Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 48/2012/QĐ-UBND | Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 15 tháng 10 năm 2012 |
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ NỘI DUNG CHI VÀ MỨC CHI HOẠT ĐỘNG KHUYẾN NÔNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 02/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2010 của Chính phủ về khuyến nông;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 183/2010/TTLT-BTC-BNN ngày 15 tháng 11 năm 2010 của Bộ Tài chính - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cấp đối với hoạt động khuyến nông;
Xét đề nghị của Liên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Sở Tài chính tại Tờ trình liên Sở số 1614/LS-SNN-STC ngày 24 tháng 9 năm 2012,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về nội dung chi, mức chi hoạt động khuyến nông trên địa bàn thành phố.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Kho bạc Nhà nước thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
VỀ BAN HÀNH NỘI DUNG CHI, MỨC CHI HOẠT ĐỘNG KHUYẾN NÔNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 48/2012/QĐ-UBND ngày 15 tháng 10 năm 2012 của Ủy ban nhân dân Thành phố)
Quy định này quy định việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước cấp hàng năm để thực hiện các hoạt động khuyến nông thuộc lĩnh vực: sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, ngư nghiệp, thủy nông, cơ điện nông nghiệp, ngành nghề nông thôn.
1. Người sản xuất: Nông dân sản xuất nhỏ, nông dân sản xuất hàng hóa, nông dân thuộc diện hộ nghèo; chủ trang trại, xã viên tổ hợp tác và hợp tác xã, công nhân nông, lâm trường; doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn thành phố;
2. Tổ chức khuyến nông trong nước và nước ngoài thực hiện các hoạt động hỗ trợ nông dân để phát triển sản xuất kinh doanh thuộc các lĩnh vực quy định tại Điều 1 Nghị định số 02/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2010 của Chính phủ;
3. Người hoạt động khuyến nông tham gia thực hiện các hoạt động hỗ trợ nông dân để phát triển sản xuất kinh doanh thuộc các lĩnh vực quy định tại Điều 1 Nghị định số 02/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2010 của Chính phủ;
4. Cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về khuyến nông.
Điều 3. Nguồn kinh phí đảm bảo hoạt động khuyến nông
1. Nguồn kinh phí ngân sách nhà nước bố trí hàng năm;
2. Thu từ thực hiện các hợp đồng tư vấn và dịch vụ khuyến nông;
3. Tài trợ và đóng góp hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước;
4. Nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Điều 4. Nguyên tắc sử dụng kinh phí khuyến nông
1. Kinh phí khuyến nông được sử dụng cho những hoạt động khuyến nông phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn của thành phố; phù hợp chương trình, dự án khuyến nông được Ủy ban nhân dân Thành phố, Ủy ban nhân dân quận - huyện phê duyệt;
2. Các tổ chức, đơn vị được giao kinh phí thực hiện hoạt động khuyến nông phải công khai chế độ, định mức, tiêu chuẩn kinh phí cho các đối tượng hưởng thụ theo quy định hiện hành;
3. Các tổ chức, cá nhân sử dụng kinh phí khuyến nông phải đúng mục đích, đúng chế độ, chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng có thẩm quyền; thực hiện quyết toán kinh phí đã sử dụng theo quy định hiện hành.
Điều 5. Nội dung chi, mức chi hoạt động khuyến nông địa phương
1. Chi tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo:
a) Đối tượng:
- Người sản xuất: Nông dân sản xuất nhỏ, nông dân sản xuất hàng hóa, nông dân thuộc diện hộ nghèo; chủ trang trại, xã viên tổ hợp tác và hợp tác xã, công nhân nông, lâm trường, doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa tham gia chương trình đào tạo nghề do nhà nước hỗ trợ;
- Người hoạt động khuyến nông tham gia thực hiện các hoạt động hỗ trợ nông dân để phát triển sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực theo quy định tại Khoản 1 Điều 1 Nghị định số 02/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2010 của Chính phủ.
b) Nội dung chi tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo, gồm:
Chi in ấn tài liệu, giáo trình trực tiếp phục vụ lớp học; văn phòng phẩm; nước uống; thuê phương tiện, hội trường, trang thiết bị phục vụ lớp học; vật tư thực hành lớp học (nếu có); chi bồi dưỡng cho giảng viên, hướng dẫn viên thực hành thao tác kỹ thuật, chi tiền đi lại, tiền ở, phiên dịch (nếu có); chi cho học viên: hỗ trợ tiền ăn, đi lại, tiền ở (nếu có); chi khác: khai giảng, bế giảng, in chứng chỉ, tiền y tế cho lớp học, khen thưởng.
c) Mức hỗ trợ:
- Đối với người sản xuất:
+ Người nông dân sản xuất nhỏ, nông dân thuộc diện hộ nghèo được hỗ trợ 100% chi phí tài liệu học; hỗ trợ tiền ăn tối đa không quá 70.000 đồng/ngày thực học/người đối với các lớp tập huấn, đào tạo tổ chức tại thành phố; tối đa không quá 50.000 đồng/ngày thực học/người đối với các lớp tập huấn, đào tạo tổ chức tại huyện; tối đa không quá 25.000 đồng/ngày thực học/người đối với các lớp tập huấn, đào tạo tổ chức tại phường, xã, thị trấn. Hỗ trợ tiền đi lại đối với người học xa nơi cư trú từ 15km trở lên theo mức khoán tối đa không quá 50.000 đồng/người/ngày thực học nhưng không quá 150.000 đồng/người/khóa học;
Đối với chỗ ở cho người học: Đơn vị tổ chức đào tạo bố trí chỗ ở cho các học viên thì đơn vị được hỗ trợ chi phí dịch vụ: chi phí điện, nước, chi phí khác (nếu có); trường hợp đơn vị tổ chức thuê chỗ ở cho học viên thì được hỗ trợ tối đa không quá 350.000 đồng/người/ngày đối với lớp học tổ chức tại quận và tối đa không quá 250.000 đồng/người/ngày đối với lớp học tổ chức tại huyện.
+ Người nông dân sản xuất hàng hóa, chủ trang trại, xã viên tổ hợp tác và hợp tác xã, công nhân nông, lâm trường được hỗ trợ 100% chi phí tài liệu học, hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại bằng 50% theo mức quy định đối với người nông dân sản xuất nhỏ, nông dân thuộc diện hộ nghèo nêu trên;
Đối với chỗ ở cho người học: Đơn vị tổ chức đào tạo bố trí chỗ ở cho các học viên thì đơn vị được hỗ trợ chi phí dịch vụ: chi phí điện, nước, chi phí khác (nếu có); trường hợp đơn vị tổ chức thuê chỗ ở cho học viên thì được hỗ trợ tối đa không quá 175.000 đồng/người/ngày đối với lớp học tổ chức tại quận và tối đa không quá 125.000 đồng/người/ngày đối với lớp học tổ chức tại huyện; phần chi phí còn lại do học viên tham gia đóng góp.
+ Doanh nghiệp vừa và nhỏ trực tiếp hoạt động trong các lĩnh vực khuyến nông được hỗ trợ 50% chi phí tài liệu học khi tham dự đào tạo.
- Đối với người hoạt động khuyến nông khi tham gia bồi dưỡng, tập huấn và đào tạo được hỗ trợ:
+ Người hoạt động khuyến nông hưởng lương từ ngân sách nhà nước được hỗ trợ 100% chi phí tài liệu học;
Đối với chỗ ở cho người học: Đơn vị tổ chức đào tạo bố trí chỗ ở cho các học viên thì đơn vị được hỗ trợ chi phí dịch vụ: chi phí điện, nước, chi phí khác (nếu có); trường hợp đơn vị tổ chức thuê chỗ ở cho học viên thì được hỗ trợ tối đa không quá 350.000 đồng/người/ngày đối với lớp học tổ chức tại quận và tối đa không quá 250.000 đồng/người/ngày đối với lớp học tổ chức tại huyện.
+ Người hoạt động khuyến nông không hưởng lương từ ngân sách nhà nước được hỗ trợ 100% chi phí tài liệu học; hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại, chỗ ở cho người học theo mức quy định đối với người nông dân sản xuất nhỏ, nông dân thuộc diện hộ nghèo.
- Chi bồi dưỡng giảng viên (một buổi giảng được tính 5 tiết học):
+ Người dạy nghề là các tiến sĩ khoa học, tiến sĩ trong lĩnh vực nông nghiệp được trả tiền công giảng dạy với mức tối đa không quá 600.000 đồng/buổi;
+ Người dạy nghề là thạc sĩ trong lĩnh vực nông nghiệp, nghệ nhân cấp tỉnh trở lên được trả tiền công giảng dạy với mức tối đa không quá 500.000 đồng/buổi;
+ Người dạy nghề là cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, người lao động có tay nghề cao tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và các trung tâm khuyến nông, lâm, ngư, nông dân sản xuất giỏi tham gia dạy nghề lao động nông thôn được trả tiền công giảng dạy với mức tối đa không quá 300.000 đồng/buổi.
d) Chi khác (các khoản chi phí theo thực tế phục vụ trực tiếp lớp học):
Chi khai giảng, bế giảng; in chứng chỉ, tiền thuốc y tế thông thường cho học viên, khen thưởng, nước uống, văn phòng phẩm; thuê phương tiện, hội trường, phòng học; thuê thiết bị, dụng cụ phục vụ giảng dạy (đèn chiếu, máy vi tính, thiết bị khác…) vật tư thực hành lớp học.
Thời gian bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo cụ thể đối với từng loại cây trồng, vật nuôi, chuyên đề do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định và hướng dẫn thực hiện. Trong quá trình thực hiện, đơn vị triển khai đào tạo phải lựa chọn kỹ đối tượng tham gia, để tránh đào tạo trùng lắp nhiều lần.
2. Chi thông tin tuyên truyền: hỗ trợ kinh phí thông tin tuyên truyền về hoạt động khuyến nông cho các tổ chức, cá nhân có dự án thông tin tuyên truyền được cấp có thẩm quyền phê duyệt để phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác khuyến nông; phổ biến tiến bộ khoa học và công nghệ, kết quả mô hình trình diễn, điển hình tiên tiến; thông qua:
a) Chương trình phát thanh khuyến nông trên Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh; tài liệu, cẩm nang kỹ thuật, tạp chí, tập san, bản tin, trang web khuyến nông; cung cấp Sổ tay khuyến nông, Báo Nông nghiệp Việt Nam, Tạp chí Nông nghiệp Việt Nam: hàng năm căn cứ nhu cầu và khả năng kinh phí khuyến nông dành cho công tác tuyên truyền, cơ quan khuyến nông xây dựng chương trình tuyên truyền về hoạt động khuyến nông trên các phương tiện thông tin đại chúng, tài liệu khuyến nông trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; thực hiện theo phương thức đấu thầu hoặc đặt hàng.
Đối với Tạp chí Khuyến nông: căn cứ nhu cầu thông tin trên Tạp chí Khuyến nông, Ủy ban nhân dân thành phố giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt đối tượng và kinh phí đặt hàng Tạp chí Khuyến nông từ nguồn kinh phí khuyến nông cấp hàng năm.
b) Chi hội nghị: Hội nghị tổng kết khuyến nông, hội nghị giao ban khuyến nông, hội nghị câu lạc bộ khuyến nông đô thị, diễn đàn khuyến nông. Mức chi theo quy định hiện hành về chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập;
c) Chi hội chợ triển lãm: Đơn vị được giao tổ chức chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch và dự toán chi tiết trình cấp có thẩm quyền phê duyệt cụ thể;
d) Chi hội thi về các hoạt động khuyến nông: Thông tin, tuyên truyền, thuê hội trường, trang thiết bị, văn phòng phẩm; chi ban giám khảo chấm thi; chi hội đồng tư vấn khoa học, soạn câu hỏi và đáp án; chi khai mạc, bế mạc, chi thức ăn, hóa chất, vật tư, dụng cụ phục vụ cuộc thi (nếu có); chi đạo diễn và biên tập chương trình thi; chi hỗ trợ đưa đón thí sinh dự thi và chi khác;
đ) Xây dựng và quản lý dữ liệu hệ thống thông tin khuyến nông: Chi thuê đường truyền mua phần mềm, cập nhật số liệu, bảo trì, bảo mật và các khoản chi khác (nếu có).
e) Chuyển giao ứng dụng công nghệ thông tin để khai thác kiến thức sản xuất nông nghiệp: Nội dung chi và mức hỗ trợ theo chương trình, dự án cụ thể được cấp thẩm quyền phê duyệt.
3. Chi xây dựng các mô hình trình diễn về khuyến nông:
a) Nội dung:
- Xây dựng các mô hình trình diễn về tiến bộ khoa học và công nghệ phù hợp với điều kiện ứng dụng của thành phố;
- Xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Tiêu chuẩn mô hình ứng dụng công nghệ cao theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phù hợp với quy định của Luật Công nghệ cao;
- Xây dựng mô hình tổ chức, quản lý sản xuất kinh doanh tổng hợp nông nghiệp hiệu quả và bền vững;
- Xây dựng các mô hình thực nghiệm, thử nghiệm cây trồng, vật nuôi, quy trình canh tác mới có hiệu quả.
b) Mức hỗ trợ:
- Chi hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn để phổ biến và nhân rộng những tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất phù hợp với điều kiện ứng dụng của thành phố.
+ Mô hình sản xuất nông nghiệp trình diễn: Đối với các hộ nông dân trên địa bàn thành phố được hỗ trợ 100% chi phí mua giống và 30% chi phí mua vật tư thiết yếu;
+ Mô hình cơ giới hóa nông nghiệp, bảo quản chế biến, nghề muối và ngành nghề nông thôn được hỗ trợ chi phí mua công cụ, máy cơ khí, thiết bị: Đối với các hộ nông dân trên địa bàn thành phố được hỗ trợ tối đa 50% chi phí, nhưng không quá 75 triệu đồng/mô hình;
+ Mô hình khai thác và bảo quản sản phẩm trên biển gần bờ (không bao gồm vỏ tàu, máy tàu): Hỗ trợ tối đa 50% chi phí trang thiết bị, nhưng không quá 125 triệu đồng/mô hình; mô hình khai thác và bảo quản sản phẩm trên biển xa bờ và tuyến đảo (không bao gồm vỏ tàu, máy tàu): hỗ trợ tối đa 50% chi phí trang thiết bị, nhưng không quá 200 triệu đồng/mô hình;
+ Mô hình ứng dụng công nghệ cao hỗ trợ tối đa 30% tổng kinh phí thực hiện mô hình, nhưng không quá 200 triệu đồng/mô hình;
+ Mô hình tổ chức, quản lý sản xuất kinh doanh tổng hợp nông nghiệp hiệu quả và bền vững: Hỗ trợ tối đa không quá 30 triệu đồng/mô hình;
+ Mô hình cho hộ nghèo (có mã số hộ nghèo) có điều kiện sản xuất nông nghiệp: Hỗ trợ 100% chi phí mua giống và chi phí mua vật tư thiết yếu;
+ Mô hình thực nghiệm, thử nghiệm giống cây trồng, vật nuôi, quy trình canh tác mới: hỗ trợ 100% chi phí mua giống và chi phí mua vật tư thiết yếu, nhưng không quá 200 triệu đồng/mô hình.
- Chi thuê cán bộ kỹ thuật chỉ đạo, theo dõi mô hình trình diễn tính bằng mức lương tối thiểu/22 ngày nhân (x) số ngày thực tế thuê.
Trường hợp cán bộ khuyến nông tham gia trực tiếp chỉ đạo, theo dõi mô hình trình diễn (bao gồm thời gian đi trên đường, thời gian lưu trú tại nơi đến công tác) được hỗ trợ phụ cấp lưu trú tối đa không quá 150.000 đồng/ngày; trường hợp đi công tác trong ngày (đi và về trong ngày) thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định mức phụ cấp lưu trú theo các tiêu chí: căn cứ theo số giờ thực tế đi công tác trong ngày, theo thời gian phải làm ngoài giờ hành chính (bao gồm cả thời gian đi trên đường), quãng đường đi công tác… và phải được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan, đơn vị.
- Chi triển khai mô hình trình diễn: Tập huấn cho người tham gia mô hình, tổng kết mô hình và chi khác (nếu có). Mức chi tối đa không quá 12 triệu đồng/mô hình, riêng mô hình công nghệ cao tối đa không quá 15 triệu đồng/mô hình. Trong đó mức chi hỗ trợ tiền ăn cho người tham gia tập huấn không quá 25.000 đồng/người/ngày;
Quy mô mô hình, mức hỗ trợ, định mức cán bộ kỹ thuật, chi hướng dẫn kỹ thuật cho từng mô hình cụ thể do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, quyết định, đảm bảo phù hợp với tính chất của từng mô hình, nhưng không vượt quá tỷ lệ và mức hỗ trợ tại Quy định này.
4. Chi nhân rộng mô hình, điển hình sản xuất tiên tiến ra diện rộng: Hỗ trợ kinh phí thông tin, tuyên truyền, quảng cáo, hội nghị đầu bờ. Mức chi 15 triệu đồng/1 mô hình, điển hình sản xuất tiên tiến; trong đó mức hỗ trợ cho người tham gia triển khai mô hình, giảng viên, hướng dẫn viên thực hành thao tác kỹ thuật áp dụng quy định đối với chi bồi dưỡng giảng viên nêu trên.
5. Chi mua bản quyền tác giả, mua công nghệ mới gắn với chương trình, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
6. Biên soạn và in giáo trình, tài liệu mẫu để hướng dẫn, đào tạo, tư vấn khuyến nông, áp dụng theo quy định tại Thông tư số 123/2009/TT-BTC ngày 17 tháng 6 năm 2009 của Bộ Tài chính quy định nội dung chi, mức chi xây dựng chương trình khung và biên soạn chương trình, giáo trình các môn học đối với các ngành đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp.
7. Chi thuê chuyên gia trong và ngoài nước phục vụ hoạt động khuyến nông; thuê chuyên gia đánh giá hoạt động khuyến nông: căn cứ mức độ cần thiết và khả năng kinh phí, thủ trưởng đơn vị được giao chủ trì thực hiện chương trình, dự án khuyến nông lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.
8. Chi tham quan, học tập trong nước, nước ngoài:
- Chi tham quan học tập trong nước: mức chi theo quy định hiện hành;
- Chi tham quan học tập nước ngoài: theo quy định hiện hành về chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức nhà nước đi công tác ngắn hạn nước ngoài do ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí.
9. Chi điều tra khảo sát, xây dựng chương trình dự án: mức chi theo quy định hiện hành.
10. Mua sắm trang thiết bị phục vụ trực tiếp cho các hoạt động khuyến nông được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Việc mua sắm trang thiết bị thực hiện theo quy định hiện hành.
11. Chi quản lý chương trình dự án khuyến nông:
a) Cơ quan quản lý kinh phí khuyến nông được sử dụng tối đa không quá 2% kinh phí khuyến nông do cấp có thẩm quyền giao hàng năm để hỗ trợ xây dựng các chương trình, dự án, kiểm tra, giám sát đánh giá, gồm: thuê chuyên gia, lao động (nếu có); chi làm thêm giờ theo chế độ quy định; văn phòng phẩm, điện thoại, bưu chính, điện nước; chi công tác phí, xăng dầu, thuê xe đi kiểm tra (nếu có); chi thẩm định xét chọn, nghiệm thu chương trình, dự án khuyến nông, chi khác (nếu có);
b) Đối với tổ chức thực hiện dự án khuyến nông: đơn vị triển khai thực hiện dự án khuyến nông được chi không quá 3% dự toán dự án khuyến nông để chi công tác quản lý, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, chi khác (nếu có).
12. Chi trả thù lao cho mạng lưới khuyến nông viên và hỗ trợ câu lạc bộ khuyến nông:
a) Mức chi trả thù lao hàng tháng cho mạng lưới khuyến nông viên xã, phường, thị trấn bằng mức lương tối thiểu theo quy định hiện hành; số lượng khuyến nông viên do Trung tâm Khuyến nông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định theo quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 10 Nghị định số 02/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2010 của Chính phủ.
b) Về hỗ trợ hoạt động Câu lạc bộ khuyến nông (mỗi tháng sinh hoạt 1 - 2 lần): chi hỗ trợ tiền nước uống cho sinh hoạt hàng tháng (tối đa 50 người/lần); mức chi tối đa không quá 10.000 đồng/buổi/người.
Điều 6. Lập, phân bổ, giao dự toán, quyết toán kinh phí khuyến nông
Việc lập, phân bổ, giao dự toán, quyết toán kinh phí khuyến nông thực hiện theo Điều 8 của Thông tư liên tịch số 183/2010/TTLT-BTC-BNN ngày 15 tháng 11 năm 2010 của Bộ Tài chính - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước đối với hoạt động khuyến nông.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân quận, huyện; các tổ chức, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Quy định này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các tổ chức, cá nhân báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp trình Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, bổ sung, điều chỉnh./.
- 1Quyết định 140/2011/QĐ-UBND về Quy định nội dung chi và mức chi hỗ trợ cho hoạt động khuyến nông từ nguồn ngân sách địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Giang do Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang ban hành
- 2Quyết định 751/2011/QĐ-UBND về Quy định nội dung chi, mức chi hoạt động khuyến nông trên địa bàn tỉnh do Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên ban hành
- 3Quyết định 11/2012/QĐ-UBND quy định nội dung chi và mức chi hỗ trợ cho hoạt động khuyến nông từ nguồn kinh phí khuyến nông địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Nông
- 4Quyết định 142/2007/QĐ-UBND về Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ Khuyến nông Thành phố Hà Nội
- 5Quyết định 46/2012/QĐ-UBND về Quy định chi, mức chi hoạt động khuyến nông trên địa bàn tỉnh Lai Châu
- 6Quyết định 59/2023/QĐ-UBND bãi bỏ Quyết định 48/2012/QĐ-UBND quy định về nội dung chi và mức chi hoạt động khuyến nông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
- 1Luật Ngân sách Nhà nước 2002
- 2Nghị định 60/2003/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Ngân sách nhà nước
- 3Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 4Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 2004
- 5Luật Công nghệ cao 2008
- 6Thông tư 123/2009/TT-BTC quy định nội dung chi, mức chi xây dựng chương trình khung và biên soạn chương trình, giáo trình các môn học đối với các ngành đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp do Bộ Tài chính ban hành
- 7Nghị định 02/2010/NĐ-CP về khuyến nông
- 8Thông tư liên tịch 183/2010/TTLT-BTC-BNN hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cấp đối với hoạt động khuyến nông do Bộ Tài chính - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 9Quyết định 140/2011/QĐ-UBND về Quy định nội dung chi và mức chi hỗ trợ cho hoạt động khuyến nông từ nguồn ngân sách địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Giang do Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang ban hành
- 10Quyết định 751/2011/QĐ-UBND về Quy định nội dung chi, mức chi hoạt động khuyến nông trên địa bàn tỉnh do Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên ban hành
- 11Quyết định 11/2012/QĐ-UBND quy định nội dung chi và mức chi hỗ trợ cho hoạt động khuyến nông từ nguồn kinh phí khuyến nông địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Nông
- 12Quyết định 142/2007/QĐ-UBND về Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ Khuyến nông Thành phố Hà Nội
- 13Quyết định 46/2012/QĐ-UBND về Quy định chi, mức chi hoạt động khuyến nông trên địa bàn tỉnh Lai Châu
Quyết định 48/2012/QĐ-UBND về Quy định nội dung chi, mức chi hoạt động khuyến nông trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh
- Số hiệu: 48/2012/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 15/10/2012
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Lê Minh Trí
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 53
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra