Hệ thống pháp luật

BỘ NỘI THƯƠNG

 

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Số: 517-NT

Hà Nội, ngày 10 tháng 09 năm 1964

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH THỂ LỆ KIỂM NGHIỆM HÀNG HOÁ TRONG NGÀNH NỘI THƯƠNG

BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI THƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 80-CP ngày 16 tháng 7 năm 1962 của Hội đồng Chính phủ quy đinh nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Nội thương;
Xét yêu cầu tăng cường công tác kiểm nghiệm hàng hoá trong ngành nội thương;
Theo đề nghị của ông Cục trưởng Cục Kiểm tra phẩm chất hàng hoá và đo lường,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Nay ban hành kèm theo quyết định này “thể lệ kiểm nghiệm hàng hoá trong ngành nội thương”.

Điều 2: Tất cả các thể lệ kiểm nghiệm và các quy định cũ trái với thể lệ này đều bãi bỏ.

Điều 3: Thể lệ này áp dụng thống nhất cho:

1. Các kho, trạm thu mua, gia công, bán buôn cấp I, các kho, trạm, cửa hàng thu mua, gia công, bán buôn, bán lẻ cấp II, các cửa hàng bán lẻ, các tổ thu mua của mậu dịch quốc doanh và hợp tác xã mua bán ở huyện.

2. Các xí nghiệp sản xuất chế biến thuộc ngành nội thương.

Điều 4: Thể lệ này thi hành kể từ ngày 01 tháng 11 năm 1964.

Điều 5: Các ông Cục trưởng các Cục nghiệp vụ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức kỹ thuật, Vụ trưởng Vụ Tài vụ, Giám đốc Sở Thương nghiệp, Trưởng ty thương nghiệp, Chủ nhiệm các Công ty cấp I và cấp II chịu trách nhiệm thi hành thể lệ này:

Ông Cục trưởng Cục Kiểm tra phẩm chất hàng hoá và đo lường chịu trách nhiệm giải thích và hướng dẫn thi hành thể lệ này.

 

K.T BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI THƯƠNG
THỨ TRƯỞNG




Hoàng Quốc Thịnh

 

THỂ LỆ

VỀ KIỂM NGHIỆM HÀNG HOÁ TRONG NGÀNH NỘI THƯƠNG
(Ban hành theo Quyết định số 517-NT ngày 10-9-1964 của Bộ trưởng Bộ Nội thương)

Điều 1: Kiểm nghiệm là biện pháp chủ yếu để quản lý phẩm chất hàng hóa, đảm bảo việc thu mua, bảo quản, chế biến, tiêu thụ được tốt, đảm bảo chất lượng hàng hóa tốt tới tay người tiêu dùng. Kiểm nghiệm là xác định một lô hàng có đúng hay không đúng số lượng, quy cách phẩm chất bao bì đóng gói, đối chiếu với hợp đồng kinh tế cụ thể, với tiêu chuẩn Nhà nước theo đúng những nguyên tắc, phương pháp, thủ tục quy định trong thể lệ này.

Điều 2: Công tác kiểm nghiệm phải có nhân viên kiểm hoá hoặc cán bộ kiểm nghiệm tiến hành tại chỗ:

a) Đối với các xưởng sản xuất chế biến thuộc ngành nội thương, công tác kiểm nghiệm phải tiến hành tại xưởng và ngay khi nhập nguyên liệu và xuất thành phẩm.

b) Đối với các cửa hàng, kho, trạm, công tác kiểm nghiệm phải tiến hành tại nơi nhận hàng hoá hai bên đã thỏa thuận trong hợp đồng kinh tế và ngay lúc giao nhận. Trường hợp đặc biệt không kiểm nghiệm được ngay lúc giao nhận thì cũng không được để quá thời hạn quy định trong thông tư 032-TTg ngày 1-2-1960 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dịch mua bán hàng hoá.

Mỗi khi xét thấy cần thiết, nhân viên kiểm hóa, cán bộ kiểm nghiệm có thể lấy mẫu gửi về phòng thí nghiệm xác định chất lượng của hàng hóa.

Điều 3: Những hàng hoá sau đây phải được kiểm nghiệm:

a) Tất cả các thứ nguyên liệu nhập xưởng, tất cả các thành phẩm hoặc bán thành phẩm xuất xưởng.

b) Tất cả những thứ hàng hóa thu mua, gia công, nhập kho, cửa hàng, trạm.,

c) Tất cả các thứ hàng hóa dạng bảo quản, tại các kho hàng nếu có nghi vấn là hư hỏng, mất hoặc kém phẩm chất.

d) Tất cả các mẫu hàng lưu giữ để đối chiếu khi xẩy ra tranh chấp và tất cả các mẫu hàng trao đổi để nghiên cứu trước khi ký hợp đồng. Một số mặt hàng đặc biệt do Cục Kiểm tra phẩm chất quy định đối với cấp I và do Sở Thương nghiệp, Ty Thương nghiệp quy định đối với cấp II phải được Cục Kiểm tra phẩm chất hoặc Sở, Ty Thương nghiệp kiểm nghiệm trước khi ký hợp đồng.

Điều 4: Căn cứ trên tiêu chuẩn Nhà nước, tiêu chuẩn ngành đã được ngành nội thương tham gia hoặc trên các điều khoản quy định quy cách phẩm chất trong hợp đồng cụ thể, nội dung công tác kiểm nghiệm gồm:

a) Kiểm tra những giấy tờ có liên quan đến hàng hoá;

b) Kiểm nghiệm bao bì và ký mã hiệu, số hiệu ghi trên bao bì;

c) Kiểm nghiệm số lượng, trọng lượng, thể tích,

d) Kiểm nghiệm quy cách và phẩm chất;

Phương pháp thông thường là kiểm nghiệm một bộ phận đại diện cho toàn bộ và kiểm nghiệm cảm quan kết hợp với khí cụ đơn giản.

Điều 5: Kết quả kiểm nghiệm nếu không có vấn đề tranh chấp thì được ghi ngay vào phiếu nhập hay xuất hàng. Nếu phát hiện hàng thiếu, mất, không đúng quy cách phẩm chất, hư hỏng, thì phải lập biên bản và giải quyết đúng theo thủ tục quy định trong mục 2 đoạn 6 Thông tư số 032-TTg ngày 01-02-1960 và dùng các điều từ 8 đến 14 trong điều lệ tạm thời về việc xử lý các vụ vi phạm chế độ hợp đồng mua bán hàng hóa trong nước do Phủ Thủ tướng ban hành ngày 15-5-1963.

Điều 6: Sau khi hàng hóa đã được kiểm nghiệm một lần, nếu một bên liên quan yêu cầu hoặc cấp trên quyết định thì có thể kiểm tra lại. Cán bộ của cơ quan nào đã kiểm nghiệm lần đầu thì quyền quyết định kiểm tra lại thuộc thủ trưởng cơ quan của cán bộ đó.

Việc kiểm tra lại nhất thiết phải tiến hành trên những kiện hàng, những mẫu hàng đã kiểm nghiệm lần đầu. Sau đó nếu cần có thể tiến hành trên những kiện, những mẫu khác.

Điều 7: Trường hợp tranh chấp giữa một cơ quan thuộc ngành nội thương và một cơ quan không thuộc ngành nội thương, nếu hai bên thống nhất yêu cầu thì Cục Kiểm tra phẩm chất, Sở, Ty Thương nghiệp có thể cử cán bộ tiến hành giám định về quy cách, phẩm chất, trọng lượng, số lượng, thể tích hàng hóa.

Biên bản giám định sẽ gửi lên Hội đồng Trọng tài để làm căn cứ xử lý vụ tranh chấp.

Điều 8: Bên nhận hàng phải chịu mọi phí tổn về kiểm nghiệm. Trường hợp hàng không đúng quy cách phẩm chất mà phải kiểm nghiệm toàn bộ để phân loại thì bên bán phải chịu mọi khoản phí tổn về kiểm nghiệm hoặc giám định. Trong hợp đồng cụ thể ký kết với các xí nghiệp, cơ quan thuộc ngành khác, các đơn vị kinh doanh, sản xuất chế, biến phải ghi rõ điểm nói trên.

Các khoản phí tổn về kiểm nghiệm gồm:

- Phí tổn di chuyển, mở đóng những kiện hàng kiểm nghiệm;

- Phí tổn về mẫu hàng; trị giá mẫu hàng, bao bì đóng gói, cước phí gửi mẫu hàng.

- Phí kiểm nghiệm hoặc giám định nộp cho Cục Kiểm tra phẩm chất và đo lường, các Sở, Ty Thương nghiệp do Bộ quy định.

Điều 9: Cán bộ kiểm nghiệm của Cục Kiểm tra phẩm chất, của Sở, Ty Thương nghiệp, các cán bộ Công ty có giấy uỷ nhiệm hợp lệ có quyền kiểm nghiệm những lô hàng ghi trong giấy uỷ nhiệm, cụ thể là chỉ định mở bất cứ kiện hàng nào trong lô hàng đó, lấy mẫu theo đúng thể thức quy định, nghiên cứu tất cả những giấy tờ có liên quan v.v…

Kiểm hóa viên ở các cơ sở cũng có những quyền hạn trên đây khi tiến hành kiểm nghiệm trong phạm vị mặt hàng mình chịu trách nhiệm.

Cán bộ kiểm nghiệm, nhân viên kiểm hóa trong khi tiến hành công tác phải làm theo đúng chế độ, đúng quy trình thao tác kiểm nghiệm, nếu vì thiếu tinh thần trách nhiệm mà đi đến kết quả kiểm nghiệm hay giám định sai thì phải chịu kỷ luật theo quy chế chung của Nhà nước.

Những kết luận của cán bộ kiểm nghiệm, nhân viên kiểm hóa phải hết sức khách quan, không được linh động; nếu phát hiện quy cách phẩm chất không đúng tiêu chuẩn của Nhà nước, không đúng hợp đồng thì phải ghi nhận xét của mình vào biên bản đề ra ý kiến để cấp trên giải quyết.

Trường hợp Ban Chủ nhiệm công ty, cửa hàng, kho tàng, trạm thu mua, v.v… không nhất trí với kết luận của cán bộ kiểm nghiệm hay nhân viên kiểm hóa thì phải báo cáo lên Cục Kiểm tra phẩm chất và Cục Nghiệp vụ đối với cấp I hay lên Sở, Ty Thương nghiệp đối với cấp II.

Điều 10: Những quy định trên đây phải được chấp hành nghiêm chỉnh, không được tẩy, xóa, giả mạo giấy tờ có liên quan đến công tác kiểm nghiệm hay giám định, đánh tráo hàng hoặc mẫu hàng, hủy hoại dấu, ký hiệu niêm phong của cán bộ kiểm nghiệm, nhân viên kiểm hóa; không được tự ý bán đi hoặc di chuyển đi nơi khác những lô hàng đang kiểm nghiệm hoặc kiểm nghiệm rồi nhưng chưa có quyết định.

Hàng thực phẩm kém phẩm chất phải thỉnh thị và phải có ý kiến của Cục Kiểm tra phẩm chất đối với cấp I hay của Sở, Ty Thương nghiệp đối với cấp II trước khi đưa ra bán. Trường hợp ăn vào có thể hại đến sức khỏe thì phải có ý kiến của cơ quan vệ sinh dịch tễ địa phương.

Hàng công nghiệp kém phẩm chất phải bán riêng không lẫn với hàng hoá có phẩm chất tốt.

Nếu vi phạm những điều trên đây thì tùy lỗi nặng nhẹ sẽ bị thi hành kỷ luật thích đáng, trường hợp nghiêm trọng có thể bị truy tố trước Tòa án.

Điều 11: Việc xử lý những vụ vi phạm thể lệ này sẽ do Bộ trưởng trực tiếp giải quyết hoặc Cục trưởng Cục Kiểm tra phẩm chất hàng hóa và đo lường, thủ trưởng các Sở, Ty Thương nghiệp phụ trách trong phạm vi được Bộ trưởng ủy nhiệm.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 517-NT năm 1964 về thể lệ kiểm nghiệm hàng hoá trong ngành nội thương do Bộ trưởng Bộ Ngoại thương ban hành

  • Số hiệu: 517-NT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 10/09/1964
  • Nơi ban hành: Bộ Nội thương
  • Người ký: Hoàng Quốc Thịnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 36
  • Ngày hiệu lực: 01/11/1964
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản