Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
*****

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 45/2007/QĐ-UBND

 Quy Nhơn, ngày 17 tháng 12 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỘT SỐ CHÍNH SÁCH ĐÀO TẠO CÁN BỘ KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ TRÌNH ĐỘ CAO TỈNH BÌNH ĐỊNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị quyết số 13/2007/NQ-HĐND ngày 19 tháng 7 năm 2007 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định khoá X, kỳ họp thứ 9 về Quy định một số chính sách đào tạo cán bộ khoa học - công nghệ trình độ cao tỉnh Bình Định;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định một số chính sách đào tạo cán bộ khoa học - công nghệ trình độ cao tỉnh Bình Định.

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Giám đốc các sở Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục-Đào tạo giúp UBND tỉnh triển khai thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở Nội vụ, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục-Đào tạo, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Vũ Hoàng Hà

 

QUY ĐỊNH

MỘT SỐ CHÍNH SÁCH ĐÀO TẠO CÁN BỘ KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ TRÌNH ĐỘ CAO TỈNH BÌNH ĐỊNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 45/2007/QĐ-UBND ngày 17/12/2007 của UBND tỉnh)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng đào tạo

1. Cán bộ, công chức, viên chức hiện đang công tác tại các cơ quan thuộc khối Đảng, đoàn thể, cơ quan hành chính, các đơn vị sự nghiệp; cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang; cán bộ, công chức của các ngành Công an, Toà án, Viện kiểm sát được các cơ quan, đơn vị lựa chọn cử đi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ trong nước và nước ngoài theo nhu cầu đào tạo các chuyên ngành của tỉnh.

2. Sinh viên tốt nghiệp đại học đạt loại khá, giỏi; có gia đình và hộ khẩu ở Bình Định nếu có nguyện vọng thì được cử đi học thạc sĩ trong nước hoặc ngoài nước.

3. Sinh viên đang học tại các trường đại học trong nước đạt loại khá, giỏi; phù hợp với chuyên ngành cần đào tạo của tỉnh, có gia đình và hộ khẩu tại Bình Định, nếu có nguyện vọng sau khi tốt nghiệp về tỉnh công tác, sẽ được cử tiếp tục đi học thạc sĩ, tiến sĩ trong và ngoài nước.

4. Học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông đạt loại giỏi; có gia đình và hộ khẩu tại Bình Định, nếu có nguyện vọng sau khi tốt nghiệp về tỉnh công tác, sẽ được cử đi học đại học, thạc sĩ, tiến sĩ trong và ngoài nước.

Điều 2. Tiêu chuẩn

- Có phẩm chất chính trị và đạo đức tốt; có lý lịch rõ ràng; có ý thức tổ chức kỷ luật, nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

- Có trình độ ngoại ngữ đạt chuẩn quy định, bảo đảm nghiên cứu, học tập trong nước hoặc học tại nước ngoài.

- Có đủ sức khoẻ để học tập và công tác.

Điều 3. Điều kiện

1. Điều kiện đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ trong nước

- Đảm bảo tiêu chuẩn nêu trên;

- Tuổi đời không quá 40;

- Đối với cán bộ, công chức, viên chức phải được cơ quan quản lý trực tiếp đồng ý cử đi học;

- Nếu là sinh viên tốt nghiệp đại học đạt loại khá, giỏi; bản thân tự nguyện và được sự đồng ý của gia đình.

2. Điều kiện đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài

- Đảm bảo tiêu chuẩn nêu trên;

- Tuổi đời không quá 30;

- Đối với cán bộ, công chức, viên chức phải được cơ quan quản lý trực tiếp đồng ý cử đi học;

- Nếu là sinh viên tốt nghiệp đại học đạt loại khá, giỏi; bản thân tự nguyện và được sự đồng ý của gia đình.

3. Điều kiện đối với học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông được tuyển chọn đi học đại học chuyên ngành trong nước

- Học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông xếp loại giỏi ở các trường trung học phổ thông trong tỉnh;

- Học sinh đạt giải các kỳ thi quốc gia.

- Bản thân tự nguyện và được sự đồng ý của gia đình.

4. Sinh viên đang học đại học đạt loại khá, giỏi; nếu các chuyên ngành học phù hợp với yêu cầu của tỉnh (nêu tại khoản 1 Điều 4), có nguyện vọng sau khi tốt nghiệp về tỉnh công tác và được sự đồng ý của gia đình, sẽ được cử tiếp tục đi học thạc sĩ, tiến sĩ trong và ngoài nước.

Chương 2:

CHÍNH SÁCH ĐÀO TẠO

Điều 4. Đào tạo trong nước

1. Các chuyên ngành đào tạo trong nước

- Trồng trọt, chăn nuôi, thú y, thuỷ lợi; công nghệ sinh học; nuôi trồng, chế biến hải sản;

- Kinh tế công nghiệp, hoá thực phẩm, cơ khí, hoá dầu, điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin;

- Kế hoạch - đầu tư;

- Kiến trúc, quy hoạch xây dựng;

- Kinh tế thương mại;

- Kinh tế - tài chính, chứng khoán;

- Cầu đường, quy hoạch giao thông, hàng hải;

- Tài nguyên, môi trường;

- Kinh tế lao động;

- Văn hoá, du lịch;

- Y tế các chuyên ngành: tim mạch, thần kinh cột sống, nhi sơ sinh, tâm thần...

- Giáo dục: Quản lý giáo dục, toán, lý, hoá, sinh, văn, các chuyên ngành chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh;

- Các chuyên ngành luật, luật quốc tế;

- Xây dựng Đảng;

- Hành chính công;

Ngoài ra, tuỳ từng giai đoạn cụ thể, sẽ bổ sung chuyên ngành đào tạo phù hợp.

2. Các trường đào tạo trong nước

Các trường đại học công lập có chất lượng (có danh mục kèm theo).

Điều 5. Chính sách hỗ trợ

1. Cán bộ, công chức, viên chức được cử đi học

1.1. Học thạc sĩ trong nước

- Học trong tỉnh: trợ cấp 500.000 đồng/người/tháng.

- Học ngoài tỉnh:            trợ cấp 700.000 đồng/người/tháng.

- Sau khi tốt nghiệp được hỗ trợ 15.000.000 đồng/người.

1.2. Học tiến sĩ trong nước

- Học trong tỉnh: trợ cấp 700.000 đồng/người/tháng.

- Học ngoài tỉnh:            trợ cấp 900.000 đồng/người/tháng.

- Sau khi tốt nghiệp được hỗ trợ 30.000.000 đồng/người.

2. Sinh viên tốt nghiệp đại học đạt loại khá, giỏi được cử đi học

2.1. Học thạc sĩ trong nước

- Trong tỉnh:                   1.000.000 đồng/người/tháng.

- Ngoài tỉnh:                   1.200.000 đồng/người/tháng.

2.2. Học tiến sĩ trong nước

- Trong tỉnh:                   1.200.000 đồng/người/tháng.

- Ngoài tỉnh:                   1.400.000 đồng/người/tháng.

2.3. Mức hỗ trợ bảo vệ luận án tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ như mức cán bộ, công chức, viên chức đi học.

3. Sinh viên đang học đại học đạt loại khá, giỏi; học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông đạt loại giỏi; học sinh đạt giải các kỳ thi quốc gia được cử đi học tại các trường đại học trong nước theo các chuyên ngành đào tạo mà tỉnh có yêu cầu, mức trợ cấp: 1.000.000 đồng/tháng/người; nếu học tiếp thạc sĩ, tiến sĩ thì mức trợ cấp như khoản 2 Điều này.

Điều 6. Đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ngoài nước

1. Cử đi đào tạo tại các nước

Các trường đào tạo có chất lượng tại các nước: Singapo, Úc, Ấn Độ, New Zealand, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan.

2. Chuyên ngành đào tạo

Công nghệ thông tin, viễn thông, công nghệ sinh học, hoá dầu, luật quốc tế, thương mại, tài chính, chứng khoán, kiến trúc, tim mạch, thần kinh cột sống.

3. Chính sách hỗ trợ

3.1. Trước khi đi học nước ngoài, học viên được cử đi học chương trình ngoại ngữ đạt chuẩn. Học viên được trợ cấp 1.000USD/người/khoá. Nếu học không đạt yêu cầu thì ngân sách chi 60%, người học tự trang trải 40% chi phí học tập, không được cử đi học thạc sĩ, tiến sĩ trong nước, ngoài nước.

3.2. Đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ: mức chi đào tạo cụ thể theo quy định của trường được cử đi đào tạo, ngân sách tỉnh đảm bảo chi trọn gói. Nếu học viên không tốt nghiệp thì phải bồi hoàn lại kinh phí đào tạo cho tỉnh.

Điều 7. Thực hiện cam kết trước khi đi học

1. Bản thân học viên và gia đình cam kết sau khi tốt nghiệp, người được cử đi học phải làm việc tại các cơ quan, đơn vị trong tỉnh ít nhất 15 năm (đối với tiến sĩ), 10 năm (đối với thạc sĩ). Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, người được cử đi học phải chấp hành sự phân công công tác và thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

2. Các đối tượng được cử đi học, sau khi tốt nghiệp nếu tự ý ở lại nước ngoài hoặc không chấp hành quyết định bố trí công tác của cơ quan có thẩm quyền của tỉnh, thì gia đình phải bồi hoàn gấp 03 lần kinh phí mà ngân sách tỉnh đã trợ cấp cho người đi học; thời hạn hoàn trả xong, chậm nhất là 3 tháng.

3. Các đối tượng được cử đi đào tạo trong và ngoài nước, nếu không tốt nghiệp hoặc tự ý chuyển sang học chuyên ngành khác mà tỉnh không có nhu cầu thì cá nhân và gia đình phải bồi hoàn toàn bộ các chi phí đào tạo.

Chương 3:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Quy định nguồn kinh phí thực hiện

1. Kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ trợ cấp hàng tháng cho cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên được cử đi học các trường đào tạo trong nước và kinh phí chi cho học viên cử đi học chương trình ngoại ngữ đạt chuẩn và cử đi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ngoài nước tại Quy định này do ngân sách tỉnh chi trả theo quy định hiện hành.

2. Kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ một lần cho các đối tượng sau khi tốt nghiệp được cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ tại Quy định này được chi từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ hàng năm của tỉnh.

Điều 9. Trách nhiệm thực hiện

1. Sở Nội vụ

Chủ trì, phối hợp với các sở Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục Đào tạo giúp UBND tỉnh triển khai thực hiện chính sách đào tạo cán bộ khoa học - công nghệ trình độ cao tại Quy định này.

Phối hợp các cơ quan có liên quan thẩm định, trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt danh sách cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh và danh sách học sinh, sinh viên được cử đi đào tạo theo Quy định này.

Thẩm định trình Chủ tịch UBND tỉnh thoả thuận danh sách cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang; danh sách cán bộ, công chức của các ngành Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát được cơ quan, đơn vị lựa chọn cử đi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ trong nước và nước ngoài hưởng chính sách hỗ trợ tại Quy định này.

2. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan xây dựng dự toán ngân sách thực hiện chính sách đào tạo cán bộ khoa học - công nghệ trình độ cao hàng năm trình UBND tỉnh phê duyệt;

Tổ chức cấp phát kinh phí cho các cơ quan, đơn vị để chi trả cho các đối tượng được cử đi đào tạo theo Quy định này và thanh quyết toán kinh phí theo chế độ quy định hiện hành của Nhà nước.

3. Sở Khoa học và Công nghệ

Chủ trì thẩm tra hồ sơ, thực hiện việc chi trả và thu hồi kinh phí hỗ trợ một lần sau khi tốt nghiệp đối với cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên theo quy định hiện hành.

4. Sở Giáo dục - Đào tạo

Chủ trì triển khai thông báo, hướng dẫn cho học sinh, sinh viên thuộc đối tượng quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 1 Quy định này, có đủ các điều kiện, tiêu chuẩn lập thủ tục hồ sơ đăng ký đào tạo, phối hợp với Sở Nội vụ thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt; có nhiệm vụ theo dõi quản lý và thực hiện chi trả kinh phí đào tạo theo Quy định này cho các đối tượng học sinh, sinh viên được UBND tỉnh cử đi đào tạo.

5. Thủ trưởng các cơ quan quản lý trực tiếp cán bộ, công chức, viên chức

Căn cứ nhu cầu kế hoạch đào tạo cán bộ, công chức, viên chức có trình độ cao thuộc các chuyên ngành đào tạo tại Quy định này, lập danh sách cán bộ, công chức, viên chức cử đi đào tạo trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; đảm bảo thực hiện các chính sách, chế độ theo quy định hiện hành đối với cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo; theo dõi quản lý và báo cáo kết quả thực hiện hàng năm về Sở Nội vụ để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

6. Cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan Đảng, mặt trận, đoàn thể được cử đi đào tạo theo chính sách tại Quy định này, thực hiện theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Tỉnh ủy.

Điều 10. Trách nhiệm thi hành

Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở Nội vụ, Tài chính, Khoa học Công nghệ, Giáo dục-Đào tạo, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quy định này.

Trong quá trình thực hiện Quy định này, nếu thấy chưa phù hợp cần bổ sung, sửa đổi đề nghị phản ánh về Sở Nội vụ và Sở Tài chính để tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

 

DANH MỤC

CÁC TRƯỜNG ĐÀO TẠO TRONG NƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 45/2007/QĐ-UBND ngày 17/12/2007 của UBND tỉnh)

 

1. Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh:

1.1. Trường Đại học Bách khoa

1.2. Trường Đại học Khoa học tự nhiên

1.3. Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn

1.4. Trường Đại học Quốc tế

1.5. Trường Đại học Công nghệ thông tin - Khoa Kinh tế

2. Trường Đại học Quốc gia Hà Nội:

2.1. Trường Đại học Công nghệ

2.2. Trường Đại học Khoa học tự nhiên

2.3. Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn

2.4. Trường Đại học Ngoại ngữ (4 khoa trực thuộc là: Khoa Luật; Khoa Sư phạm; Khoa Kinh tế; Khoa Quốc tế)

3. Học viện Công nghệ Bưu chính - Viễn thông

4. Học viện Ngân hàng

5. Học viện Tài chính

6. Học viện Quan hệ Quốc tế

7. Trường Đại học Bách khoa Hà Nội

8. Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội

9. Trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh

10. Trường Đại học Dược Hà Nội

11. Trường Đại học Giao thông - vận tải Hà Nội

12. Trường Đại học Giao thông - vận tải thành phố Hồ Chí Minh

13. Trường Đại học Hàng hải Hải Phòng

14. Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội)

15. Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội

16. Trường Đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh

17. Trường Đại học Luật Hà Nội

18. Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh

19. Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội

20. Trường Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội

21. Trường Đại học Nông - lâm thành phố Hồ Chí Minh

22. Trường Đại học Thương mại Hà Nội

23. Trường Đại học Thuỷ lợi Hà Nội

24. Trường Đại học Văn hoá Hà Nội

25. Trường Đại học Xây dựng Hà Nội

26. Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh

27. Trường Đại học Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh

28. Trường Đại học Thuỷ sản Nha Trang

29. Trường Đại học Y Hà Nội

30. Trường Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh

31. Học viện Chính trị - Hành chính Hồ Chí Minh

32. Trường Đại học Quy Nhơn.