Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ Y TẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5126/QĐ-BYT | Hà Nội, ngày 10 tháng 12 năm 2014 |
VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG PHÒNG CHỐNG DỊCH HẠCH TẠI VIỆT NAM
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31/8/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Y tế dự phòng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Kế hoạch hành động phòng chống dịch hạch tại Việt Nam”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Các ông, bà: Chánh Văn phòng Bộ; Chánh Thanh tra Bộ; Vụ trưởng, Cục trưởng các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế; Viện trưởng các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur, Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng; Giám đốc các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế; Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng; Giám đốc Trung tâm Phòng chống sốt rét; Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng y tế các Bộ, ngành; Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
HÀNH ĐỘNG PHÒNG CHỐNG DỊCH HẠCH TẠI VIỆT NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 5126/QĐ-BYT ngày 10/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế)
Dịch hạch là bệnh truyền nhiễm cấp tính nhóm A, tối nguy hiểm bởi diễn tiến bệnh nhanh, tốc độ lây lan mạnh và tỷ lệ tử vong cao; bệnh thuộc diện kiểm dịch và khai báo quốc tế theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới. Bệnh do trực khuẩn Yersinia pestis gây nên và lưu hành trong quần thể động vật thuộc bộ gặm nhấm (Rodentia), chủ yếu là các loại chuột sống gần người như Rattus rattus, Rattus norvegicus và Rattus exulans và bọ chét ký sinh trên chúng, từ đó lây truyền sang các loại súc vật khác và sang người. Bệnh lưu hành trong các ổ dịch thiên nhiên của các loài gặm nhấm và lây truyền qua trung gian bọ chét sống ngoại ký sinh. Trên thế giới, dịch hạch luôn luôn là một mối hiểm họa tiềm tàng bùng phát thành dịch lớn bởi vì mầm bệnh vẫn tồn tại rất rộng rãi trên các quần thể gặm nhấm hoang dã và có sự giao lưu rất thường xuyên giữa các loài gặm nhấm hoang dã này với quần thể chuột nhà.
I. TÌNH HÌNH BỆNH DỊCH HẠCH TRÊN THẾ GIỚI VÀ TẠI VIỆT NAM
1. Trên thế giới
Lịch sử loài người đã ghi nhận 3 vụ đại dịch vào các thế kỷ thứ VI, XIV và XIX với hàng trăm triệu người tử vong, đặc biệt đại dịch lần thứ hai với tỷ lệ tử vong lên tới 70-80% đã cướp đi sinh mạng của khoảng 1/3 dân số Châu Âu. Bệnh dịch hạch được mệnh danh là “Cái chết đen” bởi người bệnh khi qua đời cơ thể thường trở nên đen sì.
Từ 1954 - 2001, Tổ chức Y tế thế giới ghi nhận có 38 quốc gia trên thế giới xảy ra bệnh dịch hạch gồm 89.651 trường hợp mắc và 7.715 bệnh nhân tử vong. Nhiều nhất là 6.014 bệnh nhân xảy ra năm 1967 và thấp nhất là 200 trường hợp vào năm 1981. Trong thời gian này, có 7 quốc gia trên thế giới bệnh xảy ra hàng năm là Brazil, Cộng hòa dân chủ Công Gô, Madagascar, Myanmar, Pê Ru, Hoa Kỳ và Việt Nam. Từ 2005 đến tháng 7/2010, bệnh Dịch hạch vẫn còn xuất hiện nhiều nơi trên thế giới như Công Gô, Trung Quốc, Pêru,... với những diễn biến phức tạp có chiều hướng gia tăng và gây nhiều hậu quả đến an ninh, kinh tế, văn hóa, chính trị.
Sau một thời gian dài lắng dịu và xảy ra rải rác ở một vài quốc gia, ngày 21 tháng 11 năm 2014, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo về dịch hạch xảy ra tại Madagascar. Ca bệnh đầu tiên được phát hiện vào ngày 31/8/2014 là bệnh nhân nữ, tử vong ngày 3/9/2014. Đến ngày 16/11/2014, đã ghi nhận 119 trường hợp mắc trong đó có 40 trường hợp tử vong. Chỉ 2% các ca bệnh là thể phổi. Các ca bệnh được ghi nhận tại 16 quận thuộc 7 khu vực. Antananarivo, thủ đô và thành phố lớn nhất ở Madagascar cũng ghi nhận 2 trường hợp mắc, bao gồm 1 tử vong. Hiện tại, có nguy cơ lây lan nhanh của bệnh ở Madagascar bởi mật độ dân số cao và hệ thống y tế yếu kém. Tình trạng trở nên phức tạp hơn bởi có sự kháng Deltamethrin ở mức độ cao của bọ chét đã xuất hiện ở nước này.
Ngoài ra, tại Trung Quốc ghi nhận 01 trường hợp mắc bệnh dịch hạch thể phổi tại tỉnh Cam Túc. Theo Tổ chức Y tế thế giới, ngày 17/7/2014 Ủy ban Kế hoạch hóa gia đình và Y tế Trung Quốc thông báo ghi nhận 01 trường hợp bệnh tử vong có kết quả dương tính với dịch hạch. Điều tra dịch tễ cho thấy bệnh nhân làm nghề chăm sóc vật nuôi và có tiền sử phơi nhiễm với một động vật thuộc loài gặm nhấm trước đó. Tại Mỹ ghi nhận 04 trường hợp mắc bệnh dịch hạch (trong đó 03 trường hợp có triệu chứng viêm phổi và một trường hợp không rõ triệu chứng) tại hạt Adam, bang Clorado. Cả 04 bệnh nhân đều tiếp xúc với con chó bị ốm và chết ngày 26/6. Trước đó, con chó này có biểu hiện lâm sàng và bệnh lý của bệnh dịch hạch thể phổi và có thể có liên quan tới bệnh dịch hạch trên động vật trong số loài sóc chó (Bắc Mỹ) gần nhà các bệnh nhân.
Tổ chức Y tế thế giới chưa khuyến cáo hạn chế giao lưu qua lại giữa các quốc gia trên thế giới.
2. Tại Việt Nam
Dịch hạch được ghi nhận lần đầu tiên ở Việt Nam vào năm 1898 tại Nha Trang do tàu, thuyền từ Hồng Kông xâm nhập vào trong bối cảnh vụ đại dịch hạch thế giới lần thứ 3. Có thể chia tiến trình bệnh dịch hạch ở Việt Nam làm 5 thời kỳ dịch tễ học
a) Thời kỳ xâm nhập và lây lan nội địa 1898-1922
Dịch ở Nha Trang 1898, Sài Gòn 1906, Hà Nội 1908, Lạng Sơn 1909, Hải Phòng 1917, đánh dấu sự xâm nhập của bệnh dịch hạch vào Việt Nam. Dịch xâm nhập chủ yếu theo hàng hóa của người Trung Hoa. Sau khi xâm nhập dịch lây lan đến những nơi khác như Bắc Ninh, Hòn Gai, Phan Thiết, Phan Rang, Sóc Trăng .... Dịch tại những nơi xâm nhập đều có tính chất tạm thời trừ Sài Gòn và Phan Thiết có chiều hướng trở thành vùng dịch lưu hành dai dẳng. Vào năm 1911 có vụ dịch lớn tại Châu Đốc, Long Xuyên, Thủ Dầu Một với nhiều bệnh nhân dịch hạch thể phổi và 886 người tử vong.
b) Thời kỳ lắng dịu và trở thành dịch lưu hành địa phương 1923-1960
Giai đoạn 1923-1960 không ghi nhận trường hợp mắc bệnh ở miền Bắc. Tại miền Nam dịch giảm dần, chỉ còn lưu hành chủ yếu ở Sài Gòn và Phan Thiết và có lúc dịch lan rộng ra một số địa phương như Đà Lạt (năm 1947, năm 1948, năm 1950), Bình Long (năm 1955, năm 1956), Tây Ninh (năm 1955, năm 1956).
c) Thời kỳ bùng phát, lan tràn, lưu hành trên diện rộng 1961-1990
Có thể chia làm 2 thời kỳ nhỏ:
Từ 1961 đến 1975: Dịch bùng phát lan tràn ở miền Nam. Sau đó tiếp tục lưu hành trên diện rộng ở các tỉnh ven biển miền Trung, Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ. Chính quyền miền Nam được Mỹ giúp đỡ thực hiện chương trình quốc gia phòng chống dịch hạch khống chế được dịch một bước, nhưng nhìn chung dịch vẫn nặng nề với quy mô lớn. Trong giai đoạn này, dịch lớn xảy ra ở Việt Nam chiếm hầu hết số mắc trên thế giới.
Từ 1975 đến 1990: Sau 1975 dịch bùng phát, số mắc - chết tăng vọt tại các vùng dịch lưu hành như ở các tỉnh ven biển miền Trung, Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ. Đặc biệt trong thời gian này, dịch hạch đã xuất hiện và gây ra một số vụ dịch nhỏ tại 9 tỉnh/thành phố phía Bắc do có sự giao lưu về lương thực hàng hóa và các phương tiện giao thông, đặc biệt chuột và tác nhân gây bệnh Yersinia pestis theo gạo và lương thực từ miền Nam xâm nhập vào miền Bắc qua cảng biển Hải Phòng.
+ Hà Nội: 1977, 1978, 1986, 1987.
+ Hải Phòng: 1978, 1986.
+ Bắc Thái: 1978.
+ Hải Hưng: 1978, 1986.
+ Hà Nam Ninh: 1986.
+ Thanh Hóa: 1980.
+ Nghệ Tĩnh: 1977, 1978.
d) Thời kỳ thu hẹp chỉ còn lưu hành tại một số ổ dai dẳng 1991-2002
Số mắc, chết có chiều hướng giảm và phạm vi dịch thu hẹp dần, tập trung chủ yếu ở miền Trung và Tây Nguyên. Trong 4 năm (1999-2002), dịch chỉ còn ghi nhận tại một số địa phương 2 tỉnh Đắc Lắc và Gia Lai với diện dịch tập trung dai dẳng vào một số xã thuộc 2 huyện: Đắc Đoa, tỉnh Gia Lai và EaH'leo, tỉnh Đắk Lắk.
e) Thời kỳ được khống chế 2003 - hiện nay
Từ tháng 3/2003 đến nay không ghi nhận bệnh dịch hạch trên người, ca mắc gần nhất ghi nhận vào tháng 08 năm 2002 tại tỉnh Đắk Lắk. Giám sát dịch động vật tại các trọng điểm, từ tháng 4/2004 không còn phân lập được Yersinia pestis từ vật chủ và trung gian truyền bệnh, từ năm 2005 xét nghiệm huyết thanh động vật tìm kháng thể kháng Yersinia pestis (kháng thể kháng F1) đều cho kết quả âm tính.
Sau hơn 1 thế kỷ bệnh dịch hạch xuất hiện và lưu hành ở Việt Nam, có thời kỳ bùng phát xen kẽ với những thời kỳ lắng dịu, đến nay mặc dù sau 12 năm không phát hiện một ca bệnh nào trên người cũng như chưa phát hiện mầm bệnh trên chuột và bọ chét, tuy nhiên do cỡ mẫu giám sát trên động vật còn hạn chế, chưa cho phép kết luận dịch hạch trên các quần thể động vật là hoàn toàn chấm dứt.
3. Nhận định, dự báo
Căn cứ vào tình hình và đặc điểm dịch tễ của bệnh, nguy cơ dịch có thể xâm nhập vào Việt Nam cũng như có khả năng bùng phát thành dịch tại cộng đồng nếu không chủ động triển khai các biện pháp phòng chống do:
- Tình hình bệnh dịch hạch tại Madagascar tiếp tục có xu hướng gia tăng và lây lan rộng. Một số nước trong khu vực như Trung Quốc cũng ghi nhận một số trường hợp bệnh dịch hạch.
- Việt Nam có đường biên giới dài với Trung Quốc, có sự giao thương và du lịch rộng rãi với nhiều nước trên thế giới do đó mầm bệnh có thể xâm nhập vào nước ta.
- Sự lưu hành các loài chuột, bọ chét tại Việt Nam khá phổ biến, do đó khi mầm bệnh xâm nhập vào có thể bùng phát trong cộng đồng.
1. Mục tiêu chung:
Phát hiện sớm, xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong do bệnh dịch hạch.
2. Mục tiêu cụ thể theo tình huống dịch:
2.1. Tình huống 1: Chưa ghi nhận ca bệnh tại Việt Nam
Phát hiện sớm ca bệnh tại Việt Nam để xử lý triệt để, tránh lây lan ra cộng đồng và các cán bộ y tế.
2.2. Tình huống 2: Xuất hiện các ca bệnh xâm nhập vào Việt Nam
Khoanh vùng, xử lý kịp thời triệt để ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lây lan ra cộng đồng.
2.3. Tình huống 3: Dịch lây lan trong cộng đồng.
Đáp ứng nhanh, khoanh vùng, xử lý kịp thời triệt để các ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lan rộng trong cộng đồng.
1. Tình huống 1: Chưa ghi nhận ca bệnh tại Việt Nam.
a) Công tác chỉ đạo, kiểm tra
- Tăng cường hoạt động của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh.
- Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đẩy mạnh các hoạt động phòng chống dịch trên các phương tiện giao thông vận tải, triển khai các hoạt động tiêu diệt chuột, bọ chét.
+ Đề nghị ngành Giao thông vận tải hướng dẫn các đơn vị có các phương tiện giao thông vận tải nhập cảnh phải chủ động khai báo, thông báo cho các đơn vị kiểm dịch y tế quốc tế biết về tình hình vệ sinh, sự xuất hiện của chuột, bọ chét trên các phương tiện vận tải người, hàng hóa để thực hiện nghiêm việc kiểm tra và xử lý y tế các phương tiện vận tải trước khi nhập cảnh tại các cửa khẩu quốc tế; hướng dẫn cho những người điều khiển phương tiện và cán bộ lao động trên các phương tiện giao thông vận tải hành khách, hàng hóa biết về các triệu chứng bệnh dịch hạch và các biện pháp phòng chống để chủ động liên hệ với các đơn vị y tế khi có các biểu hiện nghi ngờ bệnh và phối hợp triển khai các biện pháp phòng chống bệnh.
+ Đề nghị ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn người dân các biện pháp diệt chuột, bọ chét.
- Xây dựng kế hoạch phòng chống dịch trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai các hoạt động tại các đơn vị y tế địa phương.
- Tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, hướng dẫn công tác giám sát, sẵn sàng thu dung, điều trị, xử lý ổ dịch tại các địa phương.
b) Công tác giám sát, dự phòng
- Thực hiện tốt việc kiểm tra và xử lý y tế các phương tiện vận tải trước khi nhập cảnh tại các cửa khẩu quốc tế, đặc biệt lưu ý các phương tiện vận tải đường biển, đường sắt, đường bộ tại các cửa khẩu quốc tế, đi về từ vùng có dịch bệnh nhằm phát hiện sớm chuột, bọ chét, tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và thực hiện việc xử lý theo quy định;
- Thực hiện việc kiểm tra sàng lọc nhằm phát hiện các trường hợp nghi ngờ tại cửa khẩu thông qua sử dụng máy đo thân nhiệt từ xa.
- Các đơn vị chủ động kiểm tra, phát hiện và tổ chức tiêu diệt chuột, bọ chét trên các phương tiện giao thông vận tải, đặc biệt là các phương tiện vận tải đường biển, đường sắt, đường bộ và tại các khu vực có nguy cơ cao (khu vực cảng, sân bay, cửa khẩu, kho chứa lương thực, khu chăn nuôi, chợ, nơi có dịch lưu hành cũ), kho hàng, bến bãi để hạn chế nguy cơ lây lan mầm bệnh dịch hạch từ chuột, bọ chét sang người.
- Tăng cường giám sát chủ động bệnh dịch hạch trên người và chuột, bọ chét tại các vùng giám sát trọng điểm và khu vực tập trung đông người, đặc biệt là các khu vực có nguy cơ cao, chủ động theo dõi, lấy mẫu bệnh phẩm để phát hiện sớm, cách ly và xử lý kịp thời.
- Rà soát, cập nhật các hướng dẫn kỹ thuật về giám sát, dự phòng, xét nghiệm, xử lý ổ dịch theo tình hình dịch. Tổ chức tập huấn cho các cán bộ tham gia công tác phòng chống dịch cập nhật về các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật trong giám sát, phòng chống dịch.
- Sẵn sàng các đội cơ động chống dịch giúp địa phương xác định dịch bệnh, xử lý ổ dịch có yêu cầu; chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, phương tiện để phục vụ công tác phòng chống dịch khi có dịch xảy ra.
c) Công tác điều trị
- Các cơ sở khám, chữa bệnh củng cố công tác sẵn sàng công tác thu dung, cấp cứu, cách ly, điều trị bệnh nhân tại các cơ sở khám chữa bệnh, đảm bảo việc chẩn đoán sớm, chính xác, điều trị có hiệu quả ngay khi có ca bệnh đầu tiên, không để tử vong.
- Đẩy mạnh công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo tại các bệnh viện.
- Thiết lập mạng lưới các đơn vị thu dung điều trị bệnh nhân dịch hạch tại các tuyến. Thiết lập khu vực cách ly riêng để khám và điều trị các trường hợp nghi ngờ không được để lây nhiễm trong bệnh viện.
- Rà soát, cập nhật các hướng dẫn kỹ thuật về hướng dẫn chẩn đoán điều trị, cập nhất phác đồ điều trị mới của Tổ chức Y tế thế giới; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cán bộ trong chẩn đoán, điều trị, chăm sóc bệnh nhân.
- Kiện toàn các đội cấp cứu lưu động, sẵn sàng hỗ trợ địa phương xác định dịch bệnh, xử lý ổ dịch, cấp cứu bệnh nhân khi có yêu cầu; chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, phương tiện để phục vụ công tác điều trị bệnh nhân khi có dịch xảy ra.
d) Công tác truyền thông
- Xây dựng các thông điệp truyền thông, khuyến cáo phòng chống dịch tại các cửa khẩu, cơ sở điều trị và cộng đồng.
- Tăng cường công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh, đẩy mạnh công tác vệ sinh môi trường khu vực tập trung đông người, khu vực có nguy cơ cao; khuyến khích người dân thực hiện các biện pháp diệt chuột theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp.
- Hướng dẫn cho người dân, đặc biệt là những người sống trong các khu vực nguy cơ cao biết về các triệu chứng bệnh dịch hạch và các biện pháp phòng chống để chủ động liên hệ với các đơn vị y tế khi có các biểu hiện nghi ngờ bệnh và phối hợp triển khai các biện pháp phòng chống bệnh.
- Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền kịp thời cung cấp thông tin để người dân không hoang mang lo lắng và phối hợp thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh.
e) Công tác hậu cần
- Rà soát tình hình thuốc, vật tư, trang thiết bị, máy móc phục vụ công tác giám sát, xử lý ổ dịch, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, xây dựng kế hoạch sửa chữa, bổ sung và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Chuẩn bị sẵn sàng kinh phí, vật tư, hóa chất, phương tiện, kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống khi có dịch xảy ra.
f) Công tác hợp tác quốc tế
- Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế để nắm bắt tình hình dịch bệnh.
- Phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) và các tổ chức quốc tế khác để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm đồng thời hỗ trợ các nguồn lực trong phòng chống dịch bệnh.
2. Tình huống 2: Xuất hiện các ca bệnh xâm nhập vào Việt Nam
a) Công tác chỉ đạo, kiểm tra
- Báo cáo tình hình diễn biến của dịch thường xuyên cho Văn phòng Chính phủ để kịp thời nhận được các chỉ đạo về phòng chống dịch.
- Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi các cấp tổ chức họp hàng tuần và đột xuất để thống nhất chỉ đạo triển khai các hoạt động tại các đơn vị y tế địa phương.
- Kích hoạt Văn phòng đáp ứng tình huống khẩn cấp phòng chống dịch bệnh (Văn phòng EOC) để tăng cường hoạt động điều phối phòng chống dịch.
- Ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai các hoạt động tại các đơn vị y tế địa phương.
- Tổ chức các đoàn kiểm tra giám sát, hướng dẫn tại các địa phương và đánh giá việc triển khai công tác phòng chống dịch của các địa phương.
b) Công tác giám sát, dự phòng
- Tăng cường giám sát các trường hợp viêm hạch và các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính không rõ nguyên nhân có yếu tố dịch tễ liên quan tại các khu vực có nguy cơ cao; giám sát, theo dõi tình trạng sức khỏe của những người có tiếp xúc gần với người bệnh trong vòng 7 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối. Áp dụng việc báo cáo hàng ngày và chia sẻ thông tin kịp thời.
- Thông báo cho Đầu mối IHR của Tổ chức Y tế thế giới theo quy định. Thực hiện giám sát chặt chẽ hành khách tại cửa khẩu; tiếp tục duy trì kiểm tra sàng lọc nhằm phát hiện các trường hợp nghi ngờ tại cửa khẩu thông qua sử dụng máy đo thân nhiệt từ xa. Triển khai việc khai báo y tế đối với hành khách nhập cảnh tại các cửa khẩu phù hợp với tình hình dịch và thông lệ quốc tế.
- Tăng cường giám sát trọng điểm và giám sát, lấy mẫu bệnh phẩm trên người, trên chuột và bọ chét để xét nghiệm để xác định sự lưu hành của mầm bệnh và vật trung gian truyền bệnh.
- Tiếp tục đẩy mạnh việc kiểm tra, phát hiện và tổ chức tiêu diệt chuột, bọ chét trên các phương tiện giao thông vận tải, đặc biệt là các phương tiện vận tải đường biển, đường sắt, đường bộ và tại các khu vực có nguy cơ cao (khu vực cảng, sân bay, cửa khẩu, kho chứa lương thực, khu chăn nuôi, chợ, nơi có dịch lưu hành cũ), kho hàng, bến bãi để hạn chế nguy cơ lây lan mầm bệnh dịch hạch từ chuột, bọ chét sang người.
- Đẩy mạnh giám sát dựa vào sự kiện các kênh báo chí, các nguồn chính thức và không chính thức để kịp thời xác minh, tổ chức điều tra phát hiện ổ dịch, khoanh vùng, xử lý triệt để không để bùng phát dịch trong cộng đồng.
- Tổ chức thường trực phòng, chống dịch tại các đơn vị y tế; các đội chống dịch cơ động hỗ trợ các địa phương xử lý ổ dịch.
- Thường xuyên cập nhật, đánh giá rút kinh nghiệm và cập nhật các tài liệu chuyên môn trong công tác giám sát, xử lý ổ dịch để kịp thời điều chỉnh các hướng dẫn, chỉ đạo phù hợp với đặc điểm dịch bệnh.
c) Công tác điều trị
- Thực hiện tiếp nhận bệnh nhân theo phân tuyến điều trị, những bệnh nhân đầu tiên được điều trị tại các bệnh viện tuyến cuối, hạn chế thấp nhất nguy cơ tử vong.
- Thực hiện nghiêm ngặt việc tổ chức cách ly đối với bệnh nhóm A, kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo tại các bệnh viện theo quy định.
- Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cho các cán bộ y tế trực tiếp tham gia khám, điều trị, chăm sóc bệnh nhân, không để xảy ra hiện tượng lây nhiễm sang cán bộ y tế.
- Tổ chức thường trực cấp cứu, thu dung, điều trị tại các đơn vị khám, chữa bệnh; các đội cấp cứu lưu động, sẵn sàng hỗ trợ địa phương cấp cứu, điều trị bệnh nhân khi có yêu cầu.
- Thường xuyên cập nhật, đánh giá rút kinh nghiệm trong công tác chẩn đoán điều trị, chăm sóc để kịp thời điều chỉnh các hướng dẫn, chỉ đạo phù hợp với đặc điểm dịch bệnh.
d) Công tác truyền thông
- Hàng ngày cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế, Website của Cục Y tế dự phòng, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, các phương tiện thông tin đại chúng.
- Thường xuyên cập nhật các thông tin, sửa đổi các thông điệp truyền thông, khuyến cáo phòng chống dịch phù hợp với các đối tượng nguy cơ và phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đẩy mạnh việc truyền thông phòng, chống dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt tại các khu vực tập trung đông người, khu vực có nguy cơ cao.
- Hướng dẫn cho người dân chủ động thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, bố trí và sắp xếp vị trí cũng như cấu trúc nhà ở và kho tàng hợp lý, quản lý lương thực, thực phẩm, nuôi mèo, đặt bẫy, phá vỡ hang tổ chuột, khống chế, phá hủy nơi sinh sản của chuột, bọ chét, khi thấy chuột chết bất thường phải khai báo ngay với y tế cơ sở. Các hiện tượng sốt, nổi hạch phải đến cơ sở y tế để khám và điều trị.
- Hàng tuần tổ chức gặp mặt báo chí để cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống.
e) Công tác hậu cần
- Căn cứ vào dự báo tình hình dịch tiếp tục bổ sung kinh phí, vật tư, hóa chất, phương tiện, kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch để phòng dịch bùng phát trên diện rộng.
- Thực hiện chính sách cho các cán bộ thực hiện công tác điều tra, xác minh ổ dịch, thường trực phòng chống dịch và cán bộ thực hiện thu dung, điều trị, chăm sóc bệnh nhân.
- Tiếp tục chuẩn bị sẵn sàng kinh phí, vật tư, hóa chất, phương tiện, kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống trong trường hợp dịch bùng phát trên diện rộng.
- Xây dựng kế hoạch dự trữ, bổ sung thuốc, vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch trong trường hợp dịch lan rộng, kéo dài.
f) Công tác hợp tác quốc tế
- Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế để nắm bắt và chia sẻ thông tin về tình hình dịch bệnh.
- Phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) và các tổ chức quốc tế khác để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm đồng thời hỗ trợ các nguồn lực trong phòng chống dịch bệnh.
3. Tình huống 3: Dịch lây lan trong cộng đồng
a) Công tác chỉ đạo, kiểm tra
- Báo cáo hàng ngày tình hình diễn biến của dịch thường xuyên và tham mưu cho Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ các biện pháp phòng chống dịch để nhận được chỉ đạo kịp thời
- Tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện, các văn bản chỉ đạo các Bộ, ngành, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội và các địa phương thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
- Tổ chức họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các cấp, Bộ Y tế tổ chức họp hàng ngày vào 16 giờ để thống nhất chỉ đạo triển khai các hoạt động tại các đơn vị y tế địa phương.
- Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai quyết liệt các hoạt động phòng chống dịch theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
- Đẩy mạnh hoạt động của Văn phòng EOC để điều phối các hoạt động phòng chống dịch trong nước và kết nối với các Tổ chức quốc tế.
- Đánh giá tình hình dịch và thực hiện việc công bố dịch theo quy định của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.
- Ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai các hoạt động tại các đơn vị y tế địa phương.
- Tổ chức các đoàn kiểm tra giám sát, hướng dẫn tại các địa phương và đánh giá việc triển khai công tác phòng chống dịch của các địa phương.
b) Công tác giám sát, dự phòng
- Tổ chức khoanh vùng ổ dịch, triển khai các biện pháp hạn chế đi lại khi cần thiết, áp dụng các biện pháp phòng bệnh rộng rãi, bắt buộc đối với toàn bộ người dân trong khu vực ổ dịch.
- Tổ chức trực chống dịch 24/24, các Tổ công tác của Văn phòng EOC hàng ngày thực hiện báo cáo tình hình dịch bệnh và các hoạt động đã triển khai về Văn phòng EOC để tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ Y tế.
- Tăng cường giám sát các trường hợp viêm hạch và các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính không rõ nguyên nhân có yếu tố dịch tễ liên quan tại các khu vực có nguy cơ cao; giám sát, theo dõi tình trạng sức khỏe của những người có tiếp xúc gần với người bệnh trong vòng 7 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối. Áp dụng việc báo cáo hàng ngày và chia sẻ thông tin kịp thời.
- Tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường, chiến dịch diệt chuột, diệt bọ chét trên phạm vi toàn quốc, lưu ý tổ chức phun hóa chất diệt bọ chét trước khi tiến hành diệt chuột tại các nơi có dịch hoặc diệt chuột khi có chỉ số bọ chét nhỏ hơn 1 theo kết quả giám sát của cơ quan y tế.
- Thực hiện giám sát chặt chẽ hành khách tại cửa khẩu; tiếp tục duy trì kiểm tra sàng lọc nhằm phát hiện các trường hợp nghi ngờ tại cửa khẩu thông qua sử dụng máy đo thân nhiệt từ xa.
- Thông báo cho Đầu mối IHR của Tổ chức Y tế thế giới theo quy định. Triển khai việc khai báo y tế đối với hành khách nhập cảnh tại các cửa khẩu phù hợp với tình hình dịch và thông lệ quốc tế.
- Tăng cường giám sát trọng điểm và giám sát, lấy mẫu bệnh phẩm trên người, trên chuột và bọ chét để xét nghiệm để xác định sự lưu hành của mầm bệnh và vật trung gian truyền bệnh.
- Đẩy mạnh việc giám sát dựa vào sự kiện thông qua các trang tin điện tử, báo chí, thông tin của các nguồn chính thức và không chính thức để kịp thời xác minh, tổ chức điều tra phát hiện ổ dịch, khoanh vùng, xử lý sớm các ổ dịch trong cộng đồng.
- Thường xuyên đánh giá rút kinh nghiệm trong công tác giám sát, chẩn đoán điều trị, dự phòng xử lý ổ dịch để kịp thời điều chỉnh các hướng dẫn, chỉ đạo phù hợp với đặc điểm dịch bệnh.
- Tổ chức thường trực phòng, chống dịch tại các đơn vị y tế; các đội chống dịch cơ động hỗ trợ các địa phương xử lý ổ dịch.
- Thường xuyên cập nhật, đánh giá rút kinh nghiệm và cập nhật các tài liệu chuyên môn trong công tác giám sát, xử lý ổ dịch để kịp thời điều chỉnh các hướng dẫn, chỉ đạo phù hợp với đặc điểm dịch bệnh.
c) Công tác điều trị
- Thực hiện quyết liệt việc phân tuyến, triển khai bệnh viện vệ tinh để điều trị bệnh nhân theo quy định nhằm giảm tải các bệnh viện tuyến cuối.
- Các bệnh viện chủ động triển khai kế hoạch mở rộng việc thu dung, điều trị bệnh nhân; sẵn sàng thiết lập các bệnh viện dã chiến khi cần thiết.
- Các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện nghiêm ngặt việc tổ chức cách ly đối với bệnh nhóm A, kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo tại các bệnh viện theo quy định. Tập trung tối đa nguồn lực và chuyên môn kỹ thuật để điều trị bệnh nhân để hạn chế tối đa trường hợp tử vong.
- Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cho các cán bộ y tế trực tiếp tham gia khám, điều trị, chăm sóc bệnh nhân, không để xảy ra hiện tượng lây nhiễm sang cán bộ y tế.
- Tổ chức thường trực cấp cứu, thu dung, điều trị tại các đơn vị khám, chữa bệnh; các đội cấp cứu lưu động, sẵn sàng hỗ trợ địa phương cấp cứu, điều trị bệnh nhân khi có yêu cầu.
- Thường xuyên cập nhật, đánh giá rút kinh nghiệm trong công tác chẩn đoán điều trị, chăm sóc để kịp thời điều chỉnh các hướng dẫn, chỉ đạo phù hợp với đặc điểm dịch bệnh.
d) Công tác truyền thông
- Hàng ngày cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế, Website của Cục Y tế dự phòng, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và các phương tiện thông tin đại chúng.
- Thường xuyên cập nhật các thông tin, sửa đổi các thông điệp truyền thông, khuyến cáo phòng chống dịch phù hợp với các đối tượng nguy cơ và phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đẩy mạnh việc truyền thông phòng, chống dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt tại các khu vực tập trung đông người, khu vực có nguy cơ cao.
- Hướng dẫn cho người dân phối hợp với các chính quyền địa phương thực hiện tốt các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt chuột và bọ chét; thông báo kịp thời cho cơ quan chức năng khi thấy chuột chết bất thường và người có hiện tượng sốt, nổi hạch phải đến cơ sở y tế để khám và điều trị.
- Thường xuyên cập nhật các thông tin, sửa đổi các thông điệp truyền thông, khuyến cáo phòng chống dịch phù hợp với các đối tượng nguy cơ và phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Hàng tuần tổ chức gặp mặt báo chí để cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống.
- Đẩy mạnh việc giao lưu với các độc giả trên các báo giấy, báo điện tử.
e) Công tác hậu cần
- Căn cứ vào dự báo tình hình dịch tiếp tục bổ sung kinh phí, vật tư, hóa chất, phương tiện, kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
- Thực hiện chính sách cho các cán bộ thực hiện công tác điều tra, xác minh ổ dịch, thường trực phòng chống dịch và cán bộ thực hiện thu dung, điều trị, chăm sóc bệnh nhân.
- Yêu cầu các đơn vị, cơ sở sản xuất, cung cấp các dịch vụ thiết yếu xây dựng các kế hoạch đảm bảo cung cấp dịch vụ trong trường hợp dịch bùng phát lan rộng.
- Xem xét trình Chính phủ cấp bổ sung máy móc, thuốc, vật tư, hóa chất từ nguồn dự trữ quốc gia đáp ứng kịp thời công tác phòng, chống dịch.
f) Công tác hợp tác quốc tế
- Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế để nắm bắt và chia sẻ thông tin về tình hình dịch bệnh.
- Phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) và các tổ chức quốc tế khác để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm đồng thời hỗ trợ các nguồn lực trong phòng chống dịch bệnh.
1. Tổ chức, chỉ đạo
a) Tại Trung ương
- Tăng cường hoạt động Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi; đẩy mạnh hoạt động các tiểu ban, mức độ hoạt động theo từng tình huống dịch, đột xuất, hàng tuần, hàng ngày.
- Thực hiện giao ban trực tuyến hàng tuần, đột xuất, hàng ngày đảm bảo thường xuyên trao đổi thông tin về tình hình dịch giữa Trung ương và các khu vực.
- Cập nhật tình hình dịch trên thế giới, thống nhất các biện pháp đáp ứng theo diễn biến của dịch; chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các địa phương trên toàn quốc thực hiện.
- Báo cáo tình hình diễn biến của dịch trên thế giới thường xuyên và tham mưu cho Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ các biện pháp phòng chống dịch để nhận được các chỉ đạo kịp thời.
- Phối hợp với Chủ tịch UBND các tỉnh/thành phố tăng cường hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của địa phương.
- Chỉ đạo Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng, các bệnh viện, và các đơn vị trực thuộc chuẩn bị cơ sở vật chất, thuốc, hóa chất, máy móc trang thiết bị, vật tư chuyên dụng, trang bị bảo hộ, khu vực cách ly và nhân lực để đối phó với dịch.
- Tăng cường giám sát, kiểm tra người, phương tiện vận tải và hàng hóa nhập cảnh, nhập khẩu qua các cửa khẩu. Khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, cần được khám cách ly và áp dụng kịp thời các biện pháp phòng chống nhằm hạn chế sự lây lan của bệnh. Thực hiện nghiêm việc kiểm tra và xử lý y tế đối với các phương tiện vận tải hàng hóa nhập cảnh.
- Phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp phòng chống dịch dịch hạch theo tình huống của dịch, thông báo thường xuyên tình hình dịch không để người dân hoang mang, lo lắng.
- Phối hợp với các Bộ, ngành chỉ đạo các đơn vị, cơ sở sản xuất, cung cấp các dịch vụ thiết yếu xây dựng kế hoạch và triển khai cung cấp dịch vụ trong trường hợp dịch bùng phát lan rộng.
- Phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng chuẩn bị kinh phí đáp ứng công tác sẵn sàng phòng chống dịch, hỗ trợ địa phương khi có nhu cầu; đáp ứng đủ các chế độ, chính sách cho cán bộ tham gia công tác phòng, chống dịch.
- Thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc các hoạt động phòng chống dịch tại các địa phương.
b) Tại địa phương
- Tăng cường vai trò của UBND tỉnh, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh của tỉnh chỉ đạo các hoạt động phòng chống dịch theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh và của Bộ Y tế. Tổ chức kiểm tra, chỉ đạo giám sát việc thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh cúm tại địa phương.
- Các đơn vị y tế trên địa bàn tăng cường giám sát, phát hiện sớm; sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân; tăng cường tuyên truyền về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống cho người dân.
- Các Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo các Trung tâm Y tế trực thuộc và phối hợp với các đơn vị thuộc hệ điều trị thực hiện giám sát các ca bệnh viêm hạch, viêm đường hô hấp cấp tính không rõ nguyên nhân trên địa bàn phụ trách, thực hiện lấy mẫu xét nghiệm, gửi mẫu lên Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur phụ trách khu vực và báo cáo Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) và Sở Y tế.
- Tổ chức các lớp tập huấn về giám sát ca bệnh dịch hạch cho cán bộ y tế các huyện, thị trong địa bàn phụ trách.
- Đối với các địa phương có cửa khẩu quốc tế, cần thực hiện nghiêm việc kiểm tra và xử lý y tế đối với các phương tiện vận tải hàng hóa nhập cảnh, kiểm dịch chặt chẽ khách nhập cảnh từ các vùng đang có dịch, không để bệnh dịch xâm nhập.
- Phối kết hợp chặt chẽ với cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác giám sát chuột, bọ chét tại cộng đồng để chủ động triển khai việc tiêu diệt chuột, bọ chét theo quy định.
- Thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách cho cán bộ tham gia chống dịch hạch: phụ cấp chống dịch, trực dịch ...
2. Xây dựng kế hoạch, đầu tư tài chính
- Thực hiện phương châm 4 tại chỗ, trước mắt sử dụng kinh phí đã được cấp hàng năm cho công tác phòng, chống dịch; căn cứ diễn biến tình hình dịch, tổng hợp nhu cầu và xin cấp bổ sung.
- Sở Y tế các tỉnh thành phố tổng hợp nhu cầu kinh phí bổ sung của các đơn vị giám sát, điều trị, truyền thông trong tỉnh trình UBND tỉnh phê duyệt.
- Bộ Y tế triển khai kinh phí phòng chống dịch năm 2014, rà soát nhu cầu kinh phí bổ sung phòng chống dịch hạch của các đơn vị trực thuộc Bộ.
- Trong trường hợp dịch xâm nhập, kéo dài, Bộ Y tế tổng hợp nhu cầu bổ sung từ các đơn vị thuộc Bộ, các tỉnh/thành phố trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
3. Chuyên môn kỹ thuật
3.1. Các giải pháp giảm mắc
- Tăng cường hoạt động giám sát bệnh dịch hạch tại các khu vực có nguy cơ cao, đẩy mạnh hoạt động giám sát trọng điểm bệnh dịch hạch; củng cố năng lực xét nghiệm chẩn đoán xác định, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đầu tiên để có biện pháp cách ly, thu dung, điều trị kịp thời.
- Nắm chắc thông tin tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong nước, đẩy mạnh việc kiểm tra và xử lý y tế đối với các phương tiện vận tải hàng hóa nhập cảnh tại các cửa khẩu quốc tế.
- Thường xuyên cập nhật hướng dẫn giám sát, phòng chống dịch hạch; thực hiện điều tra dịch tễ ca bệnh, điều tra người tiếp xúc và nguồn lây truyền để có kế hoạch, biện pháp phòng, chống thích hợp.
- Thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng hộ cá nhân cho các cán bộ y tế trong việc khám, điều trị, chăm sóc bệnh nhân để tránh lây nhiễm từ các bệnh nhân.
- Củng cố và duy trì hoạt động của đội cơ động chống dịch tại đơn vị y tế các tuyến. Tổ chức trực chống dịch 24/24 giờ trong thời gian có dịch.
- Thành lập các đoàn công tác kiểm tra việc sẵn sàng phòng chống dịch bệnh tại các địa phương trước, trong và sau thời gian xảy ra dịch.
- Dự trữ kinh phí, hóa chất, thuốc, trang thiết bị y tế kịp thời cho các địa phương triển khai các biện pháp chống dịch.
3.2. Các giải pháp giảm tử vong
- Thiết lập mạng lưới các bệnh viện sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân dịch hạch; thực hiện nghiêm ngặt việc phân luồng khám bệnh, cách ly điều trị, thực hiện triệt để công tác chống nhiễm khuẩn, lây nhiễm chéo tại các bệnh viện.
- Rà soát, củng cố và cập nhật các phác đồ chẩn đoán, điều trị bệnh dịch hạch. Tổ chức tập huấn, đào tạo cho các cán bộ y tế tham gia chăm sóc, điều trị bệnh nhân.
- Sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất phương tiện phục vụ cấp cứu, điều trị bệnh nhân.
- Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các bệnh viện trong công tác chuẩn bị phòng chống dịch.
- Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh:
+ Chuẩn bị sẵn khu vực tiếp nhận bệnh nhân dịch hạch khi có dịch xảy ra, đảm bảo đầy đủ, trang thiết bị, vật tư, thuốc cấp cứu bệnh nhân nặng.
+ Thành lập các nhóm cấp cứu lưu động sẵn sàng hỗ trợ các địa phương trong trường hợp có nhiều bệnh nhân.
+ Chỉ đạo chuyên môn, hướng dẫn và hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới.
- Tăng cường năng lực cho bệnh viện các tuyến, bệnh viện trung ương điều trị các trường hợp rất nặng; bệnh viện tuyến tỉnh điều trị các trường hợp nặng, bệnh viện huyện điều trị các trường hợp thông thường, hạn chế chuyển viện tránh lây lan.
- Tập huấn cho cán bộ điều trị và điều dưỡng tại các bệnh viện về chẩn đoán và điều trị bệnh dịch hạch và sử dụng các trang thiết bị hồi sức cấp cứu.
- Trang bị phương tiện chẩn đoán, điều trị, cấp cứu bệnh nhân để đạt mục tiêu giảm tử vong.
4. Truyền thông, giáo dục sức khỏe
- Thường xuyên cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch cho người dân để người dân không hoang mang và chủ động áp dụng các biện pháp bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.
- Tuyên truyền đến các đối tượng nguy cơ lây nhiễm từ khách nhập cảnh, người nước ngoài vào Việt Nam cũng như tới những người Việt Nam đi du lịch tới các khu vực có dịch.
- Nâng cao khả năng đáp ứng của hệ thống cán bộ tuyên truyền trong và ngoài ngành y tế về trình độ, phương tiện, nhân lực. Huy động các bộ, ban, ngành, đoàn thể tham gia công tác tuyên truyền phòng, chống dịch.
- Thông báo diễn biến, tình hình dịch bệnh hàng ngày của các nước đang có dịch trên các phương tiện thông tin đại chúng tại trung ương và địa phương, các trang tin điện tử.
- Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe, phổ biến kiến thức về các biện pháp phòng bệnh trên các kênh thông tin trung ương và địa phương để người dân chủ động phòng, chống, biết cách tự bảo vệ, tăng cường vệ sinh cá nhân, hạn chế đến vùng có dịch.
- Chủ động tuyên truyền triển khai các biện pháp vệ sinh môi trường, bảo đảm an toàn thực phẩm, diệt chuột, bọ chét trên các phương tiện vận tải, kho hàng và tại cộng đồng và hướng dẫn người dân cách nhận biết các dấu hiệu của bệnh để kịp thời khai báo và đến các cơ sở y tế khi nghi ngờ bị nhiễm bệnh.
- Các cơ quan thông tấn, báo chí phối hợp với ngành y tế để triển khai hoạt động truyền thông phòng, chống bệnh dịch hạch.
- Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Trung ương, các Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe tuyến tỉnh triển khai các nội dung truyền thông theo yêu cầu của công tác phòng, chống bệnh dịch hạch.
5. Phối hợp liên ngành
- Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan trong việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, ngành liên quan.
- Tăng cường hoạt động của các Bộ, ngành thông qua hoạt động của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt vai trò của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Các Bộ, ngành chỉ đạo các đơn vị thuộc lĩnh vực quản lý chủ động xây dựng các kế hoạch phòng chống dịch đặc biệt có kế hoạch duy trì các hoạt động thiết yếu trong trường hợp dịch bùng phát rộng.
- Huy động sự tham gia của các ban, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội (phụ nữ, thanh niên, Hội nông dân, Hội chữ thập đỏ) trong việc vận động nhân dân triển khai các biện pháp phòng, chống dịch hạch, đặc biệt trong các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt chuột, diệt bọ chét.
- Thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra công tác phòng, chống dịch hạch tại các địa phương.
6. Hợp tác quốc tế
Phối hợp chặt chẽ với WHO và các Tổ chức quốc tế chia sẻ thông tin về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch; huy động sự hỗ trợ về trang thiết bị, vật tư phục vụ công tác phòng chống dịch.
7. Nghiên cứu khoa học
- Các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur chủ động triển khai các nghiên cứu dịch tễ học về dịch hạch, đánh giá sự kháng thuốc, biến đổi gien để đề xuất các biện pháp phòng chống.
- Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, đánh giá kết quả điều trị để kịp thời đưa ra các giải pháp giảm mắc, tử vong phù hợp theo diễn biến thực tế của bệnh.
1. Tuyến Trung ương
a) Cục Y tế dự phòng
- Tham mưu Bộ trưởng Bộ Y tế trong việc chỉ đạo các đơn vị y tế trên toàn quốc triển khai công tác phòng, chống bệnh dịch hạch theo từng tình huống dịch.
- Tổ chức các hoạt động của Văn phòng EOC, kịp thời điều phối các hoạt động và chia sẻ thông tin về tình hình dịch bệnh với các đơn vị trong nước và quốc tế.
- Thường xuyên cập nhật, tổng hợp tình hình dịch trong nước và quốc tế, thường xuyên báo cáo Lãnh đạo Bộ Y tế, Lãnh đạo Chính phủ và các đơn vị liên quan.
- Thường xuyên cập nhật hướng dẫn giám sát, phòng chống dịch hạch trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt.
- Tham mưu Bộ trưởng Bộ Y tế thực hiện việc công bố dịch khi có đủ điều kiện công bố dịch theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
- Trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các địa phương, đơn vị thuộc hệ y tế dự phòng triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh dịch hạch.
- Chỉ đạo các Viện VSDT/Pasteur sẵn sàng trang thiết bị, sinh phẩm chẩn đoán xét nghiệm xác định bệnh dịch hạch; triển khai tích cực việc giám sát dịch hạch thông quan hệ thống giám sát trọng điểm và các khu vực có nguy cơ cao.
- Phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc các Bộ, ngành triển khai các hoạt động phòng, chống dịch hạch.
- Đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế, chia sẻ thông tin với các Tổ chức quốc tế, các quốc gia khác.
- Đầu mối thành lập các đoàn công tác trực tiếp chỉ đạo, giám sát công tác phòng, chống dịch tại các địa phương.
b) Cục Quản lý Khám, chữa bệnh
- Tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Y tế trong việc chỉ đạo, điều hành công tác cấp cứu, thu dung, điều trị bệnh dịch hạch; trực tiếp chỉ đạo đôn đốc tất cả cơ sở khám chữa bệnh trong hệ thống điều trị từ Trung ương đến địa phương trong việc thực hiện phân tuyến thu dung, cách ly, cấp cứu, điều trị bệnh dịch hạch.
- Chỉ đạo kiểm tra việc thực hiện nghiêm việc phân luồng, phân tuyến điều trị bệnh nhân, thực hiện kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo tại các bệnh viện.
- Xây dựng mạng lưới cơ sở y tế thu dung, điều trị bệnh nhân theo từng tình huống dịch, không để xảy ra tình trạng quá tải; hạn chế vận chuyển bệnh nhân.
- Củng cố và thường xuyên cập nhật, sửa đổi hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh dịch hạch trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt.
- Chỉ đạo tập huấn cho cán bộ hệ điều trị, kiểm tra công tác điều trị dịch bệnh trong phạm vi cả nước. Tổng kết, rút kinh nghiệm các trường hợp tử vong.
- Chỉ đạo các Bệnh viện trực thuộc Bộ, bệnh viện tỉnh/thành phố chuẩn bị đầy đủ thuốc, trang thiết bị hồi sức cấp cứu và các phương tiện cần thiết để sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu và điều trị bệnh nhân.
- Tăng cường công tác kiểm tra giám sát công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, lây truyền chéo trong bệnh viện và thường trực chống dịch.
c) Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng
- Tổ chức chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị truyền thông trong việc tuyên truyền, giáo dục phòng, chống bệnh dịch hạch trước, trong và sau khi bệnh dịch hạch ghi nhận và xảy ra tại Việt Nam.
- Thông báo diễn biến, tình hình dịch bệnh hàng ngày của các nước đang có dịch trên các phương tiện thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương, các trang tin điện tử.
- Định kỳ tổ chức gặp mặt báo chí cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống.
- Xây dựng các thông điệp truyền thông theo các nhóm đối tượng nguy cơ, người nhập cảnh từ vùng có dịch, người du lịch đến vùng có dịch phù hợp theo từng tình huống dịch.
- Chỉ đạo Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe Trung ương, các trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe tuyến tỉnh phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương triển khai các nội dung truyền thông theo yêu cầu của công tác phòng, chống dịch hạch.
d) Vụ Kế hoạch- Tài chính
- Chủ động tham mưu cho Lãnh đạo Bộ Y tế về tạo nguồn, sử dụng và điều phối các nguồn lực từ dự trữ quốc gia, ngân sách nhà nước, các tổ chức trong và ngoài nước cho công tác phòng, chống bệnh dịch hạch.
- Tổng hợp nhu cầu kinh phí phòng chống dịch từ các đơn vị thuộc Bộ Y tế, các Bộ, ngành liên quan trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
- Đầu mối tổng hợp đề xuất kinh phí bổ sung từ các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế và từ các địa phương trình Thủ tướng Chính phủ cấp bổ sung trong trường hợp dịch xâm nhập vào Việt Nam, lan rộng và kéo dài.
- Hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện các chế độ, chính sách cho các cán bộ tham gia công tác phòng chống dịch.
đ) Cục An toàn Thực phẩm
- Chỉ đạo hướng dẫn các đơn vị tăng cường các biện pháp tuyên truyền thực hiện an toàn thực phẩm cho cộng đồng.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm, đảm bảo vệ sinh tại các khu vực chế biến không có sự xuất hiện của chuột, bọ chét.
e) Cục Quản lý môi trường y tế
Chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt chiến dịch vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân để phòng chống dịch bệnh. Phát động phong trào vệ sinh môi trường, chiến dịch diệt chuột, bọ chét...
g) Vụ Hợp tác quốc tế
- Đầu mối liên hệ, huy động sự hỗ trợ từ các Tổ chức quốc tế cho công tác phòng chống dịch hạch: tài chính, kỹ thuật, thuốc men, trang thiết bị phòng chống dịch.
- Phối hợp với các cơ quan chức năng thuộc Bộ ngoại giao thu thập các thông tin về tình hình dịch và các biện pháp phòng chống của các nước từ các đơn vị ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài.
h) Vụ Bảo hiểm y tế
Phối hợp với Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện các chính sách bảo hiểm y tế đối với các bệnh nhân điều trị bệnh dịch hạch.
i) Các Viện Vệ sinh dịch tễ/ Pasteur
- Chủ động sẵn sàng trang thiết bị, sinh phẩm đảm bảo xét nghiệm chẩn đoán xác định bệnh dịch hạch ở người; tăng cường công tác thu thập và xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm trên người, trên chuột và bọ chét tìm vi khuẩn gây bệnh.
- Chỉ đạo, hỗ trợ các Trung tâm Y tế dự phòng thuộc khu vực được phân công phụ trách trong việc triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh dịch hạch. Tổ chức tập huấn chuyên môn kỹ thuật giám sát, phòng và chống bệnh dịch hạch.
- Thành lập các đoàn công tác trực tiếp hỗ trợ, giám sát các địa phương có ca nhiễm bệnh, tử vong do dịch hạch.
- Dự trữ hóa chất khử khuẩn, thiết bị, vật tư chuyên dụng, triển khai các hoạt động chống dịch, sẵn sàng hỗ trợ địa phương khi có dịch.
- Nghiên cứu khoa học về dịch tễ học, tính kháng thuốc và tính cảm nhiễm với các hóa chất diệt chuột, diệt bọ chét.
k) Các Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng
- Chỉ đạo, hỗ trợ các Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Phòng chống sốt rét thuộc khu vực được phân công phụ trách trong việc triển khai các biện pháp diệt chuột, diệt bọ chét.
- Giám sát chỉ số mật độ chuột, bọ chét, nghiên cứu các biện pháp phòng chống chuột, bọ chét hiệu quả.
- Dự trữ hóa chất, thiết bị, vật tư diệt chuột, diệt bọ chét, sẵn sàng hỗ trợ địa phương khi cần thiết.
I) Các bệnh viện tuyến Trung ương
- Thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện, hướng dẫn bệnh nhân và người chăm sóc thực hiện các biện pháp phòng hộ cá nhân, hạn chế đi lại để giảm nguy cơ lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
- Chủ động thiết lập các bệnh viện vệ tinh đề giảm quá tải bệnh viện khi bệnh có số mắc cao tại cộng đồng.
- Tổ chức tập huấn cho cán bộ hệ điều trị về tiếp nhận, cách ly, điều trị cấp cứu bệnh nhân theo phân công của Cục Quản lý khám, chữa bệnh.
- Hỗ trợ các Bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh, huyện và một số bệnh viện ngành chuẩn bị đầy đủ thuốc, trang thiết bị hồi sức cấp cứu và các phương tiện cần thiết để sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu và điều trị bệnh nhân.
- Chủ động chuẩn bị giường bệnh, có kế hoạch duy trì hoạt động thường xuyên của bệnh viện khi có dịch lớn.
- Tăng cường năng lực xét nghiệm chẩn đoán tác nhân gây bệnh.
- Chủ động phối hợp với các đơn vị y tế dự phòng trong công tác thông tin, báo cáo ca bệnh truyền nhiễm đầy đủ, chính xác, kịp thời theo quy định.
- Rà soát thuốc, máy, trang thiết bị, vật tư phục vụ cấp cứu, điều trị bệnh nhân, chủ động bổ sung, thay thế, không được để tình trạng thiếu khi xảy dịch.
m) Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe Trung ương
- Phối hợp với Vụ Truyền thông - Thi đua, khen thưởng chỉ đạo các Trung tâm Truyền thông, Giáo dục sức khỏe các tỉnh, thành phố triển khai các hoạt động truyền thông đến các khu vực có nguy cơ, đối tượng có nguy cơ.
- Xây dựng các thông điệp truyền thông, tài liệu truyền thông gửi cho các địa phương.
- Tổ chức tập huấn cho các cán bộ truyền thông về năng lực truyền thông, giáo dục sức khỏe.
2. Địa phương
a) Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố
- Tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố tăng cường các hoạt động phòng, chống bệnh dịch hạch tại các cấp ở địa phương; tăng cường hoạt động của Ban chỉ đạo phòng chống dịch, thống nhất các biện pháp phòng chống dịch hạch theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh và của Bộ Y tế.
- Lập kế hoạch phòng chống dịch hạch của tỉnh, thành phố. Đầu mối tập hợp các đề xuất kinh phí bổ sung của các đơn vị y tế trình UBND tỉnh phê duyệt.
- Đối với các địa phương có cửa khẩu quốc tế, chỉ đạo kiểm dịch chặt chẽ các phương tiện vận tải hàng hóa nhập cảnh, khách nhập cảnh từ các vùng đang có dịch, không để bệnh dịch xâm nhập. Thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra và xử lý y tế đối với người, phương tiện nhập cảnh theo quy định.
- Thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách cho cán bộ tham gia chống dịch hạch: phụ cấp chống dịch, trực dịch ...
- Tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
- Kiểm tra đánh giá hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh của các đơn vị trong tỉnh, thành phố.
b) Bệnh viện đa khoa tỉnh/thành phố và bệnh viện khu vực tỉnh, thành phố
- Thực hiện nghiêm việc cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm chéo và thực hiện các biện pháp phòng hộ cho cán bộ y tế.
- Phối hợp với các bệnh viện tuyến cuối thiết lập bệnh viện vệ tinh khi cần thiết; thực hiện nghiêm việc phân luồng, phân tuyến điều trị bệnh nhân.
- Xây dựng kế hoạch tổ chức thu dung, cấp cứu và điều trị dịch bệnh, duy trì hoạt động thường xuyên của bệnh viện khi có dịch.
- Chỉ đạo các Bệnh viện huyện chuẩn bị đầy đủ thuốc, trang thiết bị hồi sức cấp cứu và các phương tiện cần thiết để sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu và điều trị bệnh nhân.
- Tập huấn phác đồ cấp cứu, điều trị, hướng dẫn các cơ sở điều trị thực hiện.
- Chỉ đạo tuyến và hỗ trợ tuyến dưới về mặt chuyên môn, nhân lực, vật lực khi cần thiết, kiểm tra giám sát công tác phòng, chống dịch của các cơ sở khám chữa bệnh trong phạm vi địa phương.
- Thực hiện kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, phòng, chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
- Chủ động thông báo cho các đơn vị y tế dự phòng trong công tác thông tin, báo cáo ca bệnh truyền nhiễm đầy đủ, chính xác, kịp thời theo quy định.
c) Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Phòng chống sốt rét tỉnh, thành phố
- Xây dựng và cập nhật kế hoạch phòng, chống bệnh dịch hạch của tỉnh/thành phố.
- Giám sát chặt chẽ tình hình mắc dịch bệnh đến tận thôn, ấp, xã, phường, hộ gia đình. Báo cáo kịp thời diễn biến tình hình dịch theo quy định.
- Củng cố các đội chống dịch cơ động, hỗ trợ các địa phương khi cần thiết.
- Triển khai hoạt động điều tra và xử lý triệt để ổ dịch theo quy định của Bộ Y tế.
- Tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dịch hạch.
d) Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế tỉnh, thành phố
- Thực hiện nghiêm việc kiểm tra, xử lý y tế đối với người và các phương tiện vận tải hàng hóa nhập cảnh, đặc biệt là các phương tiện vận tải đường biển, đường sắt về từ vùng có dịch.
- Khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, cần được khám cách ly và áp dụng kịp thời các biện pháp phòng chống nhằm hạn chế sự lây lan của bệnh.
- Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng ở cửa khẩu trong việc kiểm tra, giám sát người, phương tiện vận tải và hàng hóa nhập cảnh, nhập khẩu qua các cửa khẩu.
đ) Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe tỉnh
- Phối hợp với các địa phương triển khai các hoạt động truyền thông đến các khu vực có nguy cơ, đối tượng có nguy cơ.
- Xây dựng và phổ biến các thông điệp truyền thông, tài liệu truyền thông phù hợp với các địa phương.
- Tổ chức tập huấn cho các cán bộ truyền thông về năng lực truyền thông, giáo dục sức khỏe.
e) Trung tâm Y tế huyện
- Tham mưu cho Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh cấp huyện tăng cường các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại địa phương.
- Giám sát chặt chẽ phát hiện sớm ca mắc bệnh đầu tiên tại thôn, ấp, xã, phường, hộ gia đình để khoanh vùng và xử lý kịp thời. Báo cáo kịp thời diễn biến tình hình dịch theo quy định.
- Triển khai hoạt động xử lý triệt để ổ dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
- Tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dịch hạch.
g) Bệnh viện đa khoa huyện
- Thực hiện nghiêm việc cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm chéo và thực hiện các biện pháp phòng hộ cho cán bộ y tế.
- Xây dựng kế hoạch thu dung, cách ly và điều trị bệnh nhân và duy trì hoạt động thường xuyên của bệnh viện khi có dịch.
- Chuẩn bị đầy đủ thuốc, trang thiết bị hồi sức cấp cứu và các phương tiện cần thiết để sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu và điều trị bệnh nhân dịch bệnh.
- Tập huấn phác đồ cấp cứu, điều trị, hướng dẫn các trạm y tế xã và phòng khám tư nhân trên địa bàn.
- Chủ động thông báo cho các đơn vị y tế dự phòng trong công tác thông tin, báo cáo ca bệnh truyền nhiễm đầy đủ, chính xác, kịp thời theo quy định.
h) Trạm y tế xã
- Tổ chức điều tra, giám sát, phát hiện cách ly, xử lý kịp thời không để dịch lây lan.
- Tổ chức cấp cứu ban đầu và điều trị bệnh nhân khi mắc bệnh. Theo dõi, giám sát các trường hợp điều trị tại nhà.
- Thành lập đội chống dịch gồm các cán bộ y tế, đoàn thanh niên, phụ nữ,... để triển khai các biện pháp phòng, chống tại các hộ gia đình.
Bản kế hoạch này sẽ được cập nhật và điều chỉnh thường xuyên, kịp thời để phù hợp với diễn biến của tình hình dịch cũng như quá trình triển khai công tác phòng chống dịch trên thực tế.
- 1Quyết định 38/2005/QĐ-BYT về kế hoạch hành động phòng chống đại dịch cúm ở người tại Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 2Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007
- 3Nghị định 63/2012/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế
- 4Quyết định 1126/QĐ-BYT năm 2013 phê duyệt “Kế hoạch hành động phòng chống dịch cúm A(H7N9) tại Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
Quyết định 5126/QĐ-BYT năm 2014 về Kế hoạch hành động phòng chống dịch hạch tại Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- Số hiệu: 5126/QĐ-BYT
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 10/12/2014
- Nơi ban hành: Bộ Y tế
- Người ký: Nguyễn Thanh Long
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 10/12/2014
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra