Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NAM ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 50/2024/QĐ-UBND

Nam Định, ngày 07 tháng 11 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH CÁC TRƯỜNG HỢP KHÔNG CÓ TÍNH KHẢ THI VÀ MỨC ĐỘ KHÔI PHỤC LẠI TÌNH TRẠNG BAN ĐẦU CỦA ĐẤT ĐỐI VỚI HÀNH VI HỦY HOẠI ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NAM ĐỊNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NAM ĐỊNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 13 tháng 11 năm 2020;

Căn cứ Luật Đất đai ngày 18 tháng 01 năm 2024; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật các tổ chức tín dụng ngày 29 tháng 6 năm 2024;

Căn cứ Nghị định số 123/2024/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2024 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 4646/TTr-STNMT ngày 29 tháng 10 năm 2024 và Báo cáo thẩm định số 187/BC- STP ngày 29 tháng 10 năm 2024 của Sở Tư pháp.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Quy định các trường hợp không có tính khả thi và mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất đối với hành vi hủy hoại đất trên địa bàn tỉnh Nam Định như sau:

1. Phạm vi điều chỉnh

Quyết định này quy định các trường hợp không có tính khả thi và mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất đối với hành vi hủy hoại đất theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 14 của Nghị định số 123/2024/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2024 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn tỉnh Nam Định.

2. Đối tượng áp dụng

a) Tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi hủy hoại đất, gồm: cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam, cá nhân nước ngoài, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, hộ gia đình, cộng đồng dân cư, tổ chức trong nước, tổ chức nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc;

b) Cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt;

c) Tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính.

3. Các trường hợp không có tính khả thi để khôi phục lại tình trạng ban đầu trước khi vi phạm của đất bị hủy hoại

a) Làm mất độ dày tầng đất đang canh tác mà dẫn đến làm mất khả năng sử dụng đất đã được xác định;

b) Làm thay đổi lớp mặt của đất sản xuất nông nghiệp bằng các loại vật liệu có tính chất kết dính, không thể bóc tách khỏi lớp đất mặt hoặc bằng chất thải lỏng hoặc chất thải rắn có thể hòa tan và ngấm vào đất;

c) Gây bạc màu, gây xói mòn, rửa trôi đất nông nghiệp mà dẫn đến làm mất khả năng sử dụng đất đã được xác định;

d) Làm biến dạng địa hình do thay đổi độ dốc bề mặt đất mà dẫn đến làm mất khả năng sử dụng đất đã được xác định;

đ) San lấp đất có mặt nước chuyên dùng (trừ hồ thủy lợi) có diện tích từ 300 m2 trở lên;

e) San lấp nâng cao, hạ thấp bề mặt của đất sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản mà làm mất khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định.

4. Mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất bị hủy hoại

Các hành vi hủy hoại đất thuộc các trường hợp sau đây phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất đến khi có khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định, bao gồm:

a) Làm giảm độ dày tầng đất đang canh tác;

b) Làm thay đổi lớp mặt của đất sản xuất nông nghiệp bằng các loại vật liệu, chất thải không thuộc quy định tại điểm b khoản 3 Điều này;

c) Làm thay đổi lớp mặt của đất sản xuất nông nghiệp bằng đất lẫn cát, sỏi, đá hay loại đất có thành phần khác với loại đất đang sử dụng;

d) Gây bạc màu, gây xói mòn, rửa trôi đất nông nghiệp nhưng không làm mất khả năng sử dụng đất đã được xác định;

đ) Làm biến dạng địa hình do thay đổi độ dốc bề mặt đất nhưng không làm mất khả năng sử dụng đất đã được xác định;

e) Làm biến dạng địa hình do hạ thấp bề mặt đất nhưng không làm mất khả năng sử dụng đất đã được xác định;

g) San lấp đất có mặt nước chuyên dùng (trừ hồ thủy lợi) có diện tích dưới 300 m2;

h) San lấp nâng cao, hạ thấp bề mặt của đất sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản nhưng không làm mất khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 36/2021/QĐ-UBND ngày 13 tháng 8 năm 2021 của UBND tỉnh Nam Định ban hành quy định mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất đối với từng loại vi phạm về đất đai trên địa bàn tỉnh Nam Định.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Bộ Tư pháp (Cục KTrVBQPPL);
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Lãnh đạo UBND tỉnh;
- Công báo tỉnh;
- Cổng TTĐT tỉnh; Trang TTĐT VPUBND tỉnh;
- Lưu: VP1, VP3.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Anh Dũng

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 50/2024/QĐ-UBND quy định trường hợp không có tính khả thi và mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất đối với hành vi hủy hoại đất trên địa bàn tỉnh Nam Định

  • Số hiệu: 50/2024/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 07/11/2024
  • Nơi ban hành: Tỉnh Nam Định
  • Người ký: Trần Anh Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 07/11/2024
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản