Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4577/QĐ-UBND

Bình Định, ngày 18 tháng 12 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH GIẢM QUÁ TẢI TẠI CÁC BỆNH VIỆN CÔNG LẬP CỦA TỈNH BÌNH ĐỊNH ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 92/QĐ-TTg ngày 09/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013 - 2020;

Căn cứ Thông tư Liên tịch số 08/2007/TTLT-BYT-BNV ngày 05/6/2007 của Liên Bộ Y tế - Bộ Nội vụ Hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế nhà nước; Thông tư số 18/2014/TT-BYT ngày 02/6/2014 của Bộ Y tế Hướng dẫn thực hiện Quyết định số 14/2013/QĐ-TTg ngày 20 tháng 02 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

Căn cứ Quyết định số 1816/QĐ-BYT ngày 26/5/2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt Đề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh” (gọi tắt là Đề án 1816); Quyết định số 4858/QĐ-SYT ngày 03/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành thí điểm Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện;

Theo đề nghị của các Sở: Y tế, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch Giảm quá tải tại các bệnh viện công lập của tỉnh Bình Định đến năm 2020.

Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở Y tế, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

TM.ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Mai Thanh Thắng

 

KẾ HOẠCH

GIẢM QUÁ TẢI TẠI CÁC BỆNH VIỆN CÔNG LẬP TỈNH BÌNH ĐỊNH ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4577/QĐ-UBND ngày 18/12/2015của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định)

Phần 1.

THỰC TRẠNG, TÌNH HÌNH HỆ THỐNG BỆNH VIỆN CÔNG LẬP CỦA TỈNH VÀ SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

I. Tình hình chung về hệ thống bệnh viện công lập của tỉnh Bình Định:

Hệ thống bệnh viện công lập của tỉnh Bình Định hiện có 18 bệnh viện công lập trực thuộc, bao gồm:

- 03 Bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Bồng Sơn, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Phú Phong.

- 05 Bệnh viện chuyên khoa: Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Phục hồi chức năng, Bệnh viện Mắt.

- 10 bệnh viện đa khoa huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi chung là huyện) thuộc Trung tâm Y tế các huyện: Quy Nhơn, Tuy Phước, An Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Hoài Ân, Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão (mỗi Trung tâm Y tế thực hiện 2 chức năng điều trị và dự phòng, cơ cấu tổ chức gồm: Bệnh viện Đa khoa, Đội Y tế dự phòng, Đội Bảo vệ sức khỏe bà mẹ, trẻ em - Kế hoạch hóa gia đình).

Số giường bệnh công lập theo kế hoạch năm 2015 là 3.430 giường, đạt 22,58 giường/10.000 dân.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 03 bệnh viện thuộc Bộ, ngành Trung ương (Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa, Bệnh viện Chỉnh hình - Phục hồi chức năng Quy Nhơn, Bệnh viện Quân y 13) và 01 bệnh viện đa khoa tư nhân (Bệnh viện Hòa Bình).

II. Thực trạng quá tải bệnh viện:

Theo số liệu thống kê của ngành Y tế trong 03 năm từ năm 2012 đến năm 2014, tình hình quá tải tại các bệnh viện công lập của tỉnh thể hiện qua công suất sử dụng giường bệnh kế hoạch bình quân hàng năm đạt trên 130% (số liệu cụ thể theo Phụ lục đính kèm); trong đó:

- Số bệnh viện quá tải trên 190%: 1 bệnh viện (TTYT Hoài Nhơn);

- Số bệnh viện quá tải trên 160%: 1 bệnh viện (TTYT Hoài Ân);

- Số bệnh viện quá tải trên 150%: 2 bệnh viện (TTYT Tuy Phước, An Nhơn);

- Số bệnh viện quá tải trên 140%: 1 bệnh viện (BVĐKKV Bồng Sơn);

- Số bệnh viện quá tải trên 120%: 2 bệnh viện (BVĐK tỉnh, BVĐKKV Phú Phong);

- Số bệnh viện quá tải trên 110%: 3 bệnh viện (Bệnh viện Y học cổ truyền; TTYT Phù Cát, Phù Mỹ);

- Số bệnh viện có công suất sử dụng giường bệnh đạt từ 80 - 100%: 6 bệnh viện (Bệnh viện Lao và bệnh phổi, Bệnh viện Tâm thần, TTYT Quy Nhơn, Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão);

- Số bệnh viện có công suất sử dụng giường bệnh đạt từ 50 đến dưới 80%: 2 bệnh viện (Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Phục hồi chức năng).

III. Nguyên nhân quá tải bệnh viện:

- Nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trong tỉnh cao, các bệnh viện tuyến tỉnh còn tiếp nhận, khám chữa bệnh cho người dân một số tỉnh lân cận.

- Cơ sở hạ tầng bệnh viện tuy được đầu tư xây dựng, nâng cấp mở rộng nhưng vẫn chưa đáp ứng so với nhu cầu thực tế gây nên tình trạng quá tải ở hầu hết các bệnh viện. Cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ gây khó khăn cho việc bố trí, sắp xếp, cải tiến quy trình khám chữa bệnh để nâng cao chất lượng bệnh viện; do nguồn ngân sách nhà nước còn khó khăn nên các cơ sở y tế được đầu tư xây dựng chưa đồng bộ theo yêu cầu của ngành Y tế.

- Nhân lực là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng hoạt động của các bệnh viện. Đến cuối năm 2014, toàn tỉnh có 801 bác sỹ, đạt 5,3 bác sỹ/vạn dân (toàn quốc là 7,8 bác sỹ/vạn dân); có 45 dược sỹ đại học, đạt 0,3 dược sỹ đại học/vạn dân (toàn quốc là 1,9 dược sỹ đại học/vạn dân). Việc thiếu bác sỹ tại các bệnh viện, nhất là ở tuyến huyện đã làm ảnh hưởng đến việc triển khai, mở rộng nhiều dịch vụ khám chữa bệnh theo tuyến chuyên môn kỹ thuật; điều này cũng dẫn đến hạn chế trong đầu tư trang thiết bị để phục vụ các lĩnh vực chuyên ngành.

Y tế cơ sở (tuyến huyện, xã) còn hạn chế về chuyên môn tạo tâm lý cho người dân muốn đến khám chữa bệnh ở tuyến cao hơn và gây nên tình trạng quá tải; tỷ lệ người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế đi khám chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến năm 2014 chiếm 16,7% trên tổng số lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

- Lãnh đạo các bệnh viện phải tham gia công tác khám chữa bệnh trong tình trạng thiếu nhân lực chung, phần nào ảnh hưởng đến công tác quản lý bệnh viện. Nhân viên y tế thường xuyên làm việc trong điều kiện quá tải, chịu nhiều áp lực nên có lúc, có nơi ảnh hưởng đến tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh.

- Tình hình thực hiện công tác y tế dự phòng, các chương trình mục tiêu y tế, công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe, kinh tế - xã hội phát triển, mô hình bệnh tật thay đổi... cũng là các yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng quá tải bệnh viện.

IV. Các giải pháp giảm quá tải bệnh viện đã thực hiện thời gian qua

Trong những năm qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để giảm quá tải và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của các bệnh viện công lập; cụ thể:

1. Đầu tư xây dựng mới, mở rộng, nâng cấp cơ sở hạ tầng của các bệnh viện như: xây dựng mới Bệnh viện Y học cổ truyền; Nhà mổ, Nhà khám bệnh, Nhà điều trị 300 giường tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh; Nhà điều trị 251 giường tại Trung tâm Y tế thành phố Quy Nhơn; cải tạo, nâng cấp Khoa khám bệnh và một số khoa, phòng khác tại các bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện tuyến huyện.

2. Tăng số giường bệnh công lập theo quy hoạch đã được phê duyệt; số giường bệnh kế hoạch năm 2015 tăng 80 giường so với năm 2014 (3.350 giường).

3. Đầu tư mua sắm các trang thiết bị cơ bản cho tuyến y tế cơ sở, trang thiết bị hiện đại cho các bệnh viện tuyến tỉnh; đáp ứng cơ bản nhu cầu triển khai và phát triển các dịch vụ kỹ thuật trong khám chữa bệnh tại các đơn vị theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật của Bộ Y tế.

4. Triển khai nhiều hình thức đào tạo để tăng cường nguồn nhân lực chuyên môn cả về số lượng và chất lượng; tăng cường chuyển giao kỹ thuật từ tuyến tỉnh cho tuyến huyện, xã để nâng cao năng lực chuyên môn cho tuyến dưới, thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại cơ sở nhằm giảm bớt tình trạng quá tải bệnh nhân ở các tuyến trên.

5. Trong công tác khám bệnh, các bệnh viện đã tổ chức sắp xếp, bố trí nơi tiếp đón, khu vực chờ khám thuận tiện hơn, cấp phiếu, phân luồng, triển khai hệ thống bốc số tự động, dùng hệ thống loa phóng thanh để hướng dẫn, ổn định trật tự, tạo sự yên tâm cho người bệnh; có biện pháp tăng cường, hỗ trợ lực lượng chuyên môn từ các khoa phòng ra khu khám phục vụ trong những buổi quá đông bệnh nhân, giải quyết kịp thời khám chữa bệnh cho bệnh nhân trong buổi, trong ngày. Trong điều trị nội trú, các bệnh viện đã bố trí, sắp xếp giảm khu vực hành chính, tăng khả năng thu dung điều trị người bệnh; đến cuối năm 2014, số giường bệnh thực kê là 4.500 giường, đạt 134% so với số giường kế hoạch được giao.

6. Ngành Y tế đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để tăng cường năng lực quản lý, năng lực chuyên môn của các bệnh viện; cải cách hành chính, giảm phiền hà cho người bệnh; tăng cường giáo dục y đức, quy tắc giao tiếp ứng xử của nhân viên y tế; từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh... 100% bệnh viện đã thành lập tổ chức quản lý chất lượng bệnh viện, tập huấn về quản lý chất lượng bệnh viện; hàng năm các bệnh viện đều xây dựng và triển khai kế hoạch nâng cao chất lượng bệnh viện để ngày càng đáp ứng tốt hơn sự hài lòng của người bệnh. Kết quả đánh giá chất lượng bệnh viện theo Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện của Bộ Y tế; năm 2014 có 17/18 bệnh viện xếp loại trung bình (94,4%) và 1 bệnh viện xếp loại kém (5,6%); 76,5% số bệnh viện có điểm trung bình năm 2014 cao hơn so với năm 2013.

7. Tạo điều kiện thuận lợi để y tế ngành, y tế tư nhân tham gia khám chữa bệnh bảo hiểm y tế để giảm áp lực cho bệnh viện công của tỉnh.

Mặc dù đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tuy nhiên tình trạng quá tải tại các bệnh viện công lập của tỉnh vẫn chưa được giải quyết một cách cơ bản.

Vì vậy, việc xây dựng và triển khai Kế hoạch này là hết sức cấp thiết, nhằm từng bước giảm quá tải bệnh viện, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn công tác khám chữa bệnh cho nhân dân; phát triển hệ thống bệnh viện công lập phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Phần 2.

KẾ HOẠCH GIẢM QUÁ TẢI TẠI CÁC BỆNH VIỆN CÔNG LẬP CỦA TỈNH BÌNH ĐỊNH ĐẾN NĂM 2020

I. MỤC TIÊU.

1. Mục tiêu chung:

Từng bước giảm tình trạng quá tải bệnh viện ở khu vực khám bệnh và khu vực điều trị nội trú; phấn đấu không để người bệnh phải nằm ghép trong bệnh viện; tập trung giải quyết giảm quá tải tại các bệnh viện thường xuyên xảy ra tình trạng quá tải (quá tải nặng); nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh.

2. Mục tiêu cụ thể:

a. Giảm công suất sử dụng giường bệnh của các bệnh viện có công suất sử dụng giường bệnh cao (trên 120%) xuống dưới 100%; phấn đấu giải quyết cơ bản tình trạng quá tải bệnh viện từ năm 2020 trở đi; giảm dần và cơ bản khắc phục tình trạng nằm ghép tại các bệnh viện quá tải nặng vào năm 2020.

b. Nâng công suất sử dụng giường bệnh của các bệnh viện hiện có công suất sử dụng giường bệnh thấp đạt 60% vào năm 2016 và đạt 80% vào năm 2020.

c. Giảm thời gian và lưu lượng người chờ khám bệnh tại khoa khám bệnh của các bệnh viện hiện có công suất sử dụng giường bệnh quá cao; bảo đảm mỗi bác sỹ khám bệnh không quá 50 người bệnh/một ngày làm việc vào năm 2016 và 35 người bệnh/một ngày làm việc vào năm 2020.

d. Phấn đấu đến năm 2016 có 100% số bệnh viện công lập đạt mức chất lượng từ trung bình trở lên theo Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện của Bộ Y tế; đến năm 2020 có từ 50% số bệnh viện công lập đạt mức chất lượng khá.

II. CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP.

1. Đầu tư nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng để tăng thêm giường bệnh cho các bệnh viện:

a. Rà soát, sửa đổi, bổ sung quy hoạch phát triển mạng lưới bệnh viện của tỉnh, nhằm bảo đảm cơ cấu và tỷ lệ giường bệnh phù hợp giữa các tuyến kỹ thuật và các huyện. Tăng số giường bệnh công lập trên phạm vi toàn tỉnh phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới khám bệnh, chữa bệnh. Trước hết, ưu tiên tăng thêm số giường bệnh cho các cơ sở khám chữa bệnh quá tải nặng, gồm: Trung tâm Y tế (TTYT) các huyện Hoài Nhơn, Hoài Ân, Tuy Phước, thị xã An Nhơn và Bệnh viện đa khoa khu vực Bồng Sơn. Đến năm 2020, tăng tối thiểu 1.100 giường bệnh so với số giường bệnh kế hoạch hiện có năm 2015.

b. Đầu tư xây dựng mới: Bệnh viện Đa khoa Khu vực tỉnh Bình Định (700 giường), Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định - Phần mở rộng (phối hợp công tư), Bệnh viện Sản - Nhi.

Đầu tư nâng cấp và mở rộng các bệnh viện đang bị quá tải nặng để đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân: Bệnh viện đa khoa khu vực Bồng Sơn, Trung tâm Y tế huyện Hoài Nhơn và Bệnh viện đa khoa khu vực Phú Phong.

Tiếp tục triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng các bệnh viện đã được phê duyệt và từng bước hiện đại hóa khoa khám bệnh của các bệnh viện.

c. Cùng với việc đầu tư mở rộng cơ sở hạ tầng, tăng giường bệnh kế hoạch theo lộ trình; tiếp tục cung cấp, bổ sung trang thiết bị y tế nhằm đáp ứng nhu cầu triển khai và phát triển chuyên môn kỹ thuật tại các bệnh viện phù hợp với khả năng và phân tuyến kỹ thuật theo quy định.

2. Tăng cường công tác quản lý và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh:

a. Tập trung đào tạo nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ quản lý của các bệnh viện; sắp xếp, cân đối giường bệnh giữa các chuyên khoa trong bệnh viện theo hướng tăng giường bệnh cho các chuyên khoa đang có công suất và nhu cầu sử dụng giường bệnh cao. Tổ chức ký cam kết bệnh viện không có bệnh nhân nằm ghép ngay sau nhập viện, sau 24 và 48 giờ nhập viện; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện cam kết tại các bệnh viện.

b. Tiếp tục triển khai các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; tăng cường điều trị ngoại trú để giảm số người điều trị nội trú, giảm số ngày điều trị nội trú trung bình một cách hợp lý tại các bệnh viện quá tải; phát triển các chuyên khoa, chuyên ngành phù hợp theo phân tuyến kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, nhất là tại bệnh viện tuyến huyện.

c. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; áp dụng tiêu chuẩn ISO vào quản lý hệ thống tiêu chuẩn chất lượng của các bệnh viện; công khai quy trình, thủ tục khám chữa bệnh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện, quản lý khám chữa bệnh.

d. Đảm bảo an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường tại các bệnh viện; thực hiện bệnh viện xanh - sạch - đẹp; bệnh viện không khói thuốc lá.

đ. Tiếp tục giáo dục y đức, thực hiện tốt quy tắc giao tiếp, ứng xử của viên chức ngành Y tế; đảm bảo cơ chế cung cấp, tiếp nhận và phản hồi thông tin cho người dân về dịch vụ khám chữa bệnh của từng bệnh viện.

3. Thực hiện tuyển dụng, đào tạo viên chức y tế; thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn và cử cán bộ chuyên môn từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới, nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh:

- Tiếp tục xây dựng kế hoạch xét tuyển viên chức ngành Y tế theo quy định.

- Tăng cường công tác đào tạo viên chức ngành Y tế với nhiều hình thức khác nhau để đáp ứng nhu cầu về nhân lực và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; trong đó ưu tiên tập trung đào tạo các chức danh chuyên môn còn thiếu như: dược sỹ; bác sỹ các chuyên ngành da liễu, tâm thần, lao, y học cổ truyền, phục hồi chức năng, dinh dưỡng, pháp y...

- Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án 1816 luân phiên cử cán bộ y tế tuyến trên về hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Tiếp tục xây dựng kế hoạch tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật mới, chuyên sâu từ tuyến Trung ương về bệnh viện tuyến tỉnh; triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định (khoa Ung bướu) thành bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh” đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt.

- Tổ chức triển khai thực hiện Thông tư số 18/2014/TT-BYT ngày 02/6/2014 của Bộ Y tế Hướng dẫn thực hiện Quyết định số 14/2013/QĐ-TTg ngày 20/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ Về việc thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhằm tăng cường nhân lực và hỗ trợ chuyên môn khám chữa bệnh cho cơ sở y tế tuyến dưới.

4. Tiếp tục củng cố và hoàn thiện mạng lưới trạm y tế xã:

Tiếp tục củng cố và hoàn thiện mạng lưới trạm y tế xã; xây dựng xã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011 - 2020 theo lộ trình đã được UBND tỉnh phê duyệt, gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nâng cao năng lực khám chữa bệnh của trạm y tế để góp phần giảm quá tải các bệnh viện tuyến trên.

5. Đẩy mạnh các hoạt động y tế dự phòng:

a. Chủ động triển khai có hiệu quả các hoạt động phòng chống dịch, bệnh có tính chất nguy hiểm đối với cộng đồng, bệnh không rõ nguyên nhân; đẩy mạnh phong trào vệ sinh yêu nước, vệ sinh an toàn thực phẩm.

b. Tiếp tục triển khai Chương trình phòng chống một số bệnh không lây nhiễm; phòng chống tai nạn thương tích và các chương trình giảm yếu tố nguy cơ tác động không tốt đến sức khỏe, nhằm giảm gánh nặng bệnh tật, giảm nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân.

6. Xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách:

Xây dựng, ban hành chính sách của tỉnh về định mức kinh phí giường bệnh; giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; xã hội hóa y tế; phối hợp y tế công - tư theo quy định hiện hành của Nhà nước.

7. Thông tin, truyền thông:

a. Tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về các quy định khám bệnh, chữa bệnh; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong việc thực hiện các hoạt động giảm quá tải bệnh viện, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh;

b. Tăng cường truyền thông về các biện pháp phòng bệnh chủ động, phòng chống dịch bệnh cho người dân và cộng đồng.

III. NGUỒN KINH PHÍ ĐẢM BẢO THỰC HIỆN KẾ HOẠCH.

1. Nguồn vốn đầu tư phát triển tập trung.

2. Nguồn vốn sự nghiệp Y tế.

3. Nguồn vốn vay ODA.

4. Nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.

5. Nguồn kết dư Bảo hiểm y tế (nếu có) theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế.

6. Quỹ Phát triển hoạt động sự nghiệp của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

7. Các nguồn vốn hợp pháp khác.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN.

1. Sở Y tế:

a. Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các Sở, ngành, địa phương liên quan tham mưu, đề xuất các nội dung sau cho UBND tỉnh xem xét, phê duyệt:

- Xây dựng các đề án thành lập mới, phát triển và mở rộng các bệnh viện công lập trên địa bàn tỉnh;

- Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển hệ thống y tế tỉnh Bình Định đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2008 cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay (trong đó có Quy hoạch phát triển mạng lưới bệnh viện của tỉnh đến năm 2020);

- Điều chỉnh nâng định mức kinh phí/01 giường bệnh; điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Liên Bộ Y tế - Bộ Tài chính để đảm bảo kinh phí hoạt động cho các bệnh viện công lập.

- Xây dựng kế hoạch ngân sách hằng năm để đảm bảo thực hiện Kế hoạch này.

b. Chỉ đạo các bệnh viện công lập trực thuộc tổ chức thực hiện các giải pháp giảm quá tải bệnh viện và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thực hiện cải cách hành chính; đẩy mạnh việc thực hiện công tác y tế dự phòng; xây dựng xã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế; tổ chức truyền thông - giáo dục sức khỏe.

c. Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương liên quan tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch này của các đơn vị, địa phương; giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện theo thẩm quyền, chức năng nhiệm vụ được giao; báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo kịp thời đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh.

d. Định kỳ (6 tháng, 1 năm) báo cáo đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch này cho UBND tỉnh, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính:

a. Hàng năm, phối hợp với Sở Y tế cân đối, bố trí dự toán kinh phí sự nghiệp y tế, kinh phí đầu tư phát triển và các nguồn khác theo quy định để đảm bảo thực hiện Kế hoạch này; phối hợp huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện Kế hoạch.

b. Phối hợp với Sở Y tế kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch này của các đơn vị, địa phương.

3. Sở Nội vụ:

a. Phối hợp với Sở Y tế trong việc xây dựng kế hoạch tuyển dụng; kế hoạch luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập nhằm tăng cường nhân lực và hỗ trợ chuyên môn cho cơ sở y tế tuyến dưới; xây dựng các chính sách thu hút, ưu đãi nguồn nhân lực y tế chất lượng cao nhằm đảm bảo nguồn nhân lực cho việc thực hiện Kế hoạch.

b. Phối hợp với Sở Y tế kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch này của các đơn vị, địa phương.

4. Sở Thông tin và Truyền thông:

Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tin đại chúng tích cực, chủ động phối hợp với Sở Y tế tăng cường tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức của người dân về phòng bệnh chủ động, phòng chống dịch bệnh, nhằm tạo lòng tin và sự ủng hộ của người dân đối với công tác y tế.

5. Bảo hiểm xã hội tỉnh:

a. Đề xuất với Bảo hiểm xã hội Việt Nam để đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT); đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý, rà soát, in và cấp thẻ BHYT, quy trình thủ tục giám định BHYT…

b. Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh BHYT tại các cơ sở khám chữa bệnh.

c. Chủ trì, phối hợp với các bệnh viện của tỉnh trong công tác giám định BHYT; thực hiện kiểm tra, giám sát việc thanh toán khám chữa bệnh BHYT để đảm bảo quyền lợi của người bệnh có thẻ BHYT.

6. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

a. Phối hợp với Sở Y tế và các Sở, ngành liên quan tổ chức thực hiện các nội dung của Kế hoạch này trên địa bàn quản lý.

b. Cân đối, bố trí kinh phí trong dự toán ngân sách địa phương hàng năm theo phân cấp ngân sách hiện hành để hỗ trợ thực hiện đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng các trạm y tế xã, chỉ đạo thực hiện Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế xã lồng ghép với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

7. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các hội, đoàn thể:

Theo phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, tham gia giám sát, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương liên quan trong việc tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này đạt mục tiêu, kết quả đề ra.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, giao Sở Y tế tổng hợp ý kiến của các đơn vị, địa phương, báo cáo UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh Kế hoạch cho phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh./.

 

PHỤ LỤC:

TÌNH HÌNH SỬ DỤNG GIƯỜNG BỆNH TẠI CÁC BỆNH VIỆN CÔNG LẬP CỦA TỈNH BÌNH ĐỊNH TỪ NĂM 2012 ĐẾN NĂM 2014

TT

Đơn vị

Năm

Số giường bệnh (GB) kế hoạch

Số GB thực kê

Công suất sử dụng GB kế hoạch

Công suất sử dụng GB thực kê

01

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định

2012

1.050

1.236

128,7

109,3

2013

1.050

1.258

126,6

106,5

2014

1.050

1.246

127,6

107,5

02

Bệnh viện đa khoa khu vực Phú Phong

2012

220

417

118,1

62,3

2013

220

417

126,1

66,5

2014

220

417

147,4

77,8

03

Bệnh viện đa khoa khu vực Bồng Sơn

2012

290

474

137,7

84,3

2013

290

484

140,7

84,3

2014

290

494

147,5

86,6

04

Bệnh viện Phục hồi chức năng

2012

50

50

50,6

50,6

2013

50

50

43,9

43,9

2014

50

50

52,3

52,3

05

Bệnh viện Mắt

2012

100

90

82,0

74,2

2013

100

100

60,8

60,8

2014

100

100

65,0

65,0

06

Bệnh viện Lao và bệnh phổi

2012

140

140

100,0

81,0

2013

140

140

100,0

87,0

2014

140

140

100,0

91,0

07

Bệnh viện Tâm thần

2012

130

130

84,4

84,4

2013

130

130

77,2

77,2

2014

130

130

89,4

89,4

08

Bệnh viện Y học cổ truyền

2012

140

171

119,5

97,8

2013

140

171

109,0

89,3

2014

140

171

111,4

91,2

09

Trung tâm Y tế thành phố Quy Nhơn

2012

300

246

84,6

103,2

2013

300

240

94,0

117,0

2014

300

248

91,0

110,0

10

Trung tâm Y tế huyện Tuy Phước

2012

110

185

153,3

91,0

2013

110

185

156,4

93,0

2014

110

185

146,5

87,1

11

Trung tâm Y tế thị xã An Nhơn

2012

150

301

157,7

78,6

2013

150

301

157,7

78,6

2014

150

306

155,0

76,0

12

Trung tâm Y tế huyện Phù Cát

2012

140

242

113,8

65,9

2013

140

259

118,0

63,8

2014

140

249

100,3

56,4

13

Trung tâm Y tế huyện Phù Mỹ

2012

140

219

104,0

64,0

2013

140

219

126,0

77,0

2014

140

229

123,0

76,0

14

Trung tâm Y tế huyện Hoài Nhơn

2012

100

170

202,0

119,0

2013

100

170

205,0

121,0

2014

100

175

171,0

98,0

15

Trung tâm Y tế huyện Hoài Ân

2012

100

130

166,0

127,6

2013

100

140

166,2

118,7

2014

100

150

173,3

123,7

16

Trung tâm Y tế huyện Vân Canh

2012

60

75

85,0

68,0

2013

60

75

90,0

72,0

2014

60

75

92,0

74,0

17

Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Thạnh

2012

80

123

92,2

60,0

2013

80

123

85,4

55,5

2014

80

123

108,5

70,6

18

Trung tâm Y tế huyện An Lão

2012

50

50

102,5

102,5

2013

50

50

98,2

98,2

2014

50

50

91,4

91,4

 

Số liệu chung toàn tỉnh

2012

3.350

4.449

131,8

99,2

2013

3.350

4.512

131,7

97,8

2014

3.350

4.538

131,4

97,0

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 4577/QĐ-UBND năm 2015 về Kế hoạch Giảm quá tải tại bệnh viện công lập của tỉnh Bình Định đến năm 2020

  • Số hiệu: 4577/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 18/12/2015
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định
  • Người ký: Mai Thanh Thắng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản