Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 45/2025/QĐ-UBND | Ninh Thuận, ngày 07 tháng 5 năm 2025 |
QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CHI CỤC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG THUỘC SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ MÔI TRƯỜNG TỈNH NINH THUẬN
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 02 năm 2025;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 19 tháng 02 năm 2025;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 17 tháng 11 năm 2020;
Căn cứ Nghị quyết số 190/2025/NQ-QH15 ngày 19 tháng 02 năm 2025 của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 78/2025/NĐ-CP ngày 01 tháng 4 năm 2025 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp để tổ chức, hướng dẫn thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;
Căn cứ Nghị định số 45/2025/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2025 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương;
Căn cứ Nghị định số 158/2018/NĐ-CP ngày 22 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính;
Căn cứ Nghị định số 62/2020/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và biên chế công chức;
Căn cứ Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng và quản lý công chức;
Căn cứ Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập;
Căn cứ Thông tư số 05/2021/TT-BTNMT ngày 29 tháng 5 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Tài nguyên và Môi trường thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Phòng Tài nguyên và Môi trường thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tại Tờ trình số 48/TTr-SNNMT ngày 25 tháng 3 năm 2025; ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp tại Báo cáo số 843/BC-STP ngày 20 tháng 3 năm 2025 và ý kiến trình của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 1259/TTr-SNV ngày 01 tháng 4 năm 2025 và Tờ trình số 1601/TTr-SNV ngày 25 tháng 4 năm 2025;
Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Chi cục Bảo vệ môi trường thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Ninh Thuận.
Điều 1. Vị trí, chức năng
1. Chi cục Bảo vệ môi trường là tổ chức hành chính trực thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường, giúp Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, chất thải rắn và biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh.
2. Chi cục Bảo vệ môi trường có tư cách pháp nhân, có con dấu, có tài khoản riêng theo quy định của pháp luật; chịu sự chỉ đạo, quản lý của Sở Nông nghiệp và Môi trường; đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của các đơn vị chuyên môn trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
3. Trụ sở làm việc của Chi cục Bảo vệ môi trường đặt tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.
Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn
Tham mưu, giúp Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường thực hiện các nhiệm vụ sau:
1. Chủ trì hoặc tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch, dự án, đề án về bảo vệ môi trường theo phân công của Giám đốc Sở; tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch, dự án, đề án liên quan đến chức năng, nhiệm vụ đã được cấp có thẩm quyền ban hành, phê duyệt.
2. Về môi trường:
a) Tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; phương án cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định của pháp luật và phân cấp;
b) Tổ chức cấp, cấp đổi, điều chỉnh, cấp lại, tước quyền sử dụng, thu hồi giấy phép môi trường theo quy định của pháp luật và phân cấp;
c) Kiểm tra, xác nhận hoàn thành từng phần cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh; phối hợp kiểm tra, xác nhận hoàn thành toàn bộ cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản khi tiến hành thủ tục đóng cửa mỏ thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh; tổ chức xác nhận việc đăng ký và thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường của các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật; tổ chức thực hiện hoạt động đăng ký, công nhận, cấp, thu hồi các loại giấy phép, giấy chứng nhận về đa dạng sinh học thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật; thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học theo sự phân công của Ủy ban nhân dân tỉnh; thẩm định hồ sơ cấp giấy phép trao đổi, mua, bán, tặng, cho, thuê mẫu vật của loài thuộc danh mục loài được ưu tiên bảo vệ; thẩm định hồ sơ cấp giấy phép nuôi trồng loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;
d) Tổ chức quản lý, kiểm soát nguồn thải, nguồn ô nhiễm từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn theo quy định của pháp luật, gồm: hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc vận hành thử nghiệm công trình bảo vệ môi trường; tiếp nhận, xử lý số liệu quan trắc tự động liên tục đối với nguồn thải, nguồn ô nhiễm; kiểm tra, giám sát hoạt động quan trắc định kỳ đối với nguồn thải, nguồn ô nhiễm; theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra hoạt động bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn quản lý theo quy định;
đ) Tổ chức điều tra, đánh giá, xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch, đề án, dự án xử lý ô nhiễm, cải tạo và phục hồi chất lượng môi trường theo quy định của pháp luật và theo phân công của Ủy ban nhân dân tỉnh; tổ chức thực hiện công tác bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn theo sự phân công của Ủy ban nhân dân tỉnh và theo quy định của pháp luật;
e) Tổ chức xây dựng phương án bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học lồng ghép vào quy hoạch tỉnh; tổ chức điều tra, đánh giá, lập danh mục, dự án thành lập các khu bảo tồn thiên nhiên, hành lang đa dạng sinh học, khu vực đa dạng sinh học cao, vùng đất ngập nước quan trọng, cảnh quan sinh thái quan trọng, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học; tổ chức biện pháp bảo tồn loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, bảo tồn nguồn gen các loài bản địa, loài có giá trị tại địa phương; quản lý, giám sát hoạt động tiếp cận nguồn gen và tri thức truyền thống gắn với nguồn gen theo quy định của pháp luật; kiểm soát các loài sinh vật ngoại lai xâm hại, sinh vật biến đổi gen và sản phẩm, hàng hóa có nguồn gốc từ sinh vật biến đổi gen; tổ chức kiểm kê, quan trắc, lập báo cáo đa dạng sinh học, xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học; tổ chức thực hiện việc chi trả dịch vụ môi trường liên quan đến đa dạng sinh học cấp tỉnh; lập hồ sơ đề cử công nhận và thực hiện chế độ quản lý các danh hiệu quốc tế về bảo tồn (khu Ramsar, vườn di sản của ASEAN, khu dự trữ sinh quyển thế giới);
g) Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường; cải tạo phục hồi môi trường sau sự cố theo quy định của pháp luật;
h) Tổ chức xây dựng, quản lý hệ thống quan trắc môi trường, thực hiện quan trắc môi trường, thông tin về chất lượng môi trường, cảnh báo về ô nhiễm môi trường trên địa bàn theo quy định của pháp luật;
i) Tổ chức xây dựng, quản lý dữ liệu, thông tin và xây dựng báo cáo về môi trường theo quy định của pháp luật; tham mưu tổ chức thực hiện các chỉ tiêu thống kê môi trường trong các chiến lược, quy hoạch, đề án, dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định của pháp luật;
k) Tổ chức xác định thiệt hại đối với môi trường; yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái gây ra trên địa bàn theo quy định của pháp luật;
l) Tổng hợp nhu cầu kinh phí sử dụng nguồn sự nghiệp bảo vệ môi trường hàng năm của các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện gửi Sở Tài chính để cân đối trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; theo dõi, giám sát việc thực hiện kế hoạch và dự toán ngân sách từ nguồn sự nghiệp bảo vệ môi trường sau khi được phê duyệt theo quy định của pháp luật;
m) Tổ chức thực hiện thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp, khí thải theo quy định; ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện quản lý Quỹ bảo vệ môi trường của địa phương theo phân công và theo quy định của pháp luật;
n) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc giải quyết các vấn đề môi trường liên ngành, liên huyện trên địa bàn tỉnh và công tác khai thác bền vững tài nguyên thiên nhiên theo quy định của pháp luật.
3. Về chất thải rắn:
a) Tổ chức thực hiện quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn; hướng dẫn, kiểm tra hoạt động thu hồi, xử lý các sản phẩm hết hạn sử dụng hoặc thải bỏ đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; tham gia, hướng dẫn, kiểm tra việc nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất và các hoạt động quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại khác trên địa bàn thuộc trách nhiệm theo quy định của pháp luật;
b) Tổ chức xây dựng, triển khai thực hiện nội dung quản lý chất thải rắn trong quy hoạch có liên quan theo thẩm quyền; lập kế hoạch hằng năm cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất chất thải rắn sinh hoạt;
c) Tổ chức tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.
4. Về biến đổi khí hậu:
a) Xây dựng, cập nhật và tổ chức thực hiện kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu của địa phương;
b) Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án về biến đổi khí hậu thuộc phạm vi quản lý;
c) Thực hiện việc lồng ghép nội dung biến đổi khí hậu trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý;
d) Tổ chức triển khai các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu; đánh giá tác động, tính dễ bị tổn thương, rủi ro, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu; xây dựng các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý;
đ) Tổ chức theo dõi, giám sát, đánh giá các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp địa phương thuộc thẩm quyền quản lý;
e) Quản lý hoạt động kinh doanh tín chỉ các-bon; kiểm soát hoạt động sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, tiêu thụ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính tại địa phương theo quy định của pháp luật và theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
g) Tổ chức điều tra, khảo sát, thu thập thông tin, dữ liệu phục vụ kiểm kê khí nhà kính cấp quốc gia và cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia;
h) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan hàng năm lập báo cáo về ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh gửi Bộ Nông nghiệp và Môi trường phục vụ xây dựng báo cáo quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu.
i) Tham gia thực hiện các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng ô-dôn theo phân công của Ủy ban nhân dân tỉnh.
5. Hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ quản lý nhà nước về môi trường đối với Phòng Nông nghiệp và Môi trường thuộc Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; bồi dưỡng nghiệp vụ về bảo vệ môi trường đối với công chức Phòng Nông nghiệp và Môi trường cấp huyện, công chức chuyên môn cấp xã.
6. Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo định kỳ và theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
7. Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của các phòng, đơn vị thuộc Chi cục; tổ chức thực hiện chế độ tiền lương và chính sách, chế độ đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật; công tác cải cách hành chính; quản lý tổ chức bộ máy, biên chế công chức, vị trí việc làm; quản lý và chịu trách nhiệm về tài chính, tài sản, công cụ, phương tiện, trang thiết bị và nguồn lực khác được giao theo phân cấp của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường và quy định của pháp luật.
8. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường và cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao.
Điều 3. Cơ cấu tổ chức
1. Lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường gồm có Chi cục trưởng và 01 Phó Chi cục trưởng.
a) Chi cục trưởng là người đứng đầu Chi cục Bảo vệ môi trường, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường và trước pháp luật về thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chi cục Bảo vệ môi trường và các công việc được Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường phân công hoặc ủy quyền;
b) Phó Chi cục trưởng là người giúp Chi cục trưởng thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ cụ thể do Chi cục trưởng phân công và chịu trách nhiệm trước Chi cục trưởng và trước pháp luật về thực hiện nhiệm vụ được phân công. Khi Chi cục trưởng vắng mặt, Phó Chi cục trưởng được Chi cục trưởng ủy nhiệm thay Chi cục trưởng điều hành các hoạt động của Chi cục.
2. Các phòng chuyên môn thuộc Chi cục:
a) Phòng Tổng hợp và Đánh giá tác động môi trường;
b) Phòng Kiểm soát ô nhiễm.
Điều 4. Biên chế
1. Biên chế công chức của Chi cục Bảo vệ môi trường do cấp có thẩm quyền quyết định giao hằng năm trên cơ sở Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Việc tuyển dụng, sử dụng, nâng bậc lương, chuyển ngạch, bổ nhiệm ngạch, điều động, luân chuyển, đánh giá, phân loại, khen thưởng, kỷ luật, nghỉ hưu, thực hiện chế độ, chính sách khác đối với công chức, người lao động và bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm công chức lãnh đạo Chi cục, các phòng chuyên môn thuộc Chi cục Bảo vệ môi trường thực hiện theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và phân cấp quản lý hiện hành.
Điều 5. Cơ chế tài chính
Cơ chế tài chính của Chi cục Bảo vệ môi trường thực hiện theo quy định tại Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước; Nghị định số 117/2013/NĐ-CP ngày 07/10/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước.
Điều 6. Trách nhiệm thi hành
1. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường có trách nhiệm chỉ đạo Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường triển khai thực hiện các nội dung sau đây và điều hành, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, bảo đảm Chi cục Bảo vệ môi trường hoạt động hiệu lực, hiệu quả:
a) Ban hành các Quyết định:
- Giao chỉ tiêu biên chế đối với lãnh đạo Chi cục và các phòng chuyên môn thuộc Chi cục;
- Phân công nhiệm vụ cụ thể đối với Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng; trực tiếp phân công hoặc giao Trưởng các phòng chuyên môn thuộc Chi cục phân công nhiệm vụ cụ thể đối với Trưởng, Phó, công chức các phòng chuyên môn thuộc Chi cục phù hợp theo tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm;
- Quy chế làm việc, nội quy cơ quan, các quy định khác có liên quan bảo đảm tất cả các hoạt động, điều hành của Chi cục Bảo vệ môi trường theo đúng quy định của pháp luật.
b) Xây dựng và trình Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Giám đốc Sở Nội vụ tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức của Chi cục Bảo vệ môi trường theo đúng quy định hiện hành.
2. Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề phát sinh, không hợp lý, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tổng hợp, báo cáo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Giám đốc Sở Nội vụ xem xét trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền.
Điều 7. Điều khoản thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 06/2009/QĐ-UBND ngày 08 tháng 01 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Ninh Thuận.
2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Nội vụ, Nông nghiệp và Môi trường; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Nghị định 130/2005/NĐ-CP quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước
- 2Nghị định 117/2013/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 130/2005/NĐ-CP quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với cơ quan nhà nước
Quyết định 45/2025/QĐ-UBND quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Chi cục Bảo vệ môi trường thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Ninh Thuận
- Số hiệu: 45/2025/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 07/05/2025
- Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận
- Người ký: Lê Huyền
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 07/05/2025
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra