Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 47/2017/QĐ-UBND

Bình Định, ngày 26 tháng 7 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP THỰC HIỆN NHIỆM VỤ BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22/6/2015;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13/11/2008;

Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15/6/2004 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014);

Căn cứ Luật Đường sắt ngày 14/6/2005;

Theo đề nghị của Ban An toàn giao thông tỉnh tại Tờ trình số 180/TTr-BATGT ngày 17/7/2017;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Ban An toàn giao thông tỉnh, Giám đốc các sở, ban, ngành, hội đoàn thể tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Ủy ban ATGT Quốc gia;
- Cục kiểm tra Văn bản-Bộ Tư pháp;
- TT Tỉnh ủy; TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQVN tỉnh;
- TV Ban ATGT tỉnh;
- LĐVP UBND tỉnh, CV;
- Lưu: VT, K19.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Hồ Quốc Dũng

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP THỰC HIỆN NHIỆM VỤ BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 47/2017/QĐ-UBND ngày 26/7/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định mục đích, nguyên tắc, phương thức, nội dung và trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Ban An toàn giao thông tỉnh, Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh, các sở, ban, ngành, hội đoàn thể tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.

Điều 3. Mục đích phối hợp

1. Tăng cường năng lực, trách nhiệm, tổ chức thực hiện và sự phối hợp giữa Ban An toàn giao thông tỉnh, Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh, các sở, ban, ngành, hội đoàn thể tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao.

2. Đảm bảo sự thống nhất trong công tác chỉ đạo, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.

Điều 4. Nguyên tắc phối hợp

1. Tuân thủ quy định của pháp luật.

2. Tích cực, chủ động, thống nhất và phối hợp chặt chẽ, thường xuyên.

3. Phối hợp có trọng tâm, trọng điểm, trao đổi kịp thời các thông tin liên quan đến trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.

4. Không làm ảnh hưởng đến hoạt động thường xuyên của các sở, ban, ngành, hội đoàn thể tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Ủy ban nhân dân các xã, phường; thị trấn và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 5. Phương thức phối hợp

1. Xây dựng các chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.

2. Thành lập các đoàn công tác liên ngành để kiểm tra, xử lý vi phạm theo chuyên đề.

3. Tổ chức các cuộc họp giao ban liên ngành để trao đổi, cung cấp thông tin trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.

4. Hình thức khác theo sự thống nhất của các bên.

Chương II

NỘI DUNG PHỐI HỢP

Điều 6. Công tác chỉ đạo các hoạt động bảo đảm trật tự an toàn giao thông

1. Tham mưu ban hành các văn bản và triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

2. Xây dựng chương trình, kế hoạch, đề xuất các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.

Điều 7. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông

1. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông sâu rộng đến đối tượng là nhóm những người tham gia giao thông; phát huy hiệu quả truyền thông qua hệ thống thông tin đài truyền thanh xã, phường, thị trấn.

2. Tăng cường tuyên truyền trực quan, sử dụng thông điệp, pa nô, áp phích, tờ rơi, băng rôn, khẩu hiệu, triển lãm tranh ảnh, các hội thi.

3. Nâng cao chất lượng giáo dục kiến thức an toàn giao thông trong trường học; giáo dục ý thức tự giác chấp hành pháp luật cho học sinh, sinh viên khi tham gia giao thông. Chú trọng xây dựng văn hóa giao thông trong thanh, thiếu niên.

4. Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của người tham gia giao thông; nhất là trong đội ngũ cán bộ, công nhân viên, người lao động, đoàn viên, hội viên, học sinh, sinh viên.

5. Phát động phong trào thi đua bảo đảm trật tự an toàn giao thông, xây dựng điển hình tiên tiến và thực hiện các giải pháp nâng cao tinh thần trách nhiệm vì nhân dân phục vụ của người thực thi công vụ trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Gắn trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu với kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan, đơn vị thực thi công vụ.

Điều 8. Công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông

1. Điều khiển phương tiện giao thông chạy quá tốc độ quy định; điều khiển phương tiện giao thông dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe không đúng quy định; điều khiển phương tiện giao thông chuyển làn đường, vượt không đúng quy định; điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên đường mà trong máu, hơi thở có nồng độ cồn vượt quá quy định; điều khiển phương tiện giao thông chở quá số người quy định, chở hàng quá tải trọng cho phép; điều khiển phương tiện giao thông tự ý thay đổi cấu hình kỹ thuật xe ô tô và kích thước thùng chở hàng của xe ô tô tải; phương tiện không đăng ký, đăng kiểm theo quy định; xe không được quyền ưu tiên lắp đặt, sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên; điều khiển phương tiện giao thông không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe máy không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ.

2. Cảng, bến thủy không phép, không đảm bảo điều kiện an toàn; người điều khiển phương tiện không có bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định; khai thác khoáng sản, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, xây dựng công trình ảnh hưởng đến luồng và hành lang bảo vệ luồng đường thủy nội địa.

3. Các hành vi vi phạm quy tắc giao thông tại đường ngang với đường sắt.

4. Các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải (phù hiệu, lệnh vận chuyển, hợp đồng, thiết bị giám sát hành trình, tính tiền cước,...).

5. Bảo vệ công trình giao thông, công trình phụ trợ khác trên đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa phục vụ giao thông.

Điều 9. Công tác khắc phục bất cập hạ tầng giao thông, các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông

1. Phối hợp kiểm tra, xử lý, đề xuất các giải pháp để giải quyết các kiến nghị của nhân dân về những bất cập hạ tầng giao thông, các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông.

2. Kiểm tra, bảo trì, sửa chữa kịp thời hư hỏng trên tất cả các tuyến đường thuộc tỉnh đảm bảo giao thông thông suốt.

Điều 10. Trao đổi, cung cấp thông tin và đề xuất giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông

1. Phối hợp trong cung cấp, trao đổi thông tin tình hình trật tự an toàn giao thông và các vụ tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh.

2. Nghiên cứu đề xuất các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông nhằm góp phần giảm tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh.

Điều 11. Công tác khắc phục hậu quả tai nạn giao thông

1. Tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả do tai nạn giao thông gây ra.

2. Phối hợp trong công tác điều tra, khởi tố các vụ tai nạn giao thông.

3. Tổ chức thăm hỏi gia đình nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vì tai nạn giao thông.

Chương III

TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN

Điều 12. Trách nhiệm của Ban An toàn giao thông tỉnh

1. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản và đôn đốc việc triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

2. Theo dõi, tổng hợp tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.

3. Làm đầu mối phối hợp với đơn vị liên quan, tổ chức công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

4. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương kiểm tra, đề xuất khắc phục các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông và các bất cập hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh.

5. Phối hợp với các đơn vị, địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch, đề xuất các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh nhằm góp phần giảm tai nạn giao thông.

6. Tiếp nhận thông tin về tai nạn giao thông, báo cáo kịp thời cho Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.

7. Chuẩn bị nội dung, tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết công tác trật tự an toàn giao thông định kỳ để đánh giá kết quả thực hiện quy chế này, rút kinh nghiệm, thống nhất biện pháp giải quyết khó khăn, đề ra các biện pháp nâng cao hiệu quả thực hiện quy chế, xây dựng báo cáo chung về kết quả thực hiện Quy chế.

Điều 13. Trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải

1. Thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ chủ động bảo trì, sửa chữa kịp thời hư hỏng trên tất cả các tuyến đường tỉnh, các tuyến Quốc lộ ủy thác được phân cấp quản lý đảm bảo giao thông thông suốt. Phối hợp các đơn vị, địa phương khảo sát, thống nhất kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Giao thông vận tải đối với các bất cập hạ tầng giao thông, điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông và trên địa bàn tỉnh.

2. Thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông theo thẩm quyền; tập trung kiểm tra, xử lý các vi phạm giao thông tĩnh.

3. Thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

4. Thực hiện kiểm tra, siết chặt kỷ cương công tác sát hạch, cấp giấy phép lái xe, đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ; kiểm soát chặt chẽ tình trạng cơi nới khung xe, gầm xe để chở hàng quá tải trọng. Thanh tra, kiểm tra các đơn vị hoạt động kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải; kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

5. Phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng có liên quan kiên quyết giải tỏa các vi phạm lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ, đường sắt; đình chỉ hoạt động các cảng, bến thủy nội địa, công trình trên sông không phép, không đủ điều kiện an toàn, vi phạm hành lang bảo vệ công trình giao thông đường thủy nội địa.

6. Phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan trong việc đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa; xây dựng các bến thủy nội địa; mở các lớp đào tạo bằng thuyền trưởng và chứng chỉ chuyên môn cho người điều khiển phương tiện thủy nội địa; vận động chủ phương tiện chấp hành quy định về đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy nội địa theo quy định của pháp luật.

7. Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ và bảo đảm chất lượng thi công các dự án đầu tư xây dựng mới, nâng cấp và mở rộng kết cấu hạ tầng giao thông, phấn đấu hoàn thành các công trình, dự án bảo đảm chất lượng, tiến độ, hoàn tất thủ tục triển khai các công trình, dự án theo kế hoạch; thực hiện nghiêm các quy định về tổ chức, bảo đảm an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông tại các công trình vừa thi công vừa khai thác; thực hiện nghiêm quy định về thẩm định an toàn giao thông đối với các tuyến đường chuẩn bị đưa vào khai thác, sử dụng.

8. Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông; thực hiện rà soát, kiểm tra và thực hiện duy tu, bảo trì, sửa chữa các tuyến đường giao thông và cầu đang quản lý; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc hoặc phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện bổ sung đầy đủ hệ thống hộ lan, cọc tiêu, biển báo, báo hiệu đường bộ, đường sắt, đường thủy đang quản lý.

9. Phối hợp, tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả do tai nạn giao thông gây ra.

10. Định kỳ hàng tháng, hàng quý, 6 tháng, năm gửi số liệu tình hình trật tự an toàn giao thông thuộc lĩnh vực quản lý về Ban An toàn giao thông tỉnh tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.

11. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình có trách nhiệm phối hợp, đề xuất các biện pháp thực hiện Quy chế này.

Điều 14. Trách nhiệm của Công an tỉnh

1. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông

Thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan trong việc đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa; vận động chủ phương tiện chấp hành quy định về đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy nội địa theo quy định của pháp luật.

2. Công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý các hành vi về trật tự an toàn giao thông

Thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông theo thẩm quyền; tập trung kiểm tra, xử lý các vi phạm giao thông động. Chỉ đạo các lực lượng tăng cường phối hợp với các địa phương tập trung tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm các tuyến đường có tình hình trật tự an toàn giao thông diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra.

3. Chỉ đạo cơ quan điều tra các cấp tiến hành điều tra, xử lý các vụ tai nạn giao thông.

4. Phân công trách nhiệm, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức cho lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Quy định rõ trách nhiệm của lực lượng làm nhiệm vụ quản lý trên từng tuyến đường để nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc thực thi nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Nâng cao năng lực, trách nhiệm cho lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông, đảm bảo đủ năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Thực hiện có hiệu quả cải cách hành chính trong việc xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, đăng ký phương tiện cơ giới đường bộ và giải quyết tai nạn giao thông.

5. Cải cách hành chính trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

6. Mở các đợt cao điểm, triển khai thực hiện tốt các cuộc vận động, các mô hình hiệu quả trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông

- Tổ chức mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát vào dịp lễ, Tết, như: Tết Nguyên đán, dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5, Quốc khánh 2/9, kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng,... hàng năm.

- Chỉ đạo và phối hợp triển khai thực hiện tốt Cuộc vận động “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”; tiếp tục duy trì, nhân rộng, nâng cao chất lượng mô hình xã, phường, thị trấn “Tự quản về An toàn giao thông”, “Thắp sáng Quốc lộ”, “Thắp sáng đường quê”.

7. Phối hợp với các sở, ban, ngành trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, cứu hộ cứu nạn, khắc phục các bất cập về cơ sở hạ tầng giao thông

- Phối hợp kiểm tra, khảo sát, kiến nghị các cơ quan, đơn vị chức năng khắc phục các bất hợp lý về cơ sở hạ tầng giao thông, các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trên các tuyến đường.

- Phối hợp, tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả do tai nạn giao thông gây ra.

8. Chế độ báo cáo, thống kê tình hình trật tự an toàn giao thông, tai nạn giao thông

Định kỳ hàng tuần, hàng tháng, hàng quý, 6 tháng, năm gửi số liệu tình hình trật tự an toàn giao thông và tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh về Ban An toàn giao thông tỉnh tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.

9. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Công an tỉnh trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình có trách nhiệm phối hợp, đề xuất các biện pháp thực hiện Quy chế này.

Điều 15. Trách nhiệm của Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định, Báo Bình Định

1. Tăng cường tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, các biện pháp ngăn chặn tai nạn giao thông, hoạt động bảo đảm an toàn giao thông của các đơn vị, địa phương trong tỉnh.

2. Thường xuyên phát sóng, đăng tin các thông điệp về an toàn giao thông, phản ánh được những hậu quả, mất mát, thiệt hại do tai nạn gây ra để nhân dân hiểu và tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn giao thông.

Điều 16. Trách nhiệm của Sở Y tế

1. Chỉ đạo các Bệnh viện, Trung tâm y tế trong tỉnh tăng cường biện pháp nâng cao chất lượng công tác khám sức khỏe đối với lái xe; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong việc thực hiện khám sức khỏe đối với lái xe theo quy định.

2. Chỉ đạo các Bệnh viện, Trung tâm y tế trong tỉnh tổ chức sơ, cấp cứu kịp thời và tích cực điều trị các trường hợp bị tai nạn giao thông đến cấp cứu.

3. Chỉ đạo các bệnh viện, trung tâm y tế trong tỉnh chủ động phối hợp với Cơ quan điều tra xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT-BYT-BCA ngày 23/7/2014 giữa Bộ Y tế và Bộ Công an.

Điều 17. Trách nhiệm của Sở Tài chính

1. Phối hợp với các sở, ban, ngành, hội đoàn thể tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh các nội dung thực hiện có liên quan đến lĩnh vực tài chính trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.

2. Cân đối, bổ sung, điều tiết hợp lý giữa các nguồn kinh phí đảm bảo kinh phí hoạt động cho các nhiệm vụ, yêu cầu đặt ra trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.

Điều 18. Trách nhiệm của các Sở, ban, ngành, hội đoàn thể tỉnh

1. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của người tham gia giao thông; kịp thời phản ánh đến các cơ quan chức năng để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông, các vụ tai nạn giao thông, có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, công nhân viên vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

2. Có biện pháp quản lý chặt chẽ đội ngũ cán bộ, công nhân viên, người lao động, đoàn viên, hội viên, học sinh, sinh viên không để quy phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

3. Phối hợp, tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả do tai nạn giao thông gây ra.

4. Định kỳ hàng quý, 6 tháng, năm gửi số liệu tình hình hoạt động về an toàn giao thông thuộc lĩnh vực quản lý về Ban An toàn giao thông tỉnh tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.

Điều 19. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

1. Chỉ đạo lực lượng chức năng và các đơn vị trực thuộc tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông; tổ chức giải tỏa việc lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè đảm bảo giao thông thông thoáng.

2. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông ở cơ sở, phát huy hiệu quả của hệ thống đài truyền thanh cơ sở; vận động nhân dân tự giác chấp hành pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông bằng nhiều hình thức; cảnh báo các nguy cơ và các hành vi vi phạm thường xảy ra tai nạn giao thông.

3. Chủ động bố trí kinh phí để xử lý các vị trí có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông trên địa bàn theo phân công, phân cấp quản lý.

4. Chủ động kiểm tra, rà soát, thống kê các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, điểm mất an toàn giao thông để đề xuất biện pháp khắc phục kịp thời theo phân cấp quản lý.

5. Thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo đơn vị quản lý đường chủ động bảo trì, khắc phục những bất cập, duy tu, sửa chữa kịp thời hư hỏng trên tất cả các tuyến đường do địa phương được phân cấp quản lý đảm bảo giao thông thông suốt.

6. Làm tốt công tác phòng ngừa không để xảy ra tình trạng lấn, chiếm, tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt. Chịu trách nhiệm chính trong việc để xảy ra tình trạng lấn, chiếm xây dựng công trình, vật kiến trúc không phép, sai phép trong hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa gây mất an toàn giao thông, để xảy ra phát sinh đường ngang dân sinh trái phép giữa đường bộ với đường sắt, để xảy ra tai nạn đối với vận tải hành khách ngang sông trên đường thủy nội địa thuộc địa bàn quản lý. Phối hợp ngành đường sắt có có kế hoạch xóa bỏ đường ngang dân sinh xây dựng trái phép qua đường sắt trên địa bàn.

7. Chỉ đạo tổ chức đăng ký, quản lý phương tiện thủy nội địa theo quy định của pháp luật; phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan trong việc đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa.

8. Xử lý kiên quyết (kể cả cưỡng chế) việc lấn, chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa gây mất an toàn giao thông theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật. Tăng cường phát quang, giải tỏa tầm nhìn tại các ngã ba, ngã tư, các đoạn đường cong, đoạn đường có tầm nhìn bị che khuất của các tuyến đường được phân công quản lý trên địa bàn; đảm bảo an toàn giao thông tại các bến đò, bến khách ngang sông.

9. Phối hợp, tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả do tai nạn giao thông gây ra.

10. Gắn trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu với kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan, đơn vị thực thi công vụ trên địa bàn. Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh nếu để gia tăng các chỉ tiêu tai nạn giao thông trên địa bàn quản lý.

11. Định kỳ hàng tháng, hàng quý, 6 tháng, năm gửi số liệu tình hình trật tự an toàn giao thông và tai nạn giao thông trên địa bàn về Ban An toàn giao thông tỉnh tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.

Thông báo thông tin ban đầu bằng điện thoại về Ban An toàn giao thông tỉnh ngay khi xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn. Số ĐT: 056.3828000, Di động: 0906454599.

13. Triển khai, thực hiện các nội dung theo Quy chế phối hợp công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Điều 20. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã

1. Chỉ đạo lực lượng chứa năng và các đơn vị trực thuộc tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông; tổ chức giải tỏa việc lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè đảm bảo giao thông thông thoáng.

2. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông; vận động nhân dân tự giác chấp hành pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông bằng nhiều hình thức; cảnh báo các nguy cơ và các hành vi vi phạm thường xảy ra tai nạn giao thông.

3. Làm tốt công tác phòng ngừa không để xảy ra tình trạng lấn, chiếm, tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt. Chịu trách nhiệm chính trong việc để xảy ra tình trạng lấn, chiếm xây dựng công trình, vật kiến trúc không phép, sai phép trong hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa gây mất an toàn giao thông, để xảy ra phát sinh đường ngang dân sinh trái phép giữa đường bộ với đường sắt, để xảy ra tai nạn đối với vận tải hành khách ngang sông trên đường thủy nội địa thuộc địa bàn quản lý, Phối hợp ngành đường sắt có có kế hoạch xóa bỏ đường ngang dân sinh xây dựng trái phép qua đường sắt trên địa bàn.

4. Xử lý kiên quyết (kể cả cưỡng chế) việc lấn, chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa gây mất an toàn giao thông theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật. Tăng cường phát quang, giải tỏa tầm nhìn tại các ngã ba, ngã tư, các đoạn đường cong, đoạn đường có tầm nhìn bị che khuất của các tuyến đường được phân công quản lý trên địa bàn; đảm bảo an toàn giao thông tại các bến đò, bến khách ngang sông.

5. Kịp thời thông báo cho cơ quan công an, y tế đến để xử lý, giải quyết vụ tai nạn giao thông; phối hợp, tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả do tai nạn giao thông gây ra.

6. Gắn trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu với kết trả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền trên địa bàn.

7. Triển khai, thực hiện các nội dung theo Quy chế phối hợp công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 21. Kinh phí thực hiện

Kinh phí thực hiện Quy chế phối hợp này trích từ kinh phí hoạt động thường xuyên của các sở, ban, ngành, hội đoàn thể tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn do ngân sách nhà nước cấp và được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm.

Điều 22. Trách nhiệm thi hành

1. Ban An toàn giao thông tỉnh có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai, đôn đốc, theo dõi và báo cáo kết quả thực hiện quy chế này.

2. Thủ trưởng các các sở, ban, ngành, hội đoàn thể tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm phổ biến, tổ chức triển khai Quy chế này tại cơ quan, đơn vị mình. Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc căn cứ quy chế này xây dựng kế hoạch chi tiết bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Bình Định.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, thủ trưởng các sở, ban, ngành, hội đoàn thể tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phản ánh kịp thời về Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Ban An toàn giao thông tỉnh) để xem xét, chỉ đạo thực hiện.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 47/2017/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Bình Định

  • Số hiệu: 47/2017/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 26/07/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định
  • Người ký: Hồ Quốc Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 05/08/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản