Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LONG AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 51/2018/QĐ-UBND

Long An, ngày 16 tháng 10 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÂN CẤP CƠ QUAN KIỂM TRA CƠ SỞ SẢN XUẤT, KINH DOANH VẬT TƯ NÔNG NGHIỆP; KIỂM TRA CƠ SỞ SẢN XUẤT, KINH DOANH THỰC PHẨM NÔNG LÂM THỦY SẢN VÀ QUẢN LÝ CÁC CƠ SỞ SẢN XUẤT BAN ĐẦU NHỎ LẺ THUỘC PHẠM VI QUẢN LÝ CỦA NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LONG AN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LONG AN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật An toàn thực phẩm ngày 17/6/2010;

Căn cứ Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm;

Căn cứ Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT ngày 03/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định việc kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và kiểm tra, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm;

Căn cứ Thông tư số 51/2014/TT-BNNPTNT ngày 27/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và phương thức quản lý đối với các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 3588/TTr-SNN ngày 28/9/2018.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quyết định này quy định phân cấp cơ quan kiểm tra điều kiện bảo đảm chất lượng đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp; kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản và quản lý các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ thuộc phạm vi quản lý của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh Long An.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; UBND các huyện, thị xã, thành phố (cấp huyện), các xã, phường, thị trấn (cấp xã) và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, nước sinh hoạt nông thôn, thực phẩm nông lâm thủy sản và sản xuất ban đầu nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh Long An.

2. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh

a) Cơ sở sản xuất, kinh doanh các loại vật tư nông nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (nay là giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư).

b) Cơ sở sản xuất, kinh doanh nước sinh hoạt nông thôn.

c) Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

d) Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 của Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, bao gồm:

- Cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ.

- Sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định.

- Sơ chế nhỏ lẻ.

- Kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ.

- Kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn.

- Cơ sở đã được cấp một trong các Giấy chứng nhận: Thực hành sản xuất tốt (GMP), Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC), Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực.

Điều 3. Phân cấp cơ quan kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp; kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản và quản lý các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm thực hiện:

a) Kiểm tra điều kiện bảo đảm chất lượng đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, cơ sở cấp nước sinh hoạt nông thôn có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

b) Kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn thực thẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm.

c) Kiểm tra việc tuân thủ các yêu cầu về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các cơ sở đã được cấp một trong các Giấy chứng nhận: Thực hành sản xuất tốt (GMP), Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC), Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực.

2. UBND cấp huyện chịu trách nhiệm thực hiện:

a) Kiểm tra điều kiện bảo đảm chất lượng đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, nước sinh hoạt nông thôn có giấy đăng ký hộ kinh doanh.

b) Kiểm tra việc tuân thủ các yêu cầu về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định tại điểm d Khoản 2 Điều 2 quyết định này, trừ cơ sở được phân cấp cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND cấp xã.

3. UBND cấp xã:

UBND cấp xã tổ chức cho các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ thuộc địa bàn quản lý ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn và kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền đối với hành vi vi phạm việc thực hiện nội dung đã cam kết của các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ trong phạm vi quản lý.

Điều 4. Trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và UBND cấp huyện, xã

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị thuộc Sở thực hiện nhiệm vụ được phân cấp theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 của quyết định này.

b) Chỉ đạo, kiểm tra, theo dõi các cơ quan, đơn vị được phân cấp nhiệm vụ kiểm tra, quản lý trong việc tổ chức, triển khai thực hiện nhiệm vụ theo đúng quy định của pháp luật.

c) Tổ chức đào tạo, tập huấn, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ của cơ quan kiểm tra, quản lý cấp tỉnh, huyện, xã.

d) Hàng năm, xây dựng và dự toán kinh phí thực hiện cho các đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình cấp thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

đ) Thực hiện báo cáo kết quả thực hiện công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh về UBND tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo chế độ báo cáo hiện hành. Thời gian báo cáo: Báo cáo tháng trước ngày 20 hàng tháng, báo cáo sơ kết 6 tháng trước ngày 15/6 hàng năm, báo cáo tổng kết năm trước ngày 10/12 hàng năm.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Cung cấp danh sách các cơ sở có đăng ký, đăng ký mới, dừng hoạt động liên quan đến sản xuất, kinh doanh các mặt hàng vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản do ngành nông nghiệp quản lý cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định kỳ vào ngày 15/5 và 15/12 hàng năm để thống kê, rà soát phục vụ kiểm tra tại cơ sở.

3. Sở Công Thương

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh trong việc chỉ đạo, quản lý an toàn thực phẩm đối với thực phẩm tại các chợ theo phân cấp quản lý.

4. Sở Tài chính

Tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí cho hoạt động kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp; kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản và quản lý các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh.

5. Ủy ban nhân dân cấp huyện

a) Phân công nhiệm vụ cho cơ quan chuyên môn (Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Phòng Kinh tế) thuộc UBND cấp huyện thực hiện nhiệm vụ được phân cấp theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 của quyết định này.

b) Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc cơ quan được giao nhiệm vụ kiểm tra thuộc cấp huyện và UBND cấp xã trong việc tổ chức, triển khai nhiệm vụ được giao.

c) Bố trí cân đối đủ kinh phí cho cơ quan được phân công nhiệm vụ kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, nước sinh hoạt nông thôn, kiểm tra việc tuân thủ các yêu cầu về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm thuộc cấp mình quản lý theo phân cấp của UBND tỉnh.

d) Báo cáo kết quả thực hiện công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn quản lý về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản) theo chế độ báo cáo hiện hành để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định. Thời gian báo cáo: Báo cáo tháng trước ngày 15 hàng tháng, báo cáo sơ kết 6 tháng trước ngày 10/6 hàng năm, báo cáo tổng kết năm trước ngày 05/12 hàng năm.

6. Ủy ban nhân dân cấp xã

a) Hàng năm, xây dựng và dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, quản lý cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ trên địa bàn quản lý trình UBND cấp huyện tổng hợp, bố trí kinh phí thực hiện.

b) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn theo quy định đến các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ.

c) Tổ chức cho các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ; tổ chức kiểm tra thực hiện cam kết và thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng danh sách các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ không chấp hành nội dung cam kết sản xuất thực phẩm an toàn.

d) Cử cán bộ tham dự các lớp đào tạo, tập huấn, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ để thực hiện nhiệm vụ được phân cấp kiểm tra, quản lý.

đ) Lưu trữ có hệ thống các hồ sơ liên quan đến hoạt động thống kê, cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn của các cơ sở sản xuất nông lâm thủy sản ban đầu nhỏ lẻ theo quy định.

e) Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ được phân cấp kiểm tra, quản lý về UBND cấp huyện (qua Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phòng Kinh tế thị xã, thành phố) để tổng hợp báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thời gian báo cáo: Báo cáo tháng trước ngày 12 hàng tháng, báo cáo sơ kết 6 tháng trước ngày 07/6 hàng năm, báo cáo tổng kết năm trước ngày 02/12 hàng năm.

Điều 5. Tổ chức thực hiện

1. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện quyết định này.

2. Thủ trưởng các sở, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường, thị trấn; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, phát sinh, các cơ quan, đơn vị báo cáo bằng văn bản về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, trình UBND tỉnh xem xét, giải quyết.

Điều 6. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/10/2018 và bãi bỏ Quyết định số 1613/QĐ-UBND ngày 12/5/2015 của UBND tỉnh về việc phân công nhiệm vụ kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, kiểm tra, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm và quản lý điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh Long An./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Cục KTVBQPPL – Bộ Tư pháp;
- Cục KSTTHC - Văn phòng Chính phủ;
- Cục Quản lý chất lượng NLS và TS;
- TT.TU, TT.HĐND tỉnh;
- Các UVBTVTU phụ trách huyện, thị xã, thành phố (để phối hợp lãnh đạo);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ngành tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- UBND các xã, phường, thị trấn;
- Trung tâm Tin học;
- Phòng KT;
- Lưu: VT, SNN, An.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 51/2018/QĐ-UBND về phân cấp cơ quan kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp; kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản và quản lý các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ thuộc phạm vi quản lý của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh Long An

  • Số hiệu: 51/2018/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 16/10/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh Long An
  • Người ký: ***
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 30/10/2018
  • Ngày hết hiệu lực: 20/01/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản