THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 51/2005/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 11 tháng 3 năm 2005 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 51/2005/QĐ-TTG NGÀY 11 THÁNG 3 NĂM 2005 VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH KHU KINH TẾ VỊNH VÂN PHONG, TỈNH KHÁNH HOÀ ĐẾN NĂM 2020
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng tại tờ trình số 88/TTr-BXD ngày 06 tháng 12 năm 2004 và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hoà tại tờ trình số 175/TT-UB ngày 16 tháng 01 năm 2004,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch Khu kinh tế vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hoà đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau:
1. Phạm vi quy hoạch Khu kinh tế vịnh Vân Phong thuộc hai huyện Vạn Ninh và Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà:
- Phía Bắc giáp tỉnh Phú Yên;
- Phía Nam giáp Hòn Hèo;
- Phía Đông giáp biển Đông;
- Phía Tây giáp các xã miền núi của hai huyện Ninh Hoà và Vạn Ninh.
2. Tính chất:
Là Khu kinh tế tổng hợp, trong đó cảng trung chuyển container quốc tế giữ vai trò chủ đạo, kết hợp phát triển kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực gồm du lịch, dịch vụ, công nghiệp, nuôi trồng hải sản và các ngành kinh tế khác.
3. Quy mô:
- Tổng diện tích quy hoạch khoảng 150.000 ha gồm diện tích phần mặt nước khoảng 80.000 ha, phần đất liền khoảng 70.000 ha; trong đó đất sử dụng cho xây dựng khoảng 8.000 ha - 10.000 ha.
- Tổng dân số toàn khu vực quy hoạch đến năm 2020 khoảng 400.000 người; trong đó dân số đô thị khoảng 275.000 người.
4. Các hướng phát triển chủ yếu:
a) Phía Bắc vịnh Vân Phong:
- Phát triển du lịch biển ở khu vực Đại Lãnh.
- Cảng trung chuyển quốc tế, du lịch sinh thái biển, sinh thái đầm vịnh, trung tâm thương mại - tài chính và khu dân cư phát triển tại bán đảo Hòn Gốm, Hòn Lớn và toàn bộ phần nước vùng vịnh.
- Khu dân cư đô thị phát triển trên cơ sở đô thị Vạn Giã và khu vực Tu Bông.
- Khu công nghiệp: được bố trí tại Vạn Thắng.
- Các khu du lịch sinh thái phát triển ở phía Đông và Đông - Nam bán đảo Hòn Gốm.
b) Phía Nam vịnh Vân Phong:
- Khu đô thị: bao gồm các khu Dốc Lết, Ninh Thủy Ninh Phước gắn kết với thị trấn Ninh Hòa, Hòn Hèo, đầm Nha Phu phát triển thành đô thị loại III, với tính chất là đô thị du lịch, dịch vụ, giáo dục, đào tạo chuyên nghiệp, dạy nghề và công nghiệp.
- Phát triển khu công nghiệp tại Ninh Thủy, kết hợp với khu công nghiệp đóng tầu. Xây dựng khu cảng dầu tại Hòn Mỹ Giang và kho xăng dầu ngoại quan; cảng tổng hợp tại Hòn Khói phía Tây Bắc khu Dốc Lết.
5. Tổ chức không gian:
Khu kinh tế vịnh Vân Phong gồm hai khu vực, đồng thời cũng là hai khu đô thị: Bắc Vân Phong và Nam Vân Phong.
a) Khu đô thị Bắc Vân Phong: là khu kinh tế tổng hợp, gồm cảng trung chuyển container quốc tế - du lịch - thương mại - công nghiệp, bao gồm khu vực Đại Lãnh, bán đảo Hòn Gốm, Hòn Lớn, Tu Bông, thị trấn Vạn Giã; diện tích đất xây dựng khoảng 4.500 ha - đến 5.300 ha; quy mô dân số khoảng 140.000 người.
b) Khu đô thị Nam Vân Phong: là đô thị du lịch - dịch vụ - công nghiệp bao gồm khu vực Ninh Thuỷ, Ninh Phước, Dốc Lết, thị trấn Ninh Hoà; diện tích đất xây dựng khoảng 2.300 ha; quy mô dân số khoảng 135.000 người.
6. Phân khu chức năng:
a) Các khu cảng chính:
- Phía Bắc vịnh Vân Phong:
+ Khu cảng trung chuyển container quốc tế tại bờ phía Đông vũng Đầm Môn: giai đoạn quy hoạch tiềm năng diện tích khoảng 750 ha; giai đoạn đến năm 2020 khoảng 400 ha; giai đoạn đến năm 2010 khoảng 120 ha; giai đoạn xây dựng đợt đầu vào năm 2006 khoảng 40 ha - 50 ha.
+ Cảng tàu khách du lịch tại bờ phía Đông vũng Đầm Môn: diện tích khoảng 0,5 ha.
+ Khu dịch vụ hậu cảng tại bán đảo Hòn Gốm là khu dịch vụ cảng trung chuyển container quốc tế, diện tích khoảng 150 ha.
- Phía Nam vịnh Vân Phong:
+ Khu cảng trung chuyển dầu, cảng chuyên dùng tại hòn Mỹ Giang, bao gồm cảng, kho dầu ngoại quan có tổng diện tích khoảng 70 - 80 ha, trong đó cảng dầu và cảng nhà máy đóng tàu khoảng 50 ha.
+ Khu cảng Hòn Khói tại phía Tây Bắc khu Dốc Lết gồm cảng tổng hợp tỉnh Khánh Hoà, cảng tàu khách du lịch, diện tích khoảng 4 - 5 ha.
b) Các khu du lịch:
- Các khu du lịch thuộc Khu đô thị Bắc Vân Phong gồm: khu du lịch nghỉ mát Tuần Lễ - Hòn Ngang (khoảng 350 ha); khu du lịch nghỉ mát Bãi Cát Thắm (khoảng 210 ha); khu du lịch bán đảo Hòn Gốm (khoảng 200 ha); Khu du lịch Đại Lãnh (khoảng 40 ha).
- Các khu du lịch thuộc khu đô thị Nam Vân Phong tại khu Dốc Lết - Mũi Du (diện tích khoảng 150 ha)
- Ngoài ra, có thể hình thành các khu, điểm du lịch như: núi Cá ông, đảo Hòn Đôi, núi Khải Lương; làng chài Khải Lương, mũi Hòn Chờ, Hòn Khô, mũi Cột Buồm, mũi Gềnh Rồng; làng chài Ninh Đảo thuộc Hòn Lớn...
c) Khu trung tâm thương mại - tài chính: tại khu trung tâm bán đảo Hòn Gốm, là trung tâm đa chức năng, trọng tâm là dịch vụ - thương mại - tài chính - ngân hàng; diện tích khoảng 400 ha.
d) Các khu dân cư đô thị
- Khu đô thị Bắc Vân Phong diện tích khoảng 2.150 ha gồm: các khu đô thị mới Tu Bông, Đầm Môn, Đại Lãnh (khoảng 1.650 ha) và thị trấn Vạn Giã (khoảng 500 ha).
- Khu đô thị Nam Vân Phong diện tích khoảng 1.600 ha gồm: thị trấn Ninh Hoà (khoảng 500 ha) và đô thị mới Ninh Thủy - Ninh Phước - Dốc Lết (khoảng 1.100 ha).
đ) Các khu công nghiệp:
- Khu công nghiệp Vạn Thắng (khoảng 200 ha): là khu công nghiệp đa ngành, ít gây ô nhiễm môi trường, khai thác lợi thế về dịch vụ cảng biển và du lịch.
- Khu công nghiệp Ninh Thủy (khoảng 500 ha) là khu công nghiệp đa ngành.
e) Khu nuôi trồng thủy sản : nuôi trồng các loại hải sản như tôm hùm, cá lồng, ngọc trai, tổ chim yến, san hô tại vũng Bến Gội, vùng bờ và mặt nước bên bờ phía Tây vịnh Vân Phong.
7. Quy hoạch kiến trúc, cảnh quan đô thị:
Kiến trúc cảnh quan đối với từng khu vực được xác định theo hướng:
- Đảm bảo sự hài hoà về kiến trúc cảnh quan giữa các khu chức năng, đồng thời phải mang tính hiện đại và phù hợp với đặc trưng của vùng duyên hải miền Trung.
- Xác định hệ số sử dụng đất và mật độ xây dựng hợp lý; khai thác hiệu quả không gian mặt biển vùng vịnh.
- Giữ gìn, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và hệ sinh thái tự nhiên có ích, đảm bảo sự phát triển bền vững của khu vực.
8. Định hướng phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật:
a) Giao thông:
- Giao thông đối ngoại:
+ Đường hàng không: sử dụng sân bay Cam Ranh và sân bay Đông Tác (Phú Yên); dự trữ đất để hình thành một sân bay taxi tại bán đảo Hòn Gốm để phục vụ trực tiếp cho Khu kinh tế Vân Phong.
+ Đường sắt: chuyển tuyến đường sắt Thống Nhất hiện có ra ngoài trung tâm thị trấn Vạn Giã; xây dựng đoạn đường sắt ra cảng trung chuyển quốc tế (khoảng 20 km); nâng cấp, cải tạo các ga hiện có; xây dựng mới ga Lập Tàu tại Tu Bông và ga Vạn Giã.
+ Đường thủy: nâng cấp cải tạo cảng Hòn Khói, cảng nhà máy đóng tàu Hyundai - Vinashin; xây dựng mới cảng trung chuyển container quốc tế tại Đầm Môn, cảng và kho dầu ngoại quan tại hòn Mỹ Giang, cảng tàu khách du lịch Đầm Môn.
+ Đường bộ: nâng cấp cải tạo quốc lộ 1 thành đường cấp I, tổ chức thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông khi đi qua các đô thị và khu dân cư; đối với tuyến quốc lộ 26 đi Đắk Lắk, nối quốc lộ 26b với quốc lộ 26 tại khu vực xã Ninh Trung, đạt tiêu chuẩn đường cấp II, lộ giới 58 m; nâng cấp cải tạo các tỉnh lộ lB, 6, 7 gắn với khu vực Vân Phong; xây dựng các bến xe đối ngoại tại Vạn Giã, Tu Bông, Ninh Hoà, Đầm Môn.
- Giao thông nội thị:
+ Đường chính: từ quốc lộ 1 đi Đầm Môn có 2 tuyến, một tuyến vận tải hàng hoá phục vụ cảng, chạy song song với đường sắt và một tuyến phục vụ cho du lịch và dân cư phía Đông tuyến đường vận tải. Tổng lộ giới là 100m.
+ Nâng cấp đường Nguyễn Huệ từ thị trấn Vạn Giã gặp quốc lộ 1 tại xã Vạn Thọ, có lộ giới là 26 m.
+ Nâng cấp đường Vạn Giã - đập Đá Bàn lộ giới 26m; đường thị trấn Ninh Hoà lộ giới 30m; các tuyến đường nhánh lộ giới 15 - 17m.
b) Thoát nước:
- Hướng thoát nước: cấm việc xả nước thải ra các bãi tắm, nước thải phải được xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra biển tại các cửa xả quy định; nước mưa được tập trung vào hệ thống cống dẫn về các sông, suối, kênh, rạch hướng ra biển.
- Sử dụng hệ thống thoát nước mưa và nước thải sinh hoạt riêng.
c) Cấp nước:
- Tổng nhu cầu dùng nước:
+ Tại khu vực đô thị: đến năm 2010 khoảng 32.000 m3/ngày/đêm; đến năm 2020 khoảng 100.000 m3/ngày/đêm.
+ Tại khu vực dân cư nông thôn: đến năm 2010 khoảng 9.000 m3/ngày/đêm đến năm 2020 khoảng 10.000 m3/ngày/đêm.
- Nguồn nước:
+ Sử dụng nguồn nước từ hồ Hoa Sơn và hồ Đồng Điền Nam cho thị trấn Vạn Giã, khu công nghiệp Vạn Thắng, khu đô thị mới Tu Bông và Hòn Gốm.
+ Sử dụng nguồn nước ngầm, nguồn nước hồ Tiên Du và hồ Đá Bàn cho Khu đô thị mới Ninh Thuỷ - Ninh Phước và thị trấn Ninh Hòa.
d) Cấp điện:
- Nguồn điện: đợt đầu xây dựng tuyến mạch kép cho đường dây 110kV Nha Trang - Tuy Hoà hiện có; giai đoạn đến năm 2020 xây dựng trạm nguồn 220kV tại huyện Ninh Hòa.
- Lưới điện phân phối: trong các khu đô thị và khu du lịch sử dụng đường dây cáp ngầm; khu vực ngoại thị sử dụng đường dây nổi.
đ) Thoát nước thải: xây dựng các khu xử lý chất thải rắn tại khu vực núi Hoa Sơn và xã Ninh An, huyện Ninh Hoà. Xây dựng mới và cải tạo các khu nghĩa trang Vạn Giã, Vạn Thắng, Ninh Hoà; xây dựng và cải tạo công viên nghĩa trang tại Hòn Vung.
e) Vệ sinh môi trường:
- Xác định vành đai cách ly bảo vệ môi trường cho các hồ Hoa Sơn, Tiên Du và khu khai thác nước ngầm tại bán đảo Hòn Gốm.
- Tàu, thuyền đi trên vịnh phải có thiết bị thu gom và xử lý chất thải. Cấm xả chất thải chưa xử lý xuống vịnh.
- Khi xây dựng cảng phải trang bị các thiết bị, phao giữ dầu và các giải pháp ứng cứu, đề phòng sự cố tràn dầu.
- Tổ chức các đội quản lý thu gom chất thải trên biển. Lập các trạm quan sát môi trường để theo dõi diễn biến môi trường tại khu vực vịnh Vân Phong.
9. Các dự án ưu tiên đầu tư xây dựng đợt đầu:
- Xây dựng cảng trung chuyển container quốc tế, công suất 0,5 triệu TEU.
- Xây dựng đường vận tải từ quốc lộ 1A đến Đầm Môn, đường sắt vào cảng.
- Xây dựng hồ chứa nước Hoa Sơn, hồ Đồng Điện Nam và hồ Tiên Du.
- Xây dựng nhánh rẽ cáp ngầm 110kV và trạm 110kV tại Đầm Môn;
- Xây dựng cảng chuyển tải dầu, công suất 1,5 - 2,0 triệu tấn.
- Xây dựng tổng kho xăng dầu Mỹ Giang, công suất 0,5 triệu tấn.
- Xây dựng cảng hành khách quốc tế Đầm Môn, công suất 1,0 triệu lượt hành khách/năm.
- Các dự án dịch vụ, bưu chính, viễn thông, thương mại, du lịch, dự án trồng rừng tái sinh, rừng ngập mặn...
Điều 2. Tổ chức thực hiện
- Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư: chủ trì, phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hoà, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thành lập và ban hành Quy chế hoạt động Khu kinh tế Vân Phong, theo hướng cho phép Khu kinh tế Vân Phong được hưởng các chính sách ưu đãi như đã ban hành đối với Khu kinh tế mở Chu Lai, Khu kinh tế Dung Quất và có cơ chế đặc thù cho cảng trung chuyển quốc tế.
- Giao Bộ Giao thông vận tải:
+ Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hoà nghiên cứu hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết cảng trung chuyển quốc tế đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; lập Báo cáo đầu tư dự án phát triển cảng trung chuyển quốc tế (giai đoạn khởi động) trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định;
+ Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư kêu gọi các nhà đầu tư tiềm năng nước ngoài tham gia đầu tư và quản lý khai thác cảng trung chuyển quốc tế vịnh Vân Phong.
- Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: đầu tư xây dựng hồ chứa nước Hoa Sơn Hồ, Đồng Điện Nam và hồ Tiên Du theo các giai đoạn đầu tư Khu kinh tế vịnh Vân Phong.
- Giao Bộ Thương mại: thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư kho xăng dầu ngoại quan Mỹ Giang.
- Giao Bộ Công nghiệp: đầu tư xây dựng mạng lưới điện theo các giai đoạn đầu tư Khu kinh tế vịnh Vân Phong.
- Giao Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hoà: công bố và tổ chức quản lý quy hoạch Khu kinh tế vịnh Vân Phong theo quy định của pháp luật.
Điều 3. Quyết định này thay thế Quyết định số 301/QĐ-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt định hướng Quy hoạch chung khu vực vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hoà đến năm 2020.
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Bộ trưởng Bộ: Xây dựng, Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thương mại, Công nghiệp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tổng cục trưởng Tổng cục Du Lịch; các Thủ trưởng cơ quan liên quan và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Phan Văn Khải (Đã ký) |
- 1Quyết định 301/2002/QĐ-TTg phê duyệt định hướng Quy hoạch chung khu vực vịnh Văn Phong, tỉnh Khánh Hoà đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Công văn số 330/VPCP-CN về việc khởi công xây dựng công trình Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa (giai đoạn khởi động) do Văn phòng Chính phủ ban hành
Quyết định 51/2005/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch Khu kinh tế vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hoà đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 51/2005/QĐ-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 11/03/2005
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Phan Văn Khải
- Ngày công báo: 17/03/2005
- Số công báo: Số 14
- Ngày hiệu lực: 01/04/2005
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực