phương tiện tàu, thuyền nước ngoài áp dụng theo quy định của Pháp luật Việt Nam và các Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.

CHƯƠNG II

CÁC QUY ĐỊNH VỀ ĐẢM BẢO TRẬT TỰ AN TOÀN HÀNG HẢI ĐỐI VỚI CÁC PHƯƠNG TIỆN TÀU KHI RA, VÀO CẢNG.

Điều 3:

1.Trách nhiệm của chủ tàu khi tàu ra, vào cảng:

a. Nghiêm cấm chở các chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ như xăng, dầu, khí gas, chất lỏng dễ cháy, nổ khác … và các chất nguy hiểm về cháy, nổ thuộc loại 1,2,3 và 9 quy định tại phụ lục 1 Nghị định số 13/2003/NĐ-CP ngày 19/12/2003 của Chính phủ trên các tàu sau:

- Tàu vận chuyển hành khách.

- Tàu vận chuyển hàng hoá -hành khách.

- Tàu vận tải hàng hoá không có giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy của cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

b. Các tàu vận tải muốn chở các chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ nêu tại điểm a, khoản 1 điều này, phải có giấy xác nhận đủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy Bộ Công an hoặc Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy cấp tỉnh.

c. Thuyền trưởng có trách nhiệm thông báo cho Ban quản lý Cảng trước khi tàu cập bến một giờ để Ban quản lý cảng bố trí, sắp xếp tàu vào cập bến an toàn.

e. Trong thời gian tàu đậu tại cảng Thuyền trưởng phải phân công người trực tàu đúng theo quy định.

f. Thuyền trưởng có trách nhiệm thông báo giờ xuất bến cho Ban quản lý cảng ít nhất 02 giờ trước khi xuất bến để Ban quản lý cảng tập trung các lực lượng có liên quan kiểm tra đến kiểm tra và làm thủ tục xuất bến cho tàu.

2. Khi tàu ra, vào Cảng chủ phương tiện phải xuất trình các loại giấy tờ (bản chính) sau đây:

a/.Khi vào cảng :

- Giấy chứng nhận đăng ký.

- Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật phương tiện còn thời hạn.

- Các giấy tờ liên quan đến vận chuyển hàng hóa ( nếu phương tiện kinh doanh vận tải hàng hóa).

- Danh sách thuyền viên do Cục Hàng hải Việt nam cấp. Bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định và còn thời hạn.

- Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tàu và bảo hiểm hành khách (nếu là tàu vận chuyển hành khách) còn hiệu lực.

- Giấy phép rời cảng cuối cùng hoặc sổ hành trình có xác nhận của Ban quản lý Cảng, Đồn Biên phòng nơi đi.

- Đối với tàu khách tuyến Phan Thiết – Phú Quý phải có danh sách hành khách có xác nhận của Đồn Biên phòng nơi xuất bến.

b/. Khi rời cảng :

- Các giấy chứng nhận của tàu và chứng chỉ khả năng chuyên môn của thuyền viên (nếu có thay đổi so với khi đến).

- Các giấy tờ có liên quan đến xác nhận việc nộp phí, lệ phí, tiền phạt hoặc thanh toán các khoản nợ theo quy định của pháp luật.

- Giấy phép rời cảng do Ban Quản lý cảng ký hoặc đã có xác nhận của Ban Quản lý cảng, Đồn Biên phòng vào sổ hành trình của tàu.

- 04 bản danh sách hành khách đi tàu ( theo mẫu quy định thống nhất) có xác nhận của đồn Biên phòng.( 01 bản giao cho đồn Biên phòng, 01 bản giao cho Ban quản lý cảng , 01 bản giao cho chủ tàu và 01 bản giữ theo tàu). Trường hợp sau khi đã có xác nhận mà vẫn còn hành khách lên tàu thì thuyền trưởng phải bán vé cho hành khách đó và tự ghi tên hành khách vào bản danh sách hành khách đi tàu, trình cho Ban quản lý cảng nơi đến.

CHƯƠNG III

 QUẢN LÝ CỦA CÁC CƠ QUAN CHỨC NĂNG VỀ TRẬT TỰ AN TOÀN HÀNG HẢI.

Điều 4: Nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị kiểm tra.

1. Ban quản lý các cảng:

a. Ban quản lý cảng Vận tải Phan Thiết thực hiện chức năng quản lý và kiểm soát trật tự an toàn hàng hải tại khu vực cảng Vận tải và cảng Cá Phan Thiết; Ban quản lý cảng Phú Quý thực hiện chức năng quản lý và kiểm soát trật tự an toàn hàng hải tại khu vực cảng Phú Quý.

b. Ban Quản lý cảng Phú Quý và Ban Quản lý Cảng vận tải Phan Thiết có nhiệm vụ kiểm tra các tàu ra vào khu vực cảng do mình quản lý (riêng Ban quản lý cảng Vận tải Phan Thiết kiểm tra cả các tàu ra vào cảng Cá Phan Thiết) theo các nội dung sau:

- Kiểm tra việc đăng ký, đăng kiểm, các giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật đối với các tàu vận tải hành khách và các tàu vận tải khác, đảm bảo phương tiện chỉ được hoạt động khi có đủ các tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật, quy định phòng ngừa ô nhiễm môi trường.

- Kịp thời đề nghị cơ quan có thẩm quyền đình chỉ hoạt động của tàu, không cho phép tàu rời cảng khi không đủ điều kiện về an toàn kỹ thuật.

- Không cho phép thuyền viên không có đủ bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn theo quy định làm việc trên tàu.

- Kiểm tra việc sắp xếp hàng hóa trên tàu, không cho phép tàu chở hàng quá trọng tải và vật liệu cháy, nổ, trên các tàu chở khách.

- Cấp giấy xác nhận rời cảng hoặc ký xác nhận tàu đến và tàu đi vào sổ hành trình của tàu.

- Sắp xếp tài chuyến cho các tàu vận tải hàng và khách trên tuyến Phan Thiết -Phú Qúy , đảm bảo tính công bằng giữa các tàu.

- Nghiêm cấm các loại phương tiện thuỷ neo đậu giữa luồng, gây cản trở cho tàu ra vào cảng.

- Có trách nhiệm thông báo cho Đồn Biên phòng sở tại, Cảnh sát giao thông đường thuỷ, Thanh tra giao thông cùng tiến hành kiểm tra trước khi tàu xuất bến 01 giờ.

2. Các đồn Biên phòng 444 Phan Thiết, 464 Phú Quý.

- Thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định.

- Tích cực hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ với các ngành, Ban quản lý cảng, bảo đảm an toàn về hàng hải đối với các phương tiện tàu vận tải hàng hoá, tàu khách, tàu vận tải hàng - khách tuyến Phan Thiết - Phú Quý.

3. Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh tăng cường công tác tuần tra, kiểm kiểm soát các phương tiện đường thuỷ nội địa theo chuyên môn đã được quy định. Xử lý nghiêm các chủ phương tiện xếp, vận chuyển hàng hóa, hành khách quá tải hoặc chủ phương tiện hoạt động không có đủ điều kiện an toàn kỹ thuật, thuyền viên không có đủ bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn theo đúng quy định pháp luật.

- Kiên quyết đình chỉ hoạt động của tàu hoặc không cho phép tàu rời cảng khi không đủ điều kiện về an toàn kỹ thuật.

4. Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy Công an tỉnh phải thường xuyên kiểm tra định kỳ và đột xuất theo chuyên môn đã được quy định. Xử lý nghiêm các trường hợp chủ tàu vi phạm các quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật.

Điều 5 : Phối hợp giữa các cơ quan chức năng.

1. Ban quản lý cảng có trách nhiệm thông báo cho Đồn Biên phòng sở tại, Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông cùng tiến hành kiểm tra trước khi tàu xuất bến một giờ.

2. Các đồn Biên phòng 444, 464, Cảnh sát Giao thông đường thủy, Thanh tra giao thông Bình Thuận cần có sự phối hợp đồng nhất với Ban Quản lý cảng trong công tác kiểm tra, ký xác nhận các giấy tờ để tránh gây phiền hà cho tàu khi ra, vào cảng. Xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật các trường hợp không chấp hành các quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa và an toàn hàng hải.

Đối với tàu vi phạm các quy định về trật tự an toàn hàng hải sẽ bị đình chỉ hoạt động cho đến khi thực hiện đầy đủ các yêu cầu theo quy định về đảm bảo trật tự an toàn hàng hải (nếu tàu nào cố tình không chấp hành công tác kiểm tra khi xuất bến sẽ bị đình chỉ hoạt động ít nhất là 10 ngày).

3. Ủy ban Nhân dân huyện Phú Quý, thành phố Phan Thiết hỗ trợ cho công tác kiểm tra các phương tiện ra, vào cảng và sắp xếp các bến neo đậu phương tiện tại cảng của địa phương mình nhằm đảm bảo việc thực hiện trật tự an toàn hàng hải theo đúng các quy định của pháp luật.

4. Ban Quản lý cảng Cá Phan Thiết, Phú Quý có trách nhiệm hỗ trợ, tạo điều kiện cho công tác kiểm tra cũng như sắp xếp các tàu ra, vào cảng được thuận lợi, an toàn.

5. Chậm nhất trong thời hạn 01 giờ kể từ khi chủ tàu nộp, xuất trình đầy đủ các giấy tờ hợp lệ, các cơ quan chức năng phải hoàn thành các thủ tục xuất, nhập bến cho tàu.

CHƯƠNG IV

XỬ LÝ VI PHẠM VÀ KHEN THƯỞNG

Điều 6: Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định về đảm bảo an toàn trật tự hàng hải thì bị xử lý hành chính, nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 7: Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc đảm bảo an toàn trật tự hàng hải, ngăn ngừa thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức, cá nhân thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

CHƯƠNG V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8:

1. Các cơ quan kiểm tra, kiểm soát phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo chuyên môn và quy định của quy chế này. Không được gây phiền hà, cản trở phương tiện trong quá trình hoạt động. Những vấn đề còn vướng mắc phải báo cáo ngay cho Lãnh đạo cơ quan cấp trên của mình để có hướng giải quyết.

2. Ban quản lý cảng Phú Quý, cảng Vận tải Phan Thiết hàng tháng phải có báo cáo cho Ủy ban Nhân dân tỉnh về tình hình quản lý về trật tự an toàn hàng hải trên phạm vi mình quản lý.

3. Giao cho Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải kiểm tra, đôn đốc thực hiện quy chế này. Hàng quý, Sở Giao thông - Vận tải họp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trách nhiệm thực hiện quy chế này để đánh giá kết quả thực hiện, kiểm điểm rút kinh nghiệm, chấn chỉnh khắc phục những thiếu sót tồn tại và báo cáo UBND tỉnh theo dõi, chỉ đạo./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 52/2004/QĐ-UBBT về quy chế quản lý trật tự an toàn hàng hải tại Cảng Phú Quý, Cảng vận tải Phan Thiết và Cảng cá PhanThiết do Tỉnh Bình Thuận ban hành

  • Số hiệu: 52/2004/QĐ-UBBT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 05/07/2004
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận
  • Người ký: Huỳnh Tấn Thành
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/07/2004
  • Ngày hết hiệu lực: 11/09/2006
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản