Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 479/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 07 tháng 4 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT NHIỆM VỤ LẬP QUY HOẠCH TỈNH QUẢNG NINH THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050.

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch ngày 15 tháng 6 năm 2018;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Pháp lệnh số 01/2018/UBTVQH14 ngày 22 tháng 12 năm 2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của 04 Pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch;

Căn cứ Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16 tháng 8 năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải thích một số điều của Luật Quy hoạch;

Căn cứ Nghị định số 37/2019/NQ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch năm 2017;

Căn cứ Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ về triển khai thi hành Luật Quy hoạch năm 2017;

Căn cứ Nghị quyết số 69/NQ-CP ngày 13 tháng 9 năm 2019 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2019;

Căn cứ Nghị quyết số 110/NQ-CP ngày 02 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ về việc ban hành Danh mục các quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch;

Theo đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh tại Tờ trình số 1755/TTr-UBND ngày 19 tháng 3 năm 2020 về việc phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Báo cáo thẩm định số 1504/BC-HĐTĐ ngày 10 tháng 3 năm 2020 của Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh và Báo cáo số 43/BC-UBND ngày 19 tháng 3 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh về việc tiếp thu, giải trình ý kiến của Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với các nội dung sau:

I. TÊN QUY HOẠCH

Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

II. PHẠM VI, THỜI KỲ QUY HOẠCH

1. Phạm vi lập quy hoạch: Gồm toàn bộ diện tích tự nhiên trên đất liền 6.178,8 km2 và diện tích mặt biển trên 6.000 km2 (do tỉnh quản lý) của tỉnh Quảng Ninh, với phạm vi 13 đơn vị hành chính: 04 thành phố (Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả, Uông Bí); 02 thị xã (Quảng Yên, Đông Triều) và 07 huyện (Bình Liêu, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Ba Chẽ, Vân Đồn, Cô Tô).

Ranh giới tọa độ địa lý khoảng 106o26' đến 108o31' kinh độ Đông và từ 20o40' đến 21o40' vĩ độ Bắc.

2. Thời kỳ quy hoạch:

- Thời kỳ quy hoạch: 2021 - 2030.

- Tầm nhìn dài hạn: Đến năm 2050.

III. QUAN ĐIỂM, NGUYÊN TẮC, MỤC TIÊU LẬP QUY HOẠCH

1. Quan điểm:

- Việc lập quy hoạch tỉnh Quảng Ninh phải phù hợp với các nội dung định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước thời kỳ 2021 - 2030; chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng và các quy hoạch ngành quốc gia liên quan đến địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Kế thừa những quan điểm, định hướng phát triển còn phù hợp với tình hình thực tiễn của các quy hoạch của tỉnh đã được phê duyệt có tầm nhìn đến năm 2030. Nghiên cứu, bổ sung, phát triển những vấn đề mới trên cơ sở bám sát các chủ trương, chỉ đạo của trung ương, các định hướng của quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành quốc gia và danh mục các quy hoạch được tích hợp tại Nghị quyết số 110/NQ-CP ngày 02 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ.

- Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh phải thể hiện được quan điểm đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển, nhất là tư duy phát triển bền vững về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản; tư duy về phát huy tối đa, hiệu quả các tiềm năng, lợi thế riêng có, khác biệt, từ đó tạo sự thống nhất cao trong nhận thức về hành động của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp về mô hình và phương thức phát triển đặc sắc của Quảng Ninh, nhất là quá trình chuyển đổi mô hình từ “nâu” sang “xanh” đang mang lại hiệu quả to lớn, rõ nét. Tiếp tục nghiên cứu quan điểm phát triển không gian của tỉnh theo hướng “Một tâm - Hai tuyến - Đa chiều” với “Hai mũi đột phá” là khu kinh tế Vân Đồn và khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái; khu kinh tế Quảng Yên là hạt nhân, động lực tăng trưởng mới của tuyến phía Tây... phù hợp với chiến lược, quy hoạch.

- Tiếp tục khẳng định quan điểm phát triển dựa vào thiên nhiên, con người, văn hóa kết hợp với xu thế hòa bình, hợp tác, hội nhập, cơ hội mới và công nghệ mới của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại và tham gia sâu rộng, có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu... Thiên nhiên phải được bảo vệ, bảo tồn (rừng, di sản...), phát triển văn hóa con người Quảng Ninh phải có chiều sâu hơn, bản sắc văn hóa phải được giữ gìn.

- Tận dụng tối đa lợi thế phát triển từ các dự án kết cấu hạ tầng động lực về giao thông, du lịch, dịch vụ đã có và đang nghiên cứu đầu tư. Tạo ra sự đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế dựa chủ yếu vào nguồn nhân lực chất lượng cao, yếu tố đổi mới sáng tạo, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin trên nền tảng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng đồng bộ, hiện đại, nhất là các công trình, dự án động lực thúc đẩy liên kết vùng và hợp tác quốc tế, sự ổn định chính trị xã hội và hoạt động hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước.

- Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh; bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và chủ quyền biên giới; bảo đảm an sinh xã hội thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, nâng cao mức sống của người dân; bảo đảm công bằng và phát triển hài hòa giữa thúc đẩy đô thị hóa với xây dựng nông thôn, văn minh, nông dân giàu có; bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Việc lập quy hoạch phải bảo đảm tính nhân dân, sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân; bảo đảm hài hòa lợi ích của quốc gia, các vùng, các địa phương và lợi ích của người dân theo quy định.

2. Nguyên tắc:

- Đảm bảo sự tuân thủ, bám sát các quy trình, nội dung, nguyên tắc theo Luật Quy hoạch, Nghị định, các Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Quy hoạch.

- Đảm bảo sự tuân thủ, tính liên tục, kế thừa, ổn định, thứ bậc trong hệ thống quy hoạch quốc gia. Hiện nay các quy hoạch các cấp và quy hoạch tỉnh được triển khai thực hiện song song, do đó yêu cầu việc lập quy hoạch tỉnh phải chủ động phối hợp, cập nhật thông tin đảm bảo tính thống nhất, liên kết, đồng bộ giữa các cấp quy hoạch và giữa các ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16 tháng 8 năm 2019 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa 14 về giải thích một số điều của Luật Quy hoạch.

- Đảm bảo tính khả thi, bền vững và dài hạn, tạo nền tảng phát triển cho các giai đoạn tiếp theo; phù hợp với khả năng cân đối, huy động nguồn lực triển khai thực hiện quy hoạch tỉnh Quảng Ninh.

- Đảm bảo phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, các văn bản pháp luật như Luật Biên giới quốc gia năm 2003, các Nghị định thư phân giới cắm mốc, Hiệp định về quy chế quản lý biên giới, Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền...

- Đảm bảo tính mở, công khai, minh bạch, tính thị trường trong xây dựng định hướng phát triển, tổ chức không gian phát triển các ngành, lĩnh vực trên địa bàn; nguyên tắc thị trường có sự quản lý của nhà nước trong phân bổ nguồn lực.

- Đảm bảo sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân; bảo đảm hài hòa lợi ích của quốc gia, các vùng, các địa phương và lợi ích của người dân.

3. Mục tiêu:

Việc nghiên cứu lập quy hoạch tỉnh phải đạt được các mục tiêu sau:

- Phân tích, đánh giá được thực trạng kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2011 - 2020, dự báo và đề xuất các phương án phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định được các quan điểm, mục tiêu và đột phá phát triển và phương án phát triển các ngành, lĩnh vực, lựa chọn phương án tối ưu, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, đảm bảo phát triển bền vững dài hạn trên cả 3 trụ cột là kinh tế - xã hội - môi trường.

- Quy hoạch là căn cứ khoa học, công cụ pháp lý quan trọng để chính quyền các cấp của tỉnh Quảng Ninh sử dụng trong lãnh đạo, chỉ đạo, thống nhất công tác quản lý nhà nước và hoạch định chính sách, kiến tạo động lực phát triển; là cơ sở để xây dựng và triển khai các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, đảm bảo tính khách quan, khoa học; tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo tính kết nối đồng bộ giữa quy hoạch quốc gia với quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

- Xây dựng được phương hướng phát triển các ngành quan trọng trên địa bàn; lựa chọn được các phương án tổ chức, phát triển hoạt động kinh tế - xã hội có hiệu quả, là cơ sở cho việc đề xuất: phương án tổ chức không gian chung, hệ thống kết cấu hạ tầng, hệ thống đô thị, nông thôn, các khu chức năng có vai trò động lực; phương án tổ chức phát triển mạng lưới và không gian cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng hiệu quả và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu... và giải pháp bố trí không gian phát triển hợp lý nhằm giải quyết các xung đột về không gian trên địa bàn tỉnh cho các nhu cầu phát triển trong tương lai trên cơ sở huy động hiệu quả các điều kiện bên trong và thu hút các nguồn lực từ bên ngoài.

- Xây dựng được phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện đáp ứng cao nhất nhu cầu thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa của từng khu vực và khả năng kết nối đồng bộ, tổng thể trong tỉnh và vùng trung du miền núi phía Bắc, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

- Xây dựng được danh mục và thứ tư ưu tiên các dự án đầu tư, cũng như giải pháp huy động nguồn lực thực hiện quy hoạch theo các kịch bản phát triển.

- Xác định được các định hướng, nhiệm vụ và giải pháp (về cơ chế, chính sách, huy động và phân bổ các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội...) tính khả thi; đồng thời loại bỏ các quy hoạch chồng chéo, cản trở đầu tư phát triển trên địa bàn; bảo đảm công khai minh bạch, công bằng trong huy động, tiếp cận cũng như phát huy tối đa các nguồn lực trong hoạt động đầu tư phát triển kinh tế - xã hội - môi trường.

- Xây dựng được hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu (CSDL) quy hoạch thống nhất trong tỉnh đáp ứng yêu cầu quản lý phát triển của tỉnh, vùng và quốc gia.

IV. NỘI DUNG CỦA QUY HOẠCH

Các nội dung chính của quy hoạch tỉnh Quảng Ninh phải đảm bảo các yêu cầu theo quy định của Luật Quy hoạch và Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch, bao gồm:

1. Phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của tỉnh (gồm các điều kiện tự nhiên, xã hội; bối cảnh bên ngoài; tổng hợp các cơ hội, thách thức).

2. Đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hệ thống đô thị và nông thôn (gồm thực trạng phát triển kinh tế, xã hội; công tác đảm bảo quốc phòng - an ninh; tổ chức không gian và phát triển hạ tầng; sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường; phân tích, đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức).

3. Quan điểm, mục tiêu và phương án phát triển (gồm quan điểm phát triển; xây dựng kịch bản và phương án phát triển; mục tiêu phát triển; các nhiệm vụ trọng tâm và các khâu đột phá).

4. Phương án phát triển các ngành quan trọng (gồm các ngành công nghiệp; dịch vụ; nông, lâm nghiệp và thủy sản; các lĩnh vực văn hóa, xã hội và quốc phòng - an ninh).

5. Phương án tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội.

6. Phương án tổ chức hệ thống đô thị, nông thôn và kết cấu hạ tầng.

7. Phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện.

8. Phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện.

9. Phương án bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

10. Phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng, tài nguyên.

11. Phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra.

12. Phương án phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.

13. Xây dựng danh mục dự án của tỉnh và thứ tự ưu tiên thực hiện.

14. Xây dựng giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch.

15. Xây dựng báo cáo quy hoạch.

16. Các nội dung đề xuất nghiên cứu: Căn cứ các nội dung chính của quy hoạch, cơ quan lập quy hoạch xây dựng danh mục nhiệm vụ nội dung đề xuất và đề cương nghiên cứu đảm bảo yêu cầu tích hợp quy hoạch tỉnh.

V. PHƯƠNG PHÁP LẬP QUY HOẠCH

Các phương pháp lập quy hoạch gồm: phương pháp tích hợp; phương pháp dự báo, xây dựng phương án phát triển; phương pháp điều tra, thu thập xử lý thông tin, dữ liệu; phương pháp phân tích hệ thống, phân tích chuyên ngành; phương pháp so sánh đối chiếu, phân tích hệ thống thông tin địa lý, bản đồ (GIS); phương pháp thực chứng, ứng dụng từ các bài học thực tiễn; phương pháp dự báo, xây dựng các kịch bản phát triển; phương pháp chuyên gia, hội nghị, hội thảo...

Một số phương pháp khác của cơ quan lập quy hoạch phù hợp với quy trình kỹ thuật và tính đặc thù của tỉnh.

VI. THÀNH PHẦN, CHI PHÍ, TIẾN ĐỘ LẬP QUY HOẠCH

1. Thành phần hồ sơ

a) Phần văn bản:

- Tờ trình thẩm định và phê duyệt Quy hoạch, dự thảo văn bản phê duyệt Quy hoạch.

- Báo cáo Quy hoạch và các báo cáo liên quan kèm theo hệ thống sơ đồ, bản đồ, cơ sở dữ liệu về Quy hoạch.

- Các phụ lục và văn bản pháp lý liên quan.

- Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường).

b) Bản đồ và sơ đồ phân tích:

- Hệ thống bản đồ phù hợp với quy định tại mục IX Phụ lục I của Nghị định số 37/2019/NĐ-CP:

+ Bản đồ hiện trạng điều kiện tự nhiên;

+ Bản đồ hiện trạng kinh tế - xã hội;

+ Bản đồ hiện trạng phân bố dân cư, hệ thống đô thị và điểm dân cư nông thôn;

+ Bản đồ hiện trạng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội;

+ Bản đồ đánh giá tổng hợp đất đai theo các mục đích sử dụng;

+ Bản đồ phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật;

+ Bản đồ phương án phát triển kết cấu hạ tầng xã hội;

+ Bản đồ phương án quy hoạch hệ thống đô thị, nông thôn;

+ Bản đồ phương án tổ chức không gian và phân vùng chức năng;

+ Bản đồ xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện;

+ Bản đồ phương án quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh;

+ Bản đồ sử dụng không gian biển;

+ Bản đồ phương án thăm dò, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên;

+ Bản đồ phương án bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học;

+ Bản đồ phương án phòng, chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu;

+ Bản đồ quy hoạch tỉnh;

+ Bản đồ vị trí các công trình, dự án;

+ Bản đồ hiện trạng, định hướng phát triển các khu vực trọng điểm và các bản đồ chuyên đề (nếu có).

- Các sơ đồ nghiên cứu phân tích quy hoạch.

c) Cơ sở dữ liệu quy hoạch.

2. Chi phí lập quy hoạch: Thực hiện theo quy định hiện hành.

3. Tiến độ lập quy hoạch: Không quá 24 tháng kể từ ngày nhiệm vụ quy hoạch được phê duyệt.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh căn cứ nội dung nhiệm vụ được phê duyệt tại Điều 1 của Quyết định này, tổ chức lập Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo phù hợp quy định của Luật Quy hoạch năm 2017 và các quy định hiện hành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.

Trong quá trình lập quy hoạch, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh chủ động phối hợp, cập nhật thông tin với quy hoạch cấp cao hơn để điều chỉnh, bổ sung mục tiêu, nhiệm vụ đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tiễn, tính thống nhất, đồng bộ giữa các cấp quy hoạch được quy định tại Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16 tháng 8 năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải thích một số điều của Luật Quy hoạch năm 2017.

2. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao và quy định hiện hành hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh triển khai thực hiện lập quy hoạch.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Tỉnh ủy, HĐND tỉnh Quảng Ninh;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục;
- Lưu: VT, QHĐP (3b). Huyền

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Trịnh Đình Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 479/QĐ-TTg năm 2020 về phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 479/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 07/04/2020
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Trịnh Đình Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản