Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 46/2016/QĐ-UBND

Bến Tre, ngày 19 tháng 9 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ KHU NEO ĐẬU TRÁNH TRÚ BÃO CHO TÀU CÁ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Thủy sản ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 80/2012/NĐ-CP ngày 08 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ về quản lý cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá;

Căn cứ Thông tư số 52/2013/TT-BNNPTNT ngày 11 tháng 12 năm 2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 80/2012/NĐ-CP ngày 08/10/2012 của Chính phủ về quản lý cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá;

Căn cứ Quyết định số 20/2006/QĐ-BTS ngày 01 tháng 12 năm 2006 của Bộ Thủy sản về việc ban hành Quy chế quản lý cảng cá, bến cá, khu neo đậu trú bão của tàu cá;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 2196/TTr-SNN ngày 24 tháng 8 năm 2016.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

Điều 2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Ủy bản nhân dân các huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú và các cơ quan có liên quan tổ chức triển khai Quyết định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện nơi có khu neo đậu trú bão; Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 30 tháng 9 năm 2016 và thay thế Quyết định số 18/2014/QĐ-UBND ngày 04 tháng 7 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre về việc ban hành Quy chế quản lý khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Cao Văn Trọng

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ KHU NEO ĐẬU TRÁNH TRÚ BÃO CHO TÀU CÁ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE
(Ban hành kèm theo Quyết định số 46/2016/QĐ-UBND ngày 19 tháng 9 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định việc quản lý khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trên địa bàn tỉnh Bến Tre (sau đây gọi tắt là khu neo đậu tránh trú bão) và kết cấu hạ tầng có liên quan thuộc khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá.

2. Đối tượng áp dụng

Quy chế áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, khai thác và sử dụng khu neo đậu tránh trú bão.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Khu neo đậu tránh trú bão là khu vực được giới hạn bởi vùng đất và vùng nước thuộc khu neo đậu theo quy hoạch do Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, bao gồm: Bến cập tàu, vùng nước đậu tàu, luồng vào, hệ thống phao neo, trụ neo, phao tiêu dẫn luồng, biển báo, đường công vụ và khu đất để xây dựng các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá.

2. Kết cấu hạ tầng của khu neo đậu tránh trú bão là tổng thể các công trình, hạng mục công trình gồm: Hệ thống luồng lạch, vùng nước neo đậu tránh trú bão, vùng nước bến cập tàu, vùng nước quay trở, đường nội bộ, các trụ neo, hệ thống phao tiêu báo hiệu, hệ thống thông tin liên lạc và các tài sản khác.

3. Tàu cá là tàu, thuyền và các cấu trúc nổi khác chuyên dùng cho khai thác, nuôi trồng, bảo quản, chế biến thủy sản.

4. Chủ tàu là tổ chức, cá nhân sở hữu, quản lý, sử dụng tàu cá.

5. Thuyền trưởng là người chỉ huy trên các loại tàu cá, theo quy định của pháp luật phải có bằng thuyền trưởng.

6. Người lái tàu là người trực tiếp điều khiển tàu cá, không yêu cầu phải có bằng thuyền trưởng đối với những loại tàu không quy định bắt buộc phải có bằng thuyền trưởng.

Điều 3. Tổ chức quản lý khu neo đậu tránh trú bão

Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trên địa bàn tỉnh Bến Tre được giao cho Ban Quản lý Cảng cá (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) quản lý trong điều kiện bình thường, theo chức năng nhiệm vụ được giao. Trong trường hợp có bão, áp thấp nhiệt đới hoặc thiên tai khác thì Ban Quản lý Cảng cá phải thực hiện nhiệm vụ theo sự chỉ đạo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện cấp huyện sở tại (nơi có khu neo đậu tránh trú bão).

Điều 4. Đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác khu neo đậu

1. Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trên địa bàn tỉnh Bến Tre là công trình do Nhà nước đầu tư xây dựng và quản lý. Tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác và sử dụng khu neo đậu tránh trú bão phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, vệ sinh an toàn lao động, phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm.

2. Đơn vị đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác khu neo đậu phải chấp hành các quy định về quản lý an toàn đường thủy nội địa, luồng, lạch, quản lý đất đai, mặt nước, quy hoạch, xây dựng và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 5. Những hành vi bị cấm trong khu neo đậu tránh trú bão

1. Các hành vi phá hoại, phá hủy, xâm phạm kết cấu hạ tầng, trang thiết bị của khu neo đậu tránh trú bão.

2. Lấn chiếm phạm vi bảo vệ công trình khu neo đậu tránh trú bão.

3. Xả nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn, các chất thải rắn từ các tàu cá, các khu vực sơ chế, chế biến thủy sản và khu dân cư vào khu neo đậu tránh trú bão.

4. Xả dầu thải, chất bẩn, chất độc, chất có hại, nước thải bẩn, rác sinh hoạt vứt bỏ phế thải khác không đúng nơi quy định và các hành vi gây ô nhiễm khác.

5. Tàng trữ, vận chuyển hàng quốc cấm; vận chuyển vũ khí, khí tài, chất nổ, chất độc hại, các loại tài liệu, băng đĩa, khẩu hiệu trái với quy định của pháp luật, xâm hại an ninh quốc gia.

6. Các hành vi gây mất an ninh trật tự trong khu neo đậu tránh trú bão.

7. Thực hiện các hành vi gây cản trở cho việc quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ khu neo đậu tránh trú bão.

8. Điều khiển tàu cá và phương tiện khác sai quy định gây ảnh hưởng đến công trình khu neo đậu tránh trú bão.

Chương II

TRÁCH NHIỆM, QUYỀN HẠN CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN SỬ DỤNG KHU NEO ĐẬU TRÁNH TRÚ BÃO

Điều 6. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân

1. Chấp hành nghiêm nội quy và quy chế về quản lý khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá.

2. Tuân thủ phương án sắp xếp tàu thuyền của Ban Quản lý Cảng cá và Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện nơi có khu neo đậu tránh trú bão, chấp hành các quy định về phòng chống thiên tai, cứu nạn cứu hộ. Có biện pháp đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, tránh va đập làm hư hỏng tài sản hoặc đứt neo, dây buộc làm trôi dạt tàu thuyền, gây thiệt hại đến tính mạng và tài sản.

3. Chấp hành lệnh điều động của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện nơi có khu neo đậu tránh trú bão và Ban Quản lý Cảng cá trong trường hợp khẩn cấp kể cả việc buộc thuyền viên phải rời tàu để đảm bảo an toàn tính mạng khi có mệnh lệnh của cấp có thẩm quyền.

4. Chấp hành các quy định về an ninh trật tự, xuất nhập bến (đối với tàu thuyền trong nước) và xuất nhập cảnh (đối với tàu cá và người nước ngoài), an toàn giao thông đường thủy, phòng chống cháy nổ, phòng chống thiên tai và giữ gìn vệ sinh môi trường, an toàn lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm trong khu neo đậu tránh trú bão.

5. Tàu thuyền khi vào hoạt động trong khu neo đậu tránh trú bão phải được trang bị đầy đủ các phương tiện, dụng cụ phòng chống cháy nổ theo quy định; đồng thời phải tự trang bị thùng chứa rác thải, dầu cặn và các chất thải nguy hại khác phải được thu gom và xử lý theo quy định.

6. Trong điều kiện bình thường, trước khi đưa tàu cá vào khu neo đậu tránh trú bão, thuyền trưởng hoặc người lái tàu cá phải thông báo trước ít nhất 01 giờ cho Ban Quản lý Cảng cá về dịch vụ và yêu cầu khác (nếu có).

7. Tàu thuyền vào tránh trú bão, áp thấp nhiệt đới hoặc thiên tai, khi đã neo đậu an toàn, thuyền trưởng hoặc người lái tàu phải cung cấp thông tin cho Ban Quản lý Cảng cá hoặc Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện nơi có khu neo đậu tránh trú bão về tên, số đăng ký, tình trạng của tàu, số người trên tàu và các yêu cầu khác (nếu có).

8. Tàu thuyền vào tránh trú bão, áp thấp nhiệt đới hoặc thiên tai, chỉ được phép rời khỏi khu neo đậu tránh trú bão khi có lệnh của cơ quan có thẩm quyền.

9. Bảo vệ và sử dụng an toàn các công trình hạ tầng kỹ thuật khu neo đậu tránh trú bão.

10. Khi xảy ra tai nạn hoặc phát hiện tai nạn, các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tìm mọi biện pháp đảm bảo an toàn cho người và phương tiện; tổ chức ngay việc tìm kiếm cứu nạn, kịp thời khắc phục hậu quả theo quy định và thông báo cho Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện nơi có khu neo đậu tránh trú bão hoặc Ban Quản lý Cảng cá để phối hợp giải quyết.

11. Thuyền trưởng hoặc chủ tàu có trách nhiệm phân công người trực tàu để thực hiện các hướng dẫn của Ban Quản lý Cảng cá hoặc Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện nơi có khu neo đậu tránh trú bão và tự bảo quản tài sản trên tàu tại khu neo đậu tránh trú bão.

12. Tham gia tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả các sự cố hoặc thiên tai gây ra trong khu neo đậu tránh trú bão.

13. Chấp hành sự kiểm tra, giám sát và xử lý của cơ quan có thẩm quyền về kiểm tra xử lý vi phạm quy định về an ninh, trật tự, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản và bảo vệ môi trường.

Điều 7. Quyền hạn của tổ chức, cá nhân

1. Được sử dụng các công trình hạ tầng kỹ thuật, các loại hình dịch vụ theo hợp đồng với Ban Quản lý Cảng cá và yêu cầu được giúp đỡ trong quá trình sử dụng khu neo đậu tránh trú bão.

2. Được cung cấp các thông tin về thời tiết, giá cả sản phẩm, ngư trường khai thác, nội quy và các quy định của Ban Quản lý Cảng cá và Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện nơi có khu neo đậu tránh trú bão.

Chương III

TRÁCH NHIỆM, QUYỀN HẠN CỦA BAN QUẢN LÝ CẢNG CÁ

Điều 8. Trách nhiệm của Ban Quản lý Cảng cá

1. Căn cứ quy trình bảo trì, chương trình, kế hoạch và quy hoạch của ngành, địa phương, hàng năm Ban Quản lý Cảng cá lập dự toán sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước để thực hiện việc quản lý, duy tu, bảo dưỡng công trình.

2. Trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn, Ban Quản lý Cảng cá xây dựng nội quy, hướng dẫn và theo dõi việc thực hiện Quy chế này. Tham gia xây dựng, sửa đổi, bổ sung quy chế khi cần thiết.

3. Phối hợp các cơ quan chức năng tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và Quy chế này cho các tổ chức, cá nhân tham gia sử dụng khu neo đậu tránh trú bão.

4. Thực hiện chế độ báo cáo thống kê định kỳ và đột xuất theo quy định của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan chức năng có liên quan. Lập sổ nhật ký tàu thuyền vào khu neo đậu tránh trú bão theo mẫu quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư số 52/2013/TT-BNNPTNT ngày 11 tháng 12 năm 2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 80/2012/NĐ-CP ngày 08/10/2012 của Chính phủ về quản lý cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá.

5. Tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia khai thác và sử dụng khu neo đậu tránh trú bão theo đúng quy định của pháp luật.

6. Lập sổ theo dõi tình hình hoạt động, tình trạng kỹ thuật các công trình, hạng mục công trình, trang thiết bị của khu neo đậu tránh trú bão.

7. Quản lý, khai thác sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả các công trình hạ tầng kỹ thuật của khu neo đậu tránh trú bão theo quy định của pháp luật. Kiểm tra và có kế hoạch duy tu, sửa chữa các công trình hạ tầng kỹ thuật và nạo vét luồng lạch để tạo điều kiện cho tàu ra vào khu neo đậu an toàn.

8. Phối hợp với Công an cấp huyện nơi có khu neo đậu tránh trú bão và phòng cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Công an tỉnh triển khai thực hiện tốt các quy định về phòng chống cháy nổ, tổ chức tập huấn về công tác phòng chống cháy nổ cho các tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng khu neo đậu tránh trú bão.

9. Cung cấp thông tin về ngư trường, nguồn lợi thủy sản, thông báo tình hình luồng lạch, phao tiêu báo hiệu, tình hình an toàn trụ neo và thời tiết cho tàu cá ra, vào khu neo đậu tránh trú bão.

Điều 9. Quyền hạn của Ban Quản lý Cảng cá

1. Được trực tiếp giao dịch, ký kết hợp đồng liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân trong nước thuộc các thành phần kinh tế để đầu tư, xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các công trình thuộc kết cấu hạ tầng và các dịch vụ khác liên quan đến hậu cần nghề cá tại khu neo đậu tránh trú bão theo quy định của pháp luật hiện hành.

2. Được trực tiếp tổ chức đầu tư sản xuất, kinh doanh, cung ứng dịch vụ hậu cần nghề cá trong khu neo đậu tránh trú bão.

3. Được trang bị đầy đủ các trang thiết bị phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, phòng chống cháy nổ theo quy định. Các thiết bị trên phải luôn ở tình trạng hoạt động tốt.

4. Lập biên bản hiện trường theo quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, tái phạm hoặc không có biện pháp khắc phục hậu quả để loại trừ sự cố nguy hiểm về cháy nổ và môi trường trong phạm vi khu neo đậu tránh trú bão.

5. Xử lý hoặc đề nghị các cơ quan chức năng của địa phương giải quyết các vụ việc để đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ trong khu neo đậu tránh trú bão.

6. Được ngân sách tỉnh cấp kinh phí cho công tác quản lý và bảo trì khu neo đậu tránh trú bão trên cơ sở dự toán hàng năm.

7. Được cấp có thẩm quyền giao vùng nước quản lý (không thu tiền) thuộc khu neo đậu tránh trú bão.

Chương IV

TRÁCH NHIỆM, QUYỀN HẠN CỦA BAN CHỈ HUY PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN CẤP HUYỆN NƠI CÓ KHU NEO ĐẬU TRÁNH TRÚ BÃO

Điều 10. Trách nhiệm của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện nơi có khu neo đậu tránh trú bão

1. Hàng năm, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện nơi có khu neo đậu tránh trú bão xây dựng phương án sắp xếp tàu thuyền khi có bão, áp thấp nhiệt đới hoặc thiên tai khác; dự toán nguồn kinh phí phục vụ cho khu neo đậu tránh trú bão (khi có bão, áp thấp nhiệt đới hoặc thiên tai khác xảy ra) đồng thời phối hợp tổ chức diễn tập phương án đã xây dựng.

2. Trường hợp có bão, áp thấp nhiệt đới, thiên tai khác xảy ra:

a) Chủ động đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình diễn biến của bão, áp thấp nhiệt đới, thiên tai khác và tình hình tàu cá đang neo đậu tại khu neo đậu tránh trú bão, để các tàu thuyền trong vùng bị ảnh hưởng chọn nơi neo đậu an toàn và thuận lợi nhất;

b) Phối hợp với Ban Quản lý Cảng cá treo tín hiệu báo bão, áp thấp nhiệt đới, thiên tai khác;

c) Phối hợp với Ban Quản lý Cảng cá hướng dẫn, sắp xếp cho tàu thuyền vào neo đậu đúng nơi quy định, đảm bảo an toàn theo quy trình và phương án quản lý, vận hành đã được phê duyệt.

Điều 11. Quyền hạn của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện nơi có khu neo đậu tránh trú bão

1. Quyết định theo thẩm quyền huy động nhân lực, vật lực, phương tiện của các tổ chức, cá nhân để ứng cứu, cứu trợ kịp thời các tình huống cấp bách xảy ra trong khu neo đậu tránh trú bão.

2. Quyết định các biện pháp khắc phục hậu quả thiên tai trong khu neo đậu tránh trú bão; yêu cầu các ngành, các cấp triển khai thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả, báo cáo cấp có thẩm quyền về thiệt hại và nhu cầu hỗ trợ.

3. Trong trường hợp đặc biệt, mặc dù tàu đã neo đậu trong khu neo đậu tránh trú bão, nhưng để đảm bảo tính mạng của ngư dân, cấp có thẩm quyền ra lệnh yêu cầu ngư dân rời khỏi tàu và tổ chức đưa đến nơi trú ẩn an toàn, nếu không chấp hành thì áp dụng biện pháp cưỡng chế.

Chương V

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN LIÊN QUAN TRONG VIỆC PHỐI HỢP CHỈ ĐẠO QUẢN LÝ KHU NEO ĐẬU TRÁNH TRÚ BÃO

Điều 12. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

1. Thực hiện quản lý nhà nước đối với khu neo đậu tránh trú bão trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

2. Tuyên truyền, phổ biến Quy chế này và các văn bản pháp luật có liên quan cho các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, khai thác và sử dụng khu neo đậu tránh trú bão.

3. Chỉ đạo Chi cục Thủy sản phối hợp với Ban Quản lý Cảng cá trong công tác quản lý, điều động, sắp xếp tàu thuyền,… khi có bão, áp thấp nhiệt đới và thiên tai khác.

4. Chỉ đạo Ban Quản lý Cảng cá xây dựng kế hoạch bảo vệ, duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp các hạng mục công trình được nhà nước đầu tư và giao trách nhiệm quản lý; xây dựng nội quy quản lý khu neo đậu tránh trú bão và phổ biến cho các tổ chức, cá nhân liên quan biết để thực hiện.

5. Định kỳ tổ chức giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Quy chế này trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn được giao; phối hợp các cơ quan, đơn vị chức năng tổ chức đào tạo, tập huấn về pháp luật, nâng cao kỹ năng quản lý cho cán bộ, nhân viên quản lý khu neo đậu tránh trú bão trong toàn tỉnh.

6. Lập danh bạ khu neo đậu tránh trú bão thuộc quyền quản lý; số điện thoại, tần số liên lạc của thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của địa phương tại các khu neo đậu tránh trú bão; Định kỳ báo cáo và công bố danh mục khu neo đậu tránh trú bão đủ điều kiện cho các cơ quan có liên quan.

Điều 13. Trách nhiệm của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng

Chỉ đạo Đồn Biên phòng Cửa Đại, Đồn Biên phòng Hàm Luông và Đồn Biên phòng Cổ Chiên

1. Trong điều kiện bình thường, phối hợp với Ban Quản lý Cảng cá, chính quyền địa phương, các lực lượng liên quan trên địa bàn thường xuyên tuần tra, hướng dẫn tàu cá vào khu neo đậu tránh trú bão.

2. Khi có bão, áp thấp nhiệt đới hoặc thiên tai khác xảy ra, phối hợp với Ban Quản lý Cảng cá điều động tàu cá vào khu neo đậu tránh trú bão.

3. Phối hợp với các lực lượng có liên quan đảm bảo an ninh, trật tự trong khu neo đậu tránh trú bão đồng thời xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Điều 14. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có khu neo đậu tránh trú bão

Chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã và các đơn vị chức năng có liên quan:

1. Phối hợp với Ban Quản lý Cảng cá tuần tra, hướng dẫn tàu cá vào khu neo đậu tránh trú bão. Xử lý các trường hợp chống người thi hành nhiệm vụ và lấn chiếm khu neo đậu tránh trú bão.

2. Phối hợp với Ban Quản lý Cảng cá trong công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, thực hiện giữ gìn vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm và phòng chống dịch bệnh trong khu neo đậu tránh trú bão theo quy định của pháp luật.

Điều 15. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan

1. Phối hợp kịp thời và thường xuyên với Ban Quản lý Cảng cá để tuyên truyền phổ biến Quy chế, tập huấn, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật trong phạm vi khu neo đậu tránh trú bão về vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; hoạt động kinh doanh, dịch vụ; an ninh trật tự, an toàn giao thông đường thủy, đường bộ, phòng chống tệ nạn xã hội, xuất nhập cảnh, các hành vi phá hoại, phòng chống cháy nổ; phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

2. Đài Phát thanh và Truyền hình Bến Tre, Báo Đồng Khởi phối hợp với Ban Quản lý Cảng cá thông báo tình hình luồng, lạch, phao tiêu báo hiệu, tình hình an toàn trụ neo cho các tàu cá ra vào khu neo đậu tránh trú bão.

3. Sở Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan, đơn vị do mình quản lý phối hợp với Ban Quản lý Cảng cá trong công tác điều tiết tàu thuyền, đảm bảo an toàn giao thông đường thủy; thông tin về luồng, lạch, phao tiêu báo hiệu, vùng nước neo đậu; hỗ trợ phương tiện phục vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khi cần thiết.

4. Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường các biện pháp đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt khi có bão, áp thấp nhiệt đới và thiên tai khác; phối hợp với các đơn vị có liên quan trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 16. Sửa đổi, bổ sung Quy chế

Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề vướng mắc, không phù hợp cần bổ sung, sửa đổi thì các tổ chức, cá nhân khai thác và sử dụng khu neo đậu tránh trú bão phản ánh bằng văn bản về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.