Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4714/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 04 tháng 11 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “PHÒNG NGỪA, GIẢI QUYẾT ĐÌNH CÔNG, TẬP TRUNG ĐÔNG NGƯỜI TRÁI PHÁP LUẬT, PHÁ RỐI AN NINH, TRẬT TỰ CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG TRONG CÁC DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA” GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 20/11/2019;

Căn cứ Luật Công đoàn ngày 20/6/2012;

Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 26/11/2014;

Quyết định số 416/QĐ-TTg ngày 25/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 03/9/2019 của Ban Bí thư TW Đảng khóa XII về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới;

Theo đề nghị của Giám đốc Công an tỉnh tại Tờ trình số 1078 /TTr-CAT-PV01 ngày 23 tháng 10 năm 2020.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án “Phòng ngừa, giải quyết đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối an ninh trật tự của người lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá” giai đoạn 2021 - 2025.

Điều 2. Giao Công an tỉnh chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện Đề án này; thường xuyên tổng hợp tình hình, báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ về UBND tỉnh để chỉ đạo.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 và thay thế Quyết định số 1003/QĐ-UBND ngày 03/4/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Đề án “Phòng ngừa, giải quyết đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối an ninh, trật tự của người lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá” giai đoạn 2017 - 2020.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Giám đốc các sở, Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 4 QĐ; 
- Văn phòng Chính phủ;
- V01, A04 - Bộ Công an;
- Bộ Tư lệnh QK IV;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Lưu: VT, KSTTHCNC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Đình Xứng

 

ĐỀ ÁN

PHÒNG NGỪA, GIẢI QUYẾT ĐÌNH CÔNG, TẬP TRUNG ĐÔNG NGƯỜI TRÁI PHÁP LUẬT, PHÁ RỐI AN NINH TRẬT TỰ CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG TRONG CÁC DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số:    /QĐ-UBND ngày   tháng   năm của UBND tỉnh Thanh Hóa)

Phần thứ nhất

MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN

I. MỤC TIÊU CHUNG

1. Giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, phục vụ sản xuất kinh doanh có hiệu quả góp phần thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà khi Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

2. Chủ động phát hiện, kịp thời ngăn chặn vô hiệu hóa mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, các loại tội phạm lợi dụng kích động đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối an ninh trật tự (sau đây viết tắt là ANTT).

3. Hạn chế thấp nhất việc xảy ra đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT của người lao động trên địa bàn. Khi xảy ra đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT phải khẩn trương triển khai các biện pháp giải quyết ổn định vụ việc trong thời gian nhanh nhất, không để xảy ra hậu quả phức tạp.

II. MỤC TIÊU CỤ THỂ

1. 100% lực lượng làm nhiệm vụ phòng ngừa, giải quyết đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT trên địa bàn được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ.

2. 80% doanh nghiệp trong khu kinh tế, khu công nghiệp, doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực dệt may, da giày có mô hình tự quản về ANTT, mô hình camera an ninh.

3. 100% doanh nghiệp hoạt động trong khu kinh tế, khu công nghiệp, các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực dệt may, da giày hàng năm được tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật có liên quan; xây dựng nội quy lao động, quy chế bảo vệ doanh nghiệp, thang bảng lương, thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể theo quy định; tổ chức ký kết quy chế phối hợp đảm bảo ANTT với lực lượng Công an, Biên phòng (đối với các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn biên giới); 100% lực lượng bảo vệ doanh nghiệp được tập huấn, hướng dẫn công tác chuyên môn, nghiệp vụ, pháp luật.

4. 80% doanh nghiệp trong khu kinh tế, khu công nghiệp, doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực dệt may, da giày có tổ chức công đoàn cơ sở; 100% doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có tổ chức công đoàn cơ sở; 100% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn cơ sở thường xuyên tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc theo quy định của pháp luật.

5. 100% các huyện, thị xã, thành phố có lực lượng Hòa giải viên lao động và cán bộ chuyên trách theo dõi công tác lao động, việc làm dạy nghề; 100% Hòa giải viên lao động được tập huấn chuyên sâu về pháp luật lao động, kỹ năng hòa giải và kỹ năng giải quyết tranh chấp lao động.

6. 100% UBND các huyện, thị xã, thành phố, khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp phải công bố được địa chỉ thư điện tử đến các doanh nghiệp trên địa bàn để người lao động gửi những nội dung liên quan đến quyền lợi hợp pháp của họ bị người sử dụng lao động xâm phạm.

7. Mở rộng mạng lưới đào tạo nghề và tác phong lao động công nghiệp cho người lao động để người lao động làm việc có kỷ luật, có kỹ thuật, năng suất, chất lượng và hiệu quả; hạn chế tối đa sự đào thải dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0.

8. Thành lập tổ công tác liên ngành cấp tỉnh bao gồm: Liên đoàn lao động tỉnh, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Công an tỉnh, Ban Quản lý khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, Sở Y tế. Hàng năm tổ chức thanh, kiểm tra toàn diện việc chấp hành pháp luật tại các doanh nghiệp để kịp thời giải quyết, chấn chỉnh các sai phạm xảy ra tại doanh nghiệp từ đó triệt tiêu các nguyên nhân có thể dẫn đến đình công trong công nhân.

9. Giải quyết ổn định 100% các vụ đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT của người lao động xảy ra trên địa bàn.

Phần thứ hai

NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

I. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác phòng ngừa, giải quyết đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT; phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, sự phối hợp đồng bộ của các ban, ngành đoàn thể.

2. Tổ chức tuyên truyền cho người lao động về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là các quy định mới của pháp luật lao động hiện hành để người lao động hiểu rõ, tránh bị lợi dụng, kích động tham gia đình công, tập trung đông người trái pháp luật.

3. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, kinh nghiệm; khả năng phối hợp giữa các ngành, các cấp trong xử lý tình huống phức tạp về ANTT, nhất là cách giải quyết tình huống người lao động tụ tập đông người, đình công gây mất ANTT.

4. Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước tại các doanh nghiệp, trọng tâm là tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật tại các doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động; cương quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của doanh nghiệp đặc biệt là vấn đề nợ đọng các loại bảo hiểm, nợ lương của người lao động.

5. Xây dựng, nhân rộng và phát huy hiệu quả năng lực tự bảo đảm ANTT tại doanh nghiệp của các lực lượng tại chỗ như: lực lượng bảo vệ, các tổ “An ninh công nhân”, “An ninh tự quản”, các hội nhóm, đoàn thể,... Nâng cao chất lượng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc tại doanh nghiệp.

6. Đấu tranh, ngăn chặn các hành vi lợi dụng, kích động người lao động đình công, tập trung đông người tập trung đông người trái pháp luật gây rối ANTT, chống Đảng, Nhà nước của các phần tử xấu, các thế lực thù địch, phản động, các loại tội phạm.

7. Xây dựng và tổ chức diễn tập các phương án xử lý các tình huống phức tạp về ANTT tại doanh nghiệp có thể xảy ra trong thời gian tới.

II. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác phòng ngừa, giải quyết đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT

- Tiếp tục điều chỉnh, bổ sung và triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, trực tiếp đối với công tác phòng ngừa, giải quyết đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT.

-Thường xuyên rà soát, củng cố, kiện toàn các Ban Chỉ đạo, bộ phận giúp việc các cấp để chỉ đạo công tác phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động, đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT tại các doanh nghiệp.

- Tiếp tục xây dựng, củng cố các tổ chức Đảng tại các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo chỉ đạo tại Nghị quyết số 10- NQ/TU ngày 23/7/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển tổ chức Đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Tổ chức quán triệt nội dung các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác đảm bảo ANTT, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho đội ngũ cán bộ đảng viên, người lao động trong các doanh nghiệp. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên tại các doanh nghiệp vững mạnh về lập trường, tư tưởng, đạo đức, lối sống, năng lực công tác, có ý thức tích cực vận động người lao động tham gia công tác đảm bảo ANTT tại các doanh nghiệp.

- Thường xuyên kiểm tra việc chấp hành ý kiến chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền cấp trên về công tác phòng ngừa, giải quyết đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT và thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn.

2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

- Tổ chức tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là pháp luật về lao động như các quy định về giải quyết tranh chấp lao động, về đình công bất hợp pháp và hành vi bị cấm trong quá trình đình công; các quy định về tiền lương, bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); thời gian làm việc đối với người lao động tập trung vào những điểm mới đối với Bộ luật lao động sửa đổi bắt đầu có hiệu lực từ 01/01/2021, Nghị quyết số 05/2019/HĐTP và các văn bản pháp luật liên quan đến quan hệ lao động; truyền thống văn hóa, cách ứng xử cho chủ doanh nghiệp, cán bộ, chuyên gia người nước ngoài nhằm nâng cao ý thức, tôn trọng pháp luật, danh dự, nhân phẩm của người lao động, cải thiện mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại các doanh nghiệp.

- Thường xuyên thông báo âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng, kích động người lao động đình công, tập trung đông người trái pháp luật để chống Đảng, Nhà nước; phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm trên địa bàn để nâng cao ý thức cảnh giác cho người lao động, không bị mắc mưu kẻ địch và các loại tội phạm.

- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin cho doanh nghiệp về những thời cơ, thách thức phải đối mặt khi Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là với doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhằm thay đổi tư duy, nhận thức trong việc tuân thủ các quy định pháp luật đáp ứng các yêu cầu về an toàn vệ sinh lao động, tiền lương; phát triển văn hóa doanh nghiệp để được tham gia vào chuỗi cung ứng xuất khẩu khu vực và quốc tế. Bảo đảm cuộc sống của người lao động để người lao động tin tưởng, nỗ lực cống hiến, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, có thu nhập ổn định, gắn bó với doanh nghiệp.

- Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh, nghiệp vụ quản lý nhà nước về ANTT, pháp luật về lao động và quản lý lao động cho đội ngũ cán bộ cốt cán, chủ doanh nghiệp và người lao động; đưa nội dung giáo dục pháp luật về đảm bảo ANTT, lao động, bảo hiểm,..vào chương trình bắt buộc của các lớp đào tạo nghề, nâng cao tay nghề cho người lao động; biên soạn tài liệu về công tác đảm bảo ANTT, lao động, quản lý lao động, bảo hiểm…để cấp phát cho các đối tượng liên quan.

- Sử dụng đồng bộ, linh hoạt các hình thức, biện pháp để tuyên truyền như: Phát thanh, truyền hình, pano, áp phích tại các doanh nghiệp, khu vực công cộng, khu tập thể, nhà trọ của người lao động…, thông qua các cuộc họp, hội nghị, các buổi sinh hoạt có đông người lao động để tuyên truyền; lồng ghép nội dung tuyên truyền vào các diễn đàn, giao lưu gặp mặt, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật hoặc qua các chương trình văn hóa, văn nghệ…Sử dụng hiệu quả lợi ích của các dịch vụ viễn thông, internet để tuyên truyền cho người lao động.

3. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước tại doanh nghiệp

- Thẩm định yếu tố quốc phòng, an ninh, đảm bảo môi trường sinh thái…đối với các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội; chủ động tham mưu lựa chọn nhà đầu tư bảo đảm năng lực về vốn, cơ sở vật chất kỹ thuật, quy trình sản xuất, không ảnh hưởng đến môi trường, kiên quyết đề xuất không quy hoạch, lựa chọn dự án tác động đến thế bố trí quốc phòng, an ninh, môi trường sinh thái; không lựa chọn nhà đầu tư có năng lực yếu, quy trình sản xuất lạc hậu, ảnh hưởng môi trường.

- Triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về đầu tư, môi trường, lao động có liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp.

- Tổ chức thanh tra, kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện pháp luật tại các doanh nghiệp, trọng tâm là các quy định về trả lương, thưởng, BHXH, BHYT, BHTN, ký kết hợp đồng lao động, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn lao động; việc chấp hành pháp luật đầu tư, công tác phòng cháy, bảo vệ môi trường…Cương quyết xử lý nghiêm các sai phạm của doanh nghiệp, đặc biệt có chế tài xử lý cụ thể, rõ ràng đối với các doanh nghiệp có biểu hiện nợ, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN; nợ lương của người lao động không có khả năng chi trả; phát hiện, kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết những khó khăn, vướng mắc, làm giảm các tranh chấp lao động có thể dẫn đến đình công.

- Tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước về cư trú; phối hợp quản lý chặt chẽ hoạt động của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài về địa phương, nhất là số thường xuyên làm việc tại các doanh nghiệp, trực tiếp tham gia thi công tại các dự án, công trường hoặc lưu trú dài ngày trên địa bàn; kịp thời phát hiện, đấu tranh, vô hiệu hóa các đối tượng phản động, cực đoan, quá khích có dấu hiệu kích động đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT trong các doanh nghiệp.

- Quản lý chặt chẽ việc đăng tải thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng nội bộ, trang thông tin điện tử và việc trang bị, sử dụng hệ thống thiết bị kỹ thuật; kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng lộ, lọt bí mật Nhà nước, lợi dụng mạng Internet để viết bài, đưa tin sai sự thật, kêu gọi đình công, kích động người lao động đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT. Triển khai thực hiện hiệu quả Luật an ninh mạng tới người lao động.

- Thực hiện nghiêm túc công tác quản lý nhà nước đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, trọng tâm là công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, kinh doanh dịch vụ bảo vệ, cầm đồ, lưu trú…không để phát sinh phức tạp liên quan đến hoạt động đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT.

- Tăng cường tiếp xúc, tranh thủ đội ngũ cán bộ cốt cán trong các doanh nghiệp và chủ doanh nghiệp để nắm chắc diễn biến tư tưởng, hoạt động của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động tích cực tố giác tội phạm, phối hợp phát hiện, ngăn chặn, giải quyết kịp thời các âm mưu, ý đồ tổ chức đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT.

4. Phát huy năng lực tự đảm bảo ANTT của các doanh nghiệp

- Các doanh nghiệp chủ động xây dựng nội quy, quy chế bảo vệ doanh nghiệp; thường xuyên củng cố, kiện toàn lực lượng bảo vệ doanh nghiệp, trang bị đủ phương tiện làm việc cho lực lượng bảo vệ doanh nghiệp, lực lượng tự vệ, lực lượng phòng cháy, chữa cháy bán chuyên trách…

- Đẩy mạnh công tác thẩm định nội quy lao động và thỏa ước lao động tập thể của doanh nghiệp, hướng dẫn doanh nghiệp biên soạn nội quy lao động làm cơ sở duy trì kỷ luật lao động và đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể và ký kết thỏa ước lao động tập thể theo đúng quy định.

- Xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, năng lực chuyên môn và diễn tập xử lý các tình huống phức tạp về ANTT, phòng cháy, chữa cháy…cho các lực lượng liên quan.

- Xây dựng, duy trì, nhân rộng các mô hình “Tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải” về ANTT (như “Tổ, đội sản xuất, phân xưởng tự quản”; “Đội an ninh công nhân”…) và các điển hình tiên tiến làm “điểm sáng” cho việc phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ tại các doanh nghiệp. Chủ động phát hiện sớm để hòa giải, xử lý, giải quyết ngay từ đầu những vụ việc phức tạp mới phát sinh liên quan đến quyền, lợi ích, chế độ chính sách của người lao động. Dành khoản kinh phí nhất định để lắp đặt các phương tiện kỹ thuật giám sát ANTT (như camera, thiết bị báo động,…) để chủ động bảo vệ các khu vực quan trọng; ký kết hợp đồng bảo vệ với các công ty bảo vệ chuyên trách; xét duyệt, lựa chọn nhân sự làm công tác bảo vệ và nhân sự ở những bộ phận thiết yếu, cơ mật trong doanh nghiệp. Xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân không làm tốt công tác “tự bảo vệ”, gây phức tạp ANTT, ảnh hưởng đến hiệu quả lao động, sản xuất của doanh nghiệp.

- Xây dựng, củng cố, phát triển, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội tại các doanh nghiệp như: Công đoàn, Đoàn thanh niên,…

- Thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá, phân loại phong trào toàn dân bảo vệ ANTT trong các doanh nghiệp, đề nghị UBND cấp có thẩm quyền xét duyệt, công nhân đạt tiêu chuẩn “An toàn về ANTT” cho các doanh nghiệp. Phổ biến kinh nghiệm, các điển hình tiên tiến trong doanh nghiệp trên phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức gặp mặt, biểu dương, khen thưởng các doanh nghiệp và người lao động có thành tích xuất sắc trong công tác đảm bảo ANTT tại doanh nghiệp.

5. Nâng cao chất lượng hoạt động và hiệu quả phối hợp của các lực lượng trong phòng ngừa, giải quyết đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT

- Nâng cao vai trò của tổ chức đoàn thể trong lĩnh vực lao động và trong đời sống xã hội; định hướng và xây dựng tổ chức Công đoàn cơ sở, công đoàn ngành phải được hoạt động độc lập có hiệu quả, không phụ thuộc vào người sử dụng lao động, thực hiện được chức năng bảo vệ và đại diện quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

- Thành lập tổ chức Công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp ngay từ khi mới đi vào hoạt động, tạo mọi điều kiện để tổ chức Công đoàn cơ sở phát triển mạnh mẽ về số lượng, chất lượng. Bố trí cán bộ Công đoàn chuyên trách của doanh nghiệp từ 1000 lao động trở lên theo Quyết định số 1617/QĐ-TLĐ ngày 31/12/2014 của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam. Thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm công tác cho cán bộ Công đoàn cơ sở để kịp thời theo dõi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người lao động, thực hiện tốt vai trò bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động, đủ sức thu hút người lao động ngay cả khi có một tổ chức công đoàn độc lập khác được thành lập.

- Kiện toàn đội ngũ Hòa giải viên lao động đủ sức thực hiện tốt nhiệm vụ giải quyết và hòa giải các vụ tranh chấp lao động phát sinh tại doanh nghiệp. Tạo mối quan hệ gắn kết giữa lực lượng Hòa giải viên lao động với chủ doanh nghiệp và cán bộ lãnh đạo cốt cán tại doanh nghiệp, phát huy vai trò tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho lực lượng Hòa giải viên. Thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, kinh nghiệm cho thành viên Hội đồng trọng tài, đội ngũ Hòa giải viên để họ làm tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

- Nâng cao năng lực hoạt động của Thanh tra chuyên ngành lao động cấp tỉnh; củng cố, tăng cường về số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ thanh tra cấp huyện để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về lao động và quản lý nhà nước về ANTT.

- Củng cố, kiện toàn các tổ công tác liên ngành giải quyết tranh chấp lao động, đình công trái pháp luật của cấp tỉnh và cấp huyện.

- Trang bị phương tiện, công cụ hỗ trợ và các trang thiết bị cần thiết phục vụ công tác chỉ huy, chỉ đạo, điều hành và phục vụ lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ phòng ngừa, giải quyết đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT.

- Tăng cường kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, ban, ngành chức năng trong thực hiện quy chế phối hợp phòng ngừa, giải quyết đình công, đảm bảo ANTT tại các doanh nghiệp; nghiêm khắc xử lý những tập thể, cá nhân còn đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không thực hiện hết chức năng nhiệm vụ được phân công.

- Nâng cao nhận thức cho cán bộ các cơ quan, ban, ngành, lực lượng chức năng, cốt cán các doanh nghiệp về tầm quan trọng của công tác phối hợp. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, chủ các doanh nghiệp có liên quan phải thường xuyên phổ biến cho cán bộ, cốt cán nắm vững quy định pháp luật, văn bản chỉ đạo của cấp trên, nội dung quy chế phối hợp đã ký kết để cán bộ, cốt cán luôn có ý thức thực hiện tốt nội dung công tác phối hợp.

- Tổ chức các hội thảo, hội nghị giao ban liên ngành để trao đổi, rút kinh nghiệm trong công tác phối hợp; mở các lớp tập huấn chung cho cán bộ chuyên trách của các cơ quan, ban, ngành, lực lượng chức năng nhằm nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt là kỹ năng, kinh nghiệm phối hợp nắm tình hình, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, phối hợp vận động, thuyết phục người lao động không tham gia các hoạt động đình công gây mất ANTT. Tổ chức diễn tập các tình huống giả định để các lực lượng chức năng hình dung rõ nét trình tự, công việc phải phối hợp thực hiện khi có vấn đề xảy ra.

- Thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp giữa lực lượng Công an, Quân sự, Biên phòng, Liên đoàn lao động, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, các ban, ngành có liên quan trong công tác phối hợp phòng ngừa, giải quyết đình công, tập trung đông người, phá rối ANTT.

- Thiết lập các kênh thông tin để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất chính đáng của người lao động; đồng thời kiểm tra, giám sát việc giải quyết các kiến nghị, đề xuất chính đáng của người lao động.

6. Xây dựng và triển khai, thực hiện các quy trình, phương án, kế hoạch giải quyết đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối an ninh, trật tự

- Xây dựng phương án đảm bảo ANTT khi có việc thành lập, hoạt động của các tổ chức công đoàn độc lập tại các doanh nghiệp, không để các thế lực thù địch, các phần tử phản động lợi dụng lôi kéo, kích động công nhân, người lao động để hình thành các tổ chức chính trị đối lập, chống đối.

- Xây dựng phương án giải quyết tình huống các thế lực thù địch lợi dụng tình hình phức tạp khi xảy ra các tranh chấp trên biển Đông kích động công nhân đình công, tập trung đông người trái pháp luật,tập trung đông người trái pháp luật phá rối ANTT.

Phần thứ ba

PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

1. Công an tỉnh

- Là cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo thực hiện Đề án, chịu trách nhiệm giúp UBND tỉnh kiểm tra, đôn đốc với các sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị có liên quan và UBND cấp huyện tổ chức triển khai, thực hiện Đề án.

- Tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung các nghị quyết, chuyên đề nhằm tăng cường các biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng ngừa, giải quyết đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT của người lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Thẩm định yếu tố quốc phòng, an ninh, đảm bảo môi trường sinh thái… đối với các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội; chủ động tham mưu lựa chọn nhà đầu tư đảm bảo năng lực, không ảnh hưởng đến môi trường, kiên quyết đề xuất không lựa chọn nhà đầu tư năng lực yếu, tác động ảnh hưởng đến an ninh chính trị, đến thế bố trí quốc phòng, an ninh.

- Phối hợp tổ chức tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch và các loại tội phạm đối với người lao động tại các doanh nghiệp.

- Đẩy mạnh xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại các doanh nghiệp; tập trung xây dựng, nhân rộng các mô hình tự quản về ANTT, các điển hình tiên tiến để duy trì, phát triển phong trào trong các doanh nghiệp; hướng dẫn các doanh nghiệp thành lập lực lượng PCCC cơ sở, lực lượng PCCC chuyên ngành.

- Phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh, trang bị kiến thức về pháp luật, nghiệp vụ chuyên môn, kiến thức, kỹ năng xử lý, giải quyết các tình huống phức tạp về ANTT, PCCC và cứu nạn, cứu hộ cho chủ doanh nghiệp, đội ngũ cốt cán và lực lượng bảo vệ tại doanh nghiệp. Tổ chức diễn tập các tình huống giả định giải quyết đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT tại các doanh nghiệp.

- Phối hợp với lực lượng chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật tại doanh nghiệp; xử lý nghiêm các vi phạm xảy ra tại doanh nghiệp, đặc biệt là vấn đề nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN, nợ lương không có khả năng chi trả. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, PCCC tại các doanh nghiệp.

- Làm tốt công tác phát huy vai trò của đội ngũ cốt cán trong doanh nghiệp để chủ động nắm thông tin, tình hình, kiểm soát diễn biến tư tưởng, hoạt động của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động không tham gia đình công, tập trung đông người trái pháp luật.

- Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, trọng tâm là công tác PCCC, quản lý cư trú, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ, cầm đồ, lưu trú… không để phát sinh phức tạp liên quan đến hoạt động đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT.

- Phối hợp quản lý chặt chẽ việc đăng tải thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng nội bộ, trang thông tin điện tử; kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng lộ, lọt bí mật Nhà nước, lợi dụng mạng Internet để viết bài, đưa tin sai sự thật, kêu gọi đình công, kích động người lao động đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT. Triển khai thực hiện hiệu quả Luật an ninh mạng tới người lao động.

- Chủ động nắm tình hình, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, các hoạt động tuyên truyền, móc nối, lôi kéo, kích động đình công, tập trung đông người, phá rối ANTT. Triển khai phương án tổng thể huy động lực lượng bảo đảm an ninh, trật tự, PCCC và cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT tại các doanh nghiệp trên địa bàn và điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng.

- Chủ trì xây dựng phương án, tham mưu giải quyết những vấn đề phức tạp về ANTT ngay từ khi nhen nhóm hình thành các tổ chức Công đoàn độc lập tại doanh nghiệp. Tiếp tục xây dựng, duy trì và củng cố các quy chế, chương trình phối hợp trong đảm bảo ANTT tại các doanh nghiệp.

- Chủ trì xây dựng, triển khai thực hiện phương án ứng phó với các tình huống phức tạp về ANTT liên quan đến Biển Đông, không để các đối tượng xấu lợi dụng để kích động công nhân đình công, tập trung đông người trái pháp luật, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT.

- Chủ trì tham mưu UBND tỉnh duyệt, mua sắm các trang, thiết bị phục vụ các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ phòng ngừa, giải quyết đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT.

- Tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban chỉ đạo.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính lập dự toán kinh phí thực hiện đề án báo cáo UBND tỉnh phê duyệt theo quy định.

- Hoàn thiện, bổ sung, sửa đổi các quy trình, phương án phòng ngừa, giải quyết đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT phù hợp với tình hình thực tiễn khi có thay đổi.

- Tập hợp tình hình, kết quả thực hiện Đề án hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh để chỉ đạo. Định kỳ tham mưu UBND tỉnh tổ chức sơ kết, tổng kết Đề án theo quy định.

2. Sở Lao động Thương binh và Xã hội

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến, triển khai kịp thời chính sách pháp luật lao động đến các đơn vị, địa phương và các doanh nghiệp trên địa bàn, trọng tâm là các nội dung mới được sửa đổi bổ sung tại Bộ luật Lao động có hiệu lực từ 01/01/2021 và các văn bản pháp luật liên quan.

- Phối hợp nắm tình hình quan hệ lao động; hướng dẫn đôn đốc các doanh nghiệp tổ chức thực hiện có hiệu quả pháp luật lao động, trọng tâm là hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng thang, bảng lương theo đúng quy định của pháp luật; nghiên cứu xây dựng các định mức lao động phù hợp với tình hình thực tế tại các doanh nghiệp; hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các quy định của pháp luật về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ, đối thoại tại nơi làm việc, xây dựng thỏa ước lao động tập thể.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan xây dựng, triển khai các chương trình tập huấn, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nghề cho người lao động theo hướng “chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa”, trọng tâm là tác phong công nghiệp, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp, khả năng nhận thức có tính sáng tạo và giải quyết vấn đề,… của người lao động nhằm đáp ứng các yêu cầu mới của công nghệ và sản xuất. Có kế hoạch đào tạo, chuyển hướng cho một bộ phận bị mất việc do áp dụng công nghệ mới.

- Củng cố, kiện toàn và tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho lực lượng Hòa giải viên lao động và đội ngũ cán bộ làm công tác lao động cấp huyện, cán bộ làm công tác lao động, tiền lương trong các loại hình doanh nghiệp về pháp luật lao động; kỹ năng hòa giải, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.

- Nâng cao năng lực hoạt động của Thanh tra chuyên ngành lao động đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động tại các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động; các doanh nghiệp nợ lương, chậm lương; nợ, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN. Hướng dẫn các cơ quan BHXH chủ trì khởi kiện các doanh nghiệp vi phạm pháp luật lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN kéo dài không có khả năng chi trả theo đúng quy định của pháp luật.

- Phối hợp với các cơ quan, ngành, đoàn thể, địa phương tổ chức Hội nghị đối thoại pháp luật với doanh nghiệp, người lao động, các cơ quan quản lý nhà nước về lao động nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật lao động.

- Thành lập, củng cố, kiện toàn các Tổ công tác liên ngành phối hợp giải quyết tranh chấp lao động, đình công của cấp tỉnh và cấp huyện theo Quy trình giải quyết đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT của người lao động tại các doanh nghiệp ban hành theo Quyết định số 2946/QĐ- UBND ngày 23/7/2019 của UBND tỉnh.

- Tham mưu UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy trình, quy định liên quan đến tranh chấp lao động, đình công tại các doanh nghiệp phù hợp với thực tiễn tình hình.

3. Liên đoàn Lao động tỉnh

- Chỉ đạo công đoàn các cấp hướng dẫn, thành lập công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp ngay từ khi đi vào hoạt động và định hướng phát triển tổ chức công đoàn cơ sở, đoàn viên mới tại các doanh nghiệp, trong đó chú trọng tăng cường số cán bộ công đoàn cơ sở chuyên trách tại các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI theo Quyết định số 1617/QĐ-TLĐ ngày 31/12/2014 của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam; nâng cao năng lực, vai trò, trách nhiệm của cán bộ công đoàn cơ sở để tổ chức công đoàn thực sự là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, có sức thu hút người lao động ngay cả khi hình thành tổ chức công đoàn độc lập.

- Phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, UBND cấp huyện, các ban, ngành liên quan tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về lao động, việc làm, bảo hiểm…cho chủ doanh nghiệp và người lao động; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phòng ngừa, hạn chế tranh chấp lao động, đình công trái pháp luật.

- Phối hợp với các lực lượng chức năng giám sát việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật lao động; chỉ đạo công đoàn cơ sở thường xuyên tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người lao động, hướng dẫn, hỗ trợ việc đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể; kịp thời phát hiện nguyên nhân làm phát sinh tranh chấp lao động để yêu cầu doanh nghiệp thương lượng, giải quyết những kiến nghị, đề xuất chính đáng của người lao động.

- Chủ trì, hướng dẫn các tổ chức Công đoàn cơ sở khởi kiện các doanh nghiệp vi phạm pháp luật lao động, quyền và lợi ích của người lao động, đặc biệt là tại các doanh nghiệp nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN không có khả năng chi trả theo đúng quy định của pháp luật.

4. Ban Quản lý khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp

- Tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước về lao động đối với các doanh nghiệp thuộc khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra, giám sát, xử lý các vi phạm pháp luật về lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội…của doanh nghiệp thuộc khu kinh tế, khu công nghiệp, kịp thời phát hiện và kiến nghị, đề xuất các cấp có thẩm quyền giải quyết những vướng mắc, bất cập phát sinh.

- Chủ trì xây dựng và công bố địa chỉ hộp thư điện tử đến các doanh nghiệp thuộc khu kinh tế, khu công nghiệp để người lao động yên tâm gửi những nội dung liên quan đến quyền lợi hợp pháp của họ bị người sử dụng lao động xâm phạm.

- Chỉ đạo Công đoàn khu kinh tế Nghi Sơn nắm tình hình lao động, sản xuất, tâm tư, nguyện vọng của người lao động tại các doanh nghiệp thuộc khu kinh tế, khu công nghiệp; kiến nghị giải quyết có hiệu quả những vướng mắc chính đáng giữa người lao động và chủ doanh nghiệp.

- Phối hợp với UBND cấp huyện và các ban, ngành chức năng kịp thời giải quyết tranh chấp lao động, đình công trái pháp luật xảy ra trong các doanh nghiệp thuộc địa bàn khu kinh tế, khu công nghiệp theo quy định tại văn bản sửa đổi, bổ sung Quyết định số 2158/QĐ-UBND ngày 12/7/2012 của UBND tỉnh về việc “Giao nhiệm vụ giải quyết tranh chấp lao động, đình công tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”.

5. Bảo hiểm xã hội tỉnh

- Chủ động phối hợp với các sở, ngành có liên quan tổ chức công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các chế độ, chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp.

- Xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, đột xuất của tổ công tác liên ngành cấp tỉnh về đóng BHXH, BHYT, BHTN đối với các doanh nghiệp. Trong đó tập trung vào các doanh nghiệp có các dấu hiệu nợ đọng, chây ỳ, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN. Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đóng BHXH, BHYT, BHTN đối với các doanh nghiệp vi phạm pháp luật theo quy định.

- Chủ trì khởi kiện các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN theo quy định tại Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP ngày 15/8/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

6. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

- Chủ trì hướng dẫn việc thành lập lực lượng tự vệ trong các doanh nghiệp; việc huy động lực lượng dân quân tự vệ tham gia thực hiện nhiệm vụ giải quyết đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT của người lao động trong các doanh nghiệp. Thường xuyên phối hợp, tập huấn kiến thức quốc phòng cho cán bộ cốt cán, lực lượng bảo vệ. Thẩm định yếu tố quốc phòng đối với các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

- Triển khai lực lượng, phối hợp với lực lượng Công an, Biên phòng và các đơn vị có liên quan phòng ngừa, giải quyết hoạt động đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT; bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản cho doanh nghiệp, chuyên gia, người nước ngoài, người lao động tại doanh nghiệp theo Nghị định số 03/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Chủ trì công tác xử lý, rà phá bom mìn, chất nổ, chất độc, chất phóng xạ tại các khu vực xảy ra đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT trên địa bàn.

7. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

- Chủ trì xây dựng phương án và triển khai thực hiện các biện pháp công tác bảo đảm ANTT cho các doanh nghiệp tại khu vực biên giới; chủ động nắm tình hình phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch tác động, tuyên truyền, móc nối, lôi kéo, kích động đình công, tập trung đông người, phá rối ANTT của người lao động tại khu vực biên giới; tổ chức ký kết các quy chế, chương trình phối hợp trong công tác đảm bảo ANTT với các doanh nghiệp ở khu vực biên giới; tham gia thẩm định yếu tố quốc phòng - an ninh đối với các dự án quy hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội tại địa bàn biên giới.

- Phối hợp tổ chức tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch đối với người lao động tại các doanh nghiệp ở khu vực biên giới.

- Triển khai lực lượng phối hợp với lực lượng Công an, Quân sự và các đơn vị có liên quan phòng ngừa, giải quyết hoạt động đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT; bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản cho doanh nghiệp, chuyên gia, người nước ngoài, người lao động tại doanh nghiệp tại khu vực biên giới theo Nghị định số 03/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

8. Sở Tư pháp

Thực hiện tốt chức năng Thường trực Hội đồng tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật. Thường xuyên phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, UBND cấp huyện mở các lớp phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật cho chủ doanh nghiệp và người lao động.

9. Sở Thông tin và Truyền thông

- Chỉ đạo, hướng dẫn công tác thông tin tuyên truyền về phòng ngừa, giải quyết đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về thông tin truyền thông, nhất là thông tin trên mạng xã hội, Internet, các phương tiện thông tin đại chúng…không để các đối tượng xấu lợi dụng tuyên truyền, xuyên tạc, kích động đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình ANTT trên địa bàn. Chủ trì đề xuất, xử lý các sai phạm về thông tin truyền thông liên quan đến công tác phòng ngừa, giải quyết đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT.

- Chủ trì hướng dẫn kiểm tra việc đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ huy, chỉ đạo việc giải quyết tình hình đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT trên địa bàn.

- Phối hợp triển khai phương án bảo đảm an toàn thông tin khi xảy ra hoạt động đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT tại các doanh nghiệp.

10. Sở Y tế

- Chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn các doanh nghiệp sử dụng lao động thực hiện công tác vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động và phòng, chống bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.

- Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh huy động lực lượng y, bác sĩ, phương tiện và trang thiết bị y tế thực hiện nhiệm vụ sơ cứu, cấp cứu người bị thương, xử lý các tình huống về y tế trong quá trình giải quyết các vụ đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT trên địa bàn.

11. Sở Giáo dục và Đào tạo

Phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, các ngành có liên quan xây dựng, triển khai các chương trình tập huấn, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nghề cho người lao động theo hướng “chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa”, trọng tâm là tác phong công nghiệp, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp, khả năng nhận thức có tính sáng tạo và giải quyết vấn đề,… của người lao động nhằm đáp ứng các yêu cầu mới của công nghệ và sản xuất.

12. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh tham mưu, đề xuất UBND tỉnh kinh phí đảm bảo triển khai thực hiện Đề án trong giai đoạn 2021 - 2025 và hàng năm.

13. UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Tham mưu cấp ủy cùng cấp chỉ đạo các tổ chức cơ sở Đảng có kế hoạch xây dựng, thành lập các tổ chức cơ sở Đảng tại các doanh nghiệp nhằm phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn.

- Chỉ đạo các tổ chức đoàn thể như Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ,… phối hợp củng cố và phát huy vai trò, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội tại các doanh nghiệp.

- Tổ chức công tác tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp thực hiện không đúng quy định pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội…trên địa bàn.

- Thường xuyên bổ sung, kiện toàn và tạo điều kiện cho lực lượng Hòa giải viên phát huy vai trò, trách nhiệm trong công tác hòa giải các tranh chấp lao động giữa chủ doanh nghiệp và người lao động.

- Chỉ đạo các cơ quan, ban ngành cấp huyện chủ động làm tốt công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hoạt động đình công, tập trung đông người trái pháp luật của người lao động.

- Chủ trì giải quyết tranh chấp lao động, đình công, tập trung đông người trái pháp luật xảy ra trên địa bàn theo quy trình và quy chế phối hợp đã ban hành. Khi xảy ra đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT phải chỉ đạo các lực lượng có liên quan tham gia giải quyết theo sự tham mưu, hướng dẫn của lực lượng Công an.

- Chủ trì xây dựng và công bố địa chỉ Hộp thư điện tử đến các doanh nghiệp trên địa bàn để người lao động yên tâm gửi những nội dung liên quan đến quyền lợi hợp pháp của họ bị người sử dụng lao động xâm phạm.

- Bố trí kinh phí cho các ngành chức năng cấp huyện thực hiện các nhiệm vụ của Đề án tại địa phương.

14. Các cơ quan thông tấn, báo chí

Thường xuyên đưa tin, bài phản ánh về công tác bảo đảm ANTT tại các doanh nghiệp, kịp thời biểu dương gương người tốt, việc tốt, mô hình tiêu biểu phục vụ công tác tuyên truyền, định hướng dư luận; phê phán việc làm xấu, không để các đối tượng xấu lợi dụng xuyên tạc tình hình, kích động, gây phức tạp về ANTT.

15. Các sở, ban, ngành khác ở cấp tỉnh

Theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, chủ động xây dựng phương án, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa, giải quyết đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT của người lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

16. Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Liên minh hợp tác xã tỉnh, VCCI Chi nhánh Thanh Hóa

- Tổ chức các hoạt động phù hợp để vận động, khuyến khích hội viên xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động cho chủ doanh nghiệp về quyền và lợi ích và nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với người lao động.

- Đôn đốc, hướng dẫn các doanh nghiệp thành viên thực hiện các quy định của pháp luật lao động cũng như cách ứng xử với người lao động. Đôn đốc các doanh nghiệp tổ chức các buổi đối thoại định kỳ hoặc đột xuất với người lao động để nắm bắt và giải quyết những vấn đề mâu thuẫn mâu thuẫn phức tạp, phát sinh về lợi ích giữa người sử dụng lao động và người lao động.

- Dự báo, nắm bắt thông tin hoạt động tại các doanh nghiệp để kịp thời phản ánh với các ngành chức năng có giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quan hệ lao động.

Phần thứ tư

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Phạm vi áp dụng

Đề án được thực hiện trên địa bàn tỉnh, tại tất cả các loại hình doanh nghiệp (kể cả số doanh nghiệp mới được thành lập sau thời điểm Đề án được ban hành).

2. Thời gian thực hiện

Đề án được triển khai thực hiện từ năm 2021 đến hết năm 2025.

3. Kinh phí bảo đảm thực hiện Đề án

Nguồn kinh phí: Từ nguồn Ngân sách tỉnh.

4. Chế độ giao ban

- Ban Chỉ đạo Đề án họp định kỳ mỗi năm 02 lần.

- Các sở, ban ngành, địa phương định kỳ 6 tháng/ lần tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án.

- Bộ phận giúp việc và cơ quan tham mưu của các ngành được giao thực hiện Đề án định kỳ tổ chức giao ban 03 tháng/lần.

5. Chế độ thông tin báo cáo

Căn cứ nhiệm vụ được phân công trong Đề án, các sở, ban ngành, địa phương xây dựng phương án, kế hoạch, quy chế, văn bản chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao. Định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện Đề án về Ban Chỉ đạo tỉnh (qua Công an tỉnh) trước ngày 15/11 để tổng hợp báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 4714/QĐ-UBND năm 2020 phê duyệt Đề án “Phòng ngừa, giải quyết đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối an ninh trật tự của người lao động trong doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá” giai đoạn 2021-2025

  • Số hiệu: 4714/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 04/11/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
  • Người ký: Nguyễn Đình Xứng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản