Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số : 47/2001/QĐ-CTUBBT

Phan thiết, ngày 20 tháng 8 năm 2001

 

QUYẾT ĐỊNH

"V/V BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC BÁN ĐẤU GIÁ TÀI SẢN”.

CHỦ TỊCH UBND TỈNH BÌNH THUẬN

- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân (sửa đổi) đã được Quốc Hội khóa IX, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 21/6/1994;

- Căn cứ Nghị định số 86/CP ngày 19/12/1996 của Chính phủ V/v Ban hành quy chế bán đấu giá tài sản;

- Căn cứ Nghị định số 14/1998/NĐ-CP ngày 06 tháng 03 năm 1998 của Chính phủ về Quản lý tài sản Nhà nước;

- Căn cứ quyết định số 1766/1998/QĐ-BTC ngày 07/12/1998 của Bộ Tài chính ban hành” Quy chế quản lý và xử lý tài sản khi có quyết định tịch thu sung quỹ Nhà nước và tài sản được xác lập quyền sở hữu Nhà nước”;

- Căn cứ quyết định số 29/2000/QĐ-BTC ngày 29/2/2000 của Bộ trưởng Bộ Tài chính V/v Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế Quản lý và xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu Nhà nước ban hành kèm theo Quyết định số 1766/1998/QĐ-BTC ngày 07/12/1998 của Bộ Trưởng Bộ Tài Chính;

- Căn cứ Nghị định số 27/1999/NĐ-CP ngày 20/4/1999 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung quy chế quản lý tài chính và hạch toán kinh doanh đối với doanh nghiệp nhà nước ban hành kèm theo Nghị định số 59/CP ngày 03/10/1996 của Chính phủ;

- Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính-Vật giá.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo quyết định này” Quy chế tổ chức bán đấu giá tài sản” các Doanh nghiệp Nhà nước, các cơ quan hành chính sự nghiệp, tài sản đã có quyết định tịch thu sung quỹ Nhà nước và tài sản được xác lập quyền sở hữu Nhà nước tại địa phương .

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký và bãi bỏ các quy định trước đây trái với quyết định này.

Điều 3 : Các Ông Chánh Văn phòng HĐND và UBND Tỉnh, Giám đốc Sở Tài Chính-Vật Giá, Giám đốc Kho bạc Nhà nước Tỉnh, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, các Hội, Đoàn thể, Chủ tịch UBND các Huyện, Thành phố và Giám đốc các Doanh nghiệp Nhà nước có trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận :
- Như Điều 3.
- Thủ tướng Chính phủ(báo cáo)
- Bộ Tài chính(báo cáo)
- Thường trực Tỉnh Ủy(báo cáo)
- Thường trực HĐND Tỉnh(báo cáo)
- Chủ tịch, PCT/UBND Tỉnh
- Chánh,PVP/HĐND và UBND Tỉnh
- Viện Kiểm sát ND ,Thanh tra NN Tỉnh
- Chuyên viên VP/HĐND và UBND Tỉnh
- Lưu: VPUB

KT. CHỦ TỊCH UBND TỈNH BÌNH THUẬN
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Tú Hoàng

 

QUY CHẾ

VỀ TỔ CHỨC BÁN ĐẤU GIÁ TÀI SẢN
 ( Ban hành kèm theo quyết định số ............/2001/QĐ-CTUBBT ngày .......tháng 8...năm 2001 của Chủ tịch UBND Tỉnh Bình Thuận)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Phạm vi áp dụng:

 Quy định về quy chế tổ chức bán đấu giá tài sản này áp dụng cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bán đấu giá các loại tài sản Nhà nước, tài sản bán đấu giá đã được cấp có thẩm quyền phân cấp xử lý đối với các loại tài sản không sử dụng đem nhượng bán, thanh lý bao gồm :

 - Các loại tài sản không sử dụng đem nhượng bán, thanh lý, của các Doanh nghiệp Nhà nước, các đơn vị Hành chính sự nghiệp.

 - Hàng hóa, tang vật đã có quyết định xử lý tịch thu sung quỹ Nhà nước và tài sản được xác lập quyền sở hữu Nhà nước.

Điều 2: Nguyên tắc bán đấu giá:

 Việc bán đấu giá tài sản thực hiện theo nguyên tắc công khai, trung thực, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia. Hội đồng bán đấu giá tài sản Nhà nước được thành lập đúng theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 3: Mọi tổ chức, cá nhân là người mang quốc tịch Việt nam đều có quyền đăng ký tham dự đấu giá để mua và làm chủ sở hữu tài sản theo quy định của pháp luật. Trừ những người sau đây không được tham gia đấu giá tài sản:

1. Người không có quyền mua tài sản theo quy định của pháp luật;

2. Người không có năng lực hành vi dân sự, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định từ điều 23 đến điều 25 của Bộ luật dân sự hoặc là người tại thời điểm đấu giá không nhận thức, làm chủ được hành vi của mình; 

3. Những người làm việc trong tổ chức bán đấu giá tài sản; cha, mẹ, vợ, chồng, con của người đó.

4. Người đã trực tiếp thực hiện việc giám định tài sản bán đấu giá; cha, mẹ, vợ, chồng, con của người đó.  

Chương II

TỔ CHỨC BÁN ĐẤU GIÁ

Điều 4: Hội đồng bán đấu giá chịu trách nhiệm tổ chức bán tài sản theo đúng quy chế, có trách nhiệm thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai về số lượng, chủng loại tài sản cần bán cho các tổ chức và cá nhân có nhu cầu đăng ký tham gia đấu giá được đảm bảo tính công khai và khách quan.

Điều 5: Mọi tổ chức, cá nhân (gọi chung là khách hàng) có nhu cầu thì đăng ký tham dự đấu giá. Khách hàng muốn tham dự đấu giá phải làm đầy đủ thủ tục đăng ký với Hội đồng đấu giá trước giờ tổ chức đấu giá.

Các khách hàng khi tham dự đấu giá phải chấp hành đúng quy chế này và được xem tài sản trước khi dự đấu giá.

Điều 6: Giá khởi điểm (giá chuẩn) tài sản được đưa ra bán đấu giá là giá đã được cấp thẩm quyền phê duyệt đã được phân cấp xử lý theo quy định hiện hành của Nhà nước. Giá khởi điểm bán đấu giá phải sát với giá thị trường theo từng thời điểm, trường hợp giá khởi điểm bán đấu giá đã được phê duyệt, nhưng không phù hợp với giá thị trường tại thời điểm đấu giá, thì UBND Tỉnh ủy quyền cho Chủ tịch Hội đồng bán đấu giá xem xét quyết định giá khởi điểm bán đấu giá nhưng không được thấp hơn giá khởi điểm đã được cấp thẩm quyền phê duyệt trước đó.

Điều 7: Tổ chức bán đấu giá chỉ được tiến hành khi có ít nhất từ 02 (hai) khách hàng trở lên tham dự. Trường hợp đã 02 lần thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng nhưng chỉ có 01 người đăng ký tham gia đấu giá, thì Chủ tịch UBND Tỉnh ủy quyền cho Chủ tịch Hội đồng bán đấu giá bán thẳng theo giá không được thấp hơn giá chuẩn đã được phê duyệt.

Thời gian thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng để đủ điều kiện bán thẳng tài sản như sau: Số lần thông báo 02 lần, mỗi lần 03 đêm, mỗi đêm 01 lần; Tổng số ngày từ lúc thông báo đầu tiên đến khi được lập thủ tục bán thẳng tài sản tối thiểu là 30 ngày.

 Riêng Nhà, đất, phương tiện vận tải và những tài sản là toàn bộ thiết bị dây chuyền công nghệ chính theo quy định của các cơ quan quản lý ngành kinh tế kỹ thuật, tài sản tịch thu là gỗ quý hiếm theo quy định, nếu số người đăng ký chỉ có một khách hàng thì Sở Tài Chính-Vật giá báo cáo UBND Tỉnh xem xét quyết định phương thức bán.

Điều 8: Lệ phí đấu giá: trong khi chờ Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn mức thu, UBND Tỉnh tạm thời quy định mức thu lệ phí đấu giá: Các khách hàng khi đăng ký tham gia đấu giá phải nộp ngay một khoản lệ phí là 0,1% trên giá trị tài sản (giá chuẩn bán đấu giá), nhưng tối thiểu không dưới 30.000đ (ba mươi ngàn đồng) và tối đa không quá 500.000đ(năm trăm ngàn đồng) cho một lần tham dự đấu giá.

Điều 9: Thu tiền đặt trước ( tiền đặt cọc ):

Tùy theo đặc điểm và tính chất phức tạp của các tài sản đưa ra bán đấu giá, nhằm ràng buộc đối với người tham gia đấu giá và ngăn chặn tình trạng"phá giá" không mua tài sản, UBND Tỉnh cho phép Chủ tịch Hội đồng bán đấu giá được quyền quyết định mức thu tiền đặt cọc với mức từ 10% đến 30% trên giá chuấn bán đấu gia do Chủ tịch Hội đồng bán đấu giá quyết định tùy theo tài sản. Hàng hóa bán đấu giá. Người tham gia đấu giá nếu không mua được tài sản thì sẽ được hoàn trả lại số tiền cọc ngay.

 Trong trường hợp khách hàng tham gia đấu giá trúng thầu nhưng bỏ cuộc hoặc những người cố tình "phá giá" trong đấu giá thì số tiền đặt cọc sẽ sung vào công quỹ Nhà nước.

9.1 Khách hàng tham giá đấu giá đã nộp tiền đặt cọc và lệ phí tham gia đấu giá nhưng sau đó tự ý không tham gia đấu giá, hoặc vắng mặt không báo cáo Hội đồng đấu giá, hoặc mất quyền tham dự đấu giá do vi phạm quy chế đấu giá thì khoản tiền đặt cọc của khách hàng được nộp vào ngân sách Nhà nước. Trường hợp trước giờ đấu giá khách hàng đã nộp tiền đặt cọc và lệ phí tham gia đấu giá nhưng không tham gia đấu giá phải báo cáo ngay với Hội đồng và được Hội đồng đấu giá chấp thuận thì chỉ trả lại cho khách hàng tiền đặt cọc.

9.2 Tại cuộc bán đấu giá khách hàng đã trả giá cao nhất(được trúng đấu giá) nhưng xin rút lại giá đã thách đấu, thì việc bán đấu giá được tổ chức lại ngay, giá chuẩn để đấu giá trong trường hợp này là giá liền kề với giá khách hàng trúng đấu giá nhưng đã xin rút lại; Khách hàng trúng đấu giá đã xin rút lại thì không được tiếp tục tham gia đấu giá và được xử lý như sau:

 - Trong trường hợp giá bán tài sản đấu giá thấp hơn giá mà khách hàng trúng đấu giá nhưng xin rút lại thì khách hàng xin rút lại phải trả khoản tiền chênh lệch cho Hội đồng bán đấu giá, để sung quỹ Nhà nước.

 - Nếu cuộc bán đấu giá không thành do nguyên nhân này thì khách hàng rút lại giá đã trả không được nhận lại khoản tiền đặt cọc và tiền đó được sung vào công quỹ Nhà nước.

9.3 Nếu khách hàng vi phạm thời hạn nộp tiền sau khi trúng giá mua tài sản thì xử lý thu tiền cọc theo điều 13 của quy chế này.

 Điều 10: Chi phí cho công tác tổ chức đấu giá: UBND Tỉnh cho phép cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì tổ chức bán đấu giá được trích 2% trên giá trị bán tài sản ( kể cả tài sản bán thẳng) để có nguồn chi cho công tác định giá và bán đấu giá tài sản Nhà nước bao gồm : Chi phí kiểm kê, giao nhận, chi phí tổ chức định giá, tổ chức thông tin, quảng cáo, tổ chức trưng bày tài sản và cho xem tài sản bán đấu giá, chi phí in ấn tài liệu hồ sơ bán đấu giá, chi cho tổ chức cuộc bán đấu giá, thù lao cho cán bộ liên quan đến đấu giá và một số công tác liên quan đến quản lý, xử lý tài sản Nhà nước. Cơ quan được trích chi phí cho công tác tổ chức đấu giá có trách nhiệm theo dõi phản ánh đầy đủ các khoản thu chi và quyết toán theo quy định hiện hành.

Điều 11: Xử lý các vấn đề phát sinh trong phiên bán đấu giá:

1. Việc xử lý các vấn đề phát sinh ngoài các quy định trên trong phiên bán đấu giá, do Chủ tịch Hội đồng bán đấu giá quyết định (sau khi đã tham khảo ý kiến của các thành viên trong Hội đồng) và phải lập biên bản có đủ chữ ký của các thành viên Hội đồng bán đấu gia(có mặt tại phiên bán đấu giá) và những người có liên quan.

2. Hội đồng bán đấu giá có quyền không cho khách hàng tham gia đấu giá tiếp hoặc đình chỉ phiên bán đấu giá hoặc không công nhận kết quả đấu giá nếu xét thấy có dấu hiệu thông đồng liên kết để dìm giá, gây rối hoặc các vi phạm khác làm ảnh hưởng đến tính trung thực của kết quả đấu giá. Việc tổ chức lại cuộc bán đấu giá vì nguyên nhân này do Chủ tịch Hội đồng bán đấu giá quyết định sau khi đã có ý kiến thống nhất của các thành viên trong Hội đồng.

Chương III

HÌNH THỨC ĐẤU GIÁ

Điều 12: Tùy theo tính chất, đặc điểm, giá trị của tài sản và số lượng khách hàng tham gia đấu giá, Chủ tịch Hội đồng đấu giá quyết định hình thức đấu giá, bao gồm các hình thức đấu giá như sau:

 12.1- Hình thức đấu giá trực tiếp: Là hình thức khách hàng tham gia đấu giá trực tiếp bằng miệng với số lần không hạn chế. Sau khi Hội đồng bán đấu giá công bố mức giá khởi điểm của tài sản đấu giá, từng khách hàng sẽ đưa ra mức thách giá với các khách hàng cùng tham dự, người trả giá lần sau phải cao hơn người trả giá lần trước (tùy theo từng tài sản đấu giá, Chủ tịch Hội đồng sẽ quy định khoảng cách mức giá phải trả cho các lần tiếp theo). Người trả giá sau cùng với số tiền cao nhất sau khi các khách hàng khác tuyên bố bỏ cuộc sẽ được Hội đồng công bố là trúng giá và được mua tài sản.

12.2- Hình thức đấu giá bỏ phiếu kín không hạn chế: Là hình thức khách hàng tự ghi trên mẫu phiếu đấu giá đã được in sẵn theo số lần bỏ phiếu đấu giá không hạn chế.

Sau khi Hội đồng công bố giá khởi điểm đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, mỗi khách hàng được bỏ phiếu trả giá với số lần không hạn chế trên tài sản được đưa ra đấu giá, mức trả giá ghi trên phiếu, khách hàng phải bỏ cao hơn giá khởi điểm do Hội đồng công bố. Kết thúc mỗi đợt bỏ phiếu, Hội đồng sẽ công bố giá cao nhất trong đợt bỏ phiếu đó và lấy mức giá này làm giá khởi điểm đấu giá cho đợt kế tiếp (không công bố tên khách hàng bỏ giá). Trong quá trình trả giá, khách hàng không được bỏ thấp hơn hoăc bằng giá khởi điểm do Hội đồng đã công bo, nếu bỏ thấp hơn hoăc bằng giá khởi điểm khách hàng đã vi phạm quy chế đấu giá, sẽ bị mất tiền đặt cọc và số tiền này sẽ được sung vào công quỹ Nhà nước. Nếu khách hàng nhận thấy ở mức giá đang thách đấu quá cao, khách hàng xin rút không tham gia nữa thì ghi rõ vào phiếu "xin rút" và Hội đồng vẫn tiếp tục phát phiếu cho khách hàng tiếp tục ghi, khách hàng đã bỏ phiếu xin rút tuyệt đối không gây ồn ào, mất trật tự, tỏ thái độ hoặc trao đổi với các khách hàng khác và tuân thủ theo sự điều hành của Hội đồng bán đấu giá.

 Các khách hàng lần lượt trả giá cho đến khi chỉ còn một khách hàng bỏ phiếu với giá cao nhất và các khách hàng khác đều bỏ cuộc thì Hội đồng công bố: Họ và tên, địa chỉ, mức giá trúng đấu giá của người trúng đấu giá được mua tài sản. Trong trường hợp lần bỏ phiếu cuối cùng các khách hàng đều bỏ cuộc thì Hội đồng sẽ công bố khách hàng trúng đấu giá là ngươì trả giá cao nhất của lần liền kề trước đó, trường hợp có nhiều khách hàng bỏ giá cao nhất của lần cuối cùng bằng nhau thì Hội đồng sẽ tiếp tục tổ chức bỏ phiếu lại cho những người đó để xác định người trúng giá và được mua tài sản. Kết thúc cuộc đấu giá, Hội đồng sẽ công khai kết quả bỏ phiếu của các khách hàng để khách hàng kiểm tra và ký xác nhận vào biên bản đấu giá.

Điều 13: Khách hàng trúng giá được mua tài sản sau khi Hội đồng đã có kết luận công bố là trúng đấu giá thì phải nộp thêm tiền cho đủ để bằng 30%(kể cả khoản tiền đã đặt cọc ) tính trên giá trúng đấu giá, sau thời hạn 15 ngày kể từ ngày tổ chức bán đấu giá phải nộp đầy đủ phần tiền còn lại để nhận tài sản. Nếu quá thời gian quy định trên, khách hàng trúng đấu giá được mua tài sản không nộp đủ số tiền theo kết quả của cuộc đấu giá thì khoản tiền đã nộp sẽ được sung vào công quỹ Nhà nước và coi như khách hàng trúng thầu bỏ cuộc không có nhu cầu mua tài sản.

Điều 14: Đối với các đơn vị quản lý tài sản bán đấu giá và được ủy quyền bảo quản tài sản bán đấu giá, có trách nhiệm bảo quản theo đúng nguyên trạng tài sản đã kiểm kê ban đầu mà Hội đồng đã định giá tính toán cho đến khi làm thủ tục giao nhận tài sản cho khách hàng. Mọi sự thiếu, mất trong quá trình quản lý so với biên bản kiểm kê đã định giá, đơn vị bảo quản phải chịu trách nhiệm bồi hoàn.

 Tùy theo từng loại tài sản, cơ quan tổ chức bán đấu giá bán tài sản và đơn vị trực tiếp quản lý tài sản có trách nhiệm cung cấp các hồ sơ liên quan đến tài sản bán đấu giá, ký kết hợp đồng mua bán, thanh lý hợp đồng và xuất hóa đơn cho khách hàng trúng đấu giá sau khi đã nộp đủ số tiền trúng đấu giá mua tài sản. Riêng đối với nhà, đất trước khi tổ chức bán đấu giá, cơ quan quản lý nhà, đất ở tỉnh và các huyện, thành phố phải đảm bảo Nhà, đất trống không còn có hộ gia đình nào khác ở trên vị trí nhà, đất bán đấu giá.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 15: Giao cho giám đốc Sở Tài chính-Vật giá chịu trách nhiệm hướng dẫn cụ thể việc tổ chức thực hiện quy chế này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có gì vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung, Sở Tài chính-Vật giá báo cáo kịp thời UBND Tỉnh xem xét quyết định.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 47/2001/QĐ-CTUBBT ban hành quy chế tổ chức bán đấu giá tài sản do tỉnh Bình Thuận ban hành

  • Số hiệu: 47/2001/QĐ-CTUBBT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 20/08/2001
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận
  • Người ký: Lê Tú Hoàng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/08/2001
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản