Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 516/QĐ-UBND

An Giang, ngày 26 tháng 3 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG VÌ TRẺ EM TỈNH AN GIANG GIAI ĐOẠN 2013-2020

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 1555/QĐ-TTg ngày 17 tháng 10 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình hành động quốc gia Vì trẻ em giai đoạn 2012-2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 14/TTr-SLĐTBXH ngày 06 tháng 02 năm 2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động Vì trẻ em tỉnh An Giang giai đoạn 2013-2020 (gọi tắt là Chương trình).

Điều 2. Giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Chương trình này; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- TT.UBND tỉnh (báo cáo);
- VP: TU, Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh, UBMTTQ tỉnh;
- Sở: LĐTB&XH, GD&ĐT, KH&ĐT, TC, TT&TT,
YT, NN&PTNT, VHTT&DL, TP;
- Công an tỉnh; Tỉnh đoàn;
- Hội: LHPN, ND;
- Báo AG, Đài PT&TH AG;;
- UBND các huyện, thị, thành phố;
- Lãnh đạo VP.UBND tỉnh;
- Phòng: VHXH, TH;
- Lưu: VT.

(Kèm theo: Chương trình hành động)

KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hồ Việt Hiệp

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

VÌ TRẺ EM TỈNH AN GIANG GIAI ĐOẠN 2013- 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 516/QĐ-UBND ngày 26 tháng 3 năm 2013 của Chủ tịch UBND tỉnh An Giang)

I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH

An Giang là tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đông - bắc giáp Đồng Tháp (113 km), đông - nam giáp Cần Thơ (45 km), tây - nam giáp Kiên Giang (62 km) và tây - bắc giáp Campuchia (95 km). Diện tích tự nhiên của tỉnh là 3.406,23 km2. An Giang có 01 thành phố (Long Xuyên), 02 thị xã (Châu Đốc, Tân Châu) và 8 huyện với 156 đơn vị hành chính cơ sở (xã, phường, thị trấn). Dân số của tỉnh là 2.144.000 người (trên 70% dân số sống ở vùng nông thôn), trong đó trẻ em dưới 16 tuổi chiếm 26%; tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao, đến cuối năm 2012 hộ nghèo chiếm 6,17% và hộ cận nghèo chiếm 6%; hộ dân tộc thiểu số chiếm 5,3%.

Những năm qua, thực hiện sự nghiệp đổi mới đất nước, An Giang đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng: GDP bình quân đầu người từ 4,6 triệu đồng năm 2000 tăng lên 21,183 triệu đồng vào năm 2010. Cơ sở hạ tầng được tập trung đầu tư xây dựng: Mạng lưới điện quốc gia, thông tin liên lạc, mạng lưới y tế, trường học được phủ kín 100% xã, phường, thị trấn. Hầu hết các xã, phường có đường giao thông cho xe 4 bánh đi đến trung tâm. Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, các vấn đề xã hội được quan tâm đặc biệt, an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh được đảm bảo, nguồn kinh phí đối ứng trợ cấp xã hội theo Nghị định 67/2007/NĐ-CP và Nghị định 13/2010/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ cho gần 50.000 đối tượng trong đó có gần 3.500 trẻ em được tỉnh thực hiện đầy đủ, kịp thời. Ngoài ra, các cấp lãnh đạo của tỉnh cũng quan tâm chăm lo cho chiến lược phát triển con người, trong đó trẻ em được điều kiện bảo vệ, chăm sóc ngày càng tốt hơn.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số mặt khó khăn thường xuyên tác động làm ảnh hưởng đến việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, như: Do ảnh hưởng của mặt trái nền kinh tế thị trường, sự phân hóa giàu nghèo, thiếu việc làm, công tác phòng ngừa những tác hại xấu đến trẻ em trong gia đình, nhà trường và cộng đồng dân cư chưa được quan tâm đúng mức; tình trạng trẻ em lang thang, trẻ bị xâm hại; trẻ vi phạm pháp luật, trẻ nhiễm HIV/AIDS, trẻ em bị tai nạn thương tích… còn diễn biến phức tạp.

II. TÌNH HÌNH TRẺ EM

Số liệu trẻ em toàn tỉnh đến cuối năm 2012:

+ Tổng số trẻ em dưới 16 tuổi: 558.944 trẻ, trong đó 279.382 trẻ em là nữ. Trẻ em dưới 6 tuổi 229.627 trẻ, trong đó 105.734 trẻ em là nữ.

+ Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt: 15.139 trẻ, trong đó 6.677 nữ. Trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi: 5.397 (mồ côi cả cha và mẹ 1.256, mồ côi cha hoặc mẹ 4.282, trẻ bị bỏ rơi 399); trẻ em khuyết tật: 3.201 (vận động 959, nhìn 437, nghe 233, nói 598, nhận thức 630, tâm thần 344); trẻ em là nạn nhân chất độc hóa học: 104; trẻ em nhiễm HIV/AIDS: 203; trẻ em lao động sớm kiếm sống, phụ giúp gia đình: 3.635; trẻ em lang thang: 558; trẻ em bị xâm hại tình dục: 39 (năm 2012); trẻ em nghiện ma túy: 02; người chưa thành niên vi phạm pháp luật: 307; trẻ em làm việc xa gia đình: 1.145 (giúp việc nhà 623, làm thuê cửa hàng quán ăn 652).

+ Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác: 4.405 trẻ, trong đó 1.842 trẻ em nữ. Trẻ em bị buôn bán bắt cóc: 01, trẻ em bị ngược đãi, bạo lực: 130, trẻ em bị tai nạn thương tích: 4.274.

+ Trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt bao gồm: 48.403 trẻ em sống trong gia đình nghèo, cận nghèo; 12.173 trẻ em bỏ học trước lớp 9; 14.331 trẻ em sống trong gia đình có vấn đề xã hội (cha mẹ ly hôn, bạo lực gia đình, có người nhiễm HIV/AIDS, có người thường xuyên sử dụng rượu, sử dụng ma túy, cờ bạc, trộm cắp, mại dâm); 454trẻ em sống trong gia đình có người vi phạm pháp luật và đang trong thời gian thi hành án.

+ Trẻ em được tập trung nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội: Toàn tỉnh có 07 cơ sở trợ giúp trẻ em, có 402 trẻ mồ côi không nơi nương tựa, trẻ bị bỏ rơi, trẻ khuyết tật, trẻ có hoàn cảnh khó khăn được nuôi dưỡng, chăm sóc. Trong đó 05 cơ sở công lập: Trường Trẻ em khuyết tật (184 trẻ), Trung tâm Nuôi dưỡng người già trẻ mồ côi Long Xuyên (22 trẻ), Trung tâm Nuôi dưỡng người già trẻ mồ côi Châu Đốc (16 trẻ), Trung tâm Bảo trợ xã hội (44 trẻ), Trung tâm Công tác xã hội bảo vệ trẻ em có chức năng tạm lánh cho trẻ trong vòng 30 ngày trong điều kiện cần tách ly gia đình hoặc người chăm sóc; 02 cơ sở ngoài công lập: Trung tâm Giáo dục tình thương Khai Trí (124 trẻ), Nhà nuôi trẻ mồ côi tư nhân do ông Nguyễn Tấn Bông ở Núi Cấm xã An Hảo, huyện Tịnh Biên nuôi dưỡng 12 trẻ mồ côi.

III. MỤC TIÊU, NỘI DUNG, GIẢI PHÁP

1. Mục tiêu tổng quát:

Tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho mọi trẻ em và thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền cơ bản của trẻ em. Bảo đảm cho mọi trẻ em đều được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục một cách bình đẳng, thông qua việc thúc đẩy mạnh mẽ phong trào toàn dân tham gia bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Tạo sự chuyển biến tích cực về cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em đồng thời mở rộng, nâng cao chất lượng dịch vụ và phúc lợi xã hội dành cho trẻ em, từng bước giảm thiểu sự bất bình đẳng về cơ hội phát triển giữa các nhóm trẻ.

2. Mục tiêu cụ thể:

a) Chăm sóc sức khỏe:

+ Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống còn 24,8% vào năm 2015 và 20,8% vào năm 2020 (năm 2012: 26%).

+ Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống còn 12% vào năm 2015 và dưới 10% vào năm 2020 (năm 2012: 15,2%).

+ Giảm tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi còn 6%o vào năm 2015 và 5%o vào năm 2020 (ước tính năm 2012: 10%o trên tổng số trẻ sinh ra sống).

+ Giảm tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi còn 12%o vào năm 2015 và 10%o vào năm 2020 (năm 2012: 17%o trên tổng số trẻ sinh ra sống).

+ Giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh mỗi năm 0,2%o (ước tính năm 2012: 4,11%o).

+ Duy trì tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng đủ 8 loại Vacxin theo quy định đến năm 2020: ≥ 95%.

+ Duy trì đến năm 2020, 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn có y sĩ sản nhi hoặc nữ hộ sinh trung học.

b) Giáo dục:

+ Hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi vào năm 2015.

+ Tăng tỷ lệ trẻ em từ 3-5 tuổi đi mẫu giáo lên 63% vào năm 2015 và 65% vào năm 2020 (năm 2012: 59,6%).

+ Tăng tỷ lệ trẻ em 5 tuổi đi mẫu giáo lên 99,7% vào năm 2015 và 99,9% vào năm 2020 (năm 2012: 99,28%).

+ Tăng tỷ lệ trẻ em (từ 11 đến 14 tuổi) tốt nghiệp tiểu học đạt 96% vào năm 2015 và 98% vào năm 2020 (năm 2012: 94,83%).

+ Tăng tỷ lệ trẻ em tốt nghiệp tiểu học vào học lớp 6 đạt 98% vào năm 2015 và 99% vào năm 2020 (năm 2012: 97,42%).

+ Tăng tỷ lệ trẻ em tốt nghiệp trung học cơ sở đạt 98% vào năm 2015 và 99% vào năm 2020 (năm 2012: 97,42%).

+ Duy trì tỷ lệ trẻ em đi học đúng độ tuổi ở cấp tiểu học 99,9% vào năm 2015.

+ Đặc biệt quan tâm đến trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

c) Văn hóa, vui chơi giải trí cho trẻ em:

+ Dành 30% chương trình hoạt động văn hóa nghệ thuật phục vụ thiếu nhi đến năm 2015 và lên 40% vào năm 2020.

+ Tăng tỷ lệ huyện, thị, thành có nhà văn hoá thiếu nhi lên 50% vào năm 2015 và 100% vào năm 2020 (năm 2012: 9,09%).

+ Duy trì tỷ lệ số giờ truyền hình và phát thanh dành cho trẻ em trên tổng số giờ phát sóng và phát thanh của tỉnh đến năm 2020 là 8,33%.

d) Tạo điều kiện cho trẻ em thực hiện quyền tham gia, bảo vệ trẻ em và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt:

+ Tăng tỷ lệ trẻ em được đăng ký khai sinh trước 5 tuổi đạt 96% vào năm 2015 và 98% vào năm 2020 (năm 2012: 95,5%).

+ Tăng tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, tái hòa nhập và có cơ hội phát triển lên 80% vào năm 2015 và lên 85% vào năm 2020.

+ Tăng tỷ lệ trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được phát hiện, trợ giúp loại bỏ nguy cơ lên 70% vào năm 2015 và lên 75% vào năm 2020.

+ Tăng tỷ lệ trẻ em được tham gia diễn đàn từ tỉnh đến cơ sở hàng năm lên 25/100.000 trẻ em vào năm 2015 và lên 30/100.000 trẻ em vào năm 2020.

+ Tăng tỷ lệ xã, phường đạt tiêu chuẩn xã, phường phù hợp với trẻ em lên 75% vào năm 2015 và lên 85% vào năm 2020 (năm 2012: 51%).

+ Giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trong tổng số trẻ em xuống dưới 3,3% vào năm 2015 và 3% vào năm 2020 (năm 2012: 3,5%).

+ Giảm tỷ lệ trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại mỗi năm 5%.

+ Giảm tỷ lệ trẻ em bị tai nạn thương tích xuống còn 0,7% vào năm 2015 và 0,65% vào năm 2020 (năm 2012: 0,82%).

3. Đối tượng, phạm vi và thời gian thực hiện chương trình:

a) Đối tượng: Trẻ em, ưu tiên trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em là dân tộc thiểu số.

b) Phạm vi: Thực hiện trên toàn tỉnh, ưu tiên các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng biên giới, vùng dân tộc thiểu số.

c) Thời gian: Thực hiện từ năm 2013 đến năm 2020. Hàng năm tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm; năm 2016 tổ chức sơ kết, đánh giá rút kinh nghiệm giữa kỳ; năm 2020 tổ chức tổng kết, đánh giá các hoạt động của Chương trình.

4. Các hoạt động chủ yếu thực hiện Chương trình:

a) Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của các tầng lớp nhân dân về thực hiện quyền của trẻ em:

+ Tổ chức các chiến dịch, sự kiện truyền thông, vận động xã hội tham gia thực hiện quyền của trẻ em như: Tháng hành động vì trẻ em, Ngày toàn dân đưa trẻ em đến trường, Ngày vi chất dinh dưỡng trẻ em, Diễn đàn trẻ em các cấp; các sự kiện văn hóa, thể thao. Hỗ trợ trẻ em tổ chức các sự kiện, hoạt động truyền thông cho trẻ em và thực hiện quyền, bổn phận của trẻ em.

+ Tổ chức các hoạt động truyền thông đại chúng về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Nghiên cứu, sản xuất, nhân bản các sản phẩm truyền thông có chất lượng và phù hợp với từng nhóm đối tượng.

b) Xây dựng, triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, dự án về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em giai đoạn 2011-2020:

▪ Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chương trình:

+ Chương trình Bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011-2015, đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 545/QĐ-UBND ngày 19 tháng 4 năm 2011.

+ Kế hoạch hành động vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS giai đoạn 2012-2015 tỉnh An Giang, đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1285/QĐ-UBND ngày 02 tháng 8 năm 2012.

+ Dự án bạn hữu trẻ em tỉnh An Giang giai đoạn 2012-2016.

+ Tiếp tục triển khai các chương trình: Phòng, tránh tai nạn thương tích cho trẻ em, Ngôi nhà an toàn cho trẻ em; Xã phường phù hợp với trẻ em; Hệ thống bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng.

▪ Nghiên cứu, xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch, dự án của tỉnh, nội dung về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục, vui chơi, giải trí, thể thao, du lịch, thông tin và truyền thông cho trẻ em giai đoạn 2016 - 2020.

c) Củng cố hệ thống tổ chức, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở các cấp, các ngành:

+ Từng bước tiêu chuẩn hóa cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở. Nghiên cứu xây dựng chính sách đãi ngộ phù hợp đối với đội ngũ cộng tác viên khóm, ấp, khu dân cư.

+ Củng cố, kiện toàn Ban điều hành, nhóm công tác bảo vệ trẻ em liên ngành các cấp để tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em có hiệu quả. Duy trì, phát triển mô hình xây dựng hệ thống bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng, Trung tâm công tác xã hội bảo vệ trẻ em cấp tỉnh, văn phòng tư vấn bảo vệ trẻ em cấp huyện, điểm tư vấn cộng đồng cấp cơ sở, hình thành các điểm tư vấn học đường trong trường học. Từng bước phòng ngừa các hành vi gây tổn hại cho tất cả trẻ em; ngăn chặn, đẩy lùi trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; xử lý, phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng cho trẻ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

+ Tăng cường nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở các cấp, các ngành và cộng tác viên khóm, ấp, khu dân cư thông qua tập huấn, hội nghị, hội thảo, học tập kinh nghiệm, khảo sát thực tế... trang bị kiến thức: Kỹ năng quản lý; nghiệp vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em; Công tác xã hội với trẻ em, kỹ năng làm việc với trẻ em, kỹ năng bảo vệ trẻ tránh các hình thức bị xâm hại, bạo lực, bóc lột, sao nhãng…

+ Củng cố Quỹ bảo trợ trẻ em các cấp để tăng cường vận động nguồn lực thực hiện Chương trình, ưu tiên trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

d) Nâng cao chất lượng công tác theo dõi, giám sát và đánh giá các hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em:

+ Hình thành cơ chế thông tin, báo cáo định kỳ thường xuyên trên cơ sở thiết lập bộ chỉ số về quyền trẻ em phù hợp; xây dựng và cập nhật thường xuyên cơ sở dữ liệu trẻ em. Chuẩn hóa các chỉ tiêu về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về trẻ em.

+ Xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát, thanh tra chuyên ngành và liên ngành về việc thực hiện các quyền của trẻ em và các trường hợp trẻ em bị ngược đãi, xâm hại, bạo lực, buôn bán, bóc lột, sao nhãng và việc thực hiện các chính sách, dịch vụ phúc lợi xã hội dành cho trẻ em.

+ Phát huy vai trò phối hợp thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em của Ban điều hành và nhóm công tác bảo vệ trẻ em liên ngành các cấp. Tổ chức theo dõi, giám sát các mục tiêu của Chương trình; Củng cố hệ thống thông tin, báo cáo định kỳ để có thể phân tích số liệu một cách đa dạng theo yêu cầu quản lý (giới tính, độ tuổi, dân tộc, nhóm thu nhập, nhóm đối tượng, khu vực hành chính...).

đ) Tăng cường trách nhiệm của cộng đồng đối với hoạt động bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em:

Khuyến khích các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, gia đình, nhà trường, cộng đồng, người dân và trẻ em tham gia bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; cung cấp dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục, vui chơi, giải trí, thể thao, du lịch, thông tin và truyền thông cho trẻ em. Gia đình, cộng đồng, nhà trường có trách nhiệm tham gia thực hiện các quyền của trẻ em, tạo mọi điều kiện cho trẻ em được học tập, chăm sóc sức khỏe, vui chơi, giải trí; tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi cho trẻ em chủ động tham gia các hoạt động bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và các hoạt động xã hội khác phù hợp với từng lứa tuổi.

5. Các giải pháp thực hiện Chương trình:

a) Tăng cường sự lãnh, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, Chính quyền đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em:

+ Ban hành các nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; đưa mục tiêu bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em vào kế hoạch hàng năm, định kỳ của từng ngành và địa phương.

+ Các cấp, các ngành đưa mục tiêu của Chương trình hành động vì trẻ em tỉnh An Giang vào các chương trình phát triển kinh tế- xã hội hàng năm và 5 năm của địa phương. Ưu tiên bố trí kinh phí để thực hiện Chương trình.

b) Xã hội hóa các hoạt động bảo, vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em:

+ Tạo cơ chế khuyến khích các tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, gia đình, nhà trường, cộng đồng, người dân và trẻ em tham gia bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; cung cấp dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục, vui chơi, giải trí, thể thao, du lịch, thông tin và truyền thông cho trẻ em.

+ Tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi cho trẻ em chủ động tham gia vào các hoạt động bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; thực hiện quyền, bổn phận của trẻ em và các hoạt động xã hội khác phù hợp với độ tuổi.

+ Vận động các tổ chức kinh tế tư nhân trong và ngoài nước đầu tư các công trình vui chơi, giải trí và bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

c) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá và thanh tra các hoạt động bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em:

- Tăng cường tổ chức kiểm tra liên ngành, kiểm tra định kỳ, kiểm tra theo chuyên đề, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình. Sơ kết, tổng kết các mô hình, các giai đoạn của Chương trình. Duy trì và nhân rộng các mô hình có hiệu quả.

- Báo cáo, thông tin thường xuyên đến lãnh đạo các cấp về tình hình trẻ em, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, tiến độ thực hiện Chương trình hành động vì trẻ em.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền trẻ em ở cộng đồng. Xử phạt nghiêm những hành vi vi phạm quyền trẻ em theo quy định tại Nghị định số 91/2011/NĐ-CP, ngày 17 tháng 10 năm 2011 quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

d) Giải pháp về tài chính:

Ưu tiên bố trí kinh phí cho công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ ở các cấp, các ngành nhằm tạo điều kiện tốt nhất thực hiện các hoạt động trong chương trình hành động này đạt hiệu quả cao.

Đa dạng hóa việc huy động nguồn lực từ Nhà nước, cộng đồng và quốc tế cho việc thực hiện các mục tiêu của Chương trình, trong đó ngân sách nhà nước có vai trò quyết định.

6. Kinh phí thực hiện Chương trình:

+ Kinh phí thực hiện Chương trình được bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước của các sở, ban, ngành và các địa phương theo phân cấp của Luật Ngân sách nhà nước và huy động từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.

+ Căn cứ nhiệm vụ được giao theo quy định tại Chương trình này, các sở, ban, ngành và các địa phương lập dự toán chi hàng năm bảo đảm các hoạt động của Chương trình; lồng ghép, gắn kết với các Chương trình, Dự án liên quan do các đơn vị chủ trì trình cấp có thẩm quyền quyết định.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội:

+ Là cơ quan chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND cấp huyện hướng dẫn tổ chức thực hiện Chương trình hành động vì trẻ em tỉnh An Giang giai đoạn 2013 - 2020 và định kỳ tổng hợp báo cáo cho UBND tỉnh. Tổ chức hội nghị đánh giá hàng năm; sơ kết, đánh giá giữa kỳ vào năm 2016 và tổng kết việc thực hiện Chương trình vào cuối năm 2020.

+ Thực hiện tốt Chương trình bảo vệ trẻ em tỉnh An Giang giai đoạn 2011-2015, hàng năm xây dựng kế hoạch trình UBND phê duyệt và tổ chức thực hiện. Đồng thời có kế hoạch cho giai đoạn 2016-2020 để thực hiện các mục tiêu của chương trình về bảo vệ trẻ em và quyền tham gia của trẻ em.

+ Chủ trì và phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính xây dựng kế hoạch ngân sách cho Chương trình theo kế hoạch 5 năm và hàng năm để đảm bảo nguồn lực thực hiện Chương trình.

+ Chủ trì và phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan định kỳ kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình. Hướng dẫn, kiểm tra giám sát việc sử dụng kinh phí dành cho trẻ em theo mục tiêu, kế hoạch của các sở, ban, ngành, đoàn thể địa phương đã được phê duyệt.

+ Chủ trì và phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan triển khai các biện pháp phòng ngừa, can thiệp và trợ giúp trẻ em bị ngược đãi, xâm hại, bạo lực, bóc lột, buôn bán và trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

2. Sở Tư pháp:

+ Tổ chức và điều phối công tác trợ giúp pháp lý đối với trẻ em nói chung và và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nói riêng.

+ Chỉ đạo tổ chức thực hiện việc đăng ký hộ tịch, quốc tịch cho trẻ em, bảo đảm cho tất cả trẻ em được đăng ký khai sinh và có quốc tịch theo quy định của pháp luật và hoàn thành mục tiêu của Chương trình đề ra.

+ Chủ trì quản lý việc cho, nhận con nuôi với người trong nước và người nước ngoài; quản lý và đề xuất chính sách đối với trẻ em có liên quan đến yếu tố nước ngoài.

3. Công an tỉnh:

+ Chủ trì, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh chống các hành vi vi phạm quyền và lợi ích của trẻ em. Thiết lập cơ chế can thiệp khẩn cấp nhằm ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp xâm hại, bóc lột và bạo lực trẻ em; Chỉ đạo thực hiện các mục tiêu của Chương trình thuộc chức năng quản lý của ngành.

+ Phối hợp với Bộ đội biên phòng ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng trẻ em bị bán sang biên giới và tình trạng trẻ em vi phạm pháp luật qua đường biên giới.

+ Chỉ đạo xây dựng tiêu chí người công an nhân dân thân thiện với trẻ em, xây dựng mô hình điều tra thân thiện với trẻ em. Bố trí cán bộ làm việc với trẻ em vi phạm pháp luật ở các cấp và có kế hoạch đào tạo cán bộ làm việc với trẻ em theo hướng thân thiện.

- Chỉ đạo việc thực hiện đăng ký, quản lý hộ khẩu cho trẻ em tại địa phương, bảo đảm mọi trẻ em được đăng ký hộ khẩu kịp thời và đúng quy định.

4. Sở Y tế:

+ Đưa các mục tiêu vì trẻ em vào các hoạt động thường xuyên của ngành.

+ Thực hiện có hiệu quả Chương trình phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em; Chương trình tiêm chủng mở rộng, Chương trình phòng chống tai nạn thương tích để góp phần đạt các mục tiêu Chương trình hành động vì trẻ em tỉnh An Giang.

+ Quy định và hướng dẫn cụ thể cho cán bộ y tế trong việc phát hiện và hỗ trợ trẻ em bị xâm hại tình dục, bạo lực và bóc lột.

+ Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho trẻ em; ưu tiên và miễn, giảm viện phí trong việc khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; khám, điều trị bệnh có hiệu quả cho trẻ em dưới 6 tuổi.

5. Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn:

Gắn các chỉ tiêu xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em vào Chương trình xây dựng nông thôn mới.

6. Sở Giáo dục và Đào tạo:

+ Thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đến năm 2020, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu của Chương trình hành động vì trẻ em về lĩnh vực giáo dục.

+ Phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng các chính sách miễn, giảm học phí và các biện pháp hỗ trợ phù hợp cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

+ Phối hợp với các ngành chức năng hướng dẫn cụ thể cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý trong việc phát hiện và hỗ trợ trẻ em bị xâm hại tình dục, bạo lực và bóc lột.

+ Xây dựng các chương trình ngoại khóa giáo dục trẻ em. Tăng cường công tác tuyên truyền nội dung giáo dục về quyền, bổn phận, kỹ năng sống cho trẻ em trách nhiệm công dân về bảo vệ trẻ em. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên.

7. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

+ Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan xây dựng các chương trình, đề án liên quan đến trẻ em do ngành quản lý.

+ Chỉ đạo thực hiện các mục tiêu của Chương trình về văn hóa, vui chơi, giải trí, rèn luyện thể chất cho trẻ em; quy hoạch mạng lưới công trình, cơ sở văn hóa, vui chơi, giải trí cho trẻ em; chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn việc tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao, du lịch cho trẻ em. Có chính sách miễn, giảm các loại phí vui chơi, giải trí, du lịch tạo điều kiện cho trẻ em trong các gia đình nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được tham gia các hoạt động.

+ Kết hợp triển Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam với việc xây dựng các chương trình giáo dục, hỗ trợ các thành viên trong gia đình kỹ năng bảo vệ trẻ em. Xây dựng mô hình gia đình văn hóa bảo vệ, chăm sóc trẻ em; phòng chống bạo lực gia đình.

+ Tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án phổ cập bơi cho trẻ em tỉnh An Giang giai đoạn 2012-2015 và đến năm 2020.

8. Sở Thông tin và Truyền thông:

+ Định hướng các cơ quan báo chí, thông tin đại chúng xây dựng chương trình, kế hoạch và dành thời lượng, chuyên mục, chuyên trang hợp lý để tuyên truyền về việc thực hiện các quyền của trẻ em và các mục tiêu của Chương trình; đẩy mạnh và đổi mới các hoạt động phổ biến, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và thực hiện quyền trẻ em.

+ Kiểm tra, thanh tra các hoạt động, sản phẩm văn hóa, phương tiện thông tin, truyền thông dành cho trẻ em và có liên quan đến việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

9. Báo An Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình An Giang:

+ Đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

+ Nâng cao chất lượng, bố trí tin, bài, chuyên trang, chuyên đề, thời lượng, thời gian quảng bá phù hợp cho các kênh, chương trình, nội dung về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, thực hiện quyền trẻ em.

10. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

+ Đưa các chỉ tiêu quan trọng của Chương trình hành động vì trẻ em vào các Chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và hướng dẫn các địa phương đưa vào Chương trình kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

+ Phối hợp với Sở Tài chính bố trí ngân sách thực hiện các Chương trình, đề án liên quan đến thực hiện các mục tiêu của Chương trình hành động vì trẻ em. Huy động các nguồn vốn viện trợ, phi chính phủ cho công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

11. Sở Tài chính:

+ Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư bố trí ngân sách cho các Chương trình, Kế hoạch, Đề án có liên quan của các ban, ngành, đoàn thể để thực hiện mục tiêu của Chương trình hành động vì trẻ em.

+ Đề xuất cơ chế, chính sách, huy động các nguồn kinh phí cho công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Hướng dẫn các địa phương bố trí kinh phí để thực hiện các kế hoạch, dự án liên quan để thực hiện các mục tiêu của Chương trình hành động vì trẻ em.

+ Kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí theo đúng Luật Ngân sách nhà nước và các quy định hiện hành.

12. Các sở, ban, ngành có liên quan:

Căn cứ vào chức năng nhiệm vụ được UBND tỉnh giao các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan có trách nhiệm đưa các mục tiêu, nội dung của Chương trình hành động vì trẻ em vào kế hoạch hoạt động hàng năm, định kỳ của mình để phối hợp tổ chức, thực hiện bảo vệ, chăm sóc trẻ em có hiệu quả.

12. UBND các huyện, thị xã, thành phố:

+ Trên cơ sở Chương trình hành động vì trẻ em tỉnh An Giang giai đoạn 2013-2020 và tình hình thực tế của địa phương, xây dựng Chương trình hành động vì trẻ em giai đoạn 2013-2020 của địa phương, bố trí kinh phí và chỉ đạo các ngành triển khai thực hiện Chương trình.

+ Gắn việc thực hiện Chương trình hành động vì trẻ em với các Chương trình liên quan của địa phương như: Xây dựng xã phường phù hợp với trẻ em, Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình xã phường không có tệ nạn xã hội…

+ Đưa các mục tiêu của Chương trình hành động vì trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội hàng năm và giai đoạn 5 năm của địa phương. Định kỳ kiểm tra, đánh giá và sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chương trình hành động vì trẻ em aở địa phương, báo cáo kết quả cho UBND tỉnh.

13. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình tham gia thực hiện Chương trình:

+ Phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em” với mục tiêu xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện và lành mạnh cho trẻ em,

+ Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, tôn giáo tham gia chấp hành pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em và giáo dục trẻ em nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em và thực hiện quyền trẻ em.

+ Nghiên cứu, bố trí hội viên tham gia làm cộng tác viên, tình nguyện viên về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ở khóm, ấp, khu dân cư. Tham gia xây dựng chính sách, pháp luật về quyền trẻ em và bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

+ Tham gia giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; ngăn ngừa mọi hành vi xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em và các vấn đề liên quan đến quyền trẻ em.

+ Gia đình, cộng đồng, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh có trách nhiệm tạo mọi điều kiện cho trẻ em được học tập, chăm sóc sức khỏe, vui chơi, giải trí, thực hiện các quyền cơ bản và bổn phận của trẻ em./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 516/QĐ-UBND năm 2013 Chương trình hành động Vì trẻ em tỉnh An Giang giai đoạn 2013-2020

  • Số hiệu: 516/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 26/03/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh An Giang
  • Người ký: Hồ Việt Hiệp
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 26/03/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản