Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ TÀI CHÍNH | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số : 47-TC-NHKT | Hà Nội, ngày 19 tháng 02 năm 1965 |
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
Căn cứ Nghị định số 197-CP ngày 07-11-1961 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Tài chính.
Căn cứ Thông tư số 11-TTg-TN ngày 29-01-1965 của Thủ tướng Chính phủ về việc cho vay tiền làm nhà ở đối với công nhân, cán bộ về hưu và mất sức lao động.
Sau khi thỏa thuận với Bộ Nội Vụ và Tổng công đoàn Việt Nam.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. – Ban hành, kèm theo quyết định này, thể lệ tạm thời về việc cho vay tiền làm nhà ở đối với công nhân, cán bộ về hưu và mất sức lao động.
Điều 2. - Thể lệ tạm thời này được áp dụng kể từ ngày ban hành.
| KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH |
VỀ VIỆC CHO VAY TIỀN LÀM NHÀ Ở ĐỐI VỚI CÔNG NHÂN, CÁN BỘ VỀ HƯU VÀ MẤT SỨC LAO ĐỘNG
(ban hành kèm theo quyết định số 47-TC-NHKT ngày 19-2-1965 của Bộ Tài chính)
Điều 1. - Để giúp công nhân, cán bộ về hưu hoặc nghỉ việc vì mất sức lao động giải quyết, khó khăn về nhà ở, thể hiện sự quan tâm săn sóc của Đảng và Nhà nước đối với những người đã góp phần cống hiến vào sự nghiệp cách mạng chung của dân tộc, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành thông tư số 11-TTg-TN ngày 29-01-1965 về việc cho vay tiền làm nhà ở đối với công nhân, cán bộ về hưu và nghỉ việc vì mất sức lao động.
Bản thể lệ này quy định chi tiết thi hành thông tư nói trên.
Điều 2. - Bộ Tài chính giao cho ngành Ngân hàng Kiến thiết tổ chức thực hiện việc cho vay tiền làm nhà ở đối với công nhân, cán bộ về hưu và nghỉ việc vì mất sức lao động.
Điều 3. - Đối tượng cho vay là công nhân, cán bộ về hưu hoặc nghỉ việc vì mất sức lao động hưởng chế độ trợ cấp thường xuyên, đã hoạt động cách mạng lâu năm hoặc đã tham gia kháng chiến và được thưởng huân chương, huy chương Kháng chiến hoặc Chiến thắng, có gia đình và chưa có nhà ở muốn vay tiền làm nhà để ở.
Điều 4. – Ngân hàng Kiến thiết cho công nhân, cán bộ về hưu hoặc nghỉ việc vì mất sức lao động vay tiền làm nhà ở theo những thể thức sau đây:
a) Người vay tiền chỉ được dùng số tiền vay vào việc làm nhà để ở và không được dùng tiền đó vào việc mua nhà hoặc vào mục đích khác.
b) Người muốn vay tiền sẽ tùy theo số tiền sẵn có của mình mà yêu cầu Ngân hàng Kiến thiết cho vay thêm tiền làm nhà hợp với khả năng thu nhập và trả nợ của mình.
Số tiền được vay không được vượt quá giá trị của căn nhà đủ ở cho những người thân thuộc sống thường xuyên trong gia đình như căn nhà của số đông nhân dân trong địa phương, trừ phần tiền tự túc của người vay (nếu có) và tối đa là 1.000đ. Riêng đối với công nhân, cán bộ hoạt động từ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 mức tối đa là 1.500đ.
c) Lãi cho vay là 0,6% một năm (không phẩy sáu phần trăm) tức là 1,5‰ (một phẩy năm phần nghìn) một quý. Số lãi tính trên số nợ thực tế còn lại ở Ngân hàng Kiến thiết và tính hàng quý đối với người vay.
d) Người vay phải trả nợ hàng quý. Trong thời gian đầu, mức nợ phải trả hàng quý từ 10% đến 15% số trợ cấp hưu trí hay trợ cấp mất sức lao động. Sau khi làm nhà xong, sinh hoạt đã ổn định, tùy khả năng cụ thể, người vay có thể tự nguyện trả nhiều hơn để có thể hoàn lại vốn Nhà nước sớm hơn thời hạn.Thời gian trả nợ, bao gồm cả vốn và lãi, dài nhất là 9 năm.
đ) Số tiền cho vay sẽ cấp thẳng cho người vay và cấp dần.
e) Người về hưu hoặc nghỉ việc vì mất sức lao động định làm nhà ở đâu thì vay tiền ở Ngân hàng Kiến thiết nơi đó.
g) Ngân hàng Kiến thiết có thể cho một người vay làm một nhà hoặc có thể cho hai hoặc ba người cùng vay làm chung một nhà, tùy điều kiện đất đai, yêu cầu tiết kiệm vốn và nguyện vọng của người vay.
h) Trong thời gian người vay hoặc người thừa kế chưa trả hết nợ, mọi việc chuyển nhượng ngôi nhà đã làm bằng số tiền vay được phải được sự thỏa thuận của Ngân hàng Kiến thiết.
i) Đối với một số trường hợp cá biệt không quy định trong những điều trên đây, nếu xét cần cho vay, theo đúng tinh thần những quy định trong thông tư số 11-TTg-TN ngày 29-01-1965 của Thủ tưởng Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ quyết định sau khi bàn bạc với các cơ quan có trách nhiệm.
Điều 5. - Nguồn vốn cho vay làm nhà ở đối với công nhân, cán bộ về hưu hoặc nghỉ việc vì mất sức lao động nằm trong số vốn hàng năm Nhà nước dành riêng để cho vay dài hạn làm nhà ở đối với công nhân, cán bộ và sau này sẽ được bổ sung thêm bằng số nợ thu hồi được về loại cho vay này.
Điều 6. – Công nhân, cán bộ về hưu hay nghỉ việc vì mất sức lao động muốn vay tiền làm nhà ở phải nộp Ngân hàng Kiến thiết những giấy tờ sau đây:
a) Đơn xin vay tiền.
b) Bản sao quyết định được về hưu hoặc nghỉ việc vì mất sức lao động.
c) Giấy phép sử dụng đất làm nhà do cơ quan có thẩm quyền cấp.
d) Dự toán nhà ở sắp làm (kèm bản vẽ).
đ) Hợp đồng nhận thầu (nếu giao thầu).
Điều 7. – Nhận được đơn xin vay tiền, Ngân hàng Kiến thiết thẩm tra và ấn định số tiền cho vay, thể thức và thời hạn trả nợ nhằm tiết kiệm vốn, bảo đảm thu hồi nợ, và có chiếu cố thích đáng đến sinh hoạt của người vay.
Điều 8. – Sau khi Ngân hàng Kiến thiết đã thẩm tra đơn xin vay và thỏa thuận cho vay thì hai bên sẽ ký hợp đồng vay tiền ghi rõ số tiền vay, thời hạn trả nợ và số tiền phải trả hàng quý.
Điều 9. – Khi hợp đồng vay tiền đã được ký kết thì người vay tiền có thể xin rút tiền để chuẩn bị làm nhà.
Điều 10. – Để thúc đẩy người vay tiền mau chóng làm nhà và sớm ổn định đời sống Ngân hàng Kiến thiết sẽ bắt đầu thu nợ từ quý thứ III đối với loại vay làm nhà tranh và từ quý thứ IV đối với loại vay làm nhà ngói, kể từ quý Ngân hàng Kiến thiết cho rút tiền lần thứ nhất.
Điều 11. - Trường hợp người được vay tiền làm nhà chết trước khi trả hết nợ để lại ngôi nhà cho vợ hay chồng hoặc người thừa kế khác thì biện pháp thu nợ như sau:
- Nếu người thừa kế là công nhân, cán bộ về hưu hoặc nghỉ việc vì mất sức lao động thì phải tiếp tục trả nợ hàng quý. Nếu người thừa kế là công nhân, cán bộ đang làm việc thì tiếp tục trả nợ hàng tháng. Ngân hàng Kiến thiết có thể tùy theo hoàn cảnh cụ thể của từng người mà xác định lại mức nợ phải trả hàng quý, hàng tháng nhưng phải bảo đảm thu hồi hết nợ trong thời gian đã ghi trong hợp đồng.
- Nếu người thừa kế không phải là công nhân, cán bộ thì cũng phải tiếp tục trả nợ theo điều kiện người vay đã ký kết.
- Nếu người được vay tiền làm nhà ở chết trước khi trả hết nợ và không có người thừa kế thì Ngân hàng Kiến thiết có thể nhượng lại ngôi nhà đó cho người khác. Nếu giá nhượng lại ngôi nhà ấy lớn hơn số nợ còn phải thu thì số tiền chênh lệch sẽ chuyển làm nguồn vốn cho vay.
Điều 12. - Người được vay chưa trả hết nợ mà nhà bị cháy hoặc hư hại nặng thì Ngân hàng Kiến thiết sẽ căn cứ tình hình cụ thể mà có biện pháp xử lý thích đáng đối với số nợ cần phải thu.
LẬP VÀ XÉT DUYỆT KẾ HOẠCH CHO VAY
Điều 13. – Hàng năm vào cuối tháng 11, cơ quan Ngân hàng Kiến thiết địa phương phải phối hợp với cơ quan quản lý công nhân, cán bộ về hưu hoặc nghỉ việc vì mất sức lao động và Liên hiệp công đoàn địa phương để lập kế hoạch cho vay năm sau, trình Ủy ban hành chính xét duyệt rồi gửi về Bộ Tài chính.
Bộ Tài chính tổng hợp kế hoạch cho vay của các địa phương và bàn với Bộ Nội vụ và Tổng công đoàn Việt Nam để lập kế hoạch cho vay ghi vào ngân sách Nhà nước trình Hội đồng Chính phủ.
Sau khi ngân sách Nhà nước được Hội đồng Chính phủ duyệt y, Bộ Tài chính bàn với Bộ Nội vụ và Tổng công đoàn Việt Nam để phân phối hạn mức cho vay cho các địa phương.
Điều 14. - Mười ngày đầu của các tháng cuối quý, Ngân hàng Kiến thiết địa phương bàn với các cơ quan quản lý công nhân, cán bộ về hưu hoặc nghỉ việc vì mất sức lao động và Liên hiệp công đoàn địa phương lập kế hoạch tổng hợp cho vay trong quý tới, có chia ra từng tháng, trình Ủy ban hành chính tỉnh xét duyệt 20 ngày trước khi bắt đầu quý sau.
Điều 15. - Để bảo đảm cho tiền vay được sử dụng đúng mục đích, Ngân hàng Kiến thiết phải kiểm tra việc sử dụng tiền vay, thường xuyên theo dõi nắm tình hình thi công làm nhà.
Nếu người vay gặp khó khăn trong việc xây dựng, Ngân hàng Kiến thiết cần phối hợp với các cơ quan có trách nhiệm ở địa phương giúp đỡ người đó giải quyết những khó khăn.
Điều 16. - Người vay phải bảo đảm sử dụng tiền vay đúng mục đích, trả nợ đúng thời hạn:
a) Nếu người vay dùng tiền vay làm nhà ở để làm việc khác thì Ngân hàng Kiến thiết đình chỉ việc cho vay và có biện pháp thu hồi số tiền đã cho vay.
b) Trường hợp người vay tiền hoặc người thừa kế là công nhân, cán bộ đã về hưu hoặc nghỉ việc vì mất sức lao động để hai quý liền, không trả nợ và người thừa kế là công nhân, cán bộ còn đang làm việc để ba tháng liền không trả nợ, thì Ngân hàng Kiến thiết sẽ tùy tình hình cụ thể có biện pháp xử lý thích đáng theo luật lệ hiện hành;
c) Nếu hết thời hạn trả nợ ghi trong hợp đồng mà người vay hoặc người thừa kế vẫn chưa trả hết nợ, thì phần nợ còn lại chưa trả được sẽ phải chịu lãi gấp đôi. Ngân hàng Kiến thiết có thể tùy từng trường hợp, gia thêm thời hạn trả nợ, nhưng thời hạn gia thêm cộng với thời gian trước không được vượt quá 9 năm.
Ban hành kèm theo quyết định số 47-TC-NHKT ngày 19 tháng 02 năm 1965 của Bộ Tài chính.
Quyết định 47-TC-NHKT năm 1965 về thể lệ tạm thời về việc cho vay tiền làm nhà ở đối với công nhân, cán bộ về hưu hoặc nghỉ việc vì mất sức lao động do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- Số hiệu: 47-TC-NHKT
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 19/02/1965
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính
- Người ký: Đào Thiện Thi
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 2
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra