Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 51/2025/QĐ-UBND | Tây Ninh, ngày 25 tháng 6 năm 2025 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA TRUNG TÂM NUÔI DẠY TRẺ KHIẾM THỊ TỈNH TÂY NINH TRỰC THUỘC SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH TÂY NINH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 16 tháng 6 năm 2025;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật phương ngày 19 tháng 02 năm 2025;
Căn cứ Nghị định số 103/2017/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội;
Căn cứ Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập;
Căn cứ Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập;
Căn cứ Nghị định số 111/2025/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2025 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập;
Căn cứ Nghị định số 150/2025/NĐ-CP ngày 12 tháng 6 năm 2025 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Ủy ban nhân dân xã, phường, đặc khu thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
Căn cứ Thông tư số 33/2017/TT-BLĐTBXH ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn về cơ cấu tổ chức, định mức nhân viên và quy trình, tiêu chuẩn trợ giúp xã hội tại cơ sở trợ giúp xã hội;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo;
Ủy ban nhân dân ban hành Quyết định ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Nuôi dạy trẻ khiếm thị tỉnh Tây Ninh trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo.
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Nuôi dạy trẻ khiếm thị tỉnh Tây Ninh trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tây Ninh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 7 năm 2025.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Trung tâm Nuôi dạy trẻ khiếm thị tỉnh Tây Ninh, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA TRUNG TÂM NUÔI DẠY TRẺ KHIẾM THỊ TỈNH TÂY NINH TRỰC THUỘC SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH TÂY NINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 51/2025/QĐ-UBND ngày 25 tháng 6 năm 2025 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh)
Điều 1. Vị trí, chức năng
1. Trung tâm Nuôi dạy trẻ khiếm thị tỉnh Tây Ninh là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Tây Ninh. Trung tâm là cơ sở trợ giúp xã hội, có chức năng tổ chức thực hiện việc quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng; dạy văn hóa; dạy nghề lao động sản xuất, giáo dục, hướng nghiệp, dạy phục hồi chức năng, tái hòa nhập cộng đồng và tổ chức các hoạt động khác đối với trẻ em khiếm thị và trẻ chậm phát triển trí tuệ, tự kỷ trên địa bàn tỉnh được nuôi dưỡng tại Trung tâm theo quy định của pháp luật.
2. Trung tâm Nuôi dạy trẻ khiếm thị tỉnh Tây Ninh chịu sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp của Sở Giáo dục và Đào tạo Tây Ninh đồng thời đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Cục Bảo trợ xà hội thuộc Bộ Y tế.
3. Trung tâm Nuôi dạy trẻ khiếm thị tỉnh Tây Ninh có tư cách pháp nhân, có con dấu, có trụ sở và tài khoản riêng; hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.
Điều 2. Nhiệm vụ
1. Cung cấp các dịch vụ khẩn cấp
a) Tiếp nhận trẻ em khuyết tật do ảnh hưởng chất độc hóa học, trẻ em khuyết tật ở các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa, trẻ em khuyết tật là dân tộc ít người. Trẻ em là đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
b) Đánh giá các nhu cầu của đối tượng; Sàng lọc và phân loại đối tượng. Trường hợp cần thiết thì chuyển gửi đối tượng tới các cơ sở y tế, cơ quan Công an, Tư pháp hoặc các cơ quan, tổ chức phù hợp khác;
c) Bảo đảm sự an toàn và đáp ứng các nhu cầu về nơi cư trú tạm thời, thức ăn, quần áo và đi lại.
2. Tham vấn, trị liệu rối nhiễu tâm trí và phục hồi thể chất cho đối tượng.
3. Tư vấn và trợ giúp trẻ em khuyết tật về các chính sách trợ giúp xã hội; phối hợp với các cơ quan, tổ chức phù hợp khác để bảo vệ, trợ giúp trẻ em khuyết tật, tìm kiếm, sắp xếp các hình thức chăm sóc.
4. Xây dựng kế hoạch can thiệp và trợ giúp trẻ em khuyết tật; giám sát và rà soát lại các hoạt động can thiệp, trợ giúp và điều chỉnh kế hoạch.
5. Cung cấp dịch vụ điều trị y tế ban đầu.
6. Tổ chức hoạt động phục hồi chức năng, trợ giúp trẻ em khuyết tật trong các hoạt động tự quản, văn hóa, thể thao, các hoạt động khác phù hợp với lứa tuổi và sức khỏe của trẻ em.
7. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị, tổ chức để dạy văn hóa, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục hướng nghiệp nhằm giúp trẻ em phát triển về thể chất, trí tuệ, nhân cách và hòa nhập cộng đồng.
8. Cung cấp các dịch vụ về giáo dục xã hội và nâng cao năng lực
a) Cung cấp các dịch vụ về giáo dục xã hội để giúp đối tượng phát triển khả năng tự giải quyết các vấn đề, đào tạo kỹ năng sống cho trẻ em;
b) Hợp tác với các cơ sở đào tạo tổ chức đào tạo, tập huấn về công tác xã hội cho đội ngũ nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội;
c) Tổ chức các khóa tập huấn, hội thảo cung cấp kiến thức, kỳ năng cho các nhóm đối tượng có nhu cầu.
9. Quản lý đối tượng được cung cấp dịch vụ công tác xã hội.
10. Thực hiện các biện pháp phòng ngừa trẻ em khuyết tật rơi vào hoàn cảnh khó khăn và bị xâm hại, bạo lực, ngược đãi.
11. Phát triển cộng đồng
a) Liên hệ với người dân, chính quyền các cấp trong việc xác định các vấn đề của cộng đồng để xây dựng chương trình, kế hoạch trợ giúp cộng đồng;
b) Đề xuất chính sách với các cơ quan có thẩm quyền;
c) Xây dựng mạng lưới nhân viên, tình nguyện viên công tác xã hội.
12. Tổ chức các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức.
13. Chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương đưa đối tượng đủ điều kiện hoặc tự nguyện xin ra khỏi Trung tâm trở về với gia đình, tái hòa nhập cộng đồng; hỗ trợ, tạo điều kiện cho đối tượng ổn định cuộc sống.
14. Thực hiện việc quản lý tài chính, tài sản, quản lý viên chức và người lao động theo quy định của pháp luật. Thường xuyên duy tu, bảo dưỡng hoặc kiến nghị thay thế, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị, bảo đảm đáp ứng kịp thời nhu cầu chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em.
15. Thực hiện đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật và quy định của cấp có thẩm quyền về việc vận động, tiếp nhận, sử dụng các nguồn kinh phí, tài sản, vật chất hỗ trợ cho các đối tượng đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm.
16. Thực hiện các hoạt động cung cấp dịch vụ theo yêu cầu, nhiệm vụ khác do cấp có thẩm quyền quyết định và do Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo phân công.
Điều 3. Quyền hạn
a) Tổ chức các hoạt động cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội cho đối tượng có nhu cầu theo quy định.
b) Từ chối yêu cầu cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội cho đối tượng nếu không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm, trừ trường hợp có quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
c) Lựa chọn các biện pháp nghiệp vụ trợ giúp xã hội theo quy định của pháp luật hiện hành.
d) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Điều 4. Cơ cấu tổ chức
1. Lãnh đạo Trung tâm
a) Trung tâm có Giám đốc và không quá 02 Phó Giám đốc;
b) Giám đốc là người đứng đầu Trung tâm, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo và trước pháp luật về thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Trung tâm và các công việc được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo phân công hoặc ủy quyền; chịu trách nhiệm báo cáo công tác trước Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo khi có yêu cầu; phối hợp với Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị khác trực thuộc Sở, các cơ quan có liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ của Trung tâm.
c) Phó Giám đốc Trung tâm giúp việc cho Giám đốc Trung tâm, do giám đốc Trung tâm phân công đảm nhiệm một số mặt công tác và chịu trách nhiệm trước Giám đốc Trung tâm và trước pháp luật về phần nhiệm vụ được phân công.
d) Việc bổ nhiệm Giám đốc, Phó Giám đốc do Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định theo điều kiện, tiêu chuẩn chức danh và phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành và theo quy định của pháp luật. Việc miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, cho từ chức, nghỉ hưu và thực hiện chế độ, chính sách đối với Giám đốc, Phó Giám đốc do Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định theo quy định của pháp luật.
2. Các tổ chức chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Trung tâm
a) Phòng Tổ chức - Hành chính;
b) Phòng Quản lý nội trú và chăm sóc sức khỏe;
c) Phòng giáo dục và hướng nghiệp - dạy nghề.
3. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, cho từ chức, nghỉ hưu và thực hiện chế độ, chính sách đối với Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng theo quy định của pháp luật và phân cấp của Sở Giáo dục và Đào tạo.
Điều 5. Số lượng người làm việc
1. Số lượng người làm việc của Trung tâm Nuôi dạy trẻ khiếm thị tỉnh Tây Ninh do Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo giao trên cơ sở vị trí việc làm gắn với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động và nằm trong tổng số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và danh mục vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp viên chức được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hàng năm Trung tâm Nuôi dạy trẻ khiếm thị tỉnh Tây Ninh xây dựng kế hoạch sổ lượng người làm việc theo quy định của pháp luật bảo đảm thực hiện nhiệm vụ được giao.
Điều 6. Cơ chế tài chính
Trung tâm Nuôi dạy trẻ khiếm thị tỉnh Tây Ninh là đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo cơ chế tự chủ tài chính quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị định số 111/2025/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2025 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và các văn bản theo quy định hiện hành.
Điều 7. Tổ chức thực hiện
1. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật được viện dẫn trong Quy định này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thể các quy định đó.
2. Trong quá trình thực hiện, Quy định này có thể được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế và các quy định pháp luật theo đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo./.
- 1Quyết định 43/2025/QĐ-UBND quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Khuyến nông trực thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố Hải Phòng
- 2Quyết định 46/2025/QĐ-UBND quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Giáo dục Thường xuyên Hải Phòng trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hải Phòng
- 3Quyết định 46/2025/QĐ-UBND về Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Quản lý Dữ liệu tài nguyên, môi trường và nông nghiệp trực thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố Đà Nẵng
Quyết định 51/2025/QĐ-UBND về Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Nuôi dạy trẻ khiếm thị tỉnh Tây Ninh trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tây Ninh
- Số hiệu: 51/2025/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 25/06/2025
- Nơi ban hành: Tỉnh Tây Ninh
- Người ký: Đoàn Trung Kiên
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 05/07/2025
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra