Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 46/2017/QĐ-UBND

Hải Phòng, ngày 29 tháng 12 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ XÂY DỰNG, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG NGHĨA TRANG VÀ CƠ SỞ HỎA TÁNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22/6/2015;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18/6/2014;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23/6/2014;

Căn cứ Luật Đất đai ngày 29/11/2013;

Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị ngày 17/6/2009;

Căn cứ Nghị định số 23/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016 của Chính phủ về xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Văn bản số 128/TTr-SXD ngày 05/9/2017, Văn bản số 4238/SXD-HTKT ngày 13/12/2017 và Báo cáo thẩm định số 37/BCTĐ-STP ngày 25/8/2017 của Sở Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

Điều 2. Quyết định có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các phường, xã, thị trấn; các tổ chức và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Xây dựng;
- Cục KTVB QPPL - Bộ Tư pháp;
- TTTU, TT HĐNDTP;
- Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng;
- CT, Các PCT UBND thành phố;
- VPTU, VP UBND thành phố;
- Sở Tư pháp;
- Đài PTTH HP, Báo HP, Báo ANHP;
- Cổng TTĐTTP, Công báo TP;
- Như Điều 3;
- CPVP;
- Các CV UBND TP;
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Tùng

 

QUY ĐỊNH

VỀ XÂY DỰNG, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG NGHĨA TRANG VÀ CỞ SỞ HỎA TÁNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 46/2017/QĐ-UBND ngày 29/12/2017 của Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh:

a. Quy định này quy định về các hoạt động xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang (trừ nghĩa trang liệt sỹ) và cơ sở hỏa táng trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

b. Những nội dung khác về xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng thực hiện theo các quy định tại Nghị định số 23/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016 của Chính phủ về xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng (sau đây gọi tắt là: Nghị định số 23/2016/NĐ-CP).

2. Đối tượng áp dụng: Quy định này được áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước có hoạt động liên quan đến nghĩa trang và cơ sở hỏa táng trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

Điều 2. Nguyên tắc xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng

1. Hoạt động xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng thực hiện theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 23/2016/NĐ-CP.

2. Tuân thủ các quy định hiện hành về xây dựng, vệ sinh, môi trường và việc táng người chết trong các nghĩa trang phải phù hợp với tín ngưỡng, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa, nếp sống văn minh hiện đại và quy định tại Quyết định số 2822/2015/QĐ-UBND ngày 14/12/2015 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành Quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và một số lễ nghi, sinh hoạt cộng đồng khác trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

3. Việc sử dụng đất trong nghĩa trang phải tiết kiệm, phù hợp với quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

4. Khuyến khích áp dụng các công nghệ tiên tiến thân thiện với môi trường trong việc quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng.

Điều 3. Phân cấp quản lý nghĩa trang

1. Nghĩa trang được phân thành: Nghĩa trang cấp thành phố, nghĩa trang cấp huyện, nghĩa trang cấp xã và được xác định trong quy hoạch xây dựng do cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Sở Xây dựng giúp Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với nghĩa trang cấp thành phố và các nghĩa trang khác do Ủy ban nhân dân thành phố giao.

3. Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với các nghĩa trang trên địa bàn huyện. Ủy ban nhân dân cấp huyện được ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý các nghĩa trang cấp xã trên địa bàn.

Chương II

QUY HOẠCH NGHĨA TRANG, CƠ SỞ HỎA TÁNG

Điều 4. Quy hoạch nghĩa trang vùng tỉnh

1. Thực hiện theo Điều 7 Nghị định số 23/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016.

2. Việc lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch nghĩa trang vùng tỉnh phải phù hợp với quy hoạch xây dựng vùng tỉnh và phù hợp với các quy hoạch xây dựng khác đã được phê duyệt.

Điều 5. Quy hoạch chi tiết xây dựng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng

1. Thực hiện theo Điều 8 Nghị định số 23/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016 của Chính phủ.

2. Việc lập quy hoạch chi tiết xây dựng phải phù hợp với quy hoạch nghĩa trang vùng tỉnh, quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, quy hoạch chung xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn mới và phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

3. Việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng nghĩa trang, cơ sở hỏa táng phải tuân theo các quy định của Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Bảo vệ Môi trường và các quy định pháp luật hiện hành có liên quan.

Chương III

XÂY DỰNG, CẢI TẠO, ĐÓNG CỬA VÀ DI CHUYỂN NGHĨA TRANG, CƠ SỞ HỎA TÁNG

Điều 6. Xây dựng mới và cải tạo nghĩa trang, cơ sở hỏa táng

1. Hoạt động xây dựng mới và cải tạo nghĩa trang, cơ sở hỏa táng phải tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật có liên quan.

2. Việc xây mới, tu bổ phần mộ, bia mộ, trồng cây trong nghĩa trang phải được sự chấp thuận của đơn vị quản lý nghĩa trang.

3. Việc xây mới, tu bổ mộ (kích thước, kiểu dáng mộ, bia mộ và khoảng cách giữa các mộ), cơ sở hỏa táng và các công trình khác không được làm ảnh hưởng đến các phần mộ, công trình, cảnh quan chung của nghĩa trang và tuân thủ theo đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng nghĩa trang được duyệt và các quy định hiện hành khác có liên quan.

4. Đơn vị quản lý nghĩa trang có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc xây mới, tu bổ phần mộ trong nghĩa trang theo đúng quy định.

Điều 7. Đóng cửa nghĩa trang

1. Việc xác định các nghĩa trang cần đóng cửa được thể hiện cụ thể trong đồ án quy hoạch theo từng giai đoạn 5 năm và phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất của địa phương được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Uỷ ban nhân dân thành phố quyết định đóng cửa nghĩa trang cấp thành phố; Uỷ ban nhân cấp huyện quyết định đóng cửa nghĩa trang quy mô cấp còn lại.

3. Các tổ chức, cá nhân quản lý nghĩa trang có trách nhiệm phối hợp Ủy ban nhân dân cấp xã thông báo công khai Quyết định đóng cửa nghĩa trang trên địa bàn quản lý.

4 Hiệu lực của Quyết định đóng cửa nghĩa trang tối thiểu là 6 tháng kể từ ngày ký. Các nội dung phân công tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm khắc phục ô nhiễm môi trường, cải tạo chỉnh trang (nếu có) theo quy định tại Điều 10, Điều 11 Nghị định số 23/2016/NĐ-CP.

Điều 8. Di chuyển nghĩa trang và các phần mộ riêng lẻ

1. Việc xác định các nghĩa trang cần di chuyển được thể hiện cụ thể trong đồ án quy hoạch theo từng giai đoạn 5 năm và phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch xây dựng, kế hoạch sử dụng đất của địa phương được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Vốn dành cho việc bồi thường giải phóng mặt bằng, di chuyển nghĩa trang và các phần mộ riêng lẻ để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nào thì được tính cho tổng mức đầu tư của các dự án đó.

3. Đối với các phần mộ không rõ thân nhân, Ủy ban nhân dân cấp xã điều tra tìm hiểu, xác định lại thông tin về thân nhân và lập kế hoạch di dời các phần mộ này vào trong các nghĩa trang đã được quy hoạch và xây dựng theo quy định.

4. Uỷ ban nhân dân thành phố quyết định di chuyển nghĩa trang cấp thành phố; Uỷ ban nhân cấp huyện quyết định di chuyển nghĩa trang quy mô cấp còn lại.

5. Các tổ chức, cá nhân quản lý nghĩa trang có trách nhiệm phối hợp Ủy ban nhân dân cấp xã thông báo công khai Quyết định di chuyển nghĩa trang trên địa bàn quản lý.

6. Hiệu lực của Quyết định di chuyển nghĩa trang tối thiểu là 6 tháng kể từ ngày ký. Các nội dung phân công tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm khắc phục ô nhiễm môi trường theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 23/2016/NĐ-CP.

Chương IV

QUẢN LÝ, SỬ DỤNG NGHĨA TRANG VÀ CƠ SỞ HỎA TÁNG

Điều 9. Nội dung quản lý nghĩa trang và cơ sở hỏa táng

1. Đối với nghĩa trang, cơ sở hỏa táng đang được sử dụng

a) Phổ biến, giám sát việc thực hiện những quy định về quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng.

b) Định kỳ chăm sóc cây xanh, bảo quản phần mộ, tro cốt, duy tu bảo dưỡng các công trình trong nghĩa trang.

c) Hướng dẫn, kiểm tra việc tuân thủ các quy định về vệ sinh trong các hoạt động táng.

d) Bảo đảm về vệ sinh môi trường trong nghĩa trang.

đ) Đảm bảo trang thiết bị bảo hộ cá nhân như: khẩu trang, quần áo, ủng, găng tay … cho nhân viên và yêu cầu sử dụng khi trực tiếp thực hiện công việc táng, hỏa táng.

e) Giám sát, quản lý hoặc trực tiếp cung cấp các dịch vụ nghĩa trang.

f) Lập và lưu trữ hồ sơ nghĩa trang.

g) Rà soát việc đánh số, xác định vị trí khu mộ, hàng mộ, ngôi mộ, ô tro cốt trong nghĩa trang, đưa ra phương án điều chỉnh thích hợp (nếu cần thiết).

h) Lập các bảng chỉ dẫn, sơ đồ vị trí các khu chức năng, khu mộ, hàng mộ, phần mộ và vị trí các ô lưu trữ tro cốt phục vụ cho người thăm viếng.

i) Ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm; báo cáo cho các cơ quan chức năng các hành vi vi phạm nghiêm trọng để giải quyết kịp thời.

k) Thực hiện báo cáo định kỳ 6 tháng, một năm hoặc đột xuất về tình hình quản lý, sử dụng nghĩa trang, cơ sở hỏa táng.

2. Đối với nghĩa trang đã đóng cửa: Thực hiện quản lý theo các nội dung ở khoản 1 điều này, trừ điểm c, đ và e.

Điều 10. Bảo trì, bảo vệ, chăm sóc, tu bổ nghĩa trang, cơ sở hỏa táng

Đơn vị quản lý nghĩa trang, cơ sở hỏa táng có trách nhiệm:

1. Thường xuyên chăm sóc, bảo quản phần mộ, tro cốt; báo ngay cho thân nhân của người chết và các cơ quan chức năng theo thẩm quyền giải quyết khi phát hiện ra những hiện tượng bất thường liên quan đến phần mộ, tro cốt như: mất trộm, xuống cấp, hư hỏng...

2. Kiểm tra và ngăn chặn kịp thời các hành vi gây ảnh hưởng đến nghĩa trang và người sử dụng dịch vụ nghĩa trang.

3. Chăm sóc, ươm trồng các vườn hoa, thảm cỏ, cây cảnh, cây xanh, làm sạch đẹp môi trường, cảnh quan trong nghĩa trang và cở sở hỏa táng.

4. Kiểm tra và đề xuất việc tu bổ, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp nghĩa trang và cơ sở hỏa táng.

Điều 11. Các hành vi bị cấm

1. Xây dựng nghĩa trang, cơ sở hỏa táng không theo quy hoạch hoặc không phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Xây dựng nghĩa trang, cơ sở hỏa táng không có giấy phép hoặc sai giấy phép theo quy định của pháp luật về xây dựng.

3. Xây dựng mộ, bia mộ và các công trình trong nghĩa trang không theo các quy định về quản lý kiến trúc và quy chế quản lý nghĩa trang.

4. Phá hoại các công trình xây dựng trong nghĩa trang.

5. Cung cấp thông tin không trung thực làm tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong việc cung cấp và sử dụng dịch vụ nghĩa trang, dịch vụ hỏa táng.

6. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi hoặc can thiệp trái phép vào các hoạt động quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng.

7. Lợi dụng chính sách ưu đãi của nhà nước để thực hiện kinh doanh các dịch vụ nghĩa trang, dịch vụ hỏa táng trái pháp luật.

8. Thu phí, lệ phí và các khoản tiền liên quan đến hoạt động dịch vụ nghĩa trang, dịch vụ hỏa táng trái quy định của pháp luật.

9. Táng người chết ngoài các nghĩa trang đã được xây dựng và quản lý theo quy hoạch.

10. Không chấp hành các quyết định của cơ quan có thẩm quyền về đóng cửa nghĩa trang, di chuyển nghĩa trang và các phần mộ riêng lẻ.

11. Mua bán, chuyển nhượng đất trong nghĩa trang dưới mọi hình thức, trừ trường hợp được pháp luật cho phép.

12. Vi phạm các quy định, quy chế, nội quy của nghĩa trang và cơ sở hỏa táng.

13. Vi phạm các quy định pháp luật hiện hành có liên quan.

Điều 12. Vệ sinh trong các hoạt động táng và vệ sinh môi trường trong nghĩa trang, cơ sở hỏa táng

1. Trong đơn vị quản lý nghĩa trang, cơ sở hỏa táng phải có bộ phận chuyên trách về vệ sinh, môi trường.

2. Sử dụng các trang bị bảo hộ cá nhân như khẩu trang, quần áo, ủng, găng tay…khi trực tiếp thực hiện công việc táng, hỏa táng.

3. Phải làm vệ sinh sạch sẽ ngay sau mỗi lần tổ chức táng. Thường xuyên vệ sinh trong khuôn viên nghĩa trang, cơ sở hỏa táng.

4. Thực hiện các hoạt động táng và vệ sinh môi trường trong nghĩa trang, cở sở hỏa táng theo quy định hiện hành của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Điều 13. Lập và lưu trữ hồ sơ nghĩa trang

1. Nội dung hồ sơ nghĩa trang:

a) Trong hồ sơ lưu trữ cần ghi đầy đủ khu mộ/hàng mộ/số mộ, sơ đồ vị trí các khu chức năng, vị trí các ô lưu giữ tro cốt (bao gồm vị trí đã sử dụng và vị trí còn trống); trên mộ chỉ ghi số mộ. Số của các phần mộ trong nghĩa trang phải tương ứng với hồ sơ lưu.

b) Sổ theo dõi hoạt động táng, lưu giữ tro cốt.

c) Lưu trữ các thông tin cơ bản của người được táng: họ tên, quê quán, nguyên nhân chết, ngày chết, địa chỉ thân nhân để liên hệ và các giấy tờ liên quan.

2. Đơn vị quản lý nghĩa trang có trách nhiệm lập và lưu trữ hồ sơ nghĩa trang; cung cấp thông tin cho tổ chức và cá nhân khi có yêu cầu theo quy định của pháp luật.

3. Khuyến khích áp dụng công nghệ thông tin tiên tiến trong việc lập, lưu trữ, khai thác hồ sơ nghĩa trang.

Điều 14. Xác định vị trí các phần mộ, các ô lưu trữ tro cốt trong nghĩa trang

1. Tất cả các phần mộ, các ô lưu trữ tro cốt trong nghĩa trang đều phải được đánh số.

2. Việc xác định vị trí các phần mộ, các ô lưu trữ tro cốt trong nghĩa trang phải đảm bảo mục tiêu rõ ràng, thuận tiện cho người sử dụng và người quản lý.

3. Phương pháp xác định vị trí các phần mộ.

a) Vị trí của ngôi mộ trong nghĩa trang được tạo thành bởi: khu mộ/hàng mộ/số mộ.

b) Sử dụng các chữ cái A, B, C, …hoặc tên riêng đặc trưng đặt tên cho các khu mộ (xem hình minh họa).

c) Sử dụng các chữ cái A, B, C, …để đánh số cho các hàng mộ trong khu mộ dọc theo các trục đường chính (xem hình minh họa).

d) Sử dụng các số tự nhiên 1, 2, 3, … để đánh số liên tiếp cho các mộ trong khu dọc theo các hàng, dự kiến cả số của những mộ chưa được xây dựng (xem hình minh họa).

KHU A, B, C

(Hoặc tên riêng đặc trưng)

Hình minh họa

đ) Trong trường hợp các ngôi mộ hiện hữu không được xây theo dãy, hàng thì sử dụng các chữ cái A, B, C, …hoặc tên riêng đặc trưng để phân khu và sử dụng các số tự nhiên 1, 2, 3, … đánh số liên tiếp các ngôi mộ trong khu.

4. Phương pháp xác định vị trí các ô lưu trữ tro cốt.

a) Sử dụng các chữ cái A, B, C, … hoặc tên riêng đặc trưng đặt tên cho các khu, các phòng lưu trữ tro cốt (xem hình minh họa).

b) Sử dụng các số tự nhiên 1, 2, 3, … để đánh số thứ tự cho các tầng (nếu có) và cho các ô lưu trữ tro cốt (xem hình minh họa).

c) Tùy theo cách bố trí các ô lưu trữ tro cốt, đơn vị quản lý nghĩa trang chủ động đưa ra phương pháp phân khu các ô lưu trữ cho phù hợp, thuận tiện cho người tìm kiếm và người quản lý.

5. Ghi tên khu mộ, đánh số ngôi mộ, vị trí ô lưu giữ tro cốt phải rõ ràng, đảm bảo sử dụng lâu dài.

6. Khuyến khích áp dụng các công nghệ tiên tiến vào việc xác định vị trí các phần mộ và các ô lưu trữ tro cốt trong các nghĩa trang.

Điều 15. Sử dụng đất trong nghĩa trang

1. Việc sử dụng đất trong nghĩa trang phải đúng theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc sử dụng đất mai táng phải đúng mục đích, đúng đối tượng.

2. Việc giao đất mai táng trong nghĩa trang thực hiện lần lượt theo khu, hàng đã được xác định theo quy hoạch được duyệt, không tự ý lựa chọn khu đất mai táng.

3. Phần đất nơi huyệt mộ sau khi cải táng phải để tối thiểu là 12 tháng mới được tái sử dụng vào mục đích mai táng.

4. Diện tích đất sử dụng cho mỗi mộ (không tính diện tích đường đi xung quanh mộ), thể tích ô để lọ tro cốt hỏa táng tuân thủ theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành liên quan và quy định tại Điều 4 Nghị định số 23/NĐ-CP, cụ thể như sau:

- Thể tích ô để lọ tro hỏa táng: tối đa không quá 0,125m3/ô.

- Diện tích sử dụng đất cho mỗi mộ hung táng và chôn cất một lần:

+ Người lớn: tối đa không quá 5m2.

+ Trẻ em: tối đa không quá 3m2.

Điều 16. Quản lý chi phí và giá dịch vụ nghĩa trang, dịch vụ hỏa táng

1. Đối với nghĩa trang, cơ sở hỏa táng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước:

a) Kinh phí quản lý nghĩa trang, cơ sở hỏa táng được lấy từ nguồn thu dịch vụ và nguồn vốn ngân sách nhà nước theo quy định.

b) Ủy ban nhân dân thành phố quy định giá dịch vụ nghĩa trang, dịch vụ hỏa táng cho từng loại nghĩa trang; quy định những trường hợp được miễn giảm tiền dịch vụ nghĩa trang.

2. Đối với nghĩa trang, cơ sở hỏa táng được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước:

a) Kinh phí quản lý nghĩa trang, giá dịch vụ nghĩa trang, dịch vụ hỏa táng được lấy từ nguồn thu dịch vụ nghĩa trang, dịch vụ hỏa táng.

b) Việc lập, thẩm định và phê duyệt giá dịch vụ nghĩa trang, dịch vụ hỏa táng và giá chuyển nhượng quyền sử dụng phần mộ cá nhân được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 28 Nghị định số 23/2016/NĐ-CP.

3. Giá dịch vụ nghĩa trang, dịch vụ hỏa táng phải được niêm yết công khai, minh bạch.

Điều 17. Quy chế, nội quy quản lý nghĩa trang, cơ sở hỏa táng

1. Các nghĩa trang, cơ sở hỏa táng đều phải có quy chế, nội quy quản lý. Nội dung cơ bản của quy chế, nội quy quản lý nghĩa trang và cơ sở hỏa táng thực hiện theo quy định tại Điều 17, Điều 20 Nghị định số 23/2016/NĐ-CP.

2. Tổ chức, cá nhân được giao quản lý nghĩa trang và cơ sở hỏa táng có trách nhiệm lập quy chế quản lý, nội quy quản lý đối với nghĩa trang do mình quản lý được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Thẩm quyền phê duyệt quy chế quản lý nghĩa trang:

a) Ủy ban nhân dân thành phố ủy quyền Sở Xây dựng phê duyệt quy chế quản lý nghĩa trang đối với hệ thống nghĩa trang cấp thành phố được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.

b) Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt quy chế quản lý nghĩa trang đối với hệ thống nghĩa trang cấp huyện, cấp xã được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.

c) Đối với nghĩa trang được đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước thực hiện theo điểm b, khoản 3, điều 17 Nghị định 23/2016/NĐ-CP.

Điều 18. Quyền lợi của người sử dụng dịch vụ nghĩa trang, cơ sở hỏa táng

1. Yêu cầu đơn vị quản lý cung cấp các dịch vụ nghĩa trang, dịch vụ hỏa táng đúng theo quy định.

2. Thăm viếng, chăm sóc mộ phần theo quy định của đơn vị quản lý nghĩa trang.

3. Hưởng các quyền lợi trong thỏa thuận với đơn vị quản lý nghĩa trang và cơ sở hỏa táng.

Điều 19. Trách nhiệm của người sử dụng dịch vụ nghĩa trang, cơ sở hỏa táng

1. Tuân thủ các quy định của nghĩa trang và các quy định của pháp luật.

2. Thực hiện các trách nhiệm theo thỏa thuận với đơn vị quản lý nghĩa trang.

3. Cung cấp lý lịch mộ, tro cốt để đơn vị quản lý nghĩa trang lập hồ sơ lưu trữ, quản lý.

4. Tham gia, đóng góp ý kiến với đơn vị quản lý nghĩa trang và cơ quan quản lý nhà nước về các vấn đề liên quan đến nghĩa trang.

Điều 20. Xử lý những tồn tại trong việc quản lý nghĩa trang, cơ sở hỏa táng

1. Đối với nghĩa trang, cơ sở hỏa táng chưa được quy hoạch xây dựng đồng bộ:

a. Ủy ban nhân dân theo phân cấp quản lý nghĩa trang, cơ sở hỏa táng xác định lại ranh giới, phân khu chức năng, khu mộ, hàng mộ trong các nghĩa trang do mình quản lý.

b. Thực hiện việc xây mới, tu bổ các phần mộ, tro cốt trong nghĩa trang theo quy định tại Điều 6 của Quy định này và các quy định của pháp luật có liên quan.

2. Đối với các nghĩa trang do dòng họ, gia đình quản lý:

a. Ủy ban nhân dân cấp xã thống kê các nghĩa trang do dòng họ, gia đình quản lý trên địa bàn, xác định lại ranh giới từng nghĩa trang, hướng dẫn và yêu cầu các dòng họ, gia đình thực hiện quản lý, sử dụng nghĩa trang theo các quy định tại Quy định này

b. Ủy ban nhân dân cấp xã kiểm soát, không cho phép việc thành lập mới và mở rộng ranh giới nghĩa trang của các dòng họ, gia đình.

3. Đối với các phần mộ không nằm trong các nghĩa trang đã được xác định vị trí, ranh giới:

a. Ủy ban nhân dân cấp xã thống kê danh sách các phần mộ không nằm trong các nghĩa trang đã được xác định vị trí, ranh giới.

b. Ủy ban nhân dân cấp xã yêu cầu thân nhân di chuyển các phần mộ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan, môi trường và các phần mộ nằm ngoài nghĩa trang sau cải táng vào trong các nghĩa trang đã được ổn định, phù hợp với quy hoạch được duyệt.

Chương V

TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ NGHĨA TRANG VÀ CƠ SỞ HỎA TÁNG

Điều 21. Trách nhiệm của Sở Xây dựng

1. Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng hệ thống nghĩa trang, cở sở hỏa táng trên địa bàn thành phố.

2. Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, Ngành thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật trong công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang, cơ sở hỏa táng.

3. Chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức lập giá dịch vụ nghĩa trang, dịch vụ hỏa táng đối nghĩa trang, cơ sở hỏa táng được đầu tư xây dựng từ nguồn ngân sách nhà nước, gửi Sở Tài chính thẩm định trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.

4. Tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố, Bộ Xây dựng về tình hình quy hoạch và xây dựng nghĩa trang, cở sở hỏa táng trên địa bàn thành phố.

Điều 22. Trách nhiệm của Sở Tài chính

1. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố về các vấn đề tài chính trong việc quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng.

2. Hướng dẫn, kiểm tra, thanh quyết toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Xử lý, kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm về tài chính trong việc quản lý và sử dụng nghĩa trang theo thẩm quyền.

3. Thẩm định giá dịch vụ nghĩa trang, dich vụ hỏa táng trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt đối với các nghĩa trang, cơ sở hỏa táng được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.

4. Theo dõi, kiểm tra việc sử dụng vốn ngân sách nhà nước trong đầu tư xây dựng, cải tạo mở rộng, di chuyển nghĩa trang, chi phí quản lý nghĩa trang, nguồn thu dịch vụ nghĩa trang theo quy định.

Điều 23. Trách nhiệm của các Sở, Ngành có liên quan

Chịu trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, đơn vị quản lý chuyên ngành theo quy định của pháp luật đối với các hoạt động hoạt động xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang (trừ nghĩa trang liệt sỹ) và cơ sở hỏa táng trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

Điều 24. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã

1. Xác định vị trí, ranh giới các nghĩa trang để quản lý.

2. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các hoạt động của các nghĩa trang thuộc thẩm quyền quản lý.

3. Tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các hình thức táng văn minh, tiết kiệm đất, đảm bảo vệ sinh môi trường.

4. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ 6 tháng, một năm hoặc đột xuất về công tác quản lý nghĩa trang theo phân cấp quản lý (cấp xã báo cáo cấp huyện; cấp huyện báo cáo Sở Xây dựng).

5. Tổ chức kiểm tra, xử lý các vi phạm về quản lý, sử dụng nghĩa trang trên địa bàn mình quản lý theo quy định của pháp luật.

Điều 25. Trách nhiệm của đơn vị trực tiếp quản lý nghĩa trang, cơ sở hỏa táng

1. Lập Quy chế quản lý nghĩa trang, cơ sở hỏa táng cơ sở hỏa táng theo đúng nội dung quy định tại Nghị định số 23/2016/NĐ-CP.

2. Quản lý nghĩa trang và cơ sở hỏa táng theo quy chế quản lý nghĩa trang được cấp có thẩm quyền phê duyệt và theo quy định hiện hành của pháp luật.

3. Cung cấp các dịch vụ nghĩa trang, dịch vụ hỏa táng cho người sử dụng, bảo đảm chất lượng dịch vụ theo quy định.

4. Tham mưu cho các cấp có thẩm quyền về các vấn đề liên quan đến nghĩa trang, cơ sở hỏa táng.

5. Báo cáo Sở Xây dựng, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã tương ứng với cấp nghĩa trang, cơ sở hỏa táng đơn vị quản lý trực tiếp theo định kỳ 6 tháng, một năm hoặc đột xuất về công tác quản lý, sử dụng nghĩa trang và cở sở hỏa táng.

6. Thực hiện các trách nhiệm khác theo quy định tại điều 19, điều 23 Nghị định số 23/2016/NĐ-CP và theo quy định của pháp luật có liên quan.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 46/2017/QĐ-UBND về quy định xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng trên địa bàn thành phố Hải Phòng

  • Số hiệu: 46/2017/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 29/12/2017
  • Nơi ban hành: Thành phố Hải Phòng
  • Người ký: Nguyễn Văn Tùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 08/01/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản