Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 50/2007/QĐ-UBND

Buôn Ma Thuột, ngày 10 tháng 12 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỘT SỐ MỨC CHI THỰC HIỆN NHIỆM VỤ QUẢN LÝ VÀ XỬ LÝ TANG VẬT, PHƯƠNG TIỆN TỊCH THU SUNG QUỸ NHÀ NƯỚC DO VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ, BẢO VỆ RỪNG VÀ LÂM SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND & UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Thông tư số 72/2004/TT-BTC ngày 15/07/2004 của Bộ Tài chính về hướng dẫn việc quản lý và xử lý tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ Nhà nước do vi phạm hành chính; Thông tư số 04/2006/TT-BTC ngày 18/01/2006 của Bộ Tài chính về sửa đổi, bổ sung Thông tư số 72/2004/TT-BTC ;

Theo đề nghị của Sở Tài chính tại Tờ trình số 1570/TC-HCSN ngày 16/10/2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này quy định về một số mức chi thực hiện nhiệm vụ quản lý và xử lý tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ Nhà nước do vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và lâm sản trên địa bàn tỉnh.

Điều 2. Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Thủ trưởng các tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Website Chính phủ;
- Vụ Pháp chế- Bộ Tài chính;
- Cục Kiểm tra VB- Bộ Tư pháp;
- TT HĐND tỉnh;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Sở Tư pháp, Kho bạc Nhà nước tỉnh;
- Báo Đắk Lắk, Đài PTTH;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- Công báo, Website tỉnh;
- Các BP: TH, CN, NC, NLN;
- Lưu: VT, TM, TTT học (V50b).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lữ Ngọc Cư

 

QUY ĐỊNH

MỘT SỐ MỨC CHI THỰC HIỆN NHIỆM VỤ QUẢN LÝ VÀ XỬ LÝ TANG VẬT, PHƯƠNG TIỆN TỊCH THU SUNG QUỸ NHÀ NƯỚC DO VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ, BẢO VỆ RỪNG VÀ LÂM SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 50/2007/QĐ-UBND ngày 10/12/2007 của UBND tỉnh)

I. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

Quy định này chỉ được áp dụng thanh toán cho việc quản lý và xử lý tang vật, phương tiện (sau đây gọi chung là tài sản) tịch thu sung quỹ Nhà nước và xử lý tài sản cưỡng chế do vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và lâm sản (sau đây gọi tắt là vi phạm hành chính), không áp dụng cho các trường hợp khác.

Các khoản chi phí không được quy định tại quy định này thì được thực hiện theo Thông tư số 72/2004/TT-BTC ngày 15/07/2004 của Bộ Tài chính và Thông tư số 04/2006/TT-BTC ngày 18/01/2006 của Bộ Tài chính.

II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ MỘT SỐ MỨC CHI

1. Chi phí vận chuyển, bảo quản; chi phí kiểm nghiệm, giám định, định giá tài sản; giao nhận tài sản; chi bồi thường tổn thất do nguyên nhân khách quan (nếu có):

a) Chi phí vận chuyển:

- Đơn vị để tính chi phí vận chuyển là m3, đối với các loại tài sản khác không phải là gỗ được tính qui đổi theo trọng lượng 500 kg tương đương với 1m3 gỗ.

- Cách xác định khối lượng và thời gian vận chuyển như sau:

+ Trường hợp thuê xe chuyên chở bằng ô tô, xe chuyên dùng khác với khối lượng <= 50% trọng tải xe thì được thanh toán bằng 50% trọng tải xe. Nếu khối lượng > 50% trọng tải xe thì được thanh toán bằng 100% trọng tải xe.

+ Trường hợp thuê xe chuyên chở tang vật vào ban đêm (thời gian từ 18 giờ đến 06 giờ sáng hôm sau) thì số tiền thanh toán được nhân hệ số 1,5.

- Định mức tối đa thanh toán chi phí vận chuyển (đồng/m3/km):

+ Vận chuyển từ rừng, rẫy, vườn nhà đi trên đường đất để chuyên chở tang vật đến tuyến đường đất lưu thông bình thường được thanh toán như sau:

* Xe ô tô, xe chuyên dùng khác: 60.000 đồng/m3/km.

* Xe máy cày, xe kéo thô sơ: 75.000 đồng/m3/km.

* Súc vật kéo: 90.000 đồng/m3/km.

+ Vận chuyển tang vật trên đường nhựa thì được thanh toán bằng 70% mức trên.

b) Chi phí bảo quản:

- Cơ quan ra quyết định tịch thu tài sản (hoặc cơ quan trình cấp có thẩm quyền ra quyết định tịch thu tài sản) (bên A) ký hợp đồng về thuê kho bãi, mặt bằng; trông coi bảo quản tài sản với cá nhân, tổ chức, đơn vị (bên B) để bảo quản tài sản, giá cả thống nhất với cơ quan tài chính cùng cấp.

- Trường hợp tang vật tạm giữ cần phải tạm thời thuê người trông coi bảo quản, thì thời gian thuê được tính từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính đến ngày vận chuyển tang vật, phương tiện đó đi nơi khác. Chi phí thuê trông coi bảo quản tối đa: 50.000 đồng/người/ngày đêm.

- Trường hợp tang vật là súc vật thì căn cứ tình hình thực tế cơ quan có trách nhiệm bảo quản lập dự toán chi phí gửi cơ quan tài chính cùng cấp xem xét thống nhất để thực hiện.

c) Chi phí kiểm nghiệm, giám định, định giá tang vật, giao nhận tang vật được thanh toán: 50.000 đồng/người/ngày.

d) Chi bồi thường tổn thất do nguyên nhân khách quan (nếu có): Cơ quan, đơn vị, cá nhân quản lý tang vật mời hội đồng chức năng giám định tổn thất, trình cấp có thẩm quyền quyết định chi bồi thường.

2. Chi phí bốc dỡ:

- Tất cả các khoản chi phí bốc lên, bốc xuống xe xếp vào kho bãi hoặc sắp xếp lại tang vật tại kho bãi đều được tính trong chi phí này.

- Đơn vị để tính chi phí bốc dỡ là m3, đối với các loại tài sản khác không phải là gỗ được tính qui đổi theo trọng lượng 500 kg tương đương với 1m3 gỗ. Mỗi lần bốc dỡ lên hoặc xuống xe xếp vào kho bãi đều được tính là 1 lượt.

- Trường hợp thuê bốc dỡ tang vật vào ban đêm (thời gian từ 18 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau) thì số tiền thanh toán được nhân hệ số 1,5.

- Định mức tối đa thanh toán chi phí bốc dỡ (đồng/m3/lượt):

+ Đối với phương tiện bốc dỡ bằng cơ giới được thanh toán: 40.000 đồng/m3/lượt.

+ Đối với bốc dỡ bằng thủ công được thanh toán: 60.000 đồng/m3/lượt.

+ Chi phí sắp xếp lại tài sản tại kho, bãi bằng thủ công thì được thanh toán, thuê nhân công lao động giá tối đa 40.000 đồng/công; nếu bằng phương tiện cơ giới thì được thanh toán 50.000 đồng/m3.

3. Chi bồi dưỡng làm thêm giờ; bồi dưỡng công tác kiêm nhiệm của cá nhân tham gia điều tra, bắt giữ, quản lý, xử lý tài sản tịch thu sung quỹ Nhà nước

a) Chi bồi dưỡng làm thêm giờ: Thực hiện theo chế độ chi trả tại Thông tư liên tịch số: 08/2005/TTLT-BNV-BTC ngày 05/01/2005 của Liên bộ: Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ đối với cán bộ, công chức, viên chức.

b) Chi bồi dưỡng công tác kiêm nhiệm của cá nhân tham gia điều tra, bắt giữ, quản lý, xử lý tài sản tịch thu sung quỹ Nhà nước: 50.000 đồng/người/ngày.

4. Trích cho lực lượng kiểm lâm 10% trên số tiền thu từ bán tang vật, phương tiện của vụ việc (sau khi trừ các khoản chi phí) vào tài khoản tiền gửi của đơn vị để chi cho công tác tuyên truyền; chi hỗ trợ ban đầu cho cán bộ, công chức thuộc lực lượng tham gia xử lý vi phạm hành chính bị thương, tai nạn hoặc gia đình của cán bộ, công chức bị hy sinh trong khi thi hành công vụ; chi hỗ trợ mua sắm bổ sung trang thiết bị, phương tiện làm việc, đầu tư cơ sở vật chất phục vụ công tác xử lý vi phạm hành chính; cơ quan, đơn vị khi thực hiện các khoản chi phí này sau khi có ý kiến thẩm định của cơ quan tài chính cùng cấp ngân sách và thực hiện thanh, quyết toán theo đúng quy định hiện hành.

5. Thanh quyết toán:

Hàng quý, năm cơ quan Kiểm lâm có trách nhiệm thanh quyết toán với cơ quan Tài chính các khoản chi phí về tài sản tịch thu và tài sản cưỡng chế theo đúng quy định của Nhà nước.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Căn cứ quy định này Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện.

2. Quá trình thực hiện nếu có gì vướng mắc, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố phản ánh kịp thời về Sở Tài chính để UBND tỉnh xem xét giải quyết./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 50/2007/QĐ-UBND về Quy định mức chi thực hiện nhiệm vụ quản lý và xử lý tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ nhà nước do vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và lâm sản trên địa bàn tỉnh do Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk ban hành

  • Số hiệu: 50/2007/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 10/12/2007
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Lắk
  • Người ký: Lữ Ngọc Cư
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/12/2007
  • Ngày hết hiệu lực: 19/04/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản