Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 46/2009/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 15 tháng 01 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG BÁN HÀNG RONG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban Nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân năm 2004;
Căn cứ Luật Thương mại ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Nghị Quyết số 15/2008/QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc hội khoá XII về điều chỉnh địa giới hành chính Hà Nội và một số tỉnh liên quan;
Căn cứ Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ Quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Căn cứ Nghị định số 39/2007/NĐ-CP ngày 16 tháng 03 năm 2007 của Chính phủ về cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội tại Tờ trình số 1704/TTr-SCT ngày 29 tháng 12 năm 2008 về việc Quyết định Ban hành "Quy định về quản lý hoạt động bán hàng rong trên địa bàn Thành phố Hà Nội",

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về quản lý hoạt động bán hàng rong trên địa bàn Thành phố Hà Nội”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký. Quyết định này thay thế Quyết định 02/2008/QĐ-UBND ngày 09/01/2008 của Uỷ ban nhân dân Thành phố ban hành “Quy định về quản lý hoạt động bán hàng rong trên địa bàn Thành phố Hà Nội”

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân Thành phố, Giám đốc các Sở, Ban, Ngành; Chủ tịch UBND Thành phố Hà Đông, Sơn Tây và các Quận, Huyện; Chủ tịch UBND các phường, xã, thị trấn; các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thị hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Huy Tưởng

 

QUY ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG BÁN HÀNG RONG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

(Ban hành kèm theo Quyết định số 46/2009/QĐ-UBND ngày 15 tháng 01 năm 2009 của UBND Thành phố Hà Nội về quản lý hoạt động bán hàng rong trên địa bàn Thành phố Hà Nội)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng

1. Đối tượng áp dụng: áp dụng đối với cá nhân bán hàng rong hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên, không có địa điểm kinh doanh cố định trên địa bàn thành phố Hà Nội (sau đây gọi tắt là người bán hàng rong).

2. Phạm vi áp dụng: áp dụng đối với các hành vi bán hàng rong và trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước Thành phố Hà Nội đối với hoạt động bán hàng rong trên một số khu vực thuộc địa bàn Thành phố Hà Nội do UBND Thành phố quy định (có phụ lục kèm theo).

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Người bán hàng rong là cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh, không có địa điểm kinh doanh cố định và không gọi là " thương nhân" theo quy định của Luật Thương mại.

2. Bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động bán rong không có địa điểm cố định, bao gồm cả việc mua nhận sách báo, tạp chí, văn hoá phẩm của các thương nhân được phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong.

Chương II

PHẠM VI HOẠT ĐỘNG CỦA NGƯỜI BÁN HÀNG RONG

Điều 3. Phạm vi về hàng hoá, dịch vụ kinh doanh của người bán rong

Người bán hàng rong được phép kinh doanh các loại hàng hoá, dịch vụ trừ các loại hàng hoá, dịch vụ sau đây:

a) Hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện theo phụ lục I, II, III ban hành kèm theo Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12/6/2006 của Chính Phủ;

b) Hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ xuất xứ, hàng quá thời hạn sử dụng, hàng không đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật; hàng không đảm bảo chất lượng, bao gồm hàng mất phẩm chất, hàng kém chất lượng, hàng nhiễm độc và động thực vật bị dịch bệnh.

Điều 4. Phạm vi, khu vực kinh doanh của người bán rong

Những khu vực cấm kinh doanh:

1. Khu vực thuộc các di tích lịch sử, văn hoá đã được xếp hạng, các danh lam thắng cảnh khác;

2. Khu vực các cơ quan nhà nước Trung ương và Thành phố Hà Nội, cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế,

3. Khu vực vành đai an toàn kho đạn dược, vật liệu nổ, nhà máy sản xuất đạn dược, vật liệu nổ, doanh trại quân đội nhân dân Việt Nam trên địa bàn Thành phố Hà Nội;

4. Khu vực thuộc cảng hàng không, sân ga, bến tầu, bến xe, bến phà, bến đò và trên các phương tiện vận chuyển;

5. Khu vực trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng;

6. Khu vực tạm dừng, đỗ của phương tiện giao thông đang tham gia giao thông, bao gồm cả đường bộ và đường thuỷ;

7. Đường quốc lộ, lòng đường, hè phố đường đô thị, đường huyện, đường trong các khu tập thể chỉ dùng cho mục đích giao thông.

8. Khu vệ sinh công cộng, bãi chứa rác thải, nơi sản xuất có thải nhiều bụi, chất độc hại dễ lây nhiễm bệnh, nơi bị đọng nước và các chất ô nhiễm khác.

Điều 5. Trách nhiệm và nghĩa vụ của người người bán rong trong quá trình hoạt động thương mại

1. Người bán hàng rong có trách nhiệm thực hiện các quy định sau:

a) Các quy định về nếp sống văn minh, vệ sinh phòng bệnh, môi trường, phòng cháy, chữa cháy, phòng chống thiên tai và giao thông vận tải;

b) Phải đặt, để các phương tiện di chuyển, thiết bị, dụng cụ bán hàng và hàng hoá ngăn nắp, trật tự; phải có dụng cụ đựng rác và chất thải phù hợp;

c) Trường hợp kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống, người bán hàng rong phải đảm bảo đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với việc kinh doanh các loại hàng hoá, dịch vụ này;

d) Khai báo với Uỷ ban nhân dân phường, xã, thị trấn nơi tạm trú theo hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước địa phương.

2. Nghiêm cấm người bán hàng rong thực hiện các hành vi sau đây:

a) Thực hiện việc bán hàng để xảy ra gây rối trật tự ảnh hưởng xấu đến môi trường, sức khoẻ, an toàn và phúc lợi chung của cộng đồng;

b) Đeo bám, nài ép, chèo kéo, tranh giành, gây phiền hà cho khách và có lời nói hoặc cử chỉ thô tục, thiếu lịch sự với khách, lợi dụng hoạt động bán hàng rong để xin ăn;

c) Tụ tập đông người hoặc dùng loa phóng thanh, chiêng, chống, còi, kèn và các phương tiện tăng âm khác cổ động, quảng cáo cho hoạt động kinh doanh lưu động mà chưa được phép của các cơ quan chức năng;

d) Rao bán hoặc dùng các thiết bị âm thanh để rao bán rong gây ồn tại nơi công cộng và ảnh hưởng đến sự yên tĩnh chung trong khoảng thời gian từ 22 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau;

đ) In, vẽ, viết lên tường; treo (chăng, dựng) cờ, băng rôn, panô, áp phích, biển hiệu, biển quảng cáo trái quy định của pháp luật, không phù hợp với thuần phong mỹ tục và ảnh hưởng xấu đến mỹ quan thành phố;

e) Sử dụng các phương tiện di chuyển, thiết bị, dụng cụ thực hiện các hoạt động mua bán không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn vệ sinh ảnh hưởng xấu đến mỹ quan chung;

g) Gian lận trong cân, đong, đo, đếm và các thông tin sai lệch, dối trá hoặc dễ gây hiểu lầm về chất lượng của hàng hoá, dịch vụ mà mình cung cấp;

h) Phóng uế bừa bãi; vứt hoặc để các phương tiện di chuyển, phương tiện bán hàng, thiết bị, bao bì và dụng cụ gói, giấy, rác, hàng hoá và các đồ vật khác ra đường giao thông, xuống sông, cống rãnh hoặc bất kỳ khu vực nào gây ô nhiễm môi trường, làm cản trở giao thông, gây bất tiện cho cộng đồng;

i) Nấu ăn, ngủ, nghỉ ở hè phố, lòng đường dành cho người và phương tiện tham gia giao thông, hầm đường bộ, gầm cầu; cầu vượt, lối đi, chiếu nghỉ cầu thang nhà chung cư; nhà chờ xe buýt; nơi hoạt động văn hoá, giải trí, vui chơi công cộng làm ảnh hưởng xấu đến mỹ quan thành phố và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

3. Nghiêm cấm người bán hàng rong chiếm dụng trái phép, tự ý xây dựng, lắp đặt cơ sở, thiết bị, dụng cụ thực hiện các hoạt động mua bán hàng hoá và trưng bày hàng hoá ở bất kỳ địa điểm nào trên đường giao thông và nơi công cộng; lối ra vào lối thoát hiểm hoặc bất kỳ khu vực nào làm cản trở giao thông, gây bất tiện cho cộng đồng và làm mất mỹ quan chung.

4. Người bán hàng rong chỉ được thực hiện việc mua, bán hàng hoá ở các khu vực, tuyến đường, phần vỉa hè đường bộ, ngõ hẻm được Uỷ ban nhân dân Thành phố, Uỷ ban nhân dân Quận, Huyện cho phép sử dụng tạm thời theo phân cấp quản lý.

5. Người bán hàng rong phải di chuyển hàng hoá, phương tiện, thiết bị, dụng cụ thực hiện các hoạt động mua bán hàng hoá theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để tránh làm cản trở hoặc tắc nghẽn giao thông trong trường hợp khẩn cấp hoặc vì lý do an ninh hoặc ảnh hưởng các hoạt động xã hội khác theo quy định của pháp luật.

Chương III

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN CHỨC NĂNG ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG BÁN HÀNG RONG

Điều 6. Trách nhiệm của các Sở, Ban, Ngành Thành phố

1. Sở Công thương:

Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan; Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Đông, Sơn Tây và Uỷ ban nhân dân các Quận, Huyện tuyên truyền, phổ biến và kiểm tra thực hiện quy định này; tổng hợp tình hình kết quả thực hiện định kỳ báo cáo với Uỷ ban nhân dân Thành phố; nghiên cứu, đề xuất các chính sách, giải pháp trong công tác quản lý các hoạt động bán hàng rong trên địa bàn Thành phố.

2. Sở Giao thông vận tải:

a) Chủ trì và phối hợp với Công an;Thành phố, Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Đông, Sơn Tây và Uỷ ban nhân dân các Quận, Huyện quy hoạch và cho phép người bán hàng rong sử dụng tạm thời các khu vực, tuyến đường, phần vỉa hè đường bộ, ngõ hẻm trên địa bàn để thực hiện các hoạt động thương mại nhưng không làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông trình Uỷ ban nhân dân Thành phố phê duyệt;

b) Phối hợp với Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Đông, Sơn Tây và Uỷ ban nhân dân các Quận, Huyện lắp đặt biển báo quy định về thời gian được phép hoạt động bán hàng rong và biển cấm người bán hàng rong hoạt động thương mại tại các khu vực tuyến đường, địa điểm theo Điều 4 của Quy định này;

c) Chỉ đạo các lực lượng thuộc ngành giải toả các tụ điểm buôn bán hàng rong sai quy định, gây ô nhiễm môi trường, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, những nơi công cộng, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật theo thẩm quyền.

3. Công an Thành phố:

a) Phối hợp với Sở Giao thông Công chính, Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Đông, Sơn Tây và Uỷ ban nhân dân các Quận, Huyện xem xét các khu vực cho phép người bán hàng rong sử dụng tạm thời để thực hiện các hoạt động thương mại.

b) Chỉ đạo lực lượng cảnh sát trật tự, cảnh sát giao thông và các lực lượng trong ngành phối hợp với Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Đông, Sơn Tây và Uỷ ban nhân dân các Quận, Huyện xử lý kịp thời các vi phạm quy định này.

4. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch:

a) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung quy định này trên các phương tiện thông tin;

b) Phối hợp với Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Đông, Sơn Tây và Uỷ ban nhân dân các Quận, Huyện tổ chức thực hiện các quy định của ngành đối với hoạt động bán hàng rong; Chỉ đạo các lực lượng thuộc sở xử lý kịp thời các vi phạm theo quy định hiện hành.

5. Sở Y tế:

Chịu trách nhiệm chỉ đạo lực lượng thuộc sở phối hợp với Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Đông, Sơn Tây và Uỷ ban nhân dân các Quận, Huyện hướng dẫn, kiểm tra, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm và các quy định của ngành đối với hoạt động bán hàng rong, xử lý kịp thời các vi phạm theo quy định hiện hành.

6. Sở Lao động Thương binh và xã hội:

a) Phối hợp với Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Đông, Sơn Tây và UBND các Quận, Huyện thực hiện việc tập trung người lang thang xin ăn kể cả người lợi dụng bán hàng rong để xin ăn;

b) Chỉ đạo việc tiếp nhận, tổ chức nuôi dưỡng giáo dục và chuyển trả người lang thang xin ăn về gia đình, địa phương theo quy định.

7. Đề nghị Hội phụ nữ Thành phố, Mặt Trận Tổ Quốc, Đoàn Thanh niên Thành phố Hà Nội:

Phối hợp với Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Đông, Sơn Tây và Uỷ ban nhân dân các Quận, Huyện tổ chức tuyên truyền, vận động người bán hàng rong thực hiện các quy định tại Quyết định này.

Điều 7. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Đông, Sơn Tây và Uỷ ban nhân dân các Quận, Huyện

1. Có trách nhiệm lập quy hoạch các khu vực, tuyến đường, phần vỉa hè đường bộ, ngõ hẻm cho phép sử dụng tạm thời để tổ chức hoạt động bán hàng rong nhưng không được cản trở giao thông và không ảnh hưởng đến phần vỉa hè dành cho người đi bộ; phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Công an Thành phố trình Uỷ ban nhân dân Thành phố phê duyệt các địa điểm do Thành phố quản lý; phê duyệt các địa điểm đã được phân cấp cho Thành phố Hà Đông, Sơn Tây và các Quận, Huyện quản lý.

2. Chỉ đạo, hướng dẫn và đôn đốc, kiểm tra Uỷ ban nhân dân các Phường, Xã, Thị trấn trong việc thực hiện các quy định về quản lý hoạt động thương mại của người bán hàng rong trên địa bàn.

3. Xây dựng kế hoạch, phân công trách nhiệm, phân cấp quản lý hoạt động thương mại của người bán hàng rong trên địa bàn.

4. Chỉ đạo các phòng, ban thuộc Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Đông, Sơn Tây và Uỷ ban nhân dân Quận, Huyện thực hiện chức năng quản lý theo thẩm quyền.

5. Kịp thời đưa ra các giải pháp tổ chức hoạt động thương mại và hình thức quản lý phù hợp, đảm bảo hoạt động bình thường của các khu vực, tuyến đường, địa điểm cấm hoặc cho phép người bán hàng rong thực hiện các hoạt động thương mại,

6. Kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của người bán hàng rong theo thẩm quyền.

7. Định kỳ hoặc đột xuất tổng hợp, báo cáo kết quả theo yêu cầu của các Sở, Ban, Ngành có liên quan về tình hình tổ chức, quản lý và hoạt động của người bán hàng rong tại địa bàn; kiến nghị các vấn đề liên quan đến việc quản lý hoạt động của các đối tượng này.

Điều 8. Trách nhiệm của UBND các Phường, Xã, Thị trấn

1. Có sổ theo dõi người bán hàng rong trên địa bàn quản lý (bao gồm người bán hàng rong cư trú trên địa bàn và người bán hàng rong ở nơi khác thường xuyên đến địa bàn quản lý hoạt động thương mại) và tình hình hoạt động, chấp hành quy định của đối tượng này.

2. Tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách và quy định pháp luật có liên quan về quản lý người bán hàng rong tới đối tượng trực tiếp thực hiện, cán bộ quản lý và toàn thể nhân dân trên địa bàn.

3. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý, các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và trách nhiệm trong việc quản lý người bán hàng rong trên địa bàn.

4. Triển khai thực hiện kế hoạch và phân công trách nhiệm quản lý hoạt động thương mại cụ thể của người bán hàng rong trên địa bàn theo hướng dẫn và phân cấp của các Sở, Ngành Thành phố có liên quan, Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Đông, Sơn Tây và Uỷ ban nhân dân các Quận, Huyện.

5. Thông báo công khai, rộng rãi các khu vực, tuyến đường, địa điểm cấm hoặc cho phép người bán hàng rong thực hiện các hoạt động thương mại thông qua các phương tiện như đài phát thanh Phường, Xã, Thị trấn, dán các quy định về bán hàng rong tại nơi công cộng để người bán hàng rong được biết và thực hiện đúng quy định.

6. Triển khai thực hiện các giải pháp tổ chức hoạt động thương mại và hình thức quản lý phù hợp, bảo đảm hoạt động bình thường của các khu vực, tuyến đường cho phép người bán hàng rong thực hiện các hoạt động thương mại đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm cho người bán hàng rong tuân thủ đúng các quy định về phạm vi hoạt động trong quy định này; bảo đảm an ninh, an toàn cho các hoạt động hợp pháp của người bán hàng rong trên địa bàn quản lý.

7. Kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của người bán hàng rong theo thẩm quyền.

8. Định kỳ hoặc đột xuất tổng hợp, báo cáo theo yêu cầu của các cơ quan quản lý cấp trên về tình hình tổ chức, quản lý và hoạt động của người bán hàng rong trên địa bàn Thành phố và kiến nghị các vấn đề liên quan đến việc quản lý hoạt động của người bán hàng rong.

Chương IV

XỬ LÝ VI PHẠM VÀ ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 9. Xử lý vi phạm với người bán hàng rong

Người bán hàng rong có hành vi vi phạm các quy định tại Quy định này tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 10. Khen thưởng, kỷ luật

Tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Quy định này được xem xét khen thưởng theo quy định. Cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ nếu để xảy ra sai phạm, tuỳ theo mức độ sai phạm sẽ bị xử lý theo Pháp lệnh Công chức.

Điều 11. Sửa đổi, bổ sung quy định

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, Sở Công thương có trách nhiệm thống nhất với các Sở, Ngành liên quan, Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Đông, Sơn Tây và UBND Quận, Huyện những nội dung cần sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, báo cáo UBND Thành phố xem xét, quyết định./.

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC 63 TUYẾN PHỐ KHÔNG ĐƯỢC BÁN HÀNG RONG

(Kèm theo Quyết định số 46/2009/QĐ-UBND ngày 15/01/2009 của UBND Thành phố Hà Nội)

TT

Tên phố

Ghi chú

I

QUẬN HOÀN KIẾM: 16 TUYẾN PHỐ

 

1

Đinh Tiên Hoàng

 

2

Lê Lai

 

3

Lê Thạch

 

4

Lê Thái Tổ

 

5

Bà Triệu

Thực hiện cả tuyến phố trên địa bàn quận Hoàn Kiếm và quận Hai Bà Trưng

6

Tràng Tiền

 

7

Hàng Khay

 

8

Tràng Thi

 

9

Hàng Lược

 

10

Chả Cá

 

11

Hàng Cân

 

12

Lương Văn Can

 

13

Hàng Bông

 

14

Hàng Gai

 

15

Hàng Bài

 

16

Nhà Chung

 

II

QUẬN BA ĐÌNH: 26 TUYẾN PHỐ

 

17

Kim Mã

 

18

Nguyễn Thái Học

 

19

Chu Văn An

 

20

Độc Lập

 

21

Hùng Vương

 

22

Phan Đình Phùng

 

23

Nguyễn Tri Phương

 

24

Điện Biên Phủ

 

25

Lê Hồng Phong

 

26

Trần Phú                     

 

27

Chùa Một Cột

 

28

Ông ích Khiêm

 

29

Bà Huyện Thanh Quan

 

30

Lê Trực

 

31

Sơn Tây

 

32

Thanh Niên

 

33

Hoàng Diệu

 

34

Hoàng Văn Thụ

 

35

Bắc Sơn

 

36

Mai Xuân Thưởng

 

37

Nguyễn Chí Thanh

 

38

Vạn Phúc

 

39

Liễu Giai

 

40

Văn Cao

 

41

Phan Huy ích

 

42

Vạn Bảo

 

III

QUẬN ĐỐNG ĐA: 12 TUYẾN PHỐ

 

43

Cát Linh

 

44

Tôn Đức Thắng

 

45

Nguyễn Lương Bằng

 

46

Tây Sơn

 

47

Trường Chinh

 

48

Tôn Thất Tùng

 

49

Phạm Ngọc Thạch

 

50

Đào Duy Anh

 

51

Chùa Bộc

 

52

Thái Hà

 

53

Khâm Thiên

 

54

Đê La Thành

 

IV

QUÂN HAI BÀ TRƯNG: 3 TUYẾN PHỐ

 

55

Bạch Mai

 

56

Phố Huế

Thực hiện cả tuyến phố trên địa bàn quận Hai Bà Trưng và quận Hoàn Kiếm

57

Trương Định

 

V

QUẬN CẦU GIẤY: 3 TUYẾN PHỐ

 

58

Xuân Thuỷ

 

59

Cầu Giấy

 

60

Trần Duy Hưng

 

VI

QUậN THANH XUÂN: 2 TUYếN PHố

 

61

Nguyễn Huy Tưởng

 

62

Khương Trung

 

VI

THÀNH PHỐ HÀ ĐÔNG: 1 TUYẾN PHỐ

 

63

Đường Phùng Khoang đi Ba La

Thuộc Quốc lộ 6 đoạn qua địa phận Hà Đông (Km 9+200-Km 14+00)