Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4556/QĐ-BGTVT

Hà Nội, ngày 24 tháng 12 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TÁCH BẠCH CHỨC NĂNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỚI CUNG CẤP DỊCH VỤ CÔNG CỦA TỔNG CỤC ĐƯỜNG BỘ VIỆT NAM

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 ngày 13/11/2008;

Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20/12/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Quyết định số 60/2013/QĐ-TTg ngày 21/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Đường bộ Việt Nam trực thuộc Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Nghị quyết số 19-NQ/BCSĐ ngày 19/6/2015 của Ban Cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải về việc tách chức năng quản lý nhà nước ra khỏi chức năng cung cấp dịch vụ công;

Căn cứ Nghị quyết số 33-NQ/BCSĐ ngày 08/12/2015 của Ban Cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải về việc hoàn thiện Đề án Tách bạch chức năng quản lý nhà nước với cung cấp dịch vụ công của Tổng cục Đường bộ Việt Nam;

Xét đề nghị của Tổng cục Đường bộ Việt Nam tại Tờ trình số 181/TTr-TCĐBVN ngày 21/12/2015 về việc phê duyệt Đề án Tách bạch chức năng quản lý nhà nước với cung cấp dịch vụ công;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Tách bạch chức năng quản lý nhà nước với cung cấp dịch vụ công của Tổng cục Đường bộ Việt Nam” (sau đây gọi tắt là Đề án), gồm các nội dung sau:

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU

1. Đề án tạo cơ sở lý luận để nhận thức đầy đủ về dịch vụ công và góp phần cung cấp một số giải pháp cho việc đổi mới, cải cách quản lý và tổ chức cung ứng dịch vụ công của Tổng cục cho phù hợp với yêu cầu của công cuộc cải cách hành chính hiện nay.

2. Làm rõ chức năng quản lý nhà nước và công tác tổ chức thực hiện dịch vụ công chuyên ngành, phân tích đánh giá tình hình thực hiện từ đó đề xuất các giải pháp hoàn thiện theo hướng đẩy mạnh phân cấp và chuyển giao cho các tổ chức khác thực hiện các dịch vụ công.

3. Đảm bảo công khai, minh bạch trong tổ chức thực hiện dịch vụ công chuyên ngành giao thông vận tải đường bộ.

4. Đề xuất một số nội dung đổi mới tổ chức, quản lý đối với các đơn vị trực tiếp cung cấp dịch vụ công thuộc Tổng cục.

5. Quán triệt chủ trương đổi mới toàn diện công tác quản lý của ngành giao thông vận tải đường bộ với phương châm lấy đường làm trung tâm phục vụ.

6. Tách bạch công tác quản lý của cơ quan nhà nước với các công tác cung ứng dịch vụ công chuyên ngành.

7. Kế thừa và tiếp tục thực hiện những giải pháp của các Đề án đã được phê duyệt.

II. NỘI DUNG, GIẢI PHÁP VÀ LỘ TRÌNH THỰC HIỆN

1. Nội dung tách bạch dịch vụ công

a) Công tác quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện dịch vụ công của Tổng cục Đường bộ Việt Nam trong thời gian qua cơ bản đã được tách bạch; cần tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp đã được phê duyệt trong chương trình cải cách hành chính và các đề án đã được phê duyệt.

b) Đổi mới tổ chức quản lý các Trung tâm kỹ thuật đường bộ thuộc Tổng cục (gồm 5 Trung tâm) theo hướng cổ phần hóa để thành lập 4 doanh nghiệp cổ phần.

2. Các giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện dịch vụ công

a) Về triển khai cải cách hành chính và các đề án đã được phê duyệt

- Tiếp tục rà soát đồng thời tiếp thu ý kiến để kiến nghị sửa đổi hoặc bãi bỏ các thủ tục, quy trình không cần thiết với tinh thần cải cách để tạo sự thông thoáng, thuận lợi nhất cho các tổ chức, cá nhân và phù hợp với thông lệ quốc tế;

- Hiện đại hóa hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin để cung cấp dịch vụ hành chính công cấp độ 3, 4 để đảm bảo mức độ hài lòng cho các tổ chức và cá nhân;

- Đào tạo nâng cao chất lượng cán bộ, tuyển dụng và sắp xếp cán bộ theo vị trí việc làm; chú trọng đến công tác đào tạo đội ngũ cán bộ công chức tiến tới một người có thể đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ.

- Lĩnh vực quản lý phương tiện, người lái: Tiếp tục rà soát, xem xét sửa đổi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và cá nhân phù hợp với thực tế từng giai đoạn. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu thống nhất trong toàn quốc, tạo khả năng cung cấp thông tin trực tuyến trên diện rộng.

- Lĩnh vực quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng và an toàn giao thông: Tiếp tục triển khai Đề án đổi mới toàn diện công tác quản lý, bảo trì hệ thống quốc lộ đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt; Xây dựng cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh về tình trạng kỹ thuật cho các tuyến quốc lộ trong toàn quốc để làm cơ sở cho các Sở Giao thông vận tải và Cục Quản lý đường bộ thực hiện cấp giấy phép lưu hành.

- Lĩnh vực quản lý vận tải đường bộ: Tiếp tục thực hiện Đề án “Đổi mới quản lý vận tải đường bộ theo hướng hiện đại, hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm thiểu tai nạn giao thông đường bộ”; thực hiện thí điểm “Sàn Giao dịch vận tải hàng hóa” và hình thành hệ thống Sàn Giao dịch tạo điều kiện kết nối giữa người vận tải, cơ quan quản lý nhà nước và chủ hàng để tạo sự công khai, minh bạch trong thị trường vận tải.

b) Về đổi mới tổ chức hoạt động các Trung tâm Kỹ thuật đường bộ

Xây dựng phương án cổ phần hóa 05 Trung tâm Kỹ thuật đường bộ theo hướng thành lập 04 doanh nghiệp tại 04 khu vực để thực hiện nhiệm vụ hiện nay của các Trung tâm Kỹ thuật đường bộ, trình Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương, bảo đảm thành lập xong trong Quý II/2016.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Tổng cục Đường bộ Việt Nam chủ trì

- Tiếp tục thực hiện chương trình cải cách hành chính đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt.

- Tiếp tục triển khai các đề án đã được phê duyệt của Tổng cục (đang trong giai đoạn thực hiện) có liên quan đến tổ chức thực hiện dịch vụ công.

- Xây dựng phương án thành lập 04 doanh nghiệp cổ phần từ 05 Trung tâm Kỹ thuật đường bộ trình Bộ Giao thông vận tải.

- Tổ chức thực hiện và chỉ đạo thực hiện các nội dung công tác cổ phần hóa các Trung tâm sau khi đã được phê duyệt.

2. Vụ Pháp chế

Rà soát, đề xuất sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

3. Vụ Quản lý doanh nghiệp

Chủ trì, phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các cơ quan liên quan, xây dựng phương án thành lập 04 doanh nghiệp cổ phần từ 05 Trung tâm Kỹ thuật đường bộ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trình Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương, bảo đảm thành lập xong trong Quý II/2016.

4. Vụ Tài chính

Chủ trì tham mưu trình Bộ trưởng xử lý các vấn đề liên quan đến cơ chế tài chính của Tổng cục Đường bộ Việt Nam theo quy định.

5. Vụ Tổ chức cán bộ

Chủ trì phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan, thẩm định Đề án trình Bộ GTVT và đôn đốc thực hiện.

6. Các cơ quan tham mưu giúp việc Bộ trưởng

Theo chức năng nhiệm vụ được giao, hướng dẫn, hỗ trợ Tổng cục ĐBVN trong quá trình thực hiện Đề án.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Chánh Văn phòng UBAT Giao thông quốc gia, các Vụ trưởng, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./. 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Các Thứ trưởng;
- Đảng ủy Bộ GTVT;
- Các Sở GTVT;
- Cổng TTĐT, Báo GT, Tạp chí GTVT;
- Lưu: VT, TCCB (Hùng).

BỘ TRƯỞNG




Đinh La Thăng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 4556/QĐ-BGTVT năm 2015 phê duyệt Đề án Tách bạch chức năng quản lý nhà nước với cung cấp dịch vụ công của Tổng cục Đường bộ Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 4556/QĐ-BGTVT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 24/12/2015
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
  • Người ký: Đinh La Thăng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản