Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 509/QĐ-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 03 tháng 02 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH QUẢN LÝ BẢO VỆ, PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY RỪNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ và phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Bảo vệ Môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29 tháng 6 năm 2001;

Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ và phát triển rừng;

Căn cứ Nghị định số 119/2006/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2006 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Kiểm lâm;

Căn cứ Nghị định số 74/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 7 năm 2010 của Chính phủ quy định về phối hợp hoạt động giữa lực lượng dân quân tự vệ với lực lượng công an xã, phường, thị trấn, lực lượng kiểm lâm và các lực lượng khác trong công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, trong công tác bảo vệ rừng;

Căn cứ Quyết định số 245/1998/QĐ-TTg ngày 21 tháng 12 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cấp về rừng và đất lâm nghiệp;

Căn cứ Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 16 tháng 10 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ quy định về quy chế quản lý rừng;

Căn cứ Thông tư số 144/2002/TTLT-BNNPTNT-BCA-BQP ngày 13 tháng 12 năm 2002 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng hướng dẫn việc phối hợp giữa các lực lượng Kiểm lâm, Công an, Quân đội trong công tác bảo vệ rừng;

Căn cứ Quyết định số 5930/QĐ-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt quy hoạch sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn thành phố đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025;

Căn cứ Quyết định số 4109/QĐ-UBND ngày 29 tháng 8 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt số liệu chi tiết diện tích rừng, đất lâm nghiệp và cây lâm nghiêp phân tán trên địa bàn thành phố năm 2010;

Căn cứ Quyết định số 17/2011/QĐ-UBND ngày 18 tháng 3 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt Đề án quản lý bảo vệ, phát triển các loại rừng và cây xanh thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 1821/TTr-SNN-KHTC ngày 28 tháng 11 năm 2011 và Tờ trình số 2008/SNN-KHTC ngày 30 tháng 12 năm 2011 về phê duyệt “Chương trình quản lý bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 - 2015”,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay phê duyệt Chương trình quản lý bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 - 2015 theo nội dung chương trình đính kèm.

Điều 2. Căn cứ nội dung Chương trình quản lý bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 - 2015 đã được phê duyệt, các sở - ngành, Ủy ban nhân dân các quận - huyện có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo Nông nghiệp - Nông thôn thành phố; Thủ trưởng các sở - ngành: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an thành phố, Bộ Tư lệnh thành phố, Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Tiếng nói nhân dân thành phố, Đài Truyền hình thành phố, Thành Đoàn, Chi Cục Kiểm lâm; Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn có liên quan thuộc Ủy ban nhân dân thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ, huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn và quận 9 chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Minh Trí

 

CHƯƠNG TRÌNH

QUẢN LÝ BẢO VỆ, PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY RỪNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 509/QĐ-UBND ngày 03 tháng 02 năm 2012 của Ủy ban nhân dân thành phố)

Rừng và mảng xanh là bộ phận không thể thay thế được của môi trường sinh thái, giữ vai trò quan trọng đối với đời sống con người và sự phát triển của thành phố. Ngoài chức năng của rừng là cung cấp gỗ, củi và các lâm sản khác, phục vụ nhu cầu tham quan du lịch, nghiên cứu khoa học… Rừng còn có chức năng phòng hộ, bảo vệ môi trường sống như điều hòa khí hậu, hấp thụ khí các-bon, điều tiết nguồn nước, hạn chế bão lụt, hạn hán, chống xói mòn, rửa trôi, sạt lở đất và quan trọng là duy trì bảo tồn đa dạng sinh học.

Trong những năm qua, lãnh đạo thành phố luôn quan tâm và tạo điều kiện thực hiện các chế độ, chính sách về phát triển rừng và cây xanh thành phố. Với tinh thần quyết tâm, nỗ lực của các cấp chính quyền, các sở - ban - ngành chức năng và nhân dân thành phố trong tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã mang lại những kết quả thiết thực. Diện tích 3 loại rừng và cây phân tán được giữ vững, tỷ lệ che phủ đạt 18,76% so với tổng diện tích tự nhiên của thành phố, đóng vai trò quan trọng góp phần tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường, giảm thiểu khói bụi, tiếng ồn và tác động của biến đổi khí hậu, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Đặc biệt, rừng phòng hộ Cần Giờ còn là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, thu hút được sự quan tâm của các nhà khoa học, sinh viên, học sinh trong nước và quốc tế đến nghiên cứu học tập và là điểm đến tham quan, nghỉ dưỡng không những của người dân thành phố mà còn của du khách.

Trong thời gian tới, với tốc độ đô thị hóa nhanh, mật độ dân số ngày càng cao và tác động của biến đổi khí hậu luôn là những yếu tố ảnh hưởng đến môi trường sống của cư dân thành phố, việc duy trì và phát huy vai trò của rừng và mảng xanh trên địa bàn thành phố là yêu cầu cấp thiết. Do vậy, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Quyết định số 17/2011/QĐ-UBND ngày 18 tháng 3 năm 2011 phê duyệt Đề án quản lý, bảo vệ và phát triển các loại rừng và cây xanh Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Ngoài mục tiêu đẩy mạnh công tác trồng rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng và phong trào trồng cây xanh trong cộng đồng dân cư, phấn đấu nâng độ che phủ cây xanh đạt 40% (độ che phủ rừng đạt 20%) thì việc nâng cao hiệu quả của công tác bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng cũng được chú trọng. Chương trình Quản lý bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 - 2015 là nhằm đề ra những biện pháp tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành gắn với những chính sách, chương trình hành động để nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước và hiệu quả trong hoạt động bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng là một trong những giải pháp quan trọng và cần thiết để thực hiện mục tiêu duy trì sự ổn định tỷ lệ che phủ, bảo vệ môi trường của thành phố; đồng thời, còn là nhiệm vụ cụ thể, thiết thực góp phần thực hiện “Chương trình giảm thiểu ô nhiễm môi trường” là một trong sáu chương trình đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ IX nhiệm kỳ 2011 - 2015 đề ra.

I. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC BẢO VỆ RỪNG VÀ PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG GIAI ĐOẠN 2006 - 2010

1. Quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp.

Trên cơ sở quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 đã được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 10/2007/NQ-CP ngày 13 ngày 02 tháng 2007, diện tích quy hoạch sử dụng vào mục đích lâm nghiệp của thành phố là 36.276 ha. Ủy ban nhân dân thành phố đã phân cấp quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp đến các cấp quận - huyện, phường - xã - thị trấn nơi có rừng.

Theo Quyết định số 4109/QĐ-UBND ngày 29 tháng 8 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt số liệu chi tiết diện tích rừng, đất lâm nghiệp và cây lâm nghiêp phân tán trên địa bàn thành phố năm 2010, tổng diện tích đất lâm nghiệp trong quy hoạch 3 loại rừng của thành phố là 37.485,50 ha, gồm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất. Trong đó, diện tích đất có rừng là 34.277,61 ha, gồm rừng đặc dụng 29,92 ha, rừng phòng hộ 34.833,23 ha, rừng sản xuất 2.622,35 ha.

Diện tích rừng và đất lâm nghiệp của thành phố phân bố trên địa bàn thuộc 5 quận, huyện gồm: huyện Bình Chánh là 1.123,21 ha, huyện Cần Giờ là 35.496,89 ha, huyện Củ chi là 503,38 ha, huyện Hóc Môn là 305,41 ha, quận 9 là 56,61 ha. Đã giao cho tổ chức, hộ gia đình quản lý: Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ 34.059,62 ha, chiếm 90,86%; Chi cục Lâm nghiệp 336,09 ha; Ban quản lý Công viên Văn hóa Lịch sử Dân tộc 32,20 ha, chiếm 0,09%; Doanh nghiệp nhà nước 1.020,98 ha, chiếm 2,72%; Lực lượng vũ trang 463,89 ha, chiếm 1,24%; Hộ gia đình, cá nhân 1.290,89 ha, chiếm 3,44%; Ủy ban nhân dân các quận, huyện 282,01 ha, chiếm 0,75%.

2. Hệ thống tổ chức bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng.

Lực lượng quản lý bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng trên địa bàn thành phố được tổ chức theo hệ thống, gồm lực lượng chuyên trách, lực lượng bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng của địa phương cấp xã và lực luợng tại chỗ của đơn vị chủ rừng, cụ thể:

2.1. Chi cục Kiểm lâm: là cơ quan chuyên môn giúp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ rừng; đồng thời là cơ quan thừa hành pháp luật về quản lý rừng, bảo vệ và phát triển rừng, quản lý lâm sản ở địa phương. Lực lượng Kiểm lâm được tổ chức và hoạt động theo Nghị định số 119/2006/NĐ-CP ngày 16 tháng 6 năm 2006 của Chính phủ. Tổng biên chế của Chi cục Kiểm lâm duy trì 85 cán bộ, công chức, trong đó có trình độ đại học: 30 người; trung cấp: 37 người và sơ cấp: 18 người. Cán bộ, công chức trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng trên địa bàn các quận huyện có 63 người, tại các đơn vị trực thuộc:

- Hạt Kiểm lâm Cần Giờ, với tổng biên chế hiện có 46 cán bộ, công chức đảm nhiệm quản lý bảo vệ 35.496,89 ha rừng trên địa bàn huyện Cần Giờ.

- Hạt Kiểm lâm Củ Chi, với biên chế hiện có 06 cán bộ, công chức đảm nhiệm bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy 503,38 ha rừng và 2.765,62 ha cây phân tán trên địa bàn huyện Củ Chi.

- Đội Kiểm lâm cơ động, với biên chế hiện có 11 cán bộ, công chức đảm nhiệm công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy 1.485,23 ha rừng và 2.218,80 ha cây phân tán trên địa bàn huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn và Quận 9.

2.2. Chi cục Lâm nghiệp: cơ quan chuyên môn giúp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lâm nghiệp. Ngoài nhiệm vụ thực hiện các dự án, chương trình phát triển lâm nghiệp trên địa bàn thành phố, Chi cục Lâm nghiệp trực tiếp quản lý, bảo vệ 336,09 ha đất rừng phòng hộ và rừng đặc dụng trên địa bàn huyện Bình Chánh và huyện Củ Chi. Tổ chức 3 đơn vị trực tiếp quản lý, bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng gồm: Trạm thực nghiệm Tân Tạo, Trạm Quản lý rừng phòng hộ Bình Chánh, Vườn thực vật Củ Chi; với 18 cán bộ, viên chức trực tiếp bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng, tổ chức giao khoán bảo vệ rừng cho 1 đơn vị tập thể và 4 hộ gia đình.

2.3. Lực lượng bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng của phường, xã, thị trấn nơi có rừng:

Tại mỗi phường, xã, thị trấn có rừng đã tổ chức lực lượng bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng trên cơ sở lực lượng Công an, Dân quân tự vệ địa phương; lực lượng này có nhiệm vụ phối hợp cùng lực lượng Kiểm lâm thực hiện kế hoạch truy quét các trọng điểm chặt, phá rừng và chữa cháy rừng. Tùy thuộc vào đặc điểm, tình hình rừng và cây phân tán của địa phương quân số thường trực của lực lượng này biến động từ 10 đến 20 thành viên.

2.4. Lực lượng tại chỗ:

Lực lượng tại chỗ do đơn vị chủ rừng tổ chức để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng trong phạm vi diện tích rừng do đơn vị quản lý. Lực lượng tại chỗ thuộc các đơn vị như:

- Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ: là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ, có nhiệm vụ tổ chức quản lý, bảo vệ, phát triển bền vững diện tích 34.059,62 ha rừng và đất rừng phòng hộ. Lực lượng tại chỗ có 477 người, bao gồm: lực lượng bảo vệ rừng thuộc Ban Quản lý; lực lượng bảo vệ rừng của 14 đơn vị tập thể và người lao động của 178 hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng.

- Công ty TNHH Một thành viên Cây trồng thành phố trực thuộc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH Một thành viên, lực lượng tại chỗ có 14 người, trực tiếp bảo vệ 562,08 ha rừng sản xuất trên địa bàn xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh.

- Trung tâm Giáo dục và Giải quyết việc làm Nhị Xuân trực thuộc Lực lượng Thanh niên Xung phong thành phố, lực lượng tại chỗ có 32 người, trực tiếp bảo vệ 171,2 ha rừng sản xuất tại xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn.

- Trung tâm Hoa kiểng và dịch vụ nông nghiệp huyện Bình Chánh trực thuộc Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh, lực lượng tại chỗ có 14 người, trực tiếp bảo vệ 264,53 ha rừng sản xuất trên địa bàn xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh.

- Ban Quản lý Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố, lực lượng tại chỗ có 12 người, trực tiếp bảo vệ 32,02 ha đất lâm nghiệp (20,55 ha rừng phòng hộ và 11,47 ha rừng sản xuất) trên địa bàn phường Long Bình, Quận 9.

- Ban Quản lý Khu Di tích Lịch sử Địa đạo Củ chi trực thuộc Bộ Tư lệnh thành phố, lực lượng tại chỗ có 20 người, trực tiếp bảo vệ 122,88 ha rừng phòng hộ trên địa bàn xã Phú Mỹ Hưng và xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi.

- Sư đoàn 9 là đơn vị quân đội trực thuộc Quân đoàn 4, trực tiếp quản lý 341 ha đất rừng phòng hộ và rừng sản xuất trên địa bàn huyện Củ Chi.

Ngoài ra, đối với công tác phòng cháy, chữa cháy rừng của thành phố còn có lực lượng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy với chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành về lĩnh vực phòng cháy chữa cháy, được tổ chức thành hệ thống từ thành phố đến cấp quận, huyện nơi có rừng, đóng vai trò quan trọng trong công tác tham mưu, tập huấn, hướng dẫn về nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy và là lực lượng chủ lực sẵn sàng tiếp ứng trong công tác chữa cháy rừng.

3. Đầu tư trang bị phương tiện quản lý bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng.

3.1. Trong công tác bảo vệ rừng: được trang bị ô tô, xe gắn máy, tàu cao tốc, thuyền máy và thiết bị thông tin liên lạc đáp ứng được yêu cầu trong hoạt động tuần tra trên bộ và trên sông. Lực lượng Kiểm lâm được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ để làm nhiệm vụ.

3.2. Trong công tác phòng cháy và chữa cháy rừng:

- Các đơn vị chủ rừng Nhà nước, lực lượng xung kích của 6/19 xã có rừng và lực lượng Kiểm lâm được trang bị phương tiện vận chuyển, máy bơm và thiết bị chữa cháy chuyên dụng.

- Các đơn vị chủ rừng chủ động đầu tư trang thiết bị, công trình phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng như: xe bồn, hồ chứa nước, máy bơm, vòi dẫn nước, bình chữa cháy, kẻng báo cháy, cuốc, xẻng, cào, chổi dập lửa…

4. Tình hình quản lý bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng, phòng trừ sinh vật hại cây rừng.

4.1. Tình hình bảo vệ rừng:

- Diện tích rừng trên các địa bàn huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn và quận 9: không có hiện tượng chặt phá, lấn chiếm đất rừng xảy ra.

- Huyện Cần Giờ: rừng phòng hộ Cần Giờ vẫn còn xảy ra tình trạng chặt phá, khai thác rừng, lấn chiếm, đào đắp đầm đập nuôi trồng thủy sản gây hại đến rừng. Tình trạng săn bắt động vật rừng trái phép vẫn còn xảy ra.

4.2. Tình hình phòng cháy và chữa cháy rừng: từ năm 2006 đến nay, diện tích bị cháy chủ yếu là cây phân tán và thảm thực vật thân thảo với 46 vụ, diện tích bị cháy 265,72 ha.

4.3. Phòng trừ sinh vật hại rừng:

- Công tác phòng trừ sinh vật hại rừng được Chi cục Bảo vệ thực vật chủ trì, phối hợp Chi cục Lâm nghiệp, Chi cục Kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng thực hiện công tác dự báo và triển khai các biện pháp phòng trừ sâu bệnh gây hại cây rừng.

- Tình hình sâu đục thân, sâu ăn lá thường xuất hiện đối với các khu rừng phòng hộ trên địa bàn huyện Củ Chi và Cần Giờ.

5. Những hạn chế và nguyên nhân.

- Tình trạng chặt phá, khai thác rừng, săn bắt động vật rừng trái phép vẫn còn xảy ra trên rừng phòng hộ Cần Giờ, do một số nguyên nhân: đời sống một bộ phận dân cư tại địa phương và các vùng lân cận còn nhiều khó khăn, việc sử dụng sản phẩm từ rừng làm vật liệu xây dựng, chất đốt và hoạt động nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối.

- Vào mùa khô, các hoạt động hun khói bắt rắn, bắt chuột đồng, lấy mật Ong, đốt vệ sinh đồng ruộng khi chuyển vụ, đốt rác ở một số địa phương đã để xảy ra cháy cây phân tán. Cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về an toàn phòng cháy, chữa cháy rừng trong cộng đồng dân cư nơi có rừng, đặc biệt là những địa phương thường để xảy ra cháy rừng, cây phân tán.

- Diễn biến sinh vật hại rừng ngày càng phức tạp, đến nay vẫn chưa có giải pháp phòng trừ sâu bệnh hại cây rừng có hiệu quả cao.

- Hiện nay, vẫn còn 13 xã, phường nơi có rừng, cây phân tán nằm trong vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy cao chưa được trang bị máy bơm chữa cháy chuyên dụng. Máy bơm chữa cháy của các chủ rừng là đơn vị kinh tế có công suất nhỏ, chủ yếu tận dụng máy bơm nước phục vụ tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp, nên còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu khi có cháy rừng xảy ra.

- Những hạn chế của lực lượng bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng:

+ Lực lượng Kiểm lâm chủ yếu hoạt động tại những địa bàn hẻo lánh, điều kiện học tập khó khăn, mặc dù đã được quan tâm trong công tác đào tạo nhưng mặt bằng chung về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, công chức Kiểm lâm chưa đồng đều nên gặp khó khăn trong công tác phối hợp bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng.

+ Nhân sự của lực lượng bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng ở địa phương cấp xã thường xuyên biến động, nhưng việc tổ chức tập huấn kiến thức cơ bản về công tác phòng cháy, chữa cháy chưa kịp thời khi có thay đổi nhân sự mới.

+ Sự phối hợp giữa các đơn vị làm nhiệm vụ bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng có lúc, có nơi chưa chặt chẽ và thiếu đồng bộ.

II. MỤC TIÊU, GIẢI PHÁP BẢO VỆ, PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY RỪNG GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

1. Mục tiêu.

- Giữ vững diện tích đất lâm nghiệp của thành phố theo quy hoạch đến năm 2015 là 35.000 ha (rừng đặc dụng: 70 ha, rừng phòng hộ: 32.630 ha, rừng sản xuất 2.300 ha).

- Bảo vệ có hiệu quả diện tích rừng hiện có, không để xảy ra cháy rừng, thiệt hại do chặt phá rừng, săn bắt động vật rừng trái phép…

- Nâng cao nhận thức bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng trong cộng đồng.

2. Giải pháp.

2.1. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng:

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ, huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn và quận 9 tổ chức triển khai thực hiện thống kê, kiểm kê số lượng, chất lượng rừng trong năm 2012; thiết lập hồ sơ quản lý dữ liệu rừng và đất lâm nghiệp thống nhất theo hướng dẫn tại Thông tư số 25/2009/TT-BNN ngày 05 tháng 5 năm 2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ, huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn và quận 9 tăng cường quản lý quỹ đất đã quy hoạch sử dụng vào mục đích lâm nghiệp, rà soát việc giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trồng rừng sản xuất cho tổ chức, cá nhân trên địa bàn tránh những bất cập trong việc quản lý, sử dụng đất, không để xảy ra tình trạng chuyển đổi trái phép mục đích sử dụng đối với đất lâm nghiệp.

- Hàng năm, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có rừng và cây phân tán trong vùng trọng điểm nguy cơ cháy cao tổ chức cập nhật tình hình diễn biến về hiện trạng, chủ sở hữu, chủ sử dụng đối với diện tích 3 loại rừng, diện tích cây phân tán ngoài quy hoạch đất lâm nghiệp, cây trồng tập trung dễ cháy khác (cao su…) trên địa bàn, định kỳ tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện làm cơ sở cho việc lập kế hoạch bảo vệ phòng cháy và chữa cháy rừng.

- Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành và thực hiện các chế độ, thể lệ, quy định của pháp luật về bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng, cụ thể:

+ Chi cục Kiểm lâm chủ trì, phối hợp Thanh tra chuyên ngành, các ngành chức năng tổ chức kiểm tra định kỳ việc tổ chức triển khai thực hiện chế độ, thể lệ, quy định của pháp luật về bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng tại địa phương các cấp huyện, xã và đơn vị chủ rừng.

+ Ủy ban nhân dân huyện, quận nơi có rừng tổ chức kiểm tra định kỳ về việc tổ chức triển khai thực hiện chế độ, quy định của pháp luật về bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng tại các địa phương cấp xã nơi có rừng và các đơn vị chủ rừng trên địa bàn quản lý.

+ Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có rừng và cây phân tán tổ chức kiểm tra định kỳ việc triển khai thực hiện các quy định về bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng, điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy tại địa bàn dân cư thôn, ấp nơi có rừng và cây phân tán tên địa bàn quản lý.

+ Lực lượng bảo vệ rừng tăng cường hoạt động tuần tra tại những khu vực có rừng và cây phân tán, thường xuyên kiểm tra hộ sản xuất nuôi thủy sản dưới tán rừng, sản xuất muối, sản xuất nông nghiệp ở cận rừng, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với mọi trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng.

- Tổ chức thực hiện quy ước bảo vệ rừng trong cộng đồng dân cư theo hướng dẫn tại Thông tư số 70/2007/TT-BNN ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có rừng chủ trì phối hợp với cơ quan Kiểm lâm cấp huyện tiến hành tổng kết và rà soát, sửa đổi, bổ sung nội dung quy ước về bảo vệ rừng trong cộng đồng dân cư cho phù hợp đặc điểm, tình hình thực tế trình Ủy ban nhân dân cấp huyện ký công nhận, đồng thời tổ chức phổ biến đến từng hộ dân trong địa bàn dân cư để thực hiện.

- Rà soát ban hành, bổ sung quy chế quản lý, quy chế phối hợp hoạt động bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng:

+ Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có rừng nằm trong vùng trọng điểm nguy cơ cháy cao, căn cứ vào đặc điểm, tình hình tại địa phương để xây dựng và ban hành quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy rừng và cây phân tán theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 47, Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy.

+ Chi cục Kiểm lâm tiến hành rà soát, bổ sung hoặc xây dựng mới quy chế phối hợp ký kết giữa cơ quan Kiểm lâm với các cơ quan, đơn vị thuộc các lực lượng: Công an, Quân đội, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Môi trường, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy, Dân quân tự vệ của thành phố theo Nghị định số 74/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 7 năm 2010 của Chính phủ; Thông tư liên tịch số 144/2002/TTLT-BNNPTNT-BCA-BQP ngày 13 tháng 12 năm 2002 của liên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng; quy chế phối hợp bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng trong vùng giáp ranh giữa Chi cục Kiểm lâm thành phố với Chi cục Kiểm lâm các tỉnh: Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An. Nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng.

2.2. Kiện toàn hệ thống tổ chức, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của lực lượng bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng:

a) Tiếp tục kiện toàn Ban Chỉ huy các cấp về những vấn đề cấp bách trong bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng và phát huy vai trò tham mưu, chỉ đạo công tác bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng; tăng cường hoạt động hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra đối với các địa phương có rừng, các đơn vị chủ rừng trong tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng .

b) Nâng cao năng lực của lực lượng bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng:

- Nâng cao vai trò, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Kiểm lâm trong công tác bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng. Chi cục Kiểm lâm thành phố tiếp tục kiện toàn tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và cần đẩy mạnh thực hiện:

+ Tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức. Đến năm 2015, phấn đấu nâng trình độ cán bộ, công chức Kiểm lâm đạt tỷ lệ đại học và sau đại học 50%, trung cấp 45% và sơ cấp 5%.

+ Tăng cường chỉ đạo các đơn vị cơ sở quan hệ gắn bó và tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, chủ động phối hợp các phòng ban chức năng và các đơn vị: Công an, Quân đội, Bộ đội Biên phòng, Dân quân tự vệ, Cảnh sát Mội trường, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy tại địa phương trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng góp phần bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn công tác.

+ Nâng cao trách nhiệm của cán bộ Kiểm lâm phụ trách địa bàn, thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có rừng tổ chức triển khai có hiệu quả các hoạt động lâm nghiệp; xây dựng phong trào quần chúng tham gia trồng rừng, trồng cây phân tán, phong trào bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng tại địa phương theo quy định tại Quyết định số 83/2007/QĐ-BNN ngày 04 tháng 10 năm 2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có rừng tiếp tục kiện toàn, củng cố lực lượng xung kích bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng theo quy định tại Khoản 2, Điều 50 của Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ.

c) Chủ rừng là đơn vị tập thể, chủ hộ gia đình, cá nhân được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao rừng để quản lý, bảo vệ hoặc được giao đất trồng rừng sản xuất, trồng cây phân tán thực hiện trách nhiệm tổ chức lực lượng tại chỗ theo quy định của Khoản 1, Điều 50 của Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ, cụ thể:

- Đối với chủ rừng là đơn vị tập thể, người đứng đầu đơn vị chủ rừng có trách nhiệm: tổ chức xây dựng lực lượng tại chỗ và thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức pháp luật nâng cao năng lực hoạt động bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng; đầu tư trang bị phương tiện và đảm bảo các điều kiện cho hoạt động thực hiện nhiệm vụ của lực lượng tại chỗ.

- Đối với chủ rừng là hộ gia đình hoặc cá nhân có trách nhiệm thực hiện các biện pháp bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng theo quy định của pháp luật dưới sự hướng dẫn của cơ quan Kiểm lâm, Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tại địa phương.

2.3. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục, vận động trong cộng đồng tham gia bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng:

Công tác tuyên truyền, giáo dục và vận động quần chúng tham gia bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng là một trong những biện pháp quan trọng hàng đầu, là trách nhiệm của các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền và tổ chức đoàn thể cùng phối hợp thực hiện, giúp người dân nâng cao nhận thức về: vai trò, tầm quan trọng, lợi ích của rừng; về các quy định của pháp luật; về mục đích, ý nghĩa của công tác bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng. Chi cục Kiểm lâm với vai trò là cơ quan chuyên trách, có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện:

- Phối hợp Đài Tiếng nói nhân dân thành phố, Đài Truyền hình thành phố và các cơ quan thông tin truyền thông khác xây dựng phóng sự, bài viết phản ánh về công tác bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng, lồng ghép chương trình phổ biến văn bản pháp luật và phản ánh những đơn vị, gương người tốt, việc tốt trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng.

- Phối hợp các cấp chính quyền, tổ chức, đoàn thể tại những địa phương nơi có rừng và cây phân tán tăng cường các hoạt động: tổ chức tuyên truyền trực tiếp thông qua các buổi họp dân trong địa bàn dân cư; thông tin tuyên truyền trên đài phát thanh của xã.

- Tổ chức Tổ tuyên truyền lưu động, đi đến các điểm dân cư tập trung cận rừng dùng loa để phổ biến nội dung tuyên truyền kết hợp tranh cổ động, phát tờ rơi.

- Chủ trì phối hợp cùng chính quyền địa phương và sở, ngành liên quan tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, hội trại gắn với công tác truyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức bảo vệ, phát triển rừng và cây xanh trong học sinh thuộc các trường trung học cơ sở nằm trong địa bàn có rừng và cây phân tán.

2.4. Tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng và phòng trừ sinh vật hại cây rừng:

- Lực lượng bảo vệ rừng tăng cường các hoạt động kiểm tra, truy quét, chuyển hóa những khu vực trọng điểm, kịp thời ngăn chặn mọi hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng, săn bắt động vật rừng trái pháp luật; nắm tình hình sâu bệnh hại rừng kịp thời báo cáo cơ quan chức năng tổ chức phòng trừ; hướng dẫn người dân hoạt động nuôi thủy sản dưới tán rừng và sản xuất muối cận rừng thực hiện đúng quy định của pháp luật, không gây thiệt hại đến rừng.

- Cán bộ Kiểm lâm phụ trách địa bàn xã lập danh sách quản lý đối tượng chuyên hoạt động mua bán, khai thác lâm sản, săn bắt động vật rừng trái pháp luật tại địa phương; tham mưu Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn lập kế hoạch tổ chức giáo dục và vận động những đối tượng nằm trong danh sách quản lý tìm việc làm hợp pháp để sinh sống.

- Nâng cao vai trò của lực lượng tại chỗ, kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm, nắm bắt tình hình sinh vật gây hại trên diện tích rừng được giao. Đơn vị chủ rừng tăng cường chỉ đạo, tổ chức quản lý đối với lực lượng tại chỗ, kiên quyết xử lý đối với những cá nhân, đơn vị tập thể, hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng thiếu trách nhiệm để mất rừng, trong trường hợp tái phạm nhiều lần cần chấm dứt hợp đồng và thu hồi rừng để tổ chức giao khoán cho những hộ không có việc làm, đời sống khó khăn tại địa phương.

2.5. Tăng cường các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng và cây phân tán:

Trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, chính quyền địa phương các cấp, thủ trưởng các cơ quan chức năng và đơn vị chủ rừng luôn quán triệt phương châm 4 tại chỗ:“Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và vật tư hậu cần tại chỗ”; căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và đặc điểm, tình hình, điều kiện thực tế để triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng và cây phân tán theo quy định tại Nghị định số 09/2006/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ; đồng thời chủ động tổ chức thực hiện những biện pháp sau:

a) Xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng và cây phân tán giai đoạn 2012 - 2015 các cấp, hàng năm tổ chức diễn tập và điều chỉnh, bổ sung phương án của từng cấp, cụ thể:

- Đối với cấp thành phố: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy, Công an thành phố, Bộ Tư lệnh thành phố lập phương án, kế hoạch trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt thực hiện.

- Đối với cấp huyện nơi có rừng nằm trong vùng trọng điểm nguy cơ cháy cao: Hạt Kiểm lâm hoặc Phòng Kinh tế chủ trì phối hợp Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy, Công an, Ban Chỉ huy quân sự lập phương án, kế hoạch trình Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt thực hiện.

- Đối với cấp xã nơi có rừng và cây phân tán nằm trong vùng trọng điểm nguy cơ cháy cao, Công an xã chủ trì phối hợp Ban Chỉ huy quân sự xã, cán bộ Kiểm lâm địa bàn lập phương án, kế hoạch trình Ủy ban nhân dân cấp xã phê duyệt thực hiện.

- Các đơn vị chủ rừng hoặc cây phân tán có trách nhiệm lập phương án phòng cháy, chữa cháy rừng và kế hoạch tổ chức diễn tập phương án theo sự hướng dẫn và phê duyệt của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có thẩm quyền; thường xuyên điều chỉnh, bổ sung phương án sát với tình hình thực tế.

b) Bảo đảm điều kiện phương tiện phòng cháy, chữa cháy rừng:

- Tiếp tục đầu tư trang bị phương tiện chữa cháy cho 13 địa phương cấp xã nơi có rừng và cây phân tán nằm trong vùng trọng điểm nguy cơ cháy cao. Ủy ban nhân dân quận, huyện lập kế hoạch kinh phí đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố đầu tư trang bị máy bơm chữa cháy chuyên dụng.

- Hàng năm, trước thời điểm mùa khô, đơn vị chủ rừng căn cứ đặc điểm tình hình và nhu cầu thực tế trong phòng cháy, chữa cháy rừng, chủ động lập kế hoạch kinh phí đầu tư trang bị mới, bổ sung, bảo trì, sửa chữa đảm bảo các điều kiện như:

+ Các loại phương tiện, thiết bị, dụng cụ chữa cháy: máy bơm chữa cháy chuyên dùng, dụng cụ thủ công phục vụ công tác chữa cháy; hệ thống thông tin báo cháy (điểm chốt, chòi, tháp canh lửa, kẻng, thiết bị thông tin liên lạc).

+ Các công trình phòng chống cháy: phát dọn tạo đường băng cản lửa, thu gom đốt có kiểm soát nguồn vật liệu khô trong rừng, bơm nước giữ độ ẩm chân rừng để chủ động phòng chống cháy lan.

+ Các công trình đảm bảo nguồn nước chữa cháy: hồ chứa nước, kênh, mương dẫn nước ...

c) Duy trì chế độ thông tin cảnh báo nguy cơ cháy rừng: Trên cơ sở phối hợp giữa Chi cục Kiểm lâm, Trung tâm Khí tượng thủy văn khu vực phía Nam, Đài truyền hình thành phố cập nhật tình hình thời tiết, xác định cấp độ nguy cơ cháy rừng, thông tin đến các địa phương, đơn vị chủ rừng và người dân biết để đề phòng và có biện pháp ứng phó trong những tháng cao điểm mùa khô.

d) Tăng cường các loại bảng, biển cấm lửa nhắc nhở mọi người nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy. Các cấp chính quyền, đơn vị chủ rừng có trách nhiệm thực hiện:

- Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có rừng và cây phân tán trong vùng trong điểm nguy cơ cháy cao, hàng năm tổ chức kiểm tra, lập kế hoạch lắp đặt mới, sơn sửa các bảng quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy tại những khu vực sản xuất nông nghiệp cận rừng và cây phân tán ở địa phương, trình Ủy ban nhân dân quận, huyện phê duyệt thực hiện.

- Đơn vị chủ rừng có trách nhiệm đặt các biển cấm lửa tại vị trí bìa rừng và diện tích cây phân tán thuộc trách nhiệm quản lý, bảo vệ của đơn vị, nhằm khuyến cáo mọi người nhận biết khu vực dễ cháy, không sử dụng lửa trong khu vực cấm.

đ) Lực lượng Kiểm lâm, lực lượng xung kích, lực lượng tại chỗ tăng cường hoạt động tuần tra, canh phòng tại những khu vực trọng điểm thường xảy ra cháy, nhắc nhở người dân ra vào khu vực có rừng, cây phân tán chấp hành các quy định về an toàn phòng cháy, kịp thời ngăn chặn mọi hành vi vi phạm an toàn về phòng cháy, chữa cháy trên phạm vi diện tích rừng, cây phân tán do gia đình, đơn vị, cấp mình quản lý.

e) Thực hiện chế độ tự kiểm tra việc chấp hành và thực hiện các quy định, chế độ, nội quy về phòng cháy, chữa cháy. Thủ trưởng đơn vị chủ rừng chủ động tổ chức tự kiểm tra về những nội dung: tổ chức phân công trực chỉ huy, trực ban, tuần tra; quản lý hồ sơ, bảo quản, sử dụng thiết bị, phương tiện phòng cháy, chữa cháy. Kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những khâu còn thiếu sót, xử lý nghiêm đối với cá nhân, bộ phận thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực hiện các quy định, chế độ, nội quy phòng cháy, chữa cháy.

g) Tổ chức ký kết quy chế phối hợp, hỗ trợ giữa các phường, xã giáp ranh trong khu vực có rừng, cây phân tán và giữa các đơn vị chủ rừng nhằm phát huy tối đa điều kiện nhân lực, phương tiện phục vụ cho công tác chữa cháy rừng.

h) Phát huy tác dụng công trình thủy lợi phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng vào những tháng cao điểm mùa khô. Hàng năm, Công ty quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi phối hợp Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn khảo sát lập kế hoạch nạo vét, khai thông các tuyến kênh thuộc trách nhiệm quản lý; chủ động điều tiết đảm bảo nguồn nước phục vụ cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại nơi có hệ thống thủy lợi đi qua.

2.6. Nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật:

a) Tiếp tục nghiên cứu nâng cấp và mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin một cách có hệ thống và đồng bộ, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng gắn với công tác tổng kiểm kê tài nguyên rừng trên địa bàn thành phố.

b) Chủ động nghiên cứu tìm biện pháp tổng hợp phòng trừ sinh vật hại rừng, chống suy giảm chất lượng rừng phòng hộ Cần Giờ, không gây ảnh hưởng môi trường, các cơ quan chức năng thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện:

- Chi cục Bảo vệ thực vật nghiên cứu, giới thiệu và hướng dẫn đơn vị chủ rừng sử dụng các phương pháp, chế phẩm sinh học để phòng trừ sinh vật hại rừng.

- Chi cục Lâm nghiệp tham mưu tổ chức Hội thảo khoa học nhằm tập hợp ý kiến của các nhà khoa học và kinh nghiệm thực tế trong thực hiện các biện pháp lâm sinh của các tỉnh bạn để đúc kết và đề xuất những biện pháp lâm sinh áp dụng trên rừng đước trồng tại Cần Giờ.

- Chi cục Kiểm lâm tăng cường công tác bảo vệ các loài chim là thiên địch của sâu hại rừng.

2.7. Nghiên cứu áp dụng cơ chế, chính sách về quản lý, bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng:

- Nghiên cứu chính sách phí môi trường rừng đã được Chính phủ triển khai thí điểm tại Lâm Đồng và Sơn La. Cần nghiên cứu áp dụng trong phạm vi thành phố, nhằm tạo nguồn thu ngân sách để tái đầu tư cho công tác bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng thành phố.

- Nghiên cứu lập Quỹ bảo vệ và phát triển rừng, trên cơ sở Nghị định số 05/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về Quỹ bảo vệ và phát triển rừng, nhằm góp phần thực hiện xã hội hóa nghề rừng, tạo nguồn lực đảm bảo cho tổ chức thực hiện công tác bảo vệ rừng nhất là ở phường, xã, thị trấn nơi có rừng; xây dựng quy chế vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng Quỹ bảo vệ và phát triển rừng có hiệu quả.

- Các đơn vị chủ rừng phối hợp các đơn vị hoạt động dịch vụ du lịch đẩy mạnh áp dụng mô hình kết hợp hoạt động du lịch sinh thái gắn với bảo vệ rừng, nhằm mở ra cơ hội cho người dân sinh sống tại những địa phương có rừng nhất là đối với các hộ nhận khoán bảo vệ rừng có điều kiện nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần thực hiện Chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và Chương trình xây dựng nông thôn mới của thành phố đang được triển khai.

III. NHỮNG CHƯƠNG TRÌNH BẢO VỆ, PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY RỪNG GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

1. Chương trình 1: Chương trình nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy rừng và cây phân tán của cấp xã trong vùng trọng điểm nguy cơ cháy cao.

a) Mục tiêu: Gắn với việc kiện toàn tổ chức, yêu cầu trang bị phương tiện cho lực lượng xung kích phòng cháy, chữa cháy của cấp xã trong vùng trọng điểm nguy cơ cháy cao là cần thiết, nhằm tạo điều kiện nâng cao năng lực, chủ động giải quyết mọi đám cháy khi mới phát sinh, hạn chế đến mức thấp nhất những đám cháy lớn trong khu vực có rừng và cây phân tán, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác phòng cháy, chữa cháy rừng ở cơ sở (đính kèm danh sách tại phụ biểu 1).

b) Nội dung:

- Triển khai việc rà soát, tổ chức lực lượng xung kích phòng cháy, chữa cháy rừng tại các phường, xã có rừng hoặc diện tích cây lâm nghiệp trồng phân tán trong vùng trọng điểm nguy cơ cháy cao trên cơ sở lực lượng Dân phòng và lực lượng Dân quân địa phương.

- Đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy cho lực lượng Kiểm lâm, lực lượng xung kích tại địa phương cấp cơ sở và lực lượng tại chỗ.

- Đầu tư trang bị phương tiện đáp ứng yêu cầu cần thiết trang bị cho lực lượng xung kích phòng cháy, chữa cháy của địa phương cấp xã có rừng và cây phân tán nằm trong vùng trọng điểm nguy cơ cháy cao.

c) Thời gian và phân công thực hiện:

- Thực hiện trong năm 2012.

- Đơn vị thực hiện: Ủy ban nhân dân các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn và quận 9.

- Đơn vị phối hợp: Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Kiểm lâm).

2. Chương trình 2: Chương trình tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng.

a) Mục tiêu: Tiếp tục nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng, tạo điều kiện cơ sở vật chất, đào tạo cán bộ nhằm giúp nâng cao năng lực của các cơ quan, đơn vị trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng là cần thiết và phù hợp với chủ trương chung của Nhà nước.

b) Nội dung:

- Điều tra xác định phạm vi ứng dụng, lập chương trình và dự toán kinh phí thực hiện.

- Thu thập thông tin dữ liệu trên cơ sở ảnh vệ tinh, nguồn cơ sở dữ liệu hiện có kết hợp điều tra hiện trạng ngoài thực địa. Hiệu chỉnh bản đồ theo hệ tọa độ Vn2000 và cơ sở dữ liệu và cập nhật thông tin, dữ liệu hiện trạng tài nguyên rừng.

- Xây dựng trang Web Chi cục Kiểm lâm để phục vụ thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hướng dẫn thủ tục hành chính trong quản lý, bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng, giới thiệu về hiện trạng rừng và cảnh báo nguy cơ cháy rừng, cây phân tán hàng năm.

- Đầu tư thiết bị, vật tư kỹ thuật: máy vi tính phục vụ công tác chuyên môn tại Chi cục Kiểm lâm; máy định vị trang bị cho 5 huyện, quận có rừng, 5 đơn vị thuộc Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy, 10 đơn vị thuộc Chi cục Kiểm lâm.

- Đào tạo, huấn luyện, chuyển giao kỹ thuật.

c) Thời gian và phân công thực hiện:

- Thực hiện trong 2 năm, từ năm 2012 đến năm 2013.

- Đơn vị thực hiện: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Kiểm lâm).

- Đơn vị phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông, Chi cục Lâm nghiệp, Ủy ban nhân dân của 5 huyện, quận có rừng.

3. Chương trình 3: Chương trình tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng.

a) Mục tiêu: Nhằm nâng cao nhận thức của người dân về vai trò và tầm quan trọng của rừng đối với đời sống xã hội, các quy định của pháp luật về nghĩa vụ, trách nhiệm của người dân trong việc tham gia bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng.

b) Nội dung chương trình:

- Khảo sát, lập kế hoạch và dự toán kinh phí thực hiện.

- Xây dựng, thiết kế nội dung, in ấn tài liệu tuyên truyền: gồm tờ bướm, áp phích, chương trình thi tìm hiểu về bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng.

- Tổ chức các hình thức tuyên truyền, vận động trong động đồng dân cư thuộc địa bàn 25 xã, phường, thị trấn có rừng và cây phân tán (đính kèm danh sách tại Phụ biểu 2):

+ Tổ chức họp tuyên truyền, phổ biến pháp luật: Số người tham dự 100 người/xã/năm.

+ Thực hiện 2 phóng sự truyền hình/năm.

+ Thực hiện 2 phóng sự phát thanh/năm.

+ Tuyên truyền lưu động, kết hợp áp phích, tờ bướm tuyên truyền: thực hiện 1 đợt/xã/năm.

- Tổ chức cuộc vận động trong đối tượng học sinh thi viết tìm hiểu về chủ đề “Rừng, cây xanh với đời sống đô thị” tại 34 trường trung học cơ sở trên địa bàn quận, huyện có rừng (đính kèm danh sách tại Phụ biểu 3), nhằm khuyến khích thanh thiếu niên, học sinh chủ động tìm hiểu nâng cao nhận thức về mối quan hệ giữa rừng, cây xanh với đời sống của dân cư đô thị, qua đó hướng tuổi trẻ tại địa bàn có rừng tích cực hành động góp phần bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng, bảo vệ cây xanh của thành phố.

+ Tổ chức Hội trại chủ đề “Tuổi trẻ chung tay vì một thành phố xanh" vào dịp hè hàng năm, nhằm tổng kết, trao thưởng, kết hợp tổ chức những hoạt động thiết thực như: tham gia trồng cây gây rừng, tham quan, giao lưu tìm hiểu về hoạt động bảo vệ rừng... Hội trại tổ chức 01 lần/năm với quy mô 200 học sinh tham dự, địa điểm tổ chức mỗi năm được thay đổi lần lượt tại địa bàn các huyện Cần Giờ, Bình Chánh, Củ Chi và quận 9 để tạo điều kiện cho học sinh giao lưu và tìm hiểu về rừng của các vùng có đặc điểm sinh thái khác nhau.

c) Thời gian và phân công thực hiện:

- Thời gian thực hiện trong 4 năm, từ năm 2012 đến năm 2015.

- Đơn vị chủ trì: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Kiểm lâm).

- Đơn vị phối hợp: Sở Giáo dục và Đào tạo, Đài Tiếng nói nhân dân thành phố, Đài Truyền hình thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông, Thành Đoàn, Ủy ban nhân dân các quận, huyện nơi có rừng.

IV. TIẾN ĐỘ, KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Tiến độ thực hiện (đính kèm bảng thuyết minh tại Phụ biểu 4).

- Năm 2011: Tiến hành lập kế hoạch thực hiện các chương trình và trình cấp thẩm quyền phê duyệt.

- Năm 2012: Tổ chức triển khai Chương trình 1 và Chương trình 2, khởi động Chương trình 3 sau khi được cấp thẩm quyền phê duyệt.

- Năm 2013: Tổng kết, đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện Chương trình 1 và Chương trình 2, tiếp tục thực hiện Chương trình 3.

- Năm 2014 và 2015: Tiếp tục thực hiện Chương trình 3, cuối năm 2015 tiến hành tổng kết, đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện.

2. Nhu cầu kinh phí (đính kèm bảng dự toán chi tiết tại Phụ biểu 5).

- Kinh phí thực hiện: 6.757.000.000 (Sáu tỷ bảy trăm năm mươi bảy triệu) đồng.

- Nguồn kinh phí thực hiện: do ngân sách thành phố thuộc chi sự nghiệp cấp bổ sung hàng năm.

- Phân kỳ thực hiện:

Nội dung

Cộng

Nhu cầu kinh phí thực hiện theo năm(1000 đồng)

2011

2012

2013

2014

2015

Chương trình 1: Chương trình nâng cao năng lực phòng cháy và chữa cháy rừng của cấp xã trong vùng trọng điểm nguy cơ cháy cao

2.510.000

 

2.510.000

 

 

 

Chương trình 2: Chương trình tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng

1.160.000

 

1.010.000

150.000

 

 

Chương trình 3: Chương trình tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng

3.087.000

 

777.000

770.000

770.000

770.000

Tổng cộng

6.757.000

 

4.297.000

920.000

770.000

770.000

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục rà soát, theo dõi, hướng dẫn thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước và của thành phố trong lĩnh vực bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng đã và đang phát huy hiệu quả; đồng thời, nghiên cứu kiến nghị với Trung ương, Ủy ban nhân dân thành phố sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật, những cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền nhằm đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của chính quyền các cấp, của chủ rừng và của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng; tăng cường sự phối hợp các lực lượng chức năng của thành phố và các tỉnh bạn trong hoạt động bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng, kiểm tra, kiểm soát lâm sản cho phù hợp với tình hình thực tế của thành phố.

- Chủ trì, phối hợp các sở, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các quận, huyện nơi có rừng lập kế hoạch tổ chức thực hiện các Chương trình.

- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp về quản lý bảo vệ rừng; trước mắt cần lập kế hoạch triển khai tổng kiểm kê rừng trên địa bàn thành phố trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt để thực hiện theo kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; lập phương án phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 - 2015.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường: phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo việc tổng điều tra, kiểm kê đất lâm nghiệp; hướng dẫn đơn vị chủ rừng thực hiện rà soát, xác định và cấm mốc ranh giới ngoài thực địa diện tích đất lâm nghiệp.

3. Sở Tài chính: cân đối, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố giải quyết, bố trí ngân sách sự nghiệp hàng năm cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Kiểm lâm) và Ủy ban nhân dân các huyện, quận nơi có rừng để triển khai thực hiện các nội dung Chương trình quản lý bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 - 2015.

4. Bộ Tư lệnh thành phố: chỉ đạo các đơn vị Quân đội trực thuộc, lực lượng Dân quân tự vệ tại các địa phương có rừng tăng cường phối hợp lực lượng Kiểm lâm trong hoạt động bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng.

5. Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy.

- Phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân quận, huyện chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng.

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác phòng cháy, chữa cháy đối với những địa bàn có rừng và cây phân tán, tăng cường phối hợp tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ và kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

- Phối hợp Ủy ban nhân dân các quận, huyện có rừng lập kế hoạch thực hiện “Chương trình nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy rừng và cây phân tán của cấp xã trong vùng trọng điểm nguy cơ cháy cao”.

6. Công an thành phố: chỉ đạo các phòng nghiệp vụ và công an các quận, huyện nơi có rừng lập kế hoạch phối hợp lực lượng Kiểm lâm trong hoạt động bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa chữa rừng và điều tra, xử lý vi phạm.

7. Sở Giáo dục và Đào tạo: phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập kế hoạch triển khai thực hiện “Chương trình tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ và phát triển rừng” trong đối tượng học sinh phổ thông, học sinh trung học cơ sở tại những địa phương có rừng.

8. Sở Thông tin và Truyền thông: phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập kế hoạch thực hiện “Chương trình tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng”.

9. Đài Tiếng nói nhân dân thành phố, Đài Truyền hình thành phố: phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập kế hoạch triển khai thực hiện “Chương trình tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ và phát triển rừng”.

10. Thành đoàn: phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập kế hoạch triển khai thực hiện “Chương trình tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng bảo vệ và phát triển rừng” trong đối tượng đoàn viên thanh niên.

11. Ủy ban nhân dân các quận, huyện nơi có rừng: chỉ đạo các phòng chức năng, Ủy ban nhân dân các phường, xã, thị trấn tăng cường vai trò quản lý Nhà nước về lâm nghiệp; xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng; lập kế hoạch thực hiện “Chương trình nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy rừng và cây phân tán của cấp xã trong vùng trọng điểm nguy cơ cháy cao” và phối hợp thực hiện các Chương trình trọng tâm có liên quan./.


Phụ biểu 1:

DANH SÁCH CÁC ĐỊA PHƯƠNG CẤP XÃ NẰM TRONG VÙNG TRỌNG ĐIỂM NGUY CƠ CHÁY CAO TIẾP TỤC TRANG BỊ MÁY BƠM CHỮA CHÁY CHUYÊN DỤNG

(Kèm theo Quyết định số 509/QĐ-UBND ngày 03 tháng 02 năm 2012 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh)

Stt

Quận, huyện / Phường, xã

TỔNG CỘNG (ha)

Diện tích 3 loại rừng (ha)

Diện tích cây phân tán và cây khác (ha)

Tình hình trang bị máy bơm chữa cháy (bộ)

Ghi chú

Đã trang bị

Tiếp tục trang bị

(1)

(2)

(3)=(4)+(5)

(4)

(5)

(6)

(7)

(8)

 

Tổng cộng

11.729.73

1.988.61

9.741.12

6

13

 

I

Huyện Bình Chánh

5207.94

1123.21

4084.73

4

1

 

1

Xã Vĩnh Lộc A

206.60

 

206.60

x

 

 

2

Xã Vĩnh Lộc B

232.15

 

232.15

x

 

 

3

Xã Bình Lợi

1212.98

 

1212.98

 

x

 

4

Xã Lê Minh Xuân

2105.91

610.79

1495.12

x

 

 

5

Xã Phạm Văn Hai

1450.30

512.42

937.88

x

 

 

II

Huyện Củ Chi

5328.14

503.38

4824.76

2

7

 

6

Phú Mỹ Hưng

942.18

114.72

827.46

 

x

 

7

Phước Vĩnh An

262.68

201.3

61.38

 

x

 

8

Tân An Hội

756.51

139.7

616.81

x

 

 

9

Phạm Văn Cội

1416.25

44.63

1371.62

 

x

 

10

Nhuận Đức

180.40

3.03

177.37

 

x

 

11

Thái Mỹ

497.67

 

497.67

 

x

 

12

Phước Hiệp

476.58

 

476.58

x

 

 

13

Tân Thông Hội

163.56

 

163.56

 

x

 

14

An Phú

632.31

 

632.31

 

x

 

III

Huyện Hóc Môn

938.42

305.41

633.01

0

3

 

15

Xã Xuân Thới Thượng

183.52

 

183.52

 

x

 

16

Xã Tân Thới Nhì

442.84

171.2

271.64

 

x

 

17

Xã Xuân Thới Sơn

312.06

134.21

177.85

 

x

 

IV

Quận 9

255.23

56.61

198.62

0

2

 

18

Phường Long Bình

120.54

56.61

63.93

 

x

 

19

Phường Long Thạnh Mỹ

134.69

 

134.69

 

x

 

 


Phụ biểu 2:

DANH SÁCH XÃ, PHƯỜNG , THỊ TRẤN CÓ RỪNG, CÂY PHÂN TÁN

Tăng cường tuyên truyền, vận động về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng

(Kèm theo Quyết định số 509/QĐ-UBND ngày 03 tháng 02 năm 2012 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh)

Stt

Quận, huyện / Phường, xã

TỔNG CỘNG

Diện tích 3 loại rừng

Diện tích cây phân tán và cây khác

Cộng

Cộng

(1)

(2)

(3)=(4)+(5)

(4)

(5)

 

Tổng cộng

44.058.93

34.317.81

9.741.12

I.

Huyện Cần Giờ

32.329.20

32.329.20

 

1

An Thới Đông

4.890.34

4.890.34

 

2

Tam Thôn Hiệp

7.892.37

7.892.37

 

3

Thạnh An

6.258.79

6.258.79

 

4

Long Hòa

7.510.81

7.510.81

 

5

Lý Nhơn

5.201.11

5.201.11

 

6

Thị trấn Cần thạnh

575.78

575.78

 

II.

Huyện Bình Chánh

5207.94

1123.21

4084.73

7

Lê Minh Xuân

2105.91

610.79

1495.12

8

Phạm Văn Hai

1450.30

512.42

937.88

9

Vĩnh Lộc A

206.60

 

206.60

10

Vĩnh Lộc B

232.15

 

232.15

11

Bình Lợi

1212.98

 

1212.98

III.

Huyện Củ Chi

5328.14

503.38

4824.76

12

Phú Mỹ Hưng

942.18

114.72

827.46

13

Phước Vĩnh An

262.68

201.3

61.38

14

Tân An Hội

756.51

139.7

616.81

15

Phạm Văn Cội

1416.25

44.63

1371.62

16

Nhuận Đức

180.40

3.03

177.37

17

Thái Mỹ

497.67

 

497.67

18

Phước Hiệp

476.58

 

476.58

19

Tân Thông Hội

163.56

 

163.56

20

An Phú

632.31

 

632.31

IV.

Huyện Hóc Môn

938.42

305.41

633.01

21

Xuân Thới Thượng

183.52

 

183.52

22

Tân Thới Nhì

442.84

171.2

271.64

23

Xuân Thới Sơn

312.06

134.21

177.85

V.

Quận 9

255.23

56.61

198.62

24

Long Bình

120.54

56.61

63.93

25

Long Thạnh Mỹ

134.69

 

134.69

 

Phụ biểu 3:

DANH SÁCH TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ

Tham gia chương trình giáo dục về bảo vệ rừng và phát triển rừng

(Kèm theo Quyết định số 509/QĐ-UBND ngày 03 tháng 02 năm 2012 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh)

Số TT

TÊN TRƯỜNG

ĐỊA CHỈ

1

PHẠM VĂN HAI

3A28 Tỉnh lộ 10, ấp 3,Xã Phạm Văn Hai - Huyện Bình Chánh

2

ĐỒNG ĐEN

Ấp 6, Xã Vĩnh Lộc A - Huyện Bình Chánh

3

GÒ XOÀI

Xã Bình Lợi - Huyện Bình Chánh

4

VĨNH LỘC A

F7/31 ẤP 6, Xã Vĩnh Lộc A - Huyện Bình Chánh

5

LÊ MINH XUÂN

G8/1 Ấp 7, Xã Lê Minh Xuân - Huyện Bình Chánh

6

VĨNH LỘC B

Đường Lại Hùng Cường, Xã Vĩnh Lộc B - Huyện Bình Chánh

7

AN THỚI ÐÔNG

Ấp An Đông, Xã An Thới Ðông - Huyện Cần Giờ

8

BÌNH KHÁNH

Ấp Bình An, Xã Bình Khánh - Huyện Cần Giờ

9

CẦN THẠNH

Khu phố Miếu Nhì, Xã Cần Thạnh - Huyện Cần Giờ

10

LONG HOÀ

Ấp Long Thạnh, Xã Long Hòa - Huyện Cần Giờ

11

LÝ NHƠN

Ấp Lý Thái Bữu, Xã Lý Nhơn - Huyện Cần Giờ

12

TAM THÔN HIỆP

Ấp An Hòa, Xã Tam Thôn Hiệp - Huyện Cần Giờ

13

THẠNH AN

Ấp Thạnh Hòa, Xã Thạnh An - Huyện Cần Giờ

14

DOI LẦU

Ấp Doi Lầu, Xã An Thới Ðông - Huyện Cần Giờ

15

TÂN THÔNG HỘI

Ấp Hậu, Xã Tân Thông Hội - Huyện Củ Chi

16

TÂN TIẾN

Ấp Tân Tiến, Xã Tân Thông Hội - Huyện Củ Chi

17

THỊ TRẤN

Khu phố 5, TT Củ Chi - Huyện Củ Chi

18

THỊ TRẤN 2

Khu phố 7, TT Củ Chi - Huyện Củ Chi

19

PHƯỚC VĨNH AN

Ấp 5, Xã Phước Vĩnh An - Huyện Củ Chi

20

PHƯỚC HIỆP

Ấp Phước Hòa, Xã Phước Hiệp - Huyện Củ Chi

21

PHƯỚC THẠNH

Ấp Chợ, Xã Phước Thạnh - Huyện Củ Chi

22

NGUYỄN VĂN XƠ

Ấp Bình Thượng 1, Xã Thái Mỹ - Huyện Củ Chi

23

AN NHƠN TÂY

Ấp Xóm Trại, Xã An Nhơn Tây - Huyện Củ Chi

24

AN PHÚ

Ấp Phú Bình, Xã An Phú - Huyện Củ Chi

25

NHUẬN ÐỨC

Ấp Ngã Tư, Xã Nhuận Ðức - Huyện Củ Chi

26

PHẠM VĂN CỘI

Đường Bùi Thị Điệt, ấp 3, Xã Phạm văn Cội - Huyện Củ Chi

27

PHÚ MỸ HƯNG

Ấp Phú Lợi, Xã Phú Mỹ Hưng - Huyện Củ Chi

28

TÂN AN HỘI

Xã Tân An Hội - Huyện Củ Chi

29

LÝ CHÍNH THẮNG 1

5/5 Ấp Dân Thắng 2, Xã Tân Thới Nhì - Huyện Hóc Môn

30

NGUYỄN HỒNG ÐÀO

Đ.Nguyễn Văn Bứa , ẤP 1, Xuân Thới Sơn - Hóc Môn

31

XUÂN THỚI THƯỢNG

35 Phan Văn Hớn, Xã Xuân Thới Thượng - Huyện Hóc Môn

32

HƯNG BÌNH

189 Nguyễn Xiển, Phường Long Thạnh Mỹ - Quận 9

33

LONG BÌNH

Ấp Bến Đò, Phường Long Bình - Quận 9

34

TÂN PHÚ

Ðường Nam Cao, Phường Tân Phú - Quận 9

 


Phụ biểu 4.

TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH QUẢN LÝ BẢO VỆ, PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY RỪNG

(Kèm theo Quyết định số 509/QĐ-UBND ngày 03 tháng 02 năm 2012 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh)

STT

Mục tiêu và nội dung chính

Thời gian thực hiện

Đơn vị chủ trì

Đơn vị phối hợp

I

Chương trình 1: Chương trình nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy rừng và cây phân tán của cấp xã trong vùng trọng điểm nguy cơ cháy cao

1

Lập kế hoạch thực hiện

2011

Huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn và Quận 9

- Sở Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy thành phố

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Kiểm lâm)

2

Triển khai việc rà soát, tổ chức lực lượng xung kích phòng cháy chữa cháy rừng tại các phường, xã có rừng hoặc diện tích cây lâm nghiệp trồng phân tán trong vùng trọng điểm nguy cơ cháy cao trên cơ sở lực lượng dân phòng và dân quân du kích địa phương

2011

Phường/xã nơi có rừng và cây phân tán trong vùng trọng điểm

- Huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn và Quận 9

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Kiểm lâm)

3

Đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy cho lực lượng Kiểm lâm, lực lượng xung kích tại địa phương cấp cơ sở và lực lượng tại chỗ

2011

Huyện Bình Chánh, Củ Chi và Quận 9

- Sở Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy thành phố

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Kiểm lâm)

4

Đầu tư trang bị phương tiện đáp ứng yêu cầu cần thiết trang bị cho lực lượng xung kích phòng cháy, chữa cháy của địa phương cấp xã có rừng và cây phân tán nằm trong vùng trọng điểm nguy cơ cháy cao

2012

Huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn và Quận 9

 

II

Chương trình 2: Chương trình tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng

1

 Điều tra xác định phạm vi ứng dụng, lập chương trình và dự toán kinh phí thực hiện

2011

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Kiểm lâm)

Sở Thông tin và Truyền thông thành phố

2

Thu thập thông tin dữ liệu trên cơ sở ảnh vệ tinh, nguồn cơ sở dữ liệu hiện có kết hợp điều tra hiện trạng ngoài thực địa. Hiệu chỉnh bản đồ (theo hệ tọa độ Vn2000) và cơ sở dữ liệu và cập nhật thông tin, dữ liệu hiện trạng tài nguyên rừng

2012

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Kiểm lâm)

Sở Thông tin và Truyền thông thành phố

3

Xây dựng trang Web Chi cục Kiểm lâm để phục vụ thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hướng dẫn thủ tục hành chính trong quản lý, bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng, giới thiệu về hiện trạng rừng và cảnh báo nguy cơ cháy rừng, cây phân tán hàng năm

2012

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Kiểm lâm)

Sở Thông tin và Truyền thông thành phố

4

Đầu tư thiết bị, vật tư kỹ thuật: máy vi tính (phục vụ công tác chuyên môn tại Chi cục Kiểm lâm); máy định vị (trang bị cho 5 quận - huyện có rừng, 5 đơn vị thuộc Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, 10 đơn vị thuộc Chi cục Kiểm lâm)

2012

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Kiểm lâm)

 

5

Đào tạo, huấn luyện, chuyển giao kỹ thuật

2012

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Kiểm lâm)

Hợp tác trường Đại học Nông Lâm TP.HCM

III

Chương trình 3: Chương trình tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng

1

Điều tra lập chương trình và dự toán kinh phí thực hiện

Hàng năm

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Kiểm lâm)

- Huyện Cần Giờ, Bình Chánh, Củ Chi và Quận 9

- Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố

- Sở Thông tin và Truyền thông thành phố

- Thành Đoàn

2

Xây dựng, thiết kế nội dung, in ấn tài liệu tuyên truyền: gồm tờ bướm, áp phích, nội dung chương trình thi tìm hiểu về bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng

Hàng năm

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Kiểm lâm)

 

3

Tổ chức các hình thức tuyên truyền, vận động trong động đồng dân cư thuộc địa bàn 25 xã, phường, thị trấn có rừng và cây phân tán

 

 

 

-

Thực hiện phóng sự truyền hình

Hàng năm

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Kiểm lâm)

- Đài Truyền hình thành phố

-

Thực hiện phóng sự phát thanh

- Đài Tiếng nói nhân dân thành phố và Đài Phát thanh các quận huyện

-

Họp tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong dân cư trên địa bàn phường, xã, thị trấn nơi có rừng và cây phân tán

Hàng năm

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Kiểm lâm)

Phường, xã , thị trấn nơi có rừng

-

Tuyên truyền lưu động trên địa bàn 25 xã, phường, thị trấn nới có rừng và cây phấn tán

Hàng năm

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Kiểm lâm)

Phường, xã , thị trấn nơi có rừng

-

Phát động trong học sinh thi tìm hiểu về rừng với chủ đề “Rừng, cây xanh với đời sống đô thị”

Hàng năm

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Kiểm lâm)

- Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố

- Huyện Cần Giờ, Bình Chánh, Củ Chi và Quận 9

-

Tổ chức Hội trại chủ đề “Tuổi trẻ chung tay vì một thành phố xanh" và tổng kết trao giải.

Hàng năm

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Kiểm lâm)

- Thành Đoàn

- Trường THCS, THPT của 5 quận, huyện nơi có rừng

- BQL rừng đặc dụng, rừng phòng hộ

 

Phụ biểu 5.

KHÁI TOÁN KINH PHÍ THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH QUẢN LÝ BẢO VỆ, PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY RỪNG

(Kèm theo Quyết định số 509/QĐ-UBND ngày 03 tháng 02 năm 2012 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh)

Đơn vị tính: 1.000 đồng

STT

 Mục tiêu và nội dung chính

Sản phẩm

Chi phí bình quân năm

Thời gian thực hiện (số năm)

Tổng
chi phí

 Phân kỳ kinh phí thực hiện

Số
lượng

Đơn
giá

Thành
tiền

2011

2012

2013

2014

2015

TỔNG CỘNG (I+II+III)

 

 

 

 

 

6.757.002

 

4.297.000

920.002

770.000

770.000

I

Chương trình 1: Chương trình nâng cao năng lực PCCC rừng và cây phân tán của cấp xã trong vùng trọng điểm nguy cơ cháy cao

2011-2012

2.510.000

 

2.510.000

 

 

 

1

Lập kế hoạch thực hiện

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2

Triển khai việc rà soát, tổ chức lực lượng xung kích phòng cháy chữa cháy rừng tại các phường, xã có rừng hoặc diện tích cây lâm nghiệp trồng phân tán trong vùng trọng điểm nguy cơ cháy cao trên cơ sở lực lượng dân phòng và dân quân du kích địa phương

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

3

Đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy cho lực lượng Kiểm lâm, lực lượng xung kích tại địa phương cấp cơ sở và lực lượng tại chỗ

lớp (112 học viên/lớp, thành phần: lựclượng kiểm lâm: 60 người,lực lượng xung kích: 208, lực lượng tại chỗ: 292)

5

15.000

75.000

1

75.000

 

75.000

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

4

Đầu tư trang bị phương tiện đáp ứng yêu cầu cần thiết trang bị cho lực lượng xung kích phòng cháy, chữa cháy của địa phương cấp xã có rừng và cây phân tán nằm trong vùng trọng điểm nguy cơ cháy cao

 

 

 

2.435.000

 

2.435.000

 

2.435.000

 

 

 

-

Máy bơm chuyên dùng PCCC TOHATSU V20

bộ

13

150.000

1.950.000

 

 

 

 

 

 

 

-

Vòi (Đức sản xuất)

cuộn

273

1.600

436.800

 

 

 

 

 

 

 

-

Lăng phun

chiếc

26

200

5.200

 

 

 

 

 

 

 

-

Khớp nối

chiếc

13

200

2.600

 

 

 

 

 

 

 

-

Ba chạt

chiếc

13

400

5.200

 

 

 

 

 

 

 

-

Loa cầm tay (TOA ER1215)

chiếc

19

1.300

24.700

 

 

 

 

 

 

 

-

Trang phục bảo hộ: Giầy, nón bảo hộ

bộ

210

50

10.500

 

 

 

 

 

 

 

II

Chương trình 2: Chương trình ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng

2012-2013

1.160.002

 

1.010.000

150.002

 

 

1

Điều tra xác định phạm vi ứng dụng, lập chương trình và dự toán kinh phí thực hiện

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2

Thu thập thông tin dữ liệu trên cơ sở ảnh vệ tinh, nguồn cơ sở dữ liệu hiện có kết hợp điều tra hiện trạng ngoài thực địa. Hiệu chỉnh bản đồ (theo hệ tọa độ Vn2000) và cơ sở dữ liệu và cập nhật thông tin, dữ liệu hiện trạng tài nguyên rừng

Chuyển đổi cơ sở dữ liệu theo tiêu chuẩn Việt Nam

1

615.000

615.000

1

615.000

 

615.000

 

 

 

3

Xây dựng trang Web Chi cục Kiểm lâm để phục vụ thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hướng dẫn thủ tục hành chính trong quản lý, bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng, giới thiệu về hiện trạng rừng và Cảnh báo nguy cơ cháy rừng, cây phân tán hàng năm

Trang Web Chi cục Kiểm lâm

1

130.000

130.000

1

130.000

 

 

130.000

 

 

4

Đầu tư thiết bị, vật tư kỹ thuật: máy vi tính (phục vụ công tác chuyên môn tại Chi cục Kiểm lâm); máy định vị (trang bị cho 5 quận - huyện có rừng, 5 đơn vị thuộc Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, 10 đơn vị thuộc Chi cục Kiểm lâm)

 

 

 

395.000

1

395.000

 

395.000

 

 

 

-

Bản quyền phần mềm Mapinfo

bộ

1

45.000

45.000

 

 

 

 

 

 

 

-

Máy vi tính: Cấu hình quản lý và xử lý bản đồ số (Chi cục Kiểm lâm)

bộ

2

25.000

50.000

 

 

 

 

 

 

 

-

Máy định vị (Gồm: 5 quận, huyện có rừng; 5 đơn vị thuộc Sở Cảnh sát PCCC thành phố; 10 đơn vị thuộc Chi cục Kiểm lâm)

cái

20

15.000

300.000

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

3

5

Đào tạo, huấn luyện, chuyển giao kỹ thuật

lớp (20 học viên/lớp, chủ yếu là cán bộ quản lý lâm nghiệp, PCCC tại 5 quận, huyện có rừng)

2

10.000

20.000

1

20.000

 

 

20.000

 

 

III

Chương trình 3: Chương trình tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ và phát triển rừng

2012-2015

3.087.000

 

777.000

770.000

770.000

770.000

1

Điều tra lập chương trình và dự toán kinh phí thực hiện

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2

Xây dựng, thiết kế nội dung, in ấn tài liệu tuyên truyền: gồm tờ bướm, áp phích, chương trình thi tìm hiểu về bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng

 

 

 

267.000

 

1.047.000

 

267.000

260.000

260.000

260.000

-

Xây dựng, thiết kế nội dung:

 

 

 

7.000

1

7.000

 

7.000

 

 

 

+

Tờ bướm

mẫu

2

1.000

2.000

 

 

 

 

 

 

 

+

Áp phích (Poster)

mẫu

3

1.000

3.000

 

 

 

 

 

 

 

+

Chương trình thi tìm hiểu về bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng

bộ

1

2.000

2.000

 

 

 

 

 

 

 

-

In ấn:

 

 

 

260.000

4

1.040.000

 

260.000

260.000

260.000

260.000

+

Tờ bướm

tờ/năm

50.000

2

100.000

 

 

 

 

 

 

 

+

Áp phích (Poster)

tờ/năm

4.000

15

60.000

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

4

+

Chương trình thi tìm hiểu về bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng

bộ

10.000

10

100.000

 

 

 

 

 

 

 

3

Tổ chức các hình thức tuyên truyền, vận động trong động đồng dân cư, học sinh thuộc địa bàn 25 xã, phường, thị trấn có rừng và cây phân tán

 

 

 

510.000

4

2.040.000

 

510.000

510.000

510.000

510.000

-

Thực hiện phóng sự truyền hình

phóng sự

2

30.000

60.000

 

 

 

 

 

 

 

-

Thực hiện phóng sự phát thanh

phóng sự

2

15.000

30.000

 

 

 

 

 

 

 

-

Họp tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong dân cư trên địa bàn phường, xã, thị trấn nơi có rừng và cây phân tán

100người/ năm/địa phương

2.500

30

75.000

 

 

 

 

 

 

 

-

Tuyên truyền lưu động trên địa bàn 25 xã, phường, thị trấn nới có rừng và cây phấn tán

1 đợt/xã/năm

25

3.000

75.000

 

 

 

 

 

 

 

-

Phát động trong học sinh thi tìm hiểu về rừng với chủ đề “Rừng, cây xanh với đời sống đô thị”

lớp

34

5.000

170.000

 

 

 

 

 

 

 

-

Tổ chức Hội trại chủ đề “Tuổi trẻ chung tay vì một thành phố xanh" và tổng kết trao giải

học sinh

200

500

100.000

 

 

 

 

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 509/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Chương trình quản lý bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 - 2015 do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 509/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 03/02/2012
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Lê Minh Trí
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 11
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản