Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4591/QĐ-UBND | Bình Định, ngày 14 tháng 12 năm 2016 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH ĐỊNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Xét đề nghị của Sở Công Thương tại Tờ trình số 90/TTr-SCT ngày 14/11/2016,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án điều chỉnh, bổ sung “Đề án phát triển hàng xuất khẩu tỉnh Bình Định đến năm 2020”.
Điều 2. Giao Giám đốc Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ như đã nêu trong Đề án; tổng hợp báo cáo tình hình, kết quả thực hiện cho UBND tỉnh theo quy định.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 502/QĐ-UBND ngày 10/10/2011 của UBND tỉnh.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ; Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế; Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
CHỈNH, BỔ SUNG “ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN HÀNG XUẤT KHẨU TỈNH BÌNH DỊNH ĐẾN NĂM 2020”
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4591/QĐ-UBND ngày 14/12/2016 của UBND tỉnh Bình Định)
ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN HÀNG XUẤT KHẨU GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
Giai đoạn 2011 - 2015, kinh tế thế giới tăng trưởng thấp, suy thoái, khủng hoảng nợ công lan rộng tại các nước Châu Âu, xung đột chính trị, tranh chấp biển Đông … đã tác động tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu của nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Nhóm các nước có nền kinh tế phát triển tốc độ tăng trưởng thấp, tình trạng suy thoái chưa khắc phục; một số nước có nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Brazil, Ấn độ… tăng trưởng chậm và bị thu hẹp. Thất nghiệp tăng cao do doanh nghiệp bị phá sản, thu hẹp quy mô sản xuất hoặc chuyển đổi sản phẩm mới thay cho sản phẩm truyền thống không còn nhu cầu.
Mức cung, cầu thị trường tài chính tiền tệ và thị trường tiêu thụ hàng hóa, thiết bị máy móc … công nghệ cao thay đổi, cá biệt có một số ngành hàng bị trượt dốc về lượng cũng như giá; người tiêu dùng một số nước có xu hướng tiết kiệm chi tiêu, tiết giảm nhu cầu tiêu dùng.…, đã tác động mạnh đến sự phát triển của một số mặt hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam, trong đó biểu hiện rõ nét nhất là mặt hàng khoáng sản, hàng tiêu dùng tăng trưởng chậm, âm; tín dụng tắc nghẽn, giá cả đầu vào biến động … sức tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu gần như ngưng trệ, hàng tồn kho cao, khó luân chuyển vốn.
Tuy rơi vào suy thoái, lạm phát, nhưng nét nổi bật trong giai đoạn 2011 - 2015 là nhu cầu về hàng nông, thủy sản, đồ gỗ nội thất, may mặc, da giày … của nhiều nước và vùng lãnh thổ luôn ở mức cao (so với giai đoạn trước đó). Nhờ thời tiết thuận lợi, doanh nghiệp Bình Định khai thác tốt nguồn nguyên liệu và tổ chức sản xuất, chế biến mặt hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu đáp ứng nhiều đơn hàng nước ngoài. Chính sách thu hút đầu tư, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ, của tỉnh thông thoáng đã tiếp sức doanh nghiệp khắc phục khó khăn, tiếp cận thị trường mới, kịp thời chuyển đổi mặt hàng phù hợp nhu cầu thị trường các nước nhập khẩu; nhiều dự án đầu tư xây dựng nhà máy mới, hoặc nâng công suất đưa vào hoạt động làm tăng thêm nguồn hàng xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) tăng.
II. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN HÀNG XUẤT KHẨU GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
1. Kết quả thực hiện Đề án phát triển hàng xuất khẩu giai đoạn 2011 - 2015
- Tổng KNXK giai đoạn 2011 - 2015 thực hiện 2.987,6 triệu USD đạt 106,7% kế hoạch đề ra (2.800 triệu USD), tăng 67,7% so với giai đoạn 2006 - 2010 (1.781,3 triệu USD), tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 10,4%. Trong đó, KNXK trực tiếp đạt 2.923,6 triệu USD chiếm tỷ trọng 97,9% tổng KNXK, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm + 10,3%.
- Thành phần kinh tế tham gia xuất khẩu: Có 1.114 lượt doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, tăng gần gấp đôi so với giai đoạn 2006 - 2010 (597 lượt doanh nghiệp). Hàng năm, số lượt doanh nghiệp tham gia xuất khẩu tăng dần (năm 2011 có 197 lượt doanh nghiệp tham gia xuất khẩu đến năm 2015 có 237 lượt doanh nghiệp tham gia). Kinh tế Nhà nước chuyển sở hữu thành doanh nghiệp tư nhân và một số Hợp tác xã giải thể hoặc ngừng hoạt động làm cho tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm âm với tỷ lệ lần lượt là - 10,8% và - 26,6%.
- Nhóm hàng xuất khẩu: Hàng xuất khẩu của tỉnh được chia thành 5 nhóm hàng gồm: Nông sản; lâm sản; thủy hải sản; khoáng sản và vật liệu xây dựng; công nghiệp, chế biến và tiêu dùng.
Về KNXK: Trong 05 nhóm hàng xuất khẩu giai đoạn 2011 - 2015, KNXK của nhóm hàng lâm sản chiếm tỷ trọng cao nhất (49,7%) trong tổng KNXK, với KNXK đạt 1.484,3 triệu USD; tiếp đến là nhóm hàng nông sản chiếm 18,8%, KNXK thực hiện 560,9 triệu USD; nhóm hàng công nghiệp, chế biến và tiêu dùng chiếm 12,1%, KNXK đạt 361,3 triệu USD; nhóm khoáng sản và vật liệu xây dựng chiếm 10%, KNXK thực hiện 298,3 triệu USD và cuối cùng là nhóm hàng thủy sản chiếm 9,5%, KNXK đạt 282,8 triệu USD.
So với giai đoạn 2006 - 2010, KNXK các nhóm hàng đều tăng với tỷ lệ tăng khá cao, cụ thể: nhóm nông sản tăng 70,8%; nhóm lâm sản tăng 35,7%; nhóm thủy hải sản tăng 95,2%; khoáng sản và vật liệu xây dựng tăng 127,5%; nhóm công nghiệp chế biến và tiêu dùng tăng 333,8%. Tỷ trọng KNXK giữa các nhóm hàng trong tổng KNXK thay đổi theo xu hướng tăng như nhóm hàng nông sản (từ 18,4% lên 18,8%); công nghiệp, chế biến và tiêu dùng (từ 4,7% lên 12,1%); khoáng sản và vật liệu xây dựng (từ 7,4% lên 10%) và nhóm hàng thủy sản (từ 8,1% lên 9,5%); ngược lại, tỷ trọng nhóm hàng lâm sản trong tổng KNXK giảm (từ 61,4 % xuống 49,7%) nhưng xét về giá trị KNXK hàng năm vẫn tăng trưởng.
Thay đổi tỷ trọng KNXK các ngành hàng thể hiện khả năng khai thác tiềm năng sẵn có tại địa phương, kết quả thu hút đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh mặt hàng mới của Bình Định kể cả tự vận động của doanh nghiệp. (Chi tiết tại Biểu số 01 kèm theo)
- Trong giai đoạn 2011 - 2015, cơ bản thực hiện đạt mục tiêu Đề án “Phát triển hàng xuất khẩu đến năm 2015, định hướng đến năm 2020”, trong đó chú trọng phát triển một số mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh mà thị trường thế giới có nhu cầu. So với chỉ tiêu kế hoạch đề ra trong Đề án, giai đoạn 2011 - 2015 một số mặt hàng chủ lực có tỷ lệ tăng khá cao và vượt so kế hoạch cả về lượng và KNXK (Chi tiết tại Biểu số 02 đính kèm) như:
+ Gạo: Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đầu tư tăng năng lực sản xuất (xây dựng 2 nhà máy tại tỉnh An Giang) để chế biến xuất khẩu, nhờ có nguồn nguyên liệu ổn định và doanh nghiệp có uy tín với các khách hàng truyền thống như Philippine, Malaysia, Brunei, ….nên KNXK của mặt hàng này ổn định và tăng trưởng bền vững.
+ Sắn lát, tinh bột sắn: Thị trường Trung Quốc có nhu cầu cao trong những năm 2012 - 2015 để sản xuất chế biến xăng Ethanol, thức ăn gia súc, cồn, rượu, …đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Bình Định xuất khẩu góp phần làm tăng KNXK của tỉnh. Bên cạnh đó, nhà máy chế biến tinh bột sắn, tinh bột sắn biến tính đã đưa vào hoạt động từ năm 2015 làm tăng thêm nguồn hàng xuất khẩu.
+ Dăm gỗ: Giai đoạn 2011 - 2015, nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc và Nhật Bản tăng cao thúc đẩy doanh nghiệp Bình Định mở rộng công suất chế biến tăng lượng hàng xuất khẩu góp phần làm tăng KNXK của tỉnh.
+ Đá xây dựng các loại: Tiếp tục phát triển do nền kinh tế một số nước đã phục hồi và có nhu cầu sử dụng vào các công trình xây dựng mới giúp cho mặt hàng này tăng trưởng dương góp phần làm tăng KNXK.
+ Sản phẩm may mặc: Doanh nghiệp đầu tư ngành hàng này đã chủ động đầu tư xây dựng nhà máy mới, tích cực tìm kiếm thị trường đặc biệt các thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, mở rộng thị phần tại các thị trường Anh, Đức, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Singapore,…. góp phần nâng cao sản lượng và giá trị đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
+ Khoáng sản titan: Nhu cầu sử dụng titan để phục vụ cho sản xuất của các nước đặc biệt là Trung Quốc tăng mạnh từ năm 2011 đến năm 2013 làm cho KNXK của mặt hàng này tăng rất cao và vượt so với kế hoạch đề ra, nhưng ngay sau đó mặt hàng này nhanh chóng giảm mạnh do nhà nước chủ trương hạn chế xuất khẩu sản phẩm thô (thông qua chính sách thuế); đồng thời, thị trường thế giới (chủ yếu là Trung Quốc) giảm mạnh nhập khẩu làm cho ngành khai thác chế biến titan của Bình Định bị ách tắt, tìm kiếm thị trường mới chưa khai thông.
Một số mặt hàng có tỷ lệ tăng trưởng cao nhưng chưa đạt so với kế hoạch:
+ Đồ gỗ ngoại thất và nội thất: So với giai đoạn 2006 - 2010 đạt mức tăng trưởng cao nhưng không đạt kế hoạch đề ra do khủng hoảng tài chính công tại Châu Âu (thị trường tiêu thụ chính) đã làm cho nhu cầu tiêu thụ tại các nước này giảm, việc tìm kiếm thị trường thay thế gặp nhiều khó khăn.
+ Thủy hải sản: Mặc dù KNXK không đạt như kế hoạch đề ra nhưng so với giai đoạn trước KNXK của mặt hàng này tăng gần 2 lần. Thời tiết, dịch bệnh và sự cạnh tranh về giá và chất lượng với các nước như Thái Lan, Ấn Độ và Ecuador là nguyên nhân làm cho KNXK chưa đạt như kỳ vọng.
+ Giày dép các loại: Chưa khai thác hiệu quả tiềm năng và thế mạnh của ngành hàng này. Tìm kiếm mở rộng thị trường thiếu năng động, chậm đổi mới công nghệ thiết bị, số lượng từng đơn hàng không lớn, giá trị xuất khẩu thấp.
Ngoài các mặt hàng trên, doanh nghiệp khai thác nhu cầu thị trường các nước đã xuất khẩu một số mặt hàng như cao su, tiêu hạt, gỗ nguyên liệu (gỗ tròn), viên nén gỗ, thảm sơ dừa, ván lạng, panel lót sàn, cát các loại, nhang cây, than gỗ, phân bón,... đạt trên 100 triệu USD góp phần làm tăng KNXK của tỉnh.
- Thị trường xuất khẩu: Trong giai đoạn 2011 - 2015, hàng hóa của Bình Định tham gia xuất khẩu đến 124 quốc gia và vùng lãnh thổ trên cả 5 Châu lục, trong đó đã tham gia hầu hết thị trường các nước là thành viên của các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết. Thị trường xuất khẩu chủ yếu giai đoạn 2011 - 2015 là châu Á (56,47% tổng KNXK) và Châu Âu (34,31%). So với giai đoạn 2006 - 2010, thị trường xuất khẩu của Bình Định tăng lên 01 thị trường và tỷ lệ Châu Á và Châu Âu có sự hoán đổi lẫn nhau (Châu Á: 33,48%; Châu Âu: 55,81%), nguyên nhân là do xuất phát từ định hướng của Nhà nước; tính năng động của doanh nghiệp trong việc mở rộng và phát triển các thị trường trọng điểm và có tiềm năng, đồng thời thu hẹp dần những thị trường nhỏ lẻ và nhu cầu tự phát sinh của thị trường. (Chi tiết tại Biểu số 03 kèm theo)
- KNXK bình quân tính trên dân số của tỉnh tăng dần, từ 325,7 USD/người (năm 2011) lên đến 462 USD/người (năm 2015), với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm +0,37%.
b. Vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong thực hiện Đề án
Hoạt động của Ban Chỉ đạo và Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo Đề án phát triển hàng xuất khẩu của tỉnh đã được tăng cường. Duy trì tổ chức quán triệt nâng cao nhận thức đến các sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và doanh nghiệp trong tỉnh; bám sát định hướng phát triển hàng xuất khẩu trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hàng năm, UBND tỉnh chủ trì tổng kết đánh giá tình hình xuất khẩu và đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp xuất nhập khẩu, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đề ra giải pháp thực hiện…
Các ngành chức năng liên quan đã triển khai Quy hoạch các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung như: Vùng nuôi tôm, nguyên liệu sắn; chăn nuôi gia súc; rừng trồng nguyên liệu giấy, gỗ, … Quy hoạch và đầu tư các Khu, Cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, tạo môi trường thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế và thu hút vốn đầu tư nước ngoài; các doanh nghiệp đã chú trọng hơn đến việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế (hệ thống ISO 9000, HACCP, GMP, SSOP, FSC,...), nghiên cứu kết hợp nguyên liệu truyền thống với nguyên liệu mới chế tạo sản phẩm phù hợp thị hiếu tiêu dùng,... tạo thêm giá trị xuất khẩu. UBND tỉnh ban hành chính sách khuyến khích ưu đãi như: Chính sách huy động vốn đầu tư xây dựng phát triển làng nghề, nuôi trồng; hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng nghề, thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao; xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ trong nước, nước ngoài…, nhờ đó đã góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu Đề án.
* Kim ngạch nhập khẩu
Tổng KNNK giai đoạn 2011 - 2015 thực hiện 1.062,6 triệu USD, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm + 11,6%, tăng 41,9% so với giai đoạn 2006 - 2010 (748,8 triệu USD).
* Thị trường nhập khẩu
Trong giai đoạn 2011 - 2015, hàng hóa nhập khẩu chủ yếu là nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất chế biến hàng lâm sản, chăn nuôi, may mặc, phân bón và máy móc thiết bị … phục vụ chế biến hàng xuất khẩu của tỉnh. Hàng hóa được nhập khẩu từ 78 quốc gia và vùng lãnh thổ trên cả 5 Châu lục, trong đó chủ yếu nhập khẩu từ Châu Á (chiếm 68% tổng KNNK), tiếp đến là Châu Mỹ (chiếm 16,1%), còn lại các Châu lục khác (Chi tiết tại Biểu số 04 kèm theo).
- Hầu hết các doanh nghiệp Bình Định có quy mô vừa và nhỏ, sức cạnh tranh, năng lực sản xuất yếu, thiếu vốn; chậm chuyển đổi công nghệ, thiết bị chế biến hàng xuất khẩu chất lượng cao nên dễ bị tổn thương khi nền kinh tế thế giới có biến động hoặc nước nhập khẩu áp dụng rào cản kỹ thuật.
- Nhiều doanh nghiệp chưa dành đủ nguồn lực (nhân lực, tài lực…) để thực hiện các hoạt động tiếp thị quảng bá, xúc tiến thương mại, đăng ký nhãn hiệu, xây dựng thương hiệu sản phẩm, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế như ISO 9000, HACCP,...; kinh phí dành cho đầu tư phát triển mở rộng, nâng cao còn hạn chế.
- Hiệp hội ngành hàng Bình Định chưa phát huy vai trò của một vài tổ chức đại diện cho tập thể doanh nghiệp …, hiệu quả hoạt động chưa cao, chưa thể hiện vai trò đầu mối tạo liên kết thu mua nguyên liệu, phát triển thị trường xuất khẩu; chưa tác động tích cực đến việc hỗ trợ, giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong quá trình đàm phán, ký kết hoặc xảy ra tranh chấp.
- Công tác dự báo, định hướng thị trường cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập; tiến độ thực hiện các quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu chậm; vùng nuôi tôm, thủy hải sản chuyên canh, thâm canh có phát triển nhưng chỉ mới dừng lại ở quy mô nhỏ, vừa..., sản lượng cung cấp cho các nhà máy chế biến xuất khẩu chưa đáp ứng đủ, phải mua từ tỉnh bạn hoặc nhập khẩu.
- Hiện nay, nhóm hàng khoáng sản (titan) khó khăn về thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp Bình Định đối mặt với giá cạnh tranh, yêu cầu cao về chất lượng.
- Xu hướng bảo hộ doanh nghiệp trong nước của các nước nhập khẩu ngày càng gia tăng. Những vấn đề hậu khủng hoảng như bảo hộ mậu dịch, biến động giá cả, lạm phát, khan hiếm nguyên liệu, năng lượng, … tác động đến tốc độ phục hồi và phát triển kinh tế của các nước trong đó có Việt Nam.
- Hàng hóa xuất khẩu của Bình Định như nông sản, thủy sản, may mặc, giày dép, … luôn bị các nước có cùng chủng loại hàng hóa xuất khẩu cạnh tranh khốc liệt làm cho doanh nghiệp Bình Định luôn ở trong trạng thái đối phó, bị động trên nhiều thị trường.
- Giai đoạn 2011 - 2015, Hiệp định WTO và một số Hiệp định thương mại tự do đã đến thời hạn thực thi, tạo ra thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp Bình Định khi tham gia vào sân chơi lớn. Đề án “Phát triển hàng xuất khẩu tỉnh Bình Định đến năm 2015, định hướng đến năm 2020” tuy có đề xuất một số giải pháp nhưng không lường hết những vấn đề mới phát sinh làm hạn chế kết quả hoạt động của doanh nghiệp xuất khẩu.
- Việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Đề án “Phát triển hàng xuất khẩu tỉnh Bình Định đến năm 2015, định hướng đến năm 2020” của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chưa thực sự đồng bộ, triển khai thực hiện còn chậm, công tác dự báo còn hạn chế,.
- Sự phối kết hợp giữa các sở ngành, địa phương và hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp còn rời rạc, triển khai các nội dung chương trình công tác thiếu tính chuyên nghiệp; thực thi cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực (đền bù, giải phóng mặt bằng, giao đất…) còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu.
- Một số doanh nghiệp chưa xây dựng chiến lược phát triển dài hạn; khả năng tiếp cận, khai thác thị trường còn hạn chế, năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác xuất nhập khẩu chưa đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường năng động, chứa đựng nhiều rủi ro.
CHỈNH, BỔ SUNG ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN HÀNG XUẤT KHẨU GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
I. SỰ CẦN THIẾT CHỈNH, BỔ SUNG ĐỀ ÁN
- Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.
- Nghị quyết số 64/NQ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
- Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIX Đảng bộ tỉnh Bình Định số 08-NQ/ĐH ngày 16 tháng 10 năm 2015.
2. Sự cần thiết phải chỉnh, bổ sung Đề án
- Triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo đã được Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIX Đảng bộ tỉnh Bình Định xác định “…Tập trung đầu tư phát triển các nhóm hàng xuất khẩu có lợi thế của tỉnh như: Thủy hải sản, lâm sản, nông sản thực phẩm, khoáng sản tinh chế, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng tiêu dùng và các sản phẩm khác; đồng thời chú trọng phát triển các sản phẩm chế biến sâu, có hàm lượng khoa học, công nghệ và gia tăng cao để tăng nhanh giá trị xuất khẩu”.
- Yêu cầu xu thế Hội nhập, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) có nhiều điểm mới, yêu cầu mới nhưng Đề án “Phát triển hàng xuất khẩu tỉnh Bình Định đến năm 2015, định hướng đến năm 2020” tại Quyết định số 502/QĐ-UBND ngày 10/11/2011 của UBND tỉnh chưa được đề cập như: Các hàng rào kỹ thuật (TBT), hệ thống vệ sinh và kiểm dịch thực vật (SPS) khắt khe khi thuế quan cho hàng hóa các nước thành viên trong FTA (kể cả Việt Nam) giảm hoặc xóa bỏ; môi trường kinh doanh cạnh tranh nâng cao và hướng về phục vụ người tiêu dùng một cách tốt nhất,...
- Nhu cầu tiêu dùng của thị trường các nước nhập khẩu đang có sự thay đổi theo xu thế giản tiện khi sử dụng, chất lượng hàng hóa cao, giá cả hợp lý, thân thiện môi trường…, dẫn đến một số ngành hàng chủ lực, truyền thống của tỉnh có những thay đổi về mẫu mã, tính năng thích ứng với người tiêu dùng, bên cạnh đó hình thành những mặt hàng mới phù hợp với xu thế phát triển.
- Công nghệ, khoa học kỹ thuật phát triển với tốc độ nhanh, mạnh ở tất cả mọi lĩnh vực, trong sản xuất cũng như trong sinh hoạt của con người, dẫn đến hình thành nhiều nhu cầu mới mà trước đó chưa xảy ra.
- Có sự thay đổi chỉ tiêu phấn đấu thực hiện KNXK giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, mục tiêu phấn đấu theo Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIX Đảng bộ tỉnh Bình Định là 4,5 tỷ USD thay vì 4 tỷ USD đặt ra trong “Đề án phát triển hàng xuất khẩu tỉnh Bình Định đến năm 2015, định hướng đến năm 2020”.
Từ những vấn đề nêu trên đòi hỏi cần phải có sự điều chỉnh bổ sung Đề án “Phát triển hàng xuất khẩu tỉnh Bình Định đến năm 2015, định hướng đến năm 2020” ban hành tại Quyết định số 502/QĐ-UBND ngày 10/10/2011 của UBND tỉnh nhằm giải quyết những vấn đề có liên quan đến các mối quan hệ quản lý nhà nước, hỗ trợ doanh nghiệp … thích ứng xu thế phát triển.
II. CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐỂ CHỈNH, BỔ SUNG ĐỀ ÁN
- Bình Định có vị trí địa lý, kiện tự nhiên thuận lợi, trữ lượng tài nguyên khoáng sản, thủy hải sản phong phú; có hệ thống giao thông phát triển cả về đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không cùng với lực lượng lao động dồi dào đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
- Nhiều ngành hàng xuất khẩu của tỉnh như chế biến gỗ, thủy hải sản, may mặc, da giày, đá Granite và vật liệu xây dựng… đã khẳng định được vị thế tại thị trường truyền thống cũng như ở các thị trường Mỹ, Nhật Bản, …
- UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển hàng xuất khẩu làm tăng thêm sức cạnh tranh cho doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa tại thị trường các nước trong khu vực và trên thế giới.
- Một số doanh nghiệp xuất khẩu Bình Định đã ứng dụng quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO; lựa chọn, đổi mới công nghệ, thiết bị để sản xuất chế biến sản phẩm hàng hóa đạt tiêu chuẩn chất lượng Châu Âu, chủ động thay đổi mẫu mã, kiểu dáng phù hợp với thị hiếu nhu cầu người tiêu dùng.
- Doanh nghiệp xuất khẩu của Bình Định hầu hết có quy mô nhỏ và vừa nên tiềm lực tài chính, kỹ thuật công nghệ, nguồn nhân lực … thiếu và yếu, thiếu liên kết hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị để chia sẻ và tạo sức mạnh cộng hưởng trong sản xuất kinh doanh xuất khẩu, do vậy chưa hình thành ngành hàng mạnh có sức cạnh tranh cao.
- Nguồn nguyên liệu tại chỗ (trong nước, trong tỉnh) phục vụ cho sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu (gỗ, hải sản, đá granite…) chưa đáp ứng về lượng và chất, xảy ra tình trạng phụ thuộc nguồn nguyên liệu nước ngoài, giá đầu vào không ổn định tác động đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
- Cơ quan nhà nước, Hiệp hội ngành hàng cung cấp thông tin, dự báo thị trường chưa đáp ứng theo nhu cầu thiết thực của doanh nghiệp; hiện nay doanh nghiệp Bình Định phải thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu tại thành phố Đà Nẵng hoặc thành phố Hồ Chí Minh, đây là một trong những yếu điểm hạn chế đối với doanh nghiệp phát triển hàng xuất khẩu.
- Tình hình kinh tế thế giới trong đó các nước Châu Âu, Nhật Bản, Mỹ, … đang dần hồi phục sau khủng hoảng tài chính, tiền tệ, lạm phát, … Nhiều nước đã thay đổi cơ cấu, nhu cầu hàng hóa phục vụ tiêu dùng làm xuất hiện nhiều cơ hội mới cho các nước xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản như Việt Nam.
- Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về xúc tiến thương mại, phát triển, mở rộng thị trường tại nước ngoài theo các Chương trình Xúc tiến thương mại Quốc gia hàng năm theo xu hướng tăng dần quy mô, kinh phí,… đã có tác dụng tích cực giúp doanh nghiệp thuận lợi trong phát triển thị trường.
- Việt Nam tham gia ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á Âu, Cộng đồng kinh tế ASEAN. Theo đó, khi các Hiệp định có hiệu lực, lộ trình giảm thuế và những cơ chế hỗ trợ sẽ là cơ hội cho các ngành hàng của tỉnh tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường truyền thống cũng như thị trường mới.
- Kinh tế chính trị xã hội của nhiều nước trên thế giới vẫn tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp; xung đột chính trị, tranh chấp biển Đông,… trở nên gay gắt hơn, cùng với việc Anh rời khỏi khối EU làm nảy sinh những tác động xấu ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp Bình Định đối với thị trường chung châu Âu.
- Biến động tỷ giá giữa đồng nội tệ với ngoại tệ của một số nước có nền kinh tế lớn như Trung Quốc, các nước trong khối EU, khối ASEAN, … luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro tác động lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu.
- Sự cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu các sản phẩm hàng hóa xảy ra quyết liệt. Hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu của Bình Định đang chịu áp lực cạnh tranh mạnh từ các nước Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc, Ecuador, … vì các nước này có sản phẩm cùng loại với Việt Nam nhưng có lợi thế hơn do ứng dụng công nghệ hiện đại từ khâu nuôi trồng, khai thác và chế biến, chất lượng hàng hóa cao, hệ thống logictics tốt, giá rẻ và hậu mãi tốt.
- Nhằm bảo hộ doanh nghiệp nội địa, các nước nhập khẩu sử dụng hàng rào phi thuế quan, rào cản về kỹ thuật, thương mại nhất là tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, các vụ kiện chống bán phá giá … tạo thành những trở lực trong hoạt động xúc tiến phát triển thị trường.
- Yêu cầu chứng minh nguồn gốc xuất xứ rõ ràng cũng là một trong những thách thức đối với không ít doanh nghiệp (đặc biệt là doanh nghiệp chế biến đồ gỗ, dệt may, da giày, thủy sản xuất khẩu) từ lâu đã có thói quen sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc hoặc từ các nước không tham gia Hiệp định …
Chính sách tiền tệ, tài chính được các nước tiếp tục điều chỉnh, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, thúc đẩy sức mua tăng. Nền kinh tế các nước phát triển đang trong đà phục hồi và tăng trưởng dương là cơ hội cho các nước xuất khẩu thâm nhập vào các thị trường này.
2. Các dự án đầu tư mới phục vụ xuất khẩu
Giai đoạn 2016 - 2020, mức cầu từ các nước phát triển tăng là nhân tố tích cực tác động sản xuất hàng xuất khẩu tăng trưởng theo chiều hướng dương. Lợi thế từ các Hiệp định thế hệ mới cùng với sự chuyển dịch nhu cầu nhập khẩu của thị trường trên thế giới tăng lên thúc đẩy thu hút doanh nghiệp đầu tư triển khai các dự án làm tăng năng lực sản xuất, chế biến đồ gỗ xuất khẩu (nội thất, ván, viên nén gỗ, …), thủy sản (cá ngừ, tôm đông lạnh…), nông sản (sắn lát, tinh bột sắn, đậu phộng, hạt điều…), hàng tiêu dùng (may mặc, giày da, đồ nhựa…), sắt thép, thức ăn chăn nuôi, … góp phần làm tăng KNXK.
Nhiều dự án đầu tư tại Khu kinh tế Nhơn Hội, các khu, cụm công nghiệp tiếp tục triển khai; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, phù hợp công bằng thúc đẩy doanh nghiệp phát triển hàng xuất khẩu. Thủ tục hành chính không ngừng cải cách phù hợp với lộ trình hội nhập là nhân tố tích cực thúc đẩy phát triển hàng xuất khẩu làm cho KNXK tăng cao.
3. Định hướng thị trường xuất khẩu
Tiếp tục củng cố và mở rộng thị phần hàng hóa Bình Định tại các thị trường truyền thống bao gồm Đông Nam Á, Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc), Trung Quốc, Úc, Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu (EU), Nga và các nước Đông Âu, Canada, Ấn Độ, … tạo bước đột phá tìm thị trường xuất khẩu mới, có tiềm năng mà hàng hóa của Bình Định đáp ứng nhu cầu.
Hạn chế sự phụ thuộc vào một số thị trường nhất định nhằm giảm rủi ro, khai thác và tận dụng tốt cơ hội tham gia thị trường theo lộ trình cắt giảm thuế quan cũng như khả năng sẵn có của tỉnh. Định hướng thị trường như sau:
TT | Thị trường | Định hướng | Sản phẩm |
1 | ASEAN | Tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu các nước trong khối ASEAN, tham gia hợp tác tạo cơ hội phát triển | Nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo, nguyên liệu đầu vào là sản phẩm trong nước; nhóm hàng nông, lâm, thủy sản, khoáng sản… có thể mạnh của tỉnh như đồ gỗ, đá granite. |
2 | Đông Bắc Á | Tập trung đẩy mạnh xuất khẩu sang Hàn Quốc và Nhật Bản | Nhóm hàng dệt may, sắn và các sản phẩm từ sắn, các nhóm hàng thủy sản, tôm đông lạnh, giày dép, gỗ và sản phẩm từ gỗ, hạt điều, đá granite. |
3 | Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan | Giảm dần nhập siêu, giảm xuất khẩu nguyên liệu thô | Nhóm hàng nông, thủy sản đông lạnh, hạt điều, sắn lát, lâm sản (gỗ, dăm gỗ); sản phẩm cao su; nhóm hàng khoáng sản qua chế biến … |
4 | Châu Đại Dương | Xuất khẩu sang thị trường Ô-xtrây-li-a và Niu-Di-Lân | Phát triển xuất khẩu nhóm hàng may mặc, da giày, sản phẩm cao su, đồ gỗ, thủy sản. |
5 | Châu Âu | Duy trì và mở rộng thị phần xuất khẩu tại các thị trường Đức, Pháp, Hà Lan, Anh, Ý và các nước thành viên Liên minh kinh tế Á - Âu. | Mặt hàng có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao khai thác tốt lợi thế về thuế khi FTA giữa Việt Nam - EU có hiệu lực và nhóm hàng cao su, giày dép, may mặc, đồ gỗ (ngoại thất nội thất), thủy sản, khoáng sản. |
6 | Châu Mỹ | Mở rộng thị phần xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Ca-na-đa, Mê-hi-cô, Ac-hen-ti-na, Bra-xin, Chi Lê, Pê-ru. | Nhóm hàng may mặc, da giày, đồ gỗ, thủy sản. |
7 | Châu Phi | Ai Cập, Angiêri, Cộng hòa Nam Phi, Ăng-gôla, Mô-dăm-bích, Công-gô | Mặt hàng may mặc, giày dép, thủy sản. |
8 | Tây Á | Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE), Thổ Nhĩ Kỳ, Ả-rập Xê-Út, I-xra-en, Li-băng. | Các mặt hàng nông sản các loại, dệt may, giày dép, sản phẩm cao su, sản phẩm gỗ, thủy sản, đá granite. |
9 | Nam Á | Thị trường Ấn Độ, Pa-ki-xtan, Băng-la-đét và Xri Lan-ca. | Các mặt hàng nông sản, thủy sản sản phẩm gỗ. |
IV. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, ĐỊNH HƯỚNG CHỈNH
- Phát huy tối đa nội lực trong tỉnh, tích cực thu hút mạnh mẽ ngoại lực để phát triển sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu góp phần giải quyết việc làm, an sinh xã hội, tăng kim ngạch xuất khẩu cho tỉnh.
- Tích cực, chủ động khai thác nguồn vốn các thành phần kinh tế, vốn đầu tư nước ngoài thực hiện các dự án tạo đột phá, thay đổi cơ bản cơ cấu các ngành sản xuất chế biến xuất khẩu,…
- Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình và tạo kiện thuận lợi để phát triển đất nước.
- Đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, tích cực và chủ động tham gia vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; chú trọng xây dựng và phát triển hàng hóa có giá trị gia tăng cao, có thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước.
- Hoạt động xuất nhập khẩu phải gắn với bảo đảm an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
- Đạt tốc độ tăng trưởng KNXK bình quân cao và bền vững, tạo sự chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng có hàm lượng giá trị gia tăng cao, giảm dần tỷ trọng các mặt hàng sơ chế.
- Phát triển sản xuất các mặt hàng xuất khẩu có lợi thế cạnh tranh, có khả năng thâm nhập và tạo thị phần ổn định. Chuyển đổi công nghệ, thiết bị sản xuất tiên tiến, hiện đại; tổ chức lại sản xuất giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng đảm bảo theo các tiêu chuẩn quốc tế, đạt hiệu quả cao.
- Tăng cường giữ vững thị trường truyền thống, khai thác mở rộng các thị trường mới có tiềm năng; mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế quốc tế, phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia liên kết các chuỗi sản xuất trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
- Tích cực tìm kiếm thị trường cho ngành khoáng sản (titan, đá Granite, cát …); khuyến khích hỗ trợ đầu tư phát triển xuất khẩu một số ngành hàng mới nổi (thức ăn chăn nuôi, sắt thép, tole, ống nhựa, …); đẩy mạnh hoạt động dịch vụ logictics phục vụ cho hoạt động xuất khẩu; phát triển ngành hàng thủ công mỹ nghệ hỗ trợ ngành du lịch đang có tiềm năng.
Phấn đấu tổng KNXK giai đoạn 2016 - 2020 đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIX Đảng bộ tỉnh Bình Định là 4,5 tỷ USD (số liệu xây dựng trong Đề án phát triển hàng xuất khẩu tỉnh Bình Định đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 là 4 tỷ USD), trong đó: nhóm hàng Nông sản đạt và vượt 611,2 triệu USD; nhóm hàng Lâm sản đạt 2.079 triệu USD trở lên; nhóm hàng thủy hải sản đạt và vượt 466 triệu USD; nhóm hàng khoáng sản và vật liệu xây dựng vượt 254,7 triệu USD; nhóm hàng công nghiệp chế biến và tiêu dùng đạt từ 1.109,1 triệu USD trở lên (Chi tiết tại Biểu số 01 kèm theo).
3. Định hướng điều chỉnh
- Bên cạnh các dự án đầu tư vào sản xuất sản phẩm phục vụ xuất khẩu đã đi vào hoạt động có hiệu quả trong giai đoạn 2011 - 2015 và tiếp tục phát huy. Trong thời gian đến triển khai đầu tư các dự án mới hoặc mở rộng (đồ gỗ nội thất, viên nén, ván, dăm gỗ, tinh bột sắn, hải sản đông, ngành dệt may, đá granite, sản phẩm bằng nhựa) và một số sản phẩm mới tham gia xuất khẩu (thức ăn gia súc, tole, sản phẩm cơ khí, …) góp phần nâng cao KNXK của tỉnh. (Chi tiết tại Biểu số 05 kèm theo).
- Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực có xu hướng tăng trưởng như:
+ Gạo: Đã được nhà đầu tư (Công ty CP Lương thực Bình Định) xây dựng mới, nâng công suất 2 nhà máy tại tỉnh An Giang (nơi có vựa lúa lớn nhất của đồng bằng sông Cửu Long) để thu mua gạo phục vụ chế biến xuất khẩu.
+ Tinh bột sắn: Đã đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động 05 nhà máy chế biến tinh bột sắn và tinh bột sắn biến tính trên địa bàn tỉnh như: Nhà máy chế biến tinh bột sắn Vân Canh (Công ty TNHH MTV Nguyên Liêm), Nhà máy chế biến tinh bột sắn Vĩnh Thạnh (Công ty TNHH Tinh bột sắn Nhiệt Đồng Tâm Vĩnh Thạnh), Nhà máy chế biến tinh bột biến tính và sắn lát tại Tây Sơn (Công Ty TNHH MTV Chế biến nông sản LUCKY STAR), Nhà máy gia công chất bột biến tính sắn Minh Dương Bình Định (Công ty TNHH Sinh hóa Minh Dương Việt Nam) và Nhà máy chế biến tinh bột sắn xuất khẩu Bình Định (Công ty cổ phần Chế biến tinh bột sắn xuất khẩu Bình Định), … tạo ra khối lượng sản phẩm xuất khẩu góp phần làm tăng KNXK.
+ Đồ gỗ ngoại thất và nội thất: Doanh nghiệp Bình Định đã tích cực đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ tăng năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng thỏa mãn thị hiếu tiêu dùng của một số nước nhập khẩu truyền thống; đã có nhiều đơn hàng từ các thị trường truyền thống tăng lên, tạo đà để doanh nghiệp Bình Định phát triển và mở rộng thị trường mới.
+ Tôm đông lạnh: Tập đoàn Việt Úc đưa vào hoạt động dự án nuôi trồng, sản xuất, chế biến, kinh doanh tôm thương phẩm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính tại Bình Định tạo thuận lợi cho việc phát triển nguồn nguyên liệu chất lượng cao, sức kháng bệnh tốt đảm bảo theo tiêu chuẩn quốc tế cung cấp cho các nhà máy chế biến xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị phần tại các nước có nhu cầu nhập khẩu.
+ Hải sản đông (cá đông lạnh): Ứng dụng công nghệ đánh bắt cá ngừ đại dương từ khâu khai thác, bảo quản, chế biến … làm tăng giá trị, chất lượng hàng xuất khẩu, tạo cơ hội cho nhóm hàng hải sản đông mở rộng đến các thị trường.
+ Đá xây dựng các loại: Thổ Nhĩ Kỳ là thị trường nhập khẩu chính mặt hàng đá granite của Bình Định (chiếm 73% KNXK mặt hàng đá) không áp dụng thuế chống bán phá giá đối với đá Granite xuất khẩu của Công ty CP Phú Tài (có KNXK chiếm 51% của tổng KNXK) sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp chế biến đá Bình Định đẩy mạnh xuất khẩu làm tăng KNXK mặt hàng này.
+ May mặc: Kết quả hoạt động thu hút đầu tư, trên địa bàn tỉnh Bình Định đã hình thành ngành công nghiệp may xuất khẩu (Tập đoàn dệt may Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài và tư nhân tham gia đầu tư xây dựng nhà xưởng lắp đặt trang thiết bị tiên tiến) bước đầu đã tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng và dần có mặt ở một số thị trường tiềm năng như Nhật bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ…. Với những chính sách, ưu đãi, nguồn lao động có tay nghề… trong thời gian đến ngành may mặc tiếp tục phát triển góp phần tăng KNXK.
- Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực dự báo có xu hướng giảm dần như sau:
+ Khoáng sản titan: Việc nhu cầu sử dụng của các nước chưa phục hồi song song với giá dao động mức thấp đã làm cho mặt hàng này chưa có dấu hiệu khả quan. Tình trạng này sẽ tiếp tục kéo dài trong nhiều năm tới cùng với chủ trương chấm dứt xuất khẩu sản phẩm thô và khả năng đầu tư đổi mới công nghệ của doanh nghiệp hạn chế làm cho KNXK mặt hàng này tiếp tục giảm sâu.
+ Sắn lát: Nhiều nhà máy chế biến tinh bột sắn hoạt động làm cho nhu cầu sử dụng nguyên liệu sắn tươi phục vụ cho sản xuất chế biến tăng là nhân tố làm cho sắn lát xuất khẩu giảm. Hơn nữa, sắn lát của Thái Lan và Campuchia đang có sức cạnh tranh cao về giá và chất lượng sẽ tác động đến lượng hàng xuất khẩu sắn lát của doanh nghiệp Bình Định.
+ Dăm gỗ: Lộ trình hạn chế xuất khẩu dăm đến năm 2020 nhằm tạo nguồn gỗ nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến đồ gỗ theo chủ trương của Chính phủ và của tỉnh. Bên cạnh đó, các nước sử dụng dăm gỗ cắt giảm nhu cầu sẽ tác động đến mức tăng trưởng mặt hàng này.
1. Về cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu
- Xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển: Cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng thuận lợi, thân thiện; có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và có tiềm năng tăng trưởng cao như: Doanh nghiệp thực hiện dịch vụ tư vấn, khảo sát và thăm dò thị trường, dịch vụ pháp lý, thương mại điện tử,...; hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh lên các website, cổng thông tin Trung ương và địa phương, hỗ trợ xây dựng website thương mại điện tử. Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới thiết bị trong công nghiệp chế biến, sản xuất hàng xuất khẩu của tỉnh đang có thế mạnh hoặc có thị trường tiêu thụ.
- Cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp: Tăng cường sử dụng Chính phủ điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
- Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, các chính sách phát triển vùng nguyên liệu gắn với công nghiệp chế biến nông, lâm sản xuất khẩu; khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển vùng nguyên liệu theo quy mô tập trung, năng suất, chất lượng cao.
- Ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các quy trình và công nghệ sản xuất sạch, thân thiện với môi trường và quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14000 và HACCP.
2. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hàng hóa xuất khẩu
Tăng cường công tác quản lý hàng hóa xuất khẩu nhằm đảm bảo chất lượng hàng hóa, ổn định phát triển xuất khẩu trong đó tập trung vào các ngành hàng có KNXK cao (gồm các ngành hàng nông lâm thủy sản, may mặc, giày da, sắt thép...), tạo lợi thế cạnh tranh tăng giá trị trong sản xuất xuất khẩu. Để đạt được đòi hỏi phải sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, huy động tối đa các nguồn lực, phát huy vai trò của các doanh nghiệp và các tổ chức đoàn thể chính trị, các hiệp hội ngành, nghề, các doanh nghiệp, trang trại và sự hưởng ứng của nông dân.
Quản lý Chất lượng hàng xuất khẩu phải thực hiện theo nguyên tắc kiểm soát theo chuỗi sản phẩm; phân tích được mối nguy và kiểm soát mối nguy. Khuyến khích phát triển mặt hàng mới đạt kiểu dáng, mẫu mã, an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế (HCCP, ISO 9000, ISO 14000, SA8000,..), trong ngành may mặc khuyến khích doanh nghiệp chủ động giảm gia công, thầu phụ (CMT) thay vào đó thực hiện hình thức FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm).
Phát triển ngành hàng mới: Có chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển một số ngành hàng xuất khẩu mới (tole thép, ống nhựa, thiết bị, sản phẩm công nghệ cao, thức ăn chăn nuôi,…) đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho các nước trong khu vực và trên thế giới; tăng cường quảng bá thương hiệu sản phẩm trong các kỳ hội chợ triển lãm.
Ngành khai thác, chế biến khoáng sản: Thực hiện theo lộ trình giảm xuất nguyên liệu thô, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư các dự án chế biến sâu, tăng xuất khẩu hàng hóa đã qua chế biến tạo ra giá trị tăng thêm.
Quy hoạch, triển khai thực hiện quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung cung ứng cho các ngành hàng xuất khẩu; thực hiện đầy đủ các cam kết chủ động đảm bảo nguồn cung ổn định lâu dài cho sản xuất tạo ra lượng hàng hóa có lợi thế cạnh tranh. Cụ thể:
- Hỗ trợ, khuyến khích các Trung tâm giống vật nuôi, cây trồng nghiên cứu tạo bước đột phá hình thành nguồn nguyên liệu tập trung chất lượng, năng suất cao, du nhập giống mới (cây trồng, vật nuôi, thủy sản) chất lượng tốt phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đáp ứng nhu cầu của các nhà máy.
- Xây dựng các chương trình, dự án và thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước để đẩy nhanh tốc độ phát triển vùng nguyên liệu tại chỗ, lựa chọn nguồn cung ứng nguyên liệu từ các nước nội khối có chứng nhận về môi trường và công nghệ chế biến hàng xuất khẩu có lợi thế và bền vững.
Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển hàng xuất khẩu theo Quy hoạch về phát triển hệ thống giao thông đường bộ, Cảng biển, Cảng cạn (Inland Container Depot - ICD) đã được Chính phủ và các Bộ ngành phê duyệt; tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông (đường quốc lộ, đường ven biển, đường sắt, bến cảng, nhà ga sân bay); xây dựng kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, thương mại đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư.
Đầu tư, xây dựng khu công nghệ cao, các khu ứng dụng công nghệ cao, có thể đáp ứng được yêu cầu của thị trường quốc tế.
Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật hệ thống logictics đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa. Ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống giao thông đồng bộ đáp ứng phục vụ nhu cầu vận chuyển nguyên liệu về nhà máy sản xuất và hàng hóa xuất khẩu.
5. Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, lao động
* Đối với cơ quan quản lý nhà nước
- Đẩy mạnh chính sách thu hút nhân lực có trình độ cao từ ngoài tỉnh, ngoài nước; sinh viên học sinh đã được đào tạo chuyên môn sâu tham gia đóng góp sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
- Khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức chương trình đào tạo huấn luyện lao động, nâng cao tay nghề công nhân theo tiêu chuẩn đáp ứng khả năng hội nhập trong khu vực và quốc tế (Khối ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc…); quan tâm khả năng làm việc, khả năng tự đánh giá và đáp ứng yêu cầu hình thành trách nhiệm, gắn bó doanh nghiệp, đồng nghiệp.
- Hỗ trợ một phần kinh phí đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp chế biến, gia công sản xuất hàng xuất khẩu; tư vấn doanh nghiệp tiếp cận các nguồn tài trợ hỗ trợ đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ quản lý cũng như đội ngũ nhân viên của doanh nghiệp nhằm đáp ứng xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.
- Làm đầu mối thu hút, kết nối các hội viên, các đối tác trong nước và quốc tế hỗ trợ hoạt động đào tạo cho ngành hàng.
- Xây dựng năng lực của Hiệp hội để có thể tự đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp thuộc ngành hàng.
6. Xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh hàng xuất khẩu
- Hỗ trợ nâng cao chất lượng hoạt động cho doanh nghiệp
Hỗ trợ một phần kinh phí cho doanh nghiệp (đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ) thông qua chương trình xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia, thương hiệu doanh nghiệp, nhãn hiệu sản phẩm, sở hữu trí tuệ bao gồm chi phí bảo vệ thương hiệu khi có tranh chấp hoặc khi bị vi phạm thương hiệu; hỗ trợ hoạt động marketing, xúc tiến thương mại nước ngoài … từ các nguồn kinh phí Trung ương, địa phương và của doanh nghiệp.
- Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu
Xây dựng chương trình hoạt động củng cố, mở rộng thị phần tại các thị trường truyền thống (Nhật Bản, Hàn Quốc), Trung Quốc, Australia, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Nga và các nước Đông Âu, Canada, Ấn Độ; đồng thời, tạo bước đột phá mở rộng thị trường xuất khẩu mới, có tiềm năng tại khu vực châu Phi, Mỹ La-tinh, và Trung Đông.
- Ứng dụng thương mại điện tử nâng cao khả năng phát triển thị trường
Khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm khai thác lợi ích, tính năng cao mà công nghệ thông tin mang lại; hỗ trợ cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát triển và tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử nhằm giúp doanh nghiệp kết nối được với các sàn giao dịch thương mại điện tử mạnh trên thế giới, nhanh chóng đưa hàng hóa doanh nghiệp thâm nhập kết nối đối tác và người tiêu dùng.
- Xây dựng thương hiệu du lịch Bình Định
Ngoài ra, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm phục vụ du lịch, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá về du lịch nhằm xây dựng thương hiệu du lịch Bình Định để thu hút khách nước ngoài đến tham quan, mua sắm hàng hóa góp phần tăng thu ngoại tệ tại chỗ cho tỉnh.
7. Tăng cường sự liên kết, hợp tác
- Liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, giữa doanh nghiệp sản xuất với doanh nghiệp dịch vụ (vận tải, xếp dỡ, phân phối) nhằm phát huy thế mạnh của mỗi doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng hàng hóa xuất khẩu; liên kết giữa doanh nghiệp trong nước có quy mô khác nhau hoặc giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) góp phần giải quyết các vấn đề có liên quan cung ứng hàng hóa, chia sẻ nguồn tài nguyên, lao động, nguồn vốn…
- Nghiên cứu tổ chức các cụm ngành công nghiệp sản xuất hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ có mật độ tập trung cao, cự ly kết nối vận chuyển ngắn, liên kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị, có sự phân công chuyên môn hóa mạnh trong quy trình sản xuất để tiết giảm tối đa lãng phí công suất và chi phí sản xuất, tạo giá trị gia tăng cao hơn cho sản phẩm chế biến.
8. Tăng cường vai trò của các Hiệp hội ngành hàng trong tỉnh
- Tăng cường vai trò là cầu nối giữa Nhà nước với doanh nghiệp
Các Hiệp hội chủ động tăng cường đối thoại với các sở, ban ngành với tư cách đại diện doanh nghiệp tham gia ý kiến vào các chính sách của tỉnh và Nhà nước, tập hợp và chuyển các kiến nghị từ các doanh nghiệp đến lãnh đạo cấp trên; công bố kết quả đối thoại đến các hội viên biết để theo dõi, giám sát.
- Bảo vệ quyền lợi cho các hội viên, doanh nghiệp trong Hiệp hội
Tích cực tham gia vào các Hiệp hội, ngành hàng của nước ta, đồng thời liên hệ với các Hiệp hội ngành hàng của các nước có liên quan nhất là các nước tương đồng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các thành viên trong Hiệp hội. Xây dựng mối quan hệ tốt với các Hiệp hội ngành hàng quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ về mặt tài chính, đào tạo, thông tin, tư vấn pháp lý,... khi xảy ra sự cố.
- Cung thông tin về thị trường và hỗ trợ xúc tiến thương mại
Hình thành các bộ phận chuyên trách đảm nhận công tác thông tin, xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ để chủ động thu thập, cung cấp cho các thành viên hiệp hội thông tin về luật pháp, chính sách, thị trường và các cơ hội giao thương.
Thường xuyên phối hợp với các cơ quan Trung ương và địa phương để thu thập thông tin có chất lượng, thiết thực, diễn biến mới nhất về tình hình thị trường mặt hàng, các thông tin liên quan đến thuế quan, hạn ngạch, sự thay đổi các chính sách liên quan đến ngành hàng của hiệp hội để cung cấp cho các thành viên kịp thời, chính xác.
Khuyến khích các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội khai thác thông tin qua sách, báo, tạp chí, qua các trang website... và các tài liệu của tổ chức ngành hàng quốc tế. Quan hệ chặt chẽ với Tham tán thương mại tại các Đại sứ quán, các đại diện thương mại và đại diện của các Tổ chức quốc tế của Việt Nam tại nước ngoài để cập nhật kịp thời thông tin thị trường, chính sách mới.
1. Sở Công Thương (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Đề án phát triển hàng xuất khẩu tỉnh)
- Chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan xây dựng và triển khai thực hiện các Quy hoạch, Đề án, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực công nghiệp - thương mại - dịch vụ phục vụ cho sản xuất và kinh doanh hàng xuất khẩu; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại định hướng xuất khẩu (dự báo, cung cấp thông tin thị trường, hỗ trợ quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, tham gia hội chợ triển lãm, tổ chức Đoàn giao thương mở rộng thị trường tại nước ngoài,... ).
- Theo dõi, tổng hợp tình hình hoạt động của doanh nghiệp xuất khẩu để đánh giá sơ, tổng kết, nghiên cứu, tham mưu, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hàng xuất khẩu; báo cáo định kỳ và đột xuất theo quy định.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan lập danh mục các dự án kêu gọi thu hút đầu tư phát triển sản xuất hàng xuất khẩu và đề xuất UBND tỉnh bố trí hợp lý từ các nguồn vốn đầu tư cho các dự án phục vụ phát triển hàng xuất khẩu theo quy định.
- Phối hợp với các sở, ngành có liên quan mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh về phát triển hàng xuất khẩu của địa phương với các đối tác trong và ngoài nước.
- Đề xuất UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách theo hướng cải thiện môi trường đầu tư tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư tham gia đầu tư phát triển sản xuất hàng xuất khẩu.
3. Sở Tài chính
Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan cân đối nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước theo từng giai đoạn và hàng năm để phục vụ phát triển xuất khẩu, trình UBND tỉnh.
4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng và triển khai thực hiện các Quy hoạch, Đề án, chính sách hỗ trợ người nông dân, nhà sản xuất và doanh nghiệp trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản nhằm tạo khối lượng lớn nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất chế biến hàng xuất khẩu.
- Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, các chính sách phát triển vùng nguyên liệu gắn với công nghiệp chế biến nông, lâm sản xuất khẩu; khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển vùng nguyên liệu theo quy mô tập trung, năng suất, chất lượng cao.
5. Sở Khoa học và Công nghệ
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức thực hiện các chương trình, dự án nâng cao trình độ công nghệ, thúc đẩy đổi mới công nghệ hiện đại nhằm đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao năng suất chất lượng hàng xuất khẩu, đặc biệt là các sản phẩm áp dụng công nghệ cao.
- Tham mưu UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các quy trình và công nghệ sản xuất sạch, thân thiện với môi trường và quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14000 và HACCP.
6. Các Sở: Lao động Thương binh và Xã hội, Nội vụ
Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh về phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2016 - 2020, nhằm đáp ứng nhu cầu cán bộ, lao động có tay nghề cho các doanh nghiệp.
7. Sở Tài nguyên và Môi trường
Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát việc khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản, và các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp sản xuất chế biến hàng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.
8. Sở Ngoại vụ
Chủ trì, phối hợp với các Đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài thường xuyên cập nhật các thông tin về tình hình kinh tế - xã hội của các thị trường nước ngoài để cung cấp thông tin về thị trường, đồng thời kịp thời cảnh báo cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khi thị trường xảy ra những bất ổn về kinh tế - xã hội tại các nước.
9. Sở Du lịch
Chủ trì, phối hợp tuyên truyền quảng bá, cung cấp thông tin tư liệu cảnh quan giới thiệu tiềm năng du lịch, các dự án, chính sách khuyến khích phát triển du lịch địa phương thu hút du khách và nhà đầu tư kinh doanh du lịch trong và ngoài nước; xây dựng và triển khai các cửa hàng bán sản phẩm quà tặng, thủ công mỹ nghệ tại các khách sạn, nhà hàng và các loại hình du lịch đáp ứng nhu cầu khách hàng nhằm tăng thêm nguồn thu ngoại tệ tại chỗ cho tỉnh.
10. Ban Quản lý Khu kinh tế
- Xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư phát triển Khu kinh tế, các khu công nghiệp; tham mưu đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo vận dụng tốt các cơ chế chính sách ưu đãi.
- Làm đầu mối hướng dẫn các nhà đầu tư đăng ký đầu tư vào Khu kinh tế, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trong tỉnh hỗ trợ và giải quyết các khó khăn, vướng mắc (nếu có) trong quá trình triển khai cho đến khi dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Tăng cường cải cách hành chính trong việc giải phóng mặt bằng, giao địa điểm, tích cực hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ những khó khăn vướng mắc đảm bảo sớm đưa các dự án đã được cấp phép.
11. Cục Hải quan, các Cảng biển
- Tạo mọi điều kiện thuận lợi và nhanh chóng trong việc giải quyết các thủ tục hành chính, nâng cao năng lực xếp dỡ, vận tải hàng hóa cho các doanh nghiệp để góp phần phục vụ phát triển xuất khẩu.
- Đẩy mạnh Chính phủ điện tử trong ngành Hải quan nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tốt có hiệu quả trong khai báo thủ tục xuất nhập khẩu, kê khai thuế,...
12. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Bình Định: Chỉ đạo, hướng dẫn các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh:
- Tạo điều kiện thuận lợi cho vay đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu, nhất là doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng xuất khẩu có tiềm năng xuất khẩu như nông sản (tinh bột sắn), chế biến gỗ, thủy hải sản, may mặc, giày dép... và các dự án đầu tư mới, đầu tư mở rộng, đầu tư chiều sâu.
- Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính tạo thuận lợi doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng trong vay vốn; xem xét tăng hạn mức cấp tín dụng đối với các doanh nghiệp đủ điều kiện vay đảm bảo đủ nguồn vốn quay vòng hoạt động vào những thời điểm đã có đơn hoặc hợp đồng các khách hàng.
13. Sở Giao thông Vận tải
Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan lập danh mục các dự án kêu gọi đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh (tuyến đường quốc lộ, tuyến đường vào các Khu - Cụm công nghiệp, mở rộng Cảng Quy Nhơn, …); tăng cường quản lý, bảo trì mạng lưới công trình giao thông đường bộ, bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ cho vận chuyển hàng hóa xuất khẩu thuận lợi.
14. Sở Xây dựng
Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan lập danh mục các dự án kêu gọi đầu tư dịch vụ logistics đáp ứng điều kiện lưu kho, khu trung chuyển hàng hóa cho hoạt động xuất khẩu; xây dựng các cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực, khuyến khích và xã hội hóa việc đầu tư phát triển, quản lý khai thác và cung cấp các dịch vụ hạ tầng kỹ thuật (cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, chiếu sáng, chất thải rắn…) cho các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao.
Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện đơn giản hóa các thủ tục hành chính thuế, triển khai thu ngân sách nhà nước liên thông giữa các cơ quan, thuế, hải quan, Kho bạc và Tài chính; tham mưu, triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách của Trung ương và địa phương (như các biện pháp hoàn, miễn, giảm, gia hạn nộp thuế...) cho doanh nghiệp.
16. Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Bình Định
Tạo điều kiện bảo lãnh vay vốn tại các ngân hàng thương mại đối với các doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn nhưng thiếu tài sản bảo đảm.
17. UBND các huyện, thị xã, thành phố
- Có trách nhiệm phối hợp với các sở, ngành liên quan của tỉnh triển khai thực hiện các quy hoạch, dự án, chương trình mở rộng và phát triển các khu, cụm công nghiệp, các làng nghề, vùng sản xuất nguyên liệu tập trung để cung ứng tốt nhất cho các doanh nghiệp sản xuất chế biến hàng xuất khẩu.
- Theo dõi các mặt hàng thuộc nhóm hàng nông, lâm, thủy sản trên địa bàn xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch báo cáo về Sở Công Thương (cơ quan thường trực BCĐ) để tổng hợp, báo cáo theo quy định.
18. Các Hiệp hội ngành hàng
- Phối hợp với Sở Công Thương nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách và biện pháp khuyến khích hỗ trợ các tổ chức cá nhân đầu tư phát triển hàng xuất khẩu; tuyên truyền, phổ biến các quy hoạch, đề án, chương trình, kế hoạch phát triển hàng xuất khẩu của tỉnh cho doanh nghiệp thành viên để có định hướng và kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu phù hợp với đề án.
- Xây dựng các Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp làm cầu nối cho các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp tiếp cận nhau; tổ chức định kỳ đối thoại giữa các tổ chức tín dụng với các Hiệp hội ngành nghề để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp cận vốn ngân hàng của các doanh nghiệp; hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc khai thác thị trường đầu ra thông qua việc cung cấp thông tin thị trường trong nước cũng như xuất khẩu, các hoạt động xúc tiến thương mại, các hoạt động triển lãm …
THÀNH PHẦN KINH TẾ, NHÓM - MẶT HÀNG THAM GIA XUẤT KHẨU TỈNH BÌNH ĐỊNH GIAI ĐOẠN 2011 - 2020
STT | CÁC CHỈ TIÊU XUẤT KHẨU | ĐVT | Giai đoạn 2006 - 2010 | Giai đoạn 2011 - 2015 | Giai đoạn 2016 - 2020 | |||||||||||||
Kế hoạch | Thực hiện | Tỷ lệ % so với | Năm gốc 2015 | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | Tổng cộng | Tốc độ tăng trưởng | ||||||||
Giá trị (1000USD) | Tốc độ tăng trưởng | Giá trị (1000USD) | Tốc độ tăng trưởng | Giá trị (1000USD) | Tốc độ tăng trưởng | Giá trị XK của giai đoạn 2006-2010 | Giá trị XK theo Kế hoạch | |||||||||||
A | TỔNG KIM NGẠCH XUẤT KHẨU | 1000USD | 1.781.317 | 14,7 | 2.800.000 | 8,6 | 2.987.623 | 10,4 | 167,7 | 106,7 | 702.116 | 730.000 | 800.000 | 890.000 | 990.000 | 1.110.000 | 4.520.000 | 9,6 |
I | Số lượt doanh nghiệp tham gia xuất khẩu | DN | 597 |
|
|
| 1.114 |
|
|
| 237 | 230 | 250 | 280 | 290 | 300 | 1.350 | 4,8 |
| Trong đó thành phần kinh tế gồm: |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
- | Kinh tế Nhà nước | 1000USD | 345.429 |
| 108.000 |
| 294.135 | -10,8 | 85,2 | 272,3 | 38.536 | 42.000 | 40.000 | 38.000 | 35.000 | 32.000 | 187.000 | -3,6 |
- | Kinh tế Tập thể | “ | 968 |
| 2.700 |
| 206 | -26,6 |
| 7,6 | 25 | 25 | 30 | 35 | 40 | 45 | 175 | 12,5 |
- | Kinh tế Cá thể | “ |
|
|
|
| 21 |
|
|
| 21 | 25 | 27 | 29 | 31 | 34 | 146 | 10,1 |
- | Kinh tế Tư nhân | “ | 1.370.321 |
| 2.580.800 |
| 2.515.091 | 12,0 | 183,5 | 97,5 | 604.330 | 623.950 | 689.943 | 775.936 | 872.929 | 987.921 | 3.950.679 | 10,3 |
- | Kinh tế có vốn Đầu tư nước ngoài | “ | 64.599 |
| 108.500 |
| 178.170 | 30,5 | 275,8 | 164,2 | 59.204 | 64.000 | 70.000 | 76.000 | 82.000 | 90.000 | 382.000 | 8,7 |
II | KN xuất khẩu trực tiếp | 1000USD | 1.739.610 | 14,3 | 2.742.000 | 8,7 | 2.923.558 | 10,3 | 168,1 | 106,6 | 685.879 | 714.670 | 781.600 | 870.420 | 969.210 | 1.082.250 | 4.418.150 | 9,6 |
| (II) so với (A) | % | 97,7 |
| 97,9 |
| 97,9 |
|
|
| 97,7 | 97,9 | 97,7 | 97,8 | 97,9 | 97,5 | 97,7 |
|
III | Ủy thác xuất khẩu | 1000USD | 41.707 |
| 58.000 |
| 64.065 | 15,2 | 153,6 | 110,5 | 16.237 | 15.330 | 18.400 | 19.580 | 20.790 | 27.750 | 101.850 |
|
| (III) so với (A) | % | 2,3 |
| 2,1 |
| 2,1 |
|
|
| 2,3 | 2,1 | 2,3 | 2,2 | 2,1 | 2,5 | 2,3 |
|
B | NHÓM HÀNG XUẤT KHẨU | 1000USD | 1.781.317 | 14,7 | 2.800.000 |
| 2.987.623 | 10,4 | 167,7 | 106,7 | 702.591 | 730.000 | 800.000 | 890.000 | 990.000 | 1.110.000 | 4.520.000 | 9,6 |
- | Nông sản | “ | 328.457 | 18,3 | 407.000 |
| 560.875 | 9,7 | 170,8 | 137,8 | 109.623 | 105.000 | 113.600 | 123.900 | 131.500 | 137.200 | 611.200 | 4,6 |
- | Lâm sản | “ | 1.093.531 | 12,9 | 1.745.000 |
| 1.484.342 | 6,4 | 135,7 | 85,1 | 369.026 | 366.500 | 381.000 | 414.000 | 443.500 | 474.000 | 2.079.000 | 5,1 |
- | Thủy hải sản | “ | 144.908 | 21,6 | 298.000 |
| 282.805 | 11,6 | 195,2 | 94,9 | 67.160 | 78.000 | 85.000 | 93.000 | 100.000 | 110.000 | 466.000 | 10,4 |
- | Khoáng sản và Vật liệu xây dựng | “ | 131.130 | 19,6 | 184.000 |
| 298.267 | 2,2 | 227,5 | 162,1 | 34.388 | 40.200 | 45.000 | 50.500 | 57.000 | 62.000 | 254.700 | 12,5 |
- | Công nghiệp, chế biến và tiêu dùng | “ | 83.291 | 11,3 | 166.000 |
| 361.335 | 48,0 | 433,8 | 217,7 | 122.394 | 140.300 | 175.400 | 208.600 | 258.000 | 326.800 | 1.109.100 | 21,7 |
C | MẶT HÀNG XUẤT KHẨU | 1000USD | 1.781.317 | 14,7 | 2.800.000 |
| 2.987.623 | 10,4 | 167,7 | 106,7 | 702.591 | 730.000 | 800.000 | 890.000 | 990.000 | 1.110.000 | 4.520.000 | 9,6 |
I | Hàng Nông sản | 1000USD | 328.457 | 18,3 | 407.000 |
| 560.875 | 9,7 | 170,8 | 137,8 | 109.623 | 105.000 | 113.600 | 123.900 | 131.500 | 137.200 | 611.200 | 4,6 |
| Tỷ trọng so với Tổng KNXK | % | 18,4 |
| 14,5 |
| 18,8 |
|
|
| 15,6 | 14,4 | 14,2 | 13,9 | 13,3 | 12,4 | 13,5 | -4,6 |
1 | Gạo | Tấn | 146.994 | 30,6 | 123.650 |
| 163.849 | -16,1 | 111,5 | 132,5 | 18.520 | 20.000 | 24.000 | 27.000 | 30.000 | 32.000 | 133.000 | 11,6 |
| Trong đó: UTXK | " |
|
|
|
| 22.252 | -8,6 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2 | Sắn lát | " | 160.921 | 10,3 | 93.100 |
| 362.786 | 26,1 | 225,4 | 389,7 | 73.753 | 60.000 | 58.000 | 55.000 | 50.000 | 45.000 | 268.000 | -9,4 |
| Trong đó: UTXK | " |
|
|
|
| 4.465 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
3 | Tinh bột sắn | " | 2.291 | 17,0 | 15.950 |
| 18.777 | 79,2 | 819,6 | 117,7 | 13.767 | 18.500 | 22.000 | 28.000 | 35.000 | 40.000 | 143.500 | 23,8 |
| Trong đó: UTXK | " |
|
|
|
| 870 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
4 | Tinh bột sắn biến tính | " |
|
| 138.200 |
| 4.546 |
|
| 3,3 | 3.264 | 5.000 | 7.000 | 10.000 | 12.000 | 15.000 | 49.000 | 35,7 |
5 | Cao su | " | 322 |
|
|
| 5.934 |
| 1.842,9 |
|
| 1.000 | 1.000 | 1.100 | 1.000 | 1.200 | 5.300 |
|
6 | Cà phê | " | 4.061 |
| 6.000 |
| 2.891 | -14,7 | 71,2 | 48,2 | 286 | 500 | 600 | 800 | 1.000 | 1.000 | 3.900 | 28,4 |
7 | Nhân hạt điều | " | 13.585 | -54,2 | 21.900 |
| 476 | -100,0 | 3,5 | 2,2 |
|
|
|
|
|
|
|
|
8 | Cơm dừa sấy khô | 1000USD |
|
| 4.200 |
| 463 |
|
| 11,0 |
|
|
|
|
|
|
|
|
9 | Tiêu hạt | Tấn |
|
|
|
| 1.153 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
10 | Đậu đỗ và nông sản khác | 1000USD | 283 |
| 4.000 |
|
|
|
|
| 33 |
| 1.000 | 2.000 | 2.500 | 3.000 | 8.500 | 146,4 |
II | Hàng Lâm sản | 1000USD | 1.093.531 | 12,9 | 1.745.000 | 8,3 | 1.484.342 | 6,4 | 135,7 | 85,1 | 369.026 | 366.500 | 381.000 | 414.000 | 443.500 | 474.000 | 2.079.000 | 5,1 |
| Tỷ trọng so với Tổng KNXK | % | 61,4 |
| 62,3 |
| 49,7 |
|
|
| 52,5 | 50,2 | 47,6 | 46,5 | 44,8 | 42,7 | 46,0 | -4,1 |
1 | Sản phẩm gỗ ngoài trời | m3 | 942.787 | 12,3 | 1.283.400 |
| 945.899 | -2,4 | 100,3 | 73,7 | 199.885 | 200.000 | 210.000 | 220.000 | 230.000 | 245.000 | 1.105.000 | 4,2 |
| Trong đó: UTXK | " |
|
|
|
| 8.391 | 35,5 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2 | Sản phẩm gỗ nội thất | " | 19.077 | -19,7 | 311.500 | 67,9 | 75.522 | 67,8 | 395,9 | 24,2 | 33.944 | 40.000 | 50.000 | 65.000 | 80.000 | 95.000 | 330.000 | 22,9 |
3 | Dăm gỗ | Tấn | 110.318 | 14,9 | 123.300 | -7,0 | 337.503 | 16,6 | 305,9 | 273,7 | 74.139 | 85.000 | 75.000 | 70.000 | 65.000 | 60.000 | 355.000 | -4,1 |
| Trong đó: UTXK | " |
|
|
|
| 14.181 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
4 | Gỗ nguyên liệu | m3 | 18.222 | 13,0 |
|
| 43.085 | 55,4 | 236,4 |
| 30.809 | 15.000 | 13.000 | 12.000 | 12.000 | 11.000 | 63.000 | -18,6 |
5 | Bột gỗ | Tấn |
| 114,2 | 2.500 |
| 28.653 |
|
| 1.146,1 | 3.361 | 2.500 | 4.500 | 6.500 | 8.000 | 10.000 | 31.500 | 24,4 |
6 | Viên nén gỗ | " |
|
|
|
| 36.608 |
|
|
| 17.036 | 15.000 | 15.000 | 16.000 | 17.000 | 18.000 | 81.000 | 1,1 |
7 | Sản phẩm song mây | 1000USD | 1.961 | -17,1 | 2.500 | 17,5 | 6.035 | 58,2 | 307,8 | 241,4 | 2.648 | 5.000 | 5.500 | 7.000 | 7.500 | 8.000 | 33.000 | 24,7 |
8 | Thảm sơ dừa | 1000 cái |
|
|
|
| 492 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
9 | Ván lạng | m3 |
|
|
|
| 6.518 |
|
|
| 3.945 | 3.000 | 5.000 | 8.000 | 11.000 | 13.000 | 40.000 | 26,9 |
10 | Panel lót sàn | 1000USD |
|
|
|
| 3.655 |
|
|
| 3.238 | 1.000 | 2.000 | 3.000 | 3.500 | 4.000 | 13.500 | 4,3 |
11 | Cây giống | " | 1.166 |
|
|
| 372 |
| 31,9 |
| 21 |
|
|
|
|
|
|
|
12 | Sản phẩm mỹ nghệ | " |
|
| 1.900 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
13 | Mặt hàng khác | " |
|
| 19.900 | 9,5 |
|
|
|
|
|
| 1.000 | 6.500 | 9.500 | 10.000 | 27.000 | 243,2 |
III | Hàng Thủy hải sản | 1000USD | 144.908 | 21,6 | 298.000 | 13,2 | 282.805 | 11,6 | 195,2 | 94,9 | 67.160 | 78.000 | 85.000 | 93.000 | 100.000 | 110.000 | 466.000 | 10,4 |
| Tỷ trọng so với Tổng KNXK | % | 8,1 |
| 10,6 |
| 9,5 |
|
|
| 9,6 | 10,7 | 10,6 | 10,4 | 10,1 | 9,9 | 10,3 | 0,7 |
1 | Thủy hải sản đông lạnh | Tấn | 142.058 | 22,6 | 292.000 | 12,9 | 282.805 | 11,9 | 199,1 | 96,9 |
|
|
|
|
|
|
|
|
- | Cá đông lạnh | " |
|
|
|
| 181.159 | 13,2 |
|
| 49.280 | 55.000 | 60.000 | 65.000 | 70.000 | 78.000 | 328.000 | 9,6 |
| Trong đó: UTXK | " |
|
|
|
| 404 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
- | Tôm đông lạnh | " |
|
|
|
| 101.646 | 8,9 |
|
| 17.880 | 23.000 | 25.000 | 26.000 | 27.000 | 28.000 | 129.000 | 9,4 |
| Trong đó: UTXK | " |
|
|
|
| 14.337 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2 | Yến sào | kg | 2.850 | -7,2 | 3.750 | 17,2 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
3 | Thủy hải sản khác | 1000UUSD |
|
| 2.250 |
|
|
|
|
|
|
|
| 2.000 | 3.000 | 4.000 | 9.000 |
|
IV | Hàng Khoáng sản và Vật liệu xây dựng | 1000USD | 131.130 | 19,6 | 184.000 |
| 298.267 | 2,2 | 227,5 | 162,1 | 34.388 | 40.200 | 45.000 | 50.500 | 57.000 | 62.000 | 254.700 | 12,5 |
| Tỷ trọng so với Tổng KNXK | % | 7,4 |
| 6,6 |
| 10,0 |
|
|
| 4,9 | 5,5 | 5,6 | 5,7 | 5,8 | 5,6 | 5,6 | 2,7 |
1 | Khoáng sản | Tấn | 93.442 | 23,8 | 123.800 | 5,5 | 215.601 | -9,6 | 230,7 | 174,2 | 14.650 | 8.000 | 5.000 | 3.000 | 2.000 | 1.000 | 19.000 | -41,5 |
2 | Đá xây dựng các loại | m3 | 33.081 | 12,3 | 44.740 | 13,9 | 79.613 | 24,0 | 240,7 | 177,9 | 18.743 | 30.700 | 38.000 | 45.000 | 50.000 | 53.000 | 216.700 | 23,1 |
| Trong đó: UTXK | " |
|
|
|
| 35 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
3 | Cát các loại | Tấn | 169 |
|
|
| 2.857 |
|
|
| 988 | 1.450 | 1.940 | 2.300 | 3.300 | 4.000 | 12.990 | 32,3 |
5 | Gốm sứ |
| 4.059 |
| 10.000 | 53,9 | 196 | -51,7 | 4,8 | 2,0 | 7 |
|
|
|
|
|
|
|
6 | Mặt hàng khác |
| 379 |
| 5.460 |
|
|
| 0,0 | 0,0 |
| 50 | 60 | 200 | 1.700 | 4.000 | 6.010 | 256,0 |
V | Hàng Công nghiệp, chế biến và tiêu dùng | 1000USD | 83.291 | 11,3 | 166.000 | 13,5 | 361.335 | 48,0 | 433,8 | 217,7 | 122.394 | 140.300 | 175.400 | 208.600 | 258.000 | 326.800 | 1.109.100 | 21,7 |
| Tỷ trọng so với Tổng KNXK | % | 4,7 |
| 5,9 |
| 12,1 |
|
|
| 17,4 | 19,2 | 21,9 | 23,4 | 26,1 | 29,4 | 24,5 | 11,1 |
1 | Sản phẩm may mặc | 1000USD | 25.884 | -2,2 | 43.900 | 21,0 | 246.973 | 78,4 | 954,2 | 562,6 | 86.578 | 95.000 | 110.000 | 120.000 | 130.000 | 150.000 | 605.000 | 11,6 |
2 | Giày dép | 1000 đôi | 29.763 | 22,2 | 56.800 | 9,8 | 46.697 | 3,5 | 156,9 | 82,2 | 9.776 | 13.000 | 16.000 | 19.000 | 23.000 | 26.000 | 97.000 | 21,6 |
3 | Sản phẩm bằng nhựa (bàn ghế nhựa, ống nhựa) | 1000 cái | 678 |
| 3.110 | 39,2 | 16.170 | 76,8 | 2.385,0 | 519,9 | 6.584 | 14.000 | 20.000 | 27.000 | 30.000 | 35.000 | 126.000 | 39,7 |
4 | Nhang cây | 1000USD |
|
| 18.500 |
| 6.050 |
|
| 32,7 | 4.416 | 4.500 | 5.500 | 6.000 | 7.000 | 8.000 | 31.000 | 12,6 |
5 | Nệm ghế các loại | 1000USD | 1.157 |
| 3.770 | 6,8 | 5.321 | 32,5 | 459,9 | 141,1 | 1.449 | 1.600 | 2.000 | 2.700 | 3.500 | 4.500 | 14.300 | 25,4 |
6 | Sản phẩm thủ công mỹ nghệ | " |
|
| 1.090 | 33,6 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
7 | Thuốc chữa bệnh | " | 9.108 | 24,7 | 11.000 | 26,4 | 6.870 | -1,1 | 75,4 | 62,5 | 1.605 | 2.400 | 3.200 | 3.500 | 4.000 | 5.000 | 18.100 | 25,5 |
8 | Nguyên liệu SX thuốc | " | 792 |
| 4.970 | 5,9 | 4.598 |
| 580,6 | 92,5 | 478 | 600 | 1.200 | 1.500 | 1.700 | 2.000 | 7.000 | 33,1 |
9 | Thiết bị, máy móc y tế | " | 1.865 | -3,4 | 5.350 | 32,9 | 304 | 7,7 | 16,3 | 5,7 | 303 | 400 | 500 | 800 | 1.000 | 1.500 | 4.200 | 37,7 |
10 | Sản phẩm từ sắt thép (Inox) | " | 3.176 |
| 6.900 | 9,7 | 5.571 | -4,3 | 175,4 | 80,7 | 787 | 1.850 | 3.500 | 7.000 | 11.000 | 18.000 | 41.350 | 87,0 |
11 | Sắt thép | Tấn |
|
|
|
| 102 |
|
|
| 102 | 250 | 600 | 900 | 1.200 | 1.500 | 4.450 | 71,2 |
12 | Bàn ghế gỗ và sắt | chiếc |
|
| 1.720 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
13 | Máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng | " | 386 |
|
|
| 1.633 | 30,3 |
|
| 1.077 | 1.200 | 1.500 | 2.000 | 2.700 | 3.500 | 10.900 | 26,6 |
14 | Thiết bị điện | 1000USD | 351 |
|
|
| 1.962 |
|
|
| 475 | 600 | 700 | 900 | 1.200 | 1.500 | 4.900 | 25,9 |
15 | Phân bón các loại | Tấn | 508 |
|
|
| 1.191 |
| 234,4 |
| 283 | 500 | 1.000 | 1.200 | 1.500 | 2.000 | 6.200 | 47,9 |
16 | Hóa chất (Than hoạt tính) | " |
|
|
|
| 1.395 |
|
|
| 455 | 200 | 250 | 300 | 400 | 500 | 1.650 | 1,9 |
17 | Chất dẻo nguyên liệu | Tấn |
|
|
|
| 180 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
18 | Thủy tinh và các sản phẩm bằng thủy tinh | " |
|
|
|
| 165 |
|
|
| 70 | 320 | 370 | 500 | 700 | 800 | 2.690 | 62,8 |
19 | Đường, sản phẩm sau đường | " |
|
| 1.400 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
20 | Sản phẩm thực phẩm đóng hộp | " |
|
| 760 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
21 | Thức ăn gia súc |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 1.000 | 1.500 | 2.500 | 3.500 | 8.500 |
|
22 | Hàng hóa khác | " | 9.623 |
| 6.730 | 24,7 | 15.266 |
| 158,6 | 226,8 | 7.956 | 3.880 | 8.080 | 13.800 | 36.600 | 63.500 | 125.860 | 51,5 |
MẶT HÀNG XUẤT KHẨU CHỦ LỰC CỦA TÌNH BÌNH ĐỊNH GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
STT | CÁC CHỈ TIÊU XUẤT KHẨU | Giai đoạn 2006 - 2010 | Giai đoạn 2011 - 2015 | Thị trường xuất khẩu chính | |||||||||
Kế hoạch | Thực hiện | Tỷ lệ % so với | |||||||||||
Giá trị (1000USD) | Tốc độ tăng trưởng | Tỷ trọng | Giá trị (1000USD) | Tốc độ tăng trưởng | Giá trị (1000USD) | Tốc độ tăng trưởng | Tỷ trọng | giai đoạn 2006-2010 | Kế hoạch | ||||
| TỔNG KIM NGẠCH XUẤT KHẨU | 1.781.317 | 14,7 |
| 2.800.000 | 8,6 | 2.987.623 | 10,4 |
| 167,7 | 106,7 |
| |
| Tổng KNXK các mặt hàng chủ yếu | 1.691.763 |
| 95,0 | 2.682.590 |
| 2.884.362 |
| 96,5 | 170,5 | 107,5 |
| |
I | Hàng Nông sản | 314.310 | 18,3 |
| 407.000 |
| 560.875 | 9,7 |
| 178,4 | 137,8 |
| |
1 | 1 | Gạo | 147.026 | 30,6 | 46,8 | 123.650 |
| 163.849 | -16,1 | 29,2 | 111,4 | 132,5 | Bru-nây, In-đo-nê-xi-a, Xinh-ga-po, Phi-lip-pin, Ma-lai-xi-a. |
2 | 2 | Sắn và các sản phẩm từ sắn | 141.208 |
| 44,9 | 247.250 |
| 386.109 |
| 68,8 | 273,4 |
|
|
| - | Sắn lát | 138.943 | 10,3 | 44,2 | 93.100 |
| 362.786 | 26,1 | 64,7 | 261,1 | 389,7 | Trung Quốc, Hàn Quốc |
| - | Tinh bột sắn | 2.265 | 17,0 | 0,7 | 15.950 |
| 18.777 | 79,2 | 3,3 | 829,0 | 117,7 | Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a |
| - | Tinh bột sắn biến tính |
|
|
| 138.200 |
| 4.546 |
| 0,8 |
| 3,3 | Trung Quốc |
II | Hàng Lâm sản | 1.104.710 | 12,9 |
| 1.745.000 | 8,3 | 1.484.342 | 6,4 |
| 134,4 | 85,1 |
| |
3 | 1 | Đồ gỗ ngoại thất | 931.751 | 12,3 | 84,3 | 1.283.400 |
| 945.899 | -2,4 | 63,7 | 101,5 | 73,7 | Ô-xtrây-li-a, Đức, Pháp, Anh, Mỹ |
4 | 2 | Đồ gỗ nội thất | 33.722 | -19,7 | 3,1 | 311.500 | 67,9 | 75.522 | 67,8 | 5,1 | 224,0 | 24,2 | Anh, Ca-na-đa, Lat-vi-a, Ô-xtrây-li-a, Ma-lai-xi-a |
5 | 3 | Dăm gỗ | 104.628 | 14,9 | 9,5 | 123.300 | -7,0 | 337.503 | 16,6 | 22,7 | 322,6 | 273,7 | Trung Quốc, Nhật Bản |
6 | 4 | Bột gỗ | 9.221 | 114,2 | 0,8 | 2.500 |
| 28.653 |
| 1,9 | 310,7 | 1.146,1 | Ấn Độ, Phi-lip-pin, Băng-la-đet |
7 | 5 | Viên nén gỗ |
|
|
|
|
| 36.608 |
| 2,5 |
|
| Hàn Quốc |
III | Hàng Thủy hải sản | 144.259 | 21,6 |
| 298.000 | 13,2 | 282.805 | 11,6 |
| 196,0 | 94,9 |
| |
8 | 1 | Thủy hải sản đông lạnh | 141.404 | 22,6 | 98,0 | 292.000 | 12,9 | 282.805 | 11,9 | 100,0 | 200,0 | 96,9 |
|
| - | Hải sản đông |
|
|
|
|
| 181.159 | 13,2 | 64,1 |
|
| Bỉ, Đức, Tây Ban Nha, Pháp, I-xra-en, Hàn Quốc và Mỹ |
| - | Tôm đông lạnh |
|
|
|
|
| 101.646 | 8,9 | 35,9 |
|
| Đức, Ai-cập, Pháp, Hồng Kông và Hàn Quốc |
IV | Hàng Khoáng sản và Vật liệu xây dựng | 122.030 | 19,6 |
| 184.000 |
| 298.267 | 2,2 |
| 244,4 | 162,1 |
| |
9 | 1 | Khoáng sản | 83.747 | 23,8 | 68,6 | 123.800 | 5,5 | 215.601 | -9,6 | 72,3 | 257,4 | 174,2 | Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc |
10 | 2 | Đá xây dựng các loại | 31.027 | 12,3 | 25,4 | 44.740 | 13,9 | 79.613 | 24,0 | 26,7 | 256,6 | 177,9 | Thổ-Nhĩ-Kỳ, Đức, I-ta-li-a |
V | Hàng Công nghiệp, chế biến và tiêu dùng | 75.167 | 11,3 |
| 166.000 | 13,5 | 361.335 | 48,0 |
| 480,7 | 217,7 |
| |
11 | 1 | Sản phẩm may mặc | 24.865 | -2,2 | 33,1 | 43.900 | 21,0 | 246.973 | 78,4 | 68,4 | 993,3 | 562,6 | Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ |
12 | 2 | Giày dép các loại | 29.553 | 22,2 | 39,3 | 56.800 | 9,8 | 46.697 | 3,5 | 12,9 | 158,0 | 82,2 | Anh, Đức, Tây Ban Nha, I-ta-li-a. |
13 | 3 | Nệm ghế các loại | 694 |
| 0,9 | 3.770 | 6,8 | 5.321 | 32,5 | 1,5 | 766,7 | 141,1 | I-ta-li-a, Đức, Mỹ |
14 | 4 | Thuốc chữa bệnh | 6.140 | 24,7 | 8,2 | 11.000 | 26,4 | 6.870 | -1,1 | 1,9 | 111,9 | 62,5 | Thái Lan, Căm-pu-chia, My-an-ma, Lào |
15 | 5 | Nguyên liệu SX thuốc | 3.571 |
| 4,8 | 4.970 | 5,9 | 4.598 |
| 1,3 | 128,8 | 92,5 | Lào |
16 | 6 | Sản phẩm từ sắt thép (Inox) | 2.550 |
| 3,4 | 6.900 | 9,7 | 5.571 | -4,3 | 1,5 | 218,5 | 80,7 | Ô-xtrây-li-a |
17 | 7 | Sản phẩm từ chất dẻo (nhựa) | 656 |
| 0,9 | 3.110 | 39,2 | 16.170 | 76,8 | 4,5 | 2.464,9 | 519,9 | Đức, Ô-xtrây-li-a, Hà Lan. |
THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU CHỦ LỰC CỦA TỈNH BÌNH ĐỊNH GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
STT | Tên thị trường | Thị trường (quốc gia) | Giai đoạn 2006 - 2010 | Giai đoạn 2011 - 2015 | Tỷ lệ % so với cùng kỳ | Mặt hàng tham gia xuất khẩu chủ yếu | |||
Giai đoạn 2006-2010 | Giai đoạn 2011-2015 | KNXK (1000USD) | Tốc độ tăng trưởng | KNXK (1000USD) | Tốc độ tăng trưởng | ||||
| Tổng KNXK trực tiếp | 123 | 124 | 1.739.610 | 14,30 | 2.923.558 | 10,35 | 168,06 |
|
I | Thị trường xuất khẩu tại các Châu lục |
|
|
|
|
|
|
|
|
1 | Châu Á | 35 | 39 | 563.698 | 22,22 | 1.598.238 | 19,53 | 283,53 |
|
| Tỷ trọng so với tổng KNXK trực tiếp |
|
| 32,40 |
| 54,67 |
|
|
|
| Thị trường xuất khẩu chủ yếu gồm: |
|
|
|
|
|
|
|
|
1 | Trung Quốc |
|
| 244.601 | 31,37 | 729.849 | 15,93 | 298,38 | Sắn và các sản phẩm từ sắn, dăm gỗ, khoáng sản titan, … |
2 | Nhật Bản |
|
| 66.001 | 2,62 | 326.252 | 46,68 | 494,31 | Hàng may mặc, dăm gỗ, khoáng sản titan,… |
3 | Hàn Quốc |
|
| 41.433 | -11,72 | 154.314 | 38.13 | 372,44 | Sắn lát, viên nén gỗ, hàng may mặc, thủy hải sản đông, khoáng sản titan,… |
4 | Ấn-Độ |
|
| 11.620 | 226,37 | 83.831 | 50,71 | 721,44 | Tinh bột sắn, dăm gỗ, máy làm nhang, bột gỗ |
4 | Thổ-Nhĩ-Kỳ |
|
| 12.031 | 36,93 | 64.644 | 37,39 | 537,31 | Đá các loại, đồ gỗ ngoại thất và nội thất, bàn ghế nhựa |
2 | Châu Âu | 36 | 38 | 939.567 | 13,27 | 1.003.013 | -0,83 | 106,75 |
|
| Tỷ trọng so với tổng KNXK trực tiếp |
|
| 54,01 |
| 34,31 |
|
|
|
| Thị trường xuất khẩu chủ yếu gồm: |
|
|
|
|
|
|
|
|
1 | Đức |
|
| 216.714 | 23,77 | 312.590 | 4,50 | 144,24 | Đồ gỗ ngoại thất, thủy hải sản đông, giày dép các loại, bàn ghế nhựa, đá các loại… |
2 | Pháp |
|
| 204.076 | 1,91 | 165.316 | -1,15 | 81,01 | Đồ gỗ ngoại thất và nội thất, thủy hải sản đông, … |
3 | Anh |
|
| 96.724 | 5,91 | 166.965 | 9,23 | 172,62 | Đồ gỗ ngoại thất và nội thất, thủy hải sản đông, giày dép các loại,… |
4 | I-ta-li-a |
|
| 84.961 | 16,79 | 69.818 | -9,43 | 82,18 | Đồ gỗ ngoại thất, thủy hải sản đông |
3 | Châu Đại Dương | 6 | 6 | 48.776 | 31,14 | 147.810 | 19,08 | 303,04 |
|
| Tỷ trọng so với tổng KNXK trực tiếp |
|
| 2,80 |
| 5,06 |
|
|
|
| Thị trường xuất khẩu chủ yếu gồm: |
|
|
|
|
|
|
|
|
1 | Ô-xtrây-li-a |
|
| 46.065 | 33,57 | 141.387 | 18,41 | 306,93 | Sản phẩm bằng Inox, đồ gỗ ngoại thất và nội thất, hải sản đông, bàn ghế nhựa |
4 | Châu Mỹ | 27 | 24 | 115.139 | -1,07 | 138.583 | 23,55 | 120,36 |
|
| Tỷ trọng so với tổng KNXK trực tiếp |
|
| 6,62 |
| 4,74 |
|
|
|
| Thị trường xuất khẩu chủ yếu gồm: |
|
|
|
|
|
|
|
|
1 | Mỹ |
|
| 97.816 | -2,10 | 101.934 | 22,37 | 104,21 | Hàng may mặc, hải sản đông |
2 | Ca-na-đa |
|
| 9.828 | 0,58 | 14.022 | 17,05 | 142,67 | Đồ gỗ ngoại thất |
3 | Mê-hi-cô |
|
| 829 | -17,04 | 9.656 | 106,06 | 1.164,78 | Thủy hải sản đông |
5 | Châu Phi | 19 | 20 | 16.309 | 17,14 | 35.874 | 1,48 | 219,96 |
|
| Tỷ trọng so với tổng KNXK trực tiếp |
|
| 0,94 |
| 1,23 |
|
|
|
| Thị trường xuất khẩu chủ yếu gồm: |
|
|
|
|
|
|
|
|
1 | Ai-cập |
|
| 6.542 |
| 20.101 | 5,68 | 307,26 | Thủy hải sản đông, đồ gỗ ngoại thất |
2 | Mô-ri-tuyt |
|
| 742 |
| 3.485 | 2,40 | 469,68 | Hải sản đông |
3 | Nam-phi |
|
| 1.506 | -40,54 | 2.858 | 62,30 | 189,77 | Đồ gỗ ngoại thất |
II | Thị trường xuất khẩu theo các FTA |
|
|
|
|
|
|
|
|
1 | FTA Việt Nam - Nhật Bản |
|
| 66.001 | 2,62 | 326.252 | 46,68 | 494,31 | Hàng may mặc, dăm gỗ, khoáng sản titan,… |
2 | FTA Việt Nam - Chi Lê |
|
| 40 |
| 723 |
| 1.807,50 | Đồ gỗ ngoại thất, thủy hải sản đông, giày dép các loại,… |
3 | FTA Việt Nam - Hàn Quốc |
|
| 41.433 | -11,72 | 154.314 | 38,13 | 372,44 | Sắn lát, viên nén gỗ, hàng may mặc, thủy hải sản đông, khoáng sản titan,… |
4 | FTA Việt Nam - Liên minh kinh tế Á Âu |
|
| 3.348 | 56,76 | 16.136 | 18,56 | 481,96 | Khoáng sản titan, đồ gỗ ngoại thất,… |
5 | FTA Việt Nam - Liên minh Châu Âu |
|
| 903.028 | 13,20 | 973.660 | -0.70 | 107.82 | Đồ gỗ ngoại thất và nội thất, thủy hải sản đông, giày dép các loại,… |
6 | Cộng đồng kinh tế ASEAN |
|
| 117.650 | 27,97 | 150.722 | -7,82 | 128.11 | Thuốc tây, nguyên liệu thuốc tây, gạo, khoáng sản, đồ gỗ nội thất |
7 | KNXK tại các nước thành viên tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) |
|
| 289.248 | 11,30 | 684.748 | 22.57 | 236,73 | Đá xây dựng các loại, đồ gỗ ngoại thất và nội thất, thủy hải sản đông, hàng may mặc, dăm gỗ, khoáng sản titan, giày dép các loại, sản phẩm bằng Inox, gạo các loại, … |
THÀNH PHẦN KINH TẾ, MẶT HÀNG, THỊ TRƯỜNG NHẬP KHẨU TỈNH BÌNH ĐỊNH GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
STT | CÁC CHỈ TIÊU NHẬP KHẨU | KNNK giai đoạn 2006 - 2010 | KNNK giai đoạn 2011 - 2015 | % so với cùng kỳ |
A | TỔNG KIM NGẠCH XUẤT KHẨU | 748.804 | 1.062.550 | 141,9 |
| Thành phần kinh tế tham gia nhập khẩu |
|
|
|
- | Kinh tế Nhà nước | 226.536 | 176.234 | 77,8 |
- | Kinh tế Tư nhân | 460.273 | 733.538 | 159,4 |
- | Kinh tế có vốn Đầu tư nước ngoài | 61.995 | 152.778 | 246,4 |
B | MẶT HÀNG NHẬP KHẨU CHỦ YẾU |
|
|
|
- | Cá nguyên liệu | 41.312 | 103.587 | 250,7 |
- | Gỗ nguyên liệu các loại | 365.808 | 300.098 | 82,0 |
- | Nguyên liệu may | 17.440 | 114.421 | 656,1 |
- | Nguyên liệu SX thuốc tây | 25.442 | 48.639 | 191,2 |
- | Nguyên liệu SX thức ăn gia súc | 24.199 | 82.292 | 340,1 |
- | Phân bón các loại | 91.621 | 127.912 | 139,6 |
- | Máy móc thiết bị các loại | 120.647 | 155.684 | 129,0 |
C | THỊ TRƯỜNG NHẬP KHẨU | 748.804 | 1.062.550 |
|
I | CHÂU Á | 475.481 | 723.017 | 152,1 |
| Tỷ trọng so với tổng KNNK | 63,5 | 68,0 |
|
| Thị trường nhập khẩu chủ yếu, gồm: |
|
|
|
| Trung Quốc | 86.904 | 201.988 | 232,4 |
| Nhật Bản | 82.323 | 115.469 | 140,3 |
| Lào | 25.059 | 80.701 | 322,0 |
| Ấn-độ | 19.957 | 69.015 | 345,8 |
II | CHÂU ÂU | 34.867 | 61.905 | 177,5 |
| Tỷ trọng so với tổng KNNK | 4,7 | 5,8 |
|
| Thị trường nhập khẩu chủ yếu, gồm: |
|
|
|
| Na-uy | 1.405 | 8.036 | 572,0 |
| I-ta-li-a | 3.685 | 6.544 | 177,6 |
| Áo | 62 | 15.852 |
|
| Đức | 9.916 | 7.880 | 79,5 |
III | CHÂU MỸ | 103.470 | 171.324 | 165,6 |
| Tỷ trọng so với tổng KNNK | 13,8 | 16,1 |
|
| Thị trường nhập khẩu chủ yếu, gồm: |
|
|
|
| Ac-hen-ti-na | 318 | 23.331 | 7.336,8 |
| Mỹ | 4.298 | 20.635 | 480,1 |
| Bra-xin | 21.953 | 18.349 | 83,6 |
| U-ru-guay | 45.966 | 77.898 | 169,5 |
IV | CHÂU PHI | 63.237 | 33.241 | 52,6 |
| Tỷ trọng so với tổng KNNK | 8,4 | 3,1 |
|
| Thị trường nhập khẩu chủ yếu, gồm: |
|
|
|
| Nam-phi | 39.895 | 27.265 | 68,3 |
| Mali | 53 | 4.265 |
|
V | Châu Đại Dương | 71.749 | 73.063 | 101,8 |
| Tỷ trọng so với tổng KNNK | 9,6 | 6,9 |
|
| Thị trường nhập khẩu chủ yếu, gồm: |
|
|
|
| Niu-Di-lân | 17.980 | 11.785 | 65,5 |
| Pa-pua Niu Ghi-nê | 40.058 | 42.123 | 105,2 |
| Quần đảo Mat-san | 477 | 7.200 |
|
DANH MỤC CÁC DỰ ÁN SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP TỈNH BÌNH ĐỊNH GIAI ĐOẠN 2011 - 2020
STT | Tên dự án | Chủ dự án | Địa điểm | Loại sản phẩm | Công suất | Diện tích (ha) | Tổng vốn đầu tư | Thu hút lao động | Thời gian đi vào hoạt động | Ghi chú | |
A | GIAI ĐOẠN 2011 - 2015 |
|
|
|
|
|
|
|
|
| |
I. | Chế biến gỗ, lâm sản |
|
|
|
|
|
|
|
|
| |
1 | 1 | Nhà máy chế biến lâm sản nội thất | Công ty CP Lâm Nghiệp 19 | KCN Nhơn Hòa, An Nhơn, | chế biến lâm sản nội thất | 2.250 m3 sp | 2,9 | 31,3 | 400 | 2012 |
|
2 | 2 | Nhà máy SX nhiên liệu sinh học rắn | Công ty CP năng lượng Sinh học Phú Tài | KCN Phú Tài, Quy Nhơn | Viên gỗ nén | 54.000 tấn sp | 1,5 | 119,6 | 45 | 2013 |
|
3 | 3 | Dự án SX than Binchotan | Cty TNHH Sản xuất Thương mại Xuất nhập khẩu ANATA | CCN Tà Súc, Vĩnh Thạnh | Than | 2.5000 tấn sp |
| 17,5 |
| 2014 |
|
4 | 4 | Nhà máy SX Bột giấy và Bao bì | Cty TNHH Khánh Tiên | Xã Cát Nhơn, Phù Cát | Bột giấy và Bao bì | 5.300 tấn sp | 3,2 | 16,6 | 50 | 2012 |
|
5 | 5 | Nhà máy chế biến dăm gỗ | Cty TNHH NL Giấy Quy Nhơn | CCN Bồng Sơn | Chế biến dăm gỗ | 30.000 BDMT | 13,3 | 21,0 | 100 | 2012 |
|
6 | 6 | Nhà máy chế biến dăm gỗ | DNTN Thành An | KCN Long Mỹ, Quy Nhơn | Chế biến dăm gỗ | 72.000 BDMT | 3,0 | 10,0 |
| 2011 |
|
7 | 7 | Nhà máy chế biến dăm gỗ | Cty TNHH ĐT và TM TH Liên Gia Bảo | CCN Diêm Tiêu, Phù Mỹ | Chế biến dăm gỗ | 25.000 BDMT | 1,5 | 9,0 | 40 | 2011 |
|
8 | 8 | Nhà máy chế biến dăm gỗ | Cty CP Pisico - Hà Thanh | CCN Canh Vinh, Vân Canh | Chế biến dăm gỗ | 50.000 BDMT | 2,5 | 10,0 | 50 | 2011 |
|
9 | 9 | Nhà máy chế biến dăm gỗ | Cty TNHH Tây An | CCN Bình Nghi, Tây Sơn | Chế biến dăm gỗ | 50.000 BDMT | 2,7 | 17,0 | 100 | 2011 | Bán NM SX viên nén |
10 | 10 | Nhà máy chế biến dăm gỗ | Cty TNHH Thuận Tín | Xã Nhơn Hòa, An Nhơn | Chế biến dăm gỗ | 100.000 BDMT | 2 | 14,0 | 60 | 2011 | Tạm dừng (ÔNMT) |
11 | 11 | Nhà máy chế biến dăm gỗ | Cty TNHH NL Giấy Hồng Hải | KCN Nhơn Hòa, An Nhơn | Chế biến dăm gỗ | 120.000 BDMT | 2,2 | 37,0 | 70 | 3/2012 |
|
12 | 12 | Nhà máy chế biến dăm gỗ | Cty TNHH Đại Việt | KCN Nhơn Hòa, An Nhơn | Chế biến dăm gỗ | 50.000 BDMT | 1,5 | 8,0 |
| 7/2012 |
|
13 | 13 | Nhà máy chế biến dăm gỗ | Cty CP Đầu tư Quốc tế và XNK DHT | CCN Canh Vinh, Vân Canh | Chế biến dăm gỗ | 60.000 BDMT | 2,0 | 15,0 | 70 | 6/2012 |
|
14 | 14 | Nhà máy chế biến dăm gỗ | Cty CP SX-TM và XD Hoài Nhơn | CCN Bồng Sơn, Hoài Nhơn | Chế biến dăm gỗ | 30.000 BDMT | 2,2 | 13,5 | 100 | 2/2012 |
|
15 | 15 | Nhà máy chế biến dăm gỗ | Cty CP Thành Ngân | CCN Cầu 16, Tây Sơn | Chế biến dăm gỗ | 50.000 BDMT | 4,7 | 18,0 | 50 | 7/2012 |
|
16 | 16 | Nhà máy chế biến dăm gỗ | Cty CP Đầu tư và KDTH Thương Thảo | CCN Tường Sơn, Hoài Nhơn | Chế biến dăm gỗ | 30.000 BDMT | 3,3 | 12,0 | 70 | 7/2012 |
|
II. | Chế biến thực phẩm |
|
|
|
|
|
|
|
|
| |
17 | 1 | Nhà máy chế biến TACN | Cty TNHH Dinh dưỡng Á Châu (ANT) | KCN Nhơn Hòa, Nhơn Hòa, An Nhơn | Chế biến TACN | 120.000 tấn sp | 5,4 | 155,1 | 255 | 2014 |
|
18 | 2 | Nhà máy chế biến TACN | Cty TNHH New Hope Bình Định | Lô D2-3 KCN Nhơn Hòa, An Nhơn, Bình Định | Chế biến TACN | 100.000 tấn sp | 4,4 | 84,4 | 120 | 2013 |
|
19 | 3 | Nhà máy chế biến TACN | Cty CP Hồng Hà Bình Định | Khu vực Trung Ái, phường Nhơn Hòa, An Nhơn | Chế biến TACN | 192.000 tấn sp | 30,7 | 120,0 | 118 | 11/2013 |
|
20 | 4 | Nhà máy chế biến TACN | Cty TNHH Austfeed Bình Định | Lô L1-4 KCN B-KKT Nhơn Hội | Chế biến TACN | 100.000 tấn sp | 3,3 | 100,0 | 145 | 2011 |
|
21 | 5 | Nhà máy chế biến TACN (nâng công suất 80.000 lên 220.000) | Cty TNHH GreenFeed Việt Nam | KCN Nhơn Hòa | Chế biến TACN | 220.000 tấn sp | 3,2 | 200,0 | 204 | 2013 |
|
22 | 6 | Nhà máy chế biến TACN | Cty TNHH Cargill Việt Nam | KCN Long Mỹ | Chế biến TACN | 240.000 tấn sp | 3,9 | 333,8 | 180 | 2014 |
|
23 | 7 | Nhà máy chế biến TACN | Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam | KCN Nhơn Hòa, TX An Nhơn | Chế biến TACN | 432.000 tấn sp | 14,6 | 672,00 | 199 | 2015 |
|
24 | 8 | Nhà máy chế biến TACN | Công ty TNHH MTV Con cò Bình Định | KCN Nhơn Hòa, TX An Nhơn | Chế biến TACN | 220.000 tấn sp | 4,8 | 160,00 | 168 | 2015 |
|
25 | 9 | Nhà máy chế biến TACN | Công ty TNHH De Hues | KCN Nhơn Hòa, TX An Nhơn | Chế biến TACN | 100.000 tấn sp | 4,0 | 107,0 | 42 | 2015 |
|
26 | 10 | Nhà máy chế biến Tinh bột sắn | Cty CP Tinh bột sắn XK Bình Định | Phù Mỹ | Tinh bột sắn | 30.000 tấn sp |
|
|
| 2014 |
|
27 | 11 | Nhà máy chế biến tinh bột biến tính | Cty TNHH Sinh hóa Minh Dương | KKT Nhơn Hội | Tinh bột biến tính | 30.000 tấn | 20,0 | 200,0 | 400 | 2013 |
|
III. | May mặc |
|
|
|
|
|
|
|
|
| |
28 | 1 | Nhà máy may | Công ty CP Đầu tư An Phát | CCN Tam Quan | Jacket | 3,4 triệu sp | 10,0 | 150,0 | 1.200 | 2011 |
|
29 | 2 | Nhà máy may | Công ty CP May Phù Cát | CCN Cát Trinh | Veston nam và quần nữ | 3 triệu sp | 6,0 | 100,0 | 1.500 | 2011 |
|
30 | 3 | Nhà máy may | Công ty CP SX TM DV Hưng Phát | 12 Mai Hắc Đế, TP. Quy Nhơn | Veston | 1,9 triệu sp | 1,2 | 38,1 | 1.200 | 2011 |
|
31 | 4 | Nhà máy may | Công ty CP May Tây Sơn | Khối Phú Xuân, thị trấn Phú Phong | Veston | 2,0 triệu sp | 1,2 | 82,0 | 1.200 | 2012 |
|
32 | 5 | Nhà máy may | Công ty CP May Hoài Ân | CCN Dốc Truông Sỏi |
| 1,5 triệu sp | 1,4 | 51,8 | 600 | 2014 |
|
33 | 6 | Nhà máy wash Tam Quan | Công ty CP Công nghệ Wash HNC | CCN Tam Quan |
| 4,5 triệu sp | 2,9 | 54,0 |
| 2014 |
|
34 | 7 | Nhà máy May Vinatex Bồng Sơn | Công ty TNHH Vinatex Bồng Sơn | CCN Bồng Sơn | Veston, blazer, quần | 3,6 triệu sp | 6,7 | 140,0 | 2.250 | 2014 |
|
IV. | Cơ khí |
|
|
|
|
|
|
|
|
| |
35 | 1 | Nhà máy ống thép | Công ty TNHH MTV ống thép Hoa Sen Bình Định | KCN Nhơn Hòa | Ống thép các loại | 100.000 tấn | 3,6 | 101,2 | 250 | 2015 |
|
V. | Chế biến đá Granite |
|
|
|
|
|
|
|
|
| |
36 | 1 | NM chế biến đá Granite | Công ty TNHH Thiên Phú | KCN Phú Tài | Chế biến đá Granite |
| 0,9 | 24,0 | 20 | 2011 |
|
37 | 2 | NM chế biến đá Granite | Công ty TNHH XD-TM Minh Hoàng | KCN Long Mỹ | Chế biến đá Granite |
| 1,9 | 22,0 | 30 | 2011 |
|
38 | 3 | NM chế biến đá Granite | Công ty TNHH Tân Trung Nam | KCN Phú Tài | Chế biến đá Granite |
| 0,9 | 25,0 |
| 2013 |
|
39 | 4 | NM chế biến đá Granite | Công ty TNHH Hoàn Cầu Granite | QL 19, P. Nhơn Hòa, TX An Nhơn | Chế biến đá Granite | 1.200.000 m2/năm |
|
|
|
|
|
VI. | Hóa chất |
|
|
|
|
|
|
|
|
| |
40 | 1 | Dự án nhà máy sản xuất thuốc tiêm và dịch truyền | Công ty CP Fresenius Kabi Bidiphar | KV 8, phường Nhơn Phú, TP. Quy Nhơn | Chai dịch truyền và ống tiêm | 62 triệu chai và 170 triệu ống |
| 250,0 | 500 | 2011 |
|
B | GIAI ĐOẠN 2016 - 2020 |
|
|
|
|
|
|
|
|
| |
I. | Chế biến gỗ, lâm sản |
|
|
|
|
|
|
|
|
| |
1 | 1 | Nhà máy chế biến lâm sản | Cty TNHH BIFORCO | CCN Phước An, Xã Phước An, Tuy Phước | Gỗ dán, gỗ lạng, ván ép | 1.400 m3 sp/năm | 0,9 | 11,12 |
| Tháng 1/2016 |
|
2 | 2 | Nhà máy chế biến lâm sản xuất khẩu (gỗ nội thất) | Cty CP Kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt | QL 1A, KV 7, P. Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn | Gỗ nội thất | 10.000 m3 gỗ tinh/năm | 3,9 | 91,0 |
| Tháng 9/2016 |
|
3 | 3 | Nhà máy chế biến gỗ Thắng Lợi | Cty CP Phú Tài | Thôn Bình An 1, Xã Phước Thành, Tuy Phước | Gỗ nội, ngoại thất | 350 cont./năm | 2,8 | 98,0 |
| 2016 |
|
4 | 4 | NM SX viên nén gỗ | Cty CP Nguyệt Anh | CCN Thiết Đính, Hoài Nhơn | Viên nén | 70.000 | 1,3 | 113,6 |
| 2016 |
|
5 | 5 | NM Sản xuất chế biến viên nén sinh học rắn | Cty TNHH Hào Hưng Phát | T Hiển Đông, Canh Hiển, Vân Canh | Viên nén | 20.000 | 1,5 | 10,0 |
| 2016 | Đang hoạt động hợp phần băm dăm gỗ |
6 | 6 | NM Sản xuất chế biến viên nén sinh học rắn | Cty TNHH An Duy Khang | CCN Du Tự, Hoài Ân | Viên nén | 50.000 | 1,2 | 21,0 |
| 2017 | Đang triển khai xây dựng |
7 | 7 | NM Sản xuất chế biến viên nén sinh học rắn | Cty TNHH XD và TM Thiện Hoàng | CCN Bình Dương, Phù Mỹ | Viên nén | 12.000 | 2,6 | 24,0 |
| 2017 | Đang triển khai xây dựng |
8 | 8 | Dự án Nhà máy SX viên nén gỗ | Công ty TNHH SX TM Thiên Cát Bình Định | KCN Long Mỹ, TP. Quy Nhơn | Viên nén | 12.000 tấn viên nén | 1,5 | 47,9 |
| 2017 | Chậm tiến độ |
9 | 9 | NM CB lâm sản XK và tiêu thụ nội địa | Cty TNHH Khương Đài | CCN Diêm Tiêu, Phù Mỹ | Gỗ nội thất, viên nén | Gỗ nội thất (144 cont.), 36.000 tấn viên nén | 3,7 | 42,1 | 100 | Quý 3/2017 | Đang xây dựng nhà máy |
10 | 10 | NM SX nguyên liệu sinh học rắn | Cty CP Năng lượng Bình Định | CCN Đại Thạnh, Phù Mỹ | Viên nén, mùn cưa | 40.000 | 3,0 | 45,0 |
| 2017 | Đã hoàn thành thủ tục đất đai, đang chỉnh sửa các công trình xây dựng (mua Công ty Minh Phú) và lắp đặt máy |
11 | 11 | NM SX nguyên liệu sinh học rắn | Cty CP Năng lượng Hà Tiên | CCN Hoài Đức, Hoài Nhơn | Viên nén, mùn cưa | 100.000 | 10,0 | 160,0 |
| 2017 | Đang xây dựng nhà máy, dự kiến quý 3/2016 hoạt động |
12 | 12 | NM CB lâm sản XK và tiêu thụ nội địa | Cty TNHH Khương Đài | CCN Diêm Tiêu, Phù Mỹ | Gỗ nội thất (144 cont.), 36.000 tấn viên nén | 36.000 | 3,7 | 42,1 |
| 2017 | Đang triển khai xây dựng |
13 | 13 | NM SX Than binchotan và viên nén gỗ | Cty CP Thành Ngân | CCN Cầu 16, Tây Sơn | Viên nén | 70.000 | 2,4 | 113,5 |
| 2017 | Tháng 4/2016 triển khai xây dựng, quý 1/2017 hoàn thành |
14 | 14 | NM SX viên nén nhiên liệu sinh học rắn | DNTN Thu Hoài | P. Bùi Thị Xuân, TP. Quy Nhơn | Viên nén | 85.000 | 10,0 | 63,7 |
| 2017 | Tạm dừng triển khai |
15 | 15 | NM CB lâm sản & kinh doanh tổng hợp | Cty TNHH SXTM & XD Thiên Phát | Xã Hoài Tân, Hoài Nhơn | Ván ghép, viên nén, ván veneer | 28.800 | 10,3 | 200,0 |
| 2017 | Đang san lắp mặt bằng, trước mắt sản xuất ván ghép |
16 | 16 | NM SX viên nén đốt sinh học | DNTN Tín Nhân | KCN Phú Tài | Viên nén | 115.200 | 1,6 | 140,0 |
| 2018 |
|
17 | 17 | NM SX Viên nén nhiên liệu chất đốt sinh học và nguyên liệu giấy XK | Cty TNHH Đại Việt | KCN Nhơn Hòa | Viên nén, NL Giấy | 85.000 | 1,5 | 75,0 |
| 2018 |
|
18 | 18 | Nhà máy sản xuất gỗ ván ép | Công ty Marubeni Lumber Nhật Bản | Khu A, Khu Công nghiệp Nhơn Hội | Viên nén, NL Giấy | 85.000 | 1,5 | 5 triệu USD |
|
|
|
II. | Chế biến thực phẩm |
|
|
|
|
|
|
|
|
| |
18 | 1 | NM CB tinh bột sắn Vân Canh | Cty TNHH MTV Nguyên Liêm | Rừng Dầu, Làng Hòn Mẻ, Canh Thuận, VC | Tinh bột sắn | 130 tấn bột/ngày | 20,0 | 150,0 |
| Quý 2/2016 |
|
19 | 2 | NM CB tinh bột sắn Vĩnh Thạnh | Cty TNHH Tinh bột sắn Nhiệt Đồng Tâm Vĩnh Thạnh | Xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Thạnh | Sắn lát | 45000 tấn sp | 18,5 | 140,0 |
| Quý 2/2016 |
|
20 | 3 | NM CB tinh bột biến tính và sắn lát | Cty Luckystar International, LLC | CCN Cầu Nước Xanh | Sắn lát, bột mì, bột biến tính | 100.000 tấn sắn lát 25.000 tấn bột mì 30.000 tấn bột biến tính | 10,5 | 236,3 |
| Quý 4/2016 | Đang xây dựng nhà máy |
21 | 4 | Nhà máy chế biến hải sản đông lạnh | Cty CP YOYO Nhật Bản | CCN Đại Thạnh, huyện Phù Mỹ | Cá ngừ | 2.000 tấn | 4,8 | 78,0 | 230 | Quý 1/2017 | Đang giải phóng mặt bằng |
22 | 5 | Nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi | Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam | Lô B2-5, KCN Nhơn Hòa | Thức ăn gia súc, gia cầm | 180.000 tấn sản phẩm/năm | 6,9 | 135,0 |
| Quý III/2017 | Đang triển khai dự án |
23 | 6 | Nhà máy chế biến TACN | Cty Cổ phần Dinh Dưỡng Nông Nghiệp Quốc Tế Bình Định (ANCO) | KCN Nhơn Hội A | Chế biến TACN | 500.000 tấn sp | 4,0 | 126,0 |
| 2017 |
|
III. | May mặc |
|
|
|
|
|
|
|
|
| |
24 | 1 | Nhà máy sợi - dệt nhuộm - may | Công ty Delta Galil Industries.Ltd | CCN Cát Trinh, huyện Phù Cát | Dệt, nhuộm, may mặc | 1,3 triệu sản phẩm |
| 273,0 |
| Tháng 8/2016 |
|
25 | 2 | Dự án xưởng may công nghiệp | Cty TNHH May OASIS | CCN Diêm Tiêu, Phù Mỹ | Áo khoác, jacket | 1,2 triệu sp/năm | 1,9 | 15,95 |
| Tháng 4/2016 |
|
IV. | Cơ khí |
|
|
|
|
|
|
|
|
| |
25 | 1 | Nhà máy thép Hoa Sen Nhơn Hội - Bình Định | Công ty TNHH MTV Hoa Sen Nhơn Hội - Bình Định | KKT Nhơn Hội | Mạ kẽm, mạ mày, cán nguội | 200.000 tấn/năm | 14,2 | 20000,0 | 4.000 | Quý 2/2017 |
|
26 | 2 | Xưởng đóng mới và sửa chữa tàu thuyền | Công ty TNHH Tuấn Phong | Khu neo đậu tàu thuyền Nhơn Phước- TP. Quy Nhơn | Tàu cá | Đóng 90 chiếc tàu cá <90CV; Sửa 70 chiếc | 1,4 | 50,0 |
| 2016 | Đang xây dựng |
V. | Chế biến đá Granite |
|
|
|
|
|
|
|
|
| |
27 | 1 | NM chế biến đá ốp lát Bình Định | Cty CP Phú Tài | Lô A3, A4, A5, A6 CCN Cát Nhơn, Phù Cát | Chế biến đá Granit | 800.000 m2/năm | 3,9 | 108,6 |
| Quý 3/2016 |
|
VI. | Vật liệu xây dựng |
|
|
|
|
|
|
|
|
| |
28 | 1 | NM Gạch không nung - Bê tông nhẹ, gạch polyme khoáng tổng hợp | Cty CP Gạch Tuy nen Bình Định | Phú Mỹ 2, Phước Lộc, Tuy Phước | Gạch không nung, bê tông nhẹ, gạch polyme | 10 triệu viên gạch polyme/năm 50.000 m3 gạch không nung/năm | 1,6 | 50,0 |
| Quý 2/2016 |
|
VII. | Sản phẩm nhựa |
|
|
|
|
|
|
|
|
| |
29 | 1 | Nhà máy ống nhựa Hoa Sen Bình Định | Công ty TNHH MTV Hoa Sen Bình Định | KCN Nhơn Hòa | Ống nhựa | 24.000 tấn | 4,8 |
|
| Tháng 4/2016 |
|
30 | 2 | Nhà máy sản xuất hạt nhựa xuất khẩu và tiêu thụ nội địa | Cty TNHH sản xuất - thương mại - xuất nhập khẩu Đặng Danh Xồi | Lô B, CCN Tà Súc, Vĩnh Quang, Vĩnh Thạnh | Sản xuất hạt nhựa xuất khẩu và tiêu thụ nội địa | GĐ 1: 2000 tấn sp/năm GĐ 2: 2000 tấn sp/năm | 3,0 | 16,0 |
| Quý 4/2016 | Đã đầu tư nhà xưởng GĐ 1 xong, đang hoàn tất thủ tục vay vốn và nhập MMTB, quý IV/2016 hoạt động GĐ 1 |
31 | 3 | Nhà máy gia công cơ khí, đan nhựa giả mây và sản xuất mouse | Cty TNHH MTV Nhật Nam Hưng | Lô AI-13, KCN Long Mỹ | SX dây nhựa giả mây, cấu kết kim loại (nhôm, sắt), SX mouse | 2.000 bộ sp/năm | 2 | 21 |
| Tháng 7/2017 |
|
32 | 4 | Nhà máy sản xuất các sản phẩm từ nhựa plastic và chế biến lâm sản xuất khẩu - tiêu thụ nội địa | Cty TNHH Hoàng Thành | Lô A4, CCN Phước An, xã Phước An, Tuy Phước | Sản xuất các sp từ nhựa plastic, lâm sản xuất khẩu và tiêu thụ nội địa | Dây mây 950 tấn sp/năm Bàn ghế giả mây 50 container sp/năm Nguyên liệu nhựa 950 tấn sp/năm Hàng gỗ 100 container sp/năm | 1,4 | 63,0 |
| 2017 | Quý I/2016 khởi công, Quý II/2017 hoạt động |
- 1Quyết định 1695/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển xuất khẩu thủy sản đến năm 2015 và định hướng đến 2020 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
- 2Quyết định 782/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật phát triển vùng sản xuất khoai tây thương phẩm bằng giống khoai tây Hà Lan (giống nhập khẩu) tại một số vùng trồng khoai tây của tỉnh Bắc Giang"
- 3Quyết định 4982/QĐ-UBND năm 2016 về Đề án Phát triển xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016-2020
- 4Kế hoạch 119/KH-UBND năm 2017 phát triển xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2017-2020
- 5Quyết định 1832/QĐ-UBND năm 2017 về Đề án phát triển xuất khẩu mặt hàng chủ lực tỉnh Lâm Đồng đối với từng khu vực thị trường đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 1Quyết định 1695/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển xuất khẩu thủy sản đến năm 2015 và định hướng đến 2020 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
- 2Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 3Quyết định 782/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật phát triển vùng sản xuất khoai tây thương phẩm bằng giống khoai tây Hà Lan (giống nhập khẩu) tại một số vùng trồng khoai tây của tỉnh Bắc Giang"
- 4Nghị quyết 64/NQ-CP năm 2016 Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng do Chính phủ ban hành
- 5Nghị quyết 63/NQ-CP năm 2016 Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 do Chính phủ ban hành
- 6Quyết định 4982/QĐ-UBND năm 2016 về Đề án Phát triển xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016-2020
- 7Kế hoạch 119/KH-UBND năm 2017 phát triển xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2017-2020
- 8Quyết định 1832/QĐ-UBND năm 2017 về Đề án phát triển xuất khẩu mặt hàng chủ lực tỉnh Lâm Đồng đối với từng khu vực thị trường đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
Quyết định 4591/QĐ-UBND năm 2016 về Đề án điều chỉnh Đề án phát triển hàng xuất khẩu tỉnh Bình Định đến năm 2020
- Số hiệu: 4591/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 14/12/2016
- Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định
- Người ký: Phan Cao Thắng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 14/12/2016
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra