Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 509/QĐ-BNN-TC

Hà Nội, ngày 12 tháng 02 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH PHÂN CẤP THẨM QUYỀN SỬA CHỮA, BẢO TRÌ, CẢI TẠO, NÂNG CẤP, MỞ RỘNG CƠ SỞ VẬT CHẤT; MUA SẮM NHẰM DUY TRÌ HOẠT ĐỘNG THƯỜNG XUYÊN; QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN CÔNG TẠI CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP DO BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN QUẢN LÝ

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 15/2017/NĐ-CP ngày 17/02/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý, sử dụng tài sản công;

Căn cứ Thông tư số 92/2017/TT-BTC ngày 18/9/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Quy định về việc lập dự toán, phân bổ và quyết toán kinh phí để thực hiện sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất;

Căn cứ Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết việc sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thẩm quyền phê duyệt, điều chỉnh kế hoạch sử dụng kinh phí và danh mục mua sắm, sửa chữa tài sản

1) Vụ Tài chính phê duyệt và điều chỉnh kế hoạch sử dụng tất cả các nguồn kinh phí cho các đơn vị dự toán trực thuộc Bộ (trừ các đơn vị dự toán trực thuộc các đơn vị được quy định tại Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 và Khoản 5 của Điều này) theo mẫu Phụ lục đính kèm;

2) Các Tổng cục: Thủy lợi, Lâm Nghiệp, Thủy sản và Phòng, chống thiên tai (sau đây viết tắt là các Tổng cục) phê duyệt và điều chỉnh kế hoạch sử dụng kinh phí cho các đơn vị dự toán trực thuộc Tổng cục;

3) Các Viện: Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam và Khoa học Thủy lợi Việt Nam (sau đây gọi là Viện xếp hạng đặc biệt) phê duyệt kế hoạch sử dụng kinh phí cho các đơn vị dự toán trực thuộc Viện;

4) Học viện Nông nghiệp Việt Nam (sau đây viết tắt là Học viện) phê duyệt kế hoạch sử dụng kinh phí cho các đơn vị dự toán trực thuộc Học viện;

5) Các cơ quan, đơn vị được Bộ giao chủ trì thực hiện chương trình mục tiêu phê duyệt kế hoạch sử dụng nguồn kinh phí tại điểm b Khoản 2 Điều 2 của Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 của Bộ Tài chính.

Điều 2. Thẩm quyền thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng

1. Các Tổng cục thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng cho các đơn vị dự toán trực thuộc đối với các nguồn kinh phí quy định tại Khoản 2 Điều 2 của Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 của Bộ Tài chính.

2. Các Viện xếp hạng đặc biệt và Học viện tổ chức thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng cho các đơn vị dự toán trực thuộc đối với các nguồn kinh phí quy định tại Khoản 2 Điều 2 của Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 của Bộ Tài chính (không bao gồm công trình làm thay đổi kết cấu chịu lực của công trình đã có; thay đổi mặt bằng quy hoạch được duyệt).

3. Đối với nguồn kinh phí quy định tại điểm a, điểm b, điểm d và điểm đ Khoản 2 Điều 2 của Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 của Bộ Tài chính:

a) Cục Quản lý xây dựng công trình thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng, gồm:

- Công trình có tổng kinh phí được phê duyệt trong năm từ 03 tỷ đồng trở lên cho các đơn vị dự toán trực thuộc Bộ (trừ các đơn vị dự toán trực thuộc các Tổng cục, Viện xếp hạng đặc biệt, Học viện được quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này);

- Công trình xây mới, cải tạo sửa chữa làm thay đổi kết cấu chịu lực của công trình (không phân biệt tổng mức đầu tư) cho các đơn vị dự toán trực thuộc Bộ.

b) Thủ trưởng đơn vị dự toán trực thuộc Bộ tổ chức thẩm định, phê duyệt và phê duyệt điều chỉnh báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng các công trình còn lại.

4. Đối với nguồn vốn quy định tại điểm e, điểm h tại Khoản 2 Điều 2 của Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 của Bộ Tài chính:

a) Cục Quản lý xây dựng công trình thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng đối với các công trình xây mới, cải tạo sửa chữa làm thay đổi kết cấu chịu lực của công trình đã có cho các đơn vị dự toán trực thuộc Bộ (trừ các đơn vị dự toán trực thuộc Tổng cục);

b) Thủ trưởng đơn vị dự toán trực thuộc Bộ thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng theo quy định (không bao gồm công trình làm thay đổi kết cấu chịu lực của công trình đã có; thay đổi mặt bằng quy hoạch được duyệt).

Điều 3. Thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ (sau đây gọi tắt là tài sản) nhằm duy trì hoạt động thường xuyên

1. Thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản nhằm duy trì hoạt động thường xuyên từ các nguồn vốn quy định tại điểm a, điểm b, điểm d, điểm đ tại Khoản 2 Điều 2 của Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 của Bộ Tài chính:

a) Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định mua sắm tài sản là: nhà, đất, xe ô tô chuyên dùng có gắn kèm trang thiết bị chuyên dùng, xe ô tô có cấu tạo đặc biệt theo yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ; vườn cây lâu năm, đàn gia súc giống gốc, các tài sản thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia;

b) Vụ Tài chính phê duyệt danh mục, giá trị mua sắm tài sản đối với tất cả nguồn vốn (trừ vốn sự nghiệp khoa học công nghệ và môi trường; nguồn vốn chương trình mục tiêu) với tổng kinh phí được duyệt trong năm từ 01 tỷ đồng trở lên (trừ các tài sản được quy định tại điểm a, khoản 1 Điều này) cho các đơn vị dự toán trực thuộc Bộ (trừ các đơn vị dự toán trực thuộc Tổng cục, Viện xếp hạng đặc biệt và Học viện);

c) Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường phê duyệt danh mục, giá trị tài sản từ nguồn sự nghiệp khoa học công nghệ và môi trường cho các đơn vị dự toán trực thuộc Bộ (Trừ các đơn vị dự toán thuộc Tổng cục, Viện xếp hạng đặc biệt và Học viện).

d) Các Tổng cục, Viện xếp hạng đặc biệt và Học viện Nông nghiệp Việt Nam phê duyệt danh mục, giá trị mua sắm tài sản cho các đơn vị dự toán trực thuộc với tổng kinh phí được duyệt trong năm từ 01 tỷ đồng trở lên (trừ các tài sản được quy định tại điểm a, khoản 1 Điếu này);

đ) Cơ quan, đơn vị được Bộ giao chủ trì nguồn chương trình mục tiêu thực hiện phê duyệt danh mục, giá trị mua sắm tài sản cho các đơn vị dự toán;

e) Thủ trưởng các đơn vị dự toán căn cứ kế hoạch sử dụng kinh phí được duyệt, thực hiện phê duyệt danh mục, giá trị mua sắm tài sản nhằm duy trì hoạt động thường xuyên có tổng kinh phí được duyệt trong năm dưới 1 tỷ đồng (không bao gồm: nhà, đất, xe ô tô chuyên dùng có gắn kèm trang thiết bị chuyên dùng, xe ô tô có cấu tạo đặc biệt theo yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ; vườn cây lâu năm, đàn gia súc giống gốc, các tài sản thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia).

2. Thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản nhằm duy trì hoạt động thường xuyên; hoạt động sự nghiệp hoặc sản xuất kinh doanh dịch vụ của đơn vị (trừ trường hợp quy định tại điểm a Khoản 1 và Khoản 3 Điều này) từ các nguồn kinh phí quy định tại điểm e, điểm h tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 của Bộ Tài chính do Thủ trưởng đơn vị dự toán quyết định mua sắm theo kế hoạch sử dụng kinh phí được Bộ duyệt (không bao gồm tài sản là: nhà, đất, xe ô tô chuyên dùng có gắn kèm trang thiết bị chuyên dùng, xe ô tô có cấu tạo đặc biệt theo yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ; vườn cây lâu năm, đàn gia súc giống gốc, các tài sản thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia).

3. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư quyết định mua sắm tài sản (trừ cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô) từ Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và từ nguồn vốn vay, vốn huy động theo chế độ quy định để phục vụ cho các hoạt động sự nghiệp và hoạt động kinh doanh của đơn vị.

Điều 4. Thẩm quyền điều chỉnh danh mục và giá trị mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ

1. Trong trường hợp bổ sung hoặc thay đổi danh mục tài sản hoặc giá trị mua sắm làm thay đổi tổng kinh phí được duyệt trong năm, thủ trưởng đơn vị dự toán báo cáo người quyết định mua sắm tài sản phê duyệt điều chỉnh.

2. Căn cứ tổng kinh phí được duyệt trong năm, thủ trưởng đơn vị dự toán được phép điều chỉnh dự toán chi tiết của từng danh mục với mức điều chỉnh tối đa 10%. Trường hợp trên 10%, việc điều chỉnh dự toán chỉ được thực hiện sau khi có ý kiến của người quyết định mua sắm tài sản.

3. Căn cứ nhu cầu mua sắm và danh mục thiết bị được phê duyệt, đơn vị dự toán được phép mua bổ sung các tài sản có trong danh mục thiết bị đã được phê duyệt từ kinh phí tiết kiệm sau đấu thầu.

Không sử dụng kinh phí không sử dụng hết của nguồn vốn được phê duyệt trong năm để thực hiện đầu tư mua sắm mới tài sản khi chưa được người quyết định mua sắm tài sản phê duyệt danh mục và giá trị.

Điều 5. Thẩm quyền quyết định quản lý, sử dụng tài sản công

Thẩm quyền quyết định quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp do Bộ Nông nghiệp và PTNT quản lý được quy định như sau:

1. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Quyết định thuê trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp và các tài sản khác đối với các đơn vị thuộc cơ quan Bộ (trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này).

b) Phê duyệt chủ trương thuê tài sản thuộc các đơn vị dự toán thuộc Bộ có mức tiền đề nghị thuê từ 20 tỷ đồng trở lên/01 lần thuê (trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều này).

c) Quyết định khoán kinh phí sử dụng nhà ở công vụ; khoán kinh phí sử dụng máy móc, thiết bị và tài sản công khác đối với các đơn vị thuộc cơ quan Bộ.

 d) Quyết định điều chuyển tài sản giữa các đơn vị thuộc phạm vi quản lý của Bộ.

đ) Quyết định xử lý tài sản tại các đơn vị thuộc cơ quan Bộ:

- Thu hồi tài sản (trừ trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp);

- Bán tài sản có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên/01 đơn vị tài sản (trừ trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp và trường hợp quy định tại điểm a khoản 5 Điều này);

- Thanh lý tài sản là nhà làm việc, công trình sự nghiệp, tài sản khác gắn liền với đất, xe ô tô, tài sản khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên/01 đơn vị tài sản (trừ trường hợp quy định tại Khoản 6 Điều này);

- Tiêu hủy tài sản;

- Xử lý tài sản trong trường hợp bị mất, bị hủy hoại.

e) Phê duyệt chủ trương xử lý tài sản có nguyên giá từ 10 tỷ đồng trở lên/01 đơn vị tài sản thuộc các Tổng cục, Viện xếp hạng đặc biệt và Học Viện:

- Thu hồi tài sản (trừ trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp);

- Bán tài sản (trừ trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp và trường hợp quy định tại điểm a khoản 5 Điều này);

- Thanh lý tài sản (trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 5 và khoản 6 Điều này);

- Tiêu hủy tài sản;

- Xử lý tài sản trong trường hợp bị mất, bị hủy hoại.

g) Phê duyệt phương án xử lý tài sản phục vụ hoạt động của dự án sử dụng vốn nhà nước thuộc Ban quản lý dự án do Bộ trưởng quyết định thành lập.

h) Phê duyệt đề án sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

2. Thủ trưởng các: Tổng cục, Viện xếp hạng đặc biệt và Học viện:

a) Quyết định thuê tài sản thuộc các Tổng cục, Viện và Học viện có mức tiền đề nghị thuê từ 20 tỷ đồng trở lên/01 lần thuê theo chủ trương đã được Bộ trưởng phê duyệt.

b) Quyết định hoặc quy định việc thuê tài sản đối với các đơn vị thuộc phạm vi quản lý (trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này và khoản 4 Điều này).

c) Quyết định hoặc quy định việc khoán kinh phí sử dụng nhà ở công vụ; khoán kinh phí sử dụng máy móc, thiết bị và tài sản công khác đối với các đơn vị thuộc phạm vi quản lý.

d) Quyết định xử lý tài sản có nguyên giá từ 10 tỷ đồng trở lên/01 đơn vị tài sản đối với các đơn vị thuộc phạm vi quản lý theo chủ trương đã được Bộ trưởng phê duyệt:

- Thu hồi tài sản (trừ trụ sở làm việc; cơ sở hoạt động sự nghiệp);

- Bán tài sản (trừ trụ sở làm việc; cơ sở hoạt động sự nghiệp quy định tại điểm a khoản 5 Điều này);

- Thanh lý tài sản (trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 5 và khoản 6 Điều này);

- Tiêu hủy tài sản;

- Xử lý tài sản trong trường hợp bị mất, bị hủy hoại.

đ) Quyết định hoặc quy định việc xử lý tài sản (trừ tài sản nêu tại điểm d khoản này) tại các đơn vị thuộc phạm vi quản lý:

- Thu hồi tài sản (trừ trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp);

- Điều chuyển tài sản trong phạm vi Tổng cục, Viện xếp hạng đặc biệt, Học viện;

- Bán tài sản (trừ trụ sở làm việc; cơ sở hoạt động sự nghiệp quy định tại điểm a khoản 5 Điều này);

- Thanh lý tài sản (trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 5 và khoản 6 Điều này);

- Tiêu hủy tài sản;

- Xử lý tài sản trong trường hợp bị mất, bị hủy hoại đối với tài sản.

3. Thủ trưởng các đơn vị thuộc cơ quan Bộ:

a) Quyết định bán tài sản có nguyên giá dưới 500 triệu đồng/01 đơn vị tài sản (trừ trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô).

b) Quyết định thanh lý tài sản có nguyên giá dưới 500 triệu đồng/01 đơn vị tài sản (trừ nhà làm việc, công trình sự nghiệp, tài sản khác gắn liền với đất, xe ôtô).

4. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư thuộc Bộ, thuộc các đơn vị, hệ thống thuộc Bộ quyết định:

Thuê tài sản từ nguồn Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và nguồn vốn vay, vốn huy động theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 38 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

5. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ, thuộc các đơn vị, hệ thống thuộc Bộ quyết định:

a) Bán tài sản (trừ nhà làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô) được hình thành từ nguồn Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp hoặc từ nguồn vốn vay, vốn huy động theo quy định tại khoản 2 Điều 50 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

b) Thanh lý tài sản (trừ nhà làm việc, công trình sự nghiệp, tài sản khác gắn liền với đất, xe ô tô, tài sản khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên/01 đơn vị tài sản) theo quy định tại khoản 2 Điều 51 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

6. Chủ đầu tư quyết định thanh lý, phá dỡ nhà cửa, vật kiến trúc trong phạm vi dự án đầu tư xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 6. Trách nhiệm thi hành

1. Thủ trưởng các đơn vị dự toán.

a) Tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh Quyết định này và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về tổ chức thực hiện sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp; mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ nhằm duy trì hoạt động thường xuyên; quản lý và sử dụng tài sản công tại cơ quan, đơn vị;

c) Khi công trình hoàn thành được phê duyệt quyết toán, trường hợp số vốn được quyết toán thấp hơn số vốn đã thanh toán cho công trình, đơn vị có trách nhiệm thu hồi của nhà thầu hoặc nhà cung cấp để nộp về ngân sách nhà nước số vốn đã thanh toán thừa;

d) Mở sổ kế toán theo dõi, hạch toán ghi tăng hoặc giảm giá trị tài sản cố định và vốn hình thành tài sản cố định theo quy định của pháp luật;

đ) Trong quá trình thực hiện, thủ trưởng đơn vị dự toán vi phạm các quy định hiện hành của Nhà nước trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, gây chậm tiến độ, thất thoát, lãng phí sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật, nếu gây thiệt hại kinh tế thì phải bồi thường. Thủ trưởng đơn vị (Chủ đầu tư) phải chịu trách nhiệm liên đới nếu để các nhà thầu, đơn vị tư vấn, chuyên gia vi phạm các quy định của pháp luật.

2. Tổng Cục trưởng các Tổng cục, Vụ trưởng các Vụ: Tài chính, Khoa học công nghệ và Môi trường, Tổ chức Cán bộ và Cục trưởng Cục quản lý xây dựng công trình có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị dự toán thuộc Bộ tổ chức thực hiện Quyết định này.

Điều 7. Hiệu lực thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

2. Trong quá trình thực hiện, trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật được dẫn chiếu để áp dụng tại Quyết định này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản mới thì sẽ áp dụng theo các văn bản mới đó.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh hoặc vướng mắc, các cơ quan, đơn vị kịp thời báo cáo, đề xuất về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ trưởng (b/c);
- Bộ Tài chính;
- Lưu: VT, TC.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Hà Công Tuấn

 

PHỤ LỤC

(Ban hành kèm theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ số 509/QĐ-BNN-TC ngày 12 tháng 02 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

BIỂU CHI TIẾT

KẾ HOẠCH SỬ DỤNG KINH PHÍ VÀ DANH MỤC MUA SẮM, SỬA CHỮA TÀI SẢN BẰNG CÁC NGUỒN KINH PHÍ

Số TT

Các nguồn kinh phí/Nội dung

Tổng cộng

Chi tiết các nguồn kinh phí để sửa chữa, mua sắm tài sản theo quy định tại Khoản 1 Điều 1 Quyết định này

 

 

 

 

 

TỔNG CỘNG

 

 

 

 

 

I

Loại, khoản

 

 

 

 

 

1

Mua sắm tài sản

 

 

 

 

 

1.1

Máy....

 

 

 

 

 

1.2

Thiết bị...

 

 

 

 

 

2

Sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất

 

 

 

 

 

2.1

Hạng mục …

 

 

 

 

 

2.2

Hạng mục …

 

 

 

 

 

....

 

 

 

 

 

 

II

Loại, khoản

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 509/QĐ-BNN-TC năm 2019 quy định về phân cấp thẩm quyền sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất; mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên; quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý

  • Số hiệu: 509/QĐ-BNN-TC
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 12/02/2019
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Hà Công Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản