Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 49/2025/QĐ-UBND | Huế, ngày 12 tháng 5 năm 2025 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG XE MÔ TÔ, XE GẮN MÁY, XE THÔ SƠ ĐỂ KINH DOANH VẬN CHUYỂN HÀNH KHÁCH, HÀNG HÓA TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HUẾ
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 02 năm 2025;
Căn cứ Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ ngày 27 tháng 6 năm 2024;
Căn cứ Luật Đường bộ ngày 27 tháng 6 năm 2024;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng.
Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định ban hành quy định về sử dụng xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ để kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn thành phố Huế.
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này quy định về quản lý và sử dụng xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ để kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn thành phố Huế.
Điều 2. Hiệu lực thi hành
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 22 tháng 5 năm 2025.
Điều 3. Trách nhiệm thi hành
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố; Giám đốc các Sở: Xây dựng, Tài chính, Nội vụ, Công Thương, Khoa học và Công nghệ; Giám đốc Công an thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
VỀ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG XE MÔ TÔ, XE GẮN MÁY, XE THÔ SƠ ĐỂ KINH DOANH VẬN CHUYỂN HÀNH KHÁCH, HÀNG HÓA TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HUẾ
(Kèm theo Quyết định số 49/2025/QĐ-UBND ngày 12 tháng 5 năm 2025 của Ủy ban nhân dân thành phố Huế)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định về quản lý và sử dụng xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ để kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn thành phố Huế.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Quy định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân liên quan đến việc quản lý, sử dụng xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ để kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn thành phố Huế.
2. Quy định này không áp dụng đối với xe thô sơ là xe lăn dùng cho người khuyết tật, xe tương tự xe lăn dùng cho người khuyết tật; xe thô sơ là xe vật nuôi kéo, xe tương tự xe vật nuôi kéo.
Điều 3. Quy định chung
1. Xe mô tô là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ được quy định tại điểm e khoản 1 Điều 34 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
2. Xe gắn máy là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ được quy định tại điểm g khoản 1 Điều 34 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
3. Xe thô sơ là phương tiện giao thông đường bộ được quy định khoản 2 Điều 34 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Chương II
QUY ĐỊNH SỬ DỤNG XE MÔ TÔ, XE GẮN MÁY, XE THÔ SƠ ĐỂ KINH DOANH VẬN CHUYỂN HÀNH KHÁCH, HÀNG HÓA
Điều 4. Phương tiện kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa
1. Xe mô tô, xe gắn máy khi tham gia hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hoá trên đường bộ phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Được cấp chứng nhận đăng ký xe và gắn biển số xe theo quy định của pháp luật;
b) Bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
2. Xe thô sơ khi tham gia hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hoá trên đường bộ phải đáp ứng các điều kiện được quy định tại Điều 26 Nghị định số 151/2024/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
3. Người được chở, hàng hóa xếp trên xe thô sơ phải tuân thủ quy định tại Điều 31 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
4. Người được chở, hàng hóa xếp trên xe mô tô, xe gắn máy phải tuân thủ quy định tại Điều 33 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
5. Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ để kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa phải tuân thủ quy định tại Điều 9 (các hành vi bị nghiêm cấm) và quy định tại Chương II (quy tắc giao thông đường bộ) Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Điều 5. Quản lý hoạt động vận chuyển hành khách và hàng hóa
1. Việc đón, trả khách, hàng hóa tùy thuộc vào nhu cầu của hành khách, chủ thể vận chuyển hàng hóa và theo quy định đón trả khách, hàng hóa tại các khu vực công cộng.
2. Ủy ban nhân dân cấp xã thống nhất quản lý việc sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hoá trên địa bàn. Nội dung quản lý:
a) Lập hồ sơ danh sách và quản lý các cá nhân, hộ, tổ, đội, hợp tác xã, nghiệp đoàn (chủ thể kinh doanh) tham gia hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hoá bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô.
b) Quản lý các vị trí đón trả khách, hàng hóa trên địa bàn trên cơ sở đề xuất của chủ thể kinh doanh, đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ, trật tự an toàn đô thị, vệ sinh môi trường.
c) Kiểm soát, hướng dẫn việc mua, bán, cho, tặng phương tiện theo đúng quy định của pháp luật.
d) Kiểm tra việc kê khai giá cước theo hướng dẫn của Sở Tài chính.
đ) Thường xuyên tuyên truyền đến chủ thể kinh doanh đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước nói chung và chính sách pháp luật của nhà nước về trật tự an toàn giao thông đường bộ, trật tự an toàn đô thị nói riêng. Biểu dương, khen thưởng gương người tốt, việc tốt. Xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật.
e) Chủ trì, phối hợp với cơ quan chuyên môn đôn đốc chủ thể kinh doanh thực hiện các nghĩa vụ với nhà nước.
3. Khuyến khích ứng dụng công nghệ trong hoạt động vận chuyển, nghiên cứu triển khai dịch vụ gọi xe qua ứng dụng di động; ưu tiên sử dụng hoặc tích hợp lên nền tảng dịch vụ đô thị thông minh Hue-S phục vụ công tác quản lý, giám sát, hỗ trợ vận chuyển hành khách, hàng hoá bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô trên địa bàn thành phố Huế.
Điều 6. Phạm vi tuyến đường, thời gian hoạt động
1. Phạm vi tuyến đường hoạt động: Xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ (trừ xe súc vật kéo) được hoạt động trên các tuyến đường bộ thuộc địa bàn thành phố Huế, trừ các tuyến đường sau: các tuyến đường cấm theo quy định của pháp luật và các tuyến đường, đoạn đường có cắm biển báo cấm, cắm biển hạn chế loại phương tiện hoặc hạn chế thời gian hoạt động của xe thô sơ. Riêng đối với xe súc vật kéo chỉ được phép hoạt động ở khu vực nông thôn, miền núi (cấm hoạt động trên các tuyến đường trong đô thị, trừ trường hợp được cơ quan có thẩm quyền quyết định cho phép hoạt động).
2. Thời gian hoạt động: Xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ được hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa 24/24 giờ hàng ngày, trừ các tuyến đường, đoạn đường có cắm biển báo cấm hoặc hạn chế hoạt động theo giờ.
3. Trong tình trạng khẩn cấp (thiên tai, địch họa, dịch bệnh) có quy định khác thì thực hiện theo các quy định đó (trong tình trạng khẩn cấp).
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 7. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân
1. Sở Xây dựng
a) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tổ chức phổ biến, triển khai quy định này đến các tổ chức, cá nhân có liên quan biết, chấp hành theo quy định.
b) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã cắm biển báo điểm dừng, đón trả khách và hàng hóa bảo đảm yêu cầu trật tự an toàn giao thông của địa phương.
c) Theo dõi tình hình thực hiện quy định này; tổng hợp việc triển khai chấp hành Quy định này tại địa phương, tình hình hoạt động và những vấn đề phát sinh, vướng mắc trong quá trình thực hiện; định kỳ vào ngày 30/12 hằng năm tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố Huế để chỉ đạo, giải quyết kịp thời.
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã
a) Tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Quy định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến các tổ chức, cá nhân đang sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự để vận chuyển hành khách, hàng hóa biết, chấp hành theo quy định.
b) Thực hiện thống kê danh sách các cá nhân, hộ, tổ, đội, hợp tác xã, nghiệp đoàn tham gia hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hoá bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự trên địa bàn mình quản lý; Lập hồ sơ theo dõi và định kỳ hàng quý báo cáo về Sở Xây dựng. Tổ chức và quản lý hoạt động của các chủ thể kinh doanh, đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn đô thị trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
c) Xây dựng cơ chế khuyến khích việc thành lập hợp tác xã, đội, tổ tự quản, nghiệp đoàn và quảng bá thương hiệu trong hoạt động vận chuyển.
d) Lập danh sách các điểm dừng, chờ, đón trả khách trên địa bàn trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, tổ chức cắm biển báo để quản lý theo quy định.
đ) Phối hợp với Liên đoàn lao động tại địa bàn quản lý tăng cường công tác quản lý nghiệp đoàn xích lô (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật.
e) Định kỳ vào ngày 25 tháng cuối hàng quý tổng hợp, báo cáo việc triển khai Quy định này tại địa phương và tình hình hoạt động của các đối tượng tham gia hoạt động vận chuyển hành khách và hàng hóa về Sở Xây dựng tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.
3. Công an thành phố
a) Chỉ đạo lực lượng Công an các đơn vị, địa phương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao tổ chức tuần tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện và xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm Quy định này theo quy định của pháp luật.
b) Tổ chức tuyên truyền các quy định của pháp luật có liên quan, hướng dẫn người dân thủ tục đăng ký, cấp biển số xe cho phương tiện theo quy định đảm bảo điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông.
4. Sở Du lịch: chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, xây dựng quy định để quản lý lộ trình, tuyến đường vận chuyển khách du lịch của các tour, tuyến sử dụng các loại phương tiện quy định tại quyết định này để các đơn vị kinh doanh du lịch thực hiện.
5. Ban An toàn giao thông thành phố, các cơ quan thông tin, báo đài thành phố phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức đoàn thể trên địa bàn thành phố tuyên truyền, phổ biến các quy định về bảo đảm an toàn giao thông và Quy định này đến các tổ chức, cá nhân sử dụng xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ để kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn thành phố.
6. Tổ chức, cá nhân khi tham gia giao thông hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ trên địa bàn thành phố phải chấp hành nghiêm túc Quy định này và các quy định pháp luật khác có liên quan đến vận chuyển hành khách, hàng hóa./.
- 1Quyết định 43/2025/QĐ-UBND quy định về sử dụng xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ để kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa và phạm vi hoạt động của xe thô sơ trên địa bàn tỉnh Sơn La
- 2Quyết định 29/2025/QĐ-UBND quy định về sử dụng xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ để kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Tây Ninh
- 3Quyết định 71/2025/QĐ-UBND quy định về sử dụng xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ để kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long
Quyết định 49/2025/QĐ-UBND quy định về quản lý và sử dụng xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ để kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn thành phố Huế
- Số hiệu: 49/2025/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 12/05/2025
- Nơi ban hành: Thành phố Huế
- Người ký: Hoàng Hải Minh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 22/05/2025
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra