Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN 
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 49/2008/QĐ-UBND

Phan Thiết, ngày 19 tháng 6 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUY CHẾ BÁN ĐẤU GIÁ TÀI SẢN BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 17/2006/QĐ-UBND NGÀY 16/02/2006 CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02/7/2002;
Căn cứ Nghị định số 14/1998/NĐ-CP ngày 06/3/1998 của Chính phủ về quản lý tài sản Nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002;
Căn cứ Nghị định số 05/2005/NĐ-CP ngày 18/01/2005 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản;
Căn cứ Quyết định số 202/2006/QĐ-TTg ngày 31/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý tài sản Nhà nước tại đơn vị sự nghiệp công lập;
Căn cứ Nghị định số 137/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ về quy định việc phân cấp quản lý Nhà nước đối với tài sản Nhà nước tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tài sản được xác lập quyền sở hữu Nhà nước;
Căn cứ Thông tư số 03/2005/TT-BTP ngày 04/5/2005 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số quy định của Nghị định số 05/2005/NĐ-CP ngày 18/01/2005 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản;
Căn cứ Thông tư số 112/2006/TT-BTC ngày 27/12/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quy chế quản lý tài sản Nhà nước tại đơn vị sự nghiệp công lập ban hành kèm theo Quyết định số 202/2006/QĐ-TTg ngày 31/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ;
Căn cứ Thông tư số 35/2007/TT-BTC ngày 10/4/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 137/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ quy định việc phân cấp quản lý tài sản Nhà nước đối với tài sản Nhà nước tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tài sản được xác lập quyền sở hữu Nhà nước;
Căn cứ Thông tư số 34/2005/TT-BTC ngày 12/5/2005 của Bộ Tài chính và Thông tư số 13/2007/TT-BTC ngày 06/3/2007 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 34/2005/TT-BTC ngày 12/5/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc xác định giá khởi điểm và chuyển giao tài sản Nhà nước để bán đấu giá;
Căn cứ Thông tư số 96/2006/TT-BTC ngày 16/10/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn về mức thu, chế độ thu nộp, quản lý và sử dụng phí đấu giá;
Căn cứ Quyết định số 71/2007/QĐ-UBND ngày 05/11/2007 của UBND tỉnh Bình Thuận Quy định chế độ thu, quản lý và sử dụng phí đấu giá trên địa bàn tỉnh Bình Thuận;

Theo đề nghị của Sở Tài chính,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế bán đấu giá tài sản ban hành kèm theo Quyết định số 17/2006/QĐ-UBND ngày 16/02/2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận (sau đây gọi tắt là Quyết định 17) như sau:

1. Sửa đổi, bổ sung Điều 8 Quyết định 17 như sau:

"Điều 8. Lựa chọn người bán đấu giá tài sản

1. Đối với tài sản Nhà nước phải bán đấu giá theo quy định của pháp luật về quản lý tài sản Nhà nước (trừ nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước), việc tổ chức bán đấu giá được thực hiện như sau:

a) Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ Nhà nước và tài sản xác lập quyền sở hữu Nhà nước (trừ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị xử lý tịch thu và tài sản xác lập quyền sở hữu Nhà nước có giá trị dưới 10 triệu đồng/01 quyết định tịch thu do cơ quan cấp huyện, cấp xã bắt giữ, xử lý): Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá trực thuộc Sở Tư pháp tổ chức bán đấu giá theo luật định;

b) Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ Nhà nước và tài sản xác lập quyền sở hữu Nhà nước có giá trị dưới 10 triệu đồng/01 quyết định tịch thu do cơ quan cấp huyện, cấp xã ra quyết định tịch thu: Hội đồng bán đấu giá cấp huyện tổ chức bán đấu giá theo luật định;

c) Đối với tài sản Nhà nước tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập: sau khi giá khởi điểm đã được xác định, đơn vị trực tiếp quản lý tài sản thực hiện thuê (hợp đồng ủy quyền) Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá trực thuộc Sở Tư pháp (gọi tắt là Trung tâm) tổ chức bán đấu giá theo luật định. Nếu địa bàn quận huyện không có Trung tâm hoặc có nhưng Trung tâm từ chối thực hiện bán đấu giá tài sản Nhà nước, thì việc bán đấu tài sản Nhà nước được thực hiện thông qua Hội đồng bán đấu giá theo thẩm quyền đã được phân cấp hiện hành.

2. Đối với tài sản để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án; tài sản đảm bảo theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm; tài sản thuộc sở hữu cá nhân, tổ chức có yêu cầu bán đấu giá và hàng hóa lưu giữ do người vận chuyển đường biển, đường bộ lưu giữ tại Việt Nam được xác lập quyền sở hữu Nhà nước, thì người bán đấu giá có quyền lựa chọn tổ chức có chức năng bán đấu giá để ủy quyền bán đấu giá, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

3. Các loại tài sản Nhà nước được tổ chức bán đấu giá theo quy định tại khoản 1, 2 Điều này; tùy theo tình hình thực tế, đặc điểm và tính chất của tài sản Nhà nước đưa ra bán đấu giá, UBND tỉnh quyết định lựa chọn người bán đấu giá tài sản.”

2. Sửa đổi, bổ sung điểm a, khoản 2, Điều 11 Quyết định 17 như sau:

"a) Đối với tài sản bán đấu giá là tài sản Nhà nước: giá khởi điểm tài sản được đưa ra bán đấu giá là giá đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định hiện hành của UBND tỉnh về phân cấp phê duyệt giá bán đấu giá tài sản Nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Giá khởi điểm bán đấu giá phải sát với thị trường theo từng thời điểm, trường hợp giá khởi điểm bán đấu giá đã được phê duyệt, không phù hợp với giá thị trường tại thời điểm đấu giá, thì người bán đấu giá tài sản được phép xem xét, quyết định giá khởi điểm bán đấu giá nhưng không được thấp hơn giá khởi điểm đã được cấp thẩm quyền phê duyệt trước đó.

Trường hợp giá khởi điểm tài sản bán đấu giá đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo phân cấp và đã được niêm yết, thông báo công khai bán đấu giá tài sản theo quy định nhưng không có khách hàng đăng ký mua đấu giá thì người bán đấu giá báo cáo về cơ quan tài chính để mời Hội đồng thực hiện việc xác định lại giá khởi điểm làm cơ sở trình cấp có thẩm quyền phê duyệt lại giá khởi điểm theo quy định.

Điều kiện để tổ chức xác định lại giá khởi điểm tài sản Nhà nước bán đấu giá là phải được thông báo, tổ chức bán đấu giá tối thiểu hai lần và thời gian tiếp nhận đăng ký mua đấu giá tối thiểu là ba mươi ngày kể từ ngày thông báo đấu giá đầu tiên.”

3. Sửa đổi, bổ sung Điều 13 Quyết định 17 như sau:

"Điều 13. Niêm yết, thông báo công khai việc bán đấu giá tài sản

1. Người bán đấu giá tài sản phải niêm yết việc bán đấu giá tài sản tại nơi bán đấu giá, nơi trưng bày tài sản, nơi đặt trụ sở của người bán đấu giá tài sản, nơi có bất động sản bán đấu giá. Thời gian niêm yết việc bán đấu giá đối với động sản chậm nhất là bảy ngày và ba mươi ngày đối với bất động sản trước ngày mở cuộc bán đấu giá tài sản.

Trong trường hợp người có tài sản bán đấu giá có yêu cầu thì thời hạn niêm yết việc bán đấu giá tài sản có thể rút ngắn theo thỏa thuận của các bên.

2. Đối với tài sản Nhà nước bán đấu giá, đồng thời với việc niêm yết, người bán đấu giá tài sản phải thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương hoặc địa phương (Đài Phát thanh - Truyền hình hoặc Báo) về việc bán đấu giá tài sản như sau:

a) Tài sản Nhà nước bán đấu giá là động sản:

- Thời gian thông báo trên Đài Phát thanh - Truyền hình hoặc Báo: ba đêm liên tục, mỗi đêm một lần;

- Thời gian khách hàng đăng ký đấu giá: trong vòng mười bốn ngày kể từ ngày thông báo bán đấu giá;

- Thời gian tổ chức phiên bán đấu giá: thực hiện theo quy định tại khoản 1, Điều 17 Quy chế bán đấu giá tài sản ban hành kèm theo Quyết định số 17/2006/QĐ-UBND ngày 16/02/2006 của UBND tỉnh Bình Thuận.

b) Tài sản Nhà nước bán đấu giá là bất động sản:

- Thời gian thông báo trên Đài Phát thanh - Truyền hình hoặc Báo: năm đêm liên tục, mỗi đêm một lần;

- Thời gian khách hàng đăng ký đấu giá: trong vòng ba mươi bốn ngày kể từ ngày thông báo bán đấu giá;

- Thời gian tổ chức phiên bán đấu giá: thực hiện theo quy định tại khoản 1, Điều 17 Quy chế bán đấu giá tài sản ban hành kèm theo Quyết định số 17/2006/QĐ-UBND ngày 16/02/2006 của UBND tỉnh Bình Thuận.

c) Trường hợp đã hết thời gian thông báo, tổ chức bán đấu giá lần đầu, nhưng không có khách hàng hoặc không đủ số lượng khách hàng đăng ký để tổ chức bán đấu giá theo đúng quy định, người bán đấu giá tiếp tục thông báo bán đấu giá lần hai trên Đài Phát thanh - Truyền hình hoặc trên Báo chí với thời gian thông báo, thời gian khách hàng đăng ký đấu giá và thời gian tổ chức phiên bán đấu giá được thực hiện theo quy định tại điểm a, b, khoản 2 Điều này.

3. Đối với tài sản bán đấu giá không phải là tài sản Nhà nước: việc thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng thực hiện theo yêu cầu của người có tài sản bán đấu giá.”

4. Niêm yết, thông báo công khai về bán đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất để thi hành án được thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

5. Niêm yết, thông báo công khai về bán đấu giá tài sản có các nội dung chủ yếu sau:

a) Tên, địa chỉ của người bán đấu giá tài sản;

b) Thời gian, địa điểm bán đấu giá tài sản;

c) Danh mục tài sản, số lượng, chất lượng của tài sản bán đấu giá;

d) Giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá;

e) Địa điểm, thời hạn trưng bày tài sản bán đấu giá;

f) Địa điểm, thời hạn tham khảo hồ sơ tài sản bán đấu giá;

g) Địa điểm, thời hạn đăng ký mua tài sản bán đấu giá;

h) Những thông tin cần thiết khác liên quan đến tài sản bán đấu giá, gồm cả những thông tin mà người có tài sản bán đấu giá yêu cầu công khai.”

4. Sửa đổi, bổ sung Điều 18, Quyết định 17 như sau:

"Điều 18. Bán tài sản Nhà nước bán đấu giá trong trường hợp đặc biệt

1. Trong trường hợp đã qua hai lần thông báo, tổ chức bán đấu giá và đã hết thời hạn đăng ký tham gia đấu giá tài sản theo quy định (tối thiểu là ba mươi ngày đối với động sản và sáu mươi ngày đối với bất động sản), nhưng chỉ có một khách hàng đăng ký mua tài sản bán đấu giá và trả giá ít nhất bằng giá khởi điểm thì tài sản được bán cho khách hàng đó, nếu người có tài sản bán đấu giá đồng ý.

Khi bán tài sản Nhà nước bán đấu giá theo quy định tại khoản 1 Điều này, người bán đấu giá tài sản phải lập biên bản về việc bán tài sản bán đấu giá có đầy đủ chữ ký của các thành viên tham gia phiên bán đấu giá và những cá nhân có liên quan.

2. Trường hợp đặc biệt khác do UBND tỉnh quyết định phương thức bán và thời gian niêm yết, thông báo công khai việc bán đấu giá.”

5. Sửa đổi khoản 1, Điều 19, Quyết định 17 như sau:

"1. Đấu giá trực tiếp bằng lời nói:

Sau khi giá khởi điểm của tài sản được công bố, các khách hàng trả giá mua tài sản bằng hoặc cao hơn giá khởi điểm. Giá trả mua tài sản cao nhất ở vòng đấu giá đầu tiên được sử dụng làm giá khởi điểm cho vòng đấu giá thứ hai. Thời gian tối đa để các khách hàng trả giá là một phút ba mươi giây.

Từ vòng đấu giá thứ hai, các khách hàng lần lượt trả giá mua tài sản bán đấu giá với mức giá phải bằng hoặc lớn hơn giá khởi điểm cộng bước giá.

Các khách hàng tham gia đấu giá đã tuyên bố bỏ cuộc (xin rút), ở các vòng đấu giá tiếp theo sẽ không được phép tiếp tục trả giá mua tài sản.

Tùy theo tình hình thực tế và nhằm đảm bảo an ninh, trật tự của phiên bán đấu giá, người bán đấu giá được phép mời các khách hàng không tiếp tục trả giá ra khỏi khu vực dành cho người tham gia đấu giá.

Người trả giá sau cùng với số tiền cao nhất sau khi các khách hàng khác tuyên bố bỏ cuộc sẽ được công bố là trúng giá và được mua tài sản (sau ba lần nhắc lại giá khách hàng đó đã trả).”

6. Sửa đổi khoản 2, Điều 19, Quyết định 17 như sau:

"2. Đấu giá bằng bỏ phiếu:

a) Trước khi tiến hành bỏ phiếu, người điều hành cuộc bán đấu giá, người có tài sản bán đấu giá có thể thỏa thuận về cách thức bỏ phiếu, số vòng bỏ phiếu tối đa;

b) Trong trường hợp thực hiện cách thức bỏ phiếu nhiều vòng, thì người điều hành cuộc bán đấu giá phát cho mỗi người tham gia đấu giá một tờ phiếu và yêu cầu họ ghi giá muốn trả vào phiếu của mình. Sau khi thu hết các phiếu đã phát, người điều hành cuộc bán đấu giá thông báo công khai về giá đã trả của từng người, giá trả cao nhất của vòng bỏ phiếu và tiếp tục phát phiếu cho những người tham gia đấu giá để bắt đầu trả giá cho vòng tiếp theo. Giá cao nhất đã trả ở vòng trước được coi là giá khởi điểm của vòng trả giá tiếp theo.

Việc đấu giá kết thúc khi đã thực hiện hết số vòng bỏ phiếu tối đa hoặc trong trường hợp tất cả những người tham gia đấu giá tự nguyện từ chối bỏ phiếu tiếp;

c) Người điều hành cuộc bán đấu giá chỉ được công bố người mua được tài sản bán đấu giá nếu sau ba lần nhắc lại giá đã trả mà không có người nào trả giá cao hơn. Trong trường hợp có từ hai người trở lên cùng trả một giá, thì những người này phải tiếp tục tham gia trả giá cho đến khi có người trả giá cao nhất; người trả giá cao nhất là người mua được tài sản bán đấu giá. Trong trường hợp những người cùng trả một giá tự nguyện từ chối tiếp tục tham gia trả giá, thì người điều hành cuộc bán đấu giá tổ chức việc rút thăm giữa những người đó và công bố người rút trúng thăm là người mua được tài sản bán đấu giá.”

7. Sửa đổi Điều 22 Quyết định 17 như sau:

"Điều 22. Chi phí cho công tác tổ chức đấu giá

1. Chi phí cho công tác tổ chức bán đấu giá được sử dụng từ nguồn thu phí đấu giá tài sản bao gồm phí đấu giá của người tham gia đấu giá và phí đấu giá của người có tài sản bán đấu giá.

2. Cơ quan thu phí đấu giá, mức thu phí đấu giá; quản lý và sử dụng phí đấu giá thực hiện theo quy định hiện hành của UBND tỉnh.”

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký ban hành. Các nội dung khác vẫn thực hiện theo quy định tại Quyết định số 17/2006/QĐ-UBND ngày 16/02/2006 của UBND tỉnh Bình Thuận về việc ban hành Quy chế bán đấu giá tài sản.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Tư pháp, thủ trưởng cơ quan thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Tấn Thành