Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 518/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 27 tháng 03 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN XÂY DỰNG HỆ THỐNG CẢNH BÁO NHANH VÀ PHÂN TÍCH NGUY CƠ VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM TẠI VIỆT NAM

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Nghị quyết số 34/2009/QH12 ngày 19 tháng 6 năm 2009 của Quốc hội khóa XII về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm;

Căn cứ Nghị định số 79/2008/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2008 của Chính phủ quy định hệ thống tổ chức, thanh tra và kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm;

Căn cứ Quyết định số 734/QĐ-TTg ngày 25 tháng 3 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 34/2009/QH12 ngày 19 tháng 6 năm 2009 của Quốc hội khóa XII về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án xây dựng hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ về an toàn thực phẩm tại Việt Nam với những nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu

a) Mục tiêu chung

Xây dựng hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ về an toàn thực phẩm đủ năng lực đáp ứng việc xử lý nhanh các thông tin về an toàn thực phẩm, sự cố an toàn thực phẩm góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

b) Mục tiêu cụ thể

- Mục tiêu 1: Xây dựng và tổ chức hoạt động của hệ thống cảnh báo nhanh về an toàn thực phẩm trong toàn quốc gồm cấp quốc gia; cấp Bộ ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp cơ sở;

- Mục tiêu 2: Nâng cao chất lượng thông tin phục vụ hoạt động của hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ về an toàn thực phẩm trong toàn quốc;

- Mục tiêu 3: Phân tích nguy cơ về an toàn thực phẩm đối với một số nhóm thực phẩm thông dụng ở Việt Nam.

2. Các chỉ tiêu cần đạt được đến năm 2016

a) Xây dựng và tổ chức hoạt động của hệ thống cảnh báo nhanh về an toàn thực phẩm trong toàn quốc gồm cấp quốc gia; cấp Bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp cơ sở:

- Ban hành các quy định về nhiệm vụ, tổ chức hệ thống cảnh báo nhanh về an toàn thực phẩm gồm: Điểm cảnh báo Trung tâm; Điểm cảnh báo Bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Điểm cảnh báo cơ sở; Quy chế hoạt động của các điểm cảnh báo trong việc tiếp nhận thông tin - xử lý thông tin - cảnh báo về an toàn thực phẩm, các sự cố an toàn thực phẩm ở cấp quốc gia, cấp Bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cấp cơ sở;

- Xây dựng, vận hành phần mềm tiếp nhận - xử lý - truy xuất - lưu trữ thông tin cảnh báo nhanh về an toàn thực phẩm, các sự cố an toàn thực phẩm ở 3 cấp;

- 100% điểm cảnh báo an toàn thực phẩm của các Bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị đầu mối liên quan về an toàn thực phẩm được kết nối hoạt động với Điểm cảnh báo Trung tâm;

- 100% cán bộ, nhân viên trực tiếp liên quan đến hoạt động của hệ thống cảnh báo nhanh về an toàn thực phẩm được tập huấn về quản lý và kỹ thuật;

- 100% điểm cảnh báo an toàn thực phẩm của các đơn vị trong hệ thống cảnh báo nhanh về an toàn thực phẩm được trang bị đủ và đồng bộ các phương tiện tiếp nhận thông tin - xử lý thông tin - cảnh báo về an toàn thực phẩm.

b) Tổ chức, duy trì hoạt động tiếp nhận thông tin - xử lý thông tin - cảnh báo về an toàn thực phẩm, sự cố an toàn thực phẩm trong toàn quốc.

- Trên 70% thông tin cảnh báo về an toàn thực phẩm được xử lý nhanh chóng;

- 100% sự cố khẩn cấp an toàn thực phẩm được quản lý kịp thời, có hiệu quả.

c) Nâng cao chất lượng thông tin phục vụ hoạt động của hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ về an toàn thực phẩm trong toàn quốc từ các Bộ, ngành được phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương):

- 100% các đơn vị đầu mối có trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của Bộ, ngành (Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương) tổ chức giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm các nhóm thực phẩm; tổ chức thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm chất lượng an toàn thực phẩm hàng năm trong toàn quốc;

- Các Bộ, ngành chức năng được phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm quy định và triển khai thống nhất về mẫu biểu, chế độ, phương pháp thống kê báo cáo; phân cấp thực hiện công tác báo cáo, thống kê đối với các nhiệm vụ:

+ Giám sát về ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm;

+ Giám sát an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên thị trường;

+ Kiểm tra an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu, xuất khẩu;

+ Kiểm soát an toàn thực phẩm ở biên giới;

+ Cập nhật thông tin cảnh báo về ô nhiễm thực phẩm, sự cố an toàn thực phẩm từ các hệ thống thông tin cảnh báo về an toàn thực phẩm của khu vực, thế giới và các quốc gia, vùng lãnh thổ có quan hệ.

d) Phân tích nguy cơ về an toàn thực phẩm đối với một số nhóm thực phẩm thông dụng ở Việt Nam.

- Thực hiện đánh giá các nguy cơ ô nhiễm cao đối với 5 đến 10 loại thực phẩm thông dụng trong mỗi năm;

- Thiết kế, tổ chức và triển khai các nghiên cứu khẩu phần ăn tổng số (Total Diet Study) cho các đối tượng khác nhau trong phạm vi toàn quốc;

- 100% cán bộ chuyên môn tại các cơ sở tham gia hoạt động đánh giá nguy cơ được đào tạo, tập huấn về phương pháp, nội dung, kỹ thuật đánh giá nguy cơ về an toàn thực phẩm.

3. Thời gian thực hiện

- Từ năm 2013 đến năm 2016: Xây dựng và tổ chức hoạt động của hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ về an toàn thực phẩm trong toàn quốc;

- Từ năm 2016: Duy trì hoạt động của hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ về an toàn thực phẩm trong toàn quốc.

4. Nội dung hoạt động của Đề án

a) Nội dung hoạt động 1: Xây dựng và tổ chức hoạt động hệ thống cảnh báo nhanh về an toàn thực phẩm trong toàn quốc với 3 cấp độ (cấp quốc gia; cấp Bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cấp cơ sở):

- Điểm cảnh báo về an toàn thực phẩm cấp quốc gia (Điểm cảnh báo Trung tâm):

+ Tổ chức 01 điểm cảnh báo trung tâm để tiếp nhận thông tin - xử lý thông tin - cảnh báo về an toàn thực phẩm và sự cố an toàn thực phẩm ở cấp quốc gia tại Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế);

+ Nhiệm vụ và hoạt động:

. Đầu mối để tiếp nhận thông tin - xử lý thông tin - cảnh báo về an toàn thực phẩm và sự cố về an toàn thực phẩm từ Điểm cảnh báo cấp 1 thuộc Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, từ một số đơn vị cơ sở (Điểm cảnh báo cấp 2) thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ; Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính; Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam;

. Khai thác thông tin về an toàn thực phẩm từ hệ thống cảnh báo an toàn thực phẩm quốc tế, các hệ thống thông tin; truyền thông; xử lý thông tin về an toàn thực phẩm và sự cố an toàn thực phẩm; cảnh báo thông tin và sự cố an toàn thực phẩm có phạm vi ảnh hưởng ở cấp quốc gia.

- Điểm cảnh báo về an toàn thực phẩm cấp Bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Điểm cảnh báo cấp 1):

+ Tổ chức Điểm cảnh báo cấp 1 tại mỗi Bộ, ngành chức năng và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế; Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương; Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

+ Nhiệm vụ và hoạt động:

. Đầu mối tiếp nhận thông tin - xử lý thông tin - cảnh báo về an toàn thực phẩm và sự cố an toàn thực phẩm từ Điểm cảnh báo cấp 2 tại các đơn vị trực thuộc Bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng; nhiệm vụ và phạm vi quản lý;

. Thực hiện khai thác, tiếp nhận, xử lý thông tin về an toàn thực phẩm, sự cố về an toàn thực phẩm từ hệ thống cảnh báo quốc tế, hệ thống thông tin, truyền thông thuộc lĩnh vực liên quan;

. Tổng hợp, cung cấp thông tin giám sát, thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm, sự cố an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; xử lý, cảnh báo thông tin và sự cố an toàn thực phẩm có phạm vi ảnh hưởng ở cấp Bộ, ngành, cấp tỉnh, thành phố.

- Điểm cảnh báo về an toàn thực phẩm cấp cơ sở (Điểm cảnh báo cấp 2):

+ Tổ chức Điểm cảnh báo cấp 2 tại các đơn vị liên quan thuộc Bộ, ngành chức năng, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị đầu mối liên quan đến công tác bảo đảm an toàn thực phẩm gồm:

. Các đơn vị thuộc Bộ, ngành: Thanh tra, giám sát, đăng ký chứng nhận sản phẩm, các viện chuyên ngành, trung tâm kiểm nghiệm an toàn thực phẩm vùng, các cơ quan kiểm tra nhà nước về thực phẩm nhập khẩu; đơn vị cửa khẩu;

. Các đơn vị làm công tác bảo đảm an toàn thực phẩm thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Các Chi cục an toàn thực phẩm, Trung tâm y tế dự phòng, Trung tâm kiểm nghiệm an toàn thực phẩm;

. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm quy mô lớn; Hiệp hội ngành nghề về an toàn thực phẩm, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng.

+ Nhiệm vụ và hoạt động:

. Cung cấp thông tin về an toàn thực phẩm, sự cố an toàn thực phẩm ở các lĩnh vực được phân công quản lý thuộc Bộ, ngành phụ trách và thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phụ trách;

. Khai thác, tổng hợp thông tin về an toàn thực phẩm, sự cố an toàn thực phẩm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an toàn thực phẩm thường xuyên, đột xuất; xác nhận và cung cấp đầy đủ, thường xuyên thông tin về an toàn thực phẩm, sự cố an toàn thực phẩm trong lĩnh vực được phân công phụ trách.

- Kiện toàn, nâng cao năng lực và duy trì hoạt động của các điểm cảnh báo an toàn thực phẩm các cấp trong hệ thống cảnh báo nhanh về an toàn thực phẩm:

+ Xây dựng, ban hành quy chế hoạt động cung cấp, tiếp nhận và xử lý thông tin về an toàn thực phẩm và sự cố an toàn thực phẩm;

+ Đào tạo, huấn luyện cho cán bộ, nhân viên quản lý, chuyên môn tham gia hoạt động trong hệ thống cảnh báo về an toàn thực phẩm (Điểm cảnh báo Trung tâm, Điểm cảnh báo cấp 1, Điểm cảnh báo cấp 2);

+ Xây dựng cơ sở dữ liệu và phần mềm quản lý dữ liệu an toàn thực phẩm, cơ sở hạ tầng thông tin quản lý dữ liệu và trang thiết bị tại các điểm cảnh báo thuộc hệ thống cảnh báo nhanh về an toàn thực phẩm.

b) Nội dung 2: Nâng cao chất lượng thông tin phục vụ hoạt động của hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ về an toàn thực phẩm trong toàn quốc:

- Kiện toàn và nâng cao năng lực hệ thống giám sát an toàn thực phẩm, sự cố về an toàn thực phẩm trong toàn quốc:

+ Rà soát, đánh giá hiện trạng tổ chức, năng lực hoạt động giám sát an toàn thực phẩm, sự cố an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm do các Bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện;

+ Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ trong hệ thống giám sát an toàn thực phẩm, sự cố về an toàn thực phẩm tại các Bộ, ngành chức năng, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

+ Hoàn thiện, bổ sung các quy trình giám sát an toàn thực phẩm; điều kiện trang thiết bị giám sát, thống kê, báo cáo, nhập số liệu, xử lý thông tin, lưu trữ dữ liệu theo hướng cập nhật, hài hòa với khu vực và thế giới;

+ Nâng cao năng lực và chuẩn hóa các phòng kiểm nghiệm an toàn thực phẩm trong hệ thống giám sát cung cấp thông tin về an toàn thực phẩm;

+ Xây dựng quy chế phối hợp, quy định hoạt động giám sát, cung cấp thông tin về an toàn thực phẩm, sự cố an toàn thực phẩm trong mỗi Bộ, ngành chức năng và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và trong các tổ chức.

- Chuẩn hóa các thông tin phục vụ hoạt động của hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ về an toàn thực phẩm:

Xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch giám sát thông tin về an toàn thực phẩm, sự cố an toàn thực phẩm đối với danh mục ngành hàng thực phẩm do Bộ, ngành, địa phương được phân công quản lý.

c) Nội dung 3: Phân tích nguy cơ về an toàn thực phẩm đối với một số nhóm thực phẩm thông dụng ở Việt Nam

- Kiện toàn tổ chức và nâng cao năng lực phân tích nguy cơ về an toàn thực phẩm (đánh giá - quản lý - truyền thông nguy cơ) tại Việt Nam:

+ Thành lập các Ban kỹ thuật phân tích nguy cơ để hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng kế hoạch, tổ chức đánh giá nguy cơ về an toàn thực phẩm tại Việt Nam;

+ Đào tạo, tập huấn cho cán bộ chuyên môn về phân tích nguy cơ an toàn thực phẩm;

+ Xây dựng và thống nhất được quy trình đánh giá nguy cơ của Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex alimentarius commission), Tổ chức Thú y thế giới (World Organization for Animal Health), Công ước Bảo vệ thực vật Quốc tế (International plant protection convention).

- Tổ chức và thực hiện phân tích nguy cơ an toàn thực phẩm đối với các loại mối nguy trong các sản phẩm thực phẩm phổ biến tại Việt Nam:

+ Nghiên cứu khẩu phần ăn tổng số (Total Diet Study);

+ Đánh giá nguy cơ một số mối nguy có khả năng gây tác hại cho sức khoẻ người tiêu dùng trong thực phẩm phổ biến ở Việt Nam;

+ Tổ chức và thực hiện quản lý, truyền thông nguy cơ về an toàn thực phẩm phục vụ công tác quản lý an toàn thực phẩm tại Việt Nam.

5. Giải pháp thực hiện

a) Giải pháp về cơ chế, chính sách và tổ chức

- Ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quy chế phối hợp hoạt động của các điểm cảnh báo và các đơn vị đầu mối trong hệ thống cảnh báo nhanh, phân tích nguy cơ an toàn thực phẩm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và phạm vi quản lý;

- Nghiên cứu, ban hành quy chế hoạt động, nội dung hoạt động, mẫu biểu thống kê, báo cáo thông tin an toàn thực phẩm, sự cố về an toàn thực phẩm;

- Nghiên cứu, ban hành các quy định về tài chính trong hoạt động quản lý, cung cấp thông tin - tiếp nhận thông tin - xử lý thông tin - cảnh báo về an toàn thực phẩm, sự cố an toàn thực phẩm;

- Áp dụng các mô hình tiên tiến trong quản lý, cung cấp thông tin - tiếp nhận thông tin - xử lý thông tin - cảnh báo về an toàn thực phẩm và sự cố về an toàn thực phẩm phù hợp với điều kiện thực tế trong từng giai đoạn.

b) Giải pháp về nguồn nhân lực

- Sử dụng nguồn nhân lực sẵn có đang làm công tác an toàn thực phẩm tại Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan; các tổ chức chính trị xã hội, các hiệp hội ngành nghề liên quan; các chuyên gia trong nước và quốc tế;

- Tuyển chọn các chuyên gia trong nước và quốc tế phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ để hỗ trợ chuyên môn, kinh nghiệm trong giai đoạn đầu xây dựng và tổ chức hoạt động hệ thống cảnh báo nhanh, phân tích nguy cơ an toàn thực phẩm;

- Điều tra, đánh giá thực trạng, xác định được nhu cầu đào tạo, chương trình, nội dung, tài liệu đào tạo giám sát về an toàn thực phẩm, thống kê, thông tin, báo cáo về an toàn thực phẩm; phân tích nguy cơ ô nhiễm thực phẩm tại các Bộ, ngành, các tổ chức liên quan;

- Tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ an toàn thực phẩm cho cán bộ, nhân viên trực tiếp tham gia hệ thống cảnh báo nhanh về an toàn thực phẩm và phân tích nguy cơ ô nhiễm thực phẩm tại các Bộ, ngành, các tổ chức, đơn vị liên quan;

- Phối hợp với các trường Đại học Y, các trường đại học có chuyên ngành công nghệ thực phẩm và các trường đại học liên quan để tuyển chọn cán bộ có năng lực chuyên môn bổ sung và phát triển cho hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ an toàn thực phẩm.

c) Giải pháp về chuyên môn, kỹ thuật

- Điều tra, đánh giá thực trạng và nhu cầu trang thiết bị hệ thống cảnh báo nhanh, phân tích nguy cơ an toàn thực phẩm, kỹ thuật đánh giá mối nguy, phân tích nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, quản lý nguy cơ ô nhiễm thực phẩm; cảnh báo, dự báo nguy cơ ô nhiễm thực phẩm tại các tuyến trong cả nước;

- Đầu tư trang bị hệ thống thông tin, công nghệ hệ thống kết nối mạng cho các đơn vị trong hệ thống cảnh báo nhanh, phân tích nguy cơ an toàn thực phẩm phù hợp với từng giai đoạn;

- Ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng, cài đặt, vận hành phần mềm tiếp nhận, xử lý và lưu trữ thông tin cảnh báo về an toàn thực phẩm, sự cố an toàn thực phẩm;

- Xây dựng và triển khai các nghiên cứu khẩu phần ăn tổng số, phân tích nguy cơ ô nhiễm thực phẩm ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng;

- Thiết kế kỹ thuật, triển khai các nghiên cứu đánh giá nguy cơ an toàn thực phẩm đối với thực phẩm thông dụng.

d) Giải pháp về tài chính

- Xây dựng và bố trí kế hoạch ngân sách hàng năm, giai đoạn đảm bảo cho các hoạt động của Đề án từ nguồn kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm giai đoạn 2013 - 2015 và các nguồn kinh phí hợp pháp khác;

- Liên kết, lồng ghép nội dung giám sát, tiếp nhận thông tin - xử lý thông tin - cảnh báo về an toàn thực phẩm và sự cố an toàn thực phẩm với các dự án, chương trình mục tiêu khác có liên quan.

6. Nguồn vốn

- Ngân sách trung ương: Thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm giai đoạn 2013 - 2015 gồm chi hoạt động thường xuyên và chi đầu tư phát triển;

- Ngân sách của địa phương: Chi hoạt động thường xuyên và đầu tư phát triển;

- Vốn viện trợ, vốn vay và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Y tế là cơ quan thường trực triển khai Đề án, có nhiệm vụ sau:

a) Chủ trì và phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban quản lý Đề án, xây dựng quy chế hoạt động, kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện Đề án.

b) Xây dựng Điểm cảnh báo Trung tâm; Điểm cảnh báo cấp 1, Điểm cảnh báo cấp 2 thuộc Bộ Y tế; xây dựng các chương trình, kế hoạch chi tiết cho những nội dung thuộc chức năng, nhiệm vụ và phạm vi trong hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ về an toàn thực phẩm.

c) Hướng dẫn, đôn đốc các ngành khác và địa phương triển khai thực hiện Đề án theo đúng tiến độ và quy định hiện hành.

d) Bố trí đầy đủ vốn từ ngân sách, nguồn viện trợ, hợp tác quốc tế để thực hiện Đề án theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

đ) Tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện Đề án, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo thời gian và tiến độ thực hiện.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Phối hợp với Bộ Y tế xây dựng Điểm cảnh báo Trung tâm, xây dựng chương trình, kế hoạch chi tiết cho những nội dung thuộc chức năng, nhiệm vụ và phạm vi trong hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ an toàn thực phẩm.

b) Xây dựng Điểm cảnh báo cấp 1, Điểm cảnh báo cấp 2 thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xây dựng chương trình, kế hoạch chi tiết hoạt động hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ an toàn thực phẩm trong chức năng, nhiệm vụ và phạm vi quản lý.

c) Chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động của Đề án trong phạm vi được phân công quản lý theo đúng tiến độ, mục tiêu, chỉ tiêu.

d) Bố trí đầy đủ vốn từ ngân sách, nguồn viện trợ, hợp tác quốc tế để thực hiện Đề án theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

đ) Định kỳ báo cáo kết quả thực hiện Đề án về Bộ Y tế để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

3. Bộ Công Thương

a) Phối hợp với Bộ Y tế xây dựng Điểm cảnh báo Trung tâm, xây dựng chương trình, kế hoạch chi tiết cho những nội dung thuộc chức năng, nhiệm vụ và phạm vi trong hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ an toàn thực phẩm.

b) Xây dựng Điểm cảnh báo cấp 1, Điểm cảnh báo cấp 2 thuộc Bộ Công Thương, xây dựng chương trình, kế hoạch chi tiết hoạt động hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ an toàn thực phẩm trong chức năng, nhiệm vụ và phạm vi quản lý.

c) Chịu trách nhiệm toàn diện về việc chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động của Đề án trong phạm vi được phân công quản lý theo đúng tiến độ, mục tiêu, chỉ tiêu.

d) Bố trí đầy đủ vốn từ ngân sách, nguồn viện trợ, hợp tác quốc tế để thực hiện Đề án theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

đ) Định kỳ báo cáo kết quả thực hiện Đề án về Bộ Y tế để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

4. Bộ Tài chính

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về cơ chế tài chính để các địa phương chủ động cân đối, bảo đảm nguồn vốn của địa phương thực hiện các hoạt động của Đề án.

b) Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí và bảo đảm nguồn vốn đầu tư có mục tiêu theo kế hoạch và tiến độ thực hiện Đề án hàng năm:

c) Xây dựng Điểm cảnh báo cấp 2 (thuộc Tổng cục Hải quan - Bộ Tài chính), xây dựng chương trình, kế hoạch chi tiết hoạt động hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ an toàn thực phẩm trong chức năng, nhiệm vụ và phạm vi quản lý.

5. Bộ Kế hoạch và Đầu tư

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Y tế cân đối và bố trí vốn đầu tư hàng năm từ ngân sách trung ương, viện trợ, hợp tác quốc tế để các Bộ, ngành triển khai thực hiện.

b) Phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn về cơ chế tài chính để các địa phương bảo đảm nguồn vốn do địa phương bố trí thực hiện Đề án.

c) Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ưu tiên bố trí phần kinh phí của địa phương để thực hiện Đề án.

6. Bộ Khoa học và Công nghệ

a) Phối hợp với Bộ Y tế xây dựng chương trình kế hoạch chi tiết cho những nội dung công việc được giao trong đề án theo đúng tiến độ, đạt mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.

b) Xây dựng Điểm cảnh báo cấp 2 (thuộc Tổng Tiêu chuẩn đo lường chất lượng), xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ an toàn thực phẩm trong chức năng, nhiệm vụ và phạm vi quản lý.

c) Bố trí đầy đủ vốn từ ngân sách, nguồn viện trợ, hợp tác quốc tế để thực hiện Đề án theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

d) Định kỳ báo cáo kết quả thực hiện Đề án về Bộ Y tế để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

7. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

a) Chịu trách nhiệm chỉ đạo việc triển khai các hoạt động của Đề án tại địa phương theo đúng tiến độ, mục tiêu, chỉ tiêu.

b) Xây dựng Điểm cảnh báo cấp 1, Điểm cảnh báo cấp 2 trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý; triển khai các điểm tiếp nhận thông tin - xử lý thông tin tại các cửa khẩu, biên giới trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý.

c) Xử trí, giải quyết các vấn đề an toàn thực phẩm trên địa bàn dựa trên thông tin cảnh báo từ hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ an toàn thực phẩm.

d) Bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương để thực hiện Đề án theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; bố trí nhân lực, trang thiết bị, và cơ sở vật chất cho triển khai Đề án tại các địa phương.

đ) Định kỳ báo cáo kết quả thực hiện Đề án về Bộ Y tế để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ưong Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, Cổng TTĐT, các Vụ: TH, KTTH, KTN, TCCV, PL;
Lưu: Văn thư, KGVX (3b).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Nguyễn Thiện Nhân

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 518/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Đề án xây dựng hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ về an toàn thực phẩm tại Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 518/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 27/03/2013
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Thiện Nhân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 27/03/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản