Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 453/QĐ-UBND

Kon Tum, ngày 27 tháng 06 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐỀ ÁN “KIỆN TOÀN TỔ CHỨC VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CỦA TỔ CHỨC PHÁP CHẾ Ở CÁC CƠ QUAN CHUYÊN MÔN THUỘC ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VÀ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân và Ủy ban nhân dân năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế; Nghị định số 48/2013/ND-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Đề án “Kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức pháp chế ở các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, giám đốc/tổng giám đốc các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Tư pháp (b/c);
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh (c/d);
- Như Điều 3 (t/h);
- Lưu VT, NC4.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.
CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Hải

 

ĐỀ ÁN

KIỆN TOÀN TỔ CHỨC VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CHỨC PHÁP CHẾ Ở CÁC CƠ QUAN CHUYÊN MÔN THUỘC UBND TỈNH VÀ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 453/QĐ-UBND ngày 27/6/20/13 của UBND tỉnh)

I. SỰ CẦN THIẾT, CƠ SỞ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Sự cần thiết xây dựng Đề án

Hoạt động của tổ chức pháp chế ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh (sau đây gọi chung là tổ chức pháp chế tại các đơn vị, doanh nghiệp nhà nước) ngày càng khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng trên các mặt hoạt động: xây dựng, tự kiểm tra, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật; kiểm soát thủ tục hành chính... góp phần bảo đảm tổ chức thi hành pháp luật, tăng cường pháp chế, hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN.

Thời gian qua, Chính phủ và các Bộ, ngành luôn quan tâm đến việc kiện toàn tổ chức pháp chế của Trung ương và địa phương bằng việc ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, tạo cơ sở pháp lý đưa hoạt động này ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả. Vì vậy, việc xây dựng và kiện toàn tổ chức pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh là cần thiết, cấp bách, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ theo quy định hiện hành.

2. Cơ sở pháp lý

Cơ sở pháp lý để xây dựng Đề án kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức pháp chế ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh gồm các văn bản sau:

- Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật;

- Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế (sau đây gọi tắt là Nghị định số 55/2011/NĐ-CP);

- Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính;

- Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp;

- Nghị định số 16/2010/NĐ-CP ngày 03/3/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước;

- Nghị định số 40/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật.

Các văn bản trên đều khẳng định vai trò của công tác pháp chế và sự cần thiết phải thành lập Phòng Pháp chế hoặc bố trí cán bộ làm công tác pháp chế chuyên trách tại các đơn vị, doanh nghiệp nhà nước.

3. Cơ sở thực tiễn

Mặc dù đã được quan tâm thành lập tổ chức, bố trí cán bộ pháp chế và hoạt động bước đầu đem lại kết quả đáng ghi nhận, nhưng thời gian qua, hoạt động pháp chế của các đơn vị, doanh nghiệp nhà nước của tỉnh chưa mang lại hiệu quả cao, hầu hết các đơn vị chưa quan tâm thành lập hoặc bố trí cán bộ làm công tác pháp chế chuyên trách. Theo báo cáo của Sở Tư pháp, tính đến cuối năm 2012, trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 6/14 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh (14 cơ chuyên môn theo quy định phải thành lập tổ chức pháp chế) đã thành lập Phòng Pháp chế (gồm: Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); 08/14 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh còn lại chưa thành lập tổ chức pháp chế; bên cạnh đó 05 cơ quan chuyên môn khác thuộc UBND tỉnh đã bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác pháp chế theo quy định; một số sở, ngành còn lại (ngoài 19 cơ chuyên môn nói trên của UBND tỉnh) đã tạm thời bố trí cán bộ kiêm nhiệm, lý do chủ yếu là chưa được phân bổ biên chế hoặc chưa tuyển dụng được cán bộ đáp ứng tiêu chuẩn, yêu cầu nhiệm vụ. Đối với các doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh, đến nay không có doanh nghiệp nào thành lập tổ chức pháp chế chuyên trách mà chỉ thành lập tổ pháp chế kiêm nhiệm, bố trí cán bộ pháp chế chuyên trách. Trong khi đó, số lượng công việc mà cán bộ pháp chế được giao theo quy định pháp luật và sự phân công, chỉ đạo của UBND tỉnh gồm các công việc như sau: xây dựng pháp luật; rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; theo dõi tình hình thi hành pháp luật và kiểm tra việc thực hiện pháp luật; bồi thường của nhà nước; hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; tham mưu về các vấn đề pháp lý và tham gia tố tụng; thi đua khen thưởng trong công tác pháp chế; kiểm soát thủ tục hành chính... Ngoài ra, tổ chức, cán bộ pháp chế còn thực hiện một số nhiệm vụ khác do thủ trưởng đơn vị, doanh nghiệp nhà nước phân công hoặc theo quy định khác của pháp luật.

Với nhiệm vụ được giao nêu trên, cán bộ pháp chế phải được bố trí chuyên trách. Vì vậy, việc xây dựng và kiện toàn tổ chức pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh là hoàn toàn cần thiết.

II. MỤC TIÊU, YÊU CẦU, NGUYÊN TẮC XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Mục tiêu

- Xây dựng và kiện toàn tổ chức pháp chế của các các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh, đảm bảo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao;

- Thường xuyên theo dõi, kiểm tra công tác pháp chế tại các đơn vị, doanh nghiệp nhà nước để phát hiện, kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót nhằm đưa công tác pháp chế đi vào ổn định, nề nếp, tuân thủ đúng quy định, phát huy hiệu lực, hiệu quả của công tác pháp chế tại các đơn vị, doanh nghiệp nhà nước.

2. Yêu cầu

- Việc kiện toàn tổ chức, bộ máy tổ chức pháp chế của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và doanh nghiệp nhà nước phải được tiến hành khẩn trương, nghiêm túc, đảm bảo đúng quy định;

- Từng bước xây dựng và ổn định về tổ chức, biên chế; nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ; đề cao trách nhiệm của lãnh đạo cơ quan, đơn vị và cán bộ pháp chế, bảo đảm chất lượng, hiệu quả của hoạt động pháp chế.

3. Nguyên tắc xây dựng Đề án

- Việc xây dựng Đề án nhằm cụ thể hóa các quy định của Chính phủ và phù hợp với thực tế địa phương;

- Củng cố, kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng của tổ chức pháp chế thực hiện theo lộ trình;

- Việc bố trí cán bộ cho tổ chức pháp chế phải đảm bảo về phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, tiêu chuẩn công chức theo pháp luật quy định;

- Đảm bảo kinh phí, trang thiết bị cho hoạt động pháp chế; thực hiện các chế độ, chính sách theo đúng quy định pháp luật đối với đội ngũ cán bộ, công chức, người làm công tác pháp chế.

III. NỘI DUNG

1. Về kiện toàn tổ chức pháp chế

Thời gian thực hiện: từ nay đến hết tháng 11/2013.

a) Đối với cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh:

Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh quy định tại Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP chưa thành lập Phòng Pháp chế thì phải thành lập xong Phòng Pháp chế. Các sở, ban, ngành sau đây phải bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác pháp chế: Văn phòng UBND tỉnh, Sở Ngoại vụ, Sở Tư pháp, Thanh tra tỉnh, Ban Dân tộc.

Biên chế và các thủ tục thực hiện việc thành lập Phòng Pháp chế thực hiện theo quy định hiện hành. Phòng Pháp chế phải được bố trí từ 02 biên chế trở lên, đối với những cơ quan có khối lượng công việc lớn, phức tạp có thể bố trí ít nhất 03 biên chế.

Giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sơ Tư pháp hướng dẫn các sở, ban, ngành về trình tự, thủ tục thành lập Phòng Pháp chế; tham mưu UBND tỉnh phân bổ biên chế phù hợp với đặc thù của từng cơ quan, đơn vị.

b) Đối với doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh:

Căn cứ nhu cầu của doanh nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp quyết định thành lập Phòng Pháp chế, bộ phận pháp chế hoặc bố trí nhân viên pháp chế chuyên trách thuộc doanh nghiệp.

2. Nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức pháp chế trên địa bàn tỉnh

a) Tiêu chuẩn công chức pháp chế:

Việc điều động, tuyển dụng, bổ nhiệm công chức pháp chế phải bảo đảm đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Nghị định số 55/2011/NĐ-CP.

b) Chức năng, nhiệm vụ của tổ chức pháp chế ở cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh:

Thực hiện theo quy định tại Điều 6, Điều 7 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP; Khoản 3 Điều 4 Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính và các văn bản pháp luật có liên quan.

c) Chế độ chính sách, kinh phí và biện pháp bảo đảm hoạt động của tổ chức pháp chế:

- Đối với tổ chức pháp chế của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh:

Chế độ chính sách đối với người làm công tác pháp chế ngành thực hiện theo quy định hiện hành. Kinh phí hoạt động của pháp chế ngành nằm trong kinh phí hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị. Trình tự, thủ tục lập dự toán, sử dụng, quyết toán kinh phí cho hoạt động pháp chế thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan.

Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh phải bảo đảm các điều kiện hoạt động cần thiết cho tổ chức pháp chế thuộc cơ quan, đơn vị mình như về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động chuyên môn...

- Đối với pháp chế thuộc doanh nghiệp nhà nước: thực hiện theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, lao động, bảo hiểm...

Doanh nghiệp nhà nước có thể vận dụng tiêu chuẩn, chế độ của người làm công tác pháp chế ở cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh để lựa chọn, bố trí, sử dụng và quyết định chế độ đối với cán bộ pháp chế thuộc doanh nghiệp của mình.

d) Công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đối với người làm công tác pháp chế:

Hằng năm, Sở Tư pháp có trách nhiệm phối hợp với các ngành có liên quan xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho các đối tượng là người làm công tác pháp chế, trình UBND tỉnh phê duyệt; triển khai thực hiện sau khi được UBND tỉnh phê duyệt.

Người làm công tác pháp chế, Phòng Pháp chế chịu sự hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Vụ Pháp chế thuộc Bộ chuyên ngành và chịu sự kiểm tra về chuyên môn nghiệp vụ của Sở Tư pháp.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Tư pháp:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ hướng dẫn các cơ quan có liên quan triển khai có hiệu quả, đúng tiến độ của Đề án; kiểm tra, tổng hợp kết quả thực hiện đề án, hằng năm báo cáo UBND tỉnh theo thời hạn báo cáo năm do Bộ Tư pháp quy định hoặc theo yêu cầu của UBND tỉnh.;

- Chịu trách nhiệm bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện công tác pháp chế ngành; hằng năm xây dựng, triển khai thực hiện các kế hoạch có liên quan đến hoạt động của tổ chức pháp chế;

- Giúp UBND tỉnh rà soát, tự kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật của UBND tỉnh quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn các sở, ban, ngành và kiến nghị bổ sung quy định việc thực hiện công tác pháp chế theo quy định của pháp luật;

- Định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết về công tác pháp chế trên địa bàn tỉnh;

- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định pháp luật và chỉ đạo của UBND tỉnh có liên quan đến công tác pháp chế.

2. Sở Nội vụ:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và các cơ quan liên quan bảo đảm việc thành lập, bố trí cán bộ pháp chế đúng tiến độ, quy định;

- Hướng dẫn các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh đề xuất UBND tỉnh bổ sung quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của pháp chế ngành vào Quyết định của UBND tỉnh về ban hành Quy định về tổ chức và hoạt động của cơ quan, đơn vị mình;

- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định pháp luật và chỉ đạo của UBND tỉnh để bảo đảm thực hiện có hiệu quả Đề án này.

3. Sở Tài chính:

Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, các ngành có liên quan tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí để đảm bảo cho hoạt động quản lý nhà nước về công tác pháp chế; hoạt động pháp chế của các ngành theo quy định của pháp luật.

4. Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh:

- Căn cứ vào Đề án đã được phê duyệt, thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Đề án có hiệu quả, đúng tiến độ. Trước mắt, thành lập Phòng Pháp chế và bố trí cán bộ đủ tiêu chuẩn làm công tác pháp chế chuyên trách và báo cáo kết quả thực hiện về Sở Tư pháp trước ngày 20/11/2013 để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh;

- Phối hợp với Sở Tư pháp xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch hằng năm về công tác pháp chế lại cơ quan, đơn vị;

- Chủ động thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác pháp chế thuộc cơ quan, đơn vị.

5. Các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh:

Căn cứ Đề án này để lựa chọn mô hình tổ chức pháp chế phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả công tác pháp chế, đảm bảo tính pháp lý cho mọi hoạt động của doanh nghiệp. Trường hợp thành lập, bố trí tổ chức pháp chế phải quan tâm bố trí các điều kiện cần thiết để tổ chức pháp chế hoạt động có hiệu quả.

Trong quá trình triển khai thực hiện Đề án, nếu có khó khăn, vướng mắc phát sinh, các đơn vị, doanh nghiệp cần phản ánh kịp thời về Sở Tư pháp để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 453/QĐ-UBND năm 2013 Đề án “Kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức pháp chế ở cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh Kon Tum"

  • Số hiệu: 453/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 27/06/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Kon Tum
  • Người ký: Nguyễn Hữu Hải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 27/06/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản