Hệ thống pháp luật

BỘ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 483/TCCB-QĐ

Hà Nội, ngày 26 tháng 7 năm 1993

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH TIÊU CHUẨN NGHIỆP VỤ CỦA CÁC NGẠCH CÔNG CHỨC HÀNH CHÍNH TRONG NGÀNH TƯ PHÁP

BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP

Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 02/03/1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Căn cứ Nghị định số 38/CP ngày 04/06/1993 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Bộ Tư pháp;

Căn cứ Quyết định số 414/TCCP-VC ngày 29/05/1993 của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ về việc ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức hành chính;

Căn cứ Công văn số 530/TCCP-VC ngày 14/07/1993 của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ về việc Ủy quyền cho Bộ Tư pháp ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ công chức ngạch hành chính của ngành Tư pháp;

Xét đề nghị của đồng chí Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ Bộ Tư pháp.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1.

Nay ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ của các ngạch công chức hành chính của các ngành Tư pháp (có văn bản tiêu chuẩn kèm theo) bao gồm:

Chuyên viên cao cấp pháp lý;

Chuyên viên chính pháp lý;

Chuyên viên pháp lý;

Cán sự pháp lý.

Điều 2.

Tiêu chuẩn nghiệp vụ của các ngạch nói trên là để các Bộ, Ngành, Địa phương thực hiện việc sử dụng, tuyển dụng, bổ nhiệm, đào tạo bồi dưỡng, nâng bậc lương và chuyển ngạch cho công chức hành chính ngành Tư pháp theo quy định chung của Nhà nước.

Điều 3.

Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp có trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Ngọc Hiến

 

TIÊU CHUẨN NGHIỆP VỤ

CỦA CÁC NGẠCH CÔNG CHỨC HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC NGÀNH TƯ PHÁP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 483/TCCB-QĐ ngày 26/07/1993)

I. CÁN SỰ PHÁP LÝ

1. Chức trách: Là công chức chuyên môn nghiệp vụ giúp lãnh đạo phòng, ban thuộc cơ quan Tư pháp từ Quận, Huyện, Thị xã (gọi tắt là Huyện) trở lên, thực hiện triển khai các công việc về tư pháp theo phân công.

Nhiệm vụ cụ thể:

Xây dựng kế hoạch công tác và thực hiện công việc được phân công.

Dự thảo các văn bản pháp quy như nội quy, quy chế, quy ước... và tham gia về mặt pháp lý các dự thảo văn bản của các ngành theo sự phân công.

Hướng dẫn, đôn đốc, theo dõi và tập hợp quá trình thi hành các văn bản pháp luật, pháp quy của các ngành ở địa phương thuộc phạm vi được phân công.

Phân tích, đánh giá hiệu quả, phát hiện và đề xuất với lãnh đạo việc uốn nắn những lệch lạc trong quá trình thi hành các văn bản pháp luật, pháp quy nhằm đảm bảo cho công tác quản lý Nhà nước ở địa phương được chặt chẽ và có hiệu quả.

Phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức tuyên truyền giáo dục pháp luật.

Tổ chức được việc thống kê lưu trữ các tài liệu, số liệu đầy đủ theo đúng yêu cầu nghiệp vụ.

2. Hiểu biết:

Nắm được đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của ngành có liên quan đến công tác được giao.

Nắm được kiến thức pháp lý cơ bản.

Nắm được các nguyên tắc, thủ tục hành chính nghiệp vụ của hệ thống tư pháp và tổ chức bộ máy Nhà nước.

Am hiểu tình hình kinh tế - xã hội có liên quan đến công việc được giao.

Biết dự thảo các văn bản pháp quy và biết cách tổ chức triển khai thực hiện công việc được giao.

3. Yêu cầu về trình độ.

Tốt nghiệp trung học pháp lý đã qua thời gian tập sự.

Được bồi dưỡng nghiệp vụ theo quy định của Bộ Tư pháp.

II. CHUYÊN VIÊN PHÁP LÝ.

1. Chức trách: là công chức chuyên môn nghiệp vụ giúp lãnh đạo cơ quan tư pháp từ cấp Huyện trở lên, thực hiện quản lý lĩnh vực tư pháp hoặc một phần công việc thuộc lĩnh vực tư pháp theo phân cấp và phân công.

Nhiệm vụ cụ thể:

Xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện công việc được giao.

Dự thảo hoặc tham gia dự thảo các văn bản pháp quy và góp ý kiến về mặt pháp lý các dự thảo văn bản pháp quy của các cơ quan khác gửi đến.

Tập hợp, rà soát các văn bản pháp quy thuộc lĩnh vực nghiệp vụ được phân công để đề xuất ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng văn bản mới cho phù hợp với thực tế.

Tổ chức theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và hướng dẫn việc thực hiện các văn bản pháp luật, pháp quy trong phạm vi được phân công.

Tổ chức phối hợp với các chuyên viên của các đơn vị, các ngành có liên quan trong việc thực hiện công tác được giao.

Hướng dẫn các ngạch công chức chuyên môn nghiệp vụ cấp dưới triển khai công việc.

Tổ chức thống kê, lưu trữ các tài liệu, số liệu đầy đủ, chính xác theo đúng yêu cầu nghiệp vụ.

2. Hiểu biết:

Nắm được đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phương hướng, chủ trương của ngành có liên quan đến công tác tư pháp được giao.

Nắm được kiến thức pháp lý.

Nắm được quy trình công việc, viết được các văn bản pháp quy và văn bản hướng dẫn thi hành.

Am hiểu tình hình kinh tế - xã hội có liên quan đến công việc được giao.

Nắm được thông tin pháp lý trong nước về xây dựng pháp luật. Biết nghiên cứu tổng kết, đề xuất ý kiến về chuyên môn nghiệp vụ được phân công.

Nắm được các nguyên tắc, thủ tục hành chính nghiệp vụ của hệ thống tư pháp và tổ chức bộ máy Nhà nước.

Biết tổ chức hướng dẫn, kiểm tra và phối hợp với các cơ quan có liên quan để triển khai công việc tư pháp có hiệu quả.

3. Yêu cầu trình độ:

Tốt nghiệp đại học Luật, qua thời gian tập sự nghiệp vụ.

Qua lớp bồi dưỡng nghiệp vụ hành chính theo nội dung, chương trìh của Học viện hành chính quốc gia.

Biết một ngoại ngữ (đọc, hiểu được sách chuyên môn).

III. CHUYÊN VIÊN CHÍNH PHÁP LÝ

1. Chức trách: là công chức chuyên môn nghiệp vụ thuộc hệ thống tư pháp, giúp lãnh đạo cơ quan tư pháp cấp Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là Tỉnh) trở lên, chủ trì tổ chức và thực hiện triển khai lĩnh vực công tác tư pháp hoặc một số phần việc thuộc lĩnh vực tư pháp theo phân cấp, phân công.

Nhiệm vụ cụ thể:

Xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện công tác tư pháp theo kế hoạch đề ra;

Chủ trì tổ chức dự thảo hoặc tham gia dự thảo văn bản pháp luật và tham gia ý kiến pháp lý các dự thảo văn bản của các ngành, các cấp gửi đến theo sự phân công;

Chủ trì tổ chức và thực hiện việc rà soát và hệ thống hóa các văn bản pháp luật thuộc lĩnh vực phân công, trên cơ sở đó đề xuất ý kiến sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng văn bản mới cho phù hợp với thực tiễn, nhằm hoàn thiện pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý;

Tổng kết, phân tích, đánh giá, đúc kết kinh nghiệm về công tác tư pháp được giao và đề xuất biện pháp cải tiến nâng cao hiệu quả quản lý công tác tư pháp;

Tổ chức chỉ đạo việc xây dựng nề nếp quản lý nghiệp vụ, chỉ đạo việc thống kê, lưu trữ các tài liệu, số liệu đầy đủ theo đúng yêu cầu nghiệp vụ;

Chủ trì hoặc tham gia nghiên cứu khoa học về công tác tư pháp.

Chủ trì hoặc tham gia biên soạn chương trình, nội dung bồi dưỡng nghiệp vụ cho các ngạch công chức cấp dưới.

2. Hiểu biết:

Nắm vững đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, phương hướng chủ trương của ngành để vận dụng vào thực hiện nhiệm vụ được giao;

Am hiểu sâu về pháp luật trong nước và nước ngoài có liên quan đến nghiệp vụ quản lý công tác tư pháp;

Am hiểu sâu tình hình kinh tế - xã hội để vận dụng vào công việc;

Nắm thông tin khoa học pháp lý trong và ngoài nước về lĩnh vực công tác tư pháp;

Có năng lực tổng kết, đúc rút kinh nghiệm thực tiễn và đề xuất ý kiến về công tác quản lý nghiệp vụ;

Có khả năng nghiên cứu khoa học;

Có khả năng tổng hợp nhanh, nhậy, thông thạo tổ chức triển khai nhiệm vụ chuyên môn.

3. Yêu cầu trình độ:

Có thời gian ở ngạch chuyên viên pháp lý tối thiểu là 9 năm;

Biết một ngoại ngữ (đọc, nói thông thạo);

Qua khóa đào tạo quản lý Nhà nước ngạch chuyên viên chính;

Có đề án sáng tạo hoặc công trình khoa học được HĐKH ngành thừa nhận và được áp dụng có hiệu quả.

IV. CHUYÊN VIÊN CAO CẤP PHÁP LÝ

1. Chức trách: Là công chức chuuyên môn, nghiệp vụ cao nhất của ngành tư pháp, giúp lãnh đạo vụ thuộc Bộ Tư pháp chủ trì tổ chức chỉ đạo và thực hiện quản lý lĩnh vực tư pháp trong phạm vi cả nước.

Nhiệm vụ cụ thể:

Chủ trì tổ chức được việc xây dựng các chủ trương, chính sách của ngành, đề xuất nội dung quản lý các lĩnh vực của hệ thống tư pháp có tầm chiến lược của ngành;

Chủ trì tổ chức chỉ đạo hoặc tham gia dự thảo các văn bản pháp luật (Luật, Pháp lệnh) thuộc lĩnh vực công tác được phân công và tổ chức chỉ đạo hướng dẫn thực hiện.

Chủ trì tổ chức và tham gia góp ý kiến về mặt pháp lý các dự thảo văn bản pháp luật của các Bộ, ngành và các cấp theo sự phân công;

Đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền về việc hoàn thiện nội dung quản lý nghiệp vụ tư pháp hoặc xây dựng các văn bản pháp luật quản lý ngành về lĩnh vực công tác đó;

Tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đề xuất các biện pháp điều chỉnh và uốn nắn hệ thống nghiệp vụ quản lý tư pháp nhằm đảm bảo tổ chức quản lý công việc có hiệu quả cao;

Tổ chức được sự phối hợp với các cơ quan, các ngành trong việc quản lý thống nhất của ngành về lĩnh vực tư pháp;

Tổng hợp, phân tích, đánh giá, đúc kết kinh nghiệm về công tác quản lý hệ thống tư pháp thuộc lĩnh vực được giao, trên cơ sở đó kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện công tác quản lý nghiệp vụ tư pháp;

Chủ trì hoặc tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước về lĩnh vực tư pháp. Chủ trì tổ chức xây dựng mục tiêu, chương trình nội dung và biên soạn các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp cho các ngạch công chức chuyên môn, nghiệp vụ cấp dưới;

Chủ trì tổ chức, chỉ đạo được việc xây dựng nề nếp quản lý nghiệp vụ, thống kê lưu giữ tài liệu, số liệu đầy đủ phục vụ công tác quản lý ngành thuộc lĩnh vực được phân công.

2. Hiểu biết:

Nắm chắc đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, phương hướng chủ trương của ngành về công tác tư pháp;

Am hiểu sâu pháp luật của Nhà nước và của nước ngoài có liên quan đến công tác tư pháp được giao;

Hiểu biết rộng về các ngành luật có liên quan và các kiến thức tổng hợp khác;

Có kiến thức về nghiệp vụ quản lý nói chung. Có nhiều kinh nghiệp trong công tác xây dựng pháp luật;

Am hiểu rộng về tình hình kinh tế - xã hội có liên quan đến công tác tư pháp;

Có năng lực nghiên cứu khoa học và tổ chức ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào công tác quản lý tư pháp;

Có khả năng tổng kết, đúc rút kinh nghiệm thực tiễn và đề xuất ý kiến hoàn thiện công tác quản lý nghiệp vụ của ngành;

Có khả năng tổ chức tổng hợp nhanh và tổ chức triển khai nghiệp vụ chuyên môn của ngành.

3. Yêu cầu trình độ:

Là chuyên viên chính pháp lý và có thời gian ở ngạch tối thiểu là 6 năm;

Chính trị cao cấp;

Qua khóa đào tạo của Học viện Hành chính quốc gia ngạch chuyên viên cao cấp;

Biết ít nhất một ngoại ngữ (đọc, nói, dịch thông thạo);

Có công trình nghiên cứu khoa học hoặc đề án tổng hợp, sáng tạo đã được Hội đồng khoa học của ngành thừa nhận và được áp dụng có hiệu quả./.